TÒA GIÁM MỤC
9 Nguyễn Thái Học
Đàlạt – Lâm Đồng
Đàlạt, ngày 25 tháng 3 năm 2004
Kính gửi : Quý cha,
các tu sĩ, chủng sinh
và anh chị em giáo dân,
đặc biệt các bạn trẻ
trong gia đình Giáo Phận.
Kính thưa quý cha và anh chị em thân mến,
Ngay từ khi được Chúa gọi vào trong chức vụ Giám mục, tôi đã hướng về giới trẻ, những người tôi muốn yêu thương và phục vụ cách đặc biệt. Nay, sắp tới ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XIX, tôi thấy đây là một cơ hội thuận lợi để cùng với các bạn trẻ chuẩn bị tâm hồn cử hành mầu nhiệm cứu thế của Chúa chúng ta.
Các bạn trẻ thân mến,
Như chúng ta đã biết : Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã yêu mến các người trẻ cách đặc biệt. Chính ngài đã có sáng kiến thiết lập “ngày Quốc Tế Giới Trẻ”, được cử hành lần đầu tiên vào dịp Lễ Lá 23/3/1986. Từ đó đến nay, hằng năm cứ tới ngày này, ngài gửi đến người trẻ một sứ điệp. Năm nay, Sứ điệp mang chủ đề : “Chúng tôi muốn được gặp Chúa Giêsu” (Ga 12,21). Đây là lời thỉnh cầu của những người Hy-lạp ngỏ với tông đồ Philípphê vào dịp trước lễ Vượt Qua. Chúng ta cũng đang sống trong bầu khí ấy. Làm sao chúng ta không trân trọng tâm tình đạo đức của những người vốn còn là “dân ngoại” ấy ? Họ cũng như chúng ta, hằng khao khát được gần gũi với Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã có bài suy niệm rất phong phú trong chính Sứ điệp này. Tôi chỉ dừng lại ở một vài điểm để cùng suy nghĩ với anh chị em.
Trước hết, “để có thể gặp được Chúa Giêsu, thì phải để cho Ngài hướng dẫn mình” bởi vì Ngài đã thấy và yêu mến chúng ta. Hãy đọc lại câu chuyện người thanh niên giầu có được ánh mắt Chúa yêu thương kêu gọi, mà thánh sử Marcô kể lại (10,21), và chúng ta vẫn đọc lên trong lời kinh của người trẻ : “Xin cho người trẻ chúng con hôm nay biết đón nhận ánh mắt yêu thương của Chúa, bảo nhau đến với Chúa và trở thành người môn đệ Chúa yêu”. “Hãy nhìn vào đôi mắt Chúa Giêsu, để phát triển trong chúng ta ước muốn nhìn thấy Ánh Sáng, ước muốn cảm nếm Sự Thật rạng ngời”.
Đức Thánh Cha nhắc nhở người trẻ : “Chỉ khi gặp gỡ Chúa Giêsu mới có thể mang đến ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống các con”. Thánh Augustinô đã viết : “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con luôn xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Tự thuật I,1). Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ : “Các con hãy chuyên cần đi tìm kiếm Chúa. Các con hãy kiên trì, vì việc đó liên hệ đến sự thể hiện trọn vẹn chính con người và niềm vui của các con”.
Ngài còn mời gọi người trẻ hãy năng chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể khi viết : “Các con thân mến, nếu các con học khám phá Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, các con cũng sẽ biết khám phá Ngài trong những anh chị em chung quanh các con, đặc biệt nơi những người nghèo khổ nhất. Bí tích Thánh Thể – khi được lãnh nhận với tình yêu và được tôn thờ với lòng sốt sắng – trở nên trường học sống tự do và bác ái, để thực hiện mệnh lệnh tình thương {…]. Trường học Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta biết đi từ tình yêu cảm xúc đến tình yêu hữu hiệu bằng hành động. Bởi vì yêu thương không phải chỉ là một tình cảm ; nhưng là một hành động của ý chí, liên lỉ đặt điều thiện hảo của kẻ khác trước lợi ích của chính mình : “Không ai có tình yêu thương lớn hơn kẻ thí mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Như một dấu chỉ về sự thánh thiện, Đức Thánh Cha nêu lên chứng tá của Chân Phước Têrêxa Calcutta đã sống vì người khác, nhất là người nghèo : “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện ; hoa trái của cầu nguyện là đức tin ; hoa trái của đức tin là tình yêu ; hoa trái của tình yêu là việc phục vụ ; hoa trái của phục vụ là hòa bình”. Đó là con đường đến gặp Chúa Giêsu. Các con hãy đến để phục vụ tất cả những nỗi khổ đau của con người, với sức hăng hái của lòng quảng đại các con và với tình yêu mà Thiên Chúa đổ xuống trong tâm hồn các con nhờ Chúa Thánh Thần : “Quả thật, Thầy nói với anh em : mỗi lần anh em làm những điều nầy cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là anh em làm cho Thầy” (Mt 25,40). Thế giới đang khẩn thiết cần một dấu chỉ vĩ đại có tính cách tiên tri của tình bác ái huynh đệ ! Thật vậy, chỉ nói về Chúa Giêsu mà thôi thì không đủ ; còn cần phải làm cho kẻ khác, cách nào đó, “nhìn thấy” Chúa, bằng chứng tá hùng hồn của chính cuộc sống chúng ta (x. tông thư Bước vào ngàn năm mới, số 16).
Chúng ta đang bước vào những ngày trọng đại của Hội Thánh khi cử hành các mầu nhiệm cứu thế của Chúa. Nguyện xin Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh lôi kéo chúng ta đi vào trong mầu nhiệm thánh giá của Ngài, để chúng ta đón nhận được sự sống và niềm vui. Chớ gì trong bầu khí hân hoan của Năm Thánh Truyền Giáo này, chúng ta trở nên những con người nhiệt thành đem Chúa đến cho mọi môi trường sống của chúng ta, để Gia Đình của Chúa ngày càng thêm đông số và ơn cứu độ lan rộng đến mọi người.
Thân ái,
Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Giám mục Giáo phận Đàlạt