GIÁO XỨ ĐỨC THANH
Bổn Mạng: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11)
Cha Quản xứ: Đaminh Nguyễn Minh Quý
Tổng số hộ gia đình: 400
Tổng số nhân danh: 1.566
Số Giáo họ: 5
GIỜ LỄ:
- Chiều thứ Bảy: 17g00’
- Chúa Nhật:
- Lễ 1: 5g00’
- Lễ 2: 7g00’
- Ngày thường:
- Sáng: 5g00’
- Chiều: 17g30’
– Lược sử Giáo xứ
Vị Trí:
GIÁO XỨ ĐỨC THANH NẰM Ở PHÍA TÂY NAM CỦA GIÁO PHẬN: PHÍA ĐÔNG GIÁP GIÁO XỨ LỘC ĐỨC ; PHÍA TÂY VÀ NAM GIÁP GIÁO XỨ THANH XUÂN ; PHÍA BẮC GIÁP GIÁO XỨ LÂM PHÁT. XÉT VỀ MẶT HÀNH CHÍNH GIÁO XỨ ĐỨC THANH THUỘC ĐỊA BÀN CỦA XÃ LỘC ĐỨC, HUYỆN BẢO LÂM, TỈNH LÂM ĐỒNG. GIÁO XỨ ĐỨC THANH GỒM CÓ: THÔN ĐỨC THANH, THÔN ĐỨC THẠNH, THÔN TIỀN YÊN 1, THÔN TIỀN YÊN 2 XÃ LỘC ĐỨC VÀ THÔN 14 XÃ LỘC NGÃI. ĐA SỐ LÀ NGƯỜI GỐC THANH HÓA VÀ PHẦN KHÁC LÀ NHỮNG NGƯỜI DI DÂN TỪ ĐỒNG NAI, MIỀN TÂY, BẾN TRE VÀ MỘT SỐ CÁC TỈNH THÀNH KHÁC TRONG CẢ NƯỚC. DÂN CHÚNG HIỆN NAY SỐNG CHỦ YẾU LÀ NHỜ VÀO CÂY CÀ PHÊ.
Quá trình hình thành và phát triển
Vào năm 1983, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, một số hộ gia đình từ Miền Bắc, Đồng Nai và Miền Tây đã âm thầm di chuyển vào vùng rừng núi sâu xa này để khai phá trồng lúa, khoai, sắn, bắp … mong sống qua ngày. Một cuộc sống khởi sự đầy gian nan vất vả, thiếu thốn và cô quạnh trải dài 10 km lầy lội từ giáo xứ Thanh Xuân theo hướng Đông Nam, bị chắn ngang bởi một con sông không cầu cống. Năm 1985 tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch vùng đất này làm vùng kinh tế mới với tên gọi là Lộc Thanh 2. Từ đó dân chúng mỗi ngày một đông. Đa số là bà con giáo dân thuộc giáo xứ Tân Thanh, Thượng Thanh (xã Lộc Thanh, Bảo Lộc), Mỹ Điện (Thanh Hóa) và các vùng khác trên khắp đất nước đến lập nghiệp.
Ngày 22.08.1988, Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đã quyết định giao vùng đất mới này cho cha Giuse Nguyễn Hữu Duyên giáo xứ Thanh Xuân quản lý và chăm sóc. Nhưng buổi đầu, việc các cha vào để cử hành Thánh Lễ và ban các Bí Tích cho bà con giáo dân, còn gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Chính vì thế, tại Nhà Kitô Viện Lộc Thanh, Đức Cha Bartôlômêô đã chính thức đặt một ban đặc trách cho khu vực này (đứng đầu là Cha Giuse Phạm Đình Kế) và cũng chính Đức Cha Bartôlômêôâ đã giúp mua 12.000 m2 đất. Ông Bà Khoan dâng 1.000 m2, Ông Bà Trương Thắng dâng 2.000 m2. Tổng cộng 15.000.000 m2(1 mẫu 5).
Trong thời gian này, cha Giuse Phạm Đình Kế cùng với thầy Giuse Mai Văn Phúc âm thầm ra vào lo việc mục vụ cho giáo dân trong một căn nhà gỗ tạm. Tháng 1.1990, với sự trợ giúp của Đức Cha Bartôlômêôâ, cha Giuse Nguyễn Hữu Duyên cho xây lại ngôi nhà gỗ và lợp tôn với diện tích khoảng 100 m2. Vào ngày Chúa nhật giáo dân khắp vùng tụ lại cách kín đáo để đón nhận Lời Chúa và các Bí Tích. Đây cũng là nơi trú ngụ đầu tiên cho các cha và các thầy.
Đầu năm 1992, cha Đaminh Phạm Xuân Uyển thuộc hội dòng Don Bosco và thầy Giuse Phạm Văn Thống được Đức Cha Bartôlômêô cử vào để tiếp tục công việc mục vụ cho giáo dân, thay cho cha Giuse Kế và thầy Giuse Phúc. Với lòng nhiệt thành, các ngài đã âm thầm mở mang các cơ sở, xây dựng các lớp học, tạo điều kiện thuận lợi cho các em thiếu nhi học hết cấp 1, sửa chữa lại đường xá… Các ngài cũng đã xây dựng thêm một hội trường và một cơ sở làm chè với khát vọng làm cho dân chúng địa phương có điều kiện kinh tế vươn lên hơn.
Khi hoàn tất, ngôi nhà này trở thành nhà nguyện thứ 2 của Giáo Xứ, nhưng vẫn chưa hợp pháp và chính thức. Tuy nhiên tại ngôi nhà này, giáo dân tham dự thánh lễ sốt sắng hơn, vì không gian rộng rãi hơn, tổ chức sinh hoạt tôn giáo có qui củ hơn, giáo dân đầy phấn khởi. Tháng 3.1993, cha Giuse Dương Ngọc Châu về làm cha quản xứ Thanh Xuân kiêm khu vực Lộc Thanh 2 và Lộc Đức. Cha Giuse Dương Ngọc Châu đã cho tái sửa lại Ngôi Nhà Tằm thành Ngôi Nhà Trẻ, và bàn giao tất cả nhà cửa ruộng vườn với diện tích 15.000 m2 cho các soeurs thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Ngày 01.06.1993, bốn soeurs đầu tiên đã vào tiếp nhận và khởi sự công việc phục vụ tại đây.
Ngày 16.05.1994, ngài đã làm đơn xin phép xây dựng nhà thờ cho Lộc Thanh, rồi cùng với cha Đaminh Phạm Xuân Uyển bắt tay vào việc xây dựng ngôi nhà thờ mới. Vào ngày 22.12.1994, Đức Cha Bartôlômêô đã về dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên cho ngôi nhà thờ này với tước hiệu “Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”. Số lượng giáo dân mỗi ngày một gia tăng, đến con số 1.500 người. Thường xuyên có thánh lễ vào chiều Thứ bảy và sáng Chủ nhật.
Năm 1995, với sự phân chia mới về hành chính, Lộc Thanh 2 không còn thuộc địa bàn của xã Lộc Thanh (Bảo lộc) nhưng thuộc địa bàn xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, nên được đổi tên là Đức Thanh. Sau hơn 2 năm 6 tháng thì việc xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên cũng đã tạm xong. Ngày 28.12.1996, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã về cử hành lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ Đức Thanh. Từ đây, sinh hoạt của giáo họ Đức Thanh đã trưởng thành và bền vững với cơ cấu tổ chức như một giáo xứ, với Ban Phần Việc cùng các Ban Ngành Đoàn Thể và các lớp Giáo lý, với các Thánh Lễ hằng ngày.
Năm 1998, cha Đaminh Phạm Xuân Uyển được bầu làm phó giám tỉnh dòng Don Bosco. Cha được hội dòng chuyển về K’Long với nhiệm vụ mới. Thay cho cha Đaminh có cha Giuse Phạm Văn Thống. Tuy ngôi nhà thờ đã được cung hiến nhưng vì xuống cấp, cha sở Giuse cùng với cha phó Giuse đã tìm cách tu bổ lại ngôi nhà thờ. Sau 20 tháng sửa chữa, ngày 28.12.2005 ngôi nhà thờ mới đã được hoàn tất. Sau đó thì ngôi nhà xứ cũng được xây dựng để tiện cho các cha vào làm việc mục vụ.
Nhìn lại chặng đường 29 năm qua với bao vất vả, nỗ lực của quý cha và của những người con trong họ đạo, giáo họ Đức Thanh đã hội đủ mọi điều kiện để trở thành một giáo xứ. Ngày 28.11.2007, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã nâng giáo họ Đức Thanh lên hàng giáo xứ, và bổ nhiệm cha Giuse Phạm Văn Thống làm quản xứ tiên khởi coi sóc giáo xứ Đức Thanh. Hiện nay Giáo Xứ Đức Thanh có tất cả 416 hộ với số nhân danh là 1.520, dưới sự coi sóc của cha Đaminh Nguyễn Minh Quý.
Nguồn: Giáo Phận Đà Lạt Kim Khánh 1960-2010.
– Bản Đồ: