Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo:
“Tôi muốn, anh sạch đi!”. (Mc 1,41)
BÀI ĐỌC I: Dt 3, 7-14
“Chúng ta hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là Hôm Nay”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, như Thánh Thần phán rằng: “Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng như thời chống đối, như ngày thử thách trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã thách thức Ta, dù đã chứng nhận và thấy các việc Ta làm trong bốn mươi năm; vì thế Ta đã phẫn nộ với thế hệ đó và phán rằng: Tâm hồn chúng luôn luôn lầm lạc, chúng không nhận biết đường lối của Ta, nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ rằng: Chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta”.
Anh em thân mến, anh em hãy coi chừng, kẻo có ai trong anh em thiếu lòng tin, lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Mỗi ngày anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là “Hôm Nay”, để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá. Vì chúng ta được đồng phần cùng Đức Kitô, nếu chúng ta giữ vững lòng tin thuở ban đầu cho đến cùng.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 94, 6-7. 8-9. 10-11.
Đáp: Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp.
2) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. – Đáp.
3) Ròng rã bốn chục năm, dòng giống này thực Ta đã ngán, khiến Ta thốt ra: dân lạc tâm địa chính thị bọn này, và bọn này không hiểu biết đường lối của Ta. Bởi thế, Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: không khi nào chúng sẽ vào chốn nghỉ an Ta! – Đáp.
Tin mừng: Mc 1, 40-45
40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” 42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.
43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, 44 và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu chữa lành những đau khổ của con người, nhưng Chúa truyền giữ bí mật về vai trò cứu thế của Chúa. Chúa chỉ muốn sống như người tôi tớ khiêm tốn, âm thầm hy sinh phục vụ để cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nếu ngày nay Chúa sống trong thân phận con người giữa chúng con, chắc hẳn người ta sẽ đưa Chúa lên báo chí, truyền hình, truyền thanh. Người ta sẽ quảng cáo Chúa khắp các ngả đường. Và Chúa lại phải vất vả trốn vào hoang địa, Chúa lại tiếp tục ra chỉ thị cấm tuyên truyền đồn thổi về một vị cứu tinh mới xuất hiện.
Lạy Chúa, Chúa thực sự là Đấng Cứu Tinh nhân loại, nhưng Chúa chẳng muốn phô trương tuyên truyền. Những lời đồn đãi vội vã thường nông cạn và làm cho người ta hiểu lầm về sứ mạng của Chúa. Chính con đôi lúc vì thiếu học hỏi và suy gẫm về Chúa, nên cũng hiểu Chúa một cách méo mó, mơ hồ. Xin Chúa giúp con biết khám phá Chúa mỗi ngày. Xin giúp con chuyên chăm học hỏi và suy gẫm Lời Chúa, để có được một niềm tin xác thực và chắc chắn. Xin đừng để con theo Chúa chỉ vì những ước mơ trần tục để rồi có lúc phải thất vọng vì ảo tưởng.
Lạy Chúa, Chúa chỉ muốn sống như người tôi tớ, âm thầm, khiêm tốn, hy sinh, phục vụ. Xin cho con biết nhìn vào cuộc đời quên mình và cái chết của Chúa trên thánh giá để nhận ra tình thương và ơn cứu độ của Chúa. Và xin Chúa cho mọi người chúng con biết đem Tin Mừng đến cho người khác, không phải sự tuyên truyền quảng cáo, nhưng bằng một cuộc đời hy sinh phục vụ trong khiêm tốn và âm thầm như Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Chúa Giêsu chữa một người phong cùi:
– Việc chữa người phong cùi làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia về Đấng Messia, chứng minh Chúa Giêsu chính là Đấng Messia.
– Thái độ của người cùi chứng tỏ người này tin Ngài là Messia: anh “sấp mặt xuống” kêu xin; anh nói “Nếu ngài muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch” (thời đó, phong cùi được coi là chứng nan y vô phương chữa trị).
– Thái độ của Chúa Giêsu biểu lộ một sự ưu ái đặc biệt: “Ngài giơ tay đụng vào anh” (không ai khác dám đụng người cùi, vì sợ lây bệnh và lây sự ô uế).
– Lời Ngài bảo anh đi trình diện tư tế và dâng của lễ chứng tỏ Chúa Giêsu tôn trọng luật lệ đạo do thái.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh; Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được hội nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn. Sự quan tâm của ta với những người nghèo khổ có được toàn diện như thế chưa ?
2. Cái nghèo cũng là một thứ “tội đầu”, vì nghèo nên khổ (như người ta quen nói “nghèo khổ”), vì nghèo khổ nên bị coi khinh và xua đuổi (như người ta quen nói “nghèo hèn”).
3. Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc: ” Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì”.
Mặt người ăn xin sáng lên và nói: “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi!” (Góp nhặt).
Việc giúp đỡ người nghèo khổ chưa chắc có giá trị bằng thái độ tôn trọng của ta đối với họ.
4. “Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót, giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Ta muốn, anh sạch đi’. Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh và anh được sạch” (Mc 1,41-42)
Trong chương trình phóng sự về việc giúp đỡ đồng bào lũ lụt của Đài Truyền hình Thành phố, có một em bé đã gởi một cái quần kèm theo 5000 đồng trong túi để giúp người bị nạn. Cô bé đã nói: “Món quà này con tặng cho bạn nào bằng con để đi học”. Chắc rằng hình ảnh của những con người bất hạnh đã tạo cho cô bé một lòng thương cảm sâu sắc, và hành vi quảng đại ấy đã phần nào làm vơi bớt nỗi khổ của người bạn chẳng may.
Chúa Giêsu cũng chạnh lòng thương xót. Nhưng Ngài không chỉ làm vơi đi hoặc xóa đi bất hạnh của người bệnh bằng cách chữa lành cho anh, nhưng còn cất đi nỗi bất hạnh lớn lao của cả nhân loại là tội lỗi và cái chết, bằng cái chết trên Thập giá và sự phục sinh của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Ngài đập vỡ quả tim chai đá trong con và đặt trong con quả tim biết yêu thương. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa chữa người phong hủi
(Mc 1,40-45)
1. Phong hủi đối với những người Do thái là chứng bệnh ghê tởm, nhơ uế, bệnh nhân phải tuyệt thông với mọi người. Ai tiếp xúc với họ cũng bị coi là ô uế. Vì thế, người phong hủi thường phải ở những nơi cách biệt: đi đến đâu họ phải la lớn để mọi người biết mà tránh xa. Thân phận người phong hủi thật đáng buồn tủi! Bài Tin mừng hôm nay cho biết, người phong hủi dám đến xin Đức Giêsu chữa lành. Điều đó chứng tỏ bệnh nhân có một niềm xác tín vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu vừa quyền phép lại vừa rất thương yêu. Đến với Ngài, chắc chắn sẽ không phải thất vọng.
2. Ông M. Carré nói: “Sống trong một thế giới đầy đau khổ trước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin cậy trông”. Vâng, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị trùng Hansen gặm nhấm rúc rỉa; trong lúc tâm hồn tan nát vì bị mọi người kinh tởm xa cách, chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy người phung hủi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và trọn vẹn phó thác cho tình yêu của Ngài.
Thấy anh có lòng tin, Chúa Giêsu chạnh lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn anh khỏi bệnh”. Chạm đến người phung là phạm luật, khiến người ta khó chịu. Ngài muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Chúa, con người được tiếp xúc thần tính của Ngài, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Ngài. Chính vì thế mà bệnh phung biến mất và anh ta được sạch.
3. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng đến anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh. Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn. Chúng ta tự hỏi mình: sự quan tâm của ta với những người nghèo khổ có được toàn diện như thế chưa ?
4. Hãy tỏ lòng yêu thương những người bệnh tật xấu số
Đọc những vần thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, người thi sĩ thời danh mắc bệnh cùi cách đây không lâu lắm ở trại cùi Quy Hoà (Bình Định), biểu lộ những rung cảm trong cảnh sầu khổ, ta mới hiểu được nỗi đau khổ trong cảnh cô đơn thất vọng của người bị bệnh cùi như thế nào.
Đọc truyện cha Damien, vị tông đồ người hủi, ta mới thấy xúc động và cảm phục. Khi Đức Giám mục ở Hawai giới thiệu cha Damien với dân cùi ở đảo Molokai là cha tình nguyện đến phục vụ họ. Cha Damien rởn tóc gáy khi nhìn thấy họ đến sờ vào thân mình cha. Đức Cha giải thích cho cha Damien là họ không thể hiểu nổi một người ở phương xa, không bà con huyết thống gì với họ, lại còn trẻ, đẹp trai, lại có thể đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt nhìn của họ nên mới đến sờ thử vào con người của cha, xem có thực sự mắc bệnh cùi không. Rồi họ nói với nhau: “Không”. Dần dần cha Damien hoà đồng được với họ, và không còn cảm thấy như ngày đầu. Một ngày kia đến lượt cha cũng mắc bệnh cùi.
5. Còn bệnh phong hủi thiêng liêng nữa
Điều đáng nói là chúng ta phải nhìn đến thứ bệnh cùi thiêng liêng như là một thực tế của mọi thời đại. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thể xác khiến người ta bị cô lập hoá về phương diện thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng là tội lỗi cũng khiến người ta bị cô lập hoá về đời sống thiêng liêng.
Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác. Có những tội khiến ta không còn dám đến nhà thờ và lên rước lễ. Tội còn làm sứt mẻ tình bạn, tình cộng đồng. Khi phạm tội, người ta thường muốn tránh người khác vì mắc cỡ, và người khác cũng không muốn gặp gỡ họ vì đã là nạn nhân hay không muốn trở thành nạn nhân.
6. Truyện: Phải biết cảm ơn Chúa
Trong cuốn truyện thuộc loại Tự Thuật của một người Cha nọ có ghi những ý nghĩ như sau:
Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo: “Bố ơi, con sẽ đếm thử xem trên trời có mấy ngôi sao nhé!”
Sau đó tôi nghe giọng êm đềm dễ mến của con tôi bắt đầu đếm 1,2,3,4…. rồi tôi lại chú tâm vào chuyện đọc báo, không còn để ý đến tiếng con tôi nữa. Đến lúc tôi đọc xong, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng đứa con gái tôi vẫn tiếp tục đếm 223,224,225…. Đến đây, nó bỗng dừng lại, rồi quay sang nói với tôi: “Bố ơi, con không ngờ trên trời có nhiều sao đến thế”.
Nghe con gái bình luận thế! Tôi chợt nhớ thỉnh thoảng tôi cũng đã thầm nói với Chúa: “Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã lãnh nhận bao nhiêu ơn lành của Chúa”. Và càng đếm, trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu, mà vì quá nhiều hồng ân Chúa đè nặng. Rồi tôi cũng đã thường phải thốt lên như con gái tôi: “Lạy Chúa, con không ngờ đời con đã lãnh nhận nhiều ơn lành của Chúa đến thế!”
Nguồn: tgpsaigon.net