Thomas Craughwell
https://www.ncregister.com/
Phêrô Phạm Văn Trung, dịch
Những gì Đức Mẹ đã nói với Lucia và hai em họ của Chị tại Fatima đã trở thành sự thật một cách khủng khiếp hơn thế giới vào năm 1917 có thể tưởng tượng ra.
Bài viết này ban đầu xuất hiện ngày 4 tháng 4 năm 2017, tại Register.
“Nước Nga sẽ lan truyền những sai lầm của mình trên khắp thế giới, gây ra các cuộc chiến tranh và bắt bớ Giáo hội. Những người tốt lành sẽ tử vì đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ; nhiều quốc gia khác nhau sẽ bị tiêu diệt”.
Trong tất cả những thông điệp mà Đức Mẹ đã gửi đến ba trẻ em thị nhân của Fatima – Lucia dos Santos, 10 tuổi và hai em họ của cô, Francisco 9 tuổi và Jacinta Marto 7 tuổi – lời cảnh báo này là điều mà nhiều người trong chúng ta đã nghe nói trong cuộc đời mình.
Vì vậy, khi chúng ta vui mừng kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, chúng ta cũng nhớ lại trong nỗi kinh hoàng ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Nga.
Cuộc cách mạng ở Nga đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, nhưng chính Chiến tranh thế giới thứ nhất đã hạ bệ Sa hoàng và mang lại sức mạnh cho những người Bolshevik[1]. (Hãy nghĩ về họ như ông tổ chính trị của những người Cộng sản). Hầu hết chúng ta đều có một ký ức mơ hồ từ tiết học lịch sử ở trường trung học về Thế chiến thứ nhất, vào thời điểm đó, là cuộc chiến đẫm máu nhất trong tất cả các cuộc chiến. Vì là trường hợp có một ảnh hưởng sâu rộng như vậy, nó còn xác thực hơn khi chúng ta nhìn vào các con số. Trong từ điển bách khoa toàn thư Britannica, mục từ về chiến tranh nói rằng 59,5 triệu binh sĩ đã thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích. Đức chịu thương vong nặng nhất với hơn 7.1 triệu. Quân đội của Đế quốc Áo-Hungary theo sau với hơn 7 triệu thương vong. Và tổn thất của Nga lên tới hơn 9,1 triệu người, khoảng 76% tổng số quân được bộ chỉ huy cấp cao của Nga tổng động viên.
Năm 1914, năm chiến tranh bắt đầu, Đế quốc Nga trải dài từ Ba Lan đến Thái Bình Dương, từ Vòng Bắc Cực đến Afghanistan. Nó bao phủ một phần sáu địa cầu và là nơi sinh sống của hơn 100 dân tộc.Và tất cả được cai trị bởi một người đàn ông, Sa hoàng Nicholas II. Các Sa hoàng Nga luôn là những kẻ chuyên quyền, những kẻ thống trị tuyệt đối nắm giữ mọi quyền lực trong đế chế. Sa hoàng có các bộ trưởng và cố vấn, nhưng không có hội đồng lập pháp Nga, không có hiến pháp, không có khái niệm về quyền công dân.
Tuyệt đại đa số người dân của Nicholas là nông dân và công nhân không có học vấn, không được tiếp cận với bác sĩ, không có nhà ở đàng hoàng. Nhà ở đóng băng trong mùa đông khắc nghiệt ở Nga và bị thiếu hụt suốt cả năm. Tuy nhiên, Nicholas chống lại mọi lời kêu gọi cải cách. Để đối phó với tình trạng bất ổn chính trị, cuối cùng một cách miễn cưỡng, ông cho phép thành lập Duma, một kiểu Nghị viện hoặc Quốc hội Nga. Nhưng ông không bao giờ thích điều đó. Khái niệm chia sẻ quyền lực đi ngược lại với niềm tin sâu sắc nhất của Nicholas, vì vậy, tùy theo sở thích lúc thì ông mở lúc thì ông đóng Duma, sau đó lại mở và lại đóng, hết lần này đến lần khác.
Khi chiến tranh xảy ra, các ngành công nghiệp non trẻ của Nga không thể tạo ra vũ khí chất lượng cao và cung cấp cho quân đội. (Khi bắt đầu chiến tranh, Nga có một đội quân thường trực 1,5 triệu. Vào cuối chiến tranh, có 5 triệu quân trên chiến trường).
Ngoài các nhà máy không đầy đủ, hệ thống đường sắt của Nga còn hạn chế, khiến việc đưa quân ra mặt trận và cung cấp lương thực cho các thành phố trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vào năm 1914, người dân Nga đã tập hợp xung quanh Sa hoàng của họ. Tất nhiên, để giữ tinh thần đoàn kết dân tộc đó, Nga cần chiến thắng trên chiến trường, và lòng yêu nước của Nga bắt đầu suy yếu khi các báo cáo xuất hiện từ hai trận chiến đầu tiên, Tannenberg và Hồ Masurian, nơi Nga mất 250.000 quân.
Khi chiến tranh kéo dài, thương vong ở tiền tuyến gia tăng, tình trạng bất ổn ở trong nước trở nên căng thẳng hơn. Ở các thành phố lớn như Moscow, Kiev và Petrograd (trước đây là St. Petersburg, đã được thay đổi vì Petersburg là tên tiếng Đức), gần như không thể tìm thấy thức ăn và nhiên liệu. Đến năm 1917 tại Petrograd, một thứ đơn giản như bánh mì cũng phải được phân phối theo khẩu phần một pound[2] bánh mì cho mỗi người lớn mỗi ngày. Không có khẩu phần cho trẻ em. Nếu có trẻ em trong gia đình, người lớn sẽ phải chia sẻ ổ bánh của họ cho chúng.
Khi tình hình ở tiền tuyến và ở trong nước ngày càng trở nên tồi tệ hơn, các công nhân nhà máy đã tổ chức thành cái mà chúng ta gọi là các nhóm hành động chính trị. Cách xa hàng ngàn dặm, những người lính trong chiến hào cũng làm như vậy. Công nhân đình công, binh lính từ chối tuân theo mệnh lệnh của các sĩ quan. Tại các thành phố, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn kéo dài trong nhiều ngày. Tại Petrograd, những kẻ bạo loạn đã đốt cháy trụ sở của lực lượng mật vụ và tòa án, và săn lùng các sĩ quan cảnh sát. Các đơn vị quân đội đồn trú ở thành phố đã tan vỡ thành nhiều phe phái, phe quân đội trung thành với sa hoàng bắn vào đồng đội của họ, là những người kêu gọi tiến hành cách mạng.
Đến tháng 2 năm 1917, các thành phố và quân đội nổi dậy công khai, rõ ràng là Sa hoàng và chính phủ của ông không còn điều hành được đế chế. Để khôi phục trật tự và giữ gìn chế độ quân chủ, các bộ trưởng của Nicholas kiên quyết đòi ông thoái vị. Họ dự tính đứa con trai duy nhất của Nicholas, Alexis, 12 tuổi, sẽ trở thành Sa hoàng, nhưng Nicholas cũng thoái vị nhân danh cả Alexis. Cậu bé mắc bệnh rối loạn đông máu, một bí mật mà gia đình giữ không cho chính phủ Nga và người dân Nga biết. Các bác sĩ nghi ngờ cho rằng Alexis sẽ không sống sót đến tuổi trưởng thành, vì vậy Nicholas đã thoái vị và ủng hộ em trai của mình, Michael, làm Sa hoàng. Nhưng Michael đã từ chối làm Sa hoàng. Và do đó, một liên minh các nhà cải cách từ Duma đã tạo ra Chính phủ lâm thời do Alexander Kerensky lãnh đạo. Ông không phải là một người cực đoan hay một nhà cách mạng; Kerensky muốn Nga trở thành một nước cộng hòa, theo kiểu của Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ. Nhưng Kerensky và chính phủ của ông đã đưa ra một quyết định tai hại: họ tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến tranh.
Uy tín mà chính phủ Kerensky có thể đã có được đột nhiên rơi thẳng xuống. Hai tháng sau, vào tháng Tư, Lê-nin trở về Nga sau nhiều năm lưu vong ở Thụy Sĩ. Ông ta mang theo khoảng ba chục nhà cách mạng đồng hương. Một đám công nhân, binh lính và thủy thủ quay ra đón ông ta về nhà. Lê-nin hứa đất đai cho nông dân, lương thực cho tất cả mọi người và rút Nga ra khỏi chiến tranh. Được hỗ trợ bởi các công nhân cực đoan và các thành viên của quân đội, vào tháng 10 năm 1917, Lê-nin và những người Bolshevik của ông đã nắm được quyền. Kerensky, sợ cuộc sống của mình gặp nguy hiểm, đã trốn khỏi đất nước.
Để đảm bảo rằng chính phủ mới của mình phải sợ hãi và tuân lệnh, Lê-nin đã áp dụng một chương trình áp bức, bạo lực và khủng bố trên toàn đế quốc, mà ông ta gọi là “công lý cách mạng”. Ông ta chế giễu ý tưởng về chính phủ dân chủ và nắm quyền lực tuyệt đối. Lênin trở thành một sa hoàng Cộng sản. Ông ta thành lập một lực lượng mật vụ mới gọi là Cheka để xử tử bất cứ ai bị nghi ngờ chống lại cuộc cách mạng giữa năm 1918 và 1922, Cheka đã giết hàng chục ngàn người; con số chính xác không ai biết. Năm 1918, Lê-nin ra lệnh xây dựng trại lao động cưỡng bức đầu tiên, đủ lớn để chứa tới 20.000 tù nhân, từ những người bất đồng chính kiến đến các tín đồ tôn giáo.
Chính phủ của ông ta tịch thu tài sản tư nhân, đầu tiên cướp phá và sau đó phá hủy vô số các nhà thờ và tu viện. Với sự chấp thuận hoàn toàn của Lê-nin, những người Bolshevik đã sát hại giới quý tộc, thương nhân giàu có, nông dân thành đạt, và Kitô hữu, người Do Thái và Hồi giáo, cả giáo dân và giáo sĩ. Sau hơn một năm nắm quyền, Lê-nin đã đích thân ra lệnh tàn sát Sa hoàng Nicholas, vợ và năm đứa con của họ.
Từ Nga, những người kế vị Lê-nin đã xuất khẩu cuộc cách mạng của họ tới các quốc gia xung quanh ngoại vi của Đế quốc Nga cũ. Ukraine, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria, Đông Đức, Litva, Latvia, Estonia và các nước cộng hòa nhỏ bé được gọi chung là Nam Tư. Ngay cả những vùng đất xa xôi như Kazakhstan và Tajikistan, 22 quốc gia trong tất cả các bang đã rơi vào nơi được gọi là Liên Bang Xô Viết và Khối Phương Đông. Và ở mọi nơi họ chiếm đóng, những đứa con của Lê-nin mang đến một hệ thống đàn áp tàn bạo, nghèo đói vô vọng và chủ nghĩa vô thần hung hăng thể hiện trong cuộc đàn áp tàn khốc Chính thống giáo, Công giáo, Tin lành, Do Thái, và Hồi giáo. Như Đức Mẹ đã tiên đoán, bảy giáo hoàng, từ Đức Biển Đức XV đến Thánh Gioan Phao-lô II, phải chịu nhiều đau khổ khi Chủ nghĩa Cộng sản xâm nhập hết quốc gia này đến quốc gia khác.
Theo Sách đen Chủ nghĩa Cộng sản: Tội ác khủng bố và đàn áp , xuất bản lần đầu tiên ở Pháp vào năm 1997 và sau đó trong một ấn bản tiếng Anh do Harvard University Press xuất bản, lực lượng của Lê-nin đã giết chết hàng trăm ngàn công nhân và nông dân chống Bolshevik, gây ra nạn đói lấy đi mạng sống của 5 triệu người và giết hại hàng chục ngàn người trong các trại lao động. Dưới thời Stalin, hơn 690.000 cá nhân bị nghi là đối thủ chính trị đã bị giết trong cuộc Đại Thanh Trừng, và theo lệnh của Lê-nin, 2 triệu nông dân giàu có được gọi là kulaks đã bị giết. Tổng cộng, trong suốt 74 năm tồn tại, Liên Xô được cho là chịu trách nhiệm cho cái chết của ít nhất 21 triệu người.
Những gì Đức Mẹ đã nói với Lucia và hai em họ của Chị tại Fatima đã trở thành sự thật theo những cách khủng khiếp hơn thế giới vào năm 1917 có thể tưởng tượng. Tuy nhiên, Mẹ Maria đã làm cho dự đoán khủng khiếp của mình cân bằng với một lời hứa: Mẹ sẽ chiến thắng và nước Nga sẽ trở lại, từ bỏ chủ nghĩa vô thần chính thức của nó.
Từ khi đế chế Liên Xô sụp đổ, ít nhất trong đời sống tôn giáo, đã có những dấu hiệu hy vọng. Năm 1991, Tadeusz Kondrusiewicz đã gặp Chị Lucia tại tu viện của Chị ở Bồ Đào Nha. Chị ngạc nhiên khi ông nói với Chị rằng ông là tổng giám mục Công giáo ở Mátxcơva. Hết lần này đến lần khác, Chị hỏi ông, “Có thật thế không?”
Khi Chị Lucia đã bị thuyết phục, Chị nói, “Như vậy, điều đó có nghĩa là lời tiên tri ở Fatima đã được thực hiện”.
_________________
[1] ND: là một phe Mác- xít cánh tả cực đoan được thành lập bởi Vladimir Lenin và Alexander Bogdanov.
[2] ND: hay cân Anh, 1 pound = 453,5 gram.