GIÁO XỨ ĐẠ TÔNG
– Thông Tin Giáo Xứ:
- Bổn Mạng: ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM (08/12)
- Cha Quản xứ: Bartôlômêô Nguyễn văn Gioan
- Tổng số hộ gia đình : 1.832
- Tổng số nhân danh : 11.711 (Kinh : 93 + Thượng: 11.618 )
- Địa chỉ: Thôn Liêng Trang 2, xã Đạ Tông
– Lịch Phụng Vụ:
- Ngày Thường:
- Sáng: 05h15
- Thứ 7:
- Chiều: 17h15
- Chúa Nhật:
- Lễ 1: 06h00
- Lễ 2: 07h30
- Chiều: 16h30
– Lược sử Giáo xứ:
Đạ Tông là một xã thuộc huyện Đam Rông. Đây là huyện mới được thành lập đầu năm 2005, nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, bao gồm 3 xã tách ra từ huyện Lạc Dương là Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông, và 5 xã tách ra từ huyện Lâm Hà là Rômen, Phi Liêng, Liêng Srôn, Đạ K’ Nàng, Đạ San. Dân số trong huyện là 30.633 người. Phía đông giáp với giáo xứ Langbiang. Phía tây giáp với Ban Mê Thuột. Phía nam giáp với giáo xứ Phú Sơn. Phía bắc giáp với Ban Mê Thuột. Diện tích khuôn viên nhà thờ khoảng 40.000 m2. Nếu di chuyển theo quốc lộ 20 đến ngã ba Liên Khương, quẹo phải để vào quốc lộ 27, rồi đến ngã ba Bằng Lăng lại quẹo phải để vào Đạ Tông, thì từ TGM Đà Lạt đến Đạ Tông là 135 km. Từ Đạ Tông ra nhà thờ gần nhất là Phú Sơn 70 km. Bà con vùng huyện Đam Rông sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp trồng lúa và hoa màu. Số giáo dân toàn xứ 16.412, trong đó : Đạ Tông có khoảng 4.463 giáo dân, cộng thêm 2.763 giáo dân của xã lân cận là Đạ M’rông và 369 giáo dân của xã Đạ Long, và 5 xã phía ngoài cộng với bên kia cầu Krongno là : 8.817 giáo dân. Đa số là người dân tộc thiểu số gồm Kơho, M’ Nông, Cil, H’mông và một số ít người kinh…
Sau 1975, thỉnh thoảng giáo dân ở 3 xã trên đây ra nhà thờ Chính Tòa, Tòa Giám Mục và cách riêng nhà thờ Cam Ly, để xưng tội và dự lễ. Năm 1991 khi hai cha Grêgôriô Nguyễn Quý Trung và Augustinô Phạm Minh Thanh chính thức vào làm việc mục vụ tại giáo xứ Lang Biang, thì họ đến Lang Biang để dự lễ, đón nhận các bí tích và học giáo lý (đi từ 6 giờ sáng thì 4 giờ chiều đến nhà thờ Lang Biang). Gần đây, khi con đường nhựa dài 30km, mới được xây dựng từ Đạ Tông nối vào quốc lộ 27, thì một phần giáo dân ra đi lễ ở Phú Sơn (tuy xa 70 km, nhưng đường giao thông tốt). Theo sử liệu để lại, Cha Maurice Benoit vào thập niên 1970 đã mở thêm giáo điểm ở Yalu, Yanggle ở Đam Rông.
Ngài phải nhờ trực thăng của quân đội lúc đó để làm phương tiện đi lại. Đây quả thực là sự mạo hiểm của các thừa sai. Vùng Đạ Tông, Đam Ròn, Đam Rông có dòng suối Darhố nước chảy quanh năm…Đi xa hơn, Đạ Long có suối nước nóng chữa được nhiều bệnh như thấp khớp, đau thần kinh tọa và làm ấm áp lòng người. Vùng đất còn thú rừng, còn suối còn cá, còn lươn. Chính vì vùng đất cần được quan tâm bởi đoàn chiên đông đúc, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã luôn canh cánh trong lòng biến vùng này thành một trung tâm truyền giáo của giáo phận. Ngài đã đi thăm vùng này nhiều lần từ Đakrôngkơnô, Liêng Hùng, Darmăng, Romen, Philiêng, Bogle…với Cha xứ Phú sơn Giuse Nguyễn Hưng Lợi, Cha Giuse Nguyễn Văn Khấn, Cha Bathôlômêô Nguyễn Văn Gioan. Đức Cha Phêrô đã không biết mệt mỏi đi các buôn làng để cuối cùng Ngài quyết định xây dựng một nhà thờ tại Đạ Tông, Đam Ròn, Đạ Long thuộc huyện Đam Rồng để nhà thờ Đạ Tông là nơi qui tụ người Dân tộc thuộc các xã Đạ Tông, Đam Ròn, Đạ Long và các vùng phụ cận. Nhà thờ này sẽ là nhà thờ phát sinh ra những nhà nguyện, nhà thờ khác. Ngày 29/05/2006, Tòa Giám Mục đã làm đơn xin xây dựng một nhà thờ tại xã Đạ Tông, Đam Rông. Ngày 01/06/2006, tại công văn số 3097/UBND-N, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận theo tờ trình của Ban Tôn Giáo tỉnh số 24/TTr-BTG ngày 29 tháng 05 năm 2006 chấp thuận cho Tòa Giám Mục Đà Lạt xây dựng nhà thờ tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Ngày 08/08/2006 với công văn số 5300/ UBND theo tờ trình của Ban Tôn Giáo tỉnh số 25/TTr-TG. Ngày 19/07/2006, UBND tỉnh chấp thuận cho Tòa Giám Mục xây dựng các hạng mục công trình nhà thờ tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông với diện tích 2.090m2 trong tổng diện tích đất được giao xây dựng nhà thờ là 10.062m2. Cụ thể như sau : nhà thờ có diện tích xây dựng 1.545m2, khu vực nhà xứ và nhà dạy giáo lý diện tích 545 m2. Sau khi hoàn thành mọi thủ tục về thiết kế, thẩm tra, giấy cấp đất, sổ đỏ và giấy phép xây dựng nhà thờ Đạ Tông, Đam Rông. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Đà Lạt đã chọn ngày kỷ niệm 80 năm người Dân tộc đầu tiên, bà Maria K’Trut được rửa tội bởi tay Đức Cha Jean Cassaigne (07/12/1927 – 07/12/2007) để cử hành thánh lễ long trọng đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng nhà thờ Đạ Tông, Đam Rông. Trong thánh lễ này có gần 10.000 anh chị em Dân tộc và một số người Kinh. Sự có mặt của hơn 100 linh mục Triều và Dòng trong địa phận và một số đông nam nữ tu sĩ đã nói lên lòng khao khát có một ngôi Nhà Thờ khang trang xứng đáng cho Chúa ngự. Nơi đây sẽ qui tụ các anh chị em Dân tộc dâng lễ, cầu kinh, lãnh nhận các Bí Tích và sinh hoạt tôn giáo trong yêu thương. Tưởng cũng nên nhớ ngày 05/02/2006, Đức Cha quyết định đặt cha Gioan Đỗ Vinh Sơn phụ trách Đạ Tông, Đam Rông. Ngày 25/12/2006 Thánh Lễ đầu tiên được Đức Cha Phêrô, Giám Mục giáo phận Đà Lạt cử hành sau 35 năm vùng này không có thánh lễ. Giáo Xứ chính thức được thành lập vào ngày 05/06/2009 (cũng là ngày cung hiến và khánh thành nhà thờ), do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Cha quản xứ hiện nay : cha Gioan Đỗ Vinh Sơn Trong quá trình hình thành và xây dựng Giáo xứ có sự góp phần rất lớn của cha Anphongsô Nguyễn Đức Vĩnh. Và có các thầy Giuse Trần Ngọc Hạnh, thầy Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Tri, Giuse K’Brìn, thầy Giuse Nguyễn Huy Hoàng và thầy Donboscô Trần Đức Quý. Giáo xứ hiện có 5 hội đoàn : Gia trưởng, Hiền Mẫu, Giáo lý viên, Ca đoàn, Giúp lễ. Các lớp Giáo lý: lớp giáo lý dự tòng, lớp giáo lý viên, lớp giáo lý giúp lễ, lớp giáo lý hôn nhân, các lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu và các lớp giáo lý thêm sức. Trong giáo xứ có 1 tủ thuốc tình thương. Cơ sở hạ tầng gồm có : Nhà Thờ, nhà xứ, nhà giáo lý, nhà hội và các phòng giáo lý. Ngày Giáo xứ được cung hiến : 05/06/2009. Quan thầy của giáo xứ là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội : 08/12. Sau khi thụ phong linh mục ngày 1/10/2009, cha Giuse Trần Ngọc Hạnh được sai về làm phụ tá.
Nguồn: Giáo Phận Đà Lạt Kim Khánh 1960-2010
– Bản Đồ: