Bạn có biết “cha đẻ” của thành phố Đà Lạt là ai không? Đó là bác sĩ, tiến sĩ Alexandre Yersin, ông đã phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên, còn gọi là cao nguyên Lang Biang, hay cao nguyên Đà Lạt ngày 21/06/1893. Nơi cao nguyên này, ghi dấu sự hiện diện của Giáo phận Đà Lạt từ những năm 1960.
Hành hương về Giáo phận Đà Lạt, sau khi đã viếng thăm những địa danh nổi tiếng mang đậm dấu ấn đức tin như: Nhà thờ Domain De Marie, Trung Tâm Mục Vụ, Nhà thờ Chánh Tòa, Đại Chủng Viện Minh Hòa, Nhà thờ Ka Đơn… hẳn bạn sẽ nhớ ngay đến một Dòng tu chiêm niệm, cách thành phố Đà Lạt chừng 40km, đó là Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn – Đơn Dương. Nào, hôm nay, mời các bạn cùng hành hương khám phá vẻ đẹp thanh tĩnh đầy kín ẩn của Đan viện này nhé!
Năm 1936, Đan Viện Xitô Châu Sơn được thành lập tại Thôn Châu Sơn, Xã Phú Sơn, Huyện Nho Quan, Tỉnh Ninh Bình. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, cho nên, ngày 21-09-1952 một nhóm đan sĩ đã đi vào miền Nam, và đến ngày 21-04-1953 các đan sĩ còn lại cũng di cư vào Nam để sống còn.
Đầu tiên, Cộng Đoàn Châu Sơn di cư trú ngụ tại Họ đạo Phước Lý (Nhơn Trạch – Đồng Nai). Theo dòng thời gian nhân số Cộng Đoàn phát triển mau lẹ. Vì thế, cơ sở ở Phước Lý trở nên chật chội, hơn nữa đất đai ở đây thiếu màu mỡ khó có thể làm ăn sinh sống, lại đã có hai đan viện Xitô hiện diện trong cùng một Giáo phận. Do vậy, hướng đến tương lai, Cộng Đoàn phải đi tìm một địa điểm mới. Một nhóm các vị hữu trách được phái lên Buôn Ma Thuột tìm đất, các vị đã dựng một ngôi nhà nguyện vách ván, mái tôn, quy tụ các giáo hữu lại khởi nguồn cho Giáo xứ Châu Sơn ngày nay (Thôn 2 Xã Cư Êbur – TP Buôn Ma Thuột). Tại đây các vị được một linh mục dòng Đa Minh giới thiệu một sở đất thuộc quyền sở hữu của Viện Pasteur ở vùng Dran (Đơn Dương – Tuyên Đức), nay thuộc tỉnh Lâm Đồng. Sở đất này trải dài cả ngọn đồi đất bazan, rộng 150ha, dọc theo con sông Đa Nhim.
Tạo Hóa đã dựng nên nơi đây gần như hội đủ các yếu tố cần thiết cho đời sống Đan tu: khí hậu ôn hòa, đất đai trù phú, núi rừng trùng điệp, cảnh quan yên bình tĩnh mịch. Thế là, ngày 01-06-1957 toàn thể Cộng Đoàn Châu Sơn rời Họ đạo Phước Lý chuyển lên Đơn Dương. Từ đây, Cộng Đoàn Châu Sơn Nho Quan di cư có tên là Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương[1].
Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn – Đơn Dương, bắt tay ngay vào việc kiến thiết cơ sở vật chất và ổn định đời sống. Một khuôn viên đan viện được hình thành gồm nhà khách, nhà khấn, nhà tập, học viện, nhà cơm, nhà bếp… Nối liền các khu nhà đó là ngôi Nhà Nguyện có diện tích 750m2. Nhà Nguyện được thiết kế theo kiến trúc Gotich cách điệu với kết cấu thẳng đứng, mái vòm vuốt nhọn, chiều cao vượt trội, hệ thống cột tải trọng cao vút tạo nên vẻ đẹp trang trọng mà thanh thoát. Hai bên hông gồm hệ thống cột mảnh và cửa sổ kính lặp lại lấy ánh sáng tự nhiên, đồng thời tạo nên các bức tường hình chữ z vọng âm, tạo âm vang khi cử hành phụng vụ. Toàn bộ hệ thống cột – trần – tường xếp thành hình dạng đôi bàn tay chắp lại trong tư thế cầu nguyện.
Tâm điểm của nhà Nguyện là Thánh giá và Nhà Tạm, nơi Chúa Giêsu Thánh Thể – “Chủ Nhà” đang hiện diện. Nhà Tạm có hình dạng một mái nhà ngụ ý mọi người đều được Chúa chở che trong ngôi nhà của Ngài. Bệ Nhà Tạm được thiết kế với đôi bàn tay hướng lên, tạo thành hình chén thánh biểu tượng cho những đau khổ, gian lao vất vả của con người sẽ được Chúa biến đổi nên Mình – Máu Thánh.
Gần bên Nhà Tạm là tượng Đức Mẹ Fatima, cao 1.50m, được làm bằng gỗ cây sồi trong làng Fatima – Bồ Đào Nha, chính nơi Đức Mẹ đã hiện ra. Nếu tinh ý quý khách sẽ thấy, phía đế bức tượng có khắc rõ địa danh và nghệ nhân đã tạc nên bức tượng. Đây là bức tượng được Viện phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng – đan phụ tiên khởi đặt làm theo nguyên bản tượng Đức Mẹ tại Fatima. Điều kì diệu mỗi khi cầu nguyện trước Đức Mẹ đây, bạn sẽ cảm nhận ánh mắt Đức Mẹ đang âu yếm nhìn bạn ở mọi hướng.
Phía lòng Nhà nguyện, là sáu dãy ca tòa hướng vào nhau. Mỗi ca tòa cao 1m, rộng 1.20m, dài 13m. Phần thân ca tòa được làm chủ yếu bằng gỗ thông, phần ghế ngồi được làm bằng gỗ dầu và gỗ gõ – một loại gỗ rất cứng, không bị cong – móp theo thời tiết. Gọi là ca tòa vì đây là chỗ dành riêng cho các đan sĩ cử hành phụng vụ một cách trang trọng. Trong ca tòa, vị thế của các đan sĩ như các thiên thần và cùng với các thiên thần đàn ca kính Chúa (Tv 173). Truyền thống đan tu luôn đặt các ca tòa quay ngang hướng vào nhau, các đan sĩ hướng vào nhau, không chỉ để thuận tiện cho hát đối đáp cung Bình ca Gregorian, nhưng còn diễn tả một cách cụ thể nhất tính cộng đoàn hiệp nhất đan tu, qua mối tương quan hai chiều Chúa và tha nhân, đúng như Chúa nói: “Ở đâu có hai hay ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ” (Mt 18,19).
Về cuộc sống của các Đan sĩ nơi đây. Đan sĩ sống mối tương quan khăng khít với Thiên Chúa và tha nhân qua cầu nguyện và lao động trong thinh lặng và cô tịch. Mỗi ngày Đan sĩ cùng nhau hiệp dâng Thánh lễ, cử hành bảy Giờ kinh phụng vụ, suy niệm lời Chúa, xét mình… Đan xen các giờ cầu nguyện là lao động chân tay hoặc tri thức. Đan sĩ lao động để tự nuôi mình, thánh hóa bản thân và có thể giúp đỡ tha nhân. Công việc của các Đan sĩ rất đa dạng: giảng tĩnh tâm, dạy học, viết – dịch sách báo, chăm sóc bênh nhân, hay canh tác vườn tược, hồ ao, đóng nước, hoặc đón tiếp khách… Ai đó đã nói rằng cuộc đời đan sĩ như những đài tiếp vận sức sống thiêng liêng, làm cho đan viện thực là trường học phụng sự Thiên Chúa và là chứng tá sự thanh thoát, bình an, và hy vọng cho mọi người.
Được biết năm 2019, nhà thơ Song Lam sau những lần hành hương đến Đan Viện đã cảm tác và xuất bản tập thơ ‘Lắng trong Sương’, diễn tả cảm nhận khi được tham dự thánh lễ, các giờ kinh thần vụ và công việc lao động thường ngày của các đan sĩ.
Nào, mời bạn cùng hành hương đến Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương, hẳn sẽ còn nhiều điều kì thú còn kín ẩn, chờ bạn khám phá. Những nét đẹp siêu thoát, những lời kinh ngân vang, và cả những mảnh vườn hoa trái xum xuê đang sẵn sàng dâng trao cho bạn niềm an vui, hy vọng.
Châu Sơn miền an thánh
Nắng tràn ngập trên thân hồng khóm trúc
Gió mơn man ru điệp khúc dịu dàng
Khắp đất trời rộn vũ điệu hân hoan
Xuân reo sắc rợp nhành hoa ngọn cỏ
Bên triền dốc thông rì rào gọi gió
Cá trong hồ thong thả lắng nghe kinh
Chim từng đàn tắm nắng mới lung linh
Nàng bướm trắng say tình hồng hoa lá
Châu Sơn đấy chốn thanh bình êm ả
Vui đón chào chư vị khắp muôn phương
Đã mỏi chân thân lữ khách vô thường
Mời nếm hưởng nguồn Yêu Thương tuyệt mỹ
Cõi thanh tịnh nghiệm bình an giản dị
Thấy yêu đời từng nhánh lá cỏ cây
Thêm yêu người tình hiếu đễ đắp xây
Tâm thư thái giữa gian trần sôi động
Lời kinh vọng giọng ca ngân trầm bổng
Như thấy hồn no thỏa chốn thiên thai
Hồng trần ơi thôi dũ bỏ đường dài
Nung chí ý vàng thơm tho như mộng
Lòng thơi thới giữa trời cao biển rộng
Mến mọi người tình nồng thắm sắc son
Kính Chí Tôn dạ tín nghĩa vẹn tròn
Đường dương thế dẫn về Quê hạnh phúc.
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.
Bản Đồ:
[1] X. Kỷ Yếu ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG (2017)