CHƯƠNG VI
PHỤC VỤ CHO SỰ THĂNG TIẾN CON NGƯỜI
Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội
32. Trong việc phục vụ gia đình nhân loại, Giáo Hội tìm cách tiếp cận với mọi người nam nữ không phân biệt, ra sức cùng với họ xây dựng một nền văn minh tình yêu, đặt nền móng trên những giá trị phổ biến của hoà bình, công lý, liên đới và tự do, những giá trị đó tìm thấy sự viên mãn trong Đức Kitô. Như Công Đồng Vatican II đã nói qua những lời đáng ghi nhớ: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô. Quả thực, không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (163). Như vậy, Giáo Hội tại Á Châu, với đám đông dân chúng nghèo khổ và bị áp bức, được kêu gọi sống một sự hiệp thông đời sống. Sự hiệp thông đời sống này biểu lộ cách riêng trong việc phục vụ đầy yêu thương đối với các người nghèo và không được ai bênh đỡ.
Nếu trong thời gian gần đây, Huấn Quyền Giáo Hội càng ngày càng nhấn mạnh đến nhu cầu cổ võ sự phát triển đích thực và toàn vẹn con người (164), đó là có ý đáp ứng với hoàn cảnh hiện thực của các dân tộc trên thế giới, cũng như với một ý thức càng ngày càng gia tăng về sự kiện này là không chỉ các hành động của từng cá nhân, mà cả các cấu trúc của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế, thường thù nghịch với hạnh phúc con người. Tình trạng mất cân bằng do khoảng cách càng ngày càng xa giữa những người hưởng lợi nhờ khả năng tăng trưởng của thế giới trong việc sản xuất của cải, và những người bị bỏ rơi bên lề sự phát triển, đòi hỏi phải sửa đổi tận gốc cả não trạng lẫn các cấu trúc nhắm lợi ích cho con người. Thách đố luân lyù lớn đối với các quốc gia và các cộng đồng quốc tế liên quan đến sự phát triển, là phải can đảm sống tình liên đới mới, có khả năng nghĩ ra và thực hiện những bước vượt thắng cả việc chậm phát triển bất nhân và việc “phát triển quá mức” có khuynh hướng giản lược con người thành một đơn vị kinh tế trong một mạng lưới tiêu thụ càng ngày càng có tính chất áp bức. Trong khi tìm cách cổ võ sự thay đổi đó, “Giáo Hội không có những giải pháp kỹ thuật để cống hiến”, nhưng “cống hiến sự đóng góp đầu tiên của mình cho việc giải quyết vấn đề cấp bách của phát triển, khi Giáo Hội loan báo chân lý về Đức Kitô, về chính mình và về con người, bằng cách áp dụng chân lý đó vào một hoàn cảnh cụ thể” (165). Rốt cuộc, sự phát triển con người không bao giờ chỉ là một vấn đề thuần kỹ thuật và kinh tế; nhưng cơ bản là một vấn đề nhân bản và luân lý.
Học thuyết xã hội của Giáo Hội, khi đề nghị một loạt những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những hướng dẫn để hành động (166), trước tiên nhắm tới những thành viên của Giáo Hội. Điều thiết yếu là người tín hữu dấn thân trong việc thăng tiến con người, phải nắm chắc toàn bộ học thuyết quí báu này, và xem đó như một phần nguyên vẹn của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình. Vì thế các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhấn mạnh tầm quan trọng phải trao ban cho người tín hữu -trong tất cả mọi hoạt động giáo dục, và đặc biệt trong các chủng viện và những nơi đào tạo- một nền huấn luyện vững chắc về học thuyết xã hội của Giáo Hội (167). Các nhà lãnh đạo Kitô hữu trong Giáo Hội và xã hội, và cách riêng các giáo dân nam nữ đang giữ trách nhiệm trong đời sống công cộng, cần được huấn luyện đầy đủ về học thuyết này, để họ có thể gợi hứng và ban sức sống cho xã hội dân sự cũng như các cấu trúc của nó bằng chất men Tin Mừng (168). Học thuyết xã hội của Giáo Hội không những sẽ nhắc nhở các nhà lãnh đạo Kitô hữu đó về bổn phận của họ, mà còn đem đến cho họ những hướng dẫn để hành động nhằm phát triển con người, và giải thoát họ khỏi những quan niệm dối trá về con người và hoạt động của con người.
Phẩm Giá Con Người
33. Con người, chứ không phải của cải hay kỹ thuật, là tác nhân chính và mục đích của sự phát triển. Vì thế, loại phát triển mà Giáo hội cổ võ, vượt quá những vấn đề kinh tế và kỹ thuật. Nó bắt đầu và kết thúc với sự nguyên vẹn của con người, được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và được Thiên Chúa ban cho một phẩm giá và các nhân quyền không thể bị tước bỏ. Những tuyên ngôn quốc tế khác nhau về nhân quyền và về nhiều sáng kiến do các tuyên ngôn đó khởi xướng, là dấu chỉ của sự quan tâm càng ngày càng lớn hơn trên bình diện hoàn cầu tới phẩm giá của con người. Vô phúc thay, những tuyên ngôn đó thường bị vi phạm trong thực hành. Năm mươi năm sau khi long trọng công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nhiều người còn phải chịu những hình thức bóc lột và lừa bịp đê hèn nhất, biến con người thành những nô lệ thực sự cho những kẻ quyền thế hơn, cho một ý thức hệ, cho những thế lực kinh tế, những hệ thống chính trị đàn áp, cho chủ nghĩa kỹ thuật khoa học hay sự xâm nhập của các phương tiện truyền thông (169).
Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng biết rõ những vi phạm liên tục về các quyền con người trong nhiều nơi trên thế giới, và cách riêng tại Á Châu, nơi “hàng triệu người đang đau khổ do sự kỳ thị, bóc lột, nghèo đói và loại trừ” (170). Các ngài khẳng định rằng các dân tộc tại Á Châu cần hiểu rõ thách đố không tránh được và không loại bỏ được, gắn liền với việc bênh vực nhân quyền và cổ võ công lý và hoà bình.
Tình Yêu Ưu Tiên Dành Cho Người Nghèo
34. Khi tìm cách thăng tiến nhân phẩm, Giáo Hội bày tỏ một tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo và những kẻ không có tiếng nói, bởi vì Chúa đã đồng hoá với họ một cách đặc biệt (x. Mt 25,40). Tình yêu không loại trừ ai, nhưng có một ưu tiên phục vụ mà toàn thể truyền thống Kitô giáo minh chứng. “Tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo đó, cùng với những quyết định mà nó gợi hứng trong ta, không thể không ôm ấp đám đông những người đói khát, thiếu thốn, những người vô gia cư, những kẻ không được chăm sóc thuốc men và, trên hết, những kẻ không hy vọng có được một tương lai tốt đẹp hơn. Không thể không ghi nhận sự hiện hữu những thực tại này. Phớt lờ chúng tức là trở thành giống như người giàu có làm như vẻ không biết đến người nghèo Ladarô đang nằm ngoài cổng nhà mình” (x. Lc 16,19-31) (171). Điều nói trên đúng cách riêng đối với Á Châu, một lục địa đầy dẫy tài nguyên và những nền văn minh lớn, mà cũng là nơi người ta gặp thấy một số nước nghèo nhất thế giới, và cũng là nơi mà một nửa dân số đang chịu cảnh thiếu thốn, nghèo đói và bị bóc lột (172). Người nghèo Châu Á và thế giới sẽ luôn tìm thấy những lý do tốt nhất để hy vọng, trong giới luật Tin Mừng phải yêu mến nhau như Đức Kitô đã yêu chúng ta (x. Ga 13,34), và Giáo Hội tại Á Châu không thể không ra sức hết mình chu toàn giới luật đối với người nghèo, bằng lời nói và việc làm.
Tình liên đới với kẻ nghèo trở nên dễ tin hơn, nếu chính các Kitô hữu sống giản dị, theo gương Đức Giêsu. Sự đơn giản trong cách sống, đức tin sâu xa và tình yêu không giả dối đối với mọi người, nhất là người nghèo và bị loại trừ, là những dấu chỉ sáng chói của Tin Mừng bằng hành động. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng kêu gọi các người Công giáo Á Châu có một lối sống phù hợp với giáo huấn Tin Mừng, để có thể phục vụ tốt hơn trong việc truyền giáo của Giáo Hội và để chính Giáo Hội có thể trở nên một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo (173).
Trong tình yêu đối người nghèo tại Á Châu, Giáo Hội lưu ý cách riêng đến những kẻ di dân, những người bản xứ và các dân tộc bộ lạc, những phụ nữ và trẻ em, bởi vì họ thường là nạn nhân của những hình thức bóc lột xấu xa nhất. Thêm vào đó, có số người vô danh, bị kỳ thị do văn hoá, màu da, chủng tộc, đẳng cấp, tình trạng kinh tế của họ, hay là do cách họ suy nghĩ. Gồm có cả những người là nạn nhân của sự kỳ thị vì trở lại Kitô giáo (174). Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi mời gọi mọi quốc gia nhìn nhận quyền tự do lương tâm và tôn giáo và những quyền căn bản khác của con người (175).
Vào lúc này tại Á Châu đang diễn ra một làn sóng chưa từng thấy những người tị nạn, những người tìm nơi trú ẩn, những người di cư và những người lao động ở hải ngoại. Tại những quốc gia họ tới, những người này thường không có bạn bè, bị tách biệt về mặt văn hoá, bị bất lợi vì ngôn ngữ và dễ bị tổn hại về mặt kinh tế. Họ cần được nâng đỡ và chăm sóc để bảo toàn được nhân phẩm và gia sản văn hoá cũng như tôn giáo của họ (176). Mặc dầu tài nguyên eo hẹp, Giáo Hội tại Á Châu quảng đại cố gắng trở nên một ngôi nhà đón tiếp những kẻ khó nhọc và gánh nặng, vì biết rằng trong Thánh Tâm Đức Giêsu, nơi không có ai là người xa lạ, họ sẽ được an nghỉ (x. Mt 11,28-29).
Trong hầu hết mọi miền của Á Châu, có một số lớn dân bản xứ, một số họ sống trong mức kinh tế thấp nhất. Thượng Hội Đồng lặp đi lặp lại rằng dân bản xứ và dân bộ lạc thường cảm thấy được lôi kéo đến với con người Đức Giêsu Kitô và đến với Giáo Hội như một cộng đồng tình yêu và phục vụ (177). Đây được coi là một lãnh vực bao la cho công tác giáo dục và chăm nom sức khỏe, cũng như cổ võ việc tham gia vào xã hội. Cộng đồng Công giáo cần tăng cường công tác mục vụ giữa những người dân này, bằng cách chú ý tới những âu lo của họ và tới những vấn đề công bình ảnh hưởng tới đời sống của họ. Điều này bao hàm một thái độ kính trọng sâu xa tôn giáo truyền thống của họ và các giá trị của nó; ngoài ra cũng bao hàm sự cần thiết giúp đỡ họ để họ tự giúp lấy mình, ngõ hầu họ có thể hành động để cải thiện hoàn cảnh của họ và trở nên những nhà rao giảng Tin Mừng cho nền văn hoá và xã hội của họ (178).
Không một ai có thể thờ ơ với đau khổ của nhiều trẻ em tại Á Châu, nạn nhân của sự bóc lột và bạo lực không thể chấp nhận được, không chỉ do sự dữ các cá nhân gây nên, nhưng thường do những cấu trúc xã hội thối nát. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng xem lao động trẻ em, tình dục với trẻ em và hiện tượng ma tuý là những sự dữ xã hội ảnh hưởng trực tiếp nhất tới trẻ em, và các ngài thấy rõ rằng những sự dữ đó kéo theo những tệ nạn khác như cảnh nghèo đói và các quan niệm lệch lạc về các chương trình phát triển quốc gia (179). Giáo Hội phải làm tất cả những gì có thể để thắng những sự dữ đó, để hành động nhân danh những kẻ bị bóc lột nhất, và để tìm cách dẫn đưa những người bé mọn tới tình yêu của Đức Giêsu, bởi vì Nước Thiên Chúa thuộc về những kẻ đó (x. Lc 18,16) (180).
Thượng Hội Đồng bày tỏ quan tâm cách riêng đối với phụ nữ, hoàn cảnh của họ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng tại Á Châu, nơi mà sự kỳ thị và bạo lực đối với người phụ nữ thường xảy ra trong gia đình, tại nơi làm việc và cả trong hệ thống pháp lý nữa. Nạn mù chữ phổ biến trong giới phụ nữ và nhiều phụ nữ bị đối xử đơn thuần như những món hàng trong nghề mãi dâm, du lịch và công nghệ giải trí (181). Trong trận chiến chống lại mọi hình thức bất công và kỳ thị, người nữ phải tìm được đồng minh trong cộng đồng Kitô hữu, và vì lẽ đó, Thượng Hội Đồng đề nghị rằng, nơi nào có thể được, các Giáo Hội địa phương tại Á Châu phải cổ võ những hoạt động cho nhân quyền nhân danh người nữ. Mục tiêu phải là mang lại được một sự thay đổi thái độ, nhờ một hiểu biết đúng đắn hơn về vai trò của người nam và người nữ trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo Hội, nhờ ý thức mạnh mẽ hơn về sự bổ túc nguyên thuỷ của người nam và người nữ, và nhờ sự đánh giá rõ ràng hơn về tầm quan trọng của chiều kích nữ tính trong mọi lãnh vực con người. Những đóng góp của người nữ cũng thường bị hạ giá hay không được biết tới, và điều này đưa tới kết quả là sự nghèo nàn tinh thần của nhân loại. Giáo Hội tại Á Châu phải đề cao phẩm giá và sự tự do của người nữ, một cách hữu hình và hữu hiệu hơn, bằng cách cổ võ vai trò của họ trong đời sống Giáo Hội, gồm cả đời sống trí thức của họ, và bằng cách mở ra cho họ những cơ hội lớn hơn để hiện diện và hoạt động trong sứ mạng tình yêu và phục vụ của Giáo Hội (182).
Tin Mừng Sự Sống
35. Việc phục vụ cho sự phát triển con người bắt đầu bằng việc phục vụ chính sự sống. Sự sống là một quà tặng to lớn mà Thiên Chúa giao phó cho chúng ta: người giao phó nó cho chúng ta, như là một dự án và một trách nhiệm. Do đó chúng ta là kẻ giữ gìn sự sống, chứ không phải là sở hữu chủ. Chúng ta nhận lãnh ân huệ cách tự do và, trong sự biết ơn, chúng ta không bao giờ được phép thôi kính trọng và bảo vệ nó, từ lúc nó bắt đầu cho tới lúc nó kết thúc cách tự nhiên. Từ lúc thụ thai, sự sống con người là do hành động sáng tạo của Thiên Chúa và luôn có một mối liên kết đặc biệt với Tạo Hoá, Đấng là nguồn sống và mục đích duy nhất của nó. Không có phát triển thật sự, không có xã hội dân sự thật sự, không có thăng tiến nhân bản thật sự, mà không kính trọng sự sống con người, cách riêng sự sống của những con người không có tiếng nói để bênh vực lấy mình. Sự sống của mỗi người, dù là thai nhi còn trong bụng mẹ hay là kẻ đau liệt, tàn tật hay già cả, là một ân huệ cho tất cả mọi người.
Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng hết lòng khẳng định lại giáo huấn của Công Đồng Vatican II và Huấn quyền tiếp theo sau đó, gồm có thông điệp Tin Mừng Sự Sống của tôi (Evangelium Vitae), nói về sự thánh thiêng của sự sống con người. Ở đây tôi hiệp ý với các Ngài để kêu gọi các tín hữu đang sống trong những quốc gia, nơi mà vấn đề dân số thường được sử dụng như một lý lẽ để biện minh cho việc phá thai, và những chương trình kiểm soát giả tạo dân số, nhằm chống lại “nền văn hoá sự chết” (183). Các tín hữu có thể chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa và sự dấn thân để thăng tiến con người thật sự, bằng cách ủng hộ và tham gia các chương trình bảo vệ sự sống cho những ai không có khả năng để tự bênh vực lấy mình.
Việc Chăm Sóc Sức Khoẻ
36. Bước theo vết chân Đức Giêsu Kitô, Đấng tỏ lòng thương xót mọi người và chữa lành “mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35), Giáo Hội tại Á Châu cam kết dấn thân hơn nữa trong việc chăm sóc người bệnh hoạn, bởi vì đây là một phần căn bản của sứ mạng Giáo Hội, là trao tặng ân sủng cứu độ của Đức Kitô cho con người toàn diện. Như người Samaritanô nhân lành trong dụ ngôn (x. Lc 10,29-37), Giáo Hội muốn chăm sóc người bệnh và tàn tật cách cụ thể, (184) đặc biệt tại những nơi dân chúng thiếu sự chăm sóc thuốc men cơ bản, do nạn nghèo đói và bị loại trừ.
Trong nhiều trường hợp khi tôi thăm viếng Giáo Hội tại những miền khác nhau trên thế giới, tôi bị xúc động sâu xa trước chứng tá phi thường của các tu sĩ và người được thánh hiến, các bác sĩ, y tá và những người chăm lo sức khoẻ khác, cách riêng những người dang làm việc bên cạnh những người tàn tật hoặc những bệnh nhân trong giai đoạn cuối, hay đang chống lại sự lan tràn của những thứ bệnh mới như Aids. Những Kitô hữu dấn thân lo cho sức khoẻ, càng ngày càng được kêu gọi sống quảng đại và hiến mình để săn sóc những nạn nhân nghiện ma tuý và Aids, những kẻ thường bị xã hội khinh chê và loại bỏ (185). Nhiều tổ chức y tế công giáo tại Á Châu phải đương đầu với các áp lực do các chính sách chăm sóc sức khoẻ của nhà nước không đặt nền tảng trên các nguyên tắc Kitô giáo, và nhiều tổ chức đó đang gặp khó khăn về mặt tài chính. Dầu có những khó khăn đó, chính tình yêu gương mẫu và vô vị lợi, và trình độ nghiệp vụ quảng đại của những người đang dấn thân vào công việc đó, đem lại một sự phục vụ đáng khâm phục và đáng giá cho cộng đoàn, và nên một dấu chỉ đặc biệt cụ thể và hữu hiệu cho tình yêu không bao giờ vơi của Thiên Chúa. Những người chăm lo sức khoẻ đó phải được khích lệ và nâng đỡ trong việc thiện họ làm. Sự dấn thân liên tục và hiệu năng của họ là phương cách dành động tốt nhất để những giá trị và đạo đức Kitô giáo thâm nhập vào những hệ thống chăm lo sức khoẻ của lục địa và biến đổi hệ thống đó từ bên trong (186).
Giáo Dục
37. Trên khắp Á Châu, sự dấn thân của Giáo Hội trong việc giáo dục thật rộng rãi và thấy được rõ ràng, và vì thế là một yếu tố chủ chốt nói lên sự hiện diện của Giáo Hội giữa các dân tộc của lục địa. Trong nhiều quốc gia, các trường học công giáo giữ vai trò quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng, hội nhập đức tin vào văn hóa, dạy dỗ sự cởi mở và kính trọng, và cổ võ sự hiểu biết liên tôn. Các trường của Giáo Hội thường cung cấp các cơ hội giáo dục duy nhất cho các thiếu nữ, các dân tộc bộ lạc thiểu số, những trẻ em nhà quê nghèo và ít được ưu đãi. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng xác tín đến nhu cầu mở rộng và phát triển việc tông đồ giáo dục tại Á Châu, với một sự lưu tâm đặc biệt đến những người xấu số, hầu giúp họ có được chỗ đứng chính đáng, như một người công dân trọn vẹn trong xã hội (187). Như các nghị Phụ Thượng Hội Đồng ghi nhận, điều đó có nghĩa là hệ thống giáo dục Công giáo phải hướng cách rõ nét hơn tới việc thăng tiến con người, tạo ra một môi trường cho các học sinh không chỉ nhận lấy những yếu tố giáo dục chính thức, nhưng tổng quát hơn, nhận lãnh một sự đào tạo nhân bản toàn vẹn, đặt nền tảng trên giáo huấn của Đức Kitô (188). Các trường Công giáo phải tiếp tục là những nơi mà đức tin có thể được trình bày và nhận lãnh cách tự do. Cũng vậy, các đại học Công giáo, ngoài việc theo đuổi sở trường học thuật mà chúng được nổi tiếng, cần phải giữ lấy một căn tính Kitô hữu rõ rệt, ngõ hầu trở nên men Kitô giáo trong các xã hội Á Châu (189).
Kiến Tạo Hoà Bình
38. Vào cuối thế kỷ XX, thế giới vẫn còn bị đe doạ bởi các vũ lực làm phát sinh những xung đột và chiến tranh, và Á Châu chắc chắn không thoát khỏi những điều đó. Giữa những vũ lực đó có sự bất bao dung và mọi thứ loại trừ -xã hội, văn hoá, chính trị, và cả tôn giáo nữa. Ngày qua ngày bạo lực mới ập xuống trên từng cá nhân và toàn thể dân chúng, và nền văn hoá sự chết được thiết lập bằng việc sử dụng bất chính bạo lực để giải quyết các căng thẳng. Trong hoàn cảnh xung đột khủng khiếp ấy tại nhiều nơi trên thế giới, Giáo Hội được mời gọi dấn thân trong những nỗ lực quốc tế và liên tôn để mang lại hoà bình, công lý và hoà giải. Giáo Hội tiếp tục nhấn mạnh việc thương thuyết và không dùng quân sự để giải quyết các cuộc xung đột, và trông đợi ngày mà các nước sẽ từ bỏ chiến tranh như là một phương thế để đạt các yêu sách hay là phương tiện để giải quyết các khác biệt. Giáo Hội xác tín rằng chiến tranh gây nên nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng, rằng đối thoại là con đường đúng đắn và cao thượng duy nhất để đạt đến thoả thuận và hoà giải, và cái tài kiên nhẫn và khôn ngoan của việc kiến tạo hoà bình được Thiên Chúa chúc phúc cách riêng.
Điều đặc biệt lo lắng tại Á Châu là sự liên tục chạy đua vũ trang có sức tàn phá hàng loạt, đó là chi phí vô luân và phí phạm ngân sách quốc gia, ngân sách mà trong nhiều trường hợp không đủ thoả mãn các nhu cầu cơ bản của dân chúng. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng nói tới số lượng mìn bẫy to lớn tại Á Châu, gây tàn tật và giết chết hàng trăm ngàn kẻ vô tội, còn làm cằn cỗi mảnh đất phì nhiêu có thể dùng để sản xuất ra lương thực (190). Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhất là những nhà lãnh đạo quốc gia, là hành động tích cực hơn nữa để giải giáp vũ khí. Thượng Hội Đồng kêu gọi ngưng sản xuất, bán và sử dụng vũ khí hạt nhân, hoá học và sinh học, và thúc giục những kẻ đặt mìn bẫy phải tiếp tay trong công tác phục hồi và sửa chữa (191). Trên hết mọi sự,ï các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cầu xin Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lương tâm mỗi người, đặt những tâm tình hoà bình trong con tim những kẻ bị cám dỗ đi theo những con đường bạo lực, ngõ hầu điều mơ thấy trong Kinh Thánh trở nên sự thật: “họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4).
Thượng Hội Đồng đã nghe nhiều chứng từ liên can tới những đau khổ của dân Iraq, và về sự kiện là nhiều người dân Iraq, đặc biệt các trẻ em, đã chết vì thiếu thuốc men và những mặt hàng cơ bản do việc cấm vận tiếp diễn. Cùng với các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng, tôi muốn một lần nữa diễn tả sự liên đới của tôi với dân tộc Iraq và tôi đặc biệt gần gũi trong kinh nguyện và hy vọng, với các con cái nam nữ của Giáo Hội tại xứ này. Thượng Hội Đồng cầu xin Chúa soi sáng tâm trí của tất cả những người mang lấy trách nhiệm tìm kiếm một giải pháp chính đáng cho cuộc khủng hoảng, ngõ hầu dân tộc đã bị thử thách cay đắng có thể thoát khỏi đau khổ và ưu phiền hơn nữa (192).
Toàn Cầu Hoá
39. Khi đề cập đến vấn đề thăng tiến con người tại Á Châu, các Nghị phụ Thượng Hội Đồng công nhận tầm quan trọng của quá trình toàn cầu hoá về mặt kinh tế. Tuy nhìn nhận nhiều kết quả tích cực của nó, các ngài cho thấy rằng việc toàn cầu hoá cũng đã gây thiệt hại cho kẻ nghèo (193), có khuynh hướng đẩy những nước nghèo ra bên lề những liên hệ kinh tế và chính trị quốc tế. Nhiều nước Á Châu không có khả năng giữ được nền kinh tế của riêng mình trong một nền kinh tế thị trường thế giới. Và có lẽ điều còn có ý nghĩa hơn, là cũng có khía cạnh toàn cầu hoá về mặt văn hoá, thực hiện được là nhờ những phương tiện truyền thông tân thời, mau chóng lôi kéo các xã hội Á Châu vào trong một nền văn hoá toàn cầu về chủ nghĩa tiêu thụ, nền văn hoá chủ trương tục hoá và duy vật. Kết quả là sự xói mòn gia đình truyền thống và các giá trị xã hội mà cho tới ngày nay vẫn nâng đỡ các dân tộc và các xã hội. Tất cả những sự việc đó cho thấy rõ rằng những khía cạnh đạo đức và luân lý của việc toàn cầu hoá cần được các nhà lãnh đạo quốc gia và những tổ chức liên can tới việc thăng tiến con người đề cập đến cách trực tiếp hơn.
Giáo Hội nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc “toàn cầu hoá mà không loại trừ” (194). Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi kêu gọi các Giáo Hội địa phương khắp nơi, và cách riêng các Giáo Hội ở các nước Phương Tây, hành động để làm cho học thuyết xã hội của Giáo Hội có tác động thích đáng trong việc soạn thảo các quy tắc đạo đức và pháp lý, để điều hoà các thị trường tự do trên thế giới và các phương tiện truyền thông xã hội. Những nhà lãnh đạo và những nhà chuyên nghiệp Công giáo phải thúc giục các chính phủ, các cơ quan tài chính và thương mại, nhìn nhận và tôn trọng những quy tắc đó (195).
Nợ Nước Ngoài
40. Hơn nữa, trong việc tìm kiếm sự công bằng trong một thế giới bị các bất bình đẳng xã hội và kinh tế làm hư hỏng, Giáo Hội không thể không biết đến gánh nặng nợ nần mà các nước đang mở mang tại Á Châu mắc phải, với ảnh hưởng tác động trên hiện tại và tương lai. Trong nhiều trường hợp, những xứ này bị bắt buộc cắt giảm chi tiêu trong những nhu cầu cần thiết để sống như lương thực, sức khoẻ, nhà ở, giáo dục, ngõ hầu có thể trả các món nợ cho các cơ quan tài chánh quốc tế và ngân hàng. Điều này có nghĩa là nhiều người dân bị đặt vào trong những điều kiện sống gây nhục nhã đối với nhân phẩm con người. Tuy ý thức những phức tạp về mặt chuyên môn của vấn đề này, Thượng Hội Đồng nhìn nhận rằng sự việc đó là một trắc nghiệm về khả năng của các dân tộc, các xã hội và các chính quyền có biết coi trọng con người và sự sống của hàng triệu con người hơn lợi lộc tài chánh và vật chất không (196).
Đại năm thánh 2000 gần tới, là một thời gian thuận tiện để các Hội Đồng Giám Mục thế giới, cách riêng ở tại những nước giàu có hơn, khuyến khích các cơ quan tài chánh thế giới và ngân hàng, khảo sát phương cách làm nhẹ bớt hoàn cảnh nợ nần quốc tế. Trong những phương cách hiển nhiên hơn, thấy có sự điều chỉnh lại nợ nần, với việc giảm phần đáng kể hoặc xoá nợ toàn bộ, xem đó như những dự án kinh doanh và đầu tư để giúp nền kinh tế của những nước nghèo hơn (197). Đồng thời các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng ngõ lời với các nước đang mắc nợ. Các ngài nhấn mạnh đến nhu cầu phát triển ý thức trách nhiệm quốc gia, nhắc họ nhớ tới tầm quan trọng của kế hoạch kinh tế lành mạnh, sự trong sáng và quản lý tốt, và mời gọi họ mở chiến dịch quyết liệt chống tham nhũng (198). Các Nghị Phụ kêu gọi các Kitô hữu Á Châu lên án mọi hình thức tham nhũng và biển thủ công quĩ, do những kẻ nắm quyền lực chính trị (199). Các công dân của những quốc gia đang mắc nợ thường là nạn nhân của sự lãng phí và vô hiệu năng tại quốc gia họ, trước khi trở nên nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ nần quốc tế.
Môi Trường
41. Khi mối quan tâm đến sự phát triển kinh tế và kỹ thuật không đi kèm theo mối quan tâm đến sự cân bằng của hệ thống sinh thái, quả đất chúng ta chắc chắn bị hứng chịu những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, với những hậu quả tai hại cho con người. Sự thiếu kính trọng hiển nhiên đối với môi trường sẽ tiếp tục bao lâu mà quả đất và tiềm năng của nó bị coi như những đồ vật để sử dụng và tiêu dùng tức thời, bị thao túng bởi lòng ham muốn vô độ tìm lợi nhuận (200). Nhiệm vụ của các Kitô hữu và của tất cả những ai nhìn nhận Chúa là Đấng Sáng Tạo, là bảo vệ môi trường, bằng cách phục hồi một cảm thức tôn kính đối với toàn thể thọ tạo của Thiên Chúa. Ý muốn Đấng Tạo Hoá là con người đối đãi với thiên nhiên không như một nhà khai thác tàn nhẫn, nhưng như một nhà quản trị tài trí và có trách nhiệm (201). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nài xin cách đặc biệt những nhà lãnh đạo quốc gia, những nhà làm luật, những nhà kinh doanh và tất cả những ai dấn thân trực tiếp trong việc quản trị tài nguyên của trái đất hãy có một tinh thần trách nhiệm lớn hơn (202). Các ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giáo dục dân chúng, cách riêng giới trẻ, có tinh thần trách nhiệm đối với môi trường, bằng cách huấn luyện họ cách thức quản trị thọ tạo mà Thiên Chúa đã giao phó cho nhân loại. Việc bảo vệ môi trường không chỉ là một vấn đề kỹ thuật, nó cũng là và hơn hết là một vấn đề đạo đức. Mọi người đều có bổn phận luân lý phải chăm lo môi trường, không những vì lợi ích cho riêng mình, nhưng cũng vì lợi ích cho các thế hệ mai sau.
Để kết luận, cũng nên nhắc lại rằng, khi kêu gọi các Kitô hữu hành động và hy sinh chính mình để phục vụ việc phát triển con người, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã qui chiếu về một vài giá trị nền tảng của truyền thống Kinh Thánh và Giáo Hội. Dân Israen xưa kia nhấn mạnh đến mối ràng buộc không thể phân rẽ giữa việc thờ phượng Chúa và chăm sóc người yếu đuối, điển hình trong Kinh Thánh là “người goá bụa, người ngoại kiều, và kẻ mồ côi” (x. Xh 22,21-22, Đnl 1018; 27,19), là những người trong các xã hội thời đó, dễ bị đối xử bất côngï. Nhiều lần trong các sách Ngôn Sứ, chúng ta nghe tiếng kêu gào đến công lý, đến sự tổ chức đúng đắn xã hội con người, mà không có những thứ đó thì không thể có sự thờ phượng Chúa đích thực (x. Is 1,10-17; Am 5,21-24). Trong lời mời gọi của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, chúng ta nghe tiếng vang của các vị ngôn sứ đầy Thần Khí Thiên Chúa, Đấng muốn “lòng thương xót chứ không cần nghi lễ” (Hs 6,6). Đức Giêsu lấy những lời đó làm của mình (x. Mt 9,13), và các thánh trong mọi thời và mọi nơi cũng làm như vậy. Hãy suy nghĩ những lời nói của thánh Gioan Kim Khẩu: “Anh có muốn tôn vinh thân thể Đức Kitô không? Vậy thì đừng phớt lờ Người khi Người trần truồng. Đừng tôn vinh Người trong đền thờ bằng hàng nhung lụa, mà lại để Người ở bên ngoài lạnh cóng và trần truồng. Đấng đã nói: “Này là mình Ta”, cũng là Đấng đã nói, “Anh thấy Ta đói mà không cho Ta ăn”. Ích gì nếu Bàn Tiệc Thánh Thể đầy chén thánh bằng vàng, khi Đức Kitô đang chết đói? Anh hãy khởi sự thoả mãn cơn đói của Người, rồi với cái gì còn lại, anh hãy lấy đó mà trang hoàng bàn thờ cũng được” (203). Trong lời mời gọi của Thượng Hội Đồng về việc phát triển con người và thực thi công bình trong các tương quan nhân loại, chúng ta nghe một tiếng nói vừa cũ vừa mới. Cũ vì nó xuất phát từ bề sâu của truyền thống Kitô giáo, mong có sự hoà hợp sâu xa mà Đấng Tạo Hoá muốn; còn mới, vì nó nói về hoàn cảnh hiện thời của vô số dân tộc tại Á Châu ngày hôm nay.