GIÁO XỨ DU SINH
Hai chữ “Du-sinh” có nghĩa là Giu-se, theo cách phiên âm của cha Bửu Dưỡng, người sáng lập giáo xứ. Về sau, có người giải thích rằng “du sinh” nói lên nguồn gốc của những cư dân tại đây, vì họ như những dân du mục rày đây (miền Bắc) mai đó (miền Nam); sâu xa hơn, “du sinh” còn nhắc người tín hữu của Đức Ki-tô về cuộc lữ hành trần thế.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Khu vực ngày nay có tên là Chi-lăng đã được khai hoang để trồng trọt và chăn nuôi từ đầu thập niên 1920, do một người Pháp có tên là Mieville. Tháng 12 năm 1936, có ba linh mục người Pháp dòng Biển-đức đến Đà-lạt xây dựng cơ sở tại một nơi gần hồ Than Thở. Đến những năm cuối thập niên 1930, nhiều biệt thự của người Pháp mọc lên ở khu vực này.
Ngày 12-8-1954, một số đồng bào di cư miền Bắc đáp máy bay từ Sài-gòn đến phi trường Liên-khương, được xe đón về vùng đất hiện nay là khuôn viên tu viện Phan-xi-cô Du-sinh. Họ dựng lều sát trại Đa-minh (giáo xứ Minh-giáo) và xin gia nhập trại này nhưng bị từ chối vì trại Đa-minh đã quá đông. Trong số các gia đình bơ vơ ấy có một số gia đình quen biết cha Thiên Phong Bửu Dưỡng thuộc dòng Đa-minh từ hồi còn ở Hà-nội, và lúc này cha đang ở đường Pasteur, Đà-lạt; họ đến cầu cứu cha đứng ra lập trại định cư. Cha đồng ý và thế là trại định cư Du-sinh ra đời, nằm trên một diện tích ban đầu là bốn cây số vuông, gồm ba ngọn đồi và vùng đất xung quanh.
Với tài ba và uy tín của cha Bửu Dưỡng, giáo xứ Du-sinh (lúc bấy giờ chưa được công nhận là giáo xứ) đã phát triển mạnh cả về số lượng dân cư lẫn về tinh thần đạo đức. Số giáo dân lên đến khoảng 2.500 người, tuy gốc gác khác nhau, nhưng rất hiệp nhất, sinh hoạt năng nổ và có nhiều tổ chức đạo đức phong phú. Đây là thời vàng son của Du-sinh, thời của bình an, vui tươi, hạnh phúc.
Về mặt địa dư, giáo xứ Du-sinh tọa lạc giữa hai con đường Huyền Trân Công Chúa và Hoàng Văn Thụ, phía Đông-Nam giáp giáo xứ Minh-giáo, phía Bắc giáp giáo xứ Vạn-thành, phía Tây giáp nghĩa trang Du-sinh và phía Đông có lãnh địa của trường Đức Bà Lâm-viên (nay là trường dân tộc nội trú), được giới hạn bởi đường Hoàng Văn Thụ.
Hai biến cố đã làm thay đổi bộ mặt của Du-sinh:
Với biến cố Tết Mậu-Thân 1968, Du-sinh bị thiệt hại nặng nề: nhà thờ bị hư hại nặng, nhà xứ bị cháy rụi hoàn toàn, 97 nóc nhà dân bị cháy, các cơ sở chung như trường học, nhà dục anh… bị bắn phá. Bà con giáo dân sơ tán, giáo xứ tan tác. Bốn tháng sau, một số trở về xây dựng lại cuộc sống và giáo xứ, số khác không còn quay về nữa (giáo khu Tử Đạo thuộc giáo xứ Chánh tòa hình thành là do một số gia đình từ Du-sinh chuyển đến). Du-sinh chỉ còn khoảng 600 người và bắt đầu lại từ “số sót” này.
Thời gian chưa đủ để hồi sức thì biến cố 1975 xảy đến. Sau những ngày lánh nạn trở về, do sự thay đổi nếp sống và do hoàn cảnh kinh tế lúc mới giải phóng, đa số giáo dân Du-sinh không có đủ đất canh tác nên trở thành đối tượng ưu tiên của các cuộc vận động đi xây dựng kinh tế mới. Nhưng Du-sinh cũng dần dần thích nghi được với hoàn cảnh mới, nhờ tài xoay sở và óc sáng kiến của người dân.
Các đời cha sở của giáo xứ Du-sinh:
1. Cha Thiên Phong Bửu Dưỡng (1955-1961). Là người sáng lập, vị đại ân nhân của giáo xứ.
2. Cha Giu-se Nguyễn Kim Ngôn (1961-1962). Là cha phó của cha Bửu Dưỡng từ năm 1957. Cha đã hoàn thành việc xây dựng tháp chuông vào năm 1962 dựa trên sơ đồ cha Bửu Dưỡng để lại. Cũng năm 1962, trại định cư Du-sinh trở thành giáo xứ do quyết định của Đức Cha Xi-mong Hòa Nguyễn Văn Hiền.
3. Cha Phê-rô Trần Phúc Long (1962-1975). Ngài là người đã xây dựng nhà xứ mới như ta thấy hiện nay thay cho nhà xứ cũ bị thiêu rụi trong biến cố Mậu-Thân; ngài cũng là người đã xây cất ngôi nhà nguyện Mân Côi ở dưới chân đồi, gần thác Cam-Ly.
4. Cha Phao-lô Nguyễn Văn Hồ (1975-1992). Với biến cố 1975, giáo xứ Du-sinh không còn cha sở. Đức Cha Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm đã trao giáo xứ cho các cha dòng Phan-xi-cô và cha Hồ được bổ nhiệm quản xứ trong giai đoạn khó khăn này.
5. Cha Phan-xi-cô Vũ Phan Long (1992-1994). Được cử phụ trách giáo xứ tạm thời thay cha Hồ. Với tài khôn khéo và trẻ trung, cha đã phục hưng các sinh hoạt của giáo xứ, lập các hội đoàn huynh trưởng, thanh niên, hiền mẫu.
6. Cha Đa-minh Nguyễn Ngọc Hiếu (1995-1999). Đang giúp cha Liêm ở giáo xứ Suối Thông B và Thạnh-Mỹ, giáo hạt Đơn-dương, cha Hiếu được Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn bổ nhiệm làm quản xứ Du-sinh. Nhưng do nhiều khó khăn và tranh chấp trong giáo xứ đưa cha vào bế tắc, cha đã xin Tỉnh dòng chuyển công tác.
TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Linh mục quản xứ: Cha Phao-lô Đinh Quỳnh Hoa, được cử thay cha Hiếu từ năm 1999. Cha Hoa sinh năm 1948, thụ phong linh mục năm 1977, nhậm giáo xứ năm 1999.
Nhà thờ Du-sinh: Được xây dựng từ năm 1956 và khánh thành vào dịp lễ Giáng Sinh 1957; riêng tháp chuông thì được hoàn thành năm 1962. Đây là ngôi nhà thờ duy nhất ở Đà-lạt được xây dựng theo lối kiến trúc Á-đông, với tháp mái uốn cong và nhiều hoa văn, rất gần gũi với dân tộc và lạ mắt đối với du khách nước ngoài. Các cột xung quanh nhà thờ được tô dạng cây trúc với những câu Tin Mừng bằng chữ Nôm. Nếu ta biết rằng cha Bửu Dưỡng xuất thân từ dòng họ vua chúa nhà Nguyễn, từ một gia đình sùng đạo Phật, chính ngài cũng đã từng đi tu chùa, là một nhà trí thức uyên bác thông thạo Hán Nôm, chuyên về triết học Đông phương… thì ta hiểu được vì sao nhà thờ Du-sinh có lối kiến trúc và trang trí như vậy, vì chính cha Bửu Dưỡng là tác giả của công trình đó.
Cha xứ Du-sinh đương nhiệm đã kể lại giai thoại sau đây:
Một hôm, có hai người khách đi xe máy chạy qua cổng nhà thờ, lên tận nhà xứ nằm ngay sau nhà thờ, đưa mắt nhìn quanh như đang tìm kiếm một địa chỉ. Gặp cha xứ đang lao động, họ hỏi: “Chú ơi, cho hỏi: nghe nói ở đây có nhà thờ, đâu vậy chú?” Cha xứ đáp lại: “Nhà thờ đó, ông bà có chuyện gì vậy?” Hai ông bà ngạc nhiên nói: “Ủa, nhà thờ sao mà giống chùa thế? Tưởng chỉ có chùa mới có rồng chứ!” Cha xứ đáp: “Rồng ở đâu mà chả có được. Đây là nhà thờ chùa, nhà thờ Du-sinh”…
Vâng, nhà thờ Du-sinh là như thế, một kiểu kiến trúc độc đáo đi trước cả tiến trình hội nhập văn hóa của các giáo hội Á châu.
Như đã nói ở trên, nhà thờ Du-sinh đã bị hư hại nặng nề trong biến cố Mậu-Thân. Cha Sở thứ ba là Phê-rô Trần Phúc Long đã tu sửa lại.
Để mừng Đại Năm Thánh 2000, cha sở đương nhiệm đã thực hiện một số tu sửa và xây dựng mới: tháp chuông, mặt bằng xung quanh nhà thờ, cổng nhà thờ, đài Thánh Giu-se, Bổn mạng giáo xứ.
Đoàn thể: Giáo xứ Du-sinh có đầy đủ ban bệ, đoàn thể, đặc biệt là giới gia trưởng, hiền mẫu và ca đoàn.
Ca đoàn Du-sinh trước đây có tên là ca đoàn Ghê-gô-ri-ô, nay mang tên là ca đoàn Phan-xi-cô. Tuy có một số khó khăn nội tại, ca đoàn Du-sinh vẫn tham gia khá tích cực các sinh hoạt thánh nhạc trong giáo hạt; đã phục vụ lễ giới trẻ giáo hạt chiều thứ Sáu đầu tháng tại nhà thờ Chánh tòa bốn lần (3/1994, 7/1996, 9/2000 và 9/2002), và sắp tới ca đoàn sẽ phục vụ lễ giới trẻ giáo hạt vào thứ Sáu đầu tháng 12/2003. Ca đoàn Du-sinh cũng đã góp tiếng hát cho giờ ca nguyện ngày đầu năm Dương lịch tại nhà thờ Chánh tòa bốn lần (1998, 1999, 2002 và 2003). Hiện nay anh Giu-se Chu Văn Liêm là người phụ trách ca đoàn Du-sinh.
Các dòng tu tại giáo xứ:
– Dòng Phan-xi-cô: lo mục vụ giáo xứ
– Dòng Đức Bà Lâm-viên và dòng Mến Thánh Giá Khiết-tâm (Hà-nội): lo việc dạy giáo lý.
Sinh hoạt giáo xứ:
– Về phụng vụ: giáo xứ có một thánh lễ mỗi ngày lúc 5 giờ, riêng chiều thứ Năm có thêm thánh lễ lúc 17 giờ cho thiếu nhi, và mỗi tháng có thêm hai lễ chiều cho gia trưởng và hiền mẫu. Ngày Chúa Nhật có ba thánh lễ: lúc 5 giờ 30 dành cho người lớn, lúc 8 giờ dành cho thiếu nhi và lúc 16 giờ tại nhà nguyện Mân Côi.
– Về giáo lý: Giáo xứ có giờ giáo lý cho thiếu nhi vào các ngày Chúa Nhật. Từ hơn một năm nay, có các thầy Don Bosco đến giúp thiếu nhi sinh hoạt vui chơi sau giờ giáo lý.
– Ca đoàn: tập hát vào các tối thứ Bảy và Chúa Nhật.
– Kinh Mân Côi: Các tháng 5 và 10, có tổ chức giờ kinh tối gia đình theo từng giáo khu (Giáo xứ Du-sinh có ba giáo khu là Vô Nhiễm, Truyền Tin và Mân Côi).
Cập Nhật 6-9-2003
Giáo xứ Du Sinh trên đường Hành Hương 16/8 đến 20/8 năm 2010