GIÁO XỨ DI LINH
– Thông Tin Giáo Xứ:
- Bổn Mạng: ĐỨC MẸ MÂN CÔI (07/10)
- Cha Quản xứ: Đaminh Trần Thả
- Tổng số hộ gia đình : 1.575
- Tổng số nhân danh : 6.651 (Kinh: 4.303; Thượng: 2.348)
- Địa Chỉ: 742 Hùng Vương, thị trấn Di Linh, Di Linh, Lâm Đồng
– Lịch Phụng Vụ:
- Ngày Thường:
- Sáng: 04h30
- Chầu Thánh Thể: 17h30
- Thứ Bảy:
- Sáng: 04h30
- Chiều: 17h30
- Chúa Nhật:
- Sáng: 04h30
- Chiều: 17h30 (Lễ Thiếu Nhi)
– Lược Sử Giáo Xứ Di Linh:
Giáo xứ Di Linh được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX, và gắn liền với công cuộc truyền giáo của Đức cha Cassaigne.
Trước khi Đức cha Cassaigne đến thì vùng đất Di Linh chủ yếu là rừng núi, dân cư bản địa chỉ có người dân tộc Kơho.
Ngày 01/11/1899, Toàn quyền Doumer thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ được đặt tại Di Linh. Tháng 10/1914, trục đường Sài Gòn-Ma Lâm, Di Linh-Đà Lạt hoàn thành. Nhiều người Kinh từ Phan Thiết lên làm ăn, trong đó có ông Mười Ngô Châu Liên. Năm 1925, ông Mười Liên mở lữ quán đón khách lên săn bắn tại Di Linh, nhưng sau đó ông đã bán tất cả cho Hội Thừa Sai Paris do Đức cha Dumortier, Giám mục Sài Gòn, đứng tên để làm cơ sở truyền giáo cho vùng Di Linh – đây là địa điểm truyền giáo đầu tiên cho anh chị em dân tộc Kơho, và cũng trở thành nhà xứ Di Linh cho đến ngày nay.
Ngày 24/01/1927, sau khi nhận bài sai của Đức cha Dumortier, cha Cassaigne đã lên đường đi nhận nhiệm sở tại thí điểm truyền giáo Di Linh. Ngày 30/01/1927, cha Cassaigne dâng Thánh lễ Chúa nhật đầu tiên tại một phòng nhỏ trong nhà xứ. Giáo dân dự lễ chỉ có hai vợ chồng anh lao công lò gạch, ông bếp Mười Điếc và chú Nhân 12 tuổi từ Giáo xứ Cái Mơn lên.
Ngày 20/06/1927, cha Cassaigne mời cha Barret, cha sở Phan Thiết, lên thăm ngài và khánh thành nhà thờ mới vách ván lợp tôn.
Ngày 07/12/1927, cha Cassaigne rửa tội cho bà Maria Ka Trút, một người phong cùi dân tộc Kơho bị bỏ rơi. Bà Maria Ka Trút là người dân tộc đầu tiên lãnh nhận bí tích Rửa tội, là hoa quả đầu mùa của công việc truyền giáo cho anh chị em dân tộc Kơho.
Cuối mùa thu 1928, cha Cassaigne xúc tiến thành lập làng cùi. Ngày 17/02/1929, ngài khởi sự cất 6 chòi cho người cùi và ngày 01/03/1929, ngài cất thêm 16 chòi nữa cho họ. Ngày 11/04/1929, làng cùi Di Linh chính thức được công nhận và chính quyền Pháp trợ cấp cho mỗi bệnh nhân 15 xu/ngày.
Ngày 10/10/1929, cha Cassaigne xúc tiến in từ điển Kơho-Pháp-Việt tại nhà in Tân Định, và ngày 28/12/1929, ngài cho xuất bản cuốn từ điển này. Đây là cuốn tự điển đầu tiên hình thành chữ viết cho người Dân tộc Kơho.
Ngày 19/03/1930, anh Giuse K’Brai được chịu phép Rửa tội. Và đến lễ Giáng sinh 25/12/1930, cả gia đình Giuse K’Brai gồm 8 người được lãnh nhận bí tích Rửa tội. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của K’Brai, con số anh em dân tộc dự tòng lên đến 98 người vào cuối năm 1931.
Ngày 02/04/1932, cha Cassaigne được đưa về Pháp chữa bệnh, và cha Henri Sion được cử lên Di Linh thay thế.
Ngày 22/02/1933, cha Cassaigne từ Pháp trở về Di Linh. Cha Henri Sion rời Di Linh về Thủ Dầu Một.
Tháng 05/1934, Đức cha Dumortier gửi cha phó Việt Nam Nguyễn Vĩnh Tiên lên Di Linh phụ giúp cha Cassaigne. Đầu năm 1936, cha Cassaigne đảm nhận thêm một họ nhánh nữa là giáo họ Trường Xuân-Cầu Đất, và để cha phó Nguyễn Vĩnh Tiên phụ trách nguyện đường tại đây.
Ngày 12/06/1936, cha phó Nguyễn Vĩnh Tiên xuống Công Hinh (Bảo Lộc ngày nay) để cùng với giáo dân xây dựng nhà nguyện tại đây. Đến ngày 15/08/1936, cha Cassaigne khánh thành nhà nguyện Công Hinh (tiền thân nhà thờ Bảo Lộc).
Tháng 12/1937, cha Cassaigne xuất bản cuốn Phong Tục Tập Quán Người Dân Tộc Kơho.
Tháng 10/1938, cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tiên đổi về Biên Hoà. Ngày 26/10/1938, cha Chauvel được cử lên giúp cha Cassaigne.
Đầu năm 1939, cha Cassaigne thành lập thí điểm truyền giáo Kala. Ngày 01/12/1941, cha Chauvel trở thành Quản xứ Kala đầu tiên.
Năm 1942, cha Phêrô Bùi Hữu Năng làm Quản xứ đầu tiên Giáo xứ Công Hinh (Giáo xứ Bảo Lộc).
Ngày 24/02/1941, Toà Khâm sứ Toà Thánh gửi điện tín báo tin Toà Thánh chọn cha Cassaigne lên chức Giám mục Sài Gòn.
Thứ Bảy ngày 17/04/1941, Thánh lễ giã biệt Đức cha Cassaigne tại Di Linh.
Ngày 06/07/1941, cha Emile Grelier về Giáo xứ Di Linh. Ngày 24/06/1950, cha Francois Rubat de Mérac làm cha sở Di Linh. Ngày 12/07/1951, cha Phaolô Võ Văn Bộ về làm cha sở Di Linh. Ngài là cha sở Việt Nam đầu tiên của Giáo xứ. Mỗi buổi sáng Chúa nhật, cha giảng ba thứ tiếng Pháp, Việt, Kơho. Cha đã mở trường Tiểu học Công giáo đầu tiên tại Di Linh, thu nhận tất cả học sinh lương, giáo, kinh và dân tộc. Ngài lên kế hoạch xây dựng nhà thờ mới. Ngày 26/10/1952, Đức cha Cassaigne cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên. Và đến ngày 18/10/1953, Đức cha Cassaigne cử hành thánh lễ khánh thành nhà thờ. Ngày 20/03/1954, cha Bộ rời Di Linh về Giáo xứ Xóm Chiếu, Sài Gòn. Cha Jean Moriceau về nhận nhiệm sở ngày 24/03/1954.
Đầu năm 1955, cha Moriceau được Toà Giám mục Sài Gòn cắt đặt phụ trách đồng bào dân tộc Di Linh, vì thế cha Phanxicô Nguyễn Văn Tam được bổ nhiệm về Giáo xứ Di Linh. Trong thời gian này, cha đã cùng với Giáo xứ đón nhận đồng bào miền Bắc di cư đến Di Linh. Họ là những người gốc Xuân Hoà, Bắc Ninh, đã ở lại lập thành ấp Tân Xuân. Qua biến cố này, số giáo dân trong Giáo xứ gia tăng.
Cha Tam ở Di Linh đến 1957 rồi đổi về Chí Hoà, Sài Gòn. Sau đó, cha Luy Nguyễn Văn Nẫm từ Tân Phước, Gò Công về nhận xứ. Ngày 18/08/1957, cha Nẫm rời xứ Di Linh về Tiểu Chủng viện Sài Gòn, và cha Phaolô Nguyễn Văn Nghị từ Tân Hưng, Phan Thiết về nhận nhiệm sở. Ngài ở Di Linh cho đến đầu năm 1958 thì chuyển về Phan Thiết.
Ngày 28/02/1958. Cha Giuse Phùng Cảnh từ Tân An về nhận Giáo xứ Di Linh. Công việc đầu tiên của ngài là xây dựng núi Đức Mẹ (21/08/1959). Tháng 07/1960, ngài xin Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm lên Di Linh phụ trách trường Tiểu học Thánh Mẫu Di Linh. Hai Dì Phước đầu tiên được cử đến đó là Dì Chín Thậm và Dì Tám Đồng. Tháng 08/1961 cha Cảnh xây dựng lại trường tiểu học Thánh Mẫu, và tháng 10 năm đó ngài tiến hành xây nhà nguyện Tân Xuân. Nhà nguyện này khánh thành ngày 24/06/1962. Ngày 07/10/1962, cha rời Di Linh về Tiểu Chủng viện Đà Lạt.
Ngày 08/10/1962, cha Giuse Phùng Thanh Quang từ Giáo xứ Chánh toà Đà Lạt về nhận xứ Di Linh.
Ngày 31/10/1973, Đức cha Cassaigne tạ thế. Ngài được an táng tại Trại phong Di Linh giữa những người con yêu quý của ngài.
Năm 1974, cha Giuse xuất bản cuốn Lạc Quan Trên Miền Thượng để lưu niệm Đức cha Cassaigne.
Năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, Bắc Nam sum họp, nhiều đồng bào Miền Bắc tìm đến Lâm Đồng xây dựng quê hương mới. Những địa danh mới được thiết lập như Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Loan, Ninh Loan, Hoà Ninh, Hoà Nam. Một trong những quan tâm hàng đầu của cha Giuse là chăm sóc mục vụ cho họ. Cha lập danh sách bà con giáo dân từng hộ từng người, khích lệ an ủi họ cũng như tìm đủ mọi cách giúp đỡ họ cả về tinh thần lẫn vật chất. Vào những dịp Lễ Giáng sinh và Phục sinh, Giáo xứ Di Linh đón tiếp những anh chị em giáo dân kinh tế mới từ khắp mọi nơi. Cha Giuse cũng khích lệ họ làm đơn, xin chính quyền cho phép tổ chức các Thánh lễ Giáng sinh và Phục sinh, và xin chính quyền cho phép xây dựng nhà nguyện tại những địa phương đó :
Vùng kinh tế mới Hoà Ninh trở thành Giáo xứ Hoà Ninh ngày 03/03/1992.
Từ năm 1995, chính quyền cho phép tổ chức các thánh lễ Giáng sinh và Phục sinh tại thôn Kaming, Gung Ré. Đến năm 2001, chính quyền cho phép xây dựng nhà thờ Kaming.
Nhà nguyện B’Nát : Thánh lễ đầu tiên được cử hành ngoài trời chiều ngày 25/12/1995, bên cạnh ngôi nhà nguyện vách tranh, mái tranh mà giáo dân đã dựng nên từ nhiều năm nay để đọc kinh cầu nguyện.
Cha Giuse còn quan tâm mở các giáo điểm tại Tân Thượng (cách Giáo xứ 20 km), Đinh Trang Thượng (cách Giáo xứ 47 km) và Gia Bắc (cách Giáo xứ 40 km).
Cùng với việc mở các giáo điểm, ngài cũng bắt đầu tu sửa lại nhà thờ và nhà nguyện Tân Xuân trong năm 1995. Trong thời gian này, cộng tác với ngài có cha phó Đaminh Trần Thả. Cha Đaminh về phụ giúp cho ngài từ ngày 28/10/1993.
Trong lúc công việc còn nhiều dang dở, cha Giuse đã được Chúa gọi về ngày 26/10/2003. Từ đó, cha Đaminh tiếp nối công việc của cha Giuse. Ngài đã cùng với bà con Giáo xứ xây dựng và hoàn thành các nhà thờ của các Giáo xứ Kaming (03/02/2005), Tân Lâm (31/08/2010), Hàng Hải (13/05/2013), Liên Đầm (24/01/2016), Sơn Điền (27/12/2021), và Giáo sở Gia Bắc (22/08/2022). Dự kiến cuối năm nay (2023) Giáo xứ sẽ xây dựng giáo điểm Luca – Tân Châu, cách Giáo xứ 10km, với số tín hữu khoảng 1.200 người.
Sau khi chia tách, hiện nay số tín hữu của Giáo xứ Di Linh còn 6.475, gồm 4.242 người Kinh và 2.233 người Thượng sống trong khu vực thị trấn Di Linh cùng với hai xã Gung Ré và Tân Châu. Để công việc loan báo Tin Mừng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, đặc biệt cho anh em người Thượng Kơho, Giáo xứ lưu tâm đến việc gìn giữ di sản văn hoá, phong tục tập quán của họ, cụ thể là Giáo xứ đã lưu giữ nhiều cổ vật của anh em dân tộc Kơho với hàng ngàn loại khác nhau, biên soạn Sách học tiếng Kơho, Ngôn ngữ và Văn hoá người Kơho, Từ vựng đàm thoại Viêt-Kơho-Churu,…đặc biệt là có Thánh lễ bằng tiếng Kơho dành riêng cho anh chị em người Kơho vào Chúa nhật lễ hai. Đó là những nỗ lực cố gắng của Giáo xứ trong việc tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhân để góp phần loan báo Tin Mừng trong vùng đất Di Linh đậm đà bản sắc dân tộc.
Như vậy, nhìn vào lược sử Giáo xứ Di Linh có thể thấy được bề dày lịch sử và truyền thống của Giáo xứ trong suốt gần 100 năm truyền giáo. Từ hạt giống Tin Mừng được gieo vãi qua Đức Cha Cassaigne đã nảy mầm, lớn lên thành một cây cao bóng cả cho chim trời khắp nơi náu đậu, và tiếp tục sinh sôi nảy nở thành nhiều cây to lớn khác trong vườn đất Giáo phận Đà Lạt. Như dòng sông tiếp tục tuôn chảy thế nào thì Giáo xứ Di Linh vẫn tiếp tục trao ban như thế để góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng trong miền đất Giáo phận Đà Lạt thân yêu.
Nguồn: Lm Đaminh Trần Thả
– Bản Đồ: