BÀI BẢY :
Lectio Divina hay dỤ ngôn vỀ Viên NgỌc QuÝ
Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm
Hiến Chế Dei Verbum đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ và tha thiết nhất để khuyên tất cả các Kitô hữu, không riêng thành phần nào, hãy trở lại với Thánh Kinh, với Lời Chúa, như là nền tảng của đời sống Giáo Hội, cũng như nguyên lý đổi mới đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu :
“Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (DV 21).
“Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ Phụng Vụ Thánh dồi dào Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng dọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các chủ chăn trong Giáo Hội chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi” (DV 25).
Bốn mươi năm sau, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tiếp tục lập lại những lời thúc bách của Thánh Công đồng, đồng thời đề ra những đường hướng cụ thể, nhằm “mở rộng lối vào Thánh Kinh cho Kitô hữu” (TMV 7) cũng như “Để Lời Chúa đi vào cuộc sống” (TMV 10).
Hãy tiếp xúc với Kinh Thánh, hãy đọc, hãy học hỏi, gẫm suy và để cho Lời Chúa thấm nhập, đổi mới đời sống (x. DV 26) : lời kêu gọi đó khiến ta không thể không nhớ đến một truyền thống rất cổ xưa, nhưng với thử thách của thời gian, và biến động lịch sử, đã biến đổi, nếu không muốn nói gần như mai một trong phần lớn đời sống kitô hữu : Lectio Divina.
Một câu hỏi buộc phải đặt ra : Tại sao việc đọc và gẫm suy Lời Chúa, vốn là nội dung căn bản của Lectio Divina lại trở nên xa lạ như thế đối với chúng ta, những người không ngừng ca hát : “Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con” ?
Ngay cả đối với đời sống đan tu, như nhận định của một đan sĩ ở Ligugé, là đan viện hết sức kỳ cựu của Châu Âu, Lectio divina ngày nay không phải là điều dễ dàng, không còn là điều “đương nhiên” nữa.[1] Tác giả nêu ra một vài khó khăn rất cụ thể mà các đan sĩ gặp phải :
– Về cách thức hay phương pháp : tuy đã có rất nhiều, nhưng không ai dám chắc đâu là con đường tốt nhất để đi theo, ai là vị thầy mình có thể học hỏi để biết đọc và suy gẫm Lời Chúa suốt cả cuộc đời.
– Tương quan giữa người đọc và bản văn : một khó khăn rất thực tế, đọc Kinh Thánh nhưng không tránh khỏi cảm giác như đọc bất cứ bản văn nào khác : nghĩa là chứa đựng một số hiểu biết, thông tin. Tra cứu, học hỏi, thậm chí suy gẫm Lời Chúa thường là để giải đáp một vấn đề, một thắc mắc, để xác minh hoặc áp dụng vào điều gì đó. Lectio dần dần đánh mất phẩm tính divina, và người đọc cũng không mấy xác tín đó là “lẽ sống” của mình. Tác giả không ngần ngại nói đến cảm giác “nhàm chán” của kẻ đọc bất cứ trang nào cũng cảm thấy mình đã “quá biết rồi”. Và để tránh cảm giác tai hại đó, người ta đề ra nhiều sáng kiến, trong đó có việc đọc Kinh Thánh bằng các ngôn ngữ khác nhau, với hy vọng một ngôn ngữ “lạ” buộc mình phải đọc chậm rãi , chú tâm hơn. Nhưng xem ra vẫn là một giải pháp khá vô vọng, vì nói cho cùng, cái mà người đọc phải đối diện, vẫn cùng là một bản văn.
– Cách thức tiếp xúc bản văn : phân vân giữa hai quan niệm. Một số người cho rằng, Lectio divina phải là một tiếp xúc trực tiếp với bản văn, không cần và không nên qua trung gian nào khác, ngay cả là các chú giải. Nhưng một số khác lại nghĩ rằng : không thể đọc Kinh Thánh nếu không có những hiểu biết cần thiết về Kinh Thánh : văn thể, văn mạch, văn cảnh, lịch sử hình thành, biên soạn… Nhưng chính điều này, nghịch lý thay, lại đưa tới một thứ “mauvaise conscience”, nghĩa là, vì biết mình không am tường các chú giải hiện đại, nên đối với một số đan sĩ, đọc là đọc thế thôi, chứ không dám nghĩ là mình hiểu được hay hiểu đúng. Đành tự an ủi, thôi thì cũng là “mất giờ cho Chúa” (temps perdu pour Dieu) ! Một số khác than : ngay cả bộ “Lectio divina” cũng nên đổi tên vì quá khó, quá chuyên môn, không giúp gì cho Lectio divina cả !
– Thống nhất đời sống : Lectio divina là một trong những thực hành căn bản của đời sống đan tu, nhưng không phải là duy nhất. Ngoài đọc và suy niệm Kinh Thánh, còn có phụng vụ, đọc sách thiêng liêng, học hỏi về Kinh Thánh, Thần học, và dĩ nhiên làm việc tay chân. Tất nhiên, có những người làm “hết việc này đến việc khác” với cùng một niềm hăng say, nhưng dường như không có sự thống nhất nội tại nào cả. Làm sao định vị được chỗ đứng của Lectio divina giữa ora và labora để đời sống monachos không phải là đời sống “một mình”, riêng lẻ (seul, isolé), rời rạc, mà là đời sống “thống nhất” (un, unité, monachos).
Vấn đề Lời Chúa trong đời sống người đan sĩ, monachos, nói cho cùng không phải chỉ là vấn đề của một thành phần trong Dân Chúa, nhưng là vấn đề của mỗi kitô hữu và của cả Giáo Hội : làm sao để Lời Chúa trở thành nguyên lý duy nhất và thống nhất tất cả đời sống kitô hữu, làm sao Lời Chúa đích thực là Thần Lương, nuôi dưỡng tất cả nhiệm thể Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã bày tỏ niềm mong ước thâm sâu nhất của mình : “để họ nên một như Chúng ta” (Ga 17,11).
Lectio divina không hề và không thể xa lạ đối với mọi Kitô hữu chúng ta.
Theo nguyên ngữ Latin, lectio trước tiên có nghĩa là một giáo huấn, một bài học (teaching, lesson). Từ đó, Lectio được dùng để chỉ một bản văn hay nhóm bản văn truyền lại giáo huấn đó. Chính vì thế mà chúng ta gọi các giáo huấn rút ra từ Kinh Thánh đọc trong phụng vụ là “lectiones”, “các bài đọc”. Cuối cùng, lectio được hiểu đơn giản là “đọc”. Một cách hiểu hết sức giản lược so với nguyên nghĩa và chỉ xuất hiện về sau.
Ngày hôm nay, lectio divina quả thật thường được hiểu theo nghĩa cuối cùng này : Lection divina là một cách đọc Kinh Thánh đặc biệt. Dù khác với tất cả các cách đọc khác, nhưng tựu trung vẫn là đọc một bản văn.
Tuy nhiên, nếu trở lại với cội nguồn, về với thời các Giáo Phụ, kiểu nói “lectio divina”, lạ lùng thay, không trực tiếp chỉ về việc đọc, hay cách thức đọc, cũng không phải là một thực hành nào đó trong đời sống thiêng liêng người Kitô hữu, mà chỉ chính Kinh Thánh. Lectio divina đồng nghĩa với sacra pagina. “Lectio divina” là chính giáo huấn của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận, dù là đọc hay nghe, xuyên qua Kinh Thánh :
– Cyprianô : “sit in manibus divina lectio…” (De zelo et livore, cap. 16) [2]
– Ambrôsiô : “ut divinae lectionis exemplo utamur” (De bono mortis, cap. 1. par. 2).
– Augustinô : “aliter invenerit in lectione divina” (Enarr. In psalmos, ps. 36, serm. 3. par. 1).
III. “Lectio divina” bẢn văn hay là LỜi ngỎ(Parole adressée, Parole vive).
Ba đoạn trích ngắn gọn trên có lẽ đủ cho thấy, Lectio divina nguyên thuỷ không chỉ là đọc sách, cũng không đơn giản nằm trong tương quan giữa người đọc (lecteur) và bản văn (texte, écriture) nhưng là tương quan sống động giữa Lời ngỏ (Parole adressée) và kẻ nghe Lời, trong cuộc tương thoại : đón lấy, gặp gỡ, đón Lời vào trong cuộc sống.
Hơn nữa, đối tượng của Lectio divina không phải là bản văn cho bằng chính cuộc đời của kẻ lắng nghe. Chúng ta đã biết câu chuyện về cuộc trở lại của thánh Antôn mà thánh Athanasiô thuật lại :
“Cha mẹ qua đời, Ngài chỉ còn lại một mình với đứa em gái nhỏ… Chưa được sáu tháng chịu tang, trên đường tới nhà thờ như thường lệ, ngài vừa đi vừa suy nghĩ, nghiền ngẫm xem các tông đồ đã bỏ mọi sự theo Chúa làm sao ; các tín hữu, trong sách Công Vụ, đã bán của cải rồi đem tiền thu đặt dưới chân các tông đồ để giúp người túng quẫn như thế nào : Lớn lao thay niềm hy vọng của họ vào Nước Trời. Ngài bước vào nhà thờ mà lòng miên man với những ý nghĩ đó. Đến lúc đọc Phúc Âm, ngài nghe Chúa nói với người thanh niên giầu có : Nếu ngươi muốn nến hoàn hảo, hãy đi, bán tất cả những gì ngươi có, và cho người nghèo rồi hãy tới đây theo Ta, ngươi sẽ có một kho tàng trên Trời” [3].
Lời chú giải của thánh Athanasiô về tác động của “lectio divina” nơi tâm hồn Antôn thật gọn, nhưng có thể nói, đã nêu lên một trong những khía cạnh quan trọng và quyết định nhất của Lectio divina trong suốt lịch sử đời sống thiêng liêng : “Antôn nghe như Chúa nói với chính mình”.
“Lectio” trước hết nằm trong tiến trình “ap-propriation”, nghĩa là đón nhận Lời Chúa như thể là biến cố xảy đến cho mình hoặc như thể mình là kẻ “trong cuộc”, chứ không phải là ai khác, ngay cả là tác giả của bản văn. Có thể lấy lại lời người dân Samari nói với người phụ nữ : “không còn phải do lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4, 42).
Lectio divina chính là Lời nhập thể (Parole incarnée, se fait chair) trong cuộc đời chúng ta và biến đổi cuộc đời chúng ta. Diễn tả theo ngôn ngữ của triết học hiện đại (Herméneutique), “đọc” không chỉ là hành vi của môi miệng hay khả năng của tâm trí, nhưng là sự giao thoa, gặp gỡ, thậm chí là “va chạm” giữa hai thế giới, thế giới bản văn (monde du texte) và thế giới của người đọc (monde du lecteur) [4].
Và cũng như sau bất cứ một cuộc gặp gỡ hay va chạm đích thực nào, không ai trở về mà lại không mang một vết thương [5]…
IV. PhỤng vỤ, nôi sinh thành cỦa Lectio divina
– Nhưng làm sao Lectio Divina lại trở nên sống động và có sức biến đổi như thế trong đời sống Kitô hữu tiên khởi ?
– Nhờ Phụng Vụ. Phụng vụ chính là không-thời gian (espace-temps) trong đó Lectio Divina sinh thành và trở nên kinh nghiệm sống động hơn tất cả.
“Chính trong sinh hoạt phụng vụ mà Lời Chúa nên hiện thực hơn hết. Chỉ trong Giáo Hội, Thân Thể của Đức Kitô, mà Lời tiếp tục hiện diện giữa chúng ta, và ngỏ với chúng ta ngay trong hiện tại. Nhưng Giáo hội xuất hiện như “cộng đoàn đức tin” (communauté de foi) nhất là khi qui tụ để cử hành cái chết và sự phục sinh của Chúa. Chính trong thời gian cử hành đó mà Giáo Hội cảm nghiệm việc Lời, tức là Đức Kitô Chúa, không ngừng phó mình, tự trao hiến cho chúng ta, ngõ hầu chúng ta được thông dự vào ơn làm con Thiên Chúa.” [6]
Đối với P. Evdokimov, “kinh nguyện phụng vụ là qui luật của mọi kinh nguyện” : “La prière de l’Eglise porte le frémissement de la révélation biblique, elle vient de la totalité de la Vérité et y culmine. C’est pourquoi, toute règle de prière débute par une invocation trinitaire et inclut la confession du Crédo”.[7]
P. Nouzille : “Phụng vụ chủ yếu xây dựng trên các bản văn rút ra từ Kinh Thánh : ngoài các bài đọc (lectures) theo nghĩa chặt, còn có các Thánh Vịnh, các xướng đáp, điệp ca rồi các đoạn Kinh Thánh rải rác trong suốt cử hành, và các bài hát cũng hầu như rút ra từ Kinh Thánh. Phụng vụ chính là tiếng hát của Kinh Thánh” (La liturgie, c’est le chant de l’Ecriture). [8]
Các trích dẫn trên ít nhất cho thấy một điều : cũng như kinh nguyện cá nhân của Kitô hữu không tách rời với các cử hành phụng vụ của tất cả cộng đoàn, “lectio” cũng không thể tách rời khỏi việc lắng nghe Kinh Thánh trong phụng vụ”.[9]
Có thể nói, Phụng Vụ chính là mái trường, nơi chúng ta có thể học lấy những định hướng căn bản cho Lectio divina mà chúng ta cố gắng khai triển sau đây.
V. Tương quan song đỐi giỮa bàn tiỆc LỜi Chúa và bàn tiỆc Thánh ThỂ : “LẠy Chúa con chẲng đáng Chúa ngỎ lỜi”
Nói đến Lectio divina không ít người nghĩ ngay đến phương pháp hay cách thức đọc Kinh Thánh, thế nhưng quan tâm căn bản của truyền thống các Giáo Phụ không phải là phương pháp (méthode) mà là thái độ (attitude, disposition) : chúng ta đã “đến với Lời Chúa”, “đặt mình trước Lời Chúa”, “rước”, nghiền ngẫm (manducatio, ruminatio) Lời Chúa” như thế nào ? Đó là những kiểu nói mà ngày nay thường chỉ còn áp dụng đối với hiện diện Thánh Thể, nhưng các Giáo phụ lại áp dụng ngay cả đối với hiện diện của Lời :
– Khổ chế, cầu nguyện trước Lời Chúa : Vì là lectio divina, nên không thể đến với Lời Chúa bằng một tâm hồn trần tục. Hermas dạy rằng, khổ chế và cầu nguyện đó chính là cách nêu lên câu hỏi mà Chúa sẽ trả lời bằng cách mạc khải ý nghĩa của Sách Thánh.[10] “Hiểu điều chúng ta đọc là ơn của Thiên Chúa” [11] (thánh Syméon).
– Khẩn nguyện Thiên Chúa trước khi đọc : “Trước khi đọc, hãy luôn cầu nguyện và khẩn xin Thiên Chúa để Người tự mạc khải cho con” (thánh Athanasiô).[12]
– Khẩn xin với chính Đức Kitô : “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin hãy mở mắt tâm hồn con để con có thể hiểu và hoàn thành ý muốn của Chúa… xin hãy lấy Ánh Sáng của Người mà dọi sáng đôi mắt con” (lời cầu nguyện của thánh Gioan Kim Khẩu trước Sách Thánh).[13]
– Epiclesis : Khẩn xin Thánh Thần, vì Lời chỉ trở nên sống động (Parole vivante) là nhờ Thánh Thần ngự xuống, cũng như Ngài đã đậu xuống trên Đức Kitô trong biến cố Hiển Linh (Epiphanie)[14]. Chúng ta thường khẩn xin ơn Thánh Thần soi sáng trước khi đọc Lời Chúa, nhưng ở đây không chỉ có thế, vì Thánh Thần làm cho hiện diện (trong Thánh Thần mà đức Kitô “đến”), tương tự như vai trò của Thánh Thần đối với hiện diện Thánh Thể (présence eucharistique). Sau này, Nicodème l’Hagiorite (÷ 1809), một chuyên viên về linh đạo các giáo phụ, đã có thể nói “phương pháp chính yếu để đọc Kinh Thánh đó là đi từ lời ghi chép tới lời bản thể” (de la parole écrite à la parole substantielle),[15] “lời bản thể” ở đây không gì khác hơn là hiện diện sống động của Lời, nghĩa là của chính Đức Kitô.
– Đến với Đấng hiện diện trong (nơi, qua) Lời : “Trong các Lời Kinh Thánh có sự hiện diện của Chúa, hiện diện của Đấng mà ma quỉ không thể chịu nổi” [16] (thánh Athanase). “Chính Ngài là Đấng tôi tìm kiếm trong các sách [Kinh Thánh]” [17] (thánh Augustinô).
– “Rước” Lời Chúa (Communion) (ăn / manducatio, nghiền ngẫm / ruminatio). Clément d’Alexandrie đã từng nói đến việc rước lấy mầm sự sống (semences de vie) chứa đựng trong Kinh Thánh giống như rước Thánh Thể.[18] Nhưng chính Origène là người xác định rõ ý nghĩa của việc “ăn” (manducation) Lời Kinh Thánh cho cả truyền thống về sau : như bí tích Thánh thể, “chúng ta ăn Lời bẻ ra cách huyền nhiệm” (on consomme “eucharistiquement” la “parole mystérieusement rompue”).[19] Thánh Jêrôme cũng khẳng định tương tự : “Chúng ta ăn thịt và uống máu Người trong bí tích Thánh Thể cũng như trong việc đọc Sách Thánh”.[20] Còn thánh Grégoire de Nazianze thì đồng hoá việc đọc Kinh Thánh với việc ăn Chiên Vượt Qua.
– Rước lấy Lời Chúa trong khiêm hạ và trong lòng mến : “Nếu ngươi muốn đạt đến tri thức đích thực về các Sách Thánh, trước tiên hãy hăm hở mang lấy tấm lòng luôn biết khiêm hạ. Chính sự khiêm hạ sẽ dẫn ngươi đến không phải một tri thức làm vênh vang, nhưng là một tri thức soi sáng, nhờ biết rước lấy (ăn) trong lòng mến” (Cassien).[21]
– Trở thành con người mới, mục đích tối hậu của Lectio : Lectio chỉ hoàn tất khi biến đổi chúng ta thành con người mới trong Đức Kitô, và điều này chỉ có thể hoàn tất qua tất cả cuộc sống : “Không có phương thức nào đạt tới tri thức thiêng liêng ngoại trừ rập theo trật tự mà một trong các tiên tri đã diễn tả cách tuyệt vời như sau : “Hãy gieo sự công chính. Hãy gặt lấy niềm hy vọng cho cuộc sống. Hãy thắp lên nơi ngươi ánh sáng của tri thức”.[22] Lời của tiên tri Hôsê đúng cách lạ lùng với đoạn thư nổi tiếng của thánh Phêrô mà Dei Verbum (III, 11) lập lại : “Như vậy, chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên chiếu soi tâm hồn anh em” (2Pr 1,19).
Tương quan song đối giữa hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể nói cho cùng phát xuất từ chính mầu nhiệm độc nhất vô nhị của Ngôi Lời (Verbe comme Personne) : Lời trở thành Hiện Diện trọn vẹn (Parole présente), và Hiện Diện là Hiện Diện trọn vẹn của Lời (Présence parlante).
Chính từ sự giao thoa này mà chúng ta có thể nói :
– Nơi Bí Tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận một “hiện diện thực” đến mức Hiện Diện đó “nói” với chúng ta : “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
– Trong Lectio Divina, chúng ta đón nhận lời (verba) đến mức, Lời (Verbe) trở thành “hiện diện” với chúng ta. Phải chăng khi đọc Lời Chúa, chúng ta cũng có thể thưa lên : “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngỏ lời với con, nhưng xin Chúa hãy ngự đến, thì linh hồn con sẽ lành mạnh” ?
VI. Các nghĩa cỦa Kinh Thánh hay nhỮng chẶng đưỜng cỦa hành trình thiêng liêng
Tương quan mật thiết giữa Phụng vụ và Lectio divina, như đã phân tích trên, cho thấy “Lectio” (đọc) chỉ là một khía cạnh của tiến trình mà nói chung, truyền thống thiêng liêng, đã phân tích thành : lectio hay studium, meditatio, oratio, comtemplatio.
Ở đây, chúng ta dễ dàng nhận ra mối tương quan mật thiết, gần như song song, giữa bốn nghĩa Kinh Thánh (từ Origène cho đến Thomas [23]) và bốn cấp độ của Lectio divnia :
littéral (ou historique) – allégorique – tropologique (ou moral) – anagogique
lectio – meditatio – oratio – contemplatio
Thế nhưng, như nhận định của B. Calati, trong Dictionnaire de la vie spirituelle, đây không chỉ là những cấp độ đào sâu Kinh Thánh trên bình diện tri thức hay tâm lý, mà là những chặng đường của tiến trình “nội giới hoá” (intériorisation), qua đó Lời Thiên Chúa ngày càng thấm nhập và biến đổi tất cả đời sống chúng ta trong chính hoàn cảnh sống cụ thể nhất.[24] Cũng có thể nói, đó là những chặng đường của tiến trình “nâng cao” (élévation) theo nghĩa mạnh của Kinh Thánh.
Guigues II, le Chartreux cho rằng, bốn cấp độ của Lectio divina tương ứng với bốn cấp độ khác nhau của hành trình thiêng liêng :
“Cấp thứ nhất – lectio – dành cho người mới khởi đầu (commencant), cấp thứ hai – meditatio – cho người đã tiến bộ (progressant), cấp thứ ba – oratio – cho người đạt đức (fervent) – và cấp thứ bốn – contemplatio – cho bậc chân phúc (bienheureux)”.[25]
Tắt một lời, lectio divina không chỉ là công việc của một lúc mà là một đời.
VII. Lectio divina hay Lectio evangelica ?
Trong phụng vụ, chủ thể lắng nghe và ngợi ca là “chúng ta” chứ không phải chỉ là cá thể. Lectio divina trong cuộc sống cũng thế, dù chỉ đọc Lời Chúa một mình trong phòng riêng, vẫn là “cùng với tất cả”.[26] Lectio divina là cách thức chúng ta sống theo nhịp sống, nhịp cử hành của Giáo Hội, chính vì thế mà nhiều người đã dùng các bài đọc Phụng vụ làm Lectio Divina, điểm nhịp cho những gẫm suy và những lời cầu nguyện của mình trong đời thường, để biến đổi nó. Và đây mới là điều đáng kể.
Thật vậy, mảnh đất cuộc đời mới thực là “đích điểm” của Lectio divina, cho dù “contemplatio” thường được coi như tột đỉnh và được hiểu theo nghĩa “thưởng nếm” trong hoan lạc (jouir, savourer) [Cassien : “Ravie hors des sens et de tout le visible, c’est par des gémissemements ineffables et des soupirs que l’âme s’épanche vers Dieu” [27] Guiges II Le Chartreux : “La contemplation est une certaine élévation en Dieu de l’âme attirée au-dessus d’elle-même et savourant les joies de la douceur éternelle” [28]]. Thế nhưng, “thưởng nếm” là khoảnh khắc thiên đàng mà ngay cả các thánh cũng hết sức thận trọng, ít nhất trong thân phận lữ hành. Đó là lý do tại sao các nhà thần bí thường nói đến những “đêm tối giác quan”, “đêm tối đức tin”, trước khi có thể ấp úng chút gì về kinh nghiệm khôn tả.
Có lẽ phải trở lại với Isaia 55,10-11 :
Vì cũng như mưa với tuyết từ trời sa xuống,
tất không lùi lại về trời, nếu đã không thấm nhuận đất đai, nếu không làm cho đất sinh sản, nảy chồi…
Cũng vậy lời của Ta, một khi đã xuất tự miệng Ta, sẽ không về lại với Ta hư luống…
Với Luca 4,16-20, về “Lời ứng nghiệm” :
Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó,
Ban bố ân xá cho kẻ tù đầy,
cho người đui mù được thấy, cho kẻ áp bức được giải oan,
loan báo năm hồng ân của Chúa…
Và với một cách ngôn (apophtegme) thời các Giáo Phụ :
Vào lúc tiết trời hết sức buốt giá, Serapion gặp một người nghèo, hoàn toàn trần trụi, ở Alexandria. Vị đan sĩ thầm nhủ : “Đây là Đức Kitô, và mình sẽ là tên giết người nếu để anh ta chết mà không cứu giúp”. Nghĩ vậy, Serapion cởi hết áo xống cho người nghèo đó. Rốt cuộc đến lượt Serapion, không còn gì trên người, ngoại trừ cuốn Tin Mừng dưới cánh tay… Thế rồi có kẻ tình cờ đi qua và vì biết ngài, nên hỏi : “Cha Serapion, ai lấy hết áo xống của cha vậy ?” Serapion chỉ cuốn Tin Mừng và nói : “Đây là Đấng đã lấy hết áo xống của ta”. Thế rồi Serapion đi đến một chỗ khác và lại gặp thấy một người đang bị điệu vào nhà tù vì không trả được nợ. Động lòng thương, Serapion trao ngay cuốn Tin mừng cho anh ta, để bán đi mà trả.
Khi Serapion run rẩy trở lại phòng riêng, thì một môn đệ đến hỏi quần áo của ngài đâu, Serapion trả lời là đã gửi tới nơi cần hơn là thân thể của mình. Một đệ tử khác thắc mắc : Thế còn cuốn Tin Mừng ?
Serapion đáp : Ta đã bán Đấng vẫn thường xuyên nói với ta : “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí”. (Lc 12, 33). (I have sold the one who continually told me : Sell your goods, and give to the poor)
Lời đến không chỉ để nâng cao “trạng thái tâm hồn” (états d’âme !) mà là chính cuộc sống (la vie elle-même), cuộc sống của mỗi người và của cả thế giới này. Lời đến là vì một Trời Mời Đất Mới, nghĩa là một thay đổi tận trong chiều sâu hữu thể của tất cả thực tại. Nếu không phải là “biến bản thể” (transsubstantiation), thì ít nhất cũng là “biến hình” (transfiguration).
Lời chỉ trở về trời cao khi đã thấm sâu, làm biến đổi và trổ sinh sự sống mới. Như đã nói trên, thánh Clément d’Alexandrie khuyên hãy tìm kiếm “những mầm sống” (semences de vie) nơi Lời Chúa.[29]
Lectio divina chính yếu trong Phụng Vụ là gì nếu không phải là “Công bố Tin Mừng” ? Vậy Lectio divina hay Lectio evangelica ?
“Serapion chỉ vào Tin Mừng và nói :
Đây là Đấng lấy hết áo xống của ta !”
VIII. Scriptura crescit cum legente (Kinh Thánh lỚn lên cùng vỚi ngưỜi đỌc).[30]
Xin được kết thúc phần trở về với cội nguồn của Lectio divina bằng khẳng định hết sức cổ xưa nhưng rất lạ lùng này. Cổ xưa vì nó xuất hiện ngay từ những thế kỷ đầu tiên trong kinh nghiệm thiêng liêng của Kitô hữu, nhưng lạ lùng vì ngày nay, ngay trong suy tư của triết học hiện đại (Herméneutique), nó được xem như một nguyên lý về chú giải.
– Trước hết, nguyên lý đó phá vỡ định kiến thâm căn cố đế của chúng ta, theo đó, bản văn thường được (bị) coi như một “đối tượng cố định”, chỉ cần xem xét, nghiên cứu, tìm hiểu là có thể “lột” ra các ý nghĩa chứa sẵn trong đó. Thế nhưng Ý nghĩa không phải là điều gì đó (quelque chose) chúng ta có thể “nắm lấy”, ngược lại, nó chính là điều “nắm lấy” chúng ta, buộc chúng ta phải suy nghĩ, đặt lại vấn đề, hoặc quyết định và có khi phải hiến dâng cả cuộc đời. Ý nghĩa lớn lên cùng với chúng ta.
– Thứ đến, nó mở lối cho một quan niệm tích cực, toàn diện và thực sự mới mẻ về một trong những hành vi đơn giản nhất của kinh nghiệm nhân linh : đọc một bản văn (lecture). Tất nhiên, bản văn nói đến ở đây không phải là bất cứ bản văn nào. Có những loại đặt vấn đề cũng như mang lại thông tin về mọi chuyện. Có những bản văn chất vấn chính cuộc đời chúng ta và có khi trở thành nền tảng cho một cuộc sống hoàn toàn khác (texte fondateur). Loại thứ nhất chúng ta có thể đặt dưới mắt mình mà đọc. Loại thứ hai chúng ta chỉ có thể đọc khi “đặt mình trước bản văn”, nghĩa là chấp nhận đối chiếu, “va chạm” giữa “thế giới của bản văn” và “thế giới cuộc sống” của mình. Theo nghĩa này, kẻ thực sự đọc, không chỉ là kẻ “cầm trí cầm lòng” mà là kẻ “cầm chính cuộc đời mình” đến với bản văn. Kẻ đọc như thế đem theo cả những lo âu, dằn vặt, mơ ước, thậm chí tham vọng của mình, đối diện với những tra vấn, kêu gọi, hay niềm hy vọng mà bản văn mang đến. Tắt một lời, kẻ không mang theo niềm hy vọng nào khi đọc bản văn như thế thì cũng không thể hy vọng gì ở bản văn, và kẻ không chấp nhận để cho bản văn tra vấn mình thì cũng không thể đụng tới cái gọi là “ý nghĩa” của nó.
– Đọc theo nghĩa đối chất (confrontation), đối thoại đó, người đọc không thể không có kinh nghiệm này : “không ai đọc hai lần trên cùng một bản văn”, xin được nhại lại câu nói lừng danh của triết gia Héraclite ! Mỗi lần đọc là một cuộc gặp gỡ, một khám phá, hay ít nhất là một kinh nghiệm thực sự mới mẻ về chính mình và về Lời kêu gọi mình. Ý thức về tội lỗi và ân sủng, qua chứng từ của các thánh, tương ứng với mức độ nghiền ngẫm và đối chiếu cuộc sống mình với đòi hỏi của “Lời đến” (Parole advenante).
Trong viễn tượng này, Tin Mừng có bao giờ cũ hay đơn thuần chỉ là lập lại nơi suy niệm của các thánh hay nơi cuộc đời những con người như Phanxicô hay Têrêxa Hài Đồng… Ngược lại, chính qua việc đọc và nhất là qua cuộc đời của họ mà Kinh Thánh như thể lớn lên, mang lấy những ý nghĩa mà chính bản văn không thể “nói” cho chúng ta được : từ chữ “nghèo” trong Tin Mừng, đến chữ “nghèo” trên môi miệng và cuộc đời của Phanxicô, vẫn là một, nhưng không phải “y nguyên” (le même) cho bằng là “chan chứa” (l’excès).
Lectio divina không phải là con đường một chiều, mà là một “viên trình” (cercle herméneutique), nghĩa là càng thấm thía Lời Chúa thì càng vươn cao, và càng vươn cao thì càng khám phá những ý nghĩa mới lạ, như chưa bao giờ…
Có lẽ trong viễn tượng này mà thánh Augustin đã viết cách thật táo bạo : “kẻ đạt tới sự trưởng thành về đức tin, về niềm cậy trông và lòng mến thì không còn cần đến Kinh Thánh nữa”.[31]
Cuối cùng, “Kinh Thánh lớn lên với người đọc” chỉ có nghĩa khi lectio divina là hành vi của niềm hy vọng. Không những chúng ta hy vọng ở Lời Chúa mà sâu xa hơn, chính Lời Chúa đặt hy vọng nơi chúng ta.
Phải chăng đó là ý nghĩa thẳm sâu nhất của mầu nhiệm “Lời tự hạ” [32], mang lấy thân phận của ngôn ngữ đối thoại : Chấp nhận lên tiếng nói, cũng là chấp nhận chờ được trả lời !
Vì không một Lời (Wort) nào có thể trọn vẹn,
nếu không được đáp-lời (Ant-wort).[33]
ĐỂ GIỮ LẠI CHÚT GÌ…
Có những trang sách đến với ta
như những giọt sương sớm,
làm tươi mới
hay có khi đánh thức dậy cả ý thức ngủ quên.
Vì thế, thay cho lời kết
và như một tóm tắt để giữ lại chút gì,
xin được trích lại những giòng cô đọng
nhưng thật sống động của Paul Evdokimov
về Lectio Divina,[34]
vốn gợi hứng rất nhiều cho bài viết này,
trong tác phẩm “Tuổi thiêng liêng”,
như là kinh nghiệm nền tảng
của những thế hệ Kitô hữu đầu tiên,
như là “tình yêu thuở ban đầu”…
“Chớ gì mặt trời lên thấy bạn đang cầm Kinh Thánh trong tay”.
Lời khuyên của Evagre tóm tắt cách tuyệt vời truyền thống các giáo phụ. Khoản 19 của Công đồng “in Trullo” đã truyền cho các linh mục phải dẫn các tín hữu và trong mối liên hệ thật thâm sâu với Kinh Thánh. Còn thánh Gioan Kim Khẩu thì nhấn mạnh đến mức kêu lên : “Một số kẻ trong các người bảo tôi không phải là đan sĩ… Thế nhưng đó chính là sai lầm của các người, nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ liên hệ đến các đan sĩ, và quên rằng, Kinh Thánh còn cần thiết hơn nữa cho những kẻ sống giữa đời. Không đọc Kinh Thánh đã là tệ, cho rằng đọc Kinh Thánh vô ích còn tệ hơn biết bao nhiêu !”
“Từ nhà thờ trở về, người chồng sẽ phải lập lại những gì đã nghe đọc ; và như thế ngoài việc chuẩn bị bàn ăn vật chất, người ta còn chuẩn bị bàn ăn thiêng liêng”. Và thánh nhân khuyên tín hữu hãy học hỏi đoạn Kinh Thánh sẽ đọc ở nhà thờ và liệu sao cho con cái biết chuyên chú đọc Thánh Kinh mỗi ngày.
Theo Origène, đọc Kinh Thánh không phải chỉ là một thực hành nào đó thêm thắt vào cuộc sống, mà là yếu tố cấu tạo nên đời sống thiêng liêng, giúp biến đổi đời sống hằng ngày nên như một “lecture vivante de la Parole”, trở thành nơi mà Lời không ngừng ngỏ với chúng ta. Đọc lời Chúa trở thành yếu tố dẫn đạo cho cuộc chiến đấu cũng như sự tiến bộ thiêng liêng, và cũng nhờ đó mà tâm hồn chúng ta trở thành anima ecclesiastica (tâm hồn giáo hội), và con người trở thành “théodidacte”, nghĩa là những môn sinh của Thiên Chúa, theo như lời của Clément d’Alexandrie.
Trong Qui Luật của thánh Pacôme, Kinh Thánh nuôi dưỡng tinh thần người đan sĩ trong tất cả ngày sống. Giờ làm việc, họ đọc và xướng hát Lời Chúa, khi chiều về, lại quây quần để lắng nghe những lời chú giải. Đọc Kinh Thánh thuộc lòng trở thành phổ biến. Đối với thánh Nil, sự đói khát Kinh Thánh chính là thước đo con người thiêng liêng của chúng ta. Còn thánh Isaac thì cho rằng : “Suy niệm Lời Chúa thường xuyên đó là ánh sáng của tâm hồn”.
Tuy nhiên, có một điều mà các bậc thầy về thiêng liêng thường xuyên nhắc nhở, đó là đừng tục hoá Lời Chúa bằng cách coi đó như cơ hội cho lý luận phù phiếm hay thành đối tượng của tri thức suông, bởi chưng : “Hiểu những gì chúng ta đọc, đó là ơn của Thiên Chúa”. Theo giáo huấn của Hermas, khổ chế và cầu nguyện có thể coi như là cách thức đặt câu hỏi mà Chúa sẽ trả lời bằng cách mạc khải nghĩa của Kinh Thánh. Cũng thế, trong giờ kinh thứ chín có lời : “Giữa hai tên trộm cướp, Thập Giá Ngài như cán cân công lý, một bên trĩu xuống tận hoả ngục dưới sức nặng của tội lộng ngôn phạm thượng, còn bên kia trút hết tội khiên để được hiểu biết Lời Chúa”.
Như thế việc đọc Kinh Thánh giả thiết tâm hồn cầu nguyện, như thể là môi sinh cho lời được chín mùi : “Nhờ cầu nguyện mà Thiên Chúa soi sáng và giúp tâm trí chúng ta hiểu được điều mình đọc”. Thiên Chúa nhập thể là “để hiện diện thâm sâu nơi chúng ta hơn cả linh hồn”, giúp chúng ta mang lấy “những tâm tình của chính Đức Kitô”, ngõ hầu có thể nghe được chính cách Đức Kitô đọc Tin Mừng, là cách đọc chân thật duy nhất. Vì, như lời của Nicolas Cabasilas “Tin mừng chính là nơi khuôn mặt của Đức Kitô hiện lộ”, có nghĩa là, Tin Mừng để cho Đức Kitô nói về chính Ngài và khiến cho đôi mắt và trái tim chúng ta được no thoả “Đấng lôi kéo về một mình Ngài và hiệp nhất với một mình Ngài mà thôi”. Còn theo Justin, Kinh Thánh đưa tới cuộc gặp gỡ quyết định và mỗi cuộc tử đạo là chứng từ về cách hiểu đúng đắn lời Chúa, nghĩa là, bằng chính cái chết của mình.
Theo Nicodème l’Hagiorite, phương pháp chính để đọc Kinh Thánh đó là “đi từ lời ghi chép tới lời bản thể”. Các chú giải của các giáo phụ có thể coi là những bản chỉ đường chắc chắn cho cuộc vượt qua, cho sự vươn tới đời sống thiêng liêng đó.
Các giáo phụ sống Kinh Thánh, suy tư, nói bằng lời Kinh Thánh, với sự thấm nhập, nhuần nhuyễn đến lạ lùng, đến mức con người họ nên một với bản thể Kinh Thánh. Nếu biết nghe giáo huấn của các ngài, ta sẽ hiểu ngay rằng, “Lời đọc”, “Lời lắng nghe” (Parole lue, entendue) luôn luôn đưa dẫn tới chính ngôi vị sống động của Lời (Personne vivante du Verbe). Thánh Gioan Kim Khẩu cầu nguyện như sau trước Sách Thánh : “Lạy Chúa Giêsu Kitô. Xin mở mắt tâm hồn con để con có thể hiểu và thực thi ý muốn của Chúa… xin hãy soi sáng mắt con, bằng ánh sáng của Ngài”. Cũng thế, thánh Êphrem khuyên : “Trước khi dọc, hãy cầu nguyện và khẩn xin Thiên Chúa, để Người tự mạc khải cho con”. Và Thánh Athanase khẳng định “Trong các lời Kinh Thánh có sự hiện diện của Chúa, Đấng mà ma quỉ không thể chịu nổi sự hiện diện của Ngài”.
Ta có thể nói rằng, đối với các Giáo Phụ, Kinh Thánh là Đức Kitô, vì mỗi lời trong đó đều đặt chúng ta trước hiện diện của Ngài : “Đấng mà tôi tìm kiếm trong các sách, là Ngài”, thánh Augustino tự thuật.
Thánh Clément d’Alexandrie từng cho thấy rằng, như chúng ta đã được dưỡng nuôi bởi Bí tích Thánh Thể thế nào, thì đối với Kinh Thánh cũng thế, chúng cũng ta cần được nuôi dưỡng bởi những mầm sống chứa đựng trong đó. Nhưng chính Origène mới là xác định ý nghĩa của việc “ăn” Lời Chúa (consommation), mà truyền thống về sau tiếp tục lấy lại : ta rước lấy “lời bẻ ra cách huyền nhiệm” như là rước Thánh Thể (on consomme “eucharistiquement” la “parole mystérieusement rompue”). Thánh Jérôme cũng nói y như thế : “Chúng ta ăn thịt và uống máu Ngài trong Bí tích Thánh Thể, và cả trong việc Đọc Kinh Thánh nữa”. Còn thánh Grégoire de Nazianze thì đồng hoá việc Đọc Lời Chúa với việc ăn Chiên Vượt Qua.
Rước Lời Chúa như Rước Thánh Thể giả thiết “épiclèse”, tức là lời khẩn xin Thánh Thần. Lời trở thành sống động là nhờ Thánh Thần ngự xuống, như Người đã từng ngự xuống trên đức Kitô trong mầu nhiệm Hiển Linh (Épiphanie). Như thế việc đọc Lời Chúa luôn mang chiều kích Thánh Linh, là chiều kích của Thân Thể Đức Kitô, của Giáo Hội, của Truyền Thống, là nơi mà Lời tiếp tục lên tiếng. Thiên Chúa đã muốn Đức Kitô làm nên Thân Thể, nơi đó lời của Người vang lên như là lời sự sống (paroles de vie), vì thế cần phải đọc và lắng nghe trong Đức Kitô, bên trong Ngài, tức là trong Giáo Hội. Chỉ có Giáo Hội mới gìn giữ Lời, vì Giáo Hội có Thần Khí, đấng truyền dạy Giáo Hội, như lời của Origène.
Khi cử hành phụng vụ, đoàn dân được triệu tập trước tiên để lắng nghe và sau đó “rước lấy” Lời hiện diện. Chính việc lắng nghe xây dựng dân Thiên Chúa, chuẩn bị tâm hồn để rước lấy Lời, đi vào hiệp thông bản thể với Lời. Tin mừng theo Luca nói với chúng ta rằng đức Kitô “mở trí cho các môn đệ” và chỉ cho họ cách đọc Kinh Thánh như thế nào để khám phá ra rằng, “mọi điều ghi chép trong đó đều nói về Ta”, “và khởi từ Môsê, các sách Ngôn Sứ, Ngài giải thích cho họ, trong tất cả Kinh Thánh, những gì liên quan đến Ngài”. Theo nghĩa này, Chúa “đã khai mở ý nghĩa của các Sách Thánh” và mạc khải cho biết tất cả Kinh Thánh là “Ngôn Ảnh” (icône verbale) của Đức Kitô.
Khi đọc Kinh Thánh, ta có thể biện biệt nghĩa tiên trưng, biểu trưng cũng như sự hoàn tất các tiên tri trong thời thiên sai, nghĩa là thời Đức Kitô đến. Ta cũng có thể hiểu được nghĩa lịch sử, cánh chung cũng như sự hoàn tất Lịch Sử, mở ra với Nước Thiên Chúa. Thế nhưng, chính phụng vụ mới cung cấp phương pháp suy niệm mang chiều kích giáo hội, trong đó Lời được công bố, ca hát, nguyện xin và đi vào trong cuộc sống. Phụng vụ tiếp tục trải dài trong đời sống Kitô hữu, qua lectio divina trong cuộc sống hằng ngày, như một hình thái cầu nguyện và hiệp lễ. Chính qua lectio divina trong cuộc sống hằng ngày mà Thiên Chúa ngỏ lời, can thiệp trong đời sống của mỗi người và mời gọi mỗi người lên đường cùng với các thiên thần và các tông đồ. Cách đọc như thế sẽ trở nên nguồn suối của cuộc sống và là sự hoàn tất cuộc sống. Theo thánh Chrysostome, lectio divina chính là tác vụ tư tế của người giáo dân, một tác vụ đưa họ đến sự thánh thiện.
Chính vì thế, mỗi khi đọc và suy gẫm bản văn, chúng ta cần tránh, không những sự khô khan lạnh lùng của lý luận suông, mà còn cả những tưởng tượng mông lung của cảm xúc. Chúng ta rất dễ biến bản văn thành xác không hồn, chúng ta không thể đem lại sự sống cho bản vản, vì sự sống đến từ hiện diện của Thiên Chúa.
Ta có thể đọc Kinh Thánh cách liên tục, trải dài trong năm, cũng có thể chọn một cuốn sách hay theo một chủ đề xuyên suốt các sách ; có thể suy niệm một đoạn, hoặc chỉ một lời. Mọi phương pháp đều tốt, nếu việc đọc thực sự nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta. Ngoài hiểu biết còn có chiêm niệm. Mô tả gợi ra các thực tại lịch sử, còn chiêm niệm giúp nắm bắt chiều sâu thầm lặng của những thực tại đó. Khi khởi đi từ Lịch Sử, mọi cách đọc đúng đắn đều quan chiêm hình tượng Nước Trời (icône du Royaume).
Dụ ngôn về viên ngọc quí (Mt 13,45-46)
là dụ ngôn viết dở dang,
bởi khi đã được mua rồi,
không ai rõ số phận viên ngọc sẽ ra sao ?
Bởi lẽ có những cuộc sống
để nó toả chiếu rạng ngời,
và cũng có những trang đời,
nơi nó hoàn toàn bị lãng quên,
và lại trở thành “viên ngọc chờ đợi”…
[1] J.-L Souletie et H.-J. Gagey, La Bible, Parole adressée, Cerf, Paris, 2001, p. 98-116.
[2] Cyprien de Carthage, De zelo et livore 16, 1. 294, éd. M. Simonetti, Turnhout, Brepols, 1976, Corpus Christianorum series latina 3 A ; De dominica oratione 7, 1. 93, éd. C. Moreschini, ibid. ; xem Charles Dumont, “La “lectio divina” pour prier”, Collectanea Cisterciensia 59 (1977), p. 13-15.
[3] B. Lavaud “Lettres Chrétiennes” n.4, p. 23-24. Bd. việt ngữ, J. Liébaert, Giáo Phụ, tập I, trg. 289.
[4] x. La Bible Parole adressée, op. cit., p. 182-187.
[5] Lectio divina phải chăng có thể hiểu như cuộc vật lộn giữa Giacóp với Thiên Chúa (St 32, 23-30) : chỉ “buông tha” khi được biết Chúa và được Người chúc lành ?
[6] B. Calati, in Dictionaire de la vie spirituelle, art. Parole de Dieu, Cerf, Paris, 1987, p. 794
[7] Les âges de la vie spirituelle, op. cit., p. 200.
[8] La Bible, Parole adressée, op. cit., p. 101-102.
[9] ibid. p. 102.
[10] Hermas, Vision II, 1-4, cité in Les âges de la vie spirituelle, op. cit., p. 206.
[11] Saint Syméon, Discours sur les Ecritures, P. G. 120, 385.
[12] cité in Les âges de la vie spirituelle, op. cit., p. 207.
[13] cité in Les âges de la vie spirituelle, op. cit., p. 207.
[14] x. Les âges de la vie spirituelle, op. cit., p. 207.
[15] cité in Les âges de la vie spirituelle, op. cit., p. 206.
[16] P.G. 27, 45.
[17] Augustin, Confes.II, 2.
[18] Strom., I, I.
[19] Origène, P. G., 13, 1734 ; voir aussi saint Jean Chrysostome, In Gen. Serm., 6, 2 ; Saint Grégoire de Nazianze, Oratio, 45, 16.
[20] In Eccles., 3, 13.
[21] Cassien, Conférence XIV, x, p. 195.
[22] Os 10, 12 selon LXX.
[23] Augustin de Dacie đã tóm tắt cách tuyệt vời 4 nghĩa Kinh Thánh trong tư tưởng Thomas như sau : “La lettre enseigne ce qui eut lieu, l’allégorie ce que tu as à croire, le sens moral (tropologique) ce que tu as à faire, et le sens anagogique ce vers quoi il te faut tendre”. Dictionnaire international des termes littéraires, art. Anagogie. Cũng theo Thomas, nghĩa văn tự (hay lịch sử) là nền tảng của nghĩa thiêng liêng (spirituel), được phân thành ba : allégorique – moral – anagogique.
[24] x. Dictionnaire de la vie spirituelle, Cerf, Paris, 1987, p. 798.
[25] cité in La Bible, Parole adressée, op. cit., p. 113-114.
[26] La Bilble, Parole adressée, op. cit., p. 103 : Un point où on le voit, c’est précisément dans le fait que la lectio n’est pas purement personnelle car, même lorsque je sui seul dans ma cellule face à ma Bible, je m’inscris dans une perspective beaucoup plus large qui est celle de l’Eglise et du rythme de sa vie et de sa célébration, si bien qu’à la place d’une lecture continue de la Genèse jusqu’à l’Apocalypse, on fait souvent une lecture orientée par le temps liturgique en cours, en reprenant tel livre ou tel passage biblique approprié”.
[27] Cassien, Conférences II, Sc 54, Paris, 1958, pp. 92-93.
[28] Lettres sur la vie contemplative II, éd. E. Colledge- J. Walsh, trad. par un chartreux, Paris, Ed. du Cerf, 1970. SC 163, p. 83-85.
[29] Strom., I, I. cité in Les âges de la vie spirituelle, op. cit., p. 207.
[30] Grégoire le Grand, Hom. VII, liv. I, PL 76, n. 8, 43 sqq.
[31] Augustin, De doctrina christiana, liv. I, chap. 39-43, PL 34, 34-36.
[32] x. Dei Verbum, III, 13
[33] Hồng Y Carlo Maria Martini, mới đây trong bài “La place centrale de la Parole de Dieu dans la vie de l’Eglise”, viết : “La Bible ne doit pas pas être considérée exclusivement sous l’angle de son contenu et de ses affirmations, comme un texte qui dirait “quelque chose” à quelqu’un. Car elle nous met en présence de Quelqu’un qui nous parle et essaie de nous entrainer dans un dialogue de foi et d’espérance, de repentance, d’intercession, d’offrande de soi…Telle fut la lectio divina traditionnelle pendant le premier millénaire chrétien. Et c’est ainsi qu’elle affleure, comme méthode privilégiée, dans les homélies des Pères de l’Eglise (je pense aux explications bibliques de saint Ambroise à Milan ou de saint Augustin à Hippone) : la lecture est ordonnée à la rencontre avec l’Auteur de la Parole, et cette lecture est en mesure de faconner et d’orienter l’existence humaine.” Thực ra, Đức Gioan-Phaolô II, trong Tông Thư “Khởi đầu ngàn năm mới” (39) cũng đã viết : “Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc Sách Thánh (lectio divina), cho phép rút từ bản văn Kinh Thánh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta”.
[34] Paul Evdokimov, Les âges de la vie spirituelle, Des Pères du désert à nos jours, Desclée de Brouwer, Paris, 1964, p. 204-209.