L I N H Đ Ạ O B Á C Á I
Lời giới thiệu
Văn phòng Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam trân trọng giới thiệu với các độc giả tập suy niệm “Các bạn đã làm điều đó cho tôi” để đào tạo tinh thần bác ái cho những anh chị em hoạt động trong Caritas Việt Nam.
Đây là những bài suy niệm trong tuần lễ linh thao tại Đài Bắc, Đài Loan, do Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum (Đồng Tâm) tổ chức, từ ngày 7 đến 11-9-2009.
NHỮNG BÀI SUY NIỆM TRONG TUẦN LỄ LINH THAO
Người hướng dẫn: Thầy YESUDAS MC
Người chuyển ngữ: Phaolô Lê Phước Thiện
DẪN NHẬP
Lẽ ra sơ Nirmala, dòng Thừa Sai Bác Ái, mới là người cung cấp những bài suy ngắm hằng ngày cho cuộc tĩnh tâm này, nhưng một sự cố không mong đợi đã xảy ra làm cho Sơ phải huỷ công việc này và sơ Prema M.C., Bề trên Tổng quyền Dòng Thừa Sai Bác Ái, đã hỏi Người Tôi Tớ Tổng Quyền của tôi (General Servant: từ ngữ được chúng tôi sử dụng để chỉ vị Bề trên Tổng quyền) là thầy Geoff Brown MC xem tôi có thể cung cấp ít bài suy ngắm cho cuộc tĩnh tâm này không. Tôi đã gác lại những chương trình của tôi ở khu vực Châu Phi để có mặt ở đây với quý vị và cầu nguyện với quý vị. Tôi đảm trách công việc này nhân danh dòng Thừa Sai Bác Ái và thật là một ân huệ mà tôi có mặt nơi đây và chia sẻ những suy tư bình dị và đơn sơ của tôi.
Lần đầu tiên khi tôi đọc thông điệp đầu tay của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, tôi tự nhủ: “Cuối cùng rồi Thiên Chúa đã cất nhắc một vị Giáo Hoàng để mở ra một tầm nhìn cho chúng ta sống đời Kitô hữu của chúng ta”. Thật là tốt đẹp khi thấy Giáo Hội đang trên tiến trình suy ngẫm về tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng dành cho Giáo Hội và cho những hoạt động bác ái của Giáo Hội.
Ngày 14 tháng 8, khi được hỏi là tôi có thể cung cấp những suy tư cho cuộc tĩnh tâm này không, quả thật tôi cũng không rõ chủ đề là gì và tôi nên hướng dẫn kỳ tĩnh tâm như thế nào. Tôi đã nói với cha Antony là người đồng tổ chức chương trình tĩnh tâm rằng tôi là một ông thầy tầm thường và tôi làm những công việc tầm thường với những con người tầm thường ở Kolkata. Vì thế, suy tư của tôi sẽ rất tầm thường.
Để suy ngẫm, chúng ta sẽ sử dụng ba nguồn tài liệu được trích ra từ Kinh Thánh, từ thông điệp đầu tay của Đức Thánh Cha và từ những lời nói của Mẹ Têrêsa. Ý định sử dụng ba nguồn tài liệu này của tôi là góp một phần nhỏ vào chủ đề “Các bạn đã làm việc đó cho tôi” và chia sẻ với quý vị một vài suy tư đơn giản xuất phát từ kinh nghiệm của cuộc sống. Do đó, không có vấn đề có những kết luận dứt khoát, mà đúng hơn là có những đề nghị, những luồng tư tưởng cần phải được bổ túc thêm và được cải thiện qua lời cầu nguyện và suy ngẫm của quý vị. Vì vậy mà tôi chia sẻ suy tư nhỏ bé của tôi để quý vị suy xét trong khi cầu nguyện.
Chúng ta cần Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong cuộc tĩnh tâm này. Chúng ta sẽ cố gắng khởi sự mỗi lần suy ngắm với Lời Chúa và một thời gian ngắn cầu nguyện trong thinh lặng. Kinh Thánh “được Chúa Thánh Thần linh ứng” và chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa trong “thinh lặng của cõi lòng”. Ngôi Lời được sinh ra và lớn lên trong lòng của Đức Maria, vì thế chúng ta kết thúc nguyện ngắm mỗi ngày với Đức Maria.
Nhiều bài suy ngắm xuất phát từ đời sống của các sơ và các thầy Thừa Sai Bác Ái. Đó là kinh nghiệm của chúng tôi với tư cách là những người Thừa sai Bác ái, và cuộc sống của chúng tôi với những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Đó cũng là hướng đi mà chúng tôi muốn phát triển với tư cách là những người Thừa sai Bác ái với tất cả những yếu đuối và dễ bị tổn thương của con người chúng tôi. Vậy chúng ta hãy cùng nhau lên đường, tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta và cầu khẩn Người hướng dẫn chúng ta trong tình yêu của Người.
Tác giả, Thầy Yesudas MC.
BÀI SUY NGẮM THỨ NHẤT:
“CÁC BẠN ĐÃ LÀM VIỆC ĐÓ CHO TÔI” (Mt 25,40)
Ngày hôm sau, ông Gioan lại đứng với hai trong số các môn đệ của ông, và khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông la to lên, “Nhìn kìa, đây là Chiên Thiên Chúa!”. Hai môn đệ nghe ông nói thế, và họ liền đi theo Đức Giêsu. Khi Chúa Giêsu quay lại và thấy họ đang đi theo, Người hỏi họ, “Các anh đang tìm kiếm gì thế?”. Họ trả lời, “Lạy Thầy, Thầy đang ở đâu?”. Người bảo họ, “Hãy đến mà xem”, và họ đã đến xem nơi Người đang ở và ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,35-39).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con tin Chúa đang ở với chúng con tại nơi này, và Chúa cũng đang đặt ra cùng một câu hỏi mà Chúa đã hỏi hai người môn đệ đi theo Chúa: “Các anh đang tìm kiếm gì?” Lạy Chúa, chúng con muốn ở lại với Chúa trong kỳ tĩnh tâm này và chúng con biết chỉ một mình Chúa mới có thể thoả mãn sự đói khát của trái tim con người. Xin hãy giúp chúng con ở lại với Chúa bằng cách lắng nghe Lời của Chúa, ở trước Tôn nhan Chúa trong bí tích Thánh Thể, và ở lại với Chúa trong những giờ cầu nguyện chung với nhau. Xin hãy đổ đầy ơn thánh trong chúng con để chúng con ở lại với Ngài.
THINH LẶNG
1. Chúa Giêsu mời chúng ta đến xem nơi Người đang ở và yêu cầu chúng ta ở lại với Người.
Người nói: “Vì khi Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát các ngươi đã cho Ta uống, Ta là khách lạ các ngươi đã cho tá túc, Ta trần truồng các ngươi cho áo mặc, Ta bệnh hoạn các ngươi chăm sóc, Ta ở tù các ngươi đã viếng thăm… Khi các ngươi làm việc đó cho một người bé mọn nhất trong số những người anh em của Ta là các ngươi đã làm việc ấy cho Ta vậy” (Mt 25,34-36. 40).
Chúa Giêsu đang mời chúng ta nhận ra điều bí nhiệm là người đói khát, người khách lạ, người bị tù đày là một con người độc nhất, quý báu không những xét về quyền của chính người ấy – mà còn ở cốt lõi sâu thẳm nhất của bản tính con người nữa, Chúa đang ở đấy, đang nói lời của Người, đang cư ngụ giữa chúng ta một lần nữa trong xác phàm, đang mang theo với Người khát vọng sống và yêu thương.
Tại sao Chúa Giêsu nói “người bé mọn nhất?”. Bởi vì Người đồng hoá mình với người nghèo và người hèn mọn theo một cách đặc biệt. Chúng ta biết rằng khi Người cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi nhất, thì Người lại thực sự gần gũi với trái tim của Cha Người nhất. Cũng vậy, những người ý thức được sự nghèo khổ và khốn cùng của riêng mình là những người có ít ảo tưởng nhất và do đó họ gần gũi nhất với chân lý mà chỉ mình Chúa mới là ý nghĩa duy nhất và mục đích duy nhất.
Vì thế, khi chúng ta nhận ra được sự hiện diện của Chúa trong “con người bé mọn nhất” và đáp lại bằng tình thương thì chắc chắn chúng ta sẽ có được phần thưởng của Chúa. Phần thưởng đó là gì? Đó chính là Chúa của chúng ta. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trong thông điệp đầu tay của ngài, “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”, đã viết: “Tình yêu đối với Chúa và tình yêu đối với tha nhân đã trở nên một: ta tìm gặp được chính Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu trong người bé mọn nhất trong số những người anh em, ta gặp được Thiên Chúa.” (TCLTY, 15).
2. Sống chiêm niệm giữa lòng thế giới qua sự huấn luyện con tim
Có hai chiều kích trong công tác bác ái Kitô giáo của chúng ta. Có chiều kích ngoại giới và chiều kích nội giới. Khi chúng ta tập trung vào chiều kích nội giới, sự hiện diện của Chúa Giêsu, trong đó ẩn chứa bản thể thiêng liêng sâu thẳm được biết như là thần bí cảm nghiệm, chúng ta bắt đầu nhìn vượt ra khỏi những hoạt động của chúng ta, công việc chúng ta làm, sự chăm sóc chúng ta thực hiện để đi đến người túng thiếu. Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta viết trong Hiến Pháp của Dòng Thừa Sai Bác Ái rằng: “Chúng ta được kêu gọi sống chiêm niệm giữa lòng thế giới bằng cách: tìm kiếm gương mặt của Thiên Chúa trong hết mọi sự, mọi người, mọi nơi, mọi lúc, và bàn tay của Người trong mọi biến cố xảy ra; đặc biệt trông thấy và thờ lạy sự hiện diện của Chúa Giêsu trong hình bánh nhỏ mọn, trong sự cải trang khốn khó của người nghèo, bằng cách cầu nguyện cho công việc đang làm được thực hiện với Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu” (Hiến Pháp Dòng TSBA, 148).
“Chúng ta là những người sống chiêm niệm giữa lòng thế giới”, mẹ nói, “vì chúng ta hiện diện hai mươi bốn giờ mỗi ngày với Chúa Giêsu”. Đối với mẹ, Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể và Chúa Giêsu trong người nghèo chỉ là một tình yêu: “Chúa Giêsu mà tôi rước trong bí tích Thánh Thể, thì cũng chính là Giêsu mà tôi phục vụ. Không phải là một Giêsu khác”. Quả thật, chính cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể đã thúc giục mẹ đi tìm kiếm Chúa Giêsu trong người nghèo và dâng hiến sự phục vụ khiêm tốn của mẹ.
Mẹ Têrêsa thường kể cho chúng tôi câu chuyện sau đây: “Tôi đi Delhi và ngài Bộ trưởng Xã hội nói với tôi, “Này mẹ, mẹ và tôi đang làm cùng một công việc, nhưng có một sự khác biệt – mẹ đang làm việc đó cho “một người nào đó”, còn chúng tôi đang làm việc đó cho “một điều gì đó”- Hãy nhìn các sơ (các thầy): họ có thể là một người Hinđu, nhưng họ biết vị trí Chúa Giêsu trong cuộc đời của chúng ta. Ngay cả ngài Gandhi cũng đã nói: “Ai phục vụ người nghèo, là phục vụ Chúa”. Việc bác ái của người Công giáo chúng ta cần tập trung sự hiện diện của Chúa trong hết mọi hoạt động của mình.
3. Phúc Âm của năm ngón tay đặt nền tảng trên tình yêu thương
“Các bạn… đã làm… việc đó… cho… tôi”. Mẹ Têrêsa đã nhấn mạnh từng tiếng rõ ràng trên những ngón tay của một bàn tay và nói với chúng tôi, “cuốn Phúc Âm của năm ngón tay”. Chúng ta có thể tự hỏi mình rằng chúng ta là những người lãnh đạo của Giáo Hội và chịu trách nhiệm về những công tác bác ái của Giáo Hội, “chúng ta thực tập và hướng dẫn những người khác đến với cuốn Phúc Âm của năm ngón tay như thế nào?” “Các bạn đã làm việc đó cho tôi”. Để làm được mọi việc vì Chúa Giêsu, để thấy được Chúa Giêsu trong những người cùng làm việc với chúng ta và hướng dẫn họ thấy được Người trong lĩnh vực làm việc riêng của họ, chúng ta cần một sự huấn luyện con tim để thâm nhập vào cuốn “Phúc Âm của năm ngón tay”. Nó kêu gọi chúng ta yêu thương, mời gọi chúng ta thâm nhập vào một mối quan hệ thân thiết và nuôi dưỡng ý nghĩa của sự thuộc về.
Đức Thánh Cha trong thông điệp đầu tay của ngài đã viết: “Chúng ta ứng xử với những con người, và con người luôn luôn cần một cái gì đó hơn là một sự chăm sóc đơn thuần mang tính kỹ thuật. Họ cần những giá trị nhân bản. Họ cần sự cảm nhận của con tim. Những người làm việc cho các tổ chức bác ái của Giáo Hội phải phân biệt được rằng họ không đơn thuần là đáp ứng những nhu cầu nhất thời, mà là hiến thân mình cho những người khác với một con tim biết cảm thông, cho phép họ kinh nghiệm được sự phong phú của bản tính con người của họ; do đó, thêm vào công việc đào tạo chuyên môn cần thiết, những người làm việc bác ái này cần được “đào tạo con tim”. Họ cần được dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô, cuộc gặp gỡ này đánh thức tình yêu của họ và mở tâm hồn họ ra cho những người khác” (TCLTY, 31 (DCE)).
Làm sao chúng ta có thể hướng dẫn một lối sống mà việc huấn luyện con tim trở thành một tiến trình liên tục? Trong công tác bác ái của chúng ta, như tôi vừa mới nhắc đến ở trên, có hai chiều kích, và khi có sự hoà hợp giữa chiều kích ngoại giới và nội giới, chúng ta có thể gọi nó như là “một thuyết thần bí cảm nghiệm tích cực”. Khi chúng ta tiến vào bên trong – qua cầu nguyện, suy ngắm, và cử hành Thánh Thể – chúng ta thấy được ánh sáng của Chúa trong chúng ta, và chúng ta thấy cũng ánh sáng đó đang chiếu soi trong những người khác. Do sự thực hiện đó, “một tinh thần yêu thương và cảm thông” tự nhiên và siêu nhiên trở thành dấu ấn của đời sống bên ngoài của chúng ta.
Mối tương quan với chiều kích nội giới và ngoại giới biến thành một sự tăng trưởng không ngừng. Đó là sự tăng trưởng hướng về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn chúng ta bày tỏ sự thánh thiện và tình yêu của Ngài cho thế giới qua chúng ta. Chúa phán: “Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới và Ta sẽ đặt trong các nguơi một thần trí mới; Ta sẽ cất đi khỏi thân xác các ngươi quả tim bằng đá và ban cho các ngươi quả tim bằng thịt” (Ez 36,26).
Trái tim là nền tảng của mọi mối quan hệ; nó là cái ở sâu thẳm nhất trong mỗi người chúng ta. Nếu quả tim của tôi bị tan vỡ, tôi sẽ bị tiêu tan trong mối quan hệ hoặc tôi sẽ từ chối hết mọi quan hệ. Trong mối quan hệ chân thật – chúng ta cư xử với mỗi người như là con người, chúng ta băn khoăn, chúng ta lắng nghe, chúng ta yêu mến và chúng ta muốn cho người khác trở nên trọn vẹn hơn, tự do hơn, thành thật hơn và có trách nhiệm hơn. Trong mối quan hệ chân thật, chúng ta đặt con người lên trước nhất, chúng ta tiếp cận, và chúng ta cư xử với mọi người cách hoà nhã và tử tế. Chúng ta càng cởi mở với người yếu đuối, người đau khổ và người hèn kém trong số những người anh em của chúng ta, thì mối quan hệ của chúng ta càng thăng hoa và trở nên dễ cảm thông, ngôn ngữ của loài người chúng ta càng nói lên sự tôn trọng và giao tiếp, tôn vinh sự thánh thiêng của thực tế.
Một trong những vẻ đẹp vĩ đại nhất mà tôi được biết là tôi đã thấy nơi nhiều tình nguyện viên từ khắp nơi trên thế giới, những người đến Calcutta để chia sẻ với những Thừa sai Bác ái, trong những công tác tình yêu khiêm tốn đối với người nghèo nhất trong những người nghèo, là sức mạnh, sự tôn trọng và sự khôn ngoan mà tất cả chúng ta mang theo qua lòng nhân hậu – trong cách chúng ta tiếp chuyện với người nghèo. Vì lòng nhân hậu để lộ ra vẻ đẹp và giá trị đối với người khác. Lòng nhân hậu này là một đường lối vĩ đại để chữa lành. Một trong những đức tính vĩ đại nhất của một thành viên của một tổ chức bác ái của Giáo Hội là cách mà người ấy cư xử với người khác với lòng nhân hậu. Nhưng chúng ta biết không dễ gì lúc nào cũng nhân hậu được. Chúng ta cần đến ơn Chúa.
4. Tái tạo con tim để hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu
Trở thành một phần tử của những công tác bác ái của Giáo Hội ngụ ý một sự biến đổi tận căn của con người tôi. Nó bao hàm những mối quan hệ đã dần biến đổi tôi nên con người mà tôi hiện là. Nó sẽ đòi hỏi nơi tôi – một sự biến đổi kiên trì và lắm khi đầy đau thương của con người mà tôi đang là. Sẽ có thời gian, có lẽ được kéo dài, của sự chết và sự sống lại. Sự biến đổi đầy đau thương này bám rễ trong chúng ta – khi chúng ta có cảm giác “thuộc về Chúa Giêsu”, mà chúng ta vừa triển khai qua lời kinh chung sâu sắc và đẹp, một tình huynh đệ sâu hơn trong đó chúng ta quan tâm nhiều hơn cho nhau, lòng can đảm bỏ lại sau lưng những đường xưa lối cũ và tiếp nhận con đường để tái tạo con tim chúng ta.
Một trong những người anh em của chúng tôi, khi anh đến gia nhập vào dòng những anh em Thừa Sai Bác Ái, đã nói với mẹ Têrêsa rằng: “Thưa mẹ, ơn gọi của con là phục vụ những bệnh nhân hủi”. Mẹ đã trả lời anh, “Không, anh bạn, ơn gọi của anh là thuộc về Chúa Giêsu”. Thuộc về Chúa Giêsu là một thực tại quan trọng ở giữa mọi công tác bác ái của chúng ta. Thuộc về Chúa Giêsu mở rộng con tim chúng ta hướng về một thực tại rộng lớn hơn. Vẻ đẹp của mọi tình bác ái của chúng ta tuôn chảy từ ý nghĩa sâu xa của sự thuộc về Chúa Giêsu. Công tác của chúng ta với nhân loại đau khổ, cho người đói ăn, cho người khát uống, đón tiếp người khách lạ, cho người trần truồng áo mặc, chăm sóc người ốm đau… là cách diễn tả sự thuộc về Chúa Giêsu của chúng ta. Mẹ Chân Phước Têrêsa là gương mẫu sáng chói thật sự của sự thuộc về và tình bác ái này. Chúng ta cần sự khôn ngoan của tình yêu để thuộc về.
Chỉ trong và qua Chúa Giêsu mà chúng ta thuộc về người rốt hết trong số những người anh em. Tất cả chúng ta thuộc về Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Tất cả chúng ta đều nói “xin vâng” với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, và nhờ nói “xin vâng” với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nói “xin vâng” với người bị đóng đinh của thế giới. Kinh nghiệm thuộc về Chúa Giêsu này đánh tan chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ của chúng ta. Nó sẽ dẫn đưa chúng ta lớn lên trong sự tự do và trưởng thành nội tâm. Nó sẽ dẫn đưa chúng ta đến kinh nghiệm rằng tất cả chúng ta đều thuộc về chung một nhân loại, dòng giống loài người. Chúa chúng ta là một Thiên Chúa yêu thương thế gian. Người là một Thiên Chúa thuộc về thế gian: “Vì Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi trao ban Người Con duy nhất của mình, để ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết mà được sống đời đời” (Ga 3,16).
Thiên Chúa chúng ta là Đấng thuộc về thế gian vừa tốt lại vừa xấu. Để thuộc về một thế giới như thế, Thiên Chúa thật sự muốn nói rằng chúng ta thuộc về một cộng đồng nhân loại bị thương tổn và yếu đuối. Sự yếu đuối và thương tật của chúng ta có một sức mạnh bí mật đánh động con tim chúng ta và cùng mang chúng ta vào một kinh nghiệm thuộc về nhau. Sự yếu đuối và thương tật của chúng ta mang bên trong chúng một sức mạnh bí mật – sức mạnh của tình yêu. Khi tình yêu này trỗi dậy trong chúng ta qua sự thuộc về Chúa Giêsu với những kinh nghiệm sâu xa của chia sẻ, tình yêu sẽ tái tạo con tim chúng ta theo những phương cách mà chẳng bao giờ chúng ta lên kế hoạch.
Phúc Âm của năm ngón tay, “Các bạn…đã làm…việc đó… cho… tôi”, chỉ được sống qua đức tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong LỜI CỦA CHÚA, trong BÍ TÍCH THÁNH THỂ, và trong NGƯỜI BÉ MỌN NHẤT TRONG NHỮNG NGƯỜI ANH EM. Chỉ qua ý nghĩa sâu xa của sự thuộc về Chúa Giêsu – mà chúng ta có thể khám phá ra, trong việc điều hành, quản lý, lên kế hoạch những công tác bác ái của chúng ta – “một Người nào đó lớn hơn” – chính chúng ta.
5. Thuộc về Chúa Giêsu như Mẹ Maria
Tôi muốn kết thúc bài suy niệm của chúng ta bằng cách mời quý vị chú ý đến buổi tiệc cưới ở Cana (Ga 2,1-11). Chúng ta hãy nhìn buổi tiệc cưới sâu lắng hơn một chút – để khám phá ra thái độ và mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu. Trong câu chuyện Tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu ẩn mặt, không được biết đến, và hoà mình trong đám thực khách. Người không xuất đầu lộ diện, Người không là người khách nổi bật trong tiệc cưới. Người không là “linh hồn” của tiệc cưới. Không ai quan tâm đến Người. Người có mặt ở đấy với những người khác, chỉ như là một người trong đám đông. Không ai nghĩ về Người như là người chủ chốt, và không ai yêu cầu Người giải quyết vấn đề. Điều cần ở đây là dành cho một ai đó biết Người, để đưa Người ra khỏi đám đông – như một Nhân Vật có thể cứu được buổi tiệc.
Chạnh lòng thương, Đức Maria nhập vai vào khung cảnh ấy. Mẹ là người đầu tiên nhận ra tình cảnh ấy. Mẹ cảm nhận rất sâu xa tình cảnh của con người. Mẹ sống trong tình cảnh con người. Mẹ không có một sự tiếp cận chuyên nghiệp hoặc lời khuyên mang tính kỹ thuật; Mẹ cũng không thể xuất hiện như một chuyên viên để giải quyết vấn đề. Thế nên, Mẹ đến gặp Đức Giêsu, con của Mẹ, Mẹ đến gần Chúa Giêsu trong tin yêu. Đức Maria là mẫu gương cho công tác bác ái của chúng ta trong Giáo Hội. Chúng ta cần biết Chúa Giêsu như Đức Maria đã biết. Chúng ta cần yêu Chúa Giêsu như Đức Maria đã yêu và chúng ta cần thuộc về Chúa Giêsu như Đức Maria đã thuộc về Người. Chính mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu dẫn Người đến những hoàn cảnh khó khăn của chúng ta trong kiếp người và mang đến sự hiện diện của Người, sức mạnh của Người và sự Người chữa lành đời sống.
KẾT LUẬN
Để tổng hợp lại những gì chúng ta đã chia sẻ: Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta đến xem – nơi Người ở và yêu cầu chúng ta ở lại với Người – trong người bé mọn nhất trong số những anh em bé mọn của chúng ta. Như thế, chúng ta được kêu gọi sống chiêm niệm giữa lòng thế giới. Chúng ta trở thành những người chiêm niệm qua sự huấn luyện con tim. Sự huấn luyện con tim này là một tiến trình xuyên qua ý nghĩa của sự thuộc về và mối quan hệ với Chúa Giêsu. Chỉ trong sự thuộc về này mà chúng ta có thể sống cuốn “Phúc Âm của năm ngón tay” – “Các bạn… đã làm…việc đó…cho… tôi”.
Vp. Caritas Việt Nam