TGPSG — Tình Phụ tử và tình Mẫu tử có ảnh hưởng rất lớn trên hành vi nuôi dạy con cái của cả cha và mẹ.
Hãy cùng xem phim “Con giống Cha” do Blackstone Films sản xuất. Đó là một thông điệp tuyệt vời về tầm quan trọng của tình phụ tử.
Chúng ta cũng hãy xem phim “Những Vòng Tay Ấm” để thấy ảnh hưởng của người cha trẻ trên đứa con, ngay cả khi ông đã khuất bóng:
Và dưới đây là phim “Món Nợ” diễn tả ảnh hưởng của tình mẫu tử trên cách ứng xử khoan dung của đứa con, ngay cả khi người mẹ đã lìa đời:
Bài phỏng dịch (từ Like Son) dưới đây đặc biệt nói về tình phụ tử trên con cái trong gia đình.
Tác động của tình phụ tử trên đức tin của con cái
Một nghiên cứu do chính phủ Thụy Sĩ thực hiện vào năm 1994 và xuất bản năm 2000 với tựa đề “Đặc điểm nhân khẩu học của các nhóm ngôn ngữ và tôn giáo ở Thụy Sĩ” cho thấy những điều sau:
1) Nếu cả cha và mẹ đều đến nhà thờ thường xuyên, 33% con cái sẽ trở thành người đi lễ thường xuyên và 41% sẽ đi lễ không thường xuyên. 25% sẽ hoàn toàn không sống đạo.
2) Nếu người cha không thường xuyên sống đạo, nhưng người mẹ thường xuyên sống đạo, thì 3% con cái sẽ trở thành người sống đạo thường xuyên, 59% sẽ không thường xuyên sống đạo và 38% sẽ không sống đạo gì cả.
3) Nếu người cha không hề sống đạo, nhưng người mẹ thường xuyên sống đạo, thì chỉ có 2% con cái trở thành người sống đạo thường xuyên, 37% con không sống đạo thường xuyên và hơn 60% con hoàn toàn không sống đạo.
Những con số này cho thấy một thực tế rõ ràng về tầm quan trọng của tình phụ tử trong việc sống đạo. Cũng lưu ý rằng đây là cuộc nghiên cứu về những cha thường xuyên đến nhà thờ. Hãy tưởng tượng nếu người cha này cũng đang đích thân dạy giáo lý cho con cái mình, sống như một người cha tốt và nhân đức, tích cực cầu nguyện với gia đình tại nhà, và nâng cao hiểu biết về đức tin, thì hẳn con số sẽ tăng từ 33% lên một con số cao hơn nhiều.
Con giống cha
Người cha là hình mẫu ưu việt về hành vi, niềm tin và giá trị cho con cái. Người cha là hiện thân của văn hóa gia đình và thế giới. Về mặt lịch sử, các số liệu thống kê cho thấy nếu người cha sống đạo hoặc thể hiện một dạng văn hóa cụ thể, thì gia đình có nhiều cơ hội làm theo nhiều hơn. Các số liệu thống kê cho thấy tình phụ tử và tình mẫu tử đều quan trọng, nhưng tác động trên con cái thì lại khác nhau.
Các người mẹ mang đến sự an toàn. Họ cho con ăn mặc và hướng dẫn con mình. Sức khỏe tinh thần và cảm xúc của một đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào mẹ của chúng. Tất nhiên, đây chỉ mang tính tổng quát. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những người cha đơn thân cũng có thể có sức khỏe tốt tương tự, nhưng đòi hỏi người cha phải thể hiện được cả tình phụ tử và tình mẫu tử đối với con mình.
Từ quan điểm xã hội, người mẹ mang lại sự sống; bà là người chăm sóc, cảm thông, nuôi dưỡng và cung cấp sự ổn định cho một đứa trẻ. Trong khi đó, người cha tạo sự cân bằng: vừa khuyến khích con mình tiến bộ vừa bảo vệ cho con khỏi các yếu tố nguy hiểm. Cần phải tạo sự sự cân bằng vì con cái có thể được bảo vệ quá mức hoặc dễ dãi quá mức.
Nếu người cha có ý thức sâu sắc về bản sắc văn hóa và tôn giáo, mà đưa vào thực hành trong đời sống, thì con cái có cơ hội tốt hơn nhiều để thể hiện bản sắc này. Cụm từ “cha nào, con nấy” không chỉ là một cảm nhận tốt đẹp, mà chính là một mô thức. Một điều gì đó quan trọng đối với người cha, cũng sẽ quan trọng đối với con trai của ông, nếu đó là một người cha tốt.
Một người cha tốt
Điều gì khiến một người đàn ông trở thành một người cha tốt? Đây là một câu hỏi vừa lớn vừa khó và không dễ trả lời. Nhưng đây là một vài đặc điểm chính.
Trên trang web www.childwosystem.gov, một nghiên cứu có tựa đề “Những người cha và tác động của họ đối với sức khỏe của trẻ em” đã báo cáo như sau: Nếu người cha biết chu đáo và dấn thân, những đứa con sẽ được giáo dục tốt hơn, có khả năng giao tiếp tốt hơn đối với các bạn cùng lứa tuổi, kỹ năng nói tốt hơn, hoạt động trí tuệ và điều chỉnh cảm xúc và hành vi cũng tốt hơn.
Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng: “Một người mẹ – cảm thấy được khẳng định bởi người cha của con mình và có mối quan hệ hạnh phúc với người đàn ông ấy – sẽ có nhiều khả năng trở thành một người mẹ tốt hơn. Thật vậy, mối quan hệ tốt đẹp gữa hai vợ chồng sẽ ảnh hưởng tốt đến hành vi nuôi dạy con cái của cả cha và mẹ. Họ sẽ phản ứng nhanh hơn, tình cảm và tự tin hơn với các đứa con sơ sinh; biết ứng xử tự chủ hơn với những đứa con còn đang chập chững tập đi; và thành những người bạn tâm sự tốt hơn với những đứa con tuổi teen đang cần lời khuyên và hỗ trợ tinh thần.”
Vì vậy, một người cha tốt trước hết phải là một người chồng tốt. Nếu bạn đang sống bí tích Hôn phối, thì người đầu tiên chính yếu mà bạn phải hướng đến chính là vợ của bạn. Nếu tình cảm vợ chồng được vững chắc, thì quan hệ với con cái sẽ tốt hơn rất nhiều. Và ngược lại, nếu tình cảm vợ chồng rạn nứt thì con cái sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Theo cổng thông tin ‘Phúc Lợi Trẻ Em’, người cha phải là một hình mẫu nam tính lành mạnh, bảo vệ con cái, tạo kỷ luật cho con cái một cách phù hợp, là người hướng dẫn con cái ra thế giới bên ngoài đồng thời chu cấp cho gia đình. Trên phương diện là một tấm gương, một người cha nên phát huy sứ mệnh của gia đình mình, tuân thủ tinh thần và văn bản của các quy tắc chi phối cuộc sống gia đình, và nên biết thừa nhận những sai lầm của mình.
Vai trò mô hình của đức tin
Điểm cuối cùng quan trọng là rèn luyện con cái sống đức tin. Để trở thành người cố vấn hoặc hình mẫu đức tin, người cha cần phát huy sứ mệnh của gia đình, tuân thủ các quy tắc và nhận ra những sai lầm.
Đề cao sứ mệnh của gia đình là phải nói rõ ra rằng: sứ mệnh của mỗi thành viên trong gia đình là lên thiên đàng, là làm thánh. Về phương diện tâm linh, người cha chính là cha sở của giáo hội tại gia. Vì vậy, sứ mệnh sống thánh thiện phải bao trùm tất cả mọi người trong nhà.
Thứ hai, các quy tắc của gia đình cần phải dựa vững chắc vào các quy tắc của Giáo hội. Mười Điều Răn không chỉ là “mười gợi ý” và Các Mối Phúc phải được thực thi đầy đủ. Tinh thần và bộ luật của Giáo Hội, bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô, cần phải là động lực chính của gia đình và là nguyên tắc cho các hoạt động của gia đình.
Cuối cùng, người cha cần sẵn sàng nhận ra và xin lỗi khi ông làm một điều không đúng. Điều này cần được thực hiện công khai. Tất nhiên, cũng có những ranh giới chung cho điều này. Người cha không được làm gương xấu cho con cái hoặc phản bội sự trong trắng của chúng. Hãy luôn sẵn sàng nhanh chóng tìm kiếm sự tha thứ.
Tạo cảm hứng, mời gọi tham gia và thể hiện nam tính
Hỡi các người cha, việc tạo cảm hứng cho gia đình mình đều tùy thuộc vào chúng ta. Nếu mục tiêu của ta là thiên đường và ta biết truyền đạt mục tiêu này vào tất cả những gì chúng ta nói và làm, thì gia đình của ta sẽ làm theo.
Chúng ta cần phải mời gọi tham gia bởi vì nếu không thì mọi sự cứ mãi như cũ.
Cuối cùng, chúng ta cần sống theo lời khuyên của Thánh Josemaria Escriva: Hãy là ‘đàn ông’. Nếu bạn đưa con cái mình đến với Chúa Giêsu và giới thiệu cho chúng có mối quan hệ thực sự với Ngài, thì chúng phải nghiêm túc làm điều đó. Nếu bạn trốn tránh trách nhiệm của mình, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về sự thiếu sót của mình. Hãy trở thành người mà bạn được kêu gọi trở thành trong Bí tích Rửa tội. Khi bạn trở thành một người cha, Thiên Chúa đã không ngừng ban ơn cho bạn. Hãy đón nhận và hợp tác với ơn Chúa, vì lợi ích của gia đình bạn và toàn thế giới.
Cuộc sống gia đình rất khó khăn. Làm thánh thật khó. Làm chồng, làm cha cũng rất khó. Tuy nhiên, câu trả lời rất đơn giản: “Hãy là một người đàn ông”. Hãy mạnh mẽ lên!
Vi Hữu (TGPSG) tổng hợp