SỰ BÌNH AN
Hồng ân của Thiên Chúa nơi Đức Kitô
1. Chúng ta được bình an với Thiên Chúa
Nếu được nghe tiếng kêu mạnh mẽ nhất trong tâm hồn của hàng tỉ người, hẳn chúng ta sẽ nghe thấy, trong mọi ngôn ngữ, một chữ duy nhất, chữ đó là : Bình An. Tình hình đáng buồn trên thế giới hiện nay, liên hệ đến vấn đề hòa bình, cộng thêm với việc cần phải tìm lại ý nghĩa phong phú và sâu sắc của chữ này trong Kinh thánh, khiến chúng ta chọn nó làm chủ đề cho bài suy niệm này. [liên hệ đến Mùa Giáng sinh, lời các thiên thần : Bình an dưới thế…; ngày đầu năm dương lịch : cầu nguyện cho hòa bình thế giới].
Trước hết, chúng ta cùng nhau nghe lại lời loan báo cơ bản của thánh Phaolô trong thư Rôma: “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay ; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5,1-2).
Lúc Thế chiến thứ hai kết thúc ở Ý, từ thành thị đến thôn quê, từ nhà này sang nhà khác, đâu đâu cũng vang lên tiếng reo hò : Đình chiến rồi, Hòa bình rồi. Chấm dứt cơn ác mộng, chấm dứt cuộc khủng bố, không còn oanh tạc, không còn đói kém. Cuối cùng thì người ta lại được sống. Một chuyện đại loại như vậy cũng đã xẩy ra trong tâm hồn các độc giả qua lời loan báo của thánh Tông đồ : Hòa bình đến rồi. Một thời kỳ mới mở ra cho nhân loại. trong mối tương quan của con người với Thiên Chúa. Đối với con người thời ấy, đây là thời kỳ “lo âu”. Phaolô gọi đó là “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, từ trời, chống lại mọi thứ vô luân và bất chính” (Rm 1,18). Do vậy mà có vô số nghi thức và phụng tự bí truyền để cầu an, trong xã hội ngoại giáo lúc bấy giờ.
Nói về sự bình an, hầu như chúng ta chỉ nghĩ đến bình an theo chiều ngang : bình an giữa các dân nước, chủng tộc, giai cấp xã hội, tôn giáo. Nhưng lời Chúa cho hay : sự bình an đầu tiên và chủ yếu nhất là bình an theo chiều dọc, giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Mọi hình thức bình an khác đều tùy thuộc vào sự bình an này.
Đó là điều chúng ta thấy ngay trong trình thuật về sự sáng tạo. Bao lâu Ađam và Evà còn sống bình an với Thiên Chúa, thì nơi họ vẫn còn sự bình an giữa xác thịt và tinh thần (họ trần truồng mà không cảm thấy xấu hổ), giữa đàn ông và đàn bà, giữa con người và các thụ tạo khác. Nhưng từ khi con người chống lại ý muốn của Thiên Chúa, mọi sự cũng bắt đầu chống lại nhau : xác thịt chống lại tinh thần (cả hai ý thức mình trần truồng), đàn ông chống lại đàn bà (“người đàn bà ấy đã cám dỗ tôi”), thiên nhiên chống lại con người (đất trổ sinh gai góc), anh em chống lại nhau (Cain và Abel).
2. Bình an của Thiên Chúa được hứa và được ban
Trước lời loan báo của Phaolô nói trên, người ta giả thiết đã có điều gì đó làm thay đổi vận mệnh của nhân loại. Nếu giờ đây chúng ta được bình an với Thiên Chúa, thì phải hiểu là trước đây chúng ta đã không được như vậy. Nếu giờ đây “không còn án phạt nữa”, thì phải hiểu là trước đây đã có án phạt. Chúng ta thử xem điều gì đã có thể tạo ra sự thay đổi như thế trong tương quan giữa con người và Thiên Chúa.
Trước sự phản loạn của con người (tội tổ tông), Thiên Chúa đã không bỏ mặc nhân loại cho định mệnh của họ, nhưng quyết định một chương trình mới để hòa giải họ với Ngài. Chúng ta thử lấy một ví dụ tầm thường nhưng hữu ích, để giúp ta hiểu điều trên đây : đó là hệ thống định vị (GPS) dành cho xe hơi. Nếu một lúc nào đó, tài xế không theo sự chỉ dẫn của hệ thống, chẳng hạn rẽ sang bên trái thay vì bên phải, lập tức hệ thống đó vẽ cho anh ta một lộ trình mới, tính từ vị trí của anh ta, đưa đến chỗ anh ta định đến. Đó cũng là điều Thiên Chúa làm cho con người. Sau khi con người phạm tội, Ngài đã quyết định một chương trình cứu độ, để đưa con người tới đích.
Việc chuẩn bị lâu dài khởi đầu bằng những giao ước trong Kinh thánh. Có thể nói đây là những “bình an tách riêng”. Trước hết là với những cá nhân : Noê, Abraham, Giacóp ; rồi qua Mosê là với tất cả dân Israel, để họ trở thành dân giao ước. Những giao ước này không giống với các liên minh của con người, luôn là những giao ước hòa bình, không bao giờ có chiến tranh chống lại kẻ thù.
Thế nhưng, Thiên Chúa lại là Thiên Chúa của cả nhân loại. Thánh Phaolô đã thốt lên: “Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do thái ? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa sao ?” (Rm 3,29). Vậy những giao ước này chỉ có tính chất giai đoạn, tạm thời, một ngày nào đó sẽ mở rộng cho tất cả mọi người. Quả thực các tiên tri ngày càng nói rõ hơn về một “giao ước mới và vĩnh cửu”, một “giao ước bình an” (Êd 37,26), từ Sion và Giêrusalem sẽ trải tới mọi dân tộc (x. Is 2,2-5).
Sự bình an phổ quát này được trình bầy như một hình thức trở lại với bình an nguyên thủy tại vườn Địa đàng, khi các tiên tri dùng những hình ảnh và biểu tượng, mà truyền thống Do thái giải thích theo nghĩa văn tự, còn truyền thống Kitô giáo giải thích theo nghĩa thiêng liêng: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cầy, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4). “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, beo nằm bên dê nhỏ, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng” (Is 11,6).
Tân ước thấy tất cả những lời tiên tri trên được thực hiện, khi Đức Giêsu đến. Đấng Mêsia sinh ra được mạc khải cho các mục đồng qua lời loan báo này: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Chính Đức Giêsu khẳng định là Ngài đem sự bình an của Thiên Chúa xuống cho trần gian: “Thầy để lại sự bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Buổi chiều ngày Phục sinh, trong nhà Tiệc ly, có biết bao nhiêu rung cảm thiêng thánh đi kèm theo chữ Shalom, Bình an cho anh em, từ miệng Chúa Phục sinh phát ra. Giống như trong lần loan báo của các thiên thần ngày Chúa giáng sinh, chữ này không chỉ là một lời chào chúc hay nguyện ước, nhưng còn là một cái gì đó có thực được truyền đạt, và chứa đựng tất cả nội dung cứu độ.
Giáo hội thời tông đồ không ngừng công bố rằng mọi lời hứa bình an của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Khi nói về Đấng Mêsia sẽ sinh ra tại Belem, tiên tri Mica đã tiên báo: “Chính Người sẽ là sự bình an” (Mk 5,4), giống như điều sẽ được nói trong thư Êphêsô: “Chính Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14).
3. Sự bình an, hoa quả của Thập giá
Để thêm phần chính xác, chúng ta phải tự hỏi : Có phải chỉ do sự kiện đến thế gian mà Đức Giêsu đã tái lập sự bình an giữa trời và đất ? Có phải sự đản sinh của Chúa thực sự là Noel của hòa bình, hay là sự chết của Ngài mới đem sự bình an ấy ? Phaolô cho ta câu trả lời trong đoạn thư Rôma mà chúng ta đã đề cập: “Một khi được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5,1). Được bình an là do được công chính hóa bởi đức tin, và sự công chính hóa này là do Thập giá Đức Kitô (x. Rm 3,21-26).
Bình an là nội dung của sự công chính hóa này. Chúng ta được công chính hóa không chỉ nhờ việc Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của ta, xóa bỏ điều tiêu cực đã có nơi ta, mà còn lãnh nhận thêm điều tích cực trước đây đã không có, đó là lãnh nhận Chúa Thánh Thần, và cùng với Người là ân sủng và bình an.
Một điều hiển nhiên : không thể hiểu được tương quan với Thiên Chúa đã thay đổi triệt để, nếu không hiểu những gì đã xẩy ra trong cái chết của Đức Kitô. Đông phương và Tây phương có những suy nghĩ giống nhau về tình trạng con người trước Đức Kitô và bên ngoài Đức Kitô. Một đàng, con người, khi phạm tội, đã ký với Thiên Chúa một món nợ, và phải chống lại Satan đang bắt mình làm nô lệ. Họ không thể trả nợ, vì món nợ của họ là vô cùng, và không thể thoát khỏi Satan vì đang là tù nhân của nó. Đàng khác, Thiên Chúa có thể chuộc lại lỗi lầm của họ và chiến thắng Satan, nhưng Ngài không làm việc đó, vì Ngài không phải là con nợ. Bởi vậy, phải có một người vừa chiến đấu vừa có thể chiến thắng Satan. Người đó là Đức Kitô, là Thiên Chúa mà cũng là con người. Cả người Hy lạp như Nicôla Cabasilas, lẫn người La tinh như Ambrosiô, đều dùng những hạn từ gần giống nhau để nói lên như thế.
Khi chết trên Thập giá, Đức Kitô thực hiện công trình cứu chuộc. Ngài phá hủy tội lỗi, chiến thắng Satan. Vì là con người, điều Ngài thực hiện thuộc về chúng ta. “Đức Giêsu Kitô đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em” (1Cr 1,30). Còn với tư cách là Thiên Chúa, việc Ngài làm có một giá trị vô biên, và có thể cứu “những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa” (Dt 7,25).
Gần đây, có những người đã xem xét lại ý nghĩa được gán cho hy tế của Đức Giêsu.. Năm 1972, nhà tư tưởng người Pháp, René Girard, đã đưa ra luận đề này : bạo lực là trọng tâm và linh hồn của sự thiêng thánh. Quả thực, ở nguồn gốc và trọng tâm của mọi tôn giáo, kể cả Do thái giáo, đều có nghi thức hiến tế con dê gánh tội (bouc émissaire), là hiến tế có phá hủy và chết chóc. Trước đó, nhà tư tưởng này đã tiến lại gần Kitô giáo, và dịp Phục sinh năm 1959, ông đã công khai hóa việc ông “trở lại đạo”, tuyên bố mình là tín hữu và vào sống trong Giáo hội.
Điều này giúp ông, trong các nghiên cứu tiếp theo, không còn phân tích guồng máy bạo lực, nhưng tìm cách thoát ra khỏi đó. Theo ông, Đức Giêsu lột mặt nạ và phá vỡ guồng máy thiêng thánh hóa bạo lực, khi Ngài tự ý biến mình thành con dê gánh tội thiên hạ, nạn nhân vô tội của mọi bạo lực. Đức Kitô không làm cho người khác phải đổ máu, nhưng Ngài đổ máu mình ra, như thư Do thái nói (Dt 9,11-14). Ngài không đòi hỏi tế vật, nhưng dâng mình làm tế vật, không đặt tội lỗi trên vai người hay vật khác, nhưng gánh lấy tội lỗi ấy: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vao thân thể, mà đưa lên cây Thập giá” (1Pr 2,24).
Thế người ta còn có thể nói về hy tế Thập giá và Thánh lễ như là hy tế nữa chăng ? Trong một thời gian dài, Girard từ chối khái niệm này, vì thấy nó quá nhuốm mầu sắc bạo lực. Cuối cùng, ông rập theo truyền thống Kitô giáo, chấp nhận sự hợp pháp của nó, với điều kiện, như ông nói, coi hy tế của Đức Kitô là một thứ hy tế mới, đóng vai trò trung tâm trong lịch sử nhân loại.
Những gì nói trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người trên Thập giá. Thông thường, hy tế đền tội giúp Thiên Chúa nguôi cơn thịnh nộ trước tội lỗi của con người. Khi dâng hy tế lên Thiên Chúa, con người nài xin Thiên Chúa hòa giải và tha thứ. Nhưng trong hy tế của Đức Kitô thì ngược lại. Không phải con người gây ảnh hưởng lên Thiên Chúa để Người nguôi cơn thịnh nộ, nhưng đúng hơn, chính Thiên Chúa hành động trước để con người từ bỏ sự thù nghịch đối với Ngài. Do đó mà thánh Tông đồ khẳng định: “Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người” (2Cr 5,19), hơn nữa, “Ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết, mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (Rm 5,10).
4. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần
Sự bình an chúng ta có được nhờ Đức Kitô chết trên Thập giá, trở thành tích cực và được thực hiện nhờ Chúa Thánh Thần. Vì vậy, ở nhà Tiệc ly, sau khi nói với các Tông đồ: “Bình an cho anh em”, Chúa Phục sinh thổi hơi trên các ông mà nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).
Thực ra, đúng là sự bình an đến từ Thập giá, nhưng không phát xuất từ Thập giá. Nó đến từ xa hơn. Trên Thập giá, Đức Giêsu đã phá đổ bức tường tội lỗi và thù nghịch ngăn cản sự bình an của Thiên Chúa xuống trên con người. Nguồn mạch cuối cùng của sự bình an chính là Ba Ngôi. Theo Dionysiô Arêôpagô, chữ “bình an” là một trong những danh xưng riêng của Thiên Chúa, giống như những tước hiệu “ánh sáng”, “tình yêu”.
Hầu như trong mọi tôn giáo đa thần, các thần linh thường xuyên tranh chấp nhau, gây chiến với nhau. Chúng ta thấy rõ điều này trong thần thoại Hy lạp. Nói cho chính xác, người ta không thể nói về Thượng Đế bằng những hạn từ “nguồn mạch” và “gương mẫu” bình an, ngay cả trong các tôn giáo độc thần. Quả thực, sự bình an, cũng như tình yêu, cần có hai người. Giữa họ, có bình an khi có giao hảo tốt, có tương quan tình yêu. Người tín hữu thấy tương quan này đẹp đẽ và tuyệt hảo nơi Ba Ngôi. Khi chiêm ngắm icône Ba Ngôi của Rublev, người ta có thể thấy được ý nghĩa bình an toát ra từ bức ảnh thánh, và đó là điều đáng lưu ý nhất.
Như vậy, khi Đức Giêsu nói “Bình an cho anh em” và “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, Ngài chuyển đạt cho các môt đệ “sự bình an của Thiên Chúa vượt lên trên mọi hiểu biết” (Pl 4,7), như thể “bình an” đồng nghĩa với “ân sủng”. Vả lại, hai hạn từ này hay được dùng chung với nhau, như một nhị thức, ở đầu thư của các Tông đồ: “Xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1,7), “Chúc anh em được ân sủng và bình an” (1Tx 1,1). Trong Thánh lễ, khi chủ sự lên tiếng: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”, hoặc khi dân chúng đọc: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con”, thì chính là sự bình an này mà phụng vụ muốn nói.
5. Anh em hãy hòa giải với Thiên Chúa
Chúng ta xem sự bình an nhận được qua phép Rửa, phải dần dần làm thay đổi mối liên hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa như thế nào. Phaolô đã kêu gọi khẩn cấp: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Thánh Tông đồ muốn nói với những Kitô hữu đã sống lâu năm trong cộng đồng. Lời đó không đưa về sự hòa giải đầu tiên, cũng không đưa về bí tích hòa giải, dù ngoài mặt có vẻ như vậy. Liên hệ đến đời sống của chúng ta hôm nay, Phaolô cũng muốn nói với từng người trong chúng ta. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem lời kêu gọi ấy hệ tại ở điều gì.
Một trong những lý do, có lẽ là lý do chính, khiến nhiều người thời nay xa rời tôn giáo và đức tin, là do người ta đã phác họa một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa. Hình ảnh méo mó này cũng là lý do khiến cho Kitô giáo suy thoái, không đà tiến, không niềm vui, được thực hành như một bổn phận hơn là một ân huệ.
Đâu là hình ảnh “đã được xác định trước” về Thiên Chúa (trong ngôn ngữ vi tính gọi là default) trong cõi vô thức tập thể của con người ? Để khám phá ra nó, chỉ cần đặt ra cho mình câu hỏi sau đây, sau đó đặt ra cho người khác: “Ý tưởng nào, lời nói nào, tình huống thực tế nào đến ngay với tâm trí chúng ta, trước khi suy nghĩ, khi chúng ta đọc : Lạy Cha chúng con ở trên trời…Ý cha thể hiện..? Một cách vô thức, chúng ta nghĩ ngay : ý Chúa chỉ gây bực bội, khó chịu, buồn phiền cho tôi, cách nào đó làm tôi mất tự do và không phát triển, như thể Thiên Chúa là kẻ thù của lễ lạc, vui chơi, thích thú, hoặc gần như vậy.
Một câu hỏi khác : Lời cầu Kyrie eleison (Xin Chúa thương xót) được sử dụng thường xuyên trong kinh nguyện Kitô giáo, gợi lên nơi chúng ta điều gì ? Cuối cùng chỉ còn là lời cầu của con người xin Chúa tha thứ, khi thấy Ngài sắp sửa phạt họ. Nghĩa của chữ “thương xót” đã xuống cấp, đến nỗi thường ám chỉ một khía cạnh tiêu cực, như một cái gì đó bần tiện và đáng ghét.
Theo Kinh thánh, Kyrie eleison lẽ ra phải được dịch là: “Xin Chúa xuống trên chúng con sự âu yếm yêu thương của Ngài”. Chỉ cần xem Thiên Chúa nói thế nào về dân Ngài trong Cựu ước: “Lòng Ta bồi hồi thổn thức. Ta thương nó (eleos), thương nó thật nhiều” (Gr 31,20). Rồi khi những người bệnh, người phong cùi, người mù, kêu lên với Đức Giêsu, như thấy trong Phúc âm Matthêu: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót (eleeson) chúng tôi” (9,27), họ không muốn nói: “Xin tha thứ cho chúng tôi”, nhưng là: “Xin thương đến chúng tôi”.
Nói chung, người ta coi Thiên Chúa như một Hữu Thể tối cao, Đấng Toàn Năng, Chúa của thời gian và lịch sử. Không một chi tiết nào của đời sống con người thoát khỏi Ngài. Đời sống vô trật tự do vi phạm lề luật, nên cần phải được sửa chữa. Nhưng sự sửa chữa này không bao giờ cân xứng với vi phạm, do đó người ta lo lắng về cái chết và về sự xét xử của Thiên Chúa.
Có người cảm thấy rùng mình khi đọc lại một bài giảng của Giám mục Bossuet trong ngày Thứ Sáu Tuần thánh. Đại khái thế này : Đức Giêsu sà vào cánh tay của Chúa Cha, nhưng cảm thấy bị xô ra, bị Chúa Cha bỏ rơi, chịu sự báo thù của Chúa Cha.. Cơn giận của một Thiên Chúa đang thịnh nộ. Đức Giêsu cầu xin mà Chúa Cha không nghe, chịu đau khổ mà Chúa Cha không nguôi ngoai…Một nhà giảng thuyết đại tài của nước Pháp mà còn nói như vậy, thì nghĩ sao về biết bao nhiêu nhà giảng thuyết bình dân khác. Do đó người ta có thể hiểu một hình ảnh “được định hình trước” về Thiên Chúa như thế nào, trong tâm hồn người tín hữu.
Chắc chắn người ta vẫn biết đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng sự thương xót này chỉ được coi như một yếu tố làm giảm nhẹ sự khắt khe của công lý. Thậm chí trong thực hành, tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa phải tùy thuộc vào tình yêu và sự tha thứ mà người ta làm cho người khác. Bạn có tha cho người xúc phạm tới bạn, thì Thiên Chúa mới tha cho bạn. Đến nỗi dường như có một tương quan mặc cả với Thiên Chúa. Người ta không nghĩ là phải thu tích công trạng để được vào thiên đàng đó sao ? Những nỗ lực phải có, những Thánh lễ phải cử hành, những ngọn nến phải thắp lên, những tuần cửu nhật phải thực hiện.. lại không được gán một giá trị lớn lao đó sao ?
Nói cho đúng, những việc làm trên đây đã cho phép biết bao nhiêu người minh chứng cho Thiên Chúa tình yêu của họ, không nên coi thường, nhưng phải tôn trọng. Rất nhiều vị đã một phần nhờ những việc ấy mà nên thánh. Dầu vậy, không thể phủ nhận điều này : người ta có nguy cơ sống một thứ tôn giáo duy lợi, theo kiểu do ut des (hòn đất ném đi hòn chì ném lại). Tất cả mối tương quan với Thiên Chúa tùy thuộc ở con người. Người ta cho rằng không thể đến với Thiên Chúa mà đôi tay trống trơn. Phải có cái gì đó cho Chúa.
Đúng là Thiên Chúa có nói với Môsê: “Người ta không được đi tay không đến trước nhan Ta” (Xh 23,15 ; 34,20), nhưng Thiên Chúa này là Thiên Chúa của lề luật, chưa phải là Thiên Chúa của ân sủng. Trong Vương quốc của Ân sủng, con người phải đến với Thiên Chúa, với điều duy nhất có trên đôi tay không phải cái gì đó, nhưng là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần đến làm thay đổi tình trạng của ta, nếu chúng ta mở lòng đón nhận Ngài. Ngài dạy ta có một cái nhìn khác về Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta vẫn nhìn Thiên Chúa như một Thiên Chúa của lề luật, nhưng tiên vàn phải nhìn Ngài như một Thiên Chúa của tình yêu và ân sủng, một Thiên Chúa “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Chúa Thánh Thần giúp ta nhìn Thiên Chúa như một đồng minh và một người bạn, như một Đấng “đã chẳng tha Con của mình, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32), nghĩa là đã không giữ riêng cho mình người Con đó như một báu vật, nhưng đã làm một hy sinh lớn lao là ban người Con đó cho hết thảy chúng ta. Nói vắn tắt : Thiên Chúa là Cha nhân từ, và Chúa Thánh Thần truyền đạt cho chúng ta tình cảm của Đức Giêsu đối với Chúa Cha.
Chỉ khi ấy, tình cảm của một người con nẩy sinh nơi ta, biểu lộ cách bộc phát bằng tiếng kêu Abba, Cha! Như muốn nói lên rằng : con không chỉ biết Chúa qua điều người ta nói, giờ đây con biết Chúa, biết Chúa là ai, con biết Chúa thật sự yêu con…Người con thay thế cho tôi tớ, tình yêu thay thế cho sợ hãi. Chính như thế mà người ta thực sự được hòa giải với Thiên Chúa,
Chúng ta trở lại với công việc hằng ngày và tự hỏi : ý tưởng nào về Thiên Chúa đang lởn vởn trong đầu óc tôi, ý tưởng của thế gian hay của Đức Giêsu ?
(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng Mùa Vọng năm 2014, tại Phủ Giáo hoàng)
Lm Micae Trần Đình Quảng