LM ĐAN VINH – HHTM
ĐÁP ĐỀN TÌNH YÊU CỦA THÁNH TÂM CHÚA THẾ NÀO ?
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 15,3-7
(3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: (4) “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”. (5) Tim được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.
2. Ý CHÍNH
Để trả lời cho lời phiền trách của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư về lý do tại sao Đức Giê-su lại tiếp xúc gần gũi với các người thu thuế và gái điếm tội lỗi…, Người đã dùng 3 dụ ngôn: Con chiên bị lạc, đồng bạc đánh rơi và người cha nhân hậu. Tin mừng hôm nay chỉ đề cập đến dụ ngôn con chiên bị lạc. Dụ ngôn đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót. Người xót thương kẻ lầm đường lạc lối, mau mắn đi tìm kiếm và sẽ vui mừng nếu tội nhân thực tâm sám hối trở về với Người.
3. CHÚ THÍCH
– C 3-4: + Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà nếu mất một con: Ở đây, khi dùng hai con số 100 và 1, Đức Giê-su muốn làm nổi bật tầm quan trọng của sự mất mát. Dù chỉ bị mất một phần trăm nhưng đối với người chủ chiên cũng là sự mất mát to lớn. + Lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm kỳ được con chiên bị mất: Để lại ngoài đồng hoang không phải là bỏ rơi, bỏ mất vì chúng kém giá trị hơn, nhưng là giữ chúng lại trong một nơi an toàn. Chi tiết này chỉ muốn nói lên rằng: con chiên bị lạc dù chỉ là số ít 1/100, nhưng vẫn là con số quan trọng khiến chủ chiên không nỡ bỏ rơi mà nhất quyết đi tìm cho bằng được. Việc đi tìm xuất phát từ tình thương của chủ chiên, ám chỉ tình thương yêu và khoan dung của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Người không thụ động ngồi yên chờ họ tự quay về, nhưng Người chủ động lên đường đi tìm kiếm họ.
– C 5-7: +Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai: Người chủ vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc. Niềm vui này thể hiện qua hai cử chỉ: Một là là vác chiên lên vai và hai là mở tiệc ăn mừng. Vác chiên lên vai nói lên sự thân mật gần gũi đối với con chiên lạc. + “Xin chung vui với tôi”: Mời bạn bè đến chung vui cho thấy ông chủ muốn chia sẻ niềm vui cho nhiều người khác nữa. + “Trên trời cũng thế”: Niềm vui tột đỉnh của Thiên Chúa là muốn cho mọi người trần gian đều được ơn cứu độ. Chỉ những ai xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, thể hiện qua thái độ cứng lòng không tin Chúa Giê-su, cố tình không muốn tái sinh trong nước rửa tội, chọn theo ma quỷ chống lại Thiên Chúa và tha nhân… mới không được hưởng ơn cứu độ.
4. CÂU HỎI
1) Trong dụ ngôn này phải chăng người chủ chiên đành hy sinh 99 con chiên ở ngòai đồng hoang, mặc chúng cho sói rừng cắn xé, dể đi tìm một con chiên lạc kia sao?
2) Người chủ chiên đã làm gì để thể hiện tình thương và niềm vui khi tìm lại được con chiên bị lạc mất?
3) Những ai mới bị phạt trong hỏa ngục muôn đời?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính” (Lc 15,7).
2. CÂU CHUYỆN
a) THÁNH TÂM – MỘT TRÁI TIM MỞ RỘNG
Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.
Tại vùng O-da-wa-ra, Ka-ma-ku-ra, người ta bắt được 2 linh mục trẻ tuổi là Si-mau-chi và U-za-wa cùng với nhiều ảnh tượng giải về To-ky-o. Quan đại thần Tsu-ka-mo-to nhặt được trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh xem ra kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài !
Tsu-ka-mo-to là một nhà nho uyên bác có óc thực tế và thích tìm hiểu. Ông cầm bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giê-su, coi qua rồi lại vứt vào sọt rác. Nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia chắc phải mang một ý nghĩa nào đó. Ông ra lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh Thánh Tâm trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “Đối ngoại hữu kỳ tâm – Đối nội vô tâm giả”.
Từ đó Tsu-ka-mo-to đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kín cẩn. Một hôm có ông bạn thân tên O-sa-ki đến chơi, thấy vậy hỏi: “Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi hay sao?”
“Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Ki-tô giáo. Ông bạn hãy coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người. Nội bức ảnh nầy tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng Thuật của Thần Đạo của nước Nhật chúng ta vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả thật đó là sự ngay chính vậy !”.
O-sa-ki rất cảm phục khi nghe bạn diễn đạt về đạo Công giáo như vậy. Không ngờ Đạo công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và âm thầm học giáo lý và xin chịu phép rửa tội. Đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục ra khỏi tù… (Trích “Phúc”).
b) ÔNG CHỦ CHIÊN TỐT LÀNH
Trong cuộc họp của những nhà giáo dục, một vị giáo sư đã kể lại câu chuyện về một con chiên bị lạc như sau: Một người kia có nuôi một đàn chiên nhốt trong chuồng ở ngay sân sau nhà ông. Một hôm có một con chiên non trông thấy một lỗ hổng ở hàng rào và tò mò chui qua. Khi đã ra ngoài chuồng, con chiên vội chạy thật xa để tận hưởng thú vui tự do giữa đất trời bao la. Nó chạy đến một cánh rừng rộng lớn mà không nghĩ đến nguy hiểm đang chờ đón. Trời tối dần và đột nhiên con chiên nhìn thấy bóng dáng của một con sói đang rình núp ở một lùm cây gần đó. Vô cùng sợ hãi, nó ba chân bốn cẳng chạy thục mạng về chuồng. Nhưng con sói vẫn không ngừng chạy bám sát phía sau. Khi con sói tiến đến gần và sắp vồ được chiên, thì may mắn thay ông chủ chiên cũng vừa xuất hiện. Ông dùng gậy đánh đuổi con sói hung dữ kia để cứu con chiên khỏi chết trong gang tấc. Sau đó ông vác con chiên non đang run sợ kia trên vai và đưa về chuồng băng bó những vết trầy xước. Rồi nhiều người nhắc ông phải rào kín lỗ hổng ngay để tránh cho chiên khỏi tiếp tục chui ra khỏi chuồng. Nhưng ông không nghe và cứ để lại lỗ hổng ở hàng rào như trước. Theo ông bầy chiên sẽ rút kinh nghiệm và không dám chui ra khỏi chuồng nữa.
c) THIÊN CHÚA LUÔN BAO DUNG VỚI NHỮNG KẺ CHỐNG LẠI NGÀI
Một người vô thần một hôm ra đứng giữa ngã ba đường, ngửa mặt lên trời thách thức Thiên Chúa như sau:
– Này lão Trời Già kia. Nếu ông thực sự hiện hữu thì tôi thách ông hãy giết chết tôi trong vòng 5 phút !
Khi năm phút trôi qua mà vẫn chẳng thấy có chuyện gì xảy ra, anh ta lại tiếp tục ăn nói ngạo mạn xúc phạm đến quyền năng của Thiên Chúa như trước. Chợt có một bà cụ đến gần hỏi:
– Này anh bạn. Anh đã có đứa con nào chưa?
– Ồ, sao bà lại hỏi thế?
– Nếu một đứa con đưa dao ra thách anh hãy giết nó, thì anh có dám làm không?
– Không, vì tôi thương các con tôi lắm.
– Thiên Chúa cũng vậy. Ngài thương anh là con cái của Ngài lắm. Ngài không nỡ ra tay giết anh đâu, dù anh có tỏ ra bất hiếu ngỗ nghịch khi dám lên tiếng thách thức quyền năng của Ngài.
3.THẢO LUẬN
1) Bạn nghĩ thế nào về lời thánh Au-gút-ti-nô sau: “Chúa dựng nên bạn không cần đến bạn, nhưng Chúa không thể cứu bạn, nếu bạn không cộng tác với Người? “
2) Noi gương Mục Tử Giê-su trong Tin mừng hôm nay, mỗi người chúng ta sẽ làm gì để đưa các người thân hay bạn bè đang lạc xa Chúa quay trở về tin yêu Người?
4. SUY NIỆM
Hôm nay là lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Lễ này chỉ mới có trong Hội Thánh từ thế kỷ 17, sau sự kiện Chúa Giê-su hiện ra với Thánh nữ Ma-ga-ri-ta và tỏ cho thánh nữ thấy trái tim biểu hiệu tình yêu của Người. Ai cũng hiểu trái tim là biểu tượng của Tình yêu. Vì thế việc tôn kính Trái tim Chúa chính là tôn kính Tình yêu của Chúa.
a) TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA THẬT BAO LA
Con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài như thánh Gio-an đã viết: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8). Tình Yêu của Thiên Chúa thật vô cùng, vượt trên tình thương của cha mẹ đối với con cái, như Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng, đẻ đau? Cho dù nó có quên chăng nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ… Ta đã khắc ghi ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15–16a). Thánh Phao-lô cũng viết: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi”, và ngài kết luận: “Đó là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
Nói đến tình yêu, chúng ta không thể không nhắc đến trái tim, một biểu tượng rõ nét của tình yêu. Hội Thánh đã dành riêng tháng sáu và đặc biệt ngày Thứ Sáu sau Chúa Nhật Mình Thánh Chúa để mừng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Đây là Trái Tim đã bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn trên cây thập giá, từ đó máu và nước đã trào ra để biểu lộ tình yêu thương nhân loại chúng ta (x. Ga 19, 34). Tình yêu của Thiên Chúa thật bao la khôn lường. Tuy nhiên, chúng ta cũng phần nào hiểu được tình yêu ấy qua hình ảnh người Mục Tử tốt lành trong Tin Mừng hôm nay, đã để 99 con chiên còn lại ở nơi hoang địa để đi tìm bằng được con chiên bị lạc mất.
b) ĐỨC GIÊ-SU LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH ĐƯỢC CHÚA CHA SAI ĐẾN
– Đức Giê-su chính là Mục Tử nhân lành được Thiên Chúa hứa ban cho dân Ít-ra-en. Người đã giảng dạy đám đông đang khao khát nghe lời chân lý (x. Mt 5, 1-12). Người rung động trước sự đói khát của đám đông, nên đã nhân bánh ra nhiều để nuôi họ (x. Mc 8,1-10). Người không ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh bà góa đang khóc lóc đi đưa xác đứa con trai duy nhất mới chết ở cửa thành Na-im, và đã phục sinh anh (x. Lc 7,11-17). Người rơi lệ khi thấy Mát-ta và Ma-ri-a đang khóc thương La-gia-rô chết chôn trong mồ được bốn ngày (x Ga 11,1-45). Người bênh vực người phụ nữ ngoại tình giúp chị khỏi bị hình phạt ném đá chết và sau đó đã tuyên bố: “Tôi không kết án chị đâu. Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Người gọi một người thu thuế tên Lê-vi theo làm môn đệ; Đến trọ nhà ông Gia-kêu trưởng thu thuế và tha tội cho ông. Người cũng tha tội chối thầy cho tông đồ Phê-rô và cho người trộm lành được vào Nước Trời. Người cũng cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Cuối cùng Người sẵn sàng chịu chết đền tội thay cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Sau khi chết Người còn chịu lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn để “máu và nước chảy ra”, hầu ban ơn cứu độ cho loài người chúng ta (x. Ga 19,31-37).
– Ngoài ra, Mục Tử Giê-su không dừng lại ở việc chăm sóc, giữ gìn, mà tình yêu còn khiến Người đi tìm kiếm chiên lạc như lời Người nói: “Ai trong các ông có 100 con chiên và nếu mất một con, lại không để 99 con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc cho đến khi tìm thấy sao?” (Lc 15,4). Cho dù chúng ta có là những con chiên mình đầy ghẻ lở tội lỗi, thì Chúa vẫn yêu thương mở rộng vòng tay đón nhận, săn sóc và vác lên vai đưa về đàn chiên duy nhất dưới quyền một Chúa chiên.
c) ĐÁP LẠI TÌNH YÊU CỦA THÁNH TÂM CHÚA THẾ NÀO?
– Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc tín thác vào tình thương của Chúa:
Cần tránh hai thái cực:
Một là cậy trông quá lẽ và mù quáng khi chủ trương: cứ việc hưởng thụ các đam mê xác thịt, rồi đến khi bị bệnh liệt giường sắp chết, sẽ hồi tâm sám hối cũng không muộn. Nghĩ như thế là lạm dụng tình thương bao dung của Chúa. Bởi vì tuy là Đấng nhân hậu từ bi, nhưng Người cũng là vị Thẩm Phán công minh, thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ trong ngày phán xét.
Hai là mất lòng cậy trông vào tình thương tha thứ của Chúa: Chúng ta đừng bao giờ rơi vào thái độ tuyệt vọng như tông đồ Giu-đa, đã đi thắt cổ tự tử sau khi phạm tội bán nộp Thầy, vì mất lòng cậy trông vào tình thương của Chúa. Nên nhớ rằng Chúa là Cha nhân hậu luôn chờ đón đứa con hoang đàng trở về. Người đứng ngoài cửa lòng chúng ta và gõ. Nếu chúng ta mở cửa ra đón Người thì Người sẽ vào dùng bữa tối với chúng ta và ban ơn cứu độ cho chúng ta (x. Kh 3,20).
– Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc ở lại trong tình yêu Chúa (Ga 15,9b):
Chúng ta hãy năng dâng lên Chúa những lời nguyện tắt như: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin dạy con yêu mến Chúa. Xin gia tăng lòng mến cho con để con năng đến viếng Chúa trước Nhà Tạm, năng dự lễ rước lễ mỗi ngày, hầu được kết hiệp mật thiết với Chúa và được hiệp nhất với nhau”. Hoặc: “Lạy Chúa Giê-su. Con xin làm việc … này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa. Xin thương cho một người lương ở gần nhà con được tin yêu Chúa – cho một tội nhân con quen biết sớm được ơn trở về giao hòa với Chúa”.
-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc phục vụ Chúa hiện thân trong tha nhân:
Hãy tập nhìn thấy Chúa Giê-su đang hiện thân nơi tha nhân, nhất là nơi những người nghèo khó bệnh tật và bị bỏ rơi, để chúng ta thăm viếng và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa như lời Chúa dạy: “Ta bảo thật: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc dẫn đưa nhiều chiên lạc về với Chúa:
Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu họp tại Rô-ma gần đây đã cho biết: Dân số Á châu hiện đã trên ba tỷ năm trăm triệu người. Thế mà mới chỉ có một trăm mười triệu là người tín hữu Ki-tô. Còn tới ba tỷ bốn trăm triệu người châu Á đang ở ngoài đoàn chiên Hội thánh. Đó là chưa kể đến biết bao tín hữu tuy đã chịu phép rửa tội, nhưng đã không hành đạo, lười biếng làm việc lành như: không đọc kinh dự lễ hoặc phạm những tội ác xấu xa… Những người này chính là những con chiên lạc cần được chúng ta cầu nguyện và giúp họ sớm nhận biết tin yêu Chúa để cùng được hưởng ơn cứu độ với chúng ta.
5. NGUYỆN CẦU
LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU. Chúa luôn dẫn dắt chúng con từng ngày, luôn tha thứ những lỗi lầm của chúng con. Chúa cũng sẵn sàng đến ở cùng chúng con qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con nhận biết tình thương của Chúa, để luôn sống tin yêu phó thác và cậy trông vào Chúa. Xin cho chúng con biết thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng những việc bác ái cụ thể với tha nhân, nhất là quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bệnh tật và khiêm nhường phục vụ họ là hiện thân của Chúa xưa đã bị bỏ rơi trên cây thập giá.- AMEN.