(Bài phát biểu chia sẻ của Chị Maria Bùi Xuân Thy Phụng –
Giáo xứ Vinh Sơn Liêm – Giáo hạt Bảo Lộc, Giáo phận Đà Lạt –
Đại diện cho Người Khuyết Tật trong Giáo phận Đà Lạt)
Con kính chào Đức Cha, Cha Tổng Đại diện, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý vị tham gia hội nghị.
Hôm nay lần đầu tiên con và các anh chị em khuyết tật đại diện trong 4 Giáo hạt của Giáo phận Đà Lạt được về đây tham dự ngày Hội Nghị Tiền – Thượng Hội Đồng Giáo Phận và góp một chút thao thức suy tư của chúng con.
“Lắng Nghe Bằng Con Tim”- Chúng con cảm ơn Đức Thánh Cha khi gửi thông điệp này cho toàn thế giới ngày 25/05/2022. Một thông điệp như thay lời cho những con người yếu thế muốn nói. Thật ấm lòng và hạnh phúc vô cùng!
Thưa Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ và quý vị, trong cộng đồng người khuyết tật chúng con, người có đạo Công giáo còn ít, chắc chỉ có ở Hạt Bảo Lộc là nhiều anh chị em Công giáo nhất, như trong Hội Người khuyết tật Bảo Lộc có được khoảng 50%, 3 Giáo hạt còn lại như Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng và các hạt khác nữa trong giáo phận có rất ít. Trong tỉnh, chúng con liên kết với nhau qua các hoạt động, sự kiện của từng hội nhóm, và cũng có sự kiện chung trong toàn tỉnh, dù không cùng tôn giáo với nhau.
Một Giáo Hội Hiệp Hành thì không thể thiếu được hiệp thông, gặp gỡ, lắng nghe, phân định
- Hiệp Thông
Điều anh chị em chúng con thao thức là làm thế nào để có người nâng đỡ đức tin và đồng hành với chúng con. Chúng con cũng muốn được cộng tác một phần nhỏ bé nào đó trên cánh đồng rộng lớn ấy vì còn nhiều anh chị em chưa biết Chúa. Ngay cả những anh chị em đau bệnh nặng ở nhà cũng cảm nhận niềm vui, sống tích cực hơn, khi có người đồng hành: Đồng hành với những người ít được ai quan tâm, chẳng ai lắng nghe; đôi khi ngay từ gia đình, làng xóm, xứ đạo. Lắng nghe bằng cả ánh mắt không thể thốt nên lời, nghe bằng những cử động múa diễn tả, vì có những người không thể nói được. Lắng nghe bằng cả tình yêu thương, bằng ngôn ngữ không lời, và “Lắng Nghe Bằng Con Tim”, không phân biệt tôn giáo vùng miền. Đôi khi chỉ là đến chơi trò chuyện gần gũi, mà khơi dậy tâm hồn, khơi được nguồn, được mạch thì chúng con tin rằng mạch ấy rất mạnh mà lâu nay bị chôn vùi… vì vẫn còn những anh chị em do mặc cảm, ngại không ra ngoài, ngại tiếp xúc.
- Tham Gia
Anh chị em chúng con phần lớn cũng tham gia cộng đồng xã hội qua các hội nhóm ngoài đời, cũng được tham gia học hỏi, và khi có điều kiện được tiếp nhận các nguồn dự án như: làm chân giả, nẹp chỉnh hình, mổ chỉnh hình… thì chúng con cũng luôn tìm kiếm anh chị em có nhu cầu để được tiếp nhận.
Hàng nằm vào ngày quốc tế bệnh nhân : có Giáo xứ tổ chức lễ dành cho bệnh nhân, nhưng cũng có những nơi chưa có. Chúng con cũng được tham gia một số hoạt động của Caritas Đà Lạt.
Nhưng cái chúng con còn thiếu là nhiều người chưa được học hỏi về Lời Chúa, nên chưa có nhiều cơ hội được tham gia các hoạt động trong xứ đạo; mới chỉ có vài phần trăm ít ỏi dám bước ra để làm việc hay phục vụ Giáo xứ, Giáo phận.
- Sứ vụ
Chúng con hiện đang góp phần cầu nguyện hằng ngày: đến ở lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện cho thế giới và tất cả mọi người được bình an, để được Ngài thêm sức, hướng dẫn, đồng hành, soi sáng cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới thu được những kết quả tốt đẹp.
- Thao Thức
Chúng con thao thức cho mọi người trên thế giới này biết lắng nghe nhau. Cách riêng lắng nghe những người phận nhỏ, những con người bị gạt ra bên lề xã hội : “Lắng Nghe Bằng Cả Trái Tim”. Lắng nghe với cả tấm lòng yêu thương trân trọng, để mọi người nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa, yêu thương mọi người cách nhưng không, vô điều kiện. Chúng con thao thức cho các nhà thờ và những nơi công cộng có đường đi dành riêng cho xe lăn, để được vào nhà thờ tham dự thánh lễ; vì có những nơi không có đường dành riêng này, nên nhiều anh chị thấy mình như kẻ chầu rìa, đến nơi rồi mà không được vào dự tiệc.
- Ước Mơ
Chúng con mơ ước cho những người yếu thế, như cành nho được tháp nhập vào thân nho, để mỗi người chúng con cũng là chi thể ở trong một Hội Thánh, được tiếp nhận nhựa sống từ đó. Chúng con như thấy Chúa đang ẩn mình trong những con người – tuy nhìn bên ngoài thì yếu đuối – nhưng nếu được ai chạm đến khơi nguồn thì mạch sống nơi người ấy mạnh mẽ, ý chí của người ấy sẽ trỗi dậy, để chính họ sẽ là nhân chứng sống động cho tình yêu thương của Thiên Chúa.
Không ít những người bệnh, người khuyết tật đã vượt qua nghịch cảnh, để học tập, làm việc, sáng tạo cống hiến cho Giáo Hội, cho đời, cho người. Như bạn Hương Giang là người khiếm thị đã trở thành người dẫn chương trình của Đài truyền hình Việt Nam VTV; như em Phạm Cường ở Giáo xứ Vinh Sơn Liêm: sau khi bị tai nạn, liệt toàn thân, cuộc sống rơi vào bế tắc, nhờ mọi người cầu nguyện và động viên, dù chỉ còn đầu óc minh mẫn và mấy ngón tay còn cử động được, sau hơn 10 năm… giờ đây em ấy đã xuất bản được 3 cuốn sách. Một điều mừng nữa là giờ đây đức tin của em cũng rất vững vàng. Hay như Cô giáo Hoa ở Giáo xứ Phúc Lộc bị té liệt cột sống nằm trên giường gần 30 năm, vẫn không nghỉ ngơi, nhưng luôn có học trò bao quanh. Cô kèm các em từ học văn hóa, đến giáo lý, dạy cả tân tòng nữa. Thời gian rảnh Cô còn đan len, móc sợi… làm ra nhiều sản phẩm…v.v…
Chúng con tin rằng khi được tạo điều kiện cách này cách khác, như có nhà nguyện, nhà thờ và mỗi người có lòng muốn, cầu nguyện liên lỉ cùng chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày… thì nhiều điều kỳ diệu sẽ xảy ra, vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được. Để tất cả mỗi người đều có thể loan báo Tin Mừng theo cách thế nhỏ bé của mình, vì những lời này của Chúa cũng dành cho chúng con – những người khiếm khuyết: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15)
Tất cả những gì con trình bày ở đây vì một Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ vụ.
Con xin cảm ơn tất cả mọi người đã lắng nghe.