NHỮNG BÀI SUY NIỆM TRONG TUẦN LỄ LINH THAO
Người hướng dẫn: Thầy YESUDAS MC
Người chuyển ngữ: Phaolô Lê Phước Thiện
***
BÀI SUY NGẮM THỨ HAI:
YÊU TRONG HÀNH ĐỘNG
“Ngày hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, ông liền hô to: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29).
Cầu nguyện: Chúng ta hãy nhắm mắt lại trong giây lát và hãy tưởng tượng cảnh Chúa Giêsu đang tiến về phía ông Gioan Baotixita. Chúa Giêsu luôn luôn tiến về phía chúng ta, mang theo lòng tin, tình yêu tha thứ và mời gọi chúng ta ở lại với Người – gần bên trái tim của Cha (x. Ga 1,18) chúng ta thấy Người, nhưng Người lặng thinh. Gioan Baotixita chỉ Người và nói “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Gioan, một người tốt lành biết bao, trong sáng biết bao, khiêm tốn biết bao! Giả như tất cả chúng ta chỉ có thể giống được như thế thôi, đừng chỉ vào chính bản thân chúng ta và sức mạnh thiêng liêng riêng của chúng ta, mà hãy chỉ vào Chúa Giêsu, Đấng lôi kéo chúng ta đến một tình yêu mới và đậm đà hơn.
THINH LẶNG
1. Sự tăng trưởng trong tình yêu bằng hành động
Trong bài suy niệm I chúng ta đã suy nghĩ về sự huấn luyện con tim với chủ đề: “Các bạn đã làm việc đó cho tôi”. Hôm nay, chúng ta tiếp tục hành trình thiêng liêng của chúng ta trên cùng một hướng. “Các bạn đã làm việc đó cho tôi” mời chúng ta yêu thương, một sự tăng trưởng không ngừng trong “yêu thương bằng hành động”. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI của chúng ta, trong một bài giảng, đã nói: “Chúng ta luôn cố gắng cải thiện khả năng tri thức của chúng ta nhanh chóng dễ dàng hơn là khả năng yêu thương của chúng ta, bởi vì kiến thức tự động biến thành sức mạnh, còn tình yêu thì biến thành phục vụ”.
Chúng ta nên suy nghĩ và tự vấn: “Với tư cách là những người lãnh đạo công tác bác ái Công giáo, chúng ta đang cố gắng cải thiện điều gì trong những lĩnh vực riêng liên can đến chúng ta? Phải chăng tất cả chúng ta chỉ đang tiến trên phạm vi kiến thức về những kỹ năng chuyên môn hoặc là chúng ta cùng đang tiến trên phạm vi yêu thương? Sự khao khát tìm kiếm kiến thức và yêu thương của chúng ta là một sự khao khát tìm kiếm sự tăng trưởng. Tất cả chúng ta đều muốn tăng trưởng và trở nên tốt. “Ta đã yêu thương ngươi bằng một tình yêu muôn thuở” (Gr 31,3), là Lời của Chúa không những nói cho dân Israel mà còn cho mỗi một con người. Bởi vì tình yêu của Chúa nhắm đến sự tăng trưởng, đó là ý muốn của Thiên Chúa là chúng ta tăng trưởng trong tình yêu của Ngài.
Sự tăng trưởng này là một sự khát khao không thoả mãn được nơi Thiên Chúa và cũng là nơi tất cả chúng ta. Tăng trưởng, gia tăng, chuyển động về phía trước là những từ ngữ chúng ta có thể sử dụng để nhắm đến trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta cần tăng trưởng trong việc phục vụ tình yêu của Chúa cho “người bé mọn nhất trong những người anh em”. Chân phước Têrêsa Calcutta đã chẳng bao giờ mệt mỏi lặp lại: “Chúng ta được dựng nên để yêu và để được yêu”. Chúng ta cảm nhận được bình an, thoải mái và vui vẻ trong kinh nghiệm được yêu và trong khi hiến thân mình cho tình yêu. Vậy chuyển động đến trước phải có một phương hướng gia tăng mỗi ngày, từ ngày này sang ngày kia, liên tục, đến sự hoàn hảo của Thiên Chúa trong mỗi chúng ta. Khi chúng ta nhìn vào những đặc sủng khác nhau trong Giáo Hội, yêu là một nguyên lý năng động bởi vì khi tình yêu Chúa tăng trưởng trong chúng ta, nó khiến chúng ta chăm sóc mãnh liệt cho người túng thiếu. Mọi nỗ lực của những hoạt động bác ái của chúng ta trong Giáo Hội có thể được quy về ý tưởng này: YÊU.
2. Tình yêu làm cho ta hợp nhất với Chúa Giêsu và tha nhân
Trong người nghèo, Chúa Giêsu gần gũi với chúng ta: chúng ta có thể đụng chạm Người. Và Chúa Giêsu, trong mỗi chúng ta, đang đợi lớn lên với tình yêu thương của chúng ta. Sự sống của Người tăng trưởng với mỗi hành động của tình yêu chân thành. Con tim chúng ta càng mở rộng, cho phép Người sống sự sống tình yêu của Người trong chúng ta, thì chúng ta sẽ càng có khả năng yêu thương. Trong thực tế, qua tình yêu của chúng ta, chính Người thể hiện tình yêu của Người cho người nghèo và người đau khổ. Vì chúng ta yêu họ, chúng ta sẽ làm mọi việc có thể để giúp họ đáp ứng những nhu cầu của họ. Nhưng vì chúng ta yêu họ nên chúng ta biết rõ rằng họ, cũng như chúng ta, cần tình yêu của Chúa. Chúng ta làm việc với Chúa Giêsu để cho phép Người yêu với quả tim của chúng ta, để chứng tỏ rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương thế gian qua chúng ta. Chúng ta là những dụng cụ của Chúa để cho người nghèo và đau khổ có thể biết rằng họ “không lẻ loi một mình trong cơn khốn khó” – mỗi một người đều quý báu trước mặt Chúa.
Tình yêu là nguồn của sự hợp nhất, chính tình yêu gìn giữ Giáo Hội và những hoạt động bác ái của Giáo Hội đồng thời làm cho Giáo Hội tăng trưởng. Chân phước Têrêsa Calcutta vẫn thường hay nói với chúng tôi: “Tôi thường đi xe lửa từ Calcutta đến Dehli. Trên đường đi có hai trạm, một trạm tên là “Ek dil”, có nghĩa là “một trái tim”. Còn trạm kia tên là “Prempur”, có nghĩa là “đầy tình yêu”. Tôi thường bảo với các sơ là nếu ta gom tên hai trạm xe lửa đó chung với nhau thì ta sẽ có một cộng đồng hoàn hảo: “Một trái tim đầy tình yêu”. Vậy chúng ta hãy là một trái tim đầy tình yêu trong trái tim Chúa và ta chia sẻ niềm vui của yêu thương bằng chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương và phục vụ nhau”. Sự hợp nhất tâm trí, phát xuất từ tình yêu, là điều kiện cho sự tăng trưởng và chứng từ cho những hoạt động bác ái của Giáo Hội.
3. Tình yêu làm cho ta tăng trưởng trong việc phục vụ Chúa
Công tác bác ái của Giáo Hội có một định hướng thiêng liêng. Định hướng thiêng liêng này chỉ khả thi khi chúng ta càng ngày càng tăng trưởng – tiến vào sự hoàn thiện của tình yêu Thiên Chúa – trong mỗi chúng ta. Mẹ Têrêsa thường lặp đi lặp lại câu này: “Tình yêu tự nó không thể giữ lại được cho chính mình – nếu khác đi thì nó không có ý nghĩa. Tình yêu phải biến thành hành động, và hành động đó là phục vụ”.
Mẹ Têrêsa biết rất rõ tình yêu mà người đã kinh nghiệm được vào ngày 10-9-1946 trên đường đi đến Darjeeling và người gọi đó là sự linh ứng của Chúa: “Một lời kêu gọi trong một lời kêu gọi” – là một lời kêu gọi để trở nên “ánh sáng của Chúa”, “Ngọn lửa tình yêu của Chúa”. Nói “xin vâng” với lời kêu gọi ấy, mẹ phải từ bỏ mọi thứ để yêu mến Đức Giêsu trong bộ cải trang rách rưới của người nghèo nhất trong những người nghèo. Mục tiêu đơn thuần của mẹ là – tình yêu Đức Giêsu – sống cho Đức Giêsu – bước đi hướng đến Đức Giêsu. Thánh Phaolô có cùng một mục tiêu, đời sống của ngài là – sống cho Chúa Giêsu – bước đi hướng về Chúa Giêsu (x. Pl 1,23; 2Cr 5,14; 1Cr 8,11). Tăng trưởng trong tình yêu Thiên Chúa là một quà tặng và chúng ta được kêu gọi để chia sẻ món quà đó bằng cách yêu thương những người khác (x. Ga 3,16; 10,5.15.17; 16,27; 17,26; 14,21). Sự hoà hợp của chúng ta trong tình yêu sẽ là chứng từ nhờ đó thế giới sẽ tin vào Chúa Giêsu (x. Ga 17,11; 21-23; 1Ga 4,8.12; 5,1).
4. Sức mạnh của đức tin được cảm nhận qua tình yêu (Gl 5,6)
Chính đức tin mang lại ý nghĩa cho đức ái, trong khi đó đức ái tác động và làm cho đức tin sống động. Chúa Giêsu làm cho đức tin của chúng ta sinh động trong Người và trong Cha để chúng ta có thể tuân giữ những giới răn của Người (1Ga 5,2-3) cách đặc biệt là điều răn mới, điều răn riêng của Người. Chúng ta có một cảnh đẹp trong Phúc Âm thánh Gioan, chương 11, câu 13-37. Chúng ta có hai chị em Matta và Maria. Cả hai đều suy sụp và buồn bã vì cái chết của người em trai của họ là Lazarô. Matta gặp Chúa Giêsu và Người thử thách lòng tin của cô và cô tuyên xưng đức tin: “Vâng, lạy Thầy, con tin Thầy là Đấng Messia, Con Thiên Chúa”. Rồi cô chạy đi vực dậy lòng tin của Maria, nói với cô Maria: “Thầy đang ở đây và đang gọi em đó” (Ga 11,28). Lòng tin của Matta vực dậy tình yêu của Maria. Chính đức tin đánh thức tình yêu trong chúng ta, và tình yêu hoạt động thì đem lại sự sống.
Mẹ Têrêsa, trong một cuộc phỏng vấn, đã nói: “Công việc của chúng tôi, để có kết quả, để dành hết cho Chúa và để tốt đẹp, phải được xây dựng trên đức tin. Tin vào Đức Kitô, Đấng đã nói ‘Ta đói, Ta trần truồng, Ta bệnh tật, Ta không nhà và các ngươi đã làm việc đó cho Ta’. Mọi công việc của chúng tôi đều dựa trên những lời này của Người”. Mẹ vẫn thường nói “Hoa trái của cầu nguyện luôn là tác động sâu sắc của đức tin. Và hoa trái của đức tin luôn là tình yêu, và hoa trái của tình yêu là hành động. Chúng ta phải đặt tình yêu của chúng ta cho Chúa Giêsu trong hành động sống. Tuy nhiên, đưa tình yêu vào hành động không có nghĩa là phục vụ người nghèo bằng cách cho họ một ít đô la hay một ít đồng rupi – từ số tiền thừa thãi của chúng ta. Nó có nghĩa là cho cái của chính mình, chúng ta phải cho đến khi cạn kiệt”. Mẹ cũng đã nói “Chúng ta phải cho trái tim của chúng ta để yêu thương họ và đôi bàn tay của chúng ta để phục vụ họ, bất kể họ có thể là ai, bất kể là ở đâu”.
5. Tình yêu diễn tả qua cách hành động cụ thể cho người nghèo
Trong khi kêu gọi người ta chia sẻ trong công tác của mẹ dành cho người nghèo nhất trong số những người nghèo, mẹ Têrêsa viết: “Tôi muốn bạn, sự hiện diện của bạn kìa. Hãy để cho sự hiện diện của bạn chiếu toả tình yêu dành cho Thiên Chúa bởi vì công việc là cái gì? Việc chúng ta làm là gì? Đó là tình yêu dành cho Chúa biến thành hành động. Tôi dâng hiến cuộc đời tôi cho Chúa, tôi yêu Chúa như thế nào? Tôi không thể phung phí cả ngày để nói: “Lạy Chúa tôi, tôi yêu mến Chúa”. Lời nói thì không đủ, nhưng việc làm, việc phục vụ tôi dành cho người hủi, người đang hấp hối, người tật nguyền là tình yêu của tôi dành cho Chúa trong hành động. Đối với bạn cũng thế, trong gia đình – các bạn yêu thương nhau như thế nào? Chỉ nói thôi sao? Không. Bạn phải làm một điều gì đó và điều bạn làm là tình yêu bạn dành cho Chúa trong hành động. Đó là lý do tại sao nó phải được thực hiện một cách tốt đẹp…”
Đức Thánh Cha, trong thông điệp đầu tay của ngài đã viết: “Hành động thực tiễn sẽ luôn là không đủ, trừ phi nó diễn tả một cách trông thấy được tình yêu dành cho một người, tình yêu được nuôi dưỡng bằng một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô” (TCLTY, số 34). Trong thư gửi giáo đoàn Galata, thánh Phaolô viết: “…Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mạng sống để cứu chuộc tôi” (Gl 2,20). Đó chính là đức tin mà thánh Phaolô tiếp tục nói đến, được chứng tỏ trong hành động bằng đức ái. Vì đức tin mang trong mình hạt giống sứ vụ. Mục đích của đức tin, thánh Phaolô đã nói trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Thessalonica: “Vì thế, chúng tôi luôn cầu nguyện cho anh em, xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi của anh em và dùng quyền năng của Ngài mà hoàn thành mọi thiện chí và mọi việc anh em làm vì đức tin” (1Tx 1,11). Sức sống của đức tin, phải chăng là sức mạnh của nó cho việc thiện khi được đức ái tác động, thực hiện những ý định của Chúa được tỏ bày trong đức tin. Mục đích nhắm đến từ những lời giáo huấn của thánh Phaolô phải là tình yêu phát xuất từ trái tim trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin chân thành (x. 1Tm 1,5).
Thánh Gioan và thánh Giacôbê Tông đồ đã để lại cùng một lời giáo huấn. Đối với các vị, hai tình yêu không thể tách rời nhau được – yêu Chúa và yêu anh chị em đều phát sinh từ đức tin. Đức tin theo thánh Gioan và Giacôbê cần tìm đến tình yêu và việc thực hành của tình yêu, tức là những công tác bác ái (x. Ga 4,19 – 5,1; Gc 2,17-26).
6. Tạo khả năng yêu thương bằng cách mở rộng tầm nhìn về hoạt động bác ái xã hội
Trái tim của chúng ta cần được mở ra cho khả năng yêu thương, đón nhận, quan hệ và những kinh nghiệm về ý nghĩa của sự thuộc về. Làm thế nào chúng ta có thể tạo được khả năng để yêu thương trong tim chúng ta? Tất cả những khả năng này bắt đầu và tiếp tục tuôn chảy từ chúng ta đến những người khác ở đâu? Đây là những câu hỏi chúng ta có thể tự vấn, suy ngẫm và cân nhắc trong cầu nguyện âm thầm trước tôn nhan Chúa.
Cuộc đời là một chuỗi nhận thức và đáp ứng với thế giới bên ngoài. Sự đáp ứng của chúng ta lệ thuộc vào cách nhìn, sự hiểu biết về cuộc đời và hệ thống giá trị của chúng ta. Chúng ta có thể phân biệt giữa kiểu nhìn dẫn đến niềm vui, sự tự do nội tâm với kiểu nhìn dẫn đến sự trói buộc. Trong phần thứ nhất của bài suy ngắm này tôi đã cố gắng chia sẻ với quý vị cái nhìn yêu thương Kitô giáo của chúng ta và hệ thống giá trị của nó cho chúng ta khả năng phục vụ người khác – trong một cách yêu thương đậm đà và chiêm niệm.
Đức Thánh Cha qua thông điệp đầu tay của ngài mời gọi chúng ta phát triển cái nhìn trung thực của tình yêu trong hết mọi hoạt động bác ái của chúng ta. Thật tốt khi ta đặt câu hỏi: Chúng ta có một tầm nhìn không? Tầm nhìn đó là gì? Tại sao chúng ta cần có một tầm nhìn? Tầm nhìn không phải là một mục tiêu hay một chiến lược để trở thành tốt nhất. Nó không phải là chủ ý hay một kế hoạch để trở thành tốt nhất. Đúng ra, nó hướng về một điều gì đó mà ta có thể vun xới hằng ngày. Nó là tầm nhìn mà tất cả chúng ta có thể say mê về nó. Nó là trọng tâm đặc biệt của lối sống của chúng ta. Nó là một bức tranh của lòng tin mà tất cả chúng ta muốn đạt đến. Chính tầm nhìn này cho chúng ta hướng đi, sự rõ ràng trong sáng, tinh thần và động lực thúc đẩy.
7. Các loại tầm nhìn
Khả năng để có một tầm nhìn trung thực từ từ tăng trưởng trong tất cả chúng ta. Nó cần có thời giờ và cần phải huấn luyện con tim, một sự thay đổi nội tâm. Tất cả chúng ta có những tầm nhìn khác nhau. Nhìn vào những tầm nhìn của chúng ta trong thái độ cầu nguyện và xem coi chúng ta đang ở vị trí nào trước mặt Thiên Chúa, thật là một điều tốt. Tôi muốn chia sẻ với quý vị ba mẫu tầm nhìn mà tôi để ý thấy trong tôi và quanh tôi.
Tầm nhìn tầm thường và dửng dưng – là cái mà nhờ nó chúng ta nhìn sự vật và con người – mỗi vật và mỗi người đều khác nhau. Tất cả chúng ta đều có bạn bè, gia đình, văn hoá, bộ tộc và quốc tịch. Vì thế sự chú ý của chúng ta tập trung vào những sự khác biệt và vô số những bất đồng và nó tạo nên khuôn mẫu những thái độ của chúng ta đối với những người khác, những tôn giáo khác, những nền văn hoá và những quốc gia theo cách tiêu cực. Những sự khác biệt này phát sinh trong chúng ta càng ngày càng nhiều sự chia rẽ.
Chúng ta thấy nó luôn xuất hiện trong những tổ chức từ thiện của Giáo Hội, những cộng đồng tu sĩ, các giáo phận, các họ đạo, các gia đình và trong mọi người. Nó bắt đầu từng bước bằng một sự khác biệt ý kiến giữa 2 linh mục, hoặc giữa linh mục và giám mục của mình, hoặc giữa các thầy/các sơ của một cộng đồng tu sĩ, giữa vợ chồng, hai người bạn hoặc hai tổ chức từ thiện. Chúng tôi đã trông thấy hai anh chị em ruột trong một gia đình đụng độ nhau vì sự phân chia tài sản không đồng đều, mà quên rằng họ thuộc về cùng một gia đình. Một khi cái nhìn yêu thương và tính thống nhất bị mất đi thì xuất hiện sự khác biệt tạo nên xung đột, sinh ra càng lúc càng nhiều những cái thích và không thích. Những người như vậy không sống trong bình an và vui vẻ cũng không làm cho người khác được sống an vui. Cái nhìn này là một hiểm hoạ trong khả năng tăng trưởng của tình yêu Kitô giáo. Có nhiều tình trạng hỗn loạn nảy sinh trong cái nhìn này. Trong Phúc Âm của mình, thánh Matthêu đã nói: “Vì sự hỗn loạn gia tăng, nên tình yêu của nhiều người trở nên lạnh nhạt” (Mt 24,12).
Thứ hai, tầm nhìn hẹp hòi là loại hình thấp của cái nhìn khiến người ta gắn bó một cách cuồng tín và chỉ dành riêng cho một hoặc một vài điều gì đó, cho một dự án hoặc một người, hoặc cho một kinh nghiệm hay một ý thức hệ. Sự gắn bó hạn hẹp này lại được lấy thay cho “cái toàn thể”. Một số người quá say mê và tham lam tiền bạc cho một dự án hoặc cho chính mình, trong khi những người khác cuồng nhiệt với quyền lực hoặc những thú vui trong cuộc đời. Khi người ta đặt tầm quan trọng chỉ dành cho một trong nhiều vấn đề trên thế giới, mặc dù họ xem ra thành công trong lĩnh vực đặc biệt đó, cả cuộc đời của họ sẽ vô phúc vì mọi thứ khác bị sao nhãng. Một người với cái nhìn hẹp hòi không bao giờ có thể sống trong bình an và khả năng tăng trưởng trong tình yêu bị tắc nghẽn.
Một tầm nhìn cao thượng trổi vượt hơn cả chính là vì một cảm nhận của “tình yêu thuần khiết”. Đức Thánh Cha đã viết chi tiết trong bức thư của ngài về vấn đề này. Những người với cái nhìn cao thượng có một linh đạo đích thực làm động lực thúc đẩy họ làm điều tốt mà không cần một phần thưởng nào; cho một cách quảng đại mà không cần bất cứ sự đáp trả nào; yêu hết mọi người mà không hy vọng một sự biết ơn hay một sự yêu thương đền đáp. Đó là trọng tâm của lời khấn thứ tư của mẹ Têrêsa và những vị Thừa Sai Bác Ái – phục vụ người nghèo nhất trong những người nghèo bằng cả con tim và tự do. Tình yêu của Thiên Chúa là một món quà nhưng không được ban cho chúng ta và chúng ta được mời gọi chia sẻ món quà đó một cách nhưng không.
Bài ca bác ái của thánh Phaolô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,4-8). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta yêu thương tha nhân “từ trong trái tim”. Chính Thiên Chúa đang yêu thương qua trung gian của chúng ta và đang biến hành động của chúng ta thành thánh thiêng.
Như một điều suy ngắm cuối cùng, tôi xin mời tất cả quý vị hãy cùng với tôi suy ngắm, khi chúng ta mừng Sinh Nhật của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm nơi cư ngụ của tình yêu Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ rất thánh đã chẳng bao giờ làm một điều gì bất thường ở trong làng Nazareth. Mẹ sống một cuộc sống đơn giản như tất cả mọi người dân trong ngôi làng của Mẹ. Mẹ làm công việc hằng ngày như bao phụ nữ khác nhưng Mẹ đã biến cách thường tình trở thành cách khác thường. Hẳn đã phải có một sự quyến rũ đặc biệt đối với những lời nói và những hành động của Mẹ, vì hết mọi hành động của Mẹ đều tràn đầy sự hiện diện đằm thắm của Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ phù hộ cho chúng ta để những hành vi bác ái của chúng ta cũng được đầy tràn sự hiện diện đằm thắm của Chúa.
KẾT LUẬN
Để tổng hợp những gì chúng ta đã cùng nhau suy ngắm – Tình yêu là cốt lõi của đời sống Kitô hữu – và vì thế tình yêu trong hành động là linh đạo của lối sống của Kitô hữu. Tình yêu dẫn dắt chúng ta tăng trưởng trong việc phục vụ Chúa. Tình yêu đem đến sự hợp nhất với Chúa Giêsu và tha nhân. Sức mạnh của đức tin của chúng ta luôn luôn được cảm nhận qua tình yêu. Khả năng yêu của chúng ta tăng trưởng khi cái nhìn yêu thương của chúng ta cao thượng. Nó sẽ tái định hình quả tim của chúng ta để thực hiện mọi công tác bác ái trong sự hiện diện đằm thắm của Chúa.
Vp. Caritas Việt Nam