Bài 10 :
ĐỜI SỒNG THIÊNG LIÊNG, CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI
Chỉ trong một đoạn thư ngắn như Gl 4,4-7, thánh Phaolô đã đưa chúng ta trở về nguồn mạch là Thiên Chúa Ba Ngôi để suy nghĩ về đời sống của chúng ta hôm nay.
Lm. FX. Vũ Phan Long, ofm
1.- Chương trình của Chúa Cha
Đời sống thiêng liêng của chúng ta là một công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Phaolô nói với chúng ta như thế qua đoạn văn Gl 4,4-7:
“4 Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em/chúng ta mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” 7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”.
Giờ đây chúng ta tìm hiểu từng điểm:
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (c. 4).
Đây là một khúc quanh quyết liệt trong chương trình của Thiên Chúa: có một thời đại đang khép lại và một thời đại nới đang mở ra. Đặc điểm của thời đại cũ được diễn tả bằng tình trạng nô lệ với các từ ngữ: thiếu niên – nô lệ – dưới quyền những người giám hộ và quản lý (4,1-2a; 4,3), còn thời đại mới có đặc điểm là sự tự do, diễn tả bằng các từ ngữ: (trưởng thành) – con – người thừa kế – cha (4,4-7). Cái “trước” biến thành một cái “sau” nhờ hoạt động giải phóng được Chúa Cha điều hành trong sự hài hòa với Con của Ngài và Thần Khí của Con Ngài, xuyên qua hai cuộc sai phái, sai phái Con và sai phái Thần Khí (4,3; 4,6).
Thánh Phaolô long trọng công bố một chọn lựa của Thiên Chúa: Khi tới đỉnh cao thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai phái [1] Con của Ngài đến thế gian trong tình trạng hạ mình và trong các giới hạn: “sinh làm con một người đàn bà”, tức là Người đã trở thành người phải chết, giới hạn, như tất cả mọi người, như thế chia sẻ sự mỏng dòn của thân phận con người; “sống dưới Lề Luật”, nghĩa là sống một cuộc sống được Lề Luật và các truyền thống quốc gia Do-thái qui định (x. Rm 8,3). Con Thiên Chúa đã “sinh làm con một người đàn bà và sống dưới Lề Luật” theo nhãn quan pháp lý của thư Galát (4,4), nhưng dưới nhãn quan cứu độ học của thư Rm, Người đã đến “mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (Rm 8,3), nghĩa là đã trở thành một thành viên của loài người hướng chiều về tội lỗi (“thân xác tội lỗi” = khuynh hướng đưa con người tới chỗ phạm tội) và Người đã trải nghiệm những hậu quả của tội lỗi, khi chịu chết (x. Gl 3,13). Đây là một nghịch lý vĩ đại: Thiên Chúa, là tự do tuyệt đối, đã sai Con mình vào trong một hoàn cảnh nô lệ cùng cực.
Thiên Chúa làm như thế để làm gì? Thánh Phaolô viết:
“để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu [để] chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (c. 5).
“Để chuộc những ai sống dưới Lề Luật” là phương diện tiêu cực (x. 3,13); “để chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” là phương diện tích cực.
Như thế, Thiên Chúa đã chấp nhận nghịch lý của mầu nhiệm Nhập thể của Con mình, để thực hiện một công trình giải phóng. Bằng cái chết trên thập giá và trong tư cách con người, Đức Kitô đã thi hành bản án trên tọi lỗi, nghĩa là đã đẩy tội lỗi lâu nay vẫn thống trị trên xác thịt con người đến chỗ trở thành bất lực. Nhờ Đức Kitô, Chúa Cha đã giải phóng hoàn toàn (Gl 4,5; Rm 8,2) loài người khỏi mọi thứ nô lệ mà tội Ađam đã bung ra trong thế gian (Rm 5,12). Cuộc giải phóng này đã được thực hiện trọn vẹn trong ơn nghĩa tử (huiothesia) được ban cho những ai tin vào Người (Gl 4,5; Rm 8,1). Theo thư Gl, ơn nghĩa tử là được thông dự vào tư cách con của Con Thiên Chúa, do Người đã nhận lấy thân phận loài người chúng ta. Con Thiên Chúa đã sinh làm con một người phụ nữ để các người con phụ nữ có thể trở thành những nghĩa tử. Phương thức rõ ràng nhất của sự biến đổi lạ thường này hệ tại hành vi liên đới trong cái chết. Bởi vì Người đã chết và đã sống lại vì chúng ta, Đức Kitô đã đón tiếp tất cả chúng ta vào trong nhân tính mới của Người, trong thân xác đã được tôn vinh của Người; và trong Người là Con Thiên Chúa, chúng ta đã trở thành con Thiên Chúa (x. 3,26). Ơn nghĩa tử đưa lại cho chúng ta một danh hiệu như Đức Kitô; chính vì thế, chúng ta cũng trở thành “người thừa kế” (Gl 4,7; “đồng thừa kế”: Rm 8,17).
2.- Vai trò của Chúa Thánh Thần
Ở đỉnh cao của chương trình cứu độ tuyệt vời của Thiên Chúa Cha, thánh Phaolô cho thấy Thánh Thần đang hoạt động:
“Để chứng thực anh em là con cái [rằng anh em là con cái], Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi !” (c. 6).
Đi từ “chúng ta” của c. 5 (= Do-thái và Dân ngoại), thánh Phaolô nói trực tiếp với người Galát ở c. 6 (anh em). Nhưng ngay sau đó, ngài lại trở về với “(lòng) chúng ta”: ngài muốn khẳng định rằng mọi ki-tô hữu (tôi = Phaolô, anh em = người Galát, họ = ki-tô hữu gốc Do-thái) đều đã nhận Thánh Thần này như là bảo chứng về ơn làm nghĩa tử.
Điểm độc đáo của công thức mới này là Thiên Chúa gửi vào “trái tim chúng ta” một Đấng thường xuyên thuộc về Chúa Con. Nếu thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa đã đặt “Thần Khí của Ngài” vào lòng chúng ta, thì tương ứng với sấm ngôn Êdêkien (Ed 11,19; 36,26s; 39,29). Ngài cũng không nói là Con Thiên Chúa đã ban cho chúng ta “Thần Khí con cái”, vì điều này tuy mới nhưng cũng đơn giản. Ngược lại, ngài nói rằng Thiên Chúa đã sai “Thần Khí của Con mình” vào lòng chúng ta, điều này thật sự phức tạp, bởi vì ngài diễn tả một sự can thiệp của Thiên Chúa đồng thời cho thấy một tương quan của Thiên Chúa với Thần Khí và với Con, và ngài thiết lập một tương quan mật thiết giữa ba Đấng. Thánh Thần vẫn ở trong quan hệ với Thiên Chúa, Đấng sai phái Ngài, và với Chúa Con, mà Ngài thuộc về. Và chúng ta được đặt trong tương quan với Thánh Thần, với Chúa Con và với chính Thiên Chúa. Cách diễn tả này nhằm nêu bật quyền chúa tể của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ: chính Ngài sai phái Chúa Con và Thần Khí của Chúa Con. Tất cả chỉ nhắm làm cho chúng ta trở thành con cái.
Đây không phải là lần đầu tiên thánh Phaolô nói đến Thần Khí. Ngài đã nói đến Thần Khí ngay đầu chương 3 của thư Gl (x. 3,1-5), rồi nói đến một hành vi “tiêu cực” của Thần Khí: chiến đấu chống lại xác thịt, là sự yếu đuối của loài người. Sau đó, ngài cho thấy là có “Thần Khí của lời hứa” (3,14b), trực tiếp liên hệ đến “phúc lành ban cho Abraham” (c. 14a). Kế đó (3,15-29), xuất hiện ý tưởng “gia tài/thừa kế” (cc. 18a. 29 liên kết với ý tưởng “con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô” (c. 26).
Khi áp dụng cũng động từ “sai phái” cho Con Thiên Chúa và cho Thần Khí, tác giả muốn nói rằng Thần Khí cũng có những đặc tính như Con Thiên Chúa, ngoại trừ là Con, và có một tương quan giữa việc sai phái Thần Khí và Chúa Con. Tương quan hình thức là giữa hai hành vi giống nhau của Thiên Chúa; nhưng còn có một tương quan sâu xa hơn, đó là ân ban Thần Khí đã có được là nhờ sự vâng phục mang sức cứu chuộc của Đức Kitô (x. Gl 3,13-14).
Được Thiên Chúa gửi vào lòng chúng ta, Thần Khí của Con Thiên Chúa diễn tả quan hệ con cái bằng cách liên tục kêu lên: Abba ho patêr, “Abba, Cha ơi!”. Nghĩa là Thần Khí làm chứng và đảm bảo cho sự tự do của các con cái Thiên Chúa.
Thật ra, từ Abba không chỉ dành cho đứa bé gọi cha, nhưng cho cả người lớn; đàng khác, gọi Thiên Chúa là “Cha” cũng không phải là chuyện lạ: các tôn giáo bán khai hay văn minh, của người Hy-lạp, Rô-ma và Sê-mít, đều gọi như thế. Điều lạ, đó là đây là một cách gọi riêng tư thân mật. Theo Mc 14,36, được hỗ trợ gián tiếp bởi Gl 4,6, Đức Giêsu là người đầu tiên thưa với Thiên Chúa bằng tên gọi thân mật Abba, và như thế cho thấy Người có một quan hệ mới và duy nhất, vô song, với Thiên Chúa (x. Mt 11,27//Lc 10,22; Ga 10,30). Cuộc sống của Đức Giêsu không có mục đích nào ngoài việc đưa loài người vào trong quan hệ con cái mà Ngài có với Thiên Chúa, bằng cách thông ban Thánh Thần trong tư cách là Thần Khí con cái. Nhờ có Thần Khí của Con, nay người tín hữu có thể thông dự vào lời cầu nguyện của Chúa Con: Abba!, tức cũng là đi vào trong quan hệ riêng tư thâm sâu giữa Đức Kitô và Chúa Cha.
3.- Kết quả
Bây giờ chúng ta đến kết luận của toàn phân đoạn Gl 3,1–4,7:
“Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (c. 7).
Bản văn viết theo kiểu tăng dần: “nô lệ–con; con–thừa kế”, và tất cả kết quả là một sự kiện hiện đại: ngay ngày hôm nay….
Nếu đọc toàn phân đoạn, ta ghi nhận rằng Phaolô đã nêu bật vai trò của Thiên Chúa Ba Ngôi trong dự phóng biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa; nhưng luôn luôn là Thiên Chúa Cha ở tại nguồn của công trình này (Gl 3,5; 4,6).
*
Vậy, với Gl 4,1-7, chúng ta hiểu cuộc sống người tín hữu không phải là trò chơi của một định mệnh mù quáng, mà là công trình của Thiên Chúa Cha, của Đức Kitô và của Thần Khí. Đời sống ki-tô hữu là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa, đó là điều mà Thần Khí ở trong mỗi tín hữu liên tục làm chứng. Thư Gl gán cho Thần Khí một vai trò đặc biệt trong ơn nghĩa tử của người tín hữu, nghĩa là trong việc biến đổi con người thành con Thiên Chúa và trong việc bảo đảm cho tư cách này: nhờ trung gian Thần Khí, người tín hữu trở nên và sống được mãi như là con Thiên Chúa, vì Thần Khí làm cho có ơn nghĩa tử cho riêng từng người và cho Giáo Hội, một ơn đã được ban một lần vĩnh viễn cho kẻ tin vào Đức Kitô. Ngoài ra, Thần Khí còn cho người tín hữu được cảm nghiệm cụ thể tư cách này (x. part. pres. krazon, “kêu lên”). Từ đó, người tín hữu là một con người hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, chương trình cứu độ đến từ Thiên Chúa Cha; chính Ngài đã cử Con của Ngài đến, rồi đã thực hiện ơn cứu độ bằng cách ban Thần Khí của Đức Kitô. Đây là một lược đồ Ba Ngôi trong hoạt động cứu thế.
Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô nhắc lại kinh nghiệm Ba Ngôi này: “Chúng ta phải để cho Thần Khí khai mở nguồn nước hằng sống tuôn trào từ Đức Kitô cách vô cùng phong phú. Chính Thần Khí làm cho chúng ta nhìn nhận Đức Giêsu Nadarét là Đức Chúa (x. 1 Cr 12,3). Ngài cho chúng ta nghe được lời mời gọi đi theo Đức Kitô và kết hiệp chúng ta trong Người. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thể thuộc về Đức Kitô (x. Rm 8,9). Chính Thần Khí, khi biến chúng ta thành những người con trong Chúa Con, làm chứng về tình phụ tử của Thiên Chúa, giúp chúng ta ý thức đến tư cách là nghĩa tử và cho phép chúng ta dám gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15). Chính Thần Khí đổ tràn tình yêu và làm nảy sinh sự hiệp thông” (s. 20).
[1] Chúng ta ghi nhận là động từ này chỉ được dùng hai lần, ở đây và ở c. 6 khi nói về Thần Khí; trong các bản văn khác, thánh Phaolô không bao giờ nói rằng Thiên Chúa sai phái Thần Khí (Rm 5,5; 2 Cr 5,5; 1 Tx 4,8; x. Ep 1,17; Rm 11,8.