(xuanbichvietnam.net) Tháng Sáu 7th, 2013.
Trong 2 tuần qua, tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với 8 linh mục, mà đã có tới 6 linh mục đại khái cho biết rằng: “Tôi chán đời linh mục lắm rồi!” hoặc “tôi mệt mỏi quá!” Một trong 6 vị này, là một người bạn khá thân với tôi, hiện đang giúp một giáo xứ khá lớn tại Munich, nước Đức, và đã tâm sự với tôi rằng, “bây giờ tớ muốn bỏ chức linh mục của tớ để sống như một người vô danh cho nhẹ lòng. Tớ không còn đủ sức đi tiếp nữa!” Từ khi gặp bạn tôi cho đến nay, tôi cứ đắm chìm trong suy nghĩ miên man, và là dịp cho tôi gẫm lại ơn gọi linh mục của chúng tôi cách sâu sa hơn. Thương cho người bạn linh mục của tôi, và thương cho tất cả linh mục trên thế gian này biết bao!
Đúng vậy. Linh mục ngày nay không còn được tôn trọng như xưa nữa. Điều này có lẽ ai cũng nhìn thấy, từ những vụ tai tiếng (scandal) về lạm dụng tình dục trẻ em trong thập niên gần đây. Đây là đề tài tế nhị và khó khăn cho những người linh mục chúng tôi. Mỗi lần đề tài này được đề cập đến, chúng tôi chỉ nhận những lời giận dữ và cay nghiệt từ những giáo dân hoặc những người ngoài Công giáo. Giận dữ không chỉ có ở nơi giáo dân, nhưng còn ở nhiều nhóm người nữa. Nạn nhân giận dữ với linh mục, linh mục giận dữ với giám mục của mình, thế rồi giám mục, linh mục giận dữ với giới truyền thông đại chúng, giáo dân hùng hổ chì chiết giáo xứ và cha xứ của họ, các tín đồ thuộc các tôn giáo khác bây giờ khinh miệt và chỉ trích Hội Thánh Công Giáo… Linh mục có còn được xem là người mang Tin Mừng cho thế giới nữa không? có là người mang Chúa đến cho mọi người nữa không? Tôi biết, có người sẽ trả lời là “không còn nữa,” có người sẽ nói rằng “chỉ mang sự bất hạnh,” còn người khác thì thinh lặng, và rời bỏ Hội Thánh!
Đây là nỗi đau của chúng tôi, của chúng ta, của Hội Thánh Công giáo hoàn vũ. Tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi, nhưng tôi là gì, là ai mà dám “xin lỗi”? Đức giáo hoàng nói lời xin lỗi kia mà còn bị tấn công nữa là…! Dĩ nhiên ngôn từ không thể xóa được những vết thương hằn sâu trong lòng tín hữu, đặc biệt là các nạn nhân bị lạm dụng.
Chúng tôi cũng có vết thương. Đây là một vết thương cũng không nhỏ so với vết thương về thể lý và tâm lý nơi các nạn nhân. Vết thương của chúng tôi không chỉ nhức nhối sâu thẳm, nhưng còn trên bình diện rộng nữa, đặc biệt vết thương đang âm ỉ nơi những Hội Thánh của các quốc gia phát triển như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Đại Dương. Vết thương chúng tôi đau đớn nhất, là không những đối diện với sự khủng hoảng đức tin nơi các tín hữu, nhưng mà là khủng hoảng sự tín nhiệm đang lan tràn vào hàng giáo phẩm.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau đối diện vấn đề, đó là sự lạm dụng tình dục trẻ em. Nói theo từ chuyên môn, đây là một căn bệnh ấu dâm (paedophilia). Thực vậy, khi nghiên cứu về bệnh lạm dụng tình dục (sexual abuse) nói chung nơi các nước Tây phương và Châu Mỹ, mà bệnh ấu dâm chỉ là một trong căn bệnh ấy, thì tỷ lệ là 1/5 (cứ 5 gia đình thì có 1 gia đình gặp phải việc lạm dụng tình dục). Và căn bệnh này đã có nơi mọi quốc gia theo bình diện rộng, từ khi con người đã xuất hiện trên mặt đất này. Lạm dụng tình dục được định nghĩa như là sự quấy nhiễu (molestation) hay ép buộc khơi dậy chức năng tính dục nơi người khác (không kể nam hay nữ đã trưởng thành, hay trẻ em). Sự quấy nhiễu này đã bao lâu chồng chất, và đến thời đại chúng ta, điều ấy đã nổ tung nơi giới giám mục và linh mục. Theo nghiên cứu thống kê, chỉ có 0.01 % ấu dâm nơi các linh mục và tu sĩ trong tổng số nạn ấu dâm. Như giọt nước làm tràn miệng ly, bây giờ giới linh mục là tấm bia cho mọi giận dữ và dồn nén từ bao đời đang nhắm vào. Thế giới đang nhìn vào một giọt nước ấy trong toàn bộ số nước trong cái ly ấy! Thật thế, nói một cách công minh, bệnh ấu dâm không phải là căn bệnh của giới độc thân, không phải của giới đồng tính luyến ái, của người nam, hay của người nữ, cũng không phải của người đã lập gia đình. Căn bệnh này chỉ là căn bệnh như nó là (it is as it is), nó không chọn lựa đối tượng đặc thù, nhưng khi có điều kiện môi trường hay do bất trắc tâm lý thời ấu thơ, nó sẽ bộc lộ ra bên ngoài trong suy nghĩ hay qua hành vi. Cũng như người nghiện thuốc lá, nghiện rượu, nó vượt mọi biên giới, không phân biệt giới tính, độc thân hay có gia đình, đồng tính nam hay đồng tính nữ, giàu hay nghèo, trí thức hay không trí thức… Giáo sư Dan B. Allender và cũng là nhà trị liệu tâm lý Kitô giáo, là chuyên gia về việc lạm dụng tình dục, cho biết: “Người có căn bệnh lạm dụng tình dục trẻ em chỉ như một bức tranh mờ ảo mà không ai nhìn thấy được. Cho dù bạn có thể không nhìn thấy bức tranh đó trong vòng 30 năm, cho dù bạn có ngồi ăn uống với người ấy cả mấy chục năm qua, hay mới hôm qua, hay người ấy là người đóng vai trò ý nghĩa trong cuộc sống mỗi ngày của bạn, hay ngay cả người ấy đóng vai trò rất lớn trong mỗi ước mơ của bạn.” Nhà trị liệu này cho biết, trong những cuộc khảo sát ngày nay về ấu dâm, những nạn nhân thông thường là muốn bảo vệ, hay phớt lờ kẻ đã gây ra cho mình, đặc biệt người gây ra ấy là một thành viên trong gia đình, hay những người thân cận. Những người thân gần gũi với nạn nhân là những người đang dưỡng nuôi hay trao ban họ sự an toàn (cha mẹ, anh chị em ruột…) mà họ đang rất cần những sự an toàn ấy. Cuộc nghiên cứu còn cho biết, hầu hết những nạn nhân nói ra chủ yếu là những nạn nhân không mấy thân thiết với kẻ lạm dụng (vì thế nếu kẻ lạm dụng đã nắm rõ cốt tủy trong tâm hồn nạn nhân thì nạn nhân không dám đối diện và tiết lộ). Chính vì thế, những người mà chúng ta đã từng nghe biết được chỉ là những người bên ngoài gia đình của nạn nhân, chỉ là người “dưng nước lã” mà thôi. Nhiều nạn nhân bị lạm dụng từ người chú, người cậu mình thường nói rằng: “Ồ, ít ra người ấy không phải là anh tôi, hay tệ hơn là bố tôi.” (The Wounded Heart: Hope for Adult Victims of Childhood Sexual Abuse, by Dr. Dan B. Allender, NavPress, 1990. Trang 52).
Vấn đề ấu dâm, chính là một trong những vấn đề trục trặc của tâm lý mà phân tâm học (psychanalyse) gọi là năng lực tình dục (Sigmund Freud gọi là Libido, là năng lực thúc đẩy dục tính bên trong, énergie de la pulsion sexuelle). Năng lực này có ở trong mỗi con người, và nếu được cân bằng, nó sẽ thúc đẩy con người hướng đến tình yêu, nếu không, tức là nó bị làm cho mất cân bằng hay bị gây cản trở, nó sẽ trở thành xung động rối loạn trong đáy nội tâm, như khối lửa âm ỷ trong lòng đất chờ thời cơ để phá tung tầng địa chất để phun ra. Xung động rối loạn này khi chưa bộc phát ra sẽ ở dạng dồn bí (gọi là refoulement), như quả bóng hơi nếu không lối thoát, chúng ta ấn dẹp phía này nó sẽ tìm chỗ yếu mềm khác để phình ra.
Tuy vậy, năng lực libido này không bao giờ ngồi yên, nó luôn tìm cách thúc đẩy nội tâm con người làm cho nó một lối thoát. Nó không cần biết đến văn hóa, quy luật xã hội, nó là tự nhiên, như cây cỏ phải tìm cách lớn lên hướng đến mặt trời. Nó sẽ được thoát ra theo hai dạng mà không có chủ trương phân biệt, được gọi là, thoát ra theo dạng thăng hoa (luân lý, đạo đức, văn hóa, quy luật xã hội con người chấp nhận) và thoát ra theo dạng méo mó (ngược lại với luân lý, đạo đức, quy luật…). Việc cho nó thoát ra đó, phụ thuộc vào ý chí con người, muốn cho nó thoát ra theo dạng nào. Chính vì thế, chúng ta thấy trên thế giới, có những người biết thăng hoa libido của họ, nên đã xuất hiện cho thế giới những nhà khoa học đại tài như Albert Einstein, Newton, Marie Curie… hay gần nhất, đó là thiên tài tâm lý trẻ nhất thế giới Andrew Almazan Anaya, thiên tài hạt nhân Mỹ Taylor Wilson, những người sống xả thân cho giới nghèo khổ, bệnh tật, cho Tin Mừng,… và đồng thời, chúng ta cũng thấy dạng thoát ra theo kiểu méo mó (theo cái nhìn của con người) như hiếp dâm, ấu dâm, giết người, nổi loạn, điên loạn… Theo phân tâm học, những con người trong bệnh viện tâm thần là những người dùng Libido theo dạng méo mó.
Mới đây, người ta đã công nhận nghiện rượu là một căn bệnh và tổ chức thành những hội nhóm của những người nghiện rượu để chia sẻ và hướng đến cai rượu. Người ta cũng khám phá được rằng những người nghiện rượu có sự mặc cảm bệnh hoạn của bản thân mình. Ý chí của họ không đủ mạnh để cai rượu, đặc biệt khi họ bị những người xung quanh khinh miệt và chỉ trích (như ép quả bóng hơi trong họ). Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều các trường hợp tự tử ngày nay, mỗi lúc một phổ biến trên thế giới, hầu hết là do libido bị dồn bí. Họ chẳng thăng hoa được (thực sự họ có thể thăng hoa) cũng như chẳng thoát ra chỗ nào được (dồn ép và bế tắc, vì văn hóa, luật lệ, luân lý, đạo đức của con người ngăn cấm). Tôi được biết có một anh chàng 55 tuổi, đã nghiện rượu từ lúc 17 tuổi. Anh ta hoàn toàn ý thức là không nên uống rượu nữa. Nhưng anh ta có thể bỏ rượu được, nhưng không quá 3 ngày, và cứ thế lại uống lại. Có nhiều lần, anh ta nôn ra máu vì xuất huyết bao tử. Nhưng sau khi điều trị khỏi, anh ta lại lén lút tìm đến với rượu.
Cũng như kẻ nghiện rượu, những người lạm dụng tình dục, như một số linh mục ấu dâm chẳng hạn, đã rất chân thành nói rằng: “Vâng, tôi sẽ không tái phạm nữa.” Thế nhưng, căn bệnh ấu dâm không cần biết ất giáp gì tất, nó vẫn thúc đẩy nơi con người phải thỏa mãn nó. Tôi đã hỏi anh chàng nghiện rượu trên, “tại sao anh không thể bỏ rượu được cơ chứ?” “Anh biết là nó đang làm hại anh không?” Vâng! Anh ta biết rõ hơn cả tôi. Rồi đến khi anh ta gục ngã và chết trên lề đường, tay làm rớt chai rượu đế rẻ tiền, không ai đoái hoài đến anh, vì họ biết quá rõ anh ta là anh chàng nghiện rượu. Họ ngại anh. Họ tránh anh. Họ khinh miệt anh. Anh đã sống lầm lũi… và cuối cùng, đã gục ngã. Tôi nghĩ rằng, trước khi anh ấy chết về thể lý, thì anh ấy đã chết về mặt tâm hồn rồi.
Tự nhiên, tôi cảm thấy có gì đó… rất hối hận!
Vâng! trong mỗi cái chết của anh chị em, cho dù họ là người “dưng nước lã,” chúng ta cũng có một phần lỗi nào đó, vì tất cả là một thể thống nhất trong Hội Thánh. Chúng ta là chi thể của nhau mà Chúa Giêsu là đầu. Vậy, nếu là Hội Thánh duy nhất, thì sao anh chị em nào đó… lại là người dưng nước lã được?
Trở lại căn bệnh ấu dâm, ai cũng nhìn nhận rằng, đây là căn bệnh gây hậu quả rất lớn cho trẻ thơ, vì căn bệnh này kéo theo mọi phiền lụy sau này đứa trẻ ấy. Châm ngôn xưa nói rằng, mọi kẻ lạm dụng đều là những nạn nhân trước kia đã từng bị lạm dụng. Cuộc nghiên cứu gần đây cho biết, sự lôi cuốn đi đến việc lạm dụng trẻ em là không phải muốn thỏa mãn tính dục nơi bản thân bệnh nhân, nhưng mà là sự xoay sở và giải quyết chấn thương thời ấu thơ của họ mà họ đã từng bị lạm dụng. Căn bệnh ấu dâm từ người khác mà ngày xưa họ đã gặp phải đã lấy đi tuổi thơ trong họ. Cuộc nghiên cứu về tâm lý học ngày nay cho thấy, 80% nguyên nhân dẫn đến tự tử nơi thiếu niên ở các nước Phương tây là do bị lạm dụng tình dục khi họ còn là trẻ thơ. Ngạc nhiên hơn, những vụ tử tử nơi người lớn đang diễn ra từ xưa tới giờ cũng liên hệ mật thiết với sự ấu dâm mà họ đã từng là nạn nhân. Việc lạm dụng tình dục (trong đó có nạn ấu dâm) gây ra một vết thương rất sâu và lâu dài nơi nạn nhân. Và cứ thế, nạn nhân nối tiếp nạn nhân. Từ khi con người xuất hiện trên mặt đất này cho đến nay, năng lực tình dục (libido) đã xuất hiện. Con người bắt đầu xuất hiện, từ khi trứng và tinh trùng “gặp nhau,” và đồng thời libido cũng có từ đó, và con người toàn diện của em bé lớn dần lên trong dạ mẹ – con người bé bỏng ấy cũng từ đó mang theo tất cả mầu nhiệm trong cái toàn thể ấy.
Đến đây, chúng ta cùng suy nghĩ thêm, vậy liệu chúng ta có thể chấm dứt chuyện ấu dâm? hay, liệu chúng ta làm sao để chấm dứt tình trạng lạm dụng tình dục theo nghĩa rộng như hiếp dâm, bạo lực trong gia đình, bạo dâm, khổ dâm, ấu dâm, ái lão (hướng tình dục mình đến người già), ái vật (hướng đến đồ vật), ái tử thi (hướng đến xác chết)…? Theo tôi, không đơn giản. Vâng, không đơn giản chút nào!
***
Trong suy tư về thiên chức linh mục ngày nay, cũng như cuộc sống tâm linh Kitô hữu giữa những biến chuyển nhanh chóng về nhiều mặt của thế giới, chúng ta cùng nhau hướng đến Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn mạch tình yêu và chữa lành.
Không phải điều gì trên cuộc đời này đều cũng có thể sửa đổi hoặc chữa lành được. Có những căn bệnh mà thời nay chỉ bó tay. Có những vết sẹo mà chúng ta không thể nào tẩy xóa. Cũng vậy, tai tiếng vấn đề ấu dâm là một vết thương, vết sẹo cho những nạn nhân, nếu không muốn nói là một vết thương không bao giờ lành hoàn toàn. Vết thương ấy không phải lưu lại nơi hàng giáo phẩm như chúng ta đã từng nghe hoặc biết đến, nhưng cũng lưu lại nơi rất nhiều nạn nhân (ngoài giới linh mục) mà không thể nào biết được (vì phần đông không thể bộc lộ), không chỉ Âu Châu, Mỹ Châu, nhưng khắp nơi trên thế giới, từ trong những ngõ hẻm hoang vắng cho đến những thành thị nhộn nhịp to lớn. Vết thương này, hay khá hơn nữa là vết sẹo này không phân biệt màu da, quốc tịch, giai cấp, phái tính, tính tình, học vấn… Nó có mặt mọi nơi, mọi thời! Đây là “những dấu chỉ của những thời đại” mà Chúa Giêsu luôn mời gọi con cái Ngài ngày nay đọc ra. Ngài muốn nói gì với chúng ta qua những dấu chỉ ấy? Qua dấu chỉ, chúng ta cảm nghiệm được gì? hay chỉ cho rằng linh mục ngày nay, thật là một sự hổ nhục, đáng phỉ báng?
Chúa Giêsu vẫn luôn tìm cách chữa lành con người chúng ta. Trọn cả sách Tin Mừng, Chúa Giêsu chủ yếu ra đi để chữa lành con người đui mù, què quặt, câm điếc, cùi hủi, điên dại, mất trí, mất phẩm giá, bị tẩy chay… Chúng ta chỉ có thể được chữa lành khi chúng ta CAN ĐẢM hướng đến Chúa Giêsu, hơn là quay trở về lại trong con người chúng ta.
Nếu chúng ta là Kitô hữu, có nghĩa là mọi người chúng ta được mời gọi phản chiếu lòng thương xót của Chúa Giêsu. Chắc chắn chúng ta đã nghe điều này nhiều lần và thậm chí đến nỗi trở nên quen thuộc và nhàm chán. Vâng! tình thương và lòng thương xót của Chúa không bao giờ xưa cũ, lúc nào cũng mới mẻ. Cũng như mọi tội nhân trở lại cùng Ngài đều là những người con như mới sinh ra mà luôn làm Ngài vui sướng. Vì thế, chúng ta, là những linh mục của Chúa, hãy nhẫn nại, không ngừng phản chiếu lòng thương xót ấy, nhất là đối với những nạn nhân cũng như những nạn nhân gây ra vết thương.
Hãy can đảm mang vào trong thịt và máu chúng ta những vết thương cũng như vết sẹo của tha nhân và của chính mình. Trước cơn giận dữ của tha nhân, người linh mục hãy cứ trao hiền hòa; trước sự cay nghiệt của tha nhân, người linh mục hãy cứ bao dung; trước những hiểu lầm của tha nhân, người linh mục hãy cứ thấu hiểu; trước những nóng nảy của tha nhân, người linh mục hãy vẫn kiên nhẫn; trước phỉ báng của tha nhân, linh mục hãy cứ xót thương. Lòng xót thương trước tình trạng ấu dâm chính là dấu chỉ mà Chúa đang muốn linh mục chúng ta ngày nay thực thi. Mỗi thời đại luôn luôn có một dấu chỉ nào đó mà Chúa muốn nhắn gửi cho thế gian và cho các mục tử. Và căn bệnh ấu dâm ngày nay, cũng là một trong nhiều dấu chỉ khác ở quá khứ hay cả tương lai sau này, để nói cho chúng ta biết thêm nữa về lòng thương xót của Chúa, lòng thương xót của Ngài rất lâu đời nhưng cũng rất mới mẻ (thánh Augustine), mà con người không thể học biết trọn nghĩa “thương xót” của Ngài nổi! Vì “thương xót” của con người thì vô cùng giới hạn, còn của Ngài thì mãi mãi vô hạn. Cõi hữu hạn thì không bao giờ hiểu được cõi vô hạn.
Vậy, liệu linh mục chúng ta có thể tiếp tục vẫn trao tặng tình yêu, trao ban lòng thấu cảm đến đoàn chiên mình nữa không, một khi tình yêu của người linh mục chúng ta đã bị xem là hoen úa và nhơ bẩn?
Chúng ta thường chôn vùi chính chúng ta, hay chúng ta sẽ không còn niềm hy vọng nào nữa khi đối diện với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Đặc biệt là nạn ấu dâm ngày nay, chúng ta không chấp nhận chúng ta, không chấp nhận nhau, nên từ đó gây ra sự tàn bạo và nhẫn tâm với nhau… trong việc xử “tội”! Chúng ta không cùng chung với nhau để giúp nhau để hát lên bài ca mới “Alleluia” hay “Tạ ơn Chúa”. Chúng ta, thay vì hướng đến Thánh Tâm Chúa – Thánh Tâm vô tội mà từng bị đâm thủng, máu và nước chảy ra – thì ngược lại, chúng ta quay về lại với chính mình, để chui vào tháp ngà phòng vệ, chui vào phòng đóng kín cửa tìm chút an toàn cho bản thân, để rồi chính chúng ta cũng như tha nhân (trong số đó có những nạn nhân) vẫn nhìn nhau trong một khoảng cách. Chúng ta cùng nhau lên án cách cuồng loạn. Rồi cuối cùng nhìn lại, thực sự, chẳng biết chúng ta đang lên án ai, và chẳng biết chính xác rằng chính mình muốn gì nữa! Chúng ta hoang mang, chúng ta không còn có định hướng nữa!
Linh mục chúng ta hãy ôm lấy những vết thương của nhân loại, mang vào trong thịt và máu mình những khủng hoảng từ nạn ấu dâm thời đại, như linh mục Henri Nouwen, một lần nọ đã nói lên rằng: “Đã bao năm trời qua, tôi rất khó chịu về những điều làm tôi chia trí không thể tập trung vào công việc tôi được, cho đến khi tôi nhận ra rằng những điều gây chia trí ấy, gây phiền toái ấy mới chính là công việc thật sự của tôi.” Vì thế, chính những điều mà làm linh mục chúng ta lấy làm khó chịu, hay làm cho chúng ta không thể tập trung được vào công việc mà chúng ta đang lên kế hoạch, đang thực hiện, là chính sứ vụ của chúng ta, cụ thể là nạn ấu dâm qua sự phỉ báng, giận dữ, kết án, kiện tụng… Hội Thánh tồn tại là để cho thế gian (thế giới của xác phàm tục lụy), chứ không phải thế gian tồn tại là cho Hội Thánh. Chúa Giêsu đã nói: “Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51), chứ Người không nói: “…để cho Hội Thánh được sống.” Thực thế, Chúa Giêsu đến là để, không phải chỉ theo nghĩa cao siêu là rước lấy Người dưới hình bánh và rượu, nhưng là cho thế gian ăn thịt và máu Người theo nghĩa đen nữa, đó là thế gian đã bắt Người, đay nghiến Người, dày vò Người và giết chết Người. Ngôi Lời là Thiên Chúa, đã khởi sự việc trao hiến cho thế gian bằng cách xuống Chúa Giêsu sinh ra trong máng bò lừa, nơi mà để thức ăn cho súc vật ăn khi đói và kết thúc cuộc đời mình trên bàn tiệc (là bữa tiệc ly: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn đi, này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống đi”) và trên thập giá cho thế gian.
Linh mục của Chúa Giêsu cũng thế, không thể khác được. Lời tha thiết của Chúa Giêsu mỗi ngày trong Thánh Lễ mà linh mục dâng, vẫn nhắc nhở chính đời sống linh mục của chúng ta: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Lời trăn trối của Chúa Giêsu, Linh Mục Thượng Phẩm, cho mỗi người linh mục chúng ta, sẽ là châm ngôn sống cho bản thân chúng ta, khi chúng ta không những trao tặng Mình và Máu Thánh của Người để cho thế gian được sống trên bàn tiệc Thánh, mà chúng ta, đang mang căn tính linh mục không bao giờ phai nhòa, còn tiếp tục dâng hiến chính thịt và máu huyết của mình cho bàn tiệc thế gian, để trở nên giống như Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm: “ Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống,” và Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “ vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,55).
Nếu qua lăng kính xác thịt của con người, vấn nạn ấu dâm nơi các linh mục, dù chỉ là con số dưới 1% trong toàn thể những nạn lạm dụng tình dục trên thế gian này, là một nỗi ô nhục và cay đắng của chúng ta. Thế nhưng, khi linh mục chúng ta nhìn sự kiện này qua cái nhìn của Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi chúng ta đang bị thế gian chỉa mũi dùi vào chúng ta và những hội thánh địa phương như Đức, Ai Len, Pháp, Ý, Mỹ, Canada, Úc… hay Hội Thánh hoàn vũ đi nữa. Dù chỉ dưới 1% nơi linh mục chúng ta so với toàn thể các trường hợp lạm dụng tính dục trên thế giới, ban điều hành trong giới truyền thanh truyền hình, nhà báo, mạng network đã “chiếu cố” trước tiên về vấn nạn của một số linh mục chúng ta, và linh mục chúng ta “được” in nổi bật với highlight trên trang nhất tờ báo, hay trên những kênh truyền hình phổ thông và nổi tiếng của thế giới như đài CNN, BBC, CBC,… cùng với các kênh của Tin Lành, Hồi giáo… rải rác khắp nơi trên thế giới.
Những anh em linh mục chúng ta hãy can đảm, ra khỏi chính mình, khỏi tháp ngà phòng vệ, cho thế gian ăn thịt và máu của mình. Chúng ta hãy trở nên “thịt cho thế gian được sống.” Nếu như cha Henri Nouwen nói rằng, “chính những điều làm tôi khó chịu, đau đớn, ngoài ý muốn của tôi, là công việc đích thật của tôi.” Vâng! Chỉ với những sự khó chịu và đau đớn trong đời linh mục, mới có thể gọt dũa bản thân chúng ta và làm cho chúng ta thêm khiêm cung và nhỏ bé xinh xắn. Không gì đau đớn hơn khi chúng ta bị thế gian kéo xuống tận vực thẳm và rồi, thịt và máu của chúng ta, cũng bị chia cắt và bị ăn lấy. Linh Mục Thượng Phẩm còn là con người nữa không, khi Người bị lột sạch mảnh vải che thân và trần trụi giữa thế gian? Linh Mục Thượng Phẩm còn có phẩm giá nào nữa không, khi bị đeo nhiều gai nhọn cắm vào đầu, vốn tượng trưng cho Trí Tuệ và Khôn Ngoan, và tự lê lết kéo thân xác đang tan nát gồm Thịt và Máu, qua hàng ngàn con mắt khinh khi và nhạo báng? Linh Mục Thượng Phẩm đã trở thành một tên tử tội hạ phẩm cho thế gian được sống! Chỉ khi linh mục chúng ta bị phỉ báng và treo lên như thế, chúng ta mới có thể ban tặng lương thực cho thế gian được sống, vì qua thịt máu của linh mục chúng ta, thế gian mới có thể tiếp cận và cảm nhận được Thịt Máu của Linh Mục Thượng Phẩm. Nếu chúng ta phản kháng, tự vệ, tranh đấu, chúng ta sẽ không thể cứu được thế gian. Linh Mục Thượng Phẩm của chúng ta đã không làm thế! Thầy của chúng ta đã ra khỏi chính mình và “uống cạn chén đắng.” Vậy, chính khi chúng ta sạt nghiệp trắng tay, trí tuệ và khôn ngoan sau hàng chục năm vùi đầu trong triết học thần học bị phỉ báng và thách thức, những công trình sứ vụ của chúng ta bị sụp đổ hòan toàn, cũng chính là lúc chúng ta sẽ thực sự hiến dâng “thịt và máu cho thế gian được sống.” Còn khi chúng ta giàu có, cho đến xa hoa, cùng với sự khen tặng thế gian trước bề dày học thức của linh mục chúng ta, đó là chúng ta đang đi đến nguy cơ bỏ đói thế gian, không cho họ lương thực thật sự. Chúng ta đang kéo họ xa dần với Linh Mục tên là Giêsu nữa!
Vâng. Linh mục chúng ta đã được ưu đãi quá nhiều, trong thời gian quá lâu. Chúng ta đã từng được cung kính, được đưa rước lên ngai, được tung hô hơn cả Linh Mục Thượng Phẩm trước kia. Linh mục chúng ta thường tốt với người tốt, yêu những người yêu chúng ta, vậy nào ích gì? Chúng ta có dám đi xa hơn một chút không? Đó là có dám tha thứ những người không muốn tha thứ cho chúng ta không? đó là có dám thương những người ghét bỏ và xa lánh chúng ta không?
Hình như, chúng ta đã từng đi quá xa và không cùng trên con đường của Linh Mục Thượng Phẩm. Đã đến lúc, chúng ta cần được thanh tẩy, gọt giũa để chúng ta trở nên khiêm hạ. Linh Mục Thượng Phẩm của chúng ta không những khiêm hạ, nhưng mà còn chịu bị hạ nhục nữa. Một khi đã đi quá xa, chúng ta cần bị một cú đánh mạnh, chứ không phải đánh vừa, thì mọi hành trang cồng kềnh của chúng ta mới có thể buông ra và rơi xuống, như thế chúng ta mới có thể nhẹ nhàng tiến nhanh kịp với Linh Mục Thượng Phẩm.
Chỉ khi Thân Thể của Chúa Kitô bị hạ nhục (Thân Thể Người là Hội Thánh), Người mới có thể cứu thế gian. Khi Người tắt thở trên thập giá, Hội Thánh mới được sinh ra. Linh mục chúng ta cũng như vậy, khi chúng ta bị kéo ghì xuống thấp, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chúng ta sẽ trở về nơi mà chúng ta từ đó sinh ra, đó là bụi đất. Chỉ khi trở về bụi đất, chúng ta mới có thể sống gần với những gì là thấp bé, đó là những con người nghèo khổ, những người bị xã hội tẩy chay khinh miệt, những người già cả, bệnh tật… Vụ tai tiếng và sự khinh miệt của thế gian sẽ là cơ hội giúp chúng ta trở thành như thế. Gần bụi đất, trở thành bụi đất, là chúng ta gần và trở thành như những kẻ bị loại ra ngoài xã hội. Chúng ta nên nhớ rằng, Linh Mục Thượng Phẩm của chúng ta bị treo trần trụi giữa hai tên trộm cướp. Dưới con mắt thế gian, Linh Mục ấy bị xếp vào nhóm trộm cướp, mà xã hội chối từ và loại bỏ. Điều độc đáo là, dù Linh Mục Thượng Phẩm vô tỳ tích, nhưng Người vẫn không phản đối hay lý lẽ. Người chấp nhận bản tử hình theo sự xét xử và phỉ báng của thế gian. Người thinh lặng, Người đón nhận.
Khi linh mục chúng ta bị phỉ báng và khinh miệt, việc nhập thể của Đức Kitô đang tiếp diễn. Chúng ta hãy để cho việc nhập thể của Người nơi chúng ta có cơ hội để nuôi sống thế gian qua thịt và máu chính chúng ta. Để cho việc nhập thể của Người được diễn ra, chúng ta không thể hát bài ca cũ được, bài ca mà xưa kia kinh sư, Pharisêu đã từng ca hát: Mắt đền mắt, răng đền răng, ác giả ác báo, và Người đã cho biết: Nếu sống như thế thì sẽ chẳng được vào Nước Trời (Mt 5,20-26). Chúa Giêsu không muốn chúng ta sống theo kiểu công bằng toán học của xã hội như thế. Vì nếu Người muốn chúng ta sống công bằng kiểu đó, thì Người đã không phải chết nhục nhã và cô đơn một cách xem ra thật nghịch lý. Vậy, theo như Người mời gọi, chúng ta có dám “bỏ của lễ trước bàn thờ” để đến với anh chị em chúng ta không? Chúng ta có dám bán hết gia tài để nuôi sống anh chị em chúng ta không? Chúng ta có dám vươn rộng đôi tay để đến với những người mà cũng sẽ làm chúng ta thêm khó chịu không? anh chị em là những nạn nhân, những linh mục gây thương tích cho họ, bề dưới của chúng ta, bề trên của chúng ta, thầy của chúng ta…, họ là những người đang cần ăn thịt và uống máu của chúng ta. Hơn lúc nào hết, chính vụ ấu dâm này, hay những vụ tương tự như thế, là một bài toán khá hóc búa về sự nghịch lý trong Kitô giáo mà Linh Mục Thượng Phẩm đang gửi đến các linh mục chúng ta. Chúng ta có dám liều để đón nhận bài toán đó và giải cho đến cuối cùng đời ta không? Và, cũng dám nói rằng, sau này Linh Mục Thượng Phẩm có thể còn tung ra thêm nhiều bài toán hóc búa khác nữa cho các linh mục chúng ta chăng??? Nếu bài toán này chưa gì đã làm ta ngã quỵ, thì sao ta có thể giải bài toán sau này được. Chúng ta vẫn đang tránh sống cái nghịch lý Tin Mừng!
Rất mong sao, linh mục chúng ta vẫn đứng thẳng (stand upright), cho dù ngày mai sẽ như thế nào. Hai hình ảnh mà có lẽ Hội Thánh chúng ta không thể nào quên được khi cử hành ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (Holy Friday), đó là Mẹ Maria, và Đức Giêsu, là Linh Mục Thượng Phẩm. Thứ Sáu Thánh là Thứ Sáu Linh Mục Giêsu chịu đau đớn và chết. Chính sự đau đớn và sự chết đó, được gọi là thánh (Friday is Holy). Thánh, là vì hai vị ấy không thể hiện những suy nghĩ và thái độ theo thế gian, nhưng theo nghịch lý của Tin Mừng: Thinh Lặng trước nỗi đau.
Mẹ Maria dưới cây thánh giá. Rất đau đớn. Nhưng Mẹ thinh lặng. Mẹ không phản đối rằng Con của Mẹ không có tội tình gì mà lại…, Mẹ không đặt câu hỏi tại sao. Mẹ không đay nghiến hay mắt đền mắt, răng đền răng. Mẹ chẳng nói gì, chẳng làm gì. Chỉ thinh lặng, đứng nhìn. Theo truyền thống Do Thái, đứng là tư thế mạnh mẽ. Vâng! Mẹ Maria đã mạnh mẽ dưới chân thánh giá, thinh lặng và cảm nhận nguồn lực nào đó trong từng thớ thịt Mẹ. Linh mục chúng ta hãy mạnh mẽ, trong thinh lặng, nhất là trước nỗi đau tột cùng của “sự chết”.
Nếu Mẹ Maria đứng thinh lặng dưới chân thánh giá, thì Con của Mẹ là toát mồ hôi máu. Cả hai đều thinh lặng trước sự ứng xử của thế gian. Linh mục chúng ta đứng trước những xét xử của thế gian, cứ hãy đối diện với những hiềm khích, khinh miệt, chối bỏ của thế gian. Trong nỗi đau cùng cực, chúng ta có thể thốt lên như Linh Mục Thượng Phẩm của chúng ta: “Sao Cha bỏ con?” Chúng ta đã cảm nghiệm được “sao Cha bỏ con?” chưa? Nếu chưa, chúng ta còn giàu có lắm, chúng ta còn được trong sự an toàn nhiều lắm. Và, chúng ta còn xa Linh Mục kia của chúng ta lắm!
Chúng ta biết chắc chắn rằng, Cha không thể bỏ chúng ta, nhất là những linh mục mỏng giòn của Ngài. Nhưng trong sự cùng cực, chúng ta thậm chí không thấy Cha đâu nữa. Chúng ta vẫn đứng và thinh lặng. Chúng ta sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng yêu thương, bình an và chữa lành. Chúng ta sẽ không thể cảm nhận nguồn năng lượng ấy, nếu chúng ta không đứng trong thinh lặng. Phải chấp nhận đi qua bóng đêm, thì mới thấy được ánh sáng ban mai. Sau việc đóng đinh, là sự sống lại.
***
Chúng ta là những linh mục, theo tôi, cho dù có như thế nào, tôi vẫn yêu quý mãi ơn gọi linh mục, và kính phục linh mục. Linh mục chúng ta rất trần gian, nên sao mà đáng yêu thế! Linh mục chúng ta cũng rất nhiệm mầu, mãi mãi không thể hiểu thấu được, vì chỉ phán một lời, Thịt và Máu của Linh Mục Thượng Phẩm có ngay trước mặt chúng ta và sẻ chia cho thế gian (người thế gian này có thể tốn bao nhiêu tiền, bao nhiêu sức lực… để mời một vị tổng thống đến nước mình; còn linh mục, chỉ nói một lời, Chúa Tể Trời Đất đã có ngay trước mặt, Ngài đến không huyênh hoang, không trịnh thượng, không hình thức, không gây khó dễ, ai gặp Ngài cũng được. Ngài thật tuyệt vời!).
***
Chúa đang làm mọi sự theo ý Ngài muốn, và Chúa vẫn đang làm, còn làm như thế nào, ra sao, thì chỉ có Ngài mới biết. Nhưng chắc chắn một điều rằng, Ngài không bao giờ để Hội Thánh Ngài phải chết.
Linh mục chúng mình cùng xác tín như thế nhé! Amen.
Linh mục Khất Tuệ
Kỷ niệm Lễ Thánh Tâm Chúa – 2013