THÔNG ĐIỆP
“THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”
NHẬP ĐỀ
Vì toàn bộ nội dung khóa thường huấn năm nay là để đào sâu Thông Điệp Deus Cariatas est của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nên để giảm bớt điều không thể tránh là lặp lại, bài giới thiệu tổng quát này sẽ được tiến hành như sau : Phần giới thiệu sẽ khá ngắn và không đi sâu phân tích nội dung của Thông Điệp. Sau khi điểm qua một số phản ứng của công luận về Thông Điệp, chúng ta sẽ cố tìm hiểu coi Thông Điệp muốn đáp ứng nhu cầu nào của Hội Thánh.
Bao giờ cũng vậy, ý nghĩa một lời nói, một sứ điệp không chỉ được xác định do nội dung khách quan của nó mà còn được quyết định một phần rất lớn do thời điểm và hoàn cảnh được công bố và nhất là đối tượng đón nhận. Phần lớn nội dung Thông Điệp, nếu không muốn nói là toàn bộ, nói về tình yêu. Nhưng không bao giờ có một tình yêu chung chung tổng quát lơ lửng giữa trời, mà chỉ có tình yêu của những con người cụ thể sống trong những hoàn cảnh cụ thể. Vậy trong nhãn quan của Deus caritas est, con người và thế giới mà Đức Bênêđictô muốn ngỏ lời như thế nào ?
Thực tế thì câu hỏi này vượt ngoài khuôn khổ trực tiếp của Thông Điệp và dẫn chúng ta đi xa hơn vào thế giới tư tưởng của Đức Thánh Cha. Bài này dĩ nhiên không có tham vọng giới thiệu tư tưởng của Đức Ratzinger, mà chỉ muốn phác thảo đôi nét mang tính gợi ý, nhằm khơi gợi “sự tò mò trí thức” cần có để vươn tới một đức tin trưởng thành và sự hiệp thông sâu xa hơn vào đời sống của Hội Thánh.
I. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
VỀ THÔNG ĐIỆP DEUS CARITAS EST
Thông Điệp Deus Caritas est được Đức Thánh Cha Bênêđictô ấn ký vào ngày lễ Giáng Sinh, 25.12.2005 và được ban hành vào ngày lễ Thánh Phao lô trở lại, 25.01.2006. Tên gọi của Thông Điệp, Deus Caritas est, được trực tiếp trích ra từ thư 1Gioan 4,16, bản Vulgata ; đó là lý do tại sao lại dùng chữ caritas chứ không phải là amor, dù rằng trong bản văn La tinh, chữ Amor được sử dụng khá thường xuyên. Bản văn được Đức Thánh Cha viết bằng tiếng Đức, rồi dịch ra tiếng La tinh ; ngoài ra, Thông Điệp còn được xuất bản bằng các tiếng Ý, Anh, Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Hungari.
Thông Điệp tương đối ngắn, gồm 42 số, được viết bằng lối văn rất trong sáng và bố cục rất mạch lạc. Nhiều bài giới thiệu nhận định rằng Thông Điệp không chỉ trình bày giáo lý truyền thống của Giáo Hội – đặc biệt trong lãnh vực luân lý gia đình, tính dục và luân lý xã hội – mà còn phản ánh những nét rất riêng của thần học gia J. Ratzinger và sự nhạy cảm của một mục tử trước những vấn đề của thời đại.
Tiểu tựa của Thông Điệp xác định nội dung văn kiện sẽ bàn về “Đức Ái Kitô giáo” (on christian love, sur l’amour chrétien). Tựa đề chính của Thông Điệp, “Thiên Chúa là Tình Yêu”, cho thấy “ Đức Ái” mà Đức Thánh Cha muốn đề cập trước hết không phải là và không chỉ là “đức ái” theo nghĩa đó là nỗ lực sống “giới luật yêu thương” của người Kitô hữu. Trên hết đó chính là mầu nhiệm Thiên Chúa và mối tương quan của Tình yêu với con người và lịch sử, trước khi là lời đáp trả tình yêu của. Ngoài phần dẫn nhập (s.1) và phần kết luận trình bày tấm gương đức tin trổ sinh hoa quả Đức Ái của các Thánh và Đức Maria (s.39-42), mầu nhiệm Đức Ái Kitô giáo được Đức Thánh Cha khai triển qua hai phần chính.
Phần thứ nhất, từ số 2-18, với tựa đề “Sự duy nhất của tình yêu trong công trình sáng tạo và trong lịch sử cứu độ” là những suy tư mang sắc thái triết học và thần học về những chiều kích khác nhau của tình yêu : eros, philia và agape. Vì chúng ta sẽ được nghe trình bày cụ thể về quan niệm tình yêu theo Thông Điệp nên ở đây chỉ xin nói cách rất vắn tắt là Thông Điệp, dựa trên Thánh Kinh đã trình bày eros là điều rất tốt đẹp được Thiên Chúa ghi khắc trong chính bản chất con người ;[1] nhưng nó cần kỷ luật, cần được thanh tẩy bằng một tình yêu duy nhất và chung thủy để vươn tới sự trưởng thành và thăng hoa thành tình yêu dâng hiến (agape). Thông Điệp nhấn mạnh, khi được hiểu và sống trọn vẹn, thì tình yêu thực sự là một extase, “ra khỏi chính mình” (sortie de soi), không chỉ theo nghĩa nó đem lại sự hoan lạc ngây ngất chóng qua, nhưng còn theo nghĩa sâu xa : đó là một cuộc xuất hành liên lỉ ra khỏi bản thân hướng tới sự tự do lớn hơn. Tình yêu chân thực theo tinh thần Tin Mừng là cuộc hành trình khám phá lại chính mình, khám phá Thiên Chúa và đưa con người đến tới Thiên Chúa. Tình yêu là con đường nên thánh như chúng ta quen nói.
Quan niệm tình yêu mà Thông Điệp trình bày giả thiết một nền tảng thần học rất đa diện. Trước hết là khoa Nhân học Kitô giáo với quan niệm truyền thống : con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và ơn gọi làm người hệ tại việc họa lại hình ảnh Ngài trong cuộc đời của chính mình. Còn khoa nhân học lại xây nền trên chính mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo trong tư cách là Trí Tuệ tuyệt đối mà cũng đồng thời là Tình Yêu tự trao ban (s.10) Quá trình tự hiến và tự khải của Thiên Chúa được thực hiện thông qua lịch sử cứu độ mà đỉnh cao là cuộc vượt qua của Đức Kitô Giêsu. Dưới góc độ tu đức và luân lý, con đường thanh tẩy và trưởng thành của tình yêu được định hướng bởi niềm xác tín “cách thức Thiên chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người” (s.11) và được nâng đỡ bằng Bí tích Thánh thể. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm qua đó, “Đức Giêsu tiền dự cái chết và sự phục sinh của Người” vừa trao ban chính mình cho các môn đệ làm manna mới. Không chỉ là tấm gương yêu thương của Đức Giêsu, Bí tích Thánh Thể là của ăn không thể thiếu của con người theo một nghĩa rất đặc biệt : “Điều nhờ đó mà con người sống đúng là người – xét cho cùng chính là Logos, là Minh Trí vĩnh hằng, chính Logos đó giờ đây thật sự trở nên lương thực cho chúng ta (s.13).
Phần thứ hai của Thông Điệp (từ số 19-39), có tựa đề là “Tình yêu, hoạt động bác ái của Hội Thánh như là một cộng đoàn của tình yêu”, mang đậm nét thực hành. Phần này được Đức Thánh Cha biên soạn với sự cộng tác của tổ chức Cor Unum, trình bày giới luật yêu người như con đường mà qua đó Giáo Hội, xét như là một cộng đoàn yêu thương, sẽ phản ánh tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế giới. Thông Điệp nhấn mạnh, hoạt động bác ái thuộc về sứ mạng phục vụ của Hội Thánh. Cùng với việc loan báo Tin Mừng (kerygma – martyria), cử hành phụng vụ để tôn thờ Thiên Chúa và thánh hóa con người (leiturgia), công việc phục vụ (diakonia) làm thành bộ ba bất khả phân ly diễn tả bản chất sâu xa và sứ mạng của Giáo Hội.
Một trong những điểm nhấn rất quan trọng của Thông Điệp – đặc biệt trong số 28 – là minh định mối tương quan rất phức tạp giữa công bằng và bác ái. Hoạt động bác ái không trái ngược cũng không làm cản trở nỗ lực kiến tạo xã hội công bằng, nhưng là sự đáp ứng nhu cầu cụ thể – ở đây và bây giờ – của những người mà ngoài nhu cầu cơm áo còn cần được “sự quan tâm đầy tình yêu thương” (s.28) đối với từng cá nhân. Một nhu cầu như vậy luôn luôn có thực và khẩn thiết, ngay cả trong những xã hội công bằng nhất. Để hoạt động bác ái của Giáo Hội thể hiện được nét đặc thù Kitô giáo, ngoài năng lực chuyên môn, chiều kích Giáo Hội và tính tổ chức, các hoạt động đó cần xây nền trên kinh nghiệm bản thân về cuộc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, đặc biệt thông qua đời sống cầu nguyện và Bí tích Thánh Thể. Nền tảng thiêng liêng đó vừa là nguồn năng lực dấn thân, vừa giữ cho hoạt động bác ái Kitô giáo khỏi bị ảnh hưởng những ý thức hệ chính trị khác nhau và không sử dụng hoạt động yêu thương như phương tiện cải đạo.
Nói về tương quan giữa công bằng và bác ái cũng chính là nói về mối tương quan giữa Giáo Hội và các hệ thống công quyền : “Của Cesar trả cho Cesar, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Xây dựng một xã hội công bằng là bổn phận của thế quyền. Giáo Hội không đứng bên lề nỗ lực và trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng tham dự vào đó thông qua sự dấn thân của các công dân Kitô hữu ; và đặc biệt, dùng học thuyết xã hội của mình để thanh tẩy và soi sáng lý trí và lương tâm con người, ngõ hầu những đòi hỏi đích thực của một xã hội công bằng được hiểu biết, nhìn nhận và thực hiện.
Về mối tương quan này, Thông Điệp nhấn mạnh hai điều rất quan trọng. Một đàng, dựa trên nguyên tắc bổ trợ, Thông Điệp phản đối quan niệm một nhà nước bao cấp, muốn độc quyền trong mọi lãnh vực kể cả hoạt động từ thiện – để đòi Nhà nước tôn trọng quyền của Giáo Hội được làm việc từ thiện một cách độc lập, có tổ chức và được định hướng dựa trên nền tảng đức tin. Một khẳng định khác rất quan trọng là “nguốn gốc và mục đích của chính trị chính là sự công bằng, và công bằng thuộc bản chất đạo đức” (s.28). Nhà nước phải luôn đối diện với câu hỏi : cần thực hiện sự công bằng, ở đây và bây giờ, như thế nào. Đó là câu hỏi thuộc phạm vi lý trí thực tiễn, một lãnh vực mà chính trị và đức tin có thể gặp gỡ nhau, là lãnh vực mà Giáo Hội có thể và phải thực thi sứ mạng tiên tri của mình.
Tuy có những đặc tính khác nhau, một lý thuyết một thực hành, nhưng hai phần này liên kết rất chặt chẽ với nhau. Như lời Đức Bênêđictô nói : “Điều thực sự làm tôi quan tâm chính là sự duy nhất giữa hai chủ điểm, vốn chỉ có thể được hiểu cách đúng đắn nếu người ta nhìn chúng như là một”.[2] Trong thực tế, sự duy nhất đó phản ánh sự liên kết rất chặt chẽ giữa ba khía cạnh cốt yếu của đời sống Kitô hữu : kerygma (Lex credendi), leiturgia (Lex orandi) và diakonia (Lex vivendi) (s.25). Trong Thông Điệp, ba khía cạnh này luôn đan quyện vào nhau và chính điều đó giúp tạo ra một quan niệm toàn diện về đời sống Kitô : có chiều sâu thần học vì luôn khởi đầu từ mầu nhiệm Thiên chúa (Lex credendi), thực tế vì gắn liền với đời sống (vivendi) và quân bình vì đời sống phụng vụ (liturgeia) sẽ nối kết hai chiều kích đó. “Giới răn kép mến Chúa và yêu người, cơ sở của cả đời sống đức tin xuất phát từ mệnh lệnh này, không chỉ là luân lý có thể hiện diện cách độc lập bên cạnh niềm tin vào Chúa Kitô và sự hiện diện của Người trong bí tích : đức tin, phượng tự và đạo đức (ethos) thấm nhập vào nhau như một thực tại duy nhất tạo thành agape trong sự gặp gỡ với Thiên Chúa” (n.14).[3]
Sau khi đã lược qua những nét chính yếu của nội dung Thông Điệp, chúng ta bước vào phần hai để lắng nghe những âm vang mà Thông Điệp để lại trong lòng người đọc.
II. MỘT VÀI PHẢN ỨNG
1. Ý Kiến phê bình
Vì không có điều kiện tiếp xúc với những tạp chí chuyên đề, phần này chủ yếu dựa vào nguồn thông tin từ Internet ! Để tiện lợi cho việc triển khai, xin bắt đầu bằng những ý kiến phê bình. Susan A. Ross,[4] giáo sư thần học tại Loyola University, Chicago tỏ vẻ không hài lòng vì khi trích dẫn trình thuật về việc sáng tạo để nói về tình yêu nam nữ, Đức Thánh Cha ba lần nói về người phụ nữ như là sự hỗ trợ (helper) cho người đàn ông, chứ không phải như người bạn đồng hành (companion) ! Dù trong phần kết thúc số 11, Đức Thánh Cha làm nổi bật sự bất túc của người nam : “Adam luôn đi tìm và lìa cha mẹ để tìm người đàn bà ; cả hai hợp lại mới nói lên tính trọn vẹn của con người”, nhưng dù sao, theo bà, “ấn tượng còn lại vẫn là, Chúa đã tạo dựng người đàn ông và rồi ban cho ông một người hỗ trợ. Tương tự, bà than phiền là vai trò của các phụ nữ trong công việc phục vụ bác ái của Giáo Hội thời kỳ đầu đã không được nói đến.
Về mối tương quan giữa công bằng và bác ái, dù đồng ý với ý kiến của Michael Schuck rằng “Đức Bênêđictô XVI đã đi qua khu rừng dày đặc của mối những mối tương quan giữa chính trị, nhà nước, Giáo Hội và xã hội một cách cực kỳ tinh tế, uyển chuyển”, song bà tỏ ra thất vọng về cách giải quyết vấn đề. Đồng ý rằng cuộc đấu tranh trực tiếp vì công lý không phải và không thể là phận vụ của Giáo Hội và con người không chỉ sống nhờ bánh, nhưng cách khai triển của Thông Điệp làm cho người ta có cảm tưởng là việc chăm lo nhu cầu tâm linh và vật chất là hai lãnh vực không liên quan (dualism). Chữ “và” nên được nhấn mạnh hơn. Khi nói về những giới hạn của công việc phục vụ nhu cầu thực tiễn, cách triển khai cần uyển chuyển và tinh tế hơn để làm nổi bật sự tương nhập, sự đan quyện giữa nhu cầu tinh thần và vật chất. Vì như Thông Điệp đã nhấn mạnh lúc nói về eros và agape, nơi con người, không thể nào tách rời tinh thần và thể xác.
Cuối cùng, về lời nhắc nhở là trong khi dấn thân phục vụ, các Kitô hữu “không được phép rút cảm hứng từ những ý thức hệ để làm cho thế giới tốt đẹp hơn, nhưng phải được đức tin hướng dẫn, đức tin sẽ hoạt động trong đức ái” (Gl 5,6), (s.33), bà tự hỏi : liệu hai lãnh vực đó có phân biệt nhau đến thế không ? “Một khát vọng làm cho thế giới trở nên tốt hơn chẳng lẽ lại không thể được tiếp sức bằng cả lòng yêu Chúa lẫn lòng yêu mến mọi điều Chúa đã tạo thành sao ?”
Một tác giả khác, Thomas MASSARO, sj,[5] tỏ ý lo ngại rằng cách Thông Điệp trình bày mối tương quan giữa công bằng và bác ái (s. 23-28) có thể gây hiểu lầm ! Dù Đức Thánh Cha có ý đề cao tầm quan trọng của cả loại hoạt động, nhưng “phần này của Thông Điệp được triển khai theo một cách thức mà khái niệm về công bằng hoàn toàn bị che khuất bởi hoạt động bác ái, đến nỗi cuối cùng nó có thể tách rời khỏi gia sản phong phú của Giáo huấn Hội Thánh chúng ta về vấn đề công bằng xã hội”.
Theo ông, việc trưng dẫn và phê bình học thuyết Marx để làm đà triển khai tư tưởng ở đây không thật sự khéo léo. Marx là người đã xóa bỏ hoàn toàn vai trò của hoạt động bác ái trong việc theo đuổi công bằng xã hội, nên khi phê phán triết gia này, bản văn có thể đưa người đọc đến một lối suy nghĩ hoặc/hoặc thay vì và/và. Trong khi đó thì hiển nhiên là giữa thế giới đầy dẫy gian tham, bóc lột và hậu quả của chúng là nghèo đói và thiếu thốn này, chúng ta luôn luôn và tuyệt đối cần cả công bằng và bác ái.
Dĩ nhiên là Đức Bênêđictô ý thức cách sâu sắc về điều này. Ngài nhấn mạnh nhiều lần bằng những cách khác nhau về tầm quan trọng của nỗ lực vì công lý, và việc Ngài nhắc lại những Thông Điệp của các vị tiền nhiệm,[6] trong đó công bằng và bác ái luôn được trình bày bổ túc cho nhau, cho thấy rõ Ngài muốn đi trên cùng một con đường. Nhưng vần đế là không phải ai cũng am hiểu giáo huấn của Hội Thánh về lãnh vực này. Những người không thực sự quen thuộc với các văn kiện trên, sau khi đọc bản văn, có thể bị ấn tượng về vai trò rất quan trọng mà Thông Điệp dành cho việc bác ái mà xem nhẹ tầm quan trọng và sự cần thiết của những nỗ lực xây dựng công bằng, nghĩa là bỏ qua mất những điều mà Đức Giáo Hoàng đã nói rất đúng về vấn đề công bằng. Đúng là con người cần tình yêu và không thể sống thiếu tình yêu, nhưng không thể nói như ai đó “Tất cả những gì bạn cần là tình yêu”. Con người cần cả công lý nữa !
Đề cao sự phân biệt giữa nhà nước và Giáo Hội là đúng, nhưng việc Thông Điệp nhắc lại đến 5-6 lần : nỗ lực xây dựng xã hội công bằng là bổn phận của nhà nước, không phải của Giáo Hội, theo ông, có thể làm cho người giáo dân “mất nhuệ khí” trong việc dấn thân trong đời sống chính trị và kinh tế với tư cách là tín hữu. Ông tự hỏi, nếu như bây giờ có thể viết lại dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, chúng ta lại không ưu tiên chọn việc ngăn chặn đừng để chuyện cướp bóc đánh đập xảy ra hay sao ? Và ông cũng ngạc nhiên là hầu hết các Thông Điệp trước đây của các Giáo Hoàng tiền nhiệm đều rất quan tâm đến những phân tích sáng suốt của Thánh Tôma về những vấn đề tế nhị này, nhưng trong số 36 ghi chú trích dẫn của Deus Caritas est, không có tên vị Tiến sĩ Thiên Thần !
2. Tiếng vang tích cực
Tuy có những ý kiến phê bình, nhưng nói chung Thông Điệp được đón nhận một cách khá tích cực, và những lời khen ngợi trên báo chí cũng khá tương đồng. Trước hết, rất nhiều người ngạc nhiên vì Thông Điệp không đề ra một chương trình hay đường hướng giống như các Thông Điệp đầu tay của Đức Phaolô VI, Ecclesiam suam hay Redemptor hominis của Đức Gioan Phaolô II. Quen với hình ảnh một vị Tổng trưởng Thánh Bộ Đức tin mà dư luận báo chí Âu Mỹ thường coi là bảo thủ và cứng rắn, nhiều người tỏ ra nhẹ nhõm vì cung giọng rất tích cực của Thông Điệp : không nói không, không lên án, không âu lo, không đi vào những vấn đề mà lập trường của Giáo Hội đã từng gây tranh luận, nhưng trình bày điều cốt lõi của lòng tin Kitô giáo cách rất thanh thản và trong sáng. Trong bài xã luận của mình, báo Le monde của Pháp nhận định rằng Thông Điệp nghiêng hẳn về Triết học và tu đức, và bộc lộ trình độ trí thức rất uyên thâm và sâu sắc của Đức Bênêđictô. Theo tờ báo, “tuy không có cuộc cách mạng nào, nhưng ngôn từ sử dụng đã thay đổi”.
Collins, một cựu thừa sai dòng Thánh Tâm, người đã rời bỏ chức linh mục năm 2001, khi Đức Ratzinger mở cuộc điều tra các bài viết của ông về ơn Bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng, nhận định rằng Thông Điệp cho thấy Đức Bênêđictô XVI sẽ là “một Giáo Hoàng bình dị, quan tâm đến điều cốt lõi của Kitô giáo hơn là một nhân vật (actor) trên diễn đàn thế giới như vị tiền nhiệm. Đây sẽ là một triều đại giáo hoàng khiêm tốn và truyền thống hơn. Đó chính là điều mà Kitô giáo đang cần, đúng như thế. Theo Andrew Sullivan, một cây bút phê bình rất gay gắt đối với các văn kiện gần đây của Rôma, thì đây là “một văn kiện được viết rất tuyệt vời”, “không cực đoan hay trấn áp” như nhiều người quen nghĩ về Đức Bênêđictô. “Người ta hy vọng rằng đó là dấu hiệu của một triều đại Giáo Hoàng có thể tạo ra thay đổi, làm tăng trưởng và tập trung vào những chân lý cốt lõi, chứ không vào những nỗi ám ảnh bên lề”.
Ngay cả Hans Kung, bất chấp mối tương quan nhiều khó khăn với Đức Gioan Phaolô II và vị Cựu Tổng Trưởng Thánh bộ Đức tin, cũng ca ngợi Thông Điệp có “nội dung thần học vững chắc về chủ đề eros và agape, tình yêu và Đức ái, và không tạo ra những mâu thuẫn giả giữa chúng”. Ông nói, người Công Giáo nên vui mừng vì đây không phải là bản tuyên ngôn của một nền văn hóa bi quan hay một nền luân lý tính dục nặng phần cấm đoán”. Peter Steinfels viết trên tờ New York Times : “Tất cả những ai chờ đợi một sứ điệp chắc chắn và giàu tính thách đố về bản chất cuộc sống và nhân loại, có thể tìm thấy nó trong phần I của Thông Điệp”. Theo ông, sứ điệp đó gây tranh luận nhưng không phải như một cuộc xuất kích mới trong cuộc chiến tranh văn hóa, mà vì nó là như thế : một tuyên ngôn về nền tảng siêu hình của cuộc sống và về đời sống đức tin.
Những ý kiến trên khá tích cực và việc tác giả của chúng là những người ít nhiều ở trong thế đối kháng càng làm nỗi rõ hơn giá trị và tầm vóc của Thông Điệp. Sau đây là những ý kiến của những người nói được là “con cái trong nhà”. Tờ báo Actualite/Evenement, ấn bản điện tử ngày 04.02.2006, đăng tải nhận định của một số người đang trực tiếp dấn thân trong những lãnh vực khác nhau của đời sống Hội Thánh.
Lm. Nicolas Buttet, người sáng lập Cộng đoàn Eucharistein [7] khen ngợi chỗ đứng mà Thông Điệp dành cho việc cầu nguyện trước sự đe dọa của chủ thuyết duy hoạt động và chủ thuyết thế tục hóa đối với công việc bác ái. Ngài coi đó như là một cú hích làm chúng ta giật mình, là lời mời gọi Kitô hữu hãy tỏ ra táo bạo và giàu sáng kiến trong việc sống Đức ái và Tin Mừng. Làm việc bác ái là chấp nhận đối mặt với sự dữ. Vấn đề không phải là đòi Thiên Chúa phải “trả lẽ” cho chúng ta (s.38), nhưng là chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô trên Thập giá (s.19). Trái tim đó sẽ lên tiếng một cách thuyết phục khi con người biết im tiếng vì đã nói quá nhiều điều to tát hoặc vì không thể nói nổi điều thiết yếu. Lo vạch mặt chỉ tên những gì đã bị biến dạng thỉ không đủ, cần nhận ra những điều được Thiên Chúa mời gọi vào cuộc biến hình. Cần nhìn vào khuôn mặt Đức Kitô chịu đóng đinh. Đó là khuôn mặt đem lại da thịt cho những khái niệm (s.12), nơi đó, đau khổ không còn là khái niệm trừu tượng mà trở nên sự hiện diện của Thiên Chúa. Và trích dẫn lời Đức Thánh Cha trong bài giảng lễ Giáng sinh 2005, Ngài kết luận : “Cách thức Ngài là Thiên Chúa khơi dậy trong chúng ta cách sống làm con người”.
Ysabel de Andia, tiến sĩ Triết học và thần học, điều hành việc nghiên cứu tại CNRS – Pháp, nói rằng khi đọc Thông Điệp, hai điều đánh động bà là việc trở về với tư tưởng của các Giáo phụ trong những thế kỷ đầu : Justin, Tertullien, Augustinô và Pseudo-Denys và câu trả lời cho những chất vấn và phản đối của thời đại hôm nay thông qua tiếng nói của Nietzsche và K. Marx. Trở về với nguồn cội để giữ vững căn tính và mở ra với những vấn đề của cuộc sống hôm nay là hai nhịp không thể tách rời của đời sống đức tin. Theo bà, câu hỏi về mối tương quan giữa công bằng và bác ái thực tế là câu hỏi về vai trò và chỗ đúng của Giáo Hội trong các nhà nước hiện đại. Dấn thân trong hoạt động “Đức ái phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa” để xây dựng một “chủ nghĩa nhân bản đích thực” và “đào tạo lương tâm con người để con người thực thi công lý” (s.28) là hai khía cạnh gắn liền nhau của sứ mạng duy nhất của Hội Thánh : yêu thương con người.
Didier Rance, cựu giám đốc tổ chức AED – Pháp (Aide à l’Eglise en détresse) nhận định rằng, ngay từ những dòng đầu tiên, Thông Điệp giới thiệu cho chúng ta thấy một Đức Bênêđictô XVI thần bí, hướng đến mầu nhiệm và chia sẻ cho người khác điều mình đã chiêm ngắm. Ngài đã đưa chúng ta vào một “cuộc cách mạng thực sự về cái nhìn và trong hành động. Hoạt động xã hội, chính trị hay bác ái từ thiện, trước hết không phải là một cánh đồng cần cày xới để chúng ta cố đem áp dụng vào đó những nguyến tắc Kitô giáo, nhưng là môi trường trong đó lòng mến của Thiên Chúa đi trước chúng ta, phó mình cho chúng ta khám phá và chờ đợi lời đáp bằng hành động của chúng ta”.
Theo Jutta BURGGRAF [8] thì, trong tư cách là một phụ nữ và một thần học gia, toàn Thông Điệp đã đem lại cho bà niềm vui và sự ngạc nhiên. Đức Bênêđictô đã “đi thẳng vào trái tim của lòng tin. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài là người yêu vĩ đại nhất, người yêu đầu tiên. Ai khám phá ra tình yêu của đời mình, người đó là Kitô hữu. Thiên Chúa sáng tạo chúng ta cho tình yêu. Do chính bản tính con người, chúng ta có ơn gọi trở nên những người sống yêu thương”.
Và theo bà, điều mới mẻ của Thông Điệp là đã không tách rời eros khỏi tình yêu, một sự mới mẻ có sức giải thoát. Đó chẳng khác nào như Đức Giáo Hoàng nói với thẩm quyền của Ngài : “Một Đức ái lạnh lùng” không phải là Đức ái Kitô giáo, và thậm chí cũng không thực sự nhân bản. Đó là sự xúc phạm đến Thiên Chúa và người khác. Chúng ta quả thực đã được tạo dựng để yêu thương bằng tất cả trái tim, một trái tim biết ngạc nhiên, biết nhảy mừng, trìu mến, biết khao khát hiến thân, biết vun trồng và tỏ bày sự phong phú của thế giới tình cảm.
Cái nhìn của Thông Điệp về tình yêu rất quân bình và toàn diện khi nhắc nhở rằng “tình yêu không chỉ là tình cảm” (s.17). Ngày nay không ít người, nhất là người trẻ, đồng hóa tình yêu với tình cảm, với bùng nỗ cảm xúc. Khi cảm xúc nghèo đi thì tình yêu cũng qua đời ! Điều này, ngoài tác động giật dây của các phương tiện truyền thông, có thể còn là phản ứng chống lại sự nhấn mạnh – đôi khi quá hăng hái – trong quá khứ đến sự ràng buộc của cam kết dấn thân, khiến cho “điều đẹp nhất trên đời trở thành cay đắng”. Eros cần được thanh luyện và trưởng thành, nhưng không phải bằng cách trấn áp nó. Một tình yêu trọn vẹn “phải luôn giữ được sự thổn thức rộn ràng tự bên trong”.
Để minh họa cho vẻ đẹp và sự hợp thời của Thông Điệp, bà trưng dẫn lời của nữ văn sĩ người Đức, Gertrud Von Le Fort, rằng con người hôm nay cần ý thức sự kỳ diệu của tình yêu và hoán cải trở về với nhân tính của mình, tức là khám phá và phát huy khả năng yêu thương của mình. “Khi một người trở nên người một cách sâu xa, thì Thiên Chúa sẽ tỏ mình qua người đó. Và hiện nay, đó là “bằng chứng” duy nhất về sự hiện hữu của Thiên Chúa mà nhiều tầng lớp của xã hội chúng ta được chuẩn bị chấp nhận”. Phần kết luận của Thông Điệp trưng dẫn tấm gương của các vị Thánh trong lãnh vực bác ái không chỉ nói lên một đường hướng mục vụ mà còn phản ánh niềm xác tín : nhu cầu yêu thương của con người càng nhiều thì cơ hội loan báo Thiên Chúa càng lớn, nếu người Kitô hữu thực sự biết yêu thương.
Đối với Lm. Joseph D. FESSIO, sj, thì Đức Bênêđictô đã rút từ biển học uyên bác của mình mà diễn tả bằng một ngôn ngữ rõ ràng và tuyệt đẹp những khao khát của trái tim con người.[9] Theo ông, đây là một Thông Điệp nền tảng, đã chọn khởi điểm là chính trái tim của mạc khải Kitô giáo, “Thiên Chúa là Tình yêu”. Nguyên lý nền tảng nhất của Kitô giáo : chiều kích đam mê (eros) của tình yêu nhân loại là hình ảnh của Tình yêu Thiên Chúa, đã được trình bày cách thanh thản, không có màu sắc bút chiến. Và Fessio nhận định : những gì Thông Điệp trình bày về tình yêu, ít là trên bề mặt, không gây tranh luận. Tuy nhiên hệ luận của nó thì rõ ràng sẽ gây nhiều tranh luận.
Tuy là được gởi cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, nhưng qua Thông Điệp, Đức Giáo Hoàng “đang nói với toàn thể nhân loại và Ngài nói từ nguồn suối sâu xa nhất của nền văn hóa nhân loại. Văn kiện, cũng như con người, là kết tinh và sự biểu hiện của sự khôn ngoan rất mực quảng bác (distillation of a universal wisdom).
Đức Giám mục André Dupleix,[10] phó tổng thư ký Hội Đồng Giám mục Pháp, cũng có ý kiến tương tự. Theo Ngài, khác với thông lệ, Đức Bênêđictô đã không nói về một khía cạnh nào đó của niềm tin Kitô giáo, mà bàn về chính “nguồn mạch tuôn trào sự sống của niềm tin : Thiên Chúa là Tình yêu”. Đây là một “bản văn nền tảng”, nó “trả người tín hữu về lại với điều cốt lõi và với trái tim sống động của đời sống đức tin, và là nền tảng cho tất cả những dấn thân đa dạng của họ trong thế giới”.
Là một trí thức uyên thâm, dạn dày với những cuộc tranh luận gắt gao nhất về lãnh vực tôn giáo và đạo đức của thời đại chúng ta, nhưng Đức Bênêđictô đã nói trong tư thế là mục tử. Ngài đã khởi đầu từ nguồn cội thần linh để đề cập đến chiều kích thiết yếu nhất và chắc chắn là khẩn thiết nhất của chứng tá và trách vụ của người Kitô hữu trong xã hội là việc bác ái, phục vụ. Bác ái không chỉ là lòng vị tha, đức thương người hay sự chiếu cố, nhưng là sức mạnh của chính Tình Yêu trong thế giới. “Tình yêu đó không chỉ là sự khẳng định nhưng là chính sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong từng giai đoạn của lịch sử và trong từng khoảnh khắc – dù là thương đau nhất – của cuộc sống chúng ta”. Và Ngài kết luận : “Làm sao lại có thể không đón chào như một dấu hiệu lớn của niềm hy vọng” khi khởi đầu một triều đại Giáo hoàng tìm nương tựa nơi Đá tảng vững chắc và đến uống nơi nguồn mạch của tất cả truyền thống Kitô giáo ?
Sau khi đã nghe qua những âm hưởng mà Thông Điệp Deus Caritas est để lại trong lòng người đọc, bài giới thiệu này xin được kết bằng cách thử phác họa chân dung con người thời đại để nhân đó, tìm hiểu xem vì sao Đức Bênêđictô lại chọn nói về Tình yêu, một đề tài dường như không mấy khẩn thiết trong hoàn cảnh “dầu sôi lửa bỏng” của Giáo Hội và thế giới.
III. NHẬN ĐỊNH
Trong bài nói chuyện với cử tọa của cuộc gặp gỡ do tổ chức Cor Unum tổ chức, [11] Đức Bênêđictô thố lộ : “Ngày nay hai tiếng tình yêu đã bị vấy bẩn, hư hao và lạm dụng quá mức đến nỗi người ta gần như e ngại không muốn nói đến. Ấy vậy mà đó là từ ngữ uyên nguyên, là sự diễn đạt của thực tại uyên nguyên ; chúng ta không thể đơn thuần vứt bỏ nó ; chúng ta phải lấy lại, thanh tẩy và trả lại cho từ ngữ đó vẻ rạng ngời nguyên thủy để nó có thể chiếu sáng đời sống chúng ta và dẫn dắt đời sống trên con đường phải đi. Nhận thức đó đã khiến tôi chọn tình yêu như là chủ đề cho Thông Điệp đầu tiên của mình”.
Bản văn cho thấy những “vấy bẩn, hư hao và mất mát” của tình yêu thực chất là hậu quả của việc tình yêu bị tách rời, “không còn diễn tả thực tại uyên nguyên” và cội nguồn của cuộc sống tức là Thiên Chúa. Tuy khởi đầu suy tư từ những biến dạng của tình yêu, nhưng chính thực trạng con người đang xa rời “Thiên Chúa là Tình yêu”, mới là động lực chính thúc đẩy Ngài “nhấn mạnh đến vai trò trọng tâm của niềm tin vào Thiên Chúa, vị Thiên Chúa đã đảm nhận một khuôn mặt và một trái tim con người”.[12]
Am hiểu rất sâu sắc những vấn đề của Giáo Hội, Đức Bênêđictô thực sự ưu tư về sự suy thoái đời sống đức tin trên thế giới, đặc biệt ở Châu Âu. Có lẽ cũng cần xác định rằng, nỗi ưu tư về Châu Âu không phải là nỗi lo mang tính cục bộ hay sự hoài cổ mong tìm lại quá khứ huy hoàng đã mất, nhưng vì ảnh hưởng của nền văn minh kỹ thuật, nếp sống nếp nghĩ Âu Mỹ ngày càng để lại dấu ấn sâu đậm hơn trên thế giới, và ở nhiều nơi trong thế giới đang phát triển, nếp sống nếp nghĩ đó được đón nhận như thể đó là chuẩn mực duy nhất của con người văn minh ! Không chỉ mất niềm tin vào Giáo Hội (God yes, Church no), con người hiện đại thực sự không có sự hiểu biết cần thiết về đức tin và chẳng hiểu căn tính Kitô giáo của mình là gì nên không có khả năng đối thoại và định hướng trước những vấn đề của cuộc sống. Sự trở lại với tâm tình tôn giáo mà hôm nay người ta hay nói tới không đương nhiên là trở lại với niềm tin Kitô giáo. Con người muốn tìm kiếm những giá trị tâm linh có khả năng đáp ứng nhu cầu của mình ở một mức nào đó, muốn có kinh nghiệm về vô biên, muốn những điều có khả năng đem đến cho mình sự ngọt ngào và niềm hy vọng mà vật chất không thể mang lại. Nhưng người ta chỉ muốn những gì mang lại sự thỏa mãn trước mắt chứ lại không muốn dấn thân thực sự ! Xu hướng lớn của con người hôm nay là tách mình khỏi nhu cầu đức tin, khỏi tiếng vâng cụ thể đối với vị Thiên Chúa đầy tràn ý nghĩa (God no ; religion yes !).
Ngày nay, vấn đề đức tin là chuyện không đơn giản. Có người muốn tin mà không tin nổi ! Ngoài ảnh hưởng của nền văn hóa hiện đại mà chúng ta sẽ đề cập đến, cách thức trình bày đức tin cũng là một lý do. Theo Đức Ratzinger, đức tin được “trình bày quá tỉ mỉ và hệ thống khiến không tìm ra lối vào. Tôi nghĩ cần phải có một thứ cách mạng đức tin về nhiều mặt […] và tái khám phá ra đức tin trong dạng hình đơn giản của nó”.[13] Và Ngài khẳng định, dù ở tuổi tác nào hay cương vị nào, “ tháo gỡ hạt nhân đức tin khỏi những lớp vỏ xơ cứng để đem lại cho nó sức mạnh và sự linh động” vẫn luôn là “xung lực”, là “hằng số bất biến” của đời mình.[14]
Chính cái “xung lực” đó, cùng “sự ao ước cho sức tỏa sáng của đức tin, và những cái thiện mỹ của cuộc sống đã khai hoa nở nhụy với nó không bị mất đi, và còn được tiếp tục sử dụng”,[15] đã thúc đẩy Ngài quyết định nói về điều cốt lõi nhất của đức tin : mầu nhiệm Thiên Chúa là Tình yêu và con đường dẫn đến Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, vị Chúa xuống thế làm người. Bởi vì “khởi đầu cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một Con người, Đấng đã đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và một định hướng dứt khoát” (s.2).
Sau biến cố 11.09.2001, phóng viên Antonella Palermo của đài phát thanh Vatican hỏi Đức Ratzinger, nếu như có thể, Ngài sẽ thêm gì vào ấn bản tiếng Ý của cuốn sách God and the world, vừa xuất bản trước đó hai ngày ? Đức Ratzinger trả lời : Vấn đề lạm dụng Thánh danh Thiên Chúa, tôn giáo bị lạm dụng và chính trị hóa đến nỗi biến thành một yếu tố của quyền lực. Ngoài ra, “tôi sẽ nói nhiều hơn về nhu cầu khám phá ra khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa. Nếu chúng ta nhìn thấy khuôn mặt Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chịu chết vì chúng ta và đã tỏ cho chúng ta thấy Ngài yêu thương ta đến mức chết vì chúng ta, chúng ta sẽ có một nhãn quan về Thiên Chúa loại trừ mọi hình thái bạo lực”.[16] Khuôn mặt Đức Kitô chịu đau khổ là câu trả lời hoàn hảo nhất cho những lạm dụng Thiên Chúa và biến ngài thành một dụng cụ cho quyền lực của con người, Ngài nói.
Như vậy có thể nói là Deus Caritas est đã được thai nghén nhiều năm trước ngày được ban hành. Càng biết rõ hơn về thảm kịch bạo lực trong cuộc sống và những phản ứng dây chuyền nó tạo ra nơi những người trực tiếp liên quan ở khắp nơi trên thế giới và hậu quả ập xuống trên những người vô tội, càng thấy rõ tầm nhìn và mối quan tâm của Thông Điệp vượt quá những vấn đề cụ thể của đời sống Hội Thánh. Đó thực sự là một Thông Điệp “nói với cả nhân loại”, như Fessio nhận định.
Nhưng Thông Điệp còn một động lực rất quan trọng mà chúng ta sẽ dừng lại lâu hơn. “Trong một thời đại mà lòng hận thù và sự tham lam đã trở thành những hình thái siêu quyền lực, một thời đại mà trong đó chúng ta chứng kiến sự lợi dụng tôn giáo đã đi đến mức biến thánh hận thù, thì lý trí thuần khiết trung lập tự nó không còn đủ sức che chở chúng ta. Chúng ta cần đến một Thiên Chúa hằng sống Đấng đã yêu chúng ta đến chết vì chúng ta”.[17]
Jutta Burggraf nhận định cách rất sâu sắc rằng khi chọn Tình yêu làm chủ đề của Thông Điệp “Đức Bênêđictô đã làm công việc mà Ngài từng làm suốt cả cuộc đời : dấn thân vào cuộc đối thoại với thế giới hiện đại. Ngài tìm kiếm một nền tảng chung cho những quan điểm và ý thức hệ khác nhau”.[18] Và ai cũng biết rằng thế giới và nền văn hóa hiện đại mang đậm dấu ấn của Triết lý Ánh sáng, trong đó lý trí – không phải chỉ tự lập (autonomie) mà hoàn toàn độc lập (independante) – là tiêu chuẩn tuyệt đối. Con đường duy lý đó – rất thường khi là duy lý thực nghiệm – không chỉ sản sinh những hoa thơm quả ngọt trên bình diện khoa học kỹ thuật mà cả những hậu quả đáng sợ trên bình diện tâm linh và luân lý, mà những gì vừa nói đến là ví dụ.
Chính trên cái nền của niềm mong muốn đối thoại với thế giới hiện đại đó, chúng ta thấy được sự tinh tế của Đức Bênêđictô. Ngài đã trích dẫn tư tưởng Aristote, người đã đưa triết học Hy lạp lên đến đỉnh cao của nó, về một Thượng đế “đối tượng đáng được khao khát của mọi hữu thể”, đối tượng “được yêu mến” và “làm chuyển động vũ trụ”, một Thượng đế “không cần gì cả, cũng không yêu mà chỉ được yêu” để trình bày sự mới mẻ của Thiên Chúa theo Kinh thánh : không những Ngài được yêu mà chính Ngài cũng yêu nữa (s.9). Rồi Ngài cũng đã trưng dẫn Platon để làm giải thích và làm nỗi bật ý nghĩa của trình thuật sáng tạo người nam và người nữ trong sách Sáng Thế : con người cách nào đó vẫn chưa trọn vẹn, tự bản chất, nó cần đi tìm sự bổ sung nơi người khác (s.11). Ngoài việc trình bày nội dung đức tin, rõ ràng là Đức Bênêđictô muốn làm nói : giữa lý trí và đức tin không có sự đối lập nhưng là sự tiếp nối. Dụng ý này rất rõ khi chúng ta nhìn lại cách Ngài đề cập đến vai trò của Logos trong Thông Điệp.
Ở số 10, Ngài nói về một “Vị Thiên Chúa biết yêu –nguồn gốc sáng tạo vạn vật – Ngôi Lời, lý trí nguyên thủy – cũng đồng thời là Đấng yêu thương con người với một tình yêu thực sự đam mê”. Giới thiệu một Thiên Chúa sáng tạo là Lý trí nguyên thủy – mà con người là hình ảnh – cho một thế giới tôn thờ lý trí và đã nhân danh lý trí mà loại bỏ Thiên Chúa, là việc làm vừa táo bạo, vừa rất sáng suốt. Người ta có thể nghe hay không, nhưng điều đó ít nhất cho thấy vẫn còn có một nhịp cầu, một lối đi cho những người muốn tìm kiếm.
Và chắc chắn cũng không phải vô tình mà Đức Bênêđictô, khi nói về Bí tích Thánh Thể, đã không chỉ lặp lại truyền thống là nói đến Tình yêu mà còn nhấn mạnh “của ăn đích thực của con người, điều mà nhờ đó con người sống đúng là người – xét cho cùng chính là Logos, là Minh trí vĩnh hằng, chính Logos đó giờ đầy thật sự trở thành lương thực cho chúng ta” (s.13). Ý tưởng này về Bí tích Thánh Thể làm chúng ta nghĩ đến một đoạn văn rất đẹp khác trong đó thần học gia J. Ratzinger suy nghĩ về mối tương quan giữa phận con người và mầu nhiệm Đức Giêsu, con người mẫu mực.
Việc vươn lên thành con người (hominisation) được thực hiện trước tiên bằng cuộc vượt qua từ thế giới động vật sang thế giới của lý trí (de l’animal au logos), từ sự sống thuần túy sang tinh thần. “Đất sét” đã trở thành người vào lúc mà nó không còn chỉ đơn thuần có mặt ở đó, lúc nó vượt qua sự có mặt chỉ để có mặt và đáp ứng những đòi hỏi của phận đất sét, hầu tự khai mở mình ra với cái Toàn thể (le Tout). Nhưng cuộc vượt qua này, trong đó logos – trí tuệ, tinh thần thấm nhập lần đầu tiên vào trong vũ trụ của chúng ta, chỉ hoàn tất trọn vẹn khi mà chính logos, Ý Nghĩa Sáng Tạo, và con người thấm nhập vào nhau. Để con người trở nên người trọn vẹn, thì Thiên Chúa cần phải trở nên con người. Khi đó, và chỉ khi đó, cuộc vượt qua từ thế giới động vật lên thế giới lý trí mới thực sự hoàn tất. Chỉ khi đó sự khởi đầu – tức là lần đầu tiên một hữu thể bụi đất có thể ngước mắt lên cao hơn chính mình và môi sinh của mình mà nói với Thiên Chúa : “Lạy Ngài !” – mới được dẫn đưa tới những khả năng cao nhất của mình. Chính sự khai mở ra với Đấng là Tất cả (le Tout), với vô biên, làm nên con người. Con người là người do chính việc nó mãi mãi vươn tới điều vượt quá mình ; càng ít co quắp lại trong chính mình, con người càng là người nhiều hơn.[19] Đoạn văn này không những cho chúng ta thấy mối tương quan tiếp nối giữa giữa hai Mầu nhiệm Tạo dựng và Nhập thể, mà còn cho phép chúng ta hình dung ra sự liên hệ giữa hai mầu nhiệm này với Bí tích Thánh Thể, mà Logos chính là yếu tố nền tảng.
Rồi trong số 28, Thông Điệp khẳng định chính trị không chỉ là “kỹ thuật”, nhưng nguồn gốc và mục đích chính trị là sự công bằng, và sự công bằng thuộc bản chất đạo đức. Song vấn đề nằm ở chỗ : “Công bằng là gì ?”. Theo Đức Bênêđictô, đây là một câu hỏi thuộc phạm vi lý trí thực tiễn, và lý trí này cần được thanh luyện vì sự mù quáng về mặt đạo đức, xuất phát từ cám dỗ về lợi nhuận và quyền lực sẽ làm lóa mắt lý trí”. Như trên đã nói, đây chính là một trong những lãnh vực đặc biệt quan trọng liên quan đến chỗ đứng và sứ mạng của Hội Thánh trong một xã hội hiện đại.
Trong Deus Caritas est, Đức Bênêđictô không đi vào phân tích cụ thể những mối nguy đe dọa nền văn hóa duy lý hiện đại và đời sống chính trị. Nhưng trong những phát biểu trước đó, khi còn là Tổng trưởng Thánh bộ Đức tin, Ngài đã có những nhận định rất sắc sảo và mạnh mẽ. Nền văn minh hiện đại thoát thai từ Triết lý Ánh sáng tại Châu Âu. Việc đề cao và phát triển năng lực lý trí theo chiều hướng khoa học đã mở đường cho những khám phá kỹ thuật mới mẻ và đem lại vô vàn lợi ích cho cuộc sống con người ở khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, tự do là một nét chính yếu của của nền văn hóa này : tự do chọn lựa tôn giáo hay không tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do đảng phái, thể chế quốc hội, sự độc lập của quyền tư pháp, và đặc biệt là sự bảo vệ quyền con người và cấm phân biệt đối xử. Đó đích thực là những giá trị mà người Kitô hữu chỉ có thể tán thưởng.
Nhưng rồi, từ thái độ khoa học và đề cao lý trí đó, tại Châu âu cũng đã phát triển một nền văn hóa mà trước đó nhân loại chưa hề biết đến, trong đó mọi người sống theo một “sự đồng thuận kỳ lạ” : “Thiên Chúa chẳng có giá trị gì trong nền đạo lý của con người cả. Nếu Ngài có đó thì Ngài cũng không liên quan gì với chúng tôi – trong thực tế đấy là châm ngôn sống của mọi người. Ngài không quan tâm gì đến chúng tôi và chúng tôi cũng chẳng bận tâm gì tới Ngài”.[20] Nếu như tại Âu châu, Kitô giáo đã đạt tới hình thái phát triển tốt nhất của mình, thì cũng tại Châu Âu, đã phát triển một nền văn hóa cấu tạo bởi những điều hoàn toàn trái ngược không những với Kitô giáo, mà với cả những truyền thống tôn giáo và đạo đức của nhân loại”.[21]
Theo Đức Ratzinger, “ngày nay, chủ thuyết tương đối [22] (relativisme) đang thống trị. Dường như ai không theo lập trường tương đối, người đó là kẻ bất khoan dung. Nghĩ rằng mình có thể hiểu được chân lý cốt yếu đã bị coi như là bất khoan dung. Tuy nhiên, trong thực tế, việc loại trừ chân lý theo cách đó là một hình thái bất khoan dung rất trầm trọng và giảm trừ những điều cốt yếu nhất của cuộc sống con người vào lãnh vực chủ quan (subjectivism). Như thế, chúng ta không còn những quan điểm chung trong những vấn đề thiết yếu nhất. Mỗi người có thể và phải quyết định điều gì mình có thể làm. Và thế là chúng ta đánh mất nền tảng đạo đức cho cuộc sống chung”.[23] Do đó, vấn đề không chỉ là sự dửng dưng có tính chất cá nhân của từng người trong đời sống tôn giáo, mà chính là những ý thức hệ nhân danh tự do và sự đa nguyên được cơ cấu xã hội ủng hộ đang muốn khai trừ Thiên Chúa khỏi cuộc sống chung của con người (Godless society, removing God society).
Khước từ vai trò của Thiên Chúa, con người sống trong một nền luân lý mới, trong đó những từ ngữ căn bản nhất là công bằng, hòa bình và bảo tồn tạo vật. Những từ ngữ đó thực sự gợi nhớ những giá trị luân lý thiết yếu mà con người cần. Nhưng thực tế đó là nền luân lý rất mơ hồ, và việc trượt chân sang nền luân lý mang nặng màu săc chính trị và đảng phái gần như là điều không thể tránh khỏi. “Thực thế, công lý là gì ? Ai xác định nó ? Và điều gì sẽ đem lại hòa bình ?”[24] Những câu hỏi thật nhức nhối !
“Tương đối” trở thành một nhân đức của nền dân chủ” [25] mà con người hiện đại rất tự hào và đấu tranh vì nó. Nhưng “nếu chúng ta chấp nhận hoàn toàn thuyết tương đối, trong lãnh vực tôn giáo cũng như luân lý, thì điều này sẽ dẫn đến chỗ hủy hoại xã hội. Bằng cách càng lúc càng trở nên duy lý hơn, lý trí cuối cùng sẽ tự hủy hoại và tình trạng hỗn loạn (anarchy) sẽ thống trị. Khi mỗi người là một hòn đảo bất khả tương thông, thì những nguyên tắc nền tảng của cuộc sống chung sẽ xụp đổ. Nếu như phe đa số quy định những quy luật luân lý, thì ngày mai, một đa số khác có thể áp đặt những quy luật đối nghịch với những quy luật có giá trị hôm nay. Chúng ta thậm chí đang trải qua kinh nghiệm của sự độc tài, trong đó những người nắm quyền thiết lập những quy luật luân lý bằng quyền hành của họ”.[26]
“Xã hội hiện đại được xây dựng dựa trên sự tính toán. Chính sự tính toán những hậu quả quyết định điều gì là hợp luân lý hay không”.[27] Nhưng dựa vào tiêu chuẩn nào để lượng định về những hậu quả đó, nó xấu hay tốt là đối với ai khi không còn giá trị đạo đức khách quan ? Mối nguy hiểm lớn nhất đe dọa con người hiện nay chính là sự mất quân bình giữa khả năng kỹ thuật và sức mạnh luân lý, giữa “điều có thể xét về mặt thể lý” và điều “có thể về mặt luân lý”,[28] giữa “knowing” và “doing”. Điều mà con người thực sự cần, một nền luân lý chung, một nền luân lý có khả năng đáp ứng trước những đe dọa đè xuống trên cuộc sống của mọi người lại bị đẩy vào phạm vi riêng tư.
Bối cảnh văn hóa này là trở ngại lớn nhất cho công việc loan báo Tin Mừng. Ngoài những vấn đề liên quan đến các lãnh vực luân lý khác nhau và mối nguy hiểm đe dọa tương lai nhân loại như chúng ta vừa nói, về phương diện đức tin, lập trường tương đối là sự phủ nhận kho tàng Mạc khải, phủ nhận vai trò trung gian độc nhất của Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự sống. Nó nguy hiểm vì mang dáng dấp của sứ điệp dân chủ và lòng bao dung vốn là những giá trị Kitô giáo, và vì thế làm cho “nỗi thắc mắc không biết chúng ta, những Kitô hữu, có nên tiếp tục duy trì cái nhìn đương nhiên của ta có về đạo không, trở thành câu hỏi nóng bỏng”.[29] Theo Đức Ratzinger, vấn đề bức thiết nhất của Giáo Hội hiện nay chính là “phải làm gì khi đối diện với tình hình mà thế giới phương tây đã tạo ra, một xã hội đầy những nghi hoặc, không còn nhìn nhận một nền tảng lý tính trong niềm tin chung ; một thế giới bị bỏ mặc cho thuyết chủ quan và tương đối”.[30]
Vâng, làm gì ? Đức Ratzinger khẳng định Giáo Hội không chống lại tư tưởng của Triết học Ánh sáng cũng không chống lại xã hội hiện đại. Một đàng Trào lưu Triết học ánh sáng có nguồn gốc Kitô giáo, và có công là đã khôi phục lại những giá trị nguyên thủy của Kitô giáo và trả lại cho lý trí tiếng nói của mình. Đàng khác, ngay từ đầu, Kitô hữu đã hiểu mình là một tôn giáo của Logos, là tôn giáo đi theo lý trí. “Thiên Chúa mà chúng tôi tôn thờ, Giáo Hội khẳng định, là chính Hữu thể mà các triết gia nhận biết như là nguyên lý của tất cả, như là Thiên chúa vượt trên tất cả mọi quyền lực, chính Ngài là Thiên Chúa của chúng tôi”. […] Một chọn lựa như thế có nghĩa là chọn lý trí – logos – thay vì tất cả mọi hình thái huyền thoại – mythos – là sự giải huyền thoại dứt khoát đối với thế giới và đời sống tôn giáo”.[31]
Do đó, theo J. Ratzinger, Triết lý ánh sáng và Kitô giáo, cả đôi bên đều cần nhìn lại mình. Kitô giáo phải luôn luôn ghi nhớ mình là tôn giáo của Logos. Đó là niềm tin vào Tinh Thần sáng tạo (Creator Spiritus), từ đó đã phát xuất ra tất cả những gì hiện hữu. Ngày nay đó phải là nguồn triết lý mang lại sức mạnh cho Giáo Hội. “Trong cuộc đối thoại vô cùng cần thiết giữa những người sống theo nền văn hóa thế tục (secularist) và Kitô hữu, các Kitô hữu chúng ta phải hết sức cẩn thận để luôn trung thành với đường hướng căn bản này : sống một niềm tin phát xuất từ Logos, từ lý trí sáng tạo, và vì thế, luôn luôn rộng mở trước tất cả những gì thực sự là hợp lý (rational).[32]
Đức J. Ratzinger nhận định : vào thời khai sinh nền văn hóa Ánh sáng, đã có những nỗ lực muốn xác định những chuẩn mực luân lý có giá trị ngay cả khi Thiên Chúa không hiện diện (etsi Deus non daretur). Người ta muốn cho những giá trị luân lý thiết yếu có một nền tảng hiển nhiên để chúng được độc lập khỏi những tranh chấp phức tạp về tôn giáo, chính trị, triết lý thời đó. Khi làm thế, người ta muốn đảm bảo nột nền tảng cho cuộc sống chung và cho gia đình nhân loại. “Vào thời kỳ đó, điều này có thể thực hiện được, vì những niềm xác tín lớn lao và sâu xa mà Kitô giáo tạo nên phần lớn vẫn tồn tại. Nhưng hiện nay tình hình đã khác xưa rồi”.[33]
Hiện nay cuộc tìm kiếm một nền tảng chắc chắn chung có khả năng vượt trên mọi khác biệt đã thất bại. Cả nỗ lực lớn lao của Kant cũng không thành. Một đàng ông cho rằng Thiên Chúa không thuộc trong lãnh vực của lý trí thuần lý, nhưng đàng khác ông cũng khẳng định rằng Thiên Chúa, tự do và sự bất tử là những tiền đề của lý trí thực hành, mà nếu không có, thì không thể có hành vi luân lý được.
Dường như Kant đã đúng ! Việc thực hiện cách triệt để cái toan tính thu xếp chuyện con người mà hoàn toàn không đếm xỉa gì đến Thiên Chúa đang dẫn con người ngày càng cận kề bờ vực thẳm hơn. Chúng ta cần lật ngược lại câu châm ngôn của triết lý ánh sáng : dù rằng người ta không thành công trong việc tìm ra con đường để chấp nhận Thiên Chúa, thì cũng cứ phải tìm cách sống và định hướng đời sống của mình như thể là Thiên Chúa hiện hữu (veluti si Deus daretur). Bằng cách đó, không ai bị giới hạn tự do, những tất cả mọi chuyện của chúng ta đều tìm được một sự nâng đỡ và chuẩn mực mà chúng ta đang vô cùng cần đến.[34]
Những điều vừa nói tuy hợp lý, những không thể làm người ta quên sự thực : một bên khẳng định “Nước chúng ta thuộc về thế gian này”, một bên lấy lời Đức Giêsu “Nước Ta không thuộc về thế gian này !” làm định hướng ; một bên khẳng định con người hoàn toàn độc lập và không cần sự bổ túc từ nơi đâu khác, một bên tin rằng con người chỉ tìm gặp mình khi từ bỏ mình, chỉ là mình trong mức độ mình đến gần người khác và nhất là Đấng Khác. Liệu có ai nghe lời đề nghị trên không ? Có, đó là hy vọng của chúng ta. Đức Bênêđictô là người thực tế, Ngài hiểu rằng khi Giáo Hội dấn thân vào những công trình kiến tạo công bằng trên bình diện nhân loại thì thế giới ca ngợi Giáo Hội. Nhưng khi việc xây dựng công bằng của Giáo Hội đụng chạm tới những vấn đề đòi phải tranh luận mà thế giới này không còn coi là gắn liền với phẩm giá con người nữa, khi Giáo Hội tuyên xưng rằng sự công bằng bao gồm cả trách nhiệm của chúng ta đối với Thiên Chúa, thì chuyện thế giới này đưa tay tìm đá ném không phải là quá hiếm hoi…”.[35] Nhưng Ngài xác tín rằng Giáo Hội có một căn tính phải làm sáng tỏ, và Giáo Hội chẳng ích gì cho ai khi để mất căn tính và trôi dạt theo đủ mọi thứ học thuyết. Giáo Hội có một nền luân lý phải loan báo, và nền luân lý đó có thể gây cớ vấp phạm. Nhưng như Đức Giêsu đã cứu đời khi Ngài là cớ vấp phạm cho nhiều người thì Giáo Hội cũng vậy. Nếu sứ điệp của Giáo Hội không còn làm cho ai bị vấp phạm thì chẳng hiểu Giáo Hội có còn là muối mặn nữa không ! Và Đức Bênêđictô cũng là con người lạc quan, như Ngài nói – khi còn là hồng y – với Peter Seewald, so với những khủng hoảng mà Giáo Hội đã từng trải qua trong quá khứ : Ngộ đạo thuyết, lạc giáo Ariô… thì khủng hoảng hôm nay, dù nó cũng đánh vào cội nguồn là chính đức tin, chắc là không lớn hơn !
KẾT LUẬN
Thông Điệp Thiên Chúa là Tình yêu là một bản văn “nền tảng” đầy giá trị mà người ta có thể đọc ở nhiều cấp độ. Nhưng dù có khả năng đọc ở đàng sau những hàng chữ hay chỉ nghe được những gì con chữ nói lên, thì người ta cũng đều nhận ra điều cốt lõi : “Hình ảnh Thiên Chúa theo Kitô giáo và hình ảnh con người cũng như con đường của họ được rút ra từ đó” (s.1). Thiên Chúa là Tình yêu nhưng Ngài cũng là Lý trí sáng tạo. Ngài đã ban cho con người tự do, lý trí và khả năng yêu thương để con người kiến tạo lịch sử. Và bi kịch của lịch sử hệ tại điều này, “trong trận tuyến kình chống nhau dưới nhiều hình thức, lịch sử kết cục được thu gọn trong công thức : sẵn sàng yêu hay từ chối yêu”.[36] Ngài không muốn nơi chúng ta điều gì khác hơn là “trở thành kẻ yêu thương và như vậy trở nên giống Ngài”. “Ngài muốn có những thụ tạo giống Ngài và trở nên như Ngài trong tình yêu tự do, gắn bó với Ngài và như thế có thể nói là tỏa ra ánh sáng của chính Ngài”.[37] Ai yêu thương với một tình yêu trưởng thành và sống với một lý trí rộng mở nhất định sẽ gặp được Ngài.
Trong tinh thần của Năm Thánh mừng 80 năm Truyền Giáo cho người Dân tộc trong Giáo phận, xin được kết thúc bài giới thiệu này bằng những lời Đức Ratzinger đã nói với các nữ tu tại Subiaco : “Trên tất cả, điều mà chúng ta cần vào thời khắc này của lịch sử là những con người, nhờ đức tin sáng suốt và được sống bằng thực tế của mình, làm cho Thiên chúa trở nên đáng tin trong thế giới. Chứng tá tiêu cực của người Kitô hữu, những người nói về Chúa nhưng sống ngược với Ngài, đã bôi đen khuôn mặt Thiên Chúa và mở cửa cho sự vô tín. Chúng ta cần những con người có cái nhìn chăm chú hướng về Chúa để hiểu thế nào là nhân tính đích thực. Chúng ta cần những con người có trí tuệ được ánh sáng của Chúa chiếu soi và trái tim được Chúa mở cửa, để trí tuệ của họ có thể nói với trí tuệ của người khác và trái tim của họ có khả năng mở đường đến với trái tim tha nhân”. Bởi vì “Thiên Chúa chỉ có thể đến gần con người thông qua những con người đã được Chúa đụng chạm đến”.
Lm. Phêrô Trần Văn Hội
[1] Đức Bênêđictô trình bày eros theo quan niện của truyền thống Công Giáo. Thần học Tin Lành trong thế kỷ 20, chịu ảnh hưởng của Anders Nygren, thần học gia người Thụy Điển, đặc biệt qua tác phẩm rất nổi tiếng của ông : “Eros et Agape, la notion chr étienne de l’amour et ses transformation” (Aubier) cho rằng giữa eros và agape có sự đối lập. Hai hình thúc tình yêu này hoàn toàn trái ngược và không bao giờ gặp nhau. Để gặp con người, tình yêu Thiên Chúa (agape) đi qua con kênh đặc biệt và không bao giờ gặp eros. Xem : Jean Daniel CAUSE, Eros et Agape. Tác giả nhận định ngắn gọn về những điểm tương đồng và dị biệt của quan niệm Tin Lành so với lập trường của Deus Caritas est. trên website protestants.org và phân tích chi tiết về Eros và agape trong “La haine et l’amour de Dieu, ed. Labor et fides. D. Cause hiện là giáo sư thần học tín lý và luân lý tại Học viện thần học Tin Lành tại Montpellier, Pháp.
[2] www.zenith.org, 23-01-2006. Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha với những người tham dự cuộc Hội thảo do Cor Unum tổ chức ngày 23-1-2006, với chủ đề “Nhưng lớn nhất trong bộ ba là Tình yêu” (1Cr 13,13)
[3] Trong lá thư gởi độc giả báo Gia đình Kitô, Đức Thánh Cha nói qua Thông điệp Ngài chỉ muốn trả lời mấy câu hỏi cụ thể đối với đời sống Kitô hữu : 1. Người ta có thể yêu mến Thiên Chúa thật không ? Tình yêu có thể áp đặt không ? 2.Chúng ta có thể yêu thương thật sự người khác, xa lạ với chúng ta hoặc không dễ thương chút nào không ? 3. với những mệnh lệnh và giới răn của mình, Giáo Hội có làm cho niềm vui của tình yêu nam nữ trở nên cay đắng không ? 4. Giáo Hội không thể nhường việc phục vụ tha nhân cho những tổ chức nhân ái khác đang có mặt dưới nhiều hình thức khác hay sao ? 5. Nếu tiến tới một xã hội công bằng trong đó không còn người nghèo nữa thì tình yêu bác ái có trở thành dư thừa không ? Trả lời những câu hỏi đó là cách rất tốt để nắm nội dung Thông Điệp. Xem “Lời giới thiệu” Thông Điệp do Văn phòng thư ký HĐGMVN xuất bản – 2/2006 tr. 3-6.
[4] Susan A. ROSS, Eros and agape : some feminist reflections
[5] Thomas MASSARO, sj, “Don’t forget justice”, in The Economist (US), April 23, 2005. Massaro là giáo sư thần học lý tại Weston Jesuit School of Theology tại Cambridge, Mass.
[6] Đó là các Tđ. Rerum novarum, (1891) của Đức Lêô XIII ; Quadragesimo anno, (1931) Đức Piô XI ; Mater et Magistra, 1961, Đức Gioan 23 ; Populorum progressio (1967), và Octogesima anno (1971) của Đức Phaolô VI ; Bộ ba Laborem exercens (1981), Sollicitudo rei socialis (1987) và Centesimus annus (1987) của Đức Gioan Phaolô II.
[7] Cộng đoàn Eucharistein mới được thành lập, hoạt động tại Thụy sĩ và Pháp. Được Giáo Hội chính thức công nhận và được ĐGM. Dominique Rey, giám mục Frejus-Toulon nâng lên thành Hiệp Hội giáo dân (Association publique de fideles) ngày 22.06.2003. Linh đạo xây dựng trên việc cử hành Hy tế Thánh lễ và tôn thờ Bí tích Thánh Thể. Lối sống chịu ảnh hưởng tinh thần Phanxicô : đơn sơ theo tinh thần Tin Mừng, nghèo khó và phó thác vào sự quan phòng, làm việc tay chân và cầu nguyện. Muốn biết thêm thông tin xin xem : eucharistein.org
[8] zenith.org, 9-2-06. Bà Jutta Burggraf là giáo sư thần học tại Đại học Navarre, Tây Ban Nha.
[9] Joseph D.FESSIO, sj, là người sáng lập Ignatius press. Giáo sư triết học tại Đại học Santa Clara, CA và thần học tại Đại học San Francisco. Hiện là Hiệu trưởng (Provost) trường Đại học Ave Maria, Florida. Là người quen biết với Đức Ratzinger từ rất lâu, ông nói : những người đã từng đọc tác phẩm của Đức Thánh Cha hoặc được may mắn biết Ngài sẽ không ngạc nhiên về Thông điệp. Đó là một con người có trí thông minh rất sắc sảo luôn luôn đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Đức Bênêđictô là người có cảm thức về chất thơ của cuộc sống và của mạc khải, điều đó đem lại cho các tác phẩm của Ngài nét trong sáng, sự sâu sắc và vẻ đẹp. Đó cũng là một con người biết lắng nghe cuộc sống và người khác thông qua sách vở hoặc tác phẩm nghệ thuật của họ. Rồi từ tất cả những gì đã thấy và đã nghe, Ngài có thể tổng hợp, sắp xếp và trình bày ý tưởng hoặc quan điểm một cách mạch lạc và giàu sức soi sáng. [ignatiusinsight.com]
[10] Theologia fr. Tựa đề bài giới thiệu : “Une encyclique sur la source jaillissante de la foi”.
[11] www.zenith.org, 23.01.06. op. cit
[12] Op. cit. Trong tác phẩm “We have a pope ! Benedict XVI”, ed. Our Sunday visitor, inc, Huntington, IN 46750, 2005] Matthew E. BUNSON, D. Min, một học giả và sử gia Công Giáo khá có tiếng của Mỹ, đã tổng hợp rồi phân tích những lời phát biểu của nhiều Hồng y – trong đó có những phân tích của Đức Ratzinger về hiện tình Giáo Hội trước Hồng y đoàn trong bài giảng lễ – trước khi diễn ra cuộc họp của Cơ Mật Viện, rồi từ đó đưa ra những nhận định về những vấn đề của Giáo Hội trong thời gian tới. Theo ông, có bảy vấn đề then chốt. 1. Làm cho tinh thần của Công đồng Vatican II thấm sâu vào đời sống Hội Thánh, đặc biệt trong lãnh vực phụng vụ ; 2. Tương quan giữa tính đồng đoàn của Hàng giám mục và Giáo triều Rôma ; 3. Các phong trào đoàn sủng và đời sống Hội Thánh ; 4.Vấn đề giới trẻ ; 5. Cuộc đối thoại liên tôn giáo và vấn đề Đại kết ; 6. Sự suy suy thoái niềm tin, đặc biệt tại Châu Âu ; 7. Vấn đề mà Giáo Hội phải đối diện trong các nước đang phát triển. Dù những vấn đề trên đan xen vào nhau, và không loại trừ các mối quan tâm khác, nhưng một cách khái quát, có thể nói hai phần của Thông điệp thể hiện rõ sự quan tâm của Đức Bênêđictô đối với vấn đề suy thoái niềm tin và vấn đề các nước đang phát triển, nơi mà 700 triệu trên tổng số 1 tỉ người Công Giáo đang sống.
[13] J. RATZINGER, Le sel de la terre, Flammarion, Cerf, 2005. Bản dịch tiếng việt : Muối cho đời của Phạm Hồng Lam và Trần Hoành, ấn hành lần 1, tháng 01.06 (USA và EU), tr. 37. Từ đây gọi tắt là “Muối”.
[14] Muối, tr. 82. Mon inpulsion fondametale, […] a toujours été de dégager le coeur propre de la foi sous les couches sclérosées, et de donner à ce coeur force et dynamisme. Cette impulsion est la constante de ma vie [Le sel, p. 78-79].
[15] Muối, tr. 116
[16] zenith.org, 27.05.2005. Trước ngày bầu cử Giáo hoàng, đài phát thanh Vatican được rất nhiều người yêu cầu phát lại bài phỏng vấn Đức Ratzinger do Antonelli PALERMO thực hiện ngay sau biến cố 11.09.01.
[17] zenith.org, bài nói chuyện với cử tọa tham dự cuộc thảo luận do Cor Unum tổ chức.
[18] Jutta Burggraff, zenith.org, op. cit
[19] J. RATZINGER, La foi chrétienne hier et aujourd’hui, Mame/Cerf, 1985, tr. 159
[20] Muối, tr.133
[21] zenith. org, 26.05.06. Bài nói chuyện của ĐHY. RATZINGER với các nữ tu tu viện thánh Scolastica, Subiaco, Ý, một ngày trước khi Đức Gioan Phaolo II qua đời. Bài nói chuyện có chủ đề “Europe’s crisis of culture”. Từ đây trở đi gọi tắt là Subiaco.
[22] Thuyết tương đối (relativisme) là một nguyên lý giải thích các vấn đề tín ngưỡng tôn giáo theo đó điều mà người ta cho là đúng hay sai không chỉ chịu ảnh hưởng bởi những hoàn cảnh không gian và thời gian, mà còn hoàn toàn tuy thuộc vào đó. Tuy danh xưng thuyết tương đối chỉ có vào thế kỷ 19, nhưng nguồn gốc của thuyết này thì xa xưa hơn nhiều. Thủy tổ của thuyết này có lẽ là Sestus Empiricus (Tk. 2-3 av. JC). Montaigne (1522-1592), Hume (1711-1776) và Nietzsche, mỗi người một cách nhưng đều theo truyền thống này. Thuyết tương đối có những hình thái khác nhau tùy theo ba yếu tố : mức độ, bản chất của những tình huống được coi là quyết định trong việc phát sinh các niềm tin tưởng, và tiền đề triết học mà nó bao hàm. Trước hết, thuyết tương đối có thể là toàn diện hay phân diện, nhưng nếu nó nghi ngờ tất cả mọi phán đoán về chân lý thì thuyết tương đối tự hủy hoại, đó là điều không thể. Do đó thường thì nó liên quan đến một lãnh vực nào đó : khoa học, tôn giáo hay luân lý. Tiếp đến, những hình thức khác nhau của thuyết này có thể thay đổi tùy theo nhìn nhận của người ta về lý do của sự khác biệt quan niệm trong lãnh vực văn hóa : phương tiện sản xuất, thời kỳ lịch sử, phái tính…Cuối cùng, thuyết tương đối, toàn diện hay phân diện, có thể mang tính tri thức luận hay siêu hình. Chẳng hạn nó có thể chỉ giới hạn ở việc khẳng định rằng trong lãnh vực nào đó không có cách nào phân biệt được đúng sai ; hay nó có thể đi đến chỗ cho rằng, người ta không thể phân biệt được đúng sai vì trong lãnh vực đó thực ra không hề có chân lý ! Người ta thường nghĩ rằng thuyết tương đối về mặt luân lý đưa đến sự bao dung và sự đa nguyên. Nhưng nếu không có quan niệm luân lý nào là thực sự đúng, thì điều đó cũng phải áp dụng cả cho lập trường cho rằng chúng ta phải tôn trọng những giá trị và tập tục của những người khác, và như thế thì lập luận trên cũng phá sản. Trong Thông điệp Veritatis splendor, Đức Gioan Phaolô II cho rằng sự hoài nghi về mặt luân lý có nguy cơ dẫn đến sự áp bức hơn là lòng bao dung ; và theo Ngài, con người có thể biết được luật tự nhiên (và do đó có những chuân mực cư xử chắc chắn) bằng cách tựa trên lý trí và trên huấn quyền. Như vậy, điều Giáo Hội dạy nhân danh Thiên Chúa thì mọi người có trí khôn đều có thể đạt tới, và do đó, giáo huấn của Giáo Hội nói với tất cả mọi người. Phía bên Tin Lành, chẳng hạn K. Barth và Bonhoeffer, có khuynh hướng cho rằng việc nhận biết điều lành điều dữ được ban cùng với việc nhận biết Thiên Chúa, nghĩa là nó cũng được mạc khải. Do đó, chẳng ai cần phải mất công biện minh cho nó – điều không thể làm được – trước quan niệm của người đời. [Michael BANNER, Relativisme trong Dictionnaire critique de la théologie, PUF,1998, tr. 981.
[23] zenith.org, 01.12.2001. Cuộc trao đổi giữa Hồng y Ratzinger với phóng viên của Zenith tại Murcia, Tây Ban Nha, khi Ngài chủ trì cuộc Hội Nghị “Đức Ki tô là Đường, là Sự Thật và là Sự sống”, tại Đại học Thánh An tôn, Tây Ban Nha.
[24] zenith.org, Subiaco. Đặt những câu hỏi này vào trong bối cảnh các nước đang phát triển mới thấy rõ tầm vóc của trách vụ mà Giáo Hội phải đối diện. Hai vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại các nước đang phát triển mà Giáo Hội quan tâm là vấn đề nợ nước ngoài và vấn đề toàn cầu hóa. Cả hai vấn đề đều liên quan đến mối tương quan giữa các nước Âu Mỹ thông qua những công ty đa quốc gia với những ông chủ lớn và thế giới đang phát triển. Đức Hồng y Errazzuriz Ossa, giáo phận Santiago, Chile nói với tạp chí 30 days, 9.2003 : “Toàn cầu hóa về mặt kinh tế, như nó đã được tiến hành, đã tạo ra thực trạng là những nước nghèo nhất và những người nghèo nhất bị gạt ra ngoài lề sự phát triển. Toàn cầu hóa là sự kiện của đời sống, không thể né tránh được, nhưng còn chuyện nó hạ thấp mức sống của những người vốn đã chỉ có rất ít thì không phải là điều không thể tránh. Điều đó tùy thuộc vào mô hình toàn cầu hóa được áp dụng. Chúng ta có thể và phải hy vọng rằng sẽ có một sự toàn cầu hóa đích thực đầy tình liên đới, mà tiêu chuẩn không chỉ là kinh tế tài chính, nhưng còn là sáng tạo ra một không gian trong đó phẩm giá của những người chưa phát triển về mặt kinh tế được tôn trọng” (M. E. BUNSON, sđd p. 85-86). Đây chắc chắn là lãnh vực mà Giáo Hội, thông qua Học thuyết xã hội của mình, phải dấn thân trong việc xây dựng một xả hội công bằng, để bênh vực người nghèo và tỏ ra đáng tin.
[25] “The abolition of man”, in Le Figaro magazine, 12/2001. Bài phỏng vấn Đức Ratzinger của Jean Sevillia. Từ đây : “The abolition of man”.
[26] The abolition of man.
[27] zenith.org, Subiaco.
[28] Muối, tr. 239.
[29] Muối, tr. 140
[30] The abolition of man.Trong bài giảng lễ trước khi diễn ra cuộc họp của Cơ mật viện, Đức Ratzinger nói : “Nếu chúng ta không có được những giá trị chung, chân lý chung, sự thông hiểu nhau đủ về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống con người- thì làm sao sống, làm sao đáp lại những thách đố hết sức lớn của cuộc sống con người – và nếu như thế thì không thể nào có một xã hội đích thực”
[31] La foi ch étienne, tr. 81
[32] Subiaco
[33] idem
[34] idem
[35] M. E. BUNSON, op. cit, p. 188
[36] Muối, tr. 294 -195
[37] idem