Chương I. GIÁO HỘI THỜI KHAI SINH |
I. Đế quốc Rôma |
II. Giáo Hội thời Tông Đồ |
Chương II. GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI |
I. Những đánh giá khác nhau về Kitô giáo và kitô các hữu |
II. Những cuộc bách hại |
Chương III. TỔ CHỨC VÀ ĐỜI SỐNG NỘI BỘ CỦA GIÁO HỘI TRONG 3 THẾ KỈ ĐẦU |
I. Đời sống phụng vụ và cầu nguyện |
II. Các thừa tác vụ |
III. Chia rẽ và liên kết |
Chương IV. GIÁO HỘI TRONG ĐẾ QUỐC KITÔ GIÁO |
I. Tự do tôn giáo đến quốc giáo |
II. Sự tiến triển của phụng vụ và truyền giáo |
III. Những bước đầu của chế độ đan tu |
Chương V. SỰ HÌNH THÀNH KINH THÁNH, CÁC CÔNG ĐỒNG CHUNG ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI |
I. Tranh luận về thần tính của Đức Giêsu Kitô |
II. Tranh luận Kitô học |
Chương VI. CÁC GIÁO PHỤ – NHỮNG VĂN SĨ KITÔ GIÁO CỦA NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU |
I. Giáo Phụ là những ai |
II. Thời hoàng kim của các Giáo Phụ |
Chương VII. GIÁO HỘI THỜI THƯỢNG TRUNG CỔ |
I. Các cuộc xâm lăng và địa lí tôn giáo mới |
II. Tái thiết thế giới Kitô giáo lần I |
III. Tình hình đen tối của Giáo Hội |
Chương VIII. KITÔ GIỚI – NHỮNG NỀN TẢNG CỦA MỘT XÃ HỘI |
I. Các nền tảng của Kitô giới thời Trung cổ |
II. Các công trình của đức tin |
III. Văn hóa và nghệ thuật |
Chương IX. KITÔ GIỚI : BÀNH TRƯỚNG, BỊ PHẢN KHÁNG VÀ TỰ VỆ |
I. Kitô giới bành trướng : Thập Tự Chinh và truyền giáo |
II. Kitô giới bị phàn kháng |
III. Kitô giới tự vệ : trấn áp lạc giáo |
Chương X. GIÁO HỘI THỜI THƯỢNG CỔ |
I. Tinh thần “đời” phát sinh |
II. Khủng hoảng trong Giáo Hội |
III. Khủng hoảng trong đời sống |
IV. Tình hình Giáo Hội Đông Phương |
PHẦN I
TỪ KHỞI THỦY ĐẾN THẾ KỈ XV
Chương I
GIÁO HỘI THỜI KHAI SINH
I. ĐẾ QUỐC RÔMA
Giáo Hội khai sinh trong lòng đế quốc Rôma, đã bám rễ sâu trong văn hóa của đế quốc này, nơi đã trở thành cánh đồng truyền giáo đầu tiên, từ khi thánh Phaolô nghe tiếng kêu của người Macêđônia (Cv 16,9). Những người rao giảng Tin Mừng không những đã sử dụng địa dư, vật chất do đế quốc cung cấp mà còn sử dụng các phương tiện diễn tả, những hình thức suy tư của đến quốc nữa. Điều này đã để lại dấu ấn cho tới nay. Một môi trường có liên hệ mật thiết với thời khai sinh của Giáo Hội như vậy cần được chúng ta phác họa một vài nét.
1. Tổ chức chính trị hành chính
Thành Rôma được thành lập năm 753 trước công nguyên, đã hoàn tất việc chinh phục Địa Trung Hải vào thế kỉ I trước công nguyên. Đế quốc ra đời năm 27 (tcn) và bắt đầu “thời hòa bình”. Tất cả vùng Địa Trung Hải đều ở trong cùng một thể chế chính trị, hành chính. Đế quốc chia làm nhiều tỉnh. Ở vùng ngoại vi, một vài ông vua còn tại chức, nhưng có ít quyền. Nếu tỏ ra ý muốn độc lập, họ sẽ bị thay bằng những công chức của đế quốc. Triều đại dòng Antoninô vào thế kỉ II (từ Trajanô đến Marcô Aurêliô) đã đưa đế quốc tới cao điểm.
Trong đế quốc, sự thống nhất cơ bản của các xứ vùng Địa Trung Hải không chỉ giới hạn ở vùng đất thị thành, nhưng bao gồm cả vùng nông thôn ngoại thành có liên hệ chặt chẽ với thành phố (Kitô Giáo xưa kia là một tôn giáo đô thị : Côrintô, Thessalônica). Hành khách và hàng hóa có thể lưu thông từ đầu đến cuối đế quốc bằng đường bộ cũng như đường thủy. Các con đường này cũng là những con đường của các học thuyết và Phúc Âm (về đường biển, xem Cv 27,28). Phúc Âm đã được loan báo trước hết ở các hải cảng, dọc các trục lộ giao thông chính.
2. Văn hóa
Đế quốc qui tụ nhiều sắc dân, nhưng các sắc dân đó vẫn luôn bảo tồn các tập tục, ngôn ngữ và văn hóa của mình. Tuy nhiên, có hai ngôn ngữ được bắt buộc sử dụng trên toàn đế quốc : Hi Ngữ và La Ngữ.
Từ sau cuộc chinh phục của Alexandre Đại Đế (356- 323), Hi Ngữ đã trở thành ngôn ngữ chung của toàn Đông Phương. Đây không chỉ là ngôn ngữ của văn hóa và triết học, nhưng còn là ngôn ngữ quốc tế của các thương gia. Nó được biết đến một cách rộng rãi ở Rôma và trong các thành phố lớn của Tây Phương (Tân Ước, các tác phẩm Kitô Giáo viết bằng Hi Ngữ).
La Ngữ là ngôn ngữ của Rôma, sau đó là của Tây Phương, không phổ biến bằng Hi Ngữ, nhưng là ngôn ngữ hành chính và pháp luật trong toàn đế quốc. Trong Giáo Hội, nó được sử dụng trước hết ở Phi Châu từ cuối thế kỉ II, rồi đến Rôma, sau đó trong toàn Tây Phương Kitô Giáo. Khi các kitô hữu sử dụng những ngôn ngữ này thì lối tư duy cũng đã đi vào Giáo Hội. Triết học Hi Lạp đã dùng để xây dựng thần học đầu tiên. Qua La Ngữ, luật Rôma đã cung cấp khung pháp lí cho các cộng đồng thành phố. Khi các khu vực riêng của Hi Ngữ và La ngữ được phân định cứng ngắc vào thế kỉ IV, thì hai khu vực văn hóa của Giáo Hội tiến triển cách khác nhau, cho đến khi Giáo Hội Đông và Tây chia rẽ nhau.
3. Tôn giáo
Trong đế quốc, có những hệ thống tôn giáo rất khác nhau. Những tôn giáo này có thể đối lập với sứ điệp Phúc Âm, nhưng cũng có thể là những “viên đá chờ đợi” mạc khải Kitô Giáo.
Trước hết, có các tôn giáo cổ truyền, chia ra tôn giáo nông thôn và tôn giáo thành thị. Trong tôn giáo nông thôn, người ta thực hành việc phượng tự tự nhiên tôn thờ các sức mạnh huyền bí của thiên nhiên, nhằm bảo đảm sự phong nhiêu của mùa màng và súc vật. Khi nhiều người dân trở lại Đạo vào thế kỉ IV, họ đã đưa nhiều yếu tố của tôn giáo cổ truyền này vào Đạo, cung cấp truyền thống dân gian cho Kitô Giáo. Còn ở các thành thị, mỗi thành của Hi Lạp và Rôma đều có vị thần riêng. Tuy nhiên,, tôn giáo này nhanh chóng chỉ còn là hình thức, không làm thỏa mãn những người có nhu cầu tôn giáo chân chính. Dầu vậy, nhiều người vẫn trung thành với nó, vì đây là tập tục kế thừa của tổ tiên, và theo các hoàng đế, nó là chất keo dính kết xã hội.
Thêm vào những tôn giáo thờ thần, còn có việc tôn thờ Hoàng đế. Đây là một tôn giáo phục vụ chính trị. Ngoài ra, có những trào lưu thiêng thánh hỗn hợp xuất hiện vào đầu kỉ nguyên Kitô Giáo, và tôn giáo của một số trí thức, triết gia (đặc biệt chủ thuyết Khắc Kỉ).
Cuối cùng, không thể không nói đến những tôn giáo thần bí từ Đông Phương du nhập vào Tây Phương. Các tôn giáo này giải đáp được những thao thức hiện sinh của con người đang lo âu và bất hạnh với những nghi lễ khác với tính hình thức của các tế tự cổ. Phổ biến nhất trong số các tôn giáo Đông Phương là tôn giáo thờ thần Isis gốc Ai Cập , thần Mithra gốc Ba Tư, thầnCybêt gốc Phrygia.
4. Xã hội
Một sử gia đã đánh giá nền văn minh Hi – La của 3 thế kỉ đầu là một “hợp tác xã hạnh phúc : coopérative du bonheur”. Thực ra, hạnh phúc này chỉ dành cho một thiểu số được ưu đãi là những nhà quí tộc, những thương gia giàu có. Nói cho đúng, đây là một xã hội tàn nhẫn đối với kẻ yếu, cách riêng đối với người nô lệ. Trong một vài thành phố, 2/3 dân cư là người nô lệ, phải làm việc tay chân nặng nhọc, không có quyền hành gì cả. Thậm chí thời (Nêrô) chủ còn có quyền sinh sát nô lệ. Ngay cả những người tự do vẫn không bình đẳng với nhau, vì có sự phân biệt công dân Rôma với những người khác. Và những công dân Rôma lại còn được chia ra 2 loại tùy theo tài sản và địa vị xã hội, với 2 thể chế công lí khác nhau. Ở Rôma, phần lớn dân chúng sống khổ sở và thiếu thốn. Nền văn minh Hi – La cũng là nền văn minh trọng nam khinh nữ. Phụ nữ chỉ được coi là thứ yếu, bị khinh miệt. Khi thuần phong mĩ tục bị băng hoại, người ta đổ lỗi cho đàn bà. Trẻ em cũng bị coi thường. Người cha có thể từ chối đứa con do ông sinh ra. Khi đó nó có thể bị giết hoặc bỏ rơi.
Nói chung, cơ cấu tổ chức của đế quốc đã tạo nhiều thuận lợi cho việc rao giảng Phúc Âm cách nhanh chóng trong toàn vùìng Địa Trung Hải. Ngoài ra, Phúc Âm đáp ứng được khát vọng sâu xa của con người ở những thế kỉ đầu. Nhất là những người nô lệ, người nghèo, phụ nữ và trẻ em đặc biệt nhạy cảm với sứ điệp của Đạo mới. Đó là một mảnh đất thuận lợi để Kitô Giáo được gieo mầm và phát triển.
II. GIÁO HỘI THỜI TÔNG ĐỒ
1. Giáo Hội ra đời
Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, khoảng năm 30, ở Giêrusalem, trước đông đảo các khách hành hương Do Thái tụ họp nhân ngày lễ, thánh Phêrô đã công bố cho đồng bào mình Tin Mừng Đức Giêsu, Đấng đã được Thiên Chúa sai đến, đã bị đóng đinh thập giá, nhưng đã sống lại và được Thiên Chúa đặt làm Chúa. Các thính giả hỏi xem họ phải làm gì và được trả lời : phải hối cải, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha thứ tội lỗi và lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2-4). Ba ngàn người đã chịu phép rửa.
Giáo Hội đã ra đời như thế. Những thành viên đầu tiên này của Giáo Hội là người Do Thái tiếp tục cuộc sống của các người Do Thái đạo đức : cầu nguyện ở Đền Thờ, giữ luật, kiêng ăn uống, cắt bì. Họ làm nên như một giáo phái mới của Do Thái Giáo, giữa những giáo phái khác. Nét đặc biệt của họ là : chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu, nghe lời giảng của các Tông Đồ, dự lễ bẻ bánh, và sống thành cộng đồng huynh đệ.
2. Giáo Hội mở rộng
Không bao lâu, những kitô hữu Do Thái có văn hóa Aram hợp lại với người có văn hóa Hi Lạp trong cộng đồng. Những mâu thuẫn xảy ra giữa hai nhóm này. Một toán 7 người (trong đó có Têphanô) được chỉ định phụ trách nhóm Do Thái có văn hóa Hi Lạp. Như thế, cộng đồng tính hữu đã hướng về những người Do Thái sống bên ngoài đất Palestin không trói buộc sứ điệp Phúc Âm với Giêrusalem. Ngoài ra, khi bị bách hại, những người Do Thái Hi Hóa phải bỏ Giêrusalem trốn tới Samari, Antiokia, trở nên những người truyền giáo cho kiều bào Do Thái ở các vùng này (Cv 6-9).
Tuy nhiên, Tin Mừng không chỉ được gửi đến cho người Do Thái, mà là cho mọi người. Qua thị kiến và qua hành vi rửa tội cho gia đình Cornêliô, thánh Phêrô nhận rằng, trên nguyên tắc, không cần phải qua Do Thái Giáo để vào Kitô Giáo, không cần phải là người Do Thái mới có thể vào Đạo. Chính Phaolô, Barnabé, khi rao giảng cho lương dân, cũng không ép họ giữ các phong tục Do Thái. Điều này đi ngược với quan niệm của cộng đồng Giêrusalem, nên xảy ra tranh chấp. Một công đồng được triệu tập ở Giêrusalem để giải quyết vấn đề, và quan điểm của Phaolô đã thắng : Kitô Giáo không bị trói buộc vào Do Thái Giáo. Không ai phải thay đổi văn hóa của mình để đến với Phúc Âm. Giáo Hội thực sự trở nên phổ quát (Cv 10-15).
Không những mở rộng trong quan niệm gia nhập, Giáo Hội còn mở rộng về phương diện địa dư. Trong hành trình truyền giáo lần II qua Tiểu Á, Phaolô đã có một thị kiến về một người Macêđônia xin người tới giúp. Đây là một giai đoạn chủ yếu. Phúc Âm tiến tới Âu Châu bấy giờ là vào năm 50, và một loạt các cộng đồng khai sinh : Philippe, Thessalônica, Côrintô… Trong những cộng đồng này, đặc biệt ở Côrintô, các tín hữu rất phấn khởi, nhiều đặc sủng xuất hiện, nhưng cũng có những chia rẽ nội bộ và lạm dụng. Phúc Âm còn được rao giảng tận thủ đô Rôma nữa (Cv 16-28).
3. Tổng kết thế kỉ I
Trong thế kỉ I, đã có các cộng đồng Kitô Giáo được thành lập từ Giêrusalem tới Rôma. Các cộng đồng ở Tiểu Á thành lập nhờ sự năng động của cộng đồng Antiokia. Các cộng đồng ở Hi Lạp được Phaolô thành lập. Các cộng đồng trong Sách Khải Huyền phát xuất từ ảnh hưởng của Gioan. Còn cộng đồng ở Rôma không rõ do ai thành lập.
Hai biến cố có tính chất quyết định : trước hết là cuộc bách hại của Nêrô mà, theo truyền thống, gây nên cái chết của hai vị Đại Tông Đồ Phêrô và Phaolô cũng như nhiều kitô hữu. Biến cố thứ hai là việc người Rôma phá hủy Giêrusalem năm 70, cả thành phố cũng như Đền Thờ, để dập tắt cuộc nổi dậy của người Do Thái. Việc Đền Thờ bị phá hủy, hoàn tất việc tách người kitô hữu ra khỏi Do Thái Giáo. Qua biến cố này, Thiên Chúa cho thấy luật cũ đã hoàn tất. Biến cố này đồng thời củng cố chiều kích phổ quát của Giáo Hội không còn Đên Thờ, Do Thái giáo đã tự chỉnh đốn lại ở Giamnia (Nam Tel-Aviv), đánh dấu sự đối lập với người kitô hữu. Những kitô hữu nào còn giữ tập tục Do Thái thì từ nay chỉ còn là những nhóm nhỏ, ít nhiều đồng hóa với với các giáo phái.
Trong thập niên cuối cùng thế kỉ, các bản văn ngày nay được gọi là Tân Ước hình thành. Người ta thu tập các thư của Phaolô. Các Sách Phúc Âm mang hình thức cuối cùng của chúng. Nhưng còn phải đợi nhiều thời gian về sau, các cộng đồng mới đồng ý và coi các sách ấy là qui luật đức tin của mình.
Chương II
GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI
Phúc Âm càng được rao giảng thì số kitô hữu ngày càng gia tăng khắp nơi, khiến nhiều người phải quan tâm lo ngại. Kitô giáo đề ra những đòi hỏi luân lí Phúc Âm chống lại những thói hư đương thời, không chấp nhận việc thần hóa quốc gia…
Ngoài ra, Kitô Giáo còn có phong tục riêng, có những việc cử hành phượng tự cách kín đáo dễ khiến cho người ta nghĩ xấu. Quả thực, dân Rôma có cái nhìn ác ý về người kitô hữu. Cho dù các văn sĩ Kitô Giáo, các nhà hộ giáo cố gắng bênh vực cộng đồng của mình trước dư luận và chính quyền, họ vẫn không ngăn chặn được bách hại nhắm vào các kitô hữu trong gần 3 thế kỉ đầu.
I. NHỮNG ĐÁNH GIÁ KHÁC NHAU
VỀ KITÔ GIÁO VÀ CÁC KITÔ HỮU
1. Quan điểm của giới bình dân ngoại đạo
Có 3 lời vu khống chính yếu nhất được lưu truyền chống người kitô hữu :
a. Kitô hữu là người vô thần, vì không tham dự các tế tự thờ thần cổ truyền, không dự vào nghi thức tôn thờ Hoàng Đế và phượng tự của các tôn giáo Đông Phương.
b. Kitô hữu vô luân, tụ tập lại trong các bữa ăn tối chính là để truy hoan, làm những hành vi đồi bại.
c. Kitô hữu ăn thịt người, tức ăn thịt và uống máu trẻ bị giết để tế lễ.
Các vu khống trên được loan truyền rộng rãi ; vì thế người kitô hữu bị chê bai là mê tín, cứng đầu, bị khinh bỉ trong một thời gian dài.
2. Quan điểm của giới trí thức
và chính trị gia ngoại đạo
Ngoài tiếng đồn của giới bình dân trên đây do hiểu sai về người kitô hữu, còn có những nhà trí thức điều tra về người kitô hữu, đọc Thánh Kinh và công kích Kitô Giáo mãnh liệt. Nổi tiếng là Celso và Porphyrô. Họ đã kích 3 điểm :
– Kitô hữu là những kẻ dốt nát mà kiêu kì tự phụ. Họ được thu nạp từ các giai cấp thấp trong xã hội, từ giới lao động tay chân bị khinh miệt. Họ giảng Đạo cho phụ nữ, trẻ em, các nô lệ, lợi dụng tính dễ tin của những người này. Kitô Giáo tố giác giá trị của văn minh Rôma, phá đổ gia phong, quyền bính của người cha người chồng.
– Kitô hữu là những công dân xấu, vì không tham dự các cuộc phượng tự của thành phố, không tôn thờ Hoàng Đế, không chấp nhận tập tục của tiền nhân, không làm công chức, không thi hành nghĩa vụ quân sự. Như thế là không quan tâm công việc của Nhà Nước.
– Giáo thuyết Kitô Giáo đối nghịch với lí trí. Nhập thể là phi lí. Giêsu chỉ là một người cùng khốn, không thể có cái chết của một hiền nhân như thế. Các giáo thuyết của Giêsu chỉ là bản sao chép tồi các giáo thuyết của Ai Cập và Hi Lạp cổ điển. Sự phục sinh thân xác chỉ là trò dối trá. Các nghi lễ Kitô Giáo thì vô luân.
3. Quan điểm của các nhà hộ giáo
Trước những lời đả kích này, các kitô hữu đã dùng các tác phẩm trình bày rõ ràng giáo thuyết và tập tục Kitô Giáo để giải thích cho người ngoại hiểu, đồng thời đánh tan sự ngộ nhận. Các tác phẩm này được gọi là tác phẩm hộ giáo. Trong những nhà hộ giáo nổi tiếng nhất, phải kể đến Tertullien, người thành Carthage. Tất cả các ngài đều khẳng định rằng những lời tố cáo chống các kitô hữu, các cuộc xét xử kết án thời bách hại Đạo là bất công. Các ngài mổ xẻ từng lời tố cáo trên :
– Kitô Giáo không có gì là bí mật. Giustinô đã mô tả các nghi lễ cử hành của người kitô hữu. Tertullien mô tả sinh hoạt của một cộng đồng Kitô Giáo. Người kitô hữu không sống chui rúc, nhưng hiện diện khắp nơi, không đi đến các đền thờ ngoại giáo, không tham dự các trò chơi ở hí trường.
– Người kitô hữu không làm những việc đồi bại mà xã hộ Rôma đang làm là giết trẻ em, phá thai, đề cao nhục dục, cho phép đổi vợ.
– Kitô Giáo là một giáo thuyết phù hợp với lí trí, và nếu xét từ nguồn gốc của nó là Cựu Ước, nó có trước triết học Hi Lạp.
– Kitô hữu là những công dân tốt, trung thành với Nhà Nước. Tuy không coi Hoàng Đế như thần linh, nhưng vẫn tuân phục và cầu nguyện cho ông. Họ là những ngưòi đầu tiên nộp thuế.
– Kitô hữu có mặt trong chính quyền và quân đội, nhưng cũng có sự dè dặt trong những hoạt động có thể mâu thuẫn đến Phúc Âm (giết người, thờ thần…).
II. NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI
Các nhà hộ giáo đã không thuyết phục được đối phương. Khi người ta tìm những người chịu trách nhiệm về cái tai họa xảy ra lúc đó, thì những lời vu khống đã kích động các cuộc nổi dậy, chống lại người kitô hữu. Để xoa dịu cơn phẫn nộ của dân chúng, nhà cầm quyền tuyên án các kitô hữu, những người bị coi là thủ phạm. Đó là nguồn gốc của các cuộc bách hại.
1. Bách hại và tử đạo
Phải hiểu rõ những từ này, và không nên khái quát hóa tình trạng Giáo Hội một cách dễ dàng.
Trước hết, Giáo Hội không bị bách hại liên miên suốt 3 thế kỉ. Đàng khác, khái niệm bách hại không rõ ràng như ta tưởng, và các cuộc bách hại mang nhiều hình thức khác nhau. Cuộc bách hại của Nêrô chỉ là một biến cố địa phương, trong khi cuộc bách hại của Diocletianô lan rộng khắp đế quốc. Trong 3 thế kỉ, người kitô hữu cũng có những thời gian bình an, và không phải lúc nào cũng cử hành phụng vụ trong các hang toại đạo.
Còn từ “tử đạo” thường làm ta liên tưởng đến một người chết vì Đạo bằng những cực hình. Nhưng cũng nên nhớ từ Hi Lạp này có nghĩa là chứng nhân. Người tử đạo làm chứng niềm tin vào Đức Giêsu là Chúa duy nhất. Người kitô hữu không đi tìm cái chế vì Đạo, nhưng khi bị bắt, họ làm chứng tới cùng, theo Chúa Giêsu cho tới khổ nạn và chết, đồng hóa mình với Chúa Giêsu.
2. Các cuộc bách hại trong hai thế kỉ đầu
Hai thế kỉ đầu chưa có cuộc bách hại toàn bộ, cũng chưa có đạo luật rõ ràng về các kitô hữu, chúng ta chỉ nêu ra mấy cuộc bách hại nổi bật :
– Cuộc bách hại của Nêrô, vị Hoàng Đế đầu tiên bắt Đạo. Nó là hậu quả của vụ hỏa hoạn Rôma năm 64. Nêrô cố tình buộc các kitô hữu phải gánh chịu hình phạt của những kẻ gây nên hỏa hoạn. Truyền thống coi hai thánh Phêrô và Phaolô như là nạn nhân của Nêrô.
– Cuộc bách hại của Tragianô : Hoàng Đế ra chiếu chỉ : “Không nên tầm nã người kitô hữu, nhưng nếu họ bị tố cáo và xác nhận mình là kitô hữu thì phải trừng trị. Tuy vậy, ai chối mình là kitô hữu và minh chứng bằng việc thờ cúng thần linh thì được tha”. Có một vị tử đạo nổi tiếng mà truyền thống cho là vào thời này, đó là thánh Ignace d’Antioche.
– Thời Marcô Aurêlio : bản thân là một triết gia theo phái khắc kỉ, ông khinh chê Kitô Giáo và chịu ảnh hưởng của các nhà trí thức ghét đạo vây quanh ông. Thánh Polycarpe, đồ đệ của thánh Gioan Tông Đồ và là thầy của Irénée, tử đạo thời này. Cuộc bách hại ở Lyon (177) được kitô hữu ở đây tường thuật tỉ mỉ cảm động.
– Trong 2 thế kỉ đầu, khó có thể nói đâu là nền tảng pháp lí. Chính quyền phân biệt những tôn giáo hợp pháp và không hợp pháp. Do Thái Giáo là tôn giáo hợp pháp, còn Kitô Giáo từ Do Thái Giáo tách ra, bị coi là không hợp pháp.
Khi dân chúng nổi lên chống các người kitô hữu, vì an ninh công cộng, chính quyền lại đổ trách nhiệm cho người kitô hữu và kết án họ để làm dịu sự căng thẳng của dân.
3. Các cuộc bách hại ở thế kỉ III
Cuối thế kỉ II, đế quốc bắt đầu rạn nứt. Các Hoàng Đế muốn loại bỏ những yếu tố gây chia rẽ và xiết chặt dây liên kết các cư dân trong toàn đế quốc bằng việc tôn thờ Hoàng Đế. Người kitô hữu không chấp nhận việc tôn thờ ông. Vì vậy, các Hoàng Đế nhiều lần ra sắc chỉ chống Kitô Giáo trên toàn đế quốc.
– Đạo luật của Septimô Sêvêrô : vị Hoàng Đế này muốn chặn đứng sự phát triển của các tôn giáo ngoại nhập bằng cách cấm rao giảng Do Thái Giáo và Kitô Giáo, nếu không tuân sẽ có những hình phạt nặng nề. Để làm suy yếu Giáo Hội, Hoàng Đế Maximinô ra lệnh giết hàng giáo sĩ.
– Từ Đêciô đến Valêrianô : Hoàng Đế Đêcio muốn bảo đảm một hậu phương vững chắc, nên ra lệnh cho mọi công dân phải cúng tế thần linh của đế quốc. Đây là nguồn gốc của cuộc bách hại đầu tiên trên toàn đế quốc chống lại người kitô hữu. Nhiều người tử đạo, nhưng cũng không ít người chối đạo. Giám mục Cyprianô thành Carthage cho chúng ta biết việc bỏ Đạo đã làm xáo trộn sâu xa các cộng đồng ở Phi Châu. Tong những vị tử đạo nổi tiếng có giám mục Cyprianô, Giáo Hoàng Sixtô, phó tế Laurensô.
– Hoàng Đế Callianô ban hành chiếu chỉ khoan hồng năm 261. Trong khoảng 40 năm, Giáo Hội được bình yên khắp nơi, thỉnh thoảng mới có cuộc nổi dậy ở địa phương chống lại người kitô hữu. Số kitô hữu gia tăng nhanh nhất là tại Tiểu Á, nhiều giáo đoàn được thành lập.
4. Cuộc bách hại cuối cùng
Đế chế ngày càng rơi vào chế độ độc tài. Khi lên nắm quyền, Diôcletianô bắt đầu cải tổ toàn nền hành chính, chia đế quốc làm 4 phần với 2 Hoàng Đế bên Đông Phương và 2 Hoàng Đế bên Tây Phương. 96 tỉnh nhập thành 12 khu vực. Thuế khóa nặng nề, luật pháp ngày càng cứng rắn, việc tôn thờ Hoàng Đế lên tới tột đỉnh. Những kẻ không theo quốc giáo bị truy nã như người man-di, các kitô hữu.
Diôcletianô tỏ ra bực mình đối với quân nhân Kitô Giáo không chịu thờ Hoàng Đế. Còn Galêriô cho Kitô Giáo là một mối nguy hiểm cho xã hội cổ truyền. Do đó mà có cuộc bách hại khủng khiếp hầu như liên tục từ năm 303 đến năm 313. Sắc chỉ được ban hành : đốt Sách Thánh, phá hủi nơi thờ phượng, cưỡng bách cúng tế, đày đi hầm mỏ, kết án tử hình….
Năm 313, hai Hoàng Đế Constantinô và Licinô cùng thỏa thuận một đường lối chính trị tôn giáo, ban hành sắc chỉ Milanô. Sắc chỉ này nhìn nhận quyền tự do tôn giáo cho mọi công dân trong đế quốc bất kể họ thuộc tôn giáo nào. Các cơ sở Kitô Giáo bị tịch thu phải được trả lại. Kitô Giáo dần dần lướt thắng các tôn giáo khác. Một kỉ nguyên mới bắt đầu cho Giáo Hội và cho đế quốc, sẽ được gọi là “Giáo Hội thời Constantinô” hoặc “Đế quốc Kitô Giáo”.
Chương III
TỔ CHỨC VÀ ĐỜI SỐNG NỘI BỘ
CỦA GIÁO HỘI TRONG 3 THẾ KỈ ĐẦU
Kitô hữu không phải là một cá nhân đơn độc, mà thuộc về một cộng đoàn của dân mới là Giáo Hội. Thực ra, khi thiết lập Giáo Hội, Chúa không đặt ra một qui chế xã hội tỉ mỉ và rõ ràng. Nhưng để sống và tồn tại, Giáo Hội phải dần dà tạo nên cho mình có một cơ cấu tổ chức cần thiết tùy theo hoàn cảnh thế giới mà mình đang sống trong đó. Như cần có nơi hội họp, cần có qui luật cử hành phụng vụ, cần người lãnh đạo và thi hành các chức năng khác nhau… đó là mục tiêu của chương này, để tìm hiểu xem tổ chức và đời sống nội bộ của Giáo Hội trong 3 thế kỉ đầu diễn tiến như thế nào ?
I. ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ VÀ CẦU NGUYỆN
1. Nơi và lúc cầu nguyện
– Trong buổi đầu của Giáo Hội, các kitô hữu thường tập trung ở các tư gia để cầu nguyện. Ở Đông Phương, các kitô hữu thường sử dụng tầng trên, sát mái nhà, nơi yên tĩnh và kín đáo nhất (Cv 20,7-11). Dùng phòng tắm, bể tắm vào việc rửa tội. Khi đẹp trời, có thể tụ họp ở một khu ngoài trời có rào kín, ở trong vườn hay ngoài nghĩa trang. Từ thế kỉ II, có những kitô hữu dâng những ngôi nhà để dành riêng cho việc phụng vụ. Nhà thờ thực sự chỉ được xây vào thế kỉ III.
– Giờ cầu nguyện trải dài suốt ngày sống. Lúc mặt trời mọc, họ hướng về phía mặt trời để cầu nguyện. Ngoài ra còn cầu nguyện lúc 9 giờ, buổi trưa, 3 giờ chiều và lúc mặt trời lặn. Khi cầu nguyện họ đứng thẳng, cánh tay luôn cao và bàn tay mở rộng.
2. Việc nhập Đạo
– Thời kì dự tòng, phép rửa tội và thêm sức
Thời kì dự tòng ngắn dài thay đổi tùy không gian và thời gian.
Ở Rôma, từ thế kỉ 3, thời gian dự tòng kéo dài 3 năm, phải được giới thiệu và bảo đảm về ý định nghiêm túc, từ bỏ một số nghề có liên hệ đến việc thời ngẫu tượng và những thói vô luân. Được chuẩn bị bằng việc giáo huấn, giúp khám phá nội dung đức tin.
Ngày thứ 6, trước khi chịu phép rửa, phải ăn chay. Ngày thứ 7, giám mục đặt tay trên các ứng viên trừ tà, hà hơi và làm dấu thánh giá trên họ. Canh thức suốt đêm thứ 7 nghe Lời Chúa và giáo huấn. Cuối đêm Vọng Phục Sinh là nghi thức rửa tội. Sau đó, giám mục đặt tay và xức dầu lần cuối. Đó là phép thêm sức.
3. Phép Thánh Thể hay
cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa
Mỗi Chúa Nhật, các kitô hữu đều tụ họp để cử hành Mầu Nhiệm Phục Sinh. Trọng đại nhất là chính ngày lễ Phục Sinh. Ban đầu chỉ bên Đông Phương cử hành ngày này, còn bên Tây Phương chỉ cử hành vào Chúa Nhật. Vào cuối thế kỉ II, các kitô hữu tất cả đều cử hành lễ Phục Sinh, nhưng chưa nhất trí với nhau về ngày cử hành. Sau này, thánh Irénée thành Lyon thuyết phục mọi người chấp nhận mừng lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật sau lễ Vượt Qua của người Do Thái (14 Nisan).
– Các kitô hữu cử hành lễ Tạ Ơn là trọng tâm của ngày Chúa Nhật và Phục Sinh để tham dự vào sự chết và sống lại của Chúa. Các bản văn Tân Ước (Cv 2,42 ; 20,7-1… 1 Cr 10,16) cho thấy một chỉ dẫn về diễn tiến của nghi thức bẻ bánh. Các bản văn khác (như của Giustinô) cho thấy cơ cấu của việc cử hành Thánh Thể, xác định điều kiện cần để tham dự Thánh Thể. Người chịu lễ nhận bánh trên lòng bàn tay, người vắng mặt được phó tế đem đến.
4. Phép giải tội
Thế kỉ II. Sách Didachè kêu mời các tín hữu xưng tội trước khi cầu nguyện và dự tiệc Thánh Thể. Người chịu phép rửa tội rồi không được phạm tội nặng nữa. Tuy nhiên, cách chung người ta dè dặt rằng có thể ban ơn tha tội cho những tội nặng (bội giáo, sát nhân, ngoại tình) chỉ ban một lần, coi như đồng hóa với phép rửa.
II. CÁC THỪA TÁC VỤ
1. Trong thể kỉ đầu
Cộng đồng sơ khởi có tổ chức. Nhóm Mười Hai điều khiển cộng đòng Palestin nổi tiếng Aram ; nhóm bảy người do Têphanô đứng đầu cộng đoàn điều khiển những người Do Thái hi hóa nói tiếng Hi Lạp.
Cộng đoàn Giêrusalem và nhiều cộng đoàn khác tổ chức theo mẫu cộng đoàn Do Thái. Đứng đầu là Hàng Niên Trưởng ở Giêrusalem, Giacôbê là thủ lãnh hàng niên trưởng này. Ở Antiokia có Giáo Hội thừa sai với 2 tổ chức : các thừa tác lưu động thi hành tác vụ đoàn sủng, đây là các Tông Đồ như Phaolô và Barnabé. Rồi các tiên tri giải thích Lời Chúa, và các tiến sĩ là những chuyên viên Kinh Thánh.
Trong các cuộc hành trình truyền giáo, các thừa sai lập những cộng đoàn địa phương và đặt các vị hữu trách đứng đầu, được phong ban bằng việc đặt tay ; họ giảng dạy, rửa tội và chủ sự Thánh Lễ Tạ Ơn.
2. Thế kỉ II – III
Theo Clément thành Rôma và sách Didachè, thì những giáo đoàn có các episcopes-presbytes và các phó tế, dần dần xuất hiện vị chủ tịch, và không bao lâu vị này mang tước hiệu episcope và tách khỏi Hàng Niên Trưởng. Phó tế là thừa tác viên thuộc cấp, liên kết với episcope. Như vậy, hình thành 3 cấp : giám mục, linh mục và phó tế.
Ban đầu chỉ mình giám mục chủ sự thánh lễ, giảng, rửa tội, giao hòa hối nhân. Các linh mục chỉ phụ giúp giám mục. Nhưng dần dà các tòa giám mục gia tăng và nhiều nhà thờ ở Rôma và Alexandria được xây dựng, người ta cắt đặt các linh mục coi sóc với trách nhiệm đặc biệt.
Hàng giáo sĩ và giáo dân can thiệp nhiều cách khác nhau vào việc chọn thừa tác viên. Nghi thức chính là đặt tay. Giám mục đặt tay truyền chức giám mục. Giám mục và linh mục đặt tay truyền chức linh mục. Chỉ mình giám mục đặt tay truyền chức phó tế. Còn các thừa tác vụ khác như đọc sách, người ta chỉ trao cho họ vật dành cho tác vụ đó.
3. Nhiệm vụ của thừa tác vụ
Trong các bản văn Tân Ước các thừa tác viên có nhiệm vụ được nhấn mạnh là rao giảng Phúc Âm (1 Cr 1,17) chủ sự các buổi cầu nguyện, cử hành nghi thức bẻ bánh, lo quản lí việc chung.
III. CHIA SẺ VÀ LIÊN KẾT
1. Giáo Hội lan rộng khắp nơi
Từ cuối thế kỉ II, các kitô hữu ý thức rằng tính phổ quát của Giáo Hội là một thực tại cụ thể : các kitô hữu hiện diện khắp nơi, chủ yếu trong đế quốc Rôma. Ở tận Tây Phương, mật độ kitô hữu rất cao, kể cả vùng quê. Ở Tây Phương, Tin Mừng phát triển không đều. Số tín hữu đông đảo ở miền Trung Ý, Nam Tây Ban Nha, Phi Châu các miền Bắc Ý và Galilê ít hơn. Ở Galilê, trừ Lyon và một vài chỗ khác, các Giáo Hội chính được thiết lập vào nửa thế kỉ III.
Ngoài biên giới quốc gia Rôma, vương quốc Edessa (Thổ Nhĩ Kì ngày nay), trở lại khoảng năm 200, trong đế quốc Ba Tư, kitô hữu khá đông ở miền thượng Lưỡng Hà Địa. Armênia theo Đạo khoảng năm 300.
2. Các mầm mống chia rẽ
Vào thế kỉ II, Giáo Hội phải đương đầu với một loạt các học thuyết mà từ đó nhiều nhóm đối nghịch xuất hiện. Các kitô hữu Do Thái muốn duy trì những nét đặc thù về nghi lễ và thần học của họ, trung thành với việc cắt bì và những cấm kị về thức ăn, bảo vệ độc thần giáo của Thánh Kinh, chỉ thấy nơi Đức Giêsu một người được Thiên Chúa nhận làm dưỡng tử khi chịu phép rửa.
Cuộc sống những kitô hữu khác lại bị ảnh hưởng thuyết nhị nguyên Hi Lạp, đối lập vật chất với tinh thần, và bị ám ảnh bởi vấn đề sự dữ, đã giải thích lại cách triệt để Cựu Ước và Tân Ước. Chối việc Nhập Thể, nại đến một loạt tri thức được chuyển đạt cách bí nhiệm cho những nhóm nhỏ. Tri thức này đem lại sự cứu rỗi. Đó là ngộ đạo thuyết Gnosticisme. Ngoài ra, còn giáo thuyết của những người như Marciô, Mani (cũng chịu ảnh hưởng của thuyết nhị nguyên). Đứng trước sự lan tràn của lạc thuyết đó, Giáo Hội phải đối phó thế nào ?
3. Dây liên kết : qui luật đức tin và qui điển Tân Ước
Cuối thế kỉ II, thánh Irénée vạch ra một số học thuyết mà người cho là sai lạc. Đồng thời, cũng cho thấy đâu là Giáo Hội và chân lí đích thực, và điều các kitô hữu nại tới, đó là truyền thống của các Tông Đồ. Truyền thống này có trong các Giáo Hội, có thể đi ngược lên tới các Tông Đồ qua việc kế vị của các giám mục và linh mục. Trong đó có những Sách Thánh đích danh. Nhưng làm thế nào để nhận ra đúng những sách này.
Để nói về Đức Giêsu, người ta nại đến các Tông Đồ và những người gần gũi các ngài. Lúc đầu là chứng bằng lời nói, khi các Tông Đồ qua đời, người ta dùng bản văn của các ngài. Nhưng có quá nhiều bản văn nhận là của các Tông Đồ. Trước sự đa tạp đó, các cộng đoàn tìm hiểu những tiêu chuẩn lựa chọn, cuộc lựa chọn chủ yếu diễn ra ở thế kỉ II. Theo Irénée chỉ có 4 Phúc Âm được khắp nơi chấp nhận là Phúc Âm Mt, Mc, Ga, Lc các thư Phaolô, các thư Phêrô, đôi khi có sự do dự đối với một vài sách Khải Huyền, thư Giuđa… Cuối thế kỉ II đã thiết lập xong qui điển Tân Ước.
4. Thần học khai sinh
Trước tình trạng đủ loại học thuyết nảy sinh, các vị lãnh đạo cộng đồng đã nỗ lực làm cho các tín hữu biết đâu là đức tin chân chính. Các ngài giải thích Sách Thánh được công nhận, chứng minh cho họ thấy Đức Kitô là sự hoàn tất mạc khải.
Chú giải Thánh Kinh như thế nào ? Ban đầu các ngài diễn giải trực tiếp qua các bài giảng trong thánh lễ và khi dạy giáo lí cho dự tòng. Sau đó, nhiều giám mục, linh mục và những vị khác đã trở thành văn sĩ và khai sinh những thần học đầu tiên. Những gương mặt nổi bật đáng kể nhất.
– Thánh Ignace d’Antioche : đầu thế kỉ II. Tích cực bảo vệ thực tại Nhập Thể. Đức Giêsu là một nhân vật lịch sử, là một con người thật.
– Thánh Irénée : tác phẩm “Chống lạc giáo” tư tưởng thần học của người xoay quanh chủ đề “Ngôi Lời Nhập thể” Thâu thọp cả nhân loại và lịch sử hoàn vũ”
– Origène : người Alexandrie dành cả cuộc đời dạy học và thuyết giảng.
– Tertullien : nhà hộ giáo và thần học với công thức nổi tiếng “máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các kitô hữu”.
– Thánh Cyprien (200-258) : giám mục Carthage. Nỗ lực gìn giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội, vì đây là dấu chỉ gặp gỡ Đức Kitô.
Chương IV
GIÁO HỘI TRONG ĐẾ QUỐC KITÔ GIÁO
Đến năm 313, Giáo Hội được thực sự bình an, nhờ vị Hoàng Đế trở lại Đạo. Đó là Constantinô, đánh dấu bước khởi đầu của “Giáo Hội thời Constantinô”, tức là thời mà có một quan hệ mới giữa Giáo Hội và xã hội. Giáo Hội được tháp nhập vào trong một nhà nước tự coi là có Đạo, được nhà nước ưu đãi đặc biệt. Giáo Hội dựa vào Hoàng Đế để chống lạc giáo và ngoại giáo. Đổi lại, nhà nước cũng muốn Giáo Hội trở thành chỗ dựa tinh thần. Hai bên có nhiều chuyện dẫm chân lên nhau. Sau đây ta sẽ thấy những biến đổi của Giáo Hội trong lòng một nhà nước có đạo đầy ưu ái, cũng như những biến đổi của chính xã hội do Giáo Hội thực hiện.
Ta sẽ chia ra ba phần chính yếu :
– Tự do tôn giáo đến quốc giáo
– Sự tiến triển của phụng vụ và việc truyền giáo
– Những bước đầu của chế độ đan tu
I. TỰ DO TÔN GIÁO ĐẾN QUỐC GIÁO
1. Hoàng Đế Constantinô : từ năm 312, sau khi chiến thắng kẻ thù, cuộc chiến thắng này được coi là có Đức Kitô trợ giúp, ông bắt đầu gắn bó với Kitô Giáo. Ông trở lại Đạo, nhưng chỉ xin rửa tội lúc nào trên giường bệnh.
Năm 313, vua Constantinô cai trị phía Tây và Liciniô cai trị phía Đông. Hai Hoàng Đế đối nghịch nhau, Liciniô lại ghét người công giáo. Khi chống Liciniô, Constantinô làm cho người ta có cảm tưởng là ông đang tiến hành một cuộc chiến tranh tôn giáo để bảo vệ Giáo Hội.
Sau khi Liciniô bại trận và bị giết, Constantinô trở thành Hoàng Đế duy nhất, năm 324.
Có thể nói, niên hiệu này bắt đầu “Đế Quốc Kitô Giáo”.
Constantinô quyết định xây dựng một thủ đô mới ở phía Đông, gọi là thành Constantinople và ông ở lại đó, qui tụ quanh mình những tín hữu theo văn hóa Hi Lạp. Việc này mang mầm mống chia rẽ Giáo Hội trong tương lai.
2. Vai trò của các Hoàng Đế Công Giáo
Hoàng Đế tự coi mình ngang hàng với các Tông Đồ, hoặc có danh hiệu là Thượng Tế, tức thủ lĩnh tôn giáo như Môsê, David trong Cựu Ước. Do đó, ta hiểu vì sao các ngài lại can thiệp vào việc nội bộ của Giáo Hội. Với danh hiệu này, Hoàng Đế đã triệu tập công đồng.
Các tín hữu biết ơn Hoàng Đế vì được hưởng nhiều đặc ân đặc lợi. Nhiều thánh đường, đền đài được xây dựng, các hàng giáo phẩm có nhiều quyền thế, tài sản kếch xù, ngay cả đặc quyền về pháp lí, tòa án của giám mục… Giám mục được coi ngang hàng với tổng trấn Rôma. Hoàng Đế quan quyền còn đứng ra can thiệp chống lại các bè rối, như Ariô, từ năm 325.
3. Việc loại trừ ngoại giáo
Ngay từ đầu, tức 313, vua Constantinô chấp nhận quyền tự do tôn giáo, phượng tự, với chiếu chỉ gọi là “chiếu chỉ Milan”. Các tôn giáo cũ, dù không phát triển nhưng vẫn sống. Trừ bên Đông Phương, trong hầu hết các miền của đế quốc, số kitô hữu chưa tới 50 % dân số. Tôn giáo cổ truyền còn ăn rễ sâu trong các giai cấp xã hội. Tuy nhiên, trong thế kỉ IV, luật pháp ngày càng trở nên bất lợi cho các tôn giáo cũ, các Hoàng Đế dần dần cấm chỉ các nghi lễ ngoại đạo, như cúng tế, ma thuật, bói toán …
Dưới thời Giulianô (361- 363) : ông là kẻ bội giáo, lại ủng hộ đạo cổ truyền, viết sách vở tố cáo Kitô Giáo, nhưng không thể ngăn chặn nổi đà tiến của Kitô Giáo. Ông bị bại trận, được coi là hình phạt của Thiên Chúa.
Sau ông chết, những vị nối ngôi ông lại gia tăng các biện pháp chống ngoại giáo và cả lạc giáo.
Năm 379 : Gratianô từ bỏ danh hiệu thượng tế.
Năm 380 : Théodosiô coi Công Giáo là quốc giáo. Mọi thực hành ngoại giáo trong đế quốc bị cấm chỉ (392). Những ngày lễ ngoại giáo không còn được cử hành, các đền, chùa miếu đều bị phá hủy. Tình thế hoàn toàn đảo ngược : người ngoại xưa bách hại, nay bị bách hại, nhà nước xưa phục vụ ngoại giáo, nay phục vụ Kitô Giáo. Việc tôn giáo – nhà nước không thể tách rời. Tôn giáo vẫn là nền tảng và là chất keo liên kết xã hội.
4. Kitô Giáo và xã hội
Ngoại giáo bị loại trừ, lịch Công Giáo giữ nhịp đi cho xã hội. Từ năm 325, Chúa Nhật và các ngày lễ lớn Công Giáo là những ngày lễ nghỉ cho cả quốc gia. Kitô Giáo có ảnh hưởng trong pháp chế, nhất là về gia đình. Chế độ nô lệ chưa bị đặt thành vấn đề nhưng việc giải phóng nó rất dễ dàng, và có biện pháp chống chia rẽ gia đình người nô lệ, chế độ nhà tù nhân đạo hơn…
Người Công Giáo quan tâm đến vấn đề thành lập các tổ chức từ thiện. Nhờ các việc đó sau này cơ cấu xã hội cũng sẽ được biến đổi…
II. SỰ TIẾN TRIỂN CỦA PHỤNG VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO
1. Sự tiến triển của phép rửa tội và giải tội. Sau khi Giáo Hội được tự do, dân chúng đua nhau nhập Đạo, nhưng nhiều người lại không muốn tuân giữ những đòi hỏi của phép rửa tội đặt ra, bởi nó rất khắt khe.
Phép giải tội và việc sám hối : phép giải tội chỉ được thực hiện một lần trong đời.
Việc sám hối rất nặng nề, đối với những người tội nặng công khai, có khi phải đền tội kéo dài cả một đời… Sự khắt khe và nặng nề đó, đã gây ra những hậu qủa ngược lại : nhiều dự tòng không dám rửa tội, xin hoãn lại. Nhiều hối nhân xin hoãn việc xưng tội, đợi cho đến lúc già hoặc sắp chết…
2. Thánh lễ, năm phụng vụ và các việc đạo đức : thế kỉ IV đã xác định 2 lễ mừng, ở Đông Phương, ngày 6 tháng 1 : Lễ Hiển Linh ; Tây Phương (năm 330) : ngày 25 tháng 12 là Ngày Sinh của Chúa.
Việc tôn kính các vị tử đạo phát triển mạnh. Trên mộ tử đạo, người ta xây cất các vương cung thánh đường đồ sộ. Nhờ chuộng các thánh tích và hài cốt mà người ta tìm ra thập giá Chúa Kitô cũng như hài cốt các tông đồ. Và quan tâm đến các địa danh Kinh Thánh, tổ chức các cuộc hành hương thánh địa, phong trào sùng kính Đức Maria…
3. Sự tiển triển của việc truyền giáo
Sau khi đa số dân thành phố đã theo Đạo, các giám mục mở rộng về nông thôn, thay thế các đền thờ thần ngoại bằng nhà thờ.
Các xứ đạo thành hình, từ năm 313 – 400 : số tòa giám mục Bắc Ý từ 6 lên 50 tòa, còn tại Galilê từ 22 lên 70 tòa. Bên ngoài đế quốc, nhiều giáo hội đi vào ổn định.
III. NHỮNG BƯỚC ĐẦU CỦA CHẾ ĐỘ ĐAN TU
Thánh Antôn được coi là tổ phụ đời đan tu thu hút nhiều người rời đô thị vào sa mạc. Thánh Pacôm sáng lập lối cộng tu. Thánh Basiliô viết thành tu luật. Tại Tây Phương cuối thế kỉ IV mới có đời tu. Thánh Augustin nối kết đời tu linh mục với đan viện, lập tu viện riêng. Thế nhưng, Tổ Phụ Biển Đức mới tạo thành nếp đan tu ổn định qua nhiều thế kỉ : đan sĩ khấn vĩnh viễn, độc lập về kinh tế đan viện trở thành những trung tâm từ thiện. Đây là vườn ươm giáo sĩ, nhiều thế hệ nối tiếp nhau hoàn thành những sự nghiệp lâu dài.
Chương V
SỰ HÌNH THÀNH KINH THÁNH,
CÁC CÔNG ĐỒNG CHUNG ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Trong thánh lễ mỗi Chúa Nhật, chúng ta vẫn tuyên xưng đức tin bằng Kinh Tin Kính Nicêa – Constantinople. Bản văn này không được soạn thảo trong bầu khí ôn hòa trao đổi ý kiến, nhưng thường là trong những cuộc xung đột dữ dội vượt quá những vấn đề tín lí. Hậu cảnh của việc hình thành Kinh Tin Kính (KTK) là sự xung đột giữa những : cá nhân, văn hóa, địa phương. Những cuộc lưu đày, ẩu đả đẫm máu, những lần quân đội và cảnh sát can thiệp.
I. TRANH LUẬN VỀ THẦN TÍNH
CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ
1. Phái Ariô
Ariô là một linh mục khắc khổ và được quí trọng ở một giáo xứ tại Alexandria. Cũng như nhiều người trước, Ariô muốn bảo vệ các ưu phẩm của một Thiên Chúa duy nhất. Chỉ mình Người là Đấng không có khởi đầu. Sở dĩ Thiên Chúa là Cha, vì một lúc nào đó Người đã sinh ra Con. Vậy Con có khởi đầu. Con không hoàn toàn thuộc cùng một bản tính với Cha. Con lệ thuộc Cha… Ariô dựa vào các bản văn Kinh Thánh (Ga 14,28…) để khẳng định như trên.
Giám mục Alexandria không chấp nhận quan điểm của Ariô. Nếu Ngôi Lời không hoàn toàn là Thiên Chúa, thì loài người không thể được thần hóa hoàn toàn, vì Người không phải là Thiên Chúa nhập thể trong một con người. Vậy, con người không thể được cứu rỗi. Năm 318, Ariô bị vạ tuyệt thông. Dĩ nhiên ông không nhận vạ này. Khi ông đi thăm những người theo ông ở Đông Phương, thì tại đây nhiều người cho rằng quan điểm của ông đúng với truyền thống. Hỗn loạn xảy ra ở Alexandria. Hoàng đế Constantinô muốn có sự yên ổn ở Đông Phương, nên ông khuyên mỗi bên phải cố gắng hòa giải vì đây chỉ là những tranh cãi về từ ngữ. Những xáo trộn vẫn tiếp tục, nên ông quyết định qui tụ các Giám mục họp Đại Công Đồng.
2. Công Đồng Chung đầu tiên – Nicéa (325)
Công Đồng Nicéa là công đồng chung đầu tiên, qui tụ khoảng 300 Giám mục. Đa số các vị này thuộc Đông phương theo văn hóa Hi Lạp, các ngài rất quan tâm đến những tranh luận tín lí. Công Đồng gây ấn tượng mạnh, vì chưa bao giờ các chức sắc của Giáo Hội có mặt đông đủ như thế.
Công Đồng đã chấp nhận bản Kinh Tin Kính của Giám mục Eusêbiô thành Césarée, khi Giám mục này đề nghị. Nhưng theo yêu cầu của Constantinô, các Giám mục thêm tính từ “Homoousios” khi nói về Con Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Con cùng một bản thể “Ousia” với Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha. Hạn từ này khẳng định sự ngang bằng hoàn toàn giữa Chúa Cha và Chúa Con. Do đó, (trừ một vài) tất cả các Giám mục đã phê chuẩn hạn từ này.
Quyết định tín lí của Công Đồng Nicéa nhanh chóng gây ra nhiều phản ứng. Nhiều người không chấp nhận hạn từ “Homoousios”, vì cho rằng từ này không có trong Kinh Thánh. Giáo Hội Đông Phương không chấp nhận công thức của Công Đồng Nicéa. Giáo Hội Tây Phương La-tinh nói chung là trung thành với Nicéa.
3. Công Đồng Constantinople (381)
Năm 380, hoàng đế Thêodosiô bên Đông Phương quyết định nhận Công Giáo là quốc giáo, và năm 381 triệu tập Công Đồng tại thủ đô Constantinople. Công Đồng này lấy lại Kinh Tin Kính Nicéa và thêm vào đó phần về Chúa Thánh Thần : “Chúng tôi tin Chúa Thánh Thần là Chúa hiển trị và là Đấng ban sự sống. Người bởi Chúa Cha mà ra, và Người cũng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con”. Thế kỉ VII, Giáo Hội La-tinh thêm vào một chữ nổi tiếng “Filioque”. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra sự li khai giữa Giáo Hội La-tinh và Giáo Hội Hy-lạp ở thế kỉ XI.
II. TRANH LUẬN KITÔ HỌC
1. Nguồn gốc cuộc tranh luận
Suy tư và bàn cãi không bao giờ ngưng nghỉ, khi sự đồng hàng giữa Cha và Con được chấp nhận thì một vấn đề khác lại nảy sinh : phải hiểu thế nào về sự kết hợp giữa thần tính và nhân tính nơi Đức Giêsu ? Ngôi Lời thì vĩnh cửu nhưng Đức Giêsu lại được sinh ra, chịu khổ và chịu chết. Có thể nói rằng Thiên Chúa đã được sinh ra, chịu khổ và chịu chết không ? Nếu tách rời Thiên Chúa và con người nơi Đức Giêsu, thì nói thế nào về nhập thể, về xác phàm được Ngôi Lời mặc lấy ?
Ở Alexandria, người ta nhấn mạnh sự duy nhất của Đức Kitô, khởi đi từ Logos (Ngôi Lời). Đức Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy một xác phàm. Chính đó là điều kiện để con người được thần hóa. Còn ở Antiokia, người ta lại nhấn mạnh hai khía cạnh của hữu thể Đức Kitô, tức là hai bản tính khởi đi từ bản tính để đi đến sự duy nhất, và giữ vững nhân tính đầy đủ của Đức Kitô.
Sự dị biệt hai quan điểm trên đã biến thành cuộc xung đột mạnh mẽ qua lại đối đầu giữa hai Giám mục là Cyrillô thành Alexandria và Nestôriô thành Constantinople. Nestôriô chỉ trích lối tôn sùng bình dân gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Théotokos). Theo Nestôriô hạn từ này không có trong Kinh Thánh, và Đức Maria chỉ là Mẹ của con người Giêsu. Đối lại, Cyrillô muốn bảo vệ tính duy nhất của Đức Giêsu và niềm tin phổ biến của tín hữu. Người cho rằng chỉ có một “bản tính” duy nhất trong Đức Kitô.
Cyrillô liên lạc với Giám mục Rome là Célestino, người kết án Nestôriô năm 430. Cyrillô yêu cầu Nestôriô kí một bản văn xác nhận nơi Đức Kitô, Ngôi Lời và con người kết hợp trong một bản tính mà thôi. Nhưng Nestôriô lại tố cáo Cyrillô theo lạc thuyết Apollinariô. Vì việc này, hoàng đế Thêodosiô triệu tập công đồng tại Êphêsô yêu cầu mọi Giám mục hiện diện.
2. Công Đồng Êphêsô (431)
Cyrillô chủ động khai mạc công đồng cho dù nhiều giám mục chưa có mặt và dù đại diện Hoàng Đế phản đối. Nestôriô bị hạ bệ như một Giuđa mới, một kẻ lạc giáo. Quần chúng tán thành phấn khởi. Nhưng không lâu sau đó các giám mục theo phe Nestôriô và những vị không tán thành hành động của Cyrillô lần lượt tới. Họ lên án Cyrillô và các bạn của Người. Để giải hòa 2 bên, đại diện Hoàng Đế đã truất phế cả Nestôriô lẫn Cyrillô, Cyrillô trốn được và trở về Alexandrie như một kẻ chiến thắng, còn Nestôriô kết thúc cuộc đời trong cảnh lưu đày.
Nội dung tín lí của Công Đồng Êphêsô thực chất là củng cố uy tín Nicéa và nhấn mạnh sự duy nhất của Đức Kitô. Hạn từ Théotokos sẽ không còn bị tranh cãi nữa.
Năm 433, một đối thủ của Cyrillô là Gioani, giám mục Antiokia đề nghị một công thức hòa giải : “Có một sự kết hợp không lẫn lộn giữa hai bản tính, và do sự kết hợp này, chúng ta tuyên xưng rằng Đức Trinh Nữ Thánh là Théotokos, bởi vì ngôi Con Thiên Chúa đã trở thành xác phàm và đã làm người”. Cyrillô phấn khởi nhận công thức này. Giám mục Rôma là Sixtô chúc mừng sự hòa hợp của hai người bằng cách phê chuẩn công thức.
3. Tranh luận tiếp tục Công Đồng Calcêđônia (451)
Dù đã có công thức hòa giải trên, nhưng các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục, và lần này là Eutykê, một đan sĩ ở Constantinople. Eutykê cho rằng trong Đức Kitô, thần tính làm nhân tính tiêu tan. Thân xác Đức Kitô không cùng bản chất với thân xác ta. Đó là thuyết nhất tính. Ông bị kết án và bị vạ tuyệt thông trong một hội nghị do giám mục Constantinople là Flavianô triệu tập. Eutykê kháng cáo lên Giáo Hoàng Lêô (440 – 461) và Dioscorê, giám mục Alexandrie.
Hoàng Đế Théodosiô II, bạn của Eutykê triệu tập Công Đồng. Hầu như ông chỉ mời những người theo phe Eutykê và giám mục Rôma. Đức Lêô giao cho các đặc sứ của Người một bản văn trình bày mầu nhiệm nhập thể. Theo Người, Đức Kitô có một thân xác đích thực, cùng bản tính với thân xác của Mẹ Người. Cả hai bản tính được bảo toàn, kết hợp với nhau trong một ngôi vị duy nhất. Trong tiếng Latin, từ lâu, người ta đã làm sáng tỏ sự phân biệt giữa bản tính và ngôi vị, còn trong tiếp Hi Lạp thì không như vậy. Công Đồng họp tại Êphêsô năm 449 do Dioscorê chủ động : Flavianô và những vị khác phân biệt hai bản tính bị truất phế. Đức Lêô gọi đây là “Mẻ cướp ở Êphêsô”.
Đường lối chính trị và tôn giáo mới của Marcianô đã khiến ông triệu tập một Công Đồng mới ở Calcêđônia. Đặc sứ của Giáo Hoàng chủ tọa Công Đồng, Flavianô được phục hồi danh dự. Kinh Tin Kính Nicée – Constantinople được tuyên đọc. Công Đồng công bố một công thức đức tin “Đức Kitô là một ngôi vị trong hai bản tính”. Kể từ nay, công thức này là nền tảng của Kitô Học.
Chương VI
CÁC GIÁO PHỤ – NHỮNG VĂN SĨ KITÔ GIÁO
CỦA NHỮNG THẾ KỈ ĐẦU
I. GIÁO PHỤ LÀ NHỮNG AI ?
1. Những người cha trong đức tin
Từ “Phụ” (Cha) hướng chúng ta về cội nguồn, về tổ tiên. Chúng ta nói về người cha trong đức tin. Thời Thượng cổ, người thầy được gọi là cha, tức người thông truyền sự khôn ngoan. Hạn từ được dùng rộng rãi trong Giáo Hội. Trong những thế kỉ đầu nhiệm vụ giảng dạy thuộc về Giám mục nên các ngài được gọi là cha, nhiều người là nhà giáo huấn hay giảng thuyết dù không phải là Giám mục cũng được mang danh hiệu đó. Hạn từ này chứa đựng sự an toàn, tin cậy. Cha là người mang truyền thống.
2. Những người gần với nguồn mạch.
Những bản văn của các Giáo Phụ dẫn chúng ta đến nguồn mạch đức tin, mà xét theo thời gian các ngài gần gũi hơn chúng ta. Giáo Phụ ở vào số những độc giả đầu tiên của Tân Ước. Các ngài ban Tân Ước cho các tín hữu làm lương thực trong một ngôn ngữ chưa bị hệ thống hóa. Các ngài đề ra một cách đọc Cựu Ước dưới ánh sáng Kitô học, có Chúa Thánh Thần linh hứng. Vì vậy, trở về với những bản văn Giáo Phụ giúp ta hiểu hơn sứ điệp Kitô giáo khi chưa bị con người tô vẽ. Truyền thống thường coi thời Giáo Phụ bắt đầu với những tác phẩm tiếp sau Tân Ước và chấm dứt ở thế kỉ thứ VII.
3. Những chứng nhân của cuộc gặp gỡ giữa Phúc Âm và các văn hóa
Các Giáo Phụ không chỉ dừng lại ở việc suy niệm Kinh Thánh, hoặc đưa ra những huấn dụ luân lí sử dụng trong nội bộ cộng đồng. Hoàn cảnh buộc các ngài bảo vệ ki-tô giáo đang bị tấn công nhân danh lí trí. Các ngài đã loan báo Phúc Âm bằng những phạm trù văn hóa Hy-La để người nghe hay đọc có thể hiểu được. Các ngài tìm những điểm hội tụ giữa sự khôn ngoan Hy-lạp và sứ điệp Kitô giáo. Dần dần các Giáo Phụ biến tất cả văn hóa cổ thành của mình bằng cách Kitô hóa nó.
4. Những người bảo đảm cho sự chính thống và sự thánh thiện của Giáo Hội
Các Giáo Phụ là những chứng nhân ưu tuyển của truyền thống Giáo Hội, tức của Phúc Âm được sống trong những thế kỉ đầu. Vì thế, nếu như truyền thống Giáo Hội đòi các ngài phải có giáo lí chính thống thì cũng đòi các ngài phải có sự thánh thiện. Giáo Phụ là người sống điều mình dạy.
II. THỜI HOÀNG KIM CỦA CÁC GIÁO PHỤ
Nhờ Giáo Hội được bình an và các Công Đồng lớn được triệu tập mà văn chương Kitô giáo có điều kiện triển nở. Thời kì từ Công Đồng Nicêa (325) tới Công Đồng Chalcédônia (451) được coi là thời vàng son. Chúng ta ghi nhận một số tên tuổi.
1. Các đại Giáo Phụ Hy lạp
Các văn sĩ Kitô giáo lớn nhất thế kỉ IV đều thuộc văn hóa Hy lạp.
– Athanasiô (295-373) trưởng thành cùng thời với lạc giáo Ariô. Năm 328 làm Giám mục Alexandria. Ngài bảo vệ đức tin của Nicêa, chống lại lạc giáo Ariô. Bị trục xuất khỏi Alexandria năm lần. Tác phẩm của Ngài chủ yếu bảo vệ trình bày thần học về Ngôi Lời Nhập Thể đồng hàng với Chúa Cha.
– Basiliô (330-379) sống đời đan tu trước khi làm Giám Mục tại Césaréa. Ba mối bận tâm chính : tổ chức bác ái ; tổ chức một đời sống đan tu cộng đồng ; quan tâm đến sự chính thống và hiệp nhất Giáo Hội.
– Grégoriô thành Nazianzé (330-390) bạn thân của Basiliô. Một thời gian ngắn làm Giám Mục Constantinopoli. Để lại những diễn từ thần học, những bài tán dương, thi tập và nhiều thư từ.
– Gioan Kim Khẩu (345-407) sinh tại Antiokia, đan sĩ rồi làm linh mục. Là nhà giảng thuyết lừng danh, được phong làm Giám Mục Constantinopoli. Ngài muốn canh tân phong hóa của hàng giáo sĩ và cận thần trong triều. Bị hoàng hậu thù ghét và Giám Mục Alexandrie hãm hại. Bị bách hại và lưu đày lần đầu năm 403, lần hai 404. Gioan tiên vàn là một vị chủ chăn, diễn giải Kinh Thánh trong các bài giảng thuyết chuẩn bị cho người ta chịu phép Rửa và khuyên bảo các tín hữu trong các bậc sống khác nhau của họ.
2. Các đại Giáo Phụ La tinh
– Ambrosio (340-397) tổng trấn Milano. Còn đang là một dự tòng ngài đã được một trẻ em la lên : “Ambrosio là Giám Mục”. Trong vài ngày người lãnh bí tích Rửa tội rồi chức Giám Mục. Phân phát của cải cho người nghèo và yêu cầu tín hữu thực thi công bình xã hội. Ngài chu toàn mọi chức năng của Giám Mục.
– Giéronimo (347-420) quê ở Đanmatia (Nam Tư). Sống đời sinh viên phóng đãng ở Rôma. Sống thử đời đan tu ở Đông phương, chịu chức linh mục miễn cưỡng. Đến Rôma lần hai giúp Đức Giáo Hoàng và các nhóm phụ nữ đạo đức. Rồi đến Belem. Ngài là một người hay thay đổi, khó tính, lời lẽ thô bạo, có nhiều kẻ thù. Hoạt động của ngài chủ yếu dành cho Thánh Kinh. Ngài duyệt lại bản văn Kinh Thánh La-ngữ. Thực hiện một bản dịch mới về Cựu Ước dựa trên bản gốc Hipri và Aram. Bản Kinh Thánh mới này được gọi là Bản Phổ thông (Vulgata). Đây là bản Kinh Thánh chính thức trong Giáo Hội. Giéronimo còn để lại những bản diễn giải Thánh Kinh, những tác phẩm bút chiến và những lá thư đáng lưu ý.
– Augustino (354-430) là Giáo Phụ có ảnh hưởng sâu xa nhất trên tư tưởng tôn giáo Tây phương. Sinh ở Numiđia (Angiêri). Sinh viên rồi giáo sư ở Carthgo, tới Rôma và Milano. Một thời gian dài cố tìm chân lí qua triết lí và chủ thuyết Mani. Quan hệ với một người nữ và có một con trai. Cuối cùng gặp được ánh sáng chân lí nhờ ảnh hưởng của Giám Mục Ambrosio. Augustino chọn đời đan sĩ, nhưng rồi làm linh mục rồi Giám Mục (395). Giám Mục Augustino phải đối diện với mục vụ : giảng dạy, gặp gỡ đồng nghiệp, tham dự các công đồng địa phương. Có những cuộc xung đột với phái Đônatô một Giáo Hội đối địch, tranh luận với Pélagio về ân sủng.
Augustino đã để lại cho chúng ta nhiều tác phảm nhất với những bài giảng thuyết và huấn giáo, những bài diễn giải uyên thâm, về Thánh Kinh, những khảo luận triết học và thần học mà một số là nhắm chống lại những sai lầm. Nổi tiếng nhất là cuốn “Tự thú”, một lời nguyện dài vì được Chúa hoán cải, cuốn “Thành trì của Thiên Chúa”, một suy tư về lịch sử và khảo luận về Chúa Ba Ngôi. Tất cả các thần học gia sau này cho tới Luther, Calvin, và Giansénio đều nại tới Augustino.
Chương VII
GIÁO HỘI THỜI THƯỢNG TRUNG CỔ
(Thế kỉ V-XI)
TAN RÃ VÀ TÁI THIẾT THẾ GIỚI KITÔ GIÁO
Mười thế kỉ ở giữa thời Thượng cổ và thời phục hưng (thế kỉ XVI) được gọi là thời Trung cổ. Các nhà nhân bản thế kỉ XVI muốn ám chỉ với một chút miệt thị, thời kì trung gian giữa họ và nền văn minh cổ đại mà họ muốn phục hồi. Biết bao biến cố đã diễn ra trong một nghìn năm. Thời Trung cổ gợi lên cho ta các Đại Giáo đường, thập tự chinh… Nói cách khác cả một Kitô giới. Nhưng để đạt tới đó chúng ta phải rảo qua sáu thế kỉ đen tối, trong đó văn minh Âu châu dựa trên Kitô giáo hình thành rất vất vả.
I. CÁC CUỘC XÂM LĂNG VÀ ĐỊA LÍ TÔN GIÁO MỚI
1. Cuộc xâm lăng của dân Man-di.
Những năm đầu thế kỉ V, nhiều sắc dân Germani bị dân Hung nô áp đảo đã vượt sông Đanubê và sông Rhin tràn vào đế quốc Rôma. Năm 410, thành Rôma bị dân Wisigothi của Alarico chiếm đóng và tàn phá. Năm 455 thành Rôma lại bị quân Valđali của Gensenico cướp phá. Năm 476 hoàng đế Rôma cuối cùng là Rômalo Augusto bị một người man-di là Odoacro hạ bệ. Thế giới cổ đại Tây phương không còn nữa, phân thành nhiều vương quốc man-di.
Nhiều kitô hữu tin là ngày tận thế đã tới, dân ngoại coi đó như là một hình phạt của thần linh và tội người ta đã bỏ đạo cổ truyền. Các tín hữu tự hỏi : tại sao các Tông đồ và các thánh tử đạo không bảo vệ thành, khi thân xác các ngài đang nằm ở Rôma ? Trong tình thế bi đát này, thường chỉ có Giáo Hội là định chế có tổ chức tồn tại. Nhiều Giám Mục nắm giữ công việc hành chính đang tan rã của đế quốc. Tình thế buộc phải thỏa hiệp với người man-di. Hơn nữa, có những người man-di rất thán phục thế giới Rôma. Việc Clovis, vua dân Franci theo đạo đem lại nhiều hậu quả quan trọng. Được sự ủng hộ của người gốc Rôma ở Gallia, Clovis thắng các nhóm Germani theo lạc giáo Ario, người Công Giáo có Clovis là vua của mình.
2. Cuộc xâm lược của Hồi giáo và người Ảrập
Trước các đế quốc đã suy sụp là Rôma và Ba-tư, người Ảrập tạo thành một lực lượng quân sự mới. Họ tung ra các cuộc tấn công như vũ bão, hăng say đón nhận cái chết trong “nỗ lực trên con đường của Thiên Chúa“. Những kẻ xâm lược có thêm lợi thế nhờ thái độ thụ động của dân vùng Đông phương là Syria và Aicập là những vùng thường xuyên tranh chấp với Constantinopoli về các vấn đề tín lí và chủng tộc, nên đôi khi còn có kẻ xâm lược là người giải phóng. Nhiều vùng ở Đông phương và Ba Tư bị chiếm đóng. Cuối thế kỉ VII đến lượt Bắc phi, dù nơi đây có sự chống cự mãnh liệt hơn. Năm 711 người Aírập và Berberi theo đạo Hồi đánh Tây Ban Nha, tiến tới tận Poitiers của Gallia (732). Tuy không vào được trung tâm Âu châu nhưng người Hồi giáo đã kiểm soát được cả Địa Trung Hải.
3. Một địa lý mới về tôn giáo
Trọng tâm của Giáo Hội chuyển rời : các Giáo Hội Kitô cổ kính nhất ở Đông Phương và Bắc Phi rơi vào ách thống trị của Hồi giáo. Ở Bắc Phi, các cộng đồng Kitô giáo tàn lụi dần. Những kitô hữu cuối cùng biến mất vào đầu thế kỷ XII. Như vậy trọng tâm Giáo Hội không là Địa Trung Hải với trung tâm Rôma, nhưng đã dời lên phía Bắc. Sự hiện diện của người Ảrập trên biển này còn làm cho liên lạc giữa Tây và Đông thêm khó khăn. Hơn nữa khu vực Tây và Đông đã bị người Slova tràn chiếm vào cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ VII. Những nét chính của một địa lý kitô giáo mới đã được ấn định.
Đế quốc Byzantino : đế quốc Rôma đông phương bị mất Syria, Palestin và Ai cập, được gọi là đế quốc Byzantino.
Tây Phương man-di : Bên tây phương của các vương quốc man-di, các thế kỷ sau những đợt xâm lăng cho người ta thấy một sự suy tàn đồng bộ.
II. TÁI THIẾT THẾ GIỚI KITÔ GIÁO LẦN I
1. Phục hưng dưới thời Carôlô
Các vua dòng họ Carôlô coi mình có bổn phần tái lập trật tự trong Giáo Hội, và gây dựng một chút uy tín cho Giáo Hội, do đó, có thể coi đây là thời phục hưng dưới triều đại dòng họ Carôlô.
2. Những thăng trầm của đế quốc Byzantino
Truyền thống Byzantino coi các ảnh tượng đóng một vai trò sư phạm. Chúng là những “Bài giảng thầm lặng“, là “sách dành cho người mù chữ“.
Cuối thế kỷ IX khi Giáo Hội Tây phương lại bị sa sút thì đế quốc Byzantinô bước vào một thời kỳ rực rỡ. Ngoài các thành công về quân sự và các công trình văn chương, đời sống đan viện phát triển mạnh mẽ.
3. Công cuộc truyền giáo
Ở Tây Phương, các cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông và Tây, không ngăn cản đà tiến của việc truyền giáo. Tiền bán thế kỷ VIII, nhà truyền giáo nổi tiếng là Bonifaciô (680 – 754) tổ chức lại Giáo Hội ở Gallia, lập nhiều tòa Giám Mục và tu viện trước khi tử đạo ở Hòa lan.
– Nơi dân Slova : Hylạp và Latinh tranh nhau truyền giáo cho người Slova ở đồng bằng sông Danube.
III. TÌNH HÌNH ĐEN TỐI CỦA GIÁO HỘI
1. Thời kỳ đen tối của Tây phương cuối thế kỷ IX-X
Sự thống nhất của đế quốc Franci không còn nữa. Hòa ước 843 chia vương quốc thành ba phần : vương quốc Pháp, vương quốc Đức và một vương quốc trải dài từ Hắc hải tới Nam Ý. Vương quốc này sẽ sớm biến thành vô số các vương quốc. Ngoài cuộc nội chiến, các đợt xâm lăng mới làm tan rã hoàn toàn sự ổn định của Tây phương.
2. Giáo Hội trong chế độ phong kiến
Người nắm giữ một chức vụ trong Giáo Hội có một phần đất, một bổng lộc để sống. Giám Mục là lãnh chúa và chư hầu như các giáo dân.
3. Đoạn giao giữa Giáo Hội Latinh và Hylạp :
cuộc li khai 1054
Từ thế kỷ V, hố ngăn cách Giáo Hội Latinh và Giáo Hội Hy lạp không ngừng tăng lên với các lý do chính trị, văn hóa và tín lý.
Sự dị biệt văn hóa còn trầm trọng hơn. Hai Giáo Hội không còn hiểu nhau nữa. Đông phương không biết tiếng Latinh và Tây phương không biết tiếng Hylạp. Người Latinh và Hy lạp khinh bỉ nhau. Người Hy lạp cho người Latinh là người sống trong vùng tăm tối, những tên quê mùa, bọn man-di kém văn hóa và háu ăn. Người Latinh lại coi người Hy lạp là bọn thoái hóa, những tên chẻ sợi tóc làm tư.
Hai Giáo Hội còn đối nghịch nhau về các khác biệt về phụng vụ và giáo lý. Với người Hy lạp, nghi thức là đức tin được diễn tả, còn Tây phương phân biệt dễ dàng hơn giáo lý với nghi thức.
Đặc sứ của Giáo Hoàng là hồng y Humberto tha thiết canh tân nhưng ít thông thạo văn hóa Hy lạp và hoàn toàn thiếu mềm dẻo. Còn thượng phụ Constantinopoli là Cerulariô cũng là một con người cứng nhắc không kém : không quan hệ với Rôma càng tốt. Vì vậy, ông là lãnh tụ duy nhất của Giáo Hội Hy lạp. Ở Constantinôpôli,Humberto ra vạ tuyệt thông cho Cerulariô, Cerulariô cũng ra vạ tuyệt thông cho Humberto.
Chương VIII
KITÔ GIỚI
NHỮNG NỀN TẢNG CỦA MỘT XÃ HỘI
(Cuối thế kỷ XI-XIII)
Hạn từ “Kitô giới” chỉ một hình thức quan hệ giữa Giáo Hội và xã hội thời Trung cổ. Một trong những nét nổi bật nhất của Kitô giới là vị trí nổi bật nhất của ngôi Giáo Hoàng. Vị trí này đạt được bằng các cuộc đấu tranh thường là dữ dội với hoàng đế Đức. Tuy nhiên, thế quân bình lúc nào cũng mong manh. Nếu như nửa đầu thế kỷ XIII, uy quyền Giáo Hoàng đạt tới đỉnh cao thì những năm cuối thế kỷ, người ta lại thấy có sự chống đối nghiêm trọng đối với những tham vọng của Rôma, và những rạn nứt đầu tiên của Kitô giới.
I. CÁC NỀN TẢNG CỦA KITÔ GIỚI THỜI TRUNG CỔ
1. Khẳng định quyền Giáo Hoàng
Năm 1059, tòa thánh xác định luật bầu giáo hoàng. Giáo Hoàng sẽ do các Hồng Y bầu, các giáo sĩ khác và dân chúng chỉ còn hoan hô vị đắc cử. Do việc này mà các hồng y đóng vai trò đặc biệt trong Giáo Hội. Đây là những thành viên quan trọng nhất của hàng giáo sĩ Rôma. Hoàng đế khó lòng chấp nhận luật trên, vì ông mất quyền chỉ định Giáo Hoàng. Trong những lúc khủng hoảng sau này, ông sẽ chỉ định Giáo Hoàng của mình đối nghịch với các vị do Hồng Y đoàn bầu chọn.
Giáo Hoàng Grêgôriô VII (1073-1085) tiến hành cuộc cải tổ luân lý, nhằm vào tệ nạn mại thánh, vào các linh mục còn sống tư hôn. Ngài cho rằng mọi tệ hại đều xuất phát từ việc phong ban của thế quyền, và muốn chấm dứt điều này. Thế nên, ngài cấm các Giám Mục nhận trách vụ từ tay một người đời, cấm các Tổng Giám Mục tấn phong những ai đã nhận sự phong ban này. Ngài muốn chức Giám Mục không lệ thuộc vào thế quyền.
Hoàng đế nước Đức là Henri IV, chống lại quyết định của Giáo Hoàng vì làm ông mất một phần lớn quyền bính trong một nước mà các Giám Mục thuộc vào số các lãnh chúa lớn nhất. Hoàng đế công bố truất phế Giáo Hoàng, Giáo Hoàng cũng hạ bệ hoàng đế và tháo lời thề tuân phục cho các thần dân. Nhưng cuối cùng Grêgôriô lại chết nơi lưu đày năm 1085.
Các Giáo Hoàng sau đức Grêgôriô củng cố sự cải tổ này, từ nay can thiệp như những thủ lĩnh trong Kitô giới, khởi xướng việc triệu tập công đồng bên Tây Phương, giáo luật được áp dụng khắp nơi trong việc cai trị Giáo Hội Rôma. Quyền Giáo Hoàng lên tới tột đỉnh thời Giáo Hoàng Innocentê III (1198-1216).
2. Giáo Hội đan viện
Các đan sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc cải tổ và trong tất cả đời sống Giáo Hội thời trung cổ. Trong một thời gian dài, đan sĩ tượng trưng cho người kitô hữu lý tưởng.
Được thiết lập năm 910, tu viện Cluny đã phục hồi những qui tắc lớn của qui luật Biển Đức. Thế kỷ XI-XII, Cluny đứng đầu một dòng tu có mặt khắp châu âu. Vào thời cực thịnh “Nhà nước Cluny” có đến 50 ngàn tu sĩ. Dòng tu đề cao vai trò của Giáo Hoàng, cung cấp nhiều Giám Mục và Giáo Hoàng. Tu viện thực hành rộng rãi bác ái đối với người nghèo, phổ biến nghệ thuật Rôman.
Cuối thế kỷ XI, một phong trào ẩn tu phát triển mạnh, vì muốn sống sám hối và nghèo khó, nhiều người đi vào rừng sâu, hải đảo… để đền tội. Nổi bật nhất là Phêrô, nhà ẩn sĩ. Thời Trung cổ còn có lối tu kỳ lạ là biệt tu, sống giam mình suốt quãng đời còn lại trong một căn phòng nhỏ xây dựa vào nhà thờ.
Năm 1084, khi thành lập dòng Chartreuse, thánh Brunô muốn kết hợp đời sống ẩn tu và đời sống cộng đồng, ngài dành ưu tiên cho sự cô tịnh cũng như cho sự đơn sơ khi tiếp xúc với Kinh Thánh.
Tu viện Sitô lập năm 1098 muốn tìm lại sự nhiệm nhặt của tinh thần Biển Đức mà Cluny dường như lãng quên. Nghèo khó trong cách ăn, mặc, ở, phụng vụ đơn giản, sống cô tịnh giữa rừng.
Thánh Bênađô (1090-1153) lập tu viện Clairvaux năm 1115, làm cho dòng Sitô phát triển đáng kể. Riêng mình ngài lập 66 tu viện. Giữa thế kỷ XII, Bênađô là nhân vật số một của Giáo Hội.
II. CÁC CÔNG TRÌNH CỦA ĐỨC TIN
1. Tôn giáo đan viện và tôn giáo bình dân
Tôn giáo thời Trung cổ vay mượn nhiều nét của xã hội phong kiến và nông nghiệp. Thiên Chúa ở trên chóp đỉnh của phẩm trật phong kiến. Ngài là Chúa tối cao, mọi lãnh chúa trần gian chỉ là chư hầu và nông nô của Ngài.
– Vào thời mà chỉ các giáo sĩ biết dùng chữ viết để tự diễn tả mình, người Kitô hữu lí tưởng chính là đan sĩ. Niên lịch Chư Thánh hầu như chỉ chấp nhận các Giám Mục, đan sĩ và nữ tu. Bênađô so sánh thế gian như một biển cả phải vượt qua để đạt tới phần rỗi. Các giáo sĩ sử dụng con thuyền thánh Phêrô, còn người có gia đình phải bơi và nhiều kẻ chết đuối. Vì không được làm đan sĩ, cuối đời, nhiều giáo dân xin được chôn cất trong bộ áo dòng.
– Tuy nhiên, nếu hình dung đời sống đạo của dân chúng qua các thí dụ điển hình này, thì sẽ hoàn toàn thiếu chính xác. Có một khoảng cách lớn lao giữa các tổng hợp đẹp đẽ của các nhà thần học, với tôn giáo của người dân quê thô lỗ, mù chữ, phải đấu tranh với thời tiết bất thường và ôn dịch để sinh tồn.
2. Sự tiến triển của bí tích và phục vụ
Thế kỉ XII-XIII, Giáo Hội ấn định giáo lí về bảy bí tích, cố gắng tái lập một kỉ luật chung.
– Khắp nơi trẻ em được Rửa tội một vài ngày sau khi sinh, thay việc dìm bằng cách đổ nước trên đầu.
– Không cho trẻ sơ sinh rước lễ dưới hình rượu như xưa.
– Công Đồng Latêranô IV (1215) qui định phải xưng tội rước lễ ít nhất một lần trong năm vào mùa Phục sinh, trong giáo xứ của mình.
– Bí tích sám hối, từ nay gọi là xưng tội.
– Thế kỉ XIII Hôn nhân được xác định là một trong bảy bí tích và chỉ thuộc quyền Giáo Hội. Giáo Hội xác định các ngăn trở và các điều kiện để hôn phối thành sự.
Thời này chưa có giáo lí đúng nghĩa, đức tin thấu nhiễm nơi trẻ em qua cộng đồng. Con số 7 được dùng như thuật nhớ để dạy đạo.
3. Đời sống tôn giáo và trần tục
Đặc điểm của thời Trung cổ là sự có mặt khắp nơi của một tôn giáo thuộc về đời sống công cộng. Đó là sự pha trộn trần tục và thiêng liêng : tôn giáo không biết đến những ô ngăn như ngày nay.
Thánh lễ Chủ nhật là luật buộc trên nguyên tắc, nhưng cách tham dự không khá lắm. Có sự pha trộn giữa những nghi thức tôn giáo đích danh với những phong tục có nguồn gốc và ý nghĩa mơ hồ. Khách hành hương và lính thập tự chinh muốn thấy và chạm đến những nơi Đức Kitô và các thánh đã sống. Ước muốn này giúp hiểu được sự phát triển kì lạ của việc tôn kính hài cốt các thánh.
III. VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT
1. Một văn hóa xây dựng trên đức tin
Như đã thấy trong thời Thượng – Trung cổ hoạt động trí thức là một nét chuyên biệt của đan viện. Việc phát triển Kitô giới vào các thế kỉ VII-XIII làm gia tăng những nhu cầu trí thức. Cuộc cải tổ của Đức Grêgôriô khuyến khích các môn luật. Trong truyền thống đan viện, công tác trí thức chủ yếu là diễn giải Thánh Kinh.
Trong bộ tổng luận thần học của thánh Thomas, ngài thực hiện một tổng hợp hài hòa giữa tri thức cổ đại và mạc khải Kitô giáo. Nghiên cứu suy lí lệ thuộc vào cứu cánh của con người. Cho nên, triết học là nữ tì của thần học.
2. Nghệ thuật dân gian Kitô giáo
Đức tin của người Kitô hữu còn được diễn tả qua kịch tuồng tôn giáo bình dân. Các vở kịch phụng vụ trình diễn Cựu Ước và Tân Ước ngay trong nhà thờ hoặc ở tiền đường.
Các kịch phép lạ minh họa sự can thiệp của Đức Trinh Nữ và các thánh. Sau này, các kịch mầu nhiệm trình diễn dài và phức tạp, các trích đoạn Thánh Kinh, thí dụ tuồng thương khó do các nhóm trình diễỵn.
Nghệ thuật Rôman có nguồn gốc từ các đan viện, phát xuất từ Địa Trung Hải, phát triển vào cuối thế kỉ XI có đặc điểm là các vòm bán nguyệt, các chạm trổ ở trần và đầu cột. Tiếp đến là nghệ thuật Gothique thay thế nghệ thuật Rôman. Đây là nghệ thuật của thành thị chứng tỏ sự quân bình của thế kỉ XIII.
Kính màu và thuật làm tượng phát triển, điêu khắc, kính màu và bích họa tạo nên một cuốn Thánh Kinh và một pho giáo lí bằng hình ảnh.Các nghệ nhân ghi trên đá những lo âu và hi vọng của người tín hữu :mong đợi thiên đàng, kinh sợ hỏa ngục.
Chương IX
KITÔ GIỚI : BÀNH TRƯỚNG
BỊ PHẢN KHÁNG VÀ TỰ VỆ
(Thế kỉ XI-XIII)
Là một thực tại vừa trần thế vừa thiêng liêng một xã hội muốn trở thành một toàn thể đồng nhất đặt nền tảng trên Kitô giáo, Kitô giới thây mình cần phải chiến đấu chống lại kẻ thù của đức tin.
Bên ngoài, có Hồi giáo, bên trong có lạc giáo. Thế là Kitô giới trang bị vũ khí đi thập tự chinh, tổ chức giáo tòa để trấn áp. Nhưng mọi sự không vì thế mà được giải quyết. Không thể áp đặt Tin Mừng bằng vũ lực. Từ sự nghi ngờ về thập tự chinh nảy sinh ý muốn truyền giáo. Từ sự phản kháng có màu sắc Tin Mừng, trước một số cách hành xử của Giáo Hội, thể chế nảy sinh những hình thức tu trì mới.
I. KITÔ GIỚI BÀNH TRƯỚNG :
THẬP TỰ CHINH VÀ TRUYỀN GIÁO
1. Kitô giới vũ trang
Ý thức về chính mình và sự duy nhất của mình bằng cách qui tụ lại và vũ trang chống kẻ thù chung là Hồi giáo đang chiếm đóng Thánh Địa và đe dọa các Kitô hữu Đông Phương. Thập tự chinh bắt nguồn từ việc hành hương Giêrusalem. Hành hương trước là một nghi thức thanh tẩy và đền tội, họ có thể chết nơi Đức Kitô, chết để cùng sống lại với Ngài lúc phán xét. Nhưng các cuộc hành hương đó rât khó khăn do một lực lượng Hồi giáo đe dọa. Họ chiếm Giêrusalem (1099) với những cuộc tàn sát khủng khiếp. Nhưng đến 1187 vua Hồi giáo đã chiếm lại. Năm 1291, không còn một bóng dáng thập tự quân nào ở Palestin. Từ 1099 đến 1270 có tất thảy tám cuộc thập tự chinh, nhưng tất cả đều kết thúc trong thất bại. Tuy nhiên, phần nào góp phần gắn bó Kitô giáo Tây phương, củng cố quyền lực Giáo Hoàng, nhưng mặt khác lại đào sâu hố chia cắt, chia rẽ giữa tín hữu Đông và Tây.
2. Công cuộc truyền giáo
Thập tự chinh thất bại khiến người ta thêm tỉnh ngộ, thay vì tận diệt Hồi giáo, tốt hơn là thuyết phục họ. Lần thập tự chinh (1218) thánh Phanxicô Assisi đã gặp vua Hồi giáo Aicập, cũng như những người khác cho rằng cảm hóa là công trình của tình yêu, được thực hiện bằng sự hiểu biết, và như thế, dưới sự hướng dẫn của các tu sĩ Phan Sinh và Đa Minh, họ tự tổ chức để thực hiện những chuyến viễn hành này, và tự gọi là những “Anh em viễn hành“. Họ có mặt ở Trung Á, vịnh Ba tư, Ấn Độ, cho đến tận Trung Quốc.
II. KITÔ GIỚI BỊ PHẢN KHÁNG
1. Những cuộc phản kháng
Một số trong Giáo Hội dựa vào Tin Mừng chống lại một Giáo Hội quá giàu có, họ phản ứng trước những linh mục tham tiền hay sống tư hôn. Họ muốn Giáo Hội trung thành với tinh thần nghèo khó của Đức Kitô trong Phúc Âm. Trong số này nổi bật nhất là phong trào “Những người nghèo thành Lyon” do Valdo phát động khoảng năm 1173. Nhưng phong trào này bị trục xuất ra khỏi Giáo Hội. Các phong trào, các giáo thuyết khác lại xuất hiện, họ muốn trở về với Tin Mừng và Giáo Hội thuở đầu, bởi trước sự buông thả của hàng giáo sĩ, nên nhiều người theo giáo phái để phản đối Giáo Hội.
2. Sự xuất hiện của các dòng khất thực
Lí tưởng trở về với Tin Mừng, nó tạo ra một hình thức tu trì mới. Tuy nhiên sự đáp ứng của thánh Đa Minh và thánh Phanxicô Assisi hơi khác nhau.
– Đa minh và dòng thuyết giáo (170-1221) ở Tây Ban Nha. Ngài kết luận : đời sống nghèo khó thực sự của nhà giảng thuyết là phương dược duy nhất hữu hiệu “Đời sống không có thu nhập vì thế cho nên dòng mang tên là dòng khất thực”.
– Phanxicô và dòng các anh em hèn mọn (1181 Ý) 1219, số tu sĩ tới 3000, 1212 có Clara và các bạn khác theo gương thánh Phanxicô. Ngài là chứng nhân tuyệt hảo của việc trở về với Phúc Âm.
III. KITÔ GIỚI TỰ VỆ : TRẤN ÁP LẠC GIÁO
1. Thái độ đối với người Do thái
Tuy không là lạc giáo nhưng không cùng một đức tin với Kitô giáo. Người theo Do thái giáo bị coi là con cháu của kẻ giết Chúa. Do vậy, cả giáo thuyết lẫn người theo đều là đối tượng để Kitô giới trấn áp. Công Đồng Latêranô III (1179) và IV (1215) gia tăng biện pháp phân biệt đối xử với người Do thái : bât phục sức riêng biệt, cấm một số nghề, câm kết hôn với người Kitô hữu, sống trong những khu đặc biệt, trục xuất khỏi một số nước. Đôi khi còn có những tập tục hành hạ. Tuy nhiên, Giáo Hội đối xử với người Do thái lúc ấy vẫn tốt hơn nhiều so với các vua chúa.
2. Trấn áp lạc giáo
Thế kỉ XI-XII số người li khai dường như đông thêm, đứng trước tình hình đó và do áp lực của quần chúng, đã có nhiều nhà lạc giáo bị nhà vua ra lệnh thiêu sinh. Một sắc lệnh của Tòa thánh (1140) đề ra ba giai đoạn của thủ tục chống lạc giáo : cố gắng thuyết phục, phạt theo giáo luật, cuối cùng nhờ đến phần đời.
3. Hình thức trân áp đặc biệt : giáo tòa
Ra đời vào những năm 1220-1230 khi chính quyền và giáo quyền hợp tác để truy lùng những kẻ lạc giáo và trừng trị họ. Rồi do ý muốn của Giáo Hoàng, tổ chức này mở rộng khắc Giáo Hội. Hồi đó khi nói “Hình phạt cần thiết” là nói đến thiêu sống. Tuy nhiên còn nhiều hình phạt khác nữa.
Thật khó giải thích được làm sao một Giáo Hội dựa vào Phúc Âm lại có thể thiêu sống những ai không chấp nhận giáo huấn của mình. Dưới một số góc độ, Kitô giới là một thể chế để tồn tại, Kitô giới đã dùng những phương tiện của công lí đương thời là tra tấn và tử hình.
Chương X
GIÁO HỘI THỜI TRUNG CỔ
(Thế kỉ XIV-XV)
Thế kỉ XIV-XV được gọi là thời kì suy tàn Kitô giới. Từ “suy tàn” trước tiên phải hiểu là sự suy tàn của hệ thống Kitô giới. Hệ thống này dựa trên quyền tối thượng của Giáo Hoàng, đến mức Giáo Hoàng là người cầm cân nảy mực cho toàn thể Âu châu thời Đức Inocente III. Từ thế kỉ XIII, thế quân bình này đã lay chuyển, và tan vỡ dần qua các thế kỉ sau : vua chúa phản đối vai trò của Giáo Hoàng trong lãnh vực chính trị. Ngay trong nội bộ Giáo Hội cũng có những tân hóa đưa đến một cuộc li khai và việc phản đối nền tảng của quyền Giáo Hoàng. Sự đồng tâm nhất trí cũng cáo chung.
Tuy vậy, tất cả đời sống Giáo Hội thời này không thể tóm tắt trong khía cạnh suy tàn. Có những biến đổi báo hiệu một thời kì mới. Đối với một số lớn kitô hữu đây cũng là thời kì đào sâu nội tâm.
I. TINH THẦN “ĐỜI” PHÁT SINH
1. Cẳc chế độ quân chủ vươn mạnh
Như ta đã thấy, việc các Giáo Hoàng chống các hoàng đế Đức, khiến cho quyền của các người này suy yếu. Thậm chí có thời gian (1254-1273) ngôi hoàng đế còn khuyết vị nữa. Các Giáo Hoàng đã lạm dụng vũ khí tinh thần cho mục đích trần tục, như vạ tuyệt thông. Sự suy tàn của đế quốc có lợi cho chế độ quân chủ Tây phương. Các chế độ này củng cố vị trí mình bằng cách sử dụng quyền phong kiến có lợi cho mình. Tất cả các vương quốc Tây phương này dần dần trở thành các quốc gia theo nghĩa hiện đại, khi manh nha thi hành đường lối cai trị trung ương tập quyền. Và khi hùng mạnh hơn, các quốc gia này lại xung đột với nhau, chẳng hạn cuộc chiến trăm năm (1337-1453) giữa Anh và Pháp. Đồng thời trên đường củng cố và mở rộng quyền bính, các vương quốc này gặp trở ngại quyền hành của Giáo Hoàng. Đây là một căn nguyên mới cho các cuộc xung đột.
2. Cuộc xung đột đầy ý nghĩa giữa Philippe le Bel và Giáo Hoàng Bonifacio VIII
Các vua chúa ngày càng từ chối sự can thiệp của Giáo Hoàng vào Giáo Hội nước họ, đồng thời khẳng định quyền của mình trên những vụ việc thuộc Giáo Hội trong nước. Vua nước Pháp là Philippe le Bel (1285-1314) và Giáo Hoàng Bonifacio VIII (1294-1303) hai lần đụng độ nhau dữ dội. Tranh chấp lần đầu tiên liên quan đến quyền của Giáo Hội được miễn thuế. Cuộc tranh chấp lần hai liên quan đến quyền miễn tố của giáo sĩ. Nhà vua đã đưa ra tòa án triều đình một Giám Mục được Bonifacio đỡ đầu. Hai bên đối xử hung hãn với nhau cả về ngôn từ và hành động. Nhắc lại những tiền lệ, Giáo Hoàng dọa hạ bệ nhà vua. Phía cận thần của nhà vua tấn công lại. Họ tố cáo Giáo Hội đủ mọi tật xấu, kích động tình cảm quốc gia và tình cảm đạo đức của dân chúng. Đem quân đến Agagni (1303) đe dọa Giáo Hoàng. Quá xúc động vị Giáo Hoàng cao niên đã qua đời một tháng sau.
3. Tinh thần đời
– Thế kỉ XIV có nhiều sách bàn về các quyền của Giáo Hoàng và vua chúa. Ngoài những bút chiến, những lời thóa mạ, các sách này còn đưa ra những suy nghĩ về bản chất của nhà nước và Giáo Hội. Đây là điều mà người ta gọi là “sự phát sinh tinh thần đời“. Nét đặc trưng của tinh thần đời là : sự độc lập của nhà nước trong lãnh vực trần thế, sự nhấn mạnh đến định nghĩa Giáo Hội như toàn bộ các tín hữu chứ không giới hạn trong định chế giáo sĩ.
Các hậu kết rút ra lại khác nhau tùy tác giả. Có người chỉ khẳng định Giáo Hội và nhà nước đều có một sự tự trị tương đối : mỗi bên có quyền cấu tạo một xã hội có quyền tối cao hơn. Người khác đi xa hơn, cho rằng chỉ nhà nước có quyền tối cao, Giáo Hội không phải là một xã hội. Nhà nước ban quyền cho giáo sĩ và triệu tập các Công Đồng. Thần quyền bị đảo ngược, mầm mống của một hệ thông độc tài.
Dấu chỉ biểu trưng tinh thần đời là một văn kiện năm 1356 (Bulle d’Or) loại bỏ mọi can thiệp của Giáo Hoàng trong việc chỉ định hoàng đế Đức.
II. KHỦNG HOẢNG TRONG GIÁO HỘI
1. Các Giáo Hoàng ở Avignon (1305-1377)
Một năm trống ngôi sau khi đức Bonifacio qua đời, các hồng y bất đồng với nhau, cuối cùng đã chọn Tổng Giám Mục Bordeaux làm Giáo Hoàng danh hiệu là Clémenté V vì ngài tỏ ra là người đã hòa giải vấn đề tranh chấp giữa vua Pháp và Giáo Hoàng. Nhà vua nhờ tân Giáo Hoàng làm trung gian hòa giải Anh và Pháp. Hơn nữa nước Tòa thánh đang xáo trộn và còn nhiều sự kiện khác, tất cả đã cầm chân đức Clémente tại Pháp không tới Rome được. Cho đến năm 1377, các Giáo Hoàng thích ở Combat-Veirsaille hoặc Avignon, cả hai nơi thuộc quyền sở hữu của Tòa thánh. Chưa bao giờ Giáo Hoàng rời khỏi nước Ý lâu như vậy. Người Rome gọi đây là cuộc lưu đầìy Babylon.
Các Giáo Hoàng ở Avignon hẳn không hoàn toàn như người Ý trách cứ. Nhưng các ngài trước hết là luật gia, chỉ thành công về mặt trần thế, còn mặt đạo thì không thành công chút nào. Sự sa sút của các ngài chứa đựng mầm mống của cuộc đại li giáo Tây phương.
2. Đại li giáo Tây phương (1378-1417)
Dư luận kitô hữu làm áp lực để Giáo Hoàng trở về Rôma, đặc biệt lời van xin của Birgitta nước Thụy Điển và Catarina Xiêna. Giáo Hoàng Urbano V về Rôma được ba năm rồi quay lại Avignon. Năm 1377 đức Grêgôriô XI quyết định vĩnh viễn lập giáo triều ở Rôma.Cuộc trở về diễn ra trong bạo loạn, nhiều người chết. Các hồng y Pháp đến Rôma cách miễn cưỡng. Đức Grêgôriô sớm qua đời năm sau. Người Rôma đòi một Giáo Hoàng mới người Ý. Các Hồng Y đã bầu theo đòi hỏi đó, tức là Urbano VI. Nhưng các Hồng Y Pháp không chịu nổi Giáo Hoàng mới và đã bỏ Rôma. Họ tiến hành cuộc bầu cử mới, tức Clémenté VII. Chia rẽ lớn. Giáo Hoàng mỗi bên qua đời thì mỗi bên lại bầu Giáo Hoàng mới. Các vua chúa lại có dịp nhúng tay vào đời sống Giáo Hội trong nước họ.
3. Khủng hoảng về công đồng
Theo qui định của công đồng Constantia, Giáo Hội triệu tập công đồng Pavia rồi Bale (1431) – cải cách đang là vấn đề thời sự : điểm chính yếu là giảm thuế. Đa số tại công đồng chống Đức Giáo Hoàng. Năm 1437 Giáo Hoàng Eugenio IV quyết định rời công đồng về Farrare rồìi về Florentina. Nhưng một số Giám Mục ở lại cùng với ba trăm giáo sĩ cách chức đức Eugenio, đặt một quận công lên làm Giáo Hoàng, hiệu là Fêlixio V rốt cuộc phe li khai này chỉ làm trò cười. Vì ở Florentia đã có những kết quả sáng sủa hơn.
Một sắc lệnh hiệp nhất được kí kết 1439. Cơn khủng hoảng công đồng với chiến thắng của Giáo Hoàng. Đức Fêlixio V không được nhiều người ủng hộ nên đã từ chức (1449) – yêu cầu cải cách thật nhiều, nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu.
III KHỦNG HOẢNG TRONG ĐỜI SỐNG
1. Những tai họa của thời đại
Tai họa xảy ra suốt thế kỷ XIV-XV : khủng khiếp nhất là trận dịch hạch là “Hăc dịch”, phát xuất từ châu Á lan sang châu Âu từ năm 1347 và xuất hiện nhiều lần trong thể kỷ. Một phần 3 số người ở châu Âu chết. Chiến tranh kéo dài 100 năm phá họai không thua dịch hạch.
Cái chết hiện diện khắp nơi đòi người ta tự vấn lương tâm. Đó là nguồn gốc các cuộc rước của những người đánh tội. Nhưng tai họa vẫn không chấm dứt. Cơn sốt Satan lan khắp châu Âu. Satan hành động qua các phù thủy. Người ta dùng tra tấn bắt họ thú nhận. Việc đàn áp khiến hàng ngàn nạn nhân làm mồi cho dàn hỏa.
2. Khủng hoảng về tri thức
Những tai họa thời đại đã gây xáo trộn trong Giáo Hội. Triết học và thần học mất thế quân bình, nhiều tư tưởng mới xuất hiện.
William Okkham (1290-1350) tu sĩ Phan sinh người Anh chủ trương lí trí không thể đạt tới Thiên Chúa. Phải trở về với việc đọc kinh thánh và theo gương các thánh.
Cũng tại Anh, Gioan Wyclif (1324-1384) nhà thần học ở Oxford coi Kinh Thánh trọng hơn truyền thống. Không nhận sự biến thể của Thánh Thể.
Gioan Hus (1369-1415) người Tiệp khắc lấy lại tư tuởng Wyclif : không thể lẫn lộn Giáo Hội đích thực với định chế. Hus nhằm mục tiêu cải cách Giáo Hội tội lỗi này : đưa nó về với sự nghèo khó của Phúc Âm. Các nghị phụ đã lên án ông. Hus phải thiêu sinh khai mào cuộc nổi dậy ở Bohême kéo dài nhiều thập niên.
3. Những biến đổi trong đời sống ki tô giáo
Khắc khỏai trước cái chết, lo âu về phần rỗi, mất tin tưởng vào định chế Giáo Hội, tất cả đã làm biến đổi trong đời sống đạo.
Có những người vì lo lắng, đã tìm tòi mọi phương thức nhỏ nhặt đưa đến phần rỗi. Việc tôn kính các thánh và hài cốt các ngài nảy nở chưa từng thấy. Bên cạnh những việc đạo đức, lại có tai hoa ăn chơi trụy lạc.
Cuối thời trung cổ lại là thời kì đào sâu và nội tâm hóa, ít ra một số người. Khoa thần bí dựa trên thần học nảy nở. Sách gương Chúa Giê su là sản phẩm nổi tiếng nhất của trào lưu này. Trong bầu khí của trào lưu đạo đức mới này mà những con người của thời Phục hưng và cải cách lớn lên trong đó có Êrasmô và Luthero.
IV. TÌNH HÌNH GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
Công dông Firenze 1439 làm ta chú ý đến Giáo Hội Hi lạp và con là Giáo Hội Nga. Cũng như nhiều Giáo Hội Đông phương khác đã kí với Rôma những văn kiện hợp nhất nhưng không được thi hành : phía Hi lạp mong được viện trợ quân sự. Còn Rôma muốn tái khẳng định quyền tối cao của mình trên toàn thể Giáo Hội.
1. Các Giáo Hội thuộc thế giới Slavô
Giáo Hội Bungari, Serbia giao động giữa hai vùng ảnh hưởng của Constantinôpôli và Rôma. Hai Giáo Hội này trở thành tự trị thế kỉ XIII.
Giáo Hội Nga trước cũng giữ mối giao hảo với Tây phương Latinh nhưng năm 1448 đã tách rời Rôma và thành lập Giáo Hội tự trị.
2. Ngày tàn của đế quốc Byzantiô
Đế quốc Byzantiô được tái lập 1261. Sau thời gian xen kẽ Constantinôpôli ở trong tay người Latinh. Năm 1453 quân Thổ bao vây Constantinôpôli và phá tan tành. Moskva thừa kế 1461.
3. Linh đạo Đông Phương
Các Giáo Hội Đông phương có nhiều điểm chung : linh đạo của họ chịu ảnh hưởng của đan viện, và các truyền thống nghệ thuật của họ được thâu tóm nơi các ảnh thánh.
Núi Athos là nơi tập trung các đan viện đại diện mọi quốc gia Chính Thống Giáo. Các tu sĩ của các đan viện thường được chọn làm Giám mục, Thượng phụ. Trong số này, có thánh Grêgôriô Palamas (1296-1359), đan sĩ ở Athos sau làm tổng giám mục Thessalonica.
Nhiều nhà thờ đan viện còn giữ được những tranh khảm, bích họa và các ảnh thánh của thời kì này.
SAU MƯỜI LĂM THẾ KỈ
Giữa thế kỉ XV, ngôi Giáo Hoàng dường như tìm lại được uy tín và sự hiển hách của mình. Vị Giáo Hoàng cao niên cuối cùng từ chức năm 1449.
Một thời cũ qua đi, một thời mới ló rạng, với sự trở về nguồn văn chương nghệ thuật cổ thời, một văn hóa mới đa hình thành mà Giáo Hội không còn giữ vai trò làm chủ như trước.
Suốt thời trung cổ, tuy có những tranh cãi và chia rẻ, nhưng Kitô giới vẫn luôn tìm lại được sự hiệp nhất của mình. Sang những năm đầu thế kỉ XVI, cuộc cải cách đã tạo nên sự đoạn giao vĩnh viễn. Nhưng mặt khác Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bắt đầu lên đường khai phá các thế giơí mới và loan báo Tin Mừng cho khắp thế giới
Lm. Micae Trần Đình Quảng