“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
(Lc 12,49)
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 6, 19-23
“Giờ đây anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa
Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.
Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.
Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 3, 14-21
“Anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa”.
Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Người chiếu theo sự giàu có vinh quang của Người và nhờ Thánh Thần của Người, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.
Nguyện cho Ðấng toàn năng ban cho chúng ta mọi sự, dư đầy quá sự chúng ta cầu xin hay hoài bão, theo như quyền lực Người thi thố trong chúng ta: nguyện cho Người được vinh quang trong Hội Thánh và trong Ðức Giêsu Kitô, qua mọi thế hệ muôn đời. Amen.
Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 11-12. 18-19
Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa (c. 5b).
Xướng: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa. Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.
Xướng: Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.
Xướng: Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.
Xướng: Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
TIN MỪNG: Lc 12, 49-53
49 “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.
53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
CỚ VẤP PHẠM CỦA THẬP GIÁ
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51)
Suy niệm: Thật ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giê-su, Vị Thái Tử Hòa Bình, phán rằng Ngài không đến để ban hòa bình cho trái đất nhưng là đem sự chia rẽ. Tại sao thế? Phải chăng những chiến tranh, khủng bố, mâu thuẫn, tranh dành trên thế giới ngày nay là do Chúa gây nên? Ông Si-mê-on đã chẳng tiên báo rằng Hài Nhi Giê-su sẽ nên “cớ vấp phạm” và “một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn” Mẹ Ngài (x. Lc 2,34-35) hay sao? Quả thật, Chúa Giê-su là đối tượng chống đối của các luật sĩ và Pha-ri-sêu, bị thân nhân cho là mất trí, bị chính các môn đệ bỏ rơi, bởi Ngài đã chọn con đường cứu độ bằng thập giá, điều mà người ta cho là sỉ nhục và điên rồ.
Mời Bạn: Sự chia rẽ mà Chúa nói đến chính là sự căng thẳng trong gia đình, xã hội và ngay trong chính nội tâm mình khi phải chọn lựa giữa sự thiện và sự ác, giữa cuộc sống theo Chúa Ki-tô hoặc theo thế gian. Đó chính là điều các thánh (như thánh Lu-xi-a, thánh Cla-ra, thánh Phan-xi-cô Át-xi-di…) phải đối diện khi chọn sống theo Chúa Ki-tô khiêm nhường, nghèo khó, chịu sỉ nhục.
Chia sẻ: Giáo Hội đang bị nhiều người chống đối vì lập trường lên án phá thai, hôn nhân đồng tính, sống trước hôn nhân… Bạn có thấy sự chia rẽ này đúng như Lời Chúa hôm nay không?
Sống Lời Chúa: Can đảm sống niềm tin của mình, không thỏa hiệp với điều gì trái ngược với đường lối của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, xin giúp con dám từ bỏ những quyến luyến lệch lạc, dám chấp nhận những chống đối để sống theo và làm chứng cho Chúa, Đấng chịu đóng đinh trên thập giá.
CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KỲ
“Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc 12,50)
Suy niệm: Nơi mỗi người chúng ta luôn tồn tại hai thái cực đối lập: ánh sáng và bóng tối. Cả cuộc đời ta là cuộc chiến dai dẳng, đấu tranh trường kỳ giữa ánh sáng và bóng tối ấy. Mang thân phận làm người, Đức Giê-su cũng đã phải “khắc khoải” trong cuộc đấu tranh này. Để hoàn tất ý định của Chúa Cha, Người phải đương đầu với cám dỗ (x. Mt 4), chọn lựa ý Cha trước cuộc Tử nạn (x. Mt 26,42), nhất là khi hấp hối trên thánh giá (x. Mc 15,34). Ngài đã sẵn lòng chịu “phép rửa” ấy, để cứu độ nhân loại.
Mời Bạn: Là người Ki-tô hữu từ khi lãnh nhận phép Thánh tẩy, ta nỗ lực bảo vệ chiếc áo trắng Thánh tẩy ấy trong cuộc chiến chống lại bóng tối tội lỗi, thế gian. Ta mong muốn hoàn toàn thuộc về Chúa, ánh sáng Ngài luôn chiếu tỏa trong cuộc đời mình. Tâm tình ấy có thể được diễn tả một cách trọn vẹn nơi thánh Augustinô: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Ngài.” Ắt hẳn bạn đang phải đấu tranh một mất một còn để ‘ánh sáng’ (sự thiện) đẩy lùi ‘bóng tối’ (sự ác) trong mình. Bạn có mang nỗi khắc khoải như Thầy Giê-su không, hay cũng chỉ chiến đấu ‘cầm chừng’ theo bản tính tự nhiên?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm mỗi sáng thức dậy: tôi sẽ luôn chọn những giá trị của Nước Trời hơn là những gì thuộc về thế gian.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn muốn nhân loại trở về với Chúa là cội nguồn mọi sự thiện hảo. Xin cho chúng con luôn biết hướng về Chúa trong mọi hoàn cảnh, để cũng sẽ chiến thắng, cùng với Đức Ki-tô, trong cuộc chiến trần gian này. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất, không phải thế nhưng là đem sự chia rẽ.”
Thật ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giêsu, Vị Thái Tử Hòa Bình, lại phán rằng Ngài không đến để ban hòa bình cho trái đất nhưng là đem sự chia rẽ. Tại sao vậy? Phải chăng những chiến tranh, khủng bố, mâu thuẫn, tranh dành trên thế giới ngày nay là do Chúa gây nên? Ông Simêon đã chẳng tiên báo rằng Hài Nhi Giêsu sẽ nên “cớ vấp phạm” và “một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn” Mẹ Ngài? Quả thật, Chúa Giêsu là đối tượng chống đối của các luật sĩ và Pharisêu, bị thân nhân cho là mất trí, bị chính các môn đệ bỏ rơi bởi Ngài đã chọn con đường cứu độ bằng thập giá, điều mà người ta cho là sỉ nhục và điên rồ.
Sự chia rẽ mà Chúa nói đến chính là sự căng thẳng trong gia đình, trong xã hội và ngay trong chính nội tâm mình khi phải chọn lựa giữa sự thiện và sự ác, giữa cuộc sống theo Chúa Kitô hoặc theo thế gian. Đó chính là điều các thánh, như thánh Lucia, thánh Clara, thánh Phanxicô Assisi… phải đối diện khi chọn sống theo Chúa Kitô: sống khiêm nhường, sống nghèo khó, chịu sỉ nhục. Nghĩa là theo Chúa thì sống khác với thế gian.
Ngày nay Giáo Hội đang bị nhiều người chống đối vì lập trường khác với thế gian khi lên án phá thai, lên án hôn nhân đồng tính, không cho ly dị… Sự chia rẽ này đúng như Lời Chúa nói hôm nay: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất, không phải thế nhưng là đem sự chia rẽ.”
Chúng ta tiếp tục đi theo con đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Xin Chúa Kitô ban sức mạnh để chúng ta bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
NHỮNG THỬ THÁCH CỦA VIỆC TRUNG THÀNH
1.Chúng ta nghĩ thế nào khi nghe Đức Giêsu nói: “Thầy đến để gây chia rẽ” (Lc 12,51)). Một câu nói xem ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu phân tích sâu xa thì câu nói đó lại là một chân lý tuyệt vời. Hoà bình đích thực chỉ có sau khi đã quyết liệt chiến đấu để chọn lựa. Hoà bình chỉ có khi đã phân rẽ sự ác khỏi điều thiện, bóng tối ra khỏi ánh sáng… Nhờ ngọn lửa thanh tẩy, bợn nhơ được loại bỏ để chỉ còn lại sự tinh tuyền trọn hảo.
2.Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói: “Các con tưởng Thầy đến đem sự bình an đến thế gian ư? Không phải thế đâu, Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Với tư cách là một người hiền lành và khiêm nhường trong lòng, làm sao Đức Giêsu đã đến trần gian để gây chia rẽ và xáo trộn? Tuy nhiên, nhiều khi vì Ngài mà xáo trộn và chia rẽ xảy ra.Chúng ta cần hiểu rằng: bằng hai chữ hoà bình và chia rẽ, Đức Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin mừng của Ngài: Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hoà bình đến (x.Is 9,5), Đức Giêsu xác nhận là đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng hòa bình. Nhưng Ngài cần thấy phải giải thích thêm: chữ “Hoà bình” có nhiều nghĩa: hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói rằng: Ngài đến thế gian không phải để đem hoà bình kiểu thế gian, mà là thứ hoà bình của Thiên Chúa. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được, sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin mừng của Ngài.
Thực tế cho thấy là sứ vụ của Đức Giêsu đã gặp chống đối, và lời rao giảng của Ngài đã gây chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xảy ra ngay trong lòng gia đình.
3.Cuộc sống của người Kitô hữu là một cuộc chiến đấu không ngừng. Trận chiến mà chúng ta tham dự là trận chiến chống lại sức mạnh của ác thần. Vương quốc Chúa Giêsu thiết lập là một vương quốc luôn trong tình trạng chiến tranh, Giáo hội của Ngài luôn trong tình trạng thánh chiến. Thánh chiến ở đây không có nghĩa là chiếm lại Thánh địa, các nơi thánh hay bất cứ lãnh thổ trần gian nào, nhưng là chống lại sức mạnh của tối tăm, hận thù, tội lỗi và chết chóc.
4.Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng gây nên chết chóc đau thương. Hoà bình mà nhân loại đạt được lắm khi là giá của rất nhiều mạng người. Người Kitô hữu cũng đeo đuổi một cuộc thánh chiến, nhưng là để đạt được bình an trong tâm hồn. Sự bình an ấy, chúng ta chỉ có thể đạt được bằng giá của một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại tội lỗi và khuynh hướng xấu trong chính bản thân. Vì thế, người Tây phương có câu ngạn ngữ: “Si vis pacem, para bellum”: nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi (R.Veritas).
5.“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”
Một đạo sĩ Ấn độ dạy các đệ tử: “Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”. Ánh sáng mặt trời, mặt trăng giúp ta thấy rõ sự vật, nhưng không thể biến một người xa lạ thành người anh em của chúng ta. Vậy thứ ánh sáng kỳ diệu ấy từ đâu? Ánh sáng ấy phát xuất từ trái tim. Thứ ánh sáng ấy toả ra từ khắp các trang sách Tin mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng ấy đã bừng lên. Ánh sáng đó khiến hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em. Ta hãy khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng cháy, đẩy lui bóng tối hận thù, ích kỷ; mở rộng tâm hồn đón nhận và trao tặng yêu thương, để mọi người nhìn nhận nhau như là anh em đích thực. Bấy giờ, đêm sẽ tàn, ngày mới sẽ bắt đầu, bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, và ánh sáng tỏa rạng từ các trái tim chan hòa yêu thương.
Truyện: Ozanam, ngọn lửa nhiệt tình
Năm 1843, thành phố Paris đang bị xáo trộn, đạo Công giáo bị đe dọa, các cơ sở tôn giáo bị phá phách. Tại Lyon, bọn thợ thuyền cũng kéo cờ đỏ, hát những bài phạm đến Chúa và phản đạo. Năm ấy Ozanam học luật ở Paris. Dầu còn thanh niên, cậu đã dùng ngòi bút và việc bác ái để phản công. Cậu siêng năng đọc Phúc âm, rước lễ. Cậu thụ giáo với giáo sư Ampère về học thức và đạo đức. Và cậu mạnh bạo bênh vực Giáo hội. Với Ozanam các sinh viên, trước đây rụt rè lo sợ, bây giờ mạnh bạo. Các giáo sư đại học cũng phải kiêng nể Công giáo. Cậu tổ chức các buổi diễn thuyết làm sống lại đạo Công giáo. Về phía dân chúng, cậu cùng 6 anh em khác lập Hội Bác Ái Vinh Sơn giúp đỡ các người nghèo khổ. Hồi 18 tuổi, cậu đã thề: “Nhất định hy sinh đến thí mạng cho dân nghèo”. Đồng thời với Ozanam, Montalembert tranh đấu cho tự do giáo dục của Giáo hội, tại nghị trường. Dù là giáo sư đại học, Ozanam vẫn hàng tuần đi các khu nghèo khó để dạy giáo lý cho những công nhân nghèo khổ.
Ngày nay, Giáo hội cũng cần nhiều tâm hồn có lửa nhiệt tình như Ozanam.