VI. LINH MỤC
VỪA LÀ THẦY DẠY VỪA LÀ MÔN SINH
1. Môn đệ và tông đồ
+ Linh mục là tông đồ, tham gia sứ vụ tông đồ của Giáo hội. Cùng với giám mục và dưới sự hướng dẫn của giám mục, linh mục là người được sai đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu.
+ Linh mục cũng như các tông đồ, trước khi được sai đi, đã được kêu gọi, được đào tạo, được chọn. Trước khi là tông đồ, chúng ta phải là môn đệ. Người môn đệ phải không ngừng gần gũi với Thầy, tiếp xúc với Thầy, học hỏi nơi Thầy.
+ Chúa Giêsu không những là Thầy, mà còn là Chúa của chúng ta, nên việc chúng ta học hỏi nơi Người, là môn sinh của Người, không dừng lại ở một giai đoạn. Khoa học mà chúng ta học với Chúa Giêsu không là khoa học theo nghĩa trần gian, nhưng là khoa học thần linh (science divine), khoa học về sự sống, về tình yêu của Thiên Chúa. Chính vì thế mà “ngừng học” là “không biết gì nữa”, không nói được gì nữa. Ngưng là môn đệ cũng là chấm dứt công việc tông đồ. Trường hợp Giuđa thực là rõ ràng : khi không muốn nghe Chúa nữa, ông bắt đầu bỏ Chúa, và sau đó là nộp Chúa.
+ Trong lịch sử Giáo hội, các nhà truyền giáo nhiệt thành nhất, các vị thầy lỗi lạc nhất (các giáo phụ, các thánh tiến sĩ) thường là những môn sinh chăm chỉ nhất, là những môn đệ gần gũi nhất của Chúa. Các vị thánh đều là những thầy dạy rất rõ ràng, rất chắc chắn cho nhiều thế hệ, vì các ngài là những học trò chăm chỉ nhất, xuất sắc nhất của Chúa. Theo quan điểm đức tin và cái nhìn của Kinh Thánh, “đời sống chiêm niệm” thực sự là một tương quan “thầy trò” đẹp đẽ nhất, thắm thiết nhất với Chúa.
+ Một điều hết sức cơ bản trong đời sống tu đức là : linh hồn nào cũng cần người “mục tử” hướng dẫn chăm sóc. Ngoại trừ Chúa Giêsu ra, người mục tử nào cũng vừa là mục tử, vừa là con chiên. Nếu ta không là con chiên, không được chăm sóc, thì ta sẽ không biết cách chăm sóc người khác.
2. Linh mục vừa là thầy, vừa là học trò
+ Có lẽ mỗi người trong chúng ta có chút ít kinh nghiệm về dạy học. Những người thầy dù đã khá quen thuộc, nhuần nhuyễn với việc dạy học, dù đã dạy nhiều lần cùng một môn học, vẫn không thể dạy tốt nếu hoàn toàn không có chuẩn bị. Làm thầy chưa quen thì cần chuẩn bị nhiều hơn, làm thầy thật giỏi hay quen rồi thì cần chuẩn bị ít hơn. Chính vì thế mà khi dạy, bao giờ thầy cũng học được một điều gì đó.
+ Có những trường hợp rõ ràng : cách học hay nhất là dạy. Một người vừa hiếu học, vừa khiêm tốn, thì sẽ tiến rất nhanh và rất xa trong công việc của mình. Có những linh mục luôn thao thức trau dồi kiến thức thần học Kinh Thánh cho mình, đã mở những lớp thần học giáo dân, những lớp Kinh Thánh cho người lớn. Thế là cả thầy lẫn trò đều được nhờ : thầy trau dồi không ngừng nên lớp học hấp dẫn sinh động. Các “môn sinh” đã lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm, có kiến thức, có thể đặt những câu hỏi khiến thầy phải động não và phải nghiên cứu thêm.
+ Cũng có những trường hợp ngược lại : cách dạy tốt nhất là học. Kinh nghiệm cho thấy, dù dạy bất cứ môn gì, nếu không học thật kỷ càng, không biết thật rõ, thì người dạy sẽ không “vững chắc”. Chính vì thế, muốn cho học trò và sinh viên giỏi, thầy phải học hỏi không ngừng. Càng học, càng đọc sách nhiều thì dạy càng hay, càng chắc chắn. Chỉ có thể là một thầy dạy vừa sâu vừa rộng khi không ngừng học hỏi suy tư.
+ Chúng ta không thể nào là những thầy dạy đức tin, thầy dạy sống đạo tốt được nếu chúng ta không trau dồi bằng đọc sách, học hỏi và suy tư. Đó là ý nghĩa của việc “thường huấn” mà Giáo hội hôm nay không ngừng nhắc nhở chúng ta. Linh mục là người mục tử, và công việc chính yếu của linh mục là công việc mục vụ. Khoa mục vụ là một nghệ thuật trên hết mọi nghệ thuật (Ars artium – thánh Grêgôriô Cả). Một linh mục thành công là một nghệ sĩ tài ba.
3. Các lãnh vực cần học hỏi (thường huấn)
+ Linh mục là “thầy cả”, là một “trưởng lão”, nên phải là một người trưởng thành về mọi mặt. Nhưng đó chỉ là nguyên tắc, là lý tưởng mà mỗi người trong chúng ta chưa đạt được. Vả lại, sự trưởng thành của một con người là một trạng thái động, một tiến trình, chứ không là một trạng thái tĩnh, một điểm dừng. Chính vì thế, con người vẫn có thể mỗi ngày trưởng thành hơn, nhất là trong đời sống đức tin, đức cậy và đức ái.
+ Người kitô hữu không ngừng được Thiên Chúa giáo dục, dạy dỗ thì mới xứng đáng trở nên con cái của Thiên Chúa. Linh mục không là một ngoại lệ, mà còn cần được giáo dục nhiều hơn nữa. Các lãnh vực chính trong công việc đào tạo linh mục vẫn phải được tiếp tục trong đời sống của mỗi người chúng ta.
– Lãnh vực nhân bản : Một phần lớn những thất bại trong công việc mục vụ của linh mục là vì những lý do con người (nguồn gốc nhân bản) : tính tình, tâm lý, cách xử thế. Theo tông huấn “Pastores dabo vobis”, linh mục phải là người có khả năng mở ra những tương quan với người khác. Nếu không có khả năng tạo ra những tương quan tốt với người khác, linh mục không thể nào giúp đỡ, phục vụ người khác được (thầy dạy). Linh mục còn có nhiệm vụ “nối kết”, tạo các nhịp cầu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau. Một phần khá lớn trong công việc của linh mục là điều chỉnh các tương quan của giáo dân với nhau, để họ có được sự bình an và có khả năng bước theo Đức Kitô.
Linh mục hãy không ngừng học cách sống (savoir-vivre), và đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã trọn vẹn. Linh mục học sống từ kinh nghiệm. Có những bài học kinh nghiệm rất đắt giá. Linh mục có thể học với giám mục, với anh em linh mục khác, với giáo dân, và có khi phải học với cả người ngoại đạo. Hãy cố gắng thực hiện lời khuyên của thánh Phaolô : “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).
– Lãnh vực trí thức : Một linh mục không trau dồi, không học hỏi thêm, sẽ chóng tụt hậu, và sẽ không đáp ứng được nhu cầu mục vụ. Việc đọc sách thần học và Kinh Thánh là điều không thể thiếu, để linh mục có thể hoàn thành sứ mạng “rao giảng Lời Chúa”, giúp giáo dân đưa Lời Chúa vào cuộc sống. Linh mục phải không ngừng cập nhật hoá mới có thể giải đáp những vấn đề của thời đại, cho mình và cho giáo dân, đặc biệt là những vấn đề luân lý… Linh mục không trau dồi về phương diện trí thức sẽ không có chất liệu để nuôi dưỡng giáo dân, và hệ quả là đàn chiên ốm đói, suy dinh dưỡng.
– Lãnh vực thiêng liêng : Con người linh mục phải được canh tân đổi mới không ngừng. Chúa Thánh Thần mà linh mục nhận lãnh khi chịu chức thánh sẽ không ngừng hoạt động hiến thánh con người linh mục, để linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, người mục tử nhân lành. Tương quan mật thiết với Đức Kitô là điều mà linh mục phải tự do đảm nhận và sống. Linh mục phải tự nguyện “sống trong Chúa Thánh Thần”, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để có được một sự gắn kết vừa hữu thể, vừa tâm linh, vừa bí tích, vừa đạo đức với Chúa và Giáo hội (lien ontologique et psychologique, sacramentel et moral).
– Lãnh vực mục vụ : “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10).
“Linh hồn” của công việc mục vụ là “đức ái mục tử”. Chính đức ái mục tử làm cho công việc mục vụ sinh nhiều hoa trái của Thánh Thần. Tâm hồn linh mục phải không ngừng rộng mở với ân sủng, để “đức ái mục tử” của chính Chúa Giêsu tràn sang cho linh mục, nhờ Chúa Thánh Thần mà linh mục đã nhận lãnh trong bí tích Truyền Chức.
Chính đức ái mục tử thúc đẩy linh mục không ngừng tìm hiểu các con chiên, tìm hiểu hoàn cảnh sống của họ; phân định những lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong các hoàn cảnh lịch sử; tìm ra những phương pháp thích hợp nhất, những cách thức hữu ích nhất để thi hành sứ vụ. Đức ái mục tử linh hoạt và nâng đỡ các nỗ lực của linh mục, để cho công việc mục vụ trở nên “phù hợp, khả tín và hữu hiệu hơn”.
4. Linh mục học với ai ?
+ Trước hết là học với Chúa :
Người linh mục sẽ không bao giờ thực hiện được cách tốt đẹp các chức năng của mình nếu dừng lại, chấm dứt việc học hỏi với Chúa. Chính Chúa là Thầy dạy sự khôn ngoan, Thầy dạy con đường nên thánh. Chúa dạy cho chúng ta biết Chúa, biết chính mình và biết người khác.
Chúa luôn ban ánh sáng cho tâm trí chúng ta. Chúng ta có thể có được những “trực giác thiêng liêng” rất sâu xa và rất đúng nhờ học với Chúa.
Chúng ta học trực tiếp với Chúa bằng sự cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa. Chúng ta có thể học những bài học hết sức hữu ích và đầy tràn sự sống với Chúa trong thinh lặng.
+ Học với giám mục và anh em linh mục :
Vì cương vị linh mục là thầy dạy, nên ít có ai dám làm thầy dạy của linh mục. Đó là một thiệt thòi lớn cho linh mục! Chỉ có giám mục nào can đảm mới dám “nhắc nhở” linh mục. Trong ba chức năng của giám mục, tiên tri, tư tế và mục tử, chức năng nào cũng quan trọng. Giáo huấn là nghĩa vụ của giám mục, giám mục phải thi hành không những đối với Dân Chúa, mà đối với cả linh mục nữa.
Người linh mục nào khiêm nhường lắng nghe giám mục thì sẽ được “bình an” và làm việc hiệu quả (những hoa trái của Chúa Thánh Thần).
Các linh mục cũng nên lắng nghe nhau, học hỏi với nhau. Đừng ai tự hào vì hơn người khác. Linh mục nào hay hỏi ý kiến anh em thì bao giờ cũng là linh mục tốt, và công việc mục vụ sẽ sinh động, phong phú đa dạng. Hãy học những kinh nghiệm mục vụ với nhau, trao đổi kiến thức thần học, Kinh Thánh với nhau. Linh mục nào làm việc một mình, không hợp tác với ai sẽ phải kéo dài cuộc đời linh mục trong cô đơn, buồn tẻ, và có khi thất vọng nữa.
+ Học với giáo dân và người ngoại đạo :
Linh mục cũng cần tham khảo giáo dân trong nhiều lãnh vực, nhất là những lãnh vực mà họ hiểu biết nhiều hơn, có kinh nghiệm hơn. Người giáo dân có tiếng nói của họ. Linh mục cần phải lắng nghe, ít nhất là để biết nguyện vọng của họ.
Linh mục cũng có thể học với những người khác tôn giáo, những người không có đạo, đặc biệt là những nét nhân bản tích cực nơi họ.
+ Học với cuộc đời :
Một bài học cũng đáng giá cho linh mục, đó là bài học với cuộc đời. Những thành công hay thất bại, những đau khổ và thất vọng đều có thể dạy cho linh mục những bài học để đời. Trong cuộc đời linh mục, thế nào cũng có một số “vụ việc” dạy cho những bài học không thể quên. Những bài học ấy có thể đem ra ứng dụng nhiều lần mà vẫn không hết tác dụng.
Một linh mục thường xuyên “phản tỉnh”, biết nhìn lại, nghĩ lại, xét lại, sẽ là một linh mục học được nhiều bài học nhất với cuộc đời. Theo K. Rahner, “Kinh nghiệm bao giờ cũng là kinh nghiệm của chủ thể”.
Việc đọc báo chí và xem tin tức truyền hình cũng có thể rất hữu ích cho công việc mục vụ của linh mục