Lm. Stephano Huỳnh Trụ
Trước Công Đồng Vatican II, thì Mùa Thương Khó (Temps de la Passion) bắt đầu từ Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay và kéo dài hai tuần trước Lễ Phục Sinh (với Chúa Nhật Thương Khó[1] và Chúa Nhật Lễ Lá[2]). Thế nhưng, với cuộc canh tân phụng vụ năm 1969, thì không còn nói đến Mùa Thương Khó nữa, mà chỉ còn Mùa Chay kéo dài cho tới Lễ Phục Sinh. Thuật từ “thương khó” chỉ còn được gắn cho hai ngày: Chúa Nhật Lễ Lá (Dominica in Palmis de Passione Domini) và Thứ Sáu Tuần Thánh (Feria VI in Passione Domini). Vào hai dịp đó, phụng vụ đọc bài Thương Khó (Passio): Lễ Lá thì dựa theo Phúc Âm Nhất Lãm thay đổi theo chu kỳ A-B-C (Mt 26,14-27,66; Mc 14,1-15,47; Lc 22,14-23,6); còn ngày Thứ Sáu thì luôn luôn đọc Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 18-19).
Sau Công Đồng Vatican II, để dịch thuật từ Passio trong tiếng Latin, ngoài từ thương khó, chúng ta thấy có thêm từ khổ nạn. Như vậy, hai thuật từ này đồng nghĩa hay có gì khác biệt và thuật từ nào thích hợp hơn để dịch tiếng Passio?
I. NGUYÊN NGỮ PASSIO
Trong tiếng Latin, Passio (Pháp và Anh: Passion) có nhiều nghĩa:
– (1) Nghĩa thông thường: “Passio” bởi động từ “pati”, có nghĩa là: Đau khổ, chịu, trải qua.
– (2) Nghĩa luận lý: Thụ động, là một trong mười phạm trù của Aristote để chỉ sự kiện được thay đổi.
– (3) Nghĩa tâm lý: Passio bắt nguồn từ pathos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là: Cảm xúc, xúc động, là sự thay đổi hoặc cưỡng ép áp đặt cho tâm hồn và như vậy có nghĩa là có một sức cưỡng trong nhịp điệu bình thường của các hoạt động tâm hồn vốn bị một nguyên nhân bên ngoài đưa ra khỏi chính nó.
– (4) Nghĩa đạo đức: Đam mê, say mê, mê đắm, là hành vi của giác dục hoặc khuynh hướng hướng về những điều thiện khả giác đáng ước mong.
– (5) Nghĩa siêu hình: Passio cũng gọi là thụ động hay bị động, điều mà do đó một hữu thể thấy mình ở dưới sự chế ngự của một nguyên nhân tác động. Nói cách khác, sự tiếp nhận một hình thức gây nên sự tiêu mất của một hình thức ngược lại. Khái niệm thụ động (passio)dùng trong tương quan với chủ động hay hành động (actio).
– (6) Nghĩa Thánh Kinh (Cựu Ước, tiếng Hipri là Ke’ev, nghĩa là đau khổ, đau thương. Tân Ước, tiếng Hy Lạp là pathema, nghĩa là đau khổ):
+ (6a) Sự thương khó, cuộc khổ nạn của Đức Kitô (Passion du Christ) từ khi Ngài bị bắt ở vườn Giếtsêmani.
+ (6b) Bài Thương Khó: Phần sách Phúc Âm (Mt 26-27; Mc 14-15; Lc 22-23; Ga 18-19), trình thuật kể lại những biến cố kể từ bữa Tiệc Ly cho đến đồi Calvariô. (6c) Có người cho rằng passio (từ passus: bước) còn có nghĩa là đi ngang qua, để nói đến cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, Người trải qua sự khổ và cái chết để tiến vào vinh quang phục sinh.
– (7) Nghĩa thần học: Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô nhìn dưới khía cạnh đau khổ, cứu chuộc và hy tế. Chính trong cuộc khổ nạn này của Đức Kitô mà Kitô hữu được tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy. Trước tiên, tất cả mọi Bí tích đều diễn tả cuộc khổ nạn của Đức Kitô là nguồn mọi ân sủng, bao gồm những ân sủng Bí tích.
– (8) Nghĩa phụng vụ: Trong phụng vụ trước đây, Mùa Thương Khó(Temps de la Passion), là thời gian Hội Thánh chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, bằng cách cố gắng có được nơi mình cách sâu sắc hơn những tình cảm của Đức Kitô trong cuộc thương khó của Ngài (x. Cl 1,24; Pl 3,10; 1C 5,1; 4,13). Theo phụng vụ hiện nay, từ “passion” chỉ còn được gắn cho hai ngày:
+ (i) Chúa Nhật Lễ Lá còn gọi là Chúa Nhật Thương Khó (Dominica in Palmis de Passione Domini)tưởng nhớ việc Đức Giêsu vào thành Jerusalem một cách trọng thể như vị Cứu Thế, và để khai mạc việc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô.
+ (ii) Thứ Sáu Tuần Thánh (Feria VI in Passione Domini): Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô, Chiên Thiên Chúa hiến tế trên thập giá vì nhân loại, qua việc đọc Lời Chúa và tôn vinh thánh giá. Đồng thời Giáo Hội cũng tưởng nhớ nguồn gốc của mình phát sinh từ cạnh sườn Chúa Kitô chết trên thập giá. Tin cậy vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, Giáo Hội cầu bầu cho phần rỗi của nhân loại. Cũng nên biết là trong tiếng Latin, từ “passio” cũng được áp dụng cho trình thuật kể lại cuộc tuẫn đạo của các Kitô hữu cổ thời. Ở số nhiều“Passiones” có nghĩa là “Truyện các Thánh Tuẫn Ðạo”.[3]
II. NGHĨA CỦA TỪ THƯƠNG KHÓ
1. Nghĩa chữ thương
Chữ thương trong Hán văn có đến 34 chữ, nhưng trong thuật từ thương khó, thương là chữ Nôm, có hai chữ là 愴 [4] và 傷 [5].
a/. Chữ thương 愴 (bộ tâm) có nghĩa là: (đt.)
– (1) Yêu, mến, muốn luôn luôn gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ hoặc hy sinh, thứ tình cảm thiêng liêng giữa người thân, hoặc do tánh nết, nhan sắc hay việc làm của người kia khiến người nọ có tình cảm ấy: Dễ thương, lòng thương, tình thương; “Gió đưa cây cửu lý hương, Hai người hai họ mà thương vô cùng” (Ca dao).
– (2) Xót xa, tội nghiệp, cám cảnh. Tình cảm phát sinh do thấy cái nghèo, cái khổ của người: Bi thương, đáng thương, khá thương, thảm thương, xót thương, “Thương người như thể thương thân; Ghét người khác thể vun phân cho người” (Ca dao).
– (3) (Nghĩa bóng) Ám chỉ mối quan hệ xác thịt: “Hai đứa đã thương nhau rồi!”.
– (4) (tt.) Hư hao, tổn hại: Danh giá bị tổn thương.
– (5) (dt.) Dấu vết làm đau đớn, bệnh tật: Bị thương, chấn thương, đả thương, nội thương, ngoại thương, nhà thương, vết thương.
b/. Chữ thương 傷 (bộ nhân) mượn chữ thương của tiếng Hán, có nghĩa là: (dt.)
– (1) Vết đau: Đao thương; đăng thương (vết bỏng).
– (2) Buồn sầu: Ai thương; bi thương (đau đớn, đau buồn).
– (3) Cản trở, trở ngại, gây hại: Hà thương hồ? (Có gì cản trở?). (đt.)
– (4) Làm hại: Tổn thương; hữu thương quốc thể.
– (5) Mắc bệnh: Thương hàn, thương phong (cảm, cảm gió); bị khí xa tràng thương (bị xe hơi đụng); thương ngấn; thương ba (vết sẹo, sẹo). làm hại. (tt.)
– (6) Hư hao, tổn hại: Thụ thương (thân thể bị tổn hại). (tr.t)
– (7) Ngấy: Ngật đường ngật thương liễu (ăn đường nhiều thấy ngấy quá).
Trong từ thương khó, chữ thương (愴 hay 傷) lấy nghĩa “hư hao, tổn hại”.
2. Nghĩa chữ khó
Khó là tiếng Nôm, có hai chữ: 苦 và 庫 (cũng đọc là kho)[6]
a/. Chữ 苦 là mượn chữ khổ của tiếng Hán, nghĩa là: (dt.)
– (1) Nghèo: “Tiếc công đóng giá chờ gàu, Đó đà phụ khó tham giàu thì thôi” (Ca dao); sa sút khó khăn; “Của vào nhà khó như gió vào nhà trống” (Tục ngữ).
– (2) Khốn khổ: Chịu thương chịu khó.
– (3) Tang, trở: Mãn khó. (pht.)
– (4) Không dễ; nhọc công, nhọc sức mà không được hoặc không chắc được: Khó làm, khó tin, toán khó, việc khó; “Đạo cang thường khó lắm bạn ơi, chẳng như con bướm đậu rồi lại bay” (Ca dao); “Cái khó bó cái khôn” (Thành ngữ).
– (5) Không vừa ý: Khó chịu, khó nghe.
– (6) Khó tính, gọi tắt tính người quá kỹ lưỡng, hay bắt bẻ, hay quạu, ít ai làm vừa ý: Chủ khó, chồng khó, vẻ mặt khó; “Khó người khó ta” (Tục ngữ).
– (7) Vất vả: Khó nhọc.
b/. Chữ 庫 là mượn chữ khố của tiếng Hán, nghĩa là: (dt.)
– (1) Cái kho, chỗ để chứa đồ binh khí của nhà nước. Chỗ để đồ cũng gọi là “khố”: Nhập khố; ngân khố(kho bạc); lương thực khố (kho chứa đồ ăn).
– (2) (Họ) Khố.
Trong từ thương khó, chữ khó (苦 hay 庫) lấy nghĩa “khốn khổ, đau thương”.
3. Nghĩa của từ thương khó
Trong tiếng Việt cổ, từ “thương khó” dùng để chỉ sự đau đớn, khốn khó. Ca dao có câu: “Thấy điều thương khó, ai đành bỏ qua”, hoặc câu thành ngữ “Chịu thương chịu khó” nhằm ca ngợi tính cần cù chịu đựng gian khổ, không quản ngại khó khăn vất vả trong cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam. Những từ điển cổ xưa hàng đầu cũng đã ghi nhận từ này, ví dụ:
– Tự vị Việt La (1772) và từ điển Taberd (1838):[7] Thương khó 傷苦có nghĩa là “aerumna”, tức là sự khốn khó, khốn nạn, cực khổ.
– Tự vị của Paulus Của (1895),[8] thương khó nghĩa là (dt.) Sự thể đau đớn, khốn khó.
– Từ điển của Genibrel (1898):[9] Thương khó có nghĩa là “Misère, angoisse, douleur, compassion, souffrances”, tức là sự khốn khổ, lo lắng, đau đớn, từ bi, đau khổ.
Từ này đã đi vào những lời kinh cổ xưa của Công Giáo như: Kinh Cầu Chịu Nạn,[10] Kinh Ngắm Đàng Thánh Giá,[11] Kinh Ngắm Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ,[12] Kinh Bởi Lời,[13]v.v… để chỉ về sự đau đớn, khốn khó nói chung, chứ không phải chỉ riêng “sự đau đớn, khốn khó của Đức Giêsu” như chúng ta quen nghĩ hiện nay.
III. NGHĨA CỦA TỪ KHỔ NẠN
1. Nghĩa chữ khổ
a/. Khổ trong tiếng Hán là chữ 苦, nghĩa là: (tt.)
– (1) Ðắng, vị đắng: Khổ qua (quả mướp đắng).
– (2) Cực nhọc, gian nan, vất vả, khó khăn: Cùng khổ, cực khổ, đồ khổ, gian khổ, khốn khổ, lao khổ, hữu thân hữu khổ, tân khổ (cay đắng), cam khổ (ngọt đắng), bất tri cam khổ (không biết ngọt đắng, ý chỉ người ít từng trải).
– (3) Khó nhịn, phàm những gì khó nhịn được đều gọi là khổ: Khổ cảnh (cảnh khổ), khổ huống (nỗi khổ).
– (4) Khó chịu, vì cảnh ngoài bách đến làm cho khó chịu gọi là khổ: Khổ hàn (rét khổ), khổ nhiệt (nóng khổ).
– (5) Chịu khó: Khắc khổ, khổ tâm cô nghệ (khổ lòng một mình tới).
– (6) Rất, mãi: khổ khẩu (nói mãi), khổ cầu (cầu mãi).
– (7) Lo, mắc.
– (8) Một âm là cổ: Xấu xí.
b/. Nghĩa Nôm là: (tt.)
– (9) Khó khăn, khổ sở: Đời là bể khổ.
– (10) Bất hạnh, không may. (dt.)
– (11) Hình dáng: Khổ mặt xương xương.
– (12) Cỡ: Giấy khổ lớn.
– (13) Bề ngang vải lụa: Vải dệt ở Việt Nam ngày xưa có khổ hẹp cho nên vạt lưng cần may bằng hai khổ vải.
– (14) Đồ dệt cửi (tấm gỗ cài răng lược giúp thợ dệt ghim chặt sợi chỉ xuyên ngang từ con suốt).
2. Nghĩa chữ nạn
Nạn trong tiếng Hán có hai chữ: 難 (难). Trong từ khổ nạn, nạn là chữ 難, chữ này có 3 âm là nan, nạn và na. 難 có nghĩa là: (Đọc là nan) (tt.)
– (1) Khó, khó khăn, trái lại với tiếng dị (易 dễ): “Vi quân nan, vi thần diệc bất dị” (Làm vua khó, làm tôi cũng không dễ) (Luận Ngữ, Tử Lộ); mãnh hổ nan địch quần hồ; thiên nan vạn nan. (pt.)
– (2) Không tốt, không thể: Nan khán (khó coi); nan cật (khó ăn), nan văn (khó nghe). (Đọc là nạn): (dt.)
– (3) Tai họa, khốn ách, hoạn nạn, tai ương, sự lo sợ nguy hiểm gọi là nạn: Lạc nạn (mắc phải tai nạn), tỵ nạn (lánh nạn).
– (4) Kẻ thù, cừu địch: “Sở thường dữ Tần cấu nạn, chiến ư Hán Trung” (Sở đã từng gây hấn với Tần, đánh nhau ở Hán Trung) (Sử Ký, Trương Nghi liệt truyện). (đt.)
– (5) Căn vặn, hỏi, trách: Vấn nạn (hỏi vặn lẽ khó khăn); phát nạn (vạch tỏ sự lý gì không đúng khiến cho kẻ hỏi được rõ ràng); sự sự phi nạn (trách móc đủ điều).
– (6) Biện luận, biện bác: “Thường dữ kỳ phụ Xa ngôn binh sự, xa bất năng nạn dã, nhiên bất vị thiện” ((Triệu Quát) từng cùng cha là (Triệu) Xa bàn việc binh, Xa không thể bắt bẻ được, nhưng vẫn không cho là phải) (Sử ký, Liêm Pha Lạn Tương Như liệt truyện). (Đọc là na)
– (7) Vẻ tốt, thịnh.
– (8) Xua đuổi ma quỷ gây bệnh dịch.
3. Nghĩa của từ khổ nạn
Theo Từ điển của “Đức-Trụ”:[14]Khổ nạn (dt.) có hai nghĩa:
– (1) Tai nạn đau khổ;
– (2) Cực khổ và hoạn nạn: Gánh nhiều khổ nạn.
IV. NHẬN XÉT
Thương khó (Nôm) có nghĩa là sự đau đớn khốn khó, được dùng để dịch những chữ “dolor”, “aerumna”, “passio” trong tiếng Latin, hay “misère”, “angoisse”, “douleur”, “compassion”, “souffrances”, “passion” trong tiếng Pháp. Còn từ khổ nạn (Hán Việt) có nghĩa là sự cực khổ hoạn nạn, “khốn nạn” (theo nghĩa cổ của từ này),[15] được dùng để dịch chữ “malum” trong tiếng Latin, hay “malheur” trong tiếng Pháp (xem từ điển Gouin).[16] Gần đây, khoảng sau năm 1965, được sử dụng để dịch từ“passio”, có lẽ từ Nhóm phiên dịch các văn kiện Công Đồng Vatican II của Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X.[17] Hiện nay, từ khổ nạn được sử dụng phổ biến để dịch chữ passio.
Theo chúng tôi, với nghĩa “cực khổ và hoạn nạn” thì từ khổ nạn rất gần nghĩa với từ thương khó, “sự đau đớn khốn khó”. Cả hai từ đều thuộc ngôn ngữ toàn dân. Nhưng ngoài xã hội, thương khó đã trở thành từ cổ, còn trong Giáo Hội, từ này vẫn còn sử dụng như một thuật ngữ song song với từ khổ nạn. Trong hầu hết ngữ cảnh, hai từ có thể hoán đổi cho nhau. Ngoại trừ vài trường hợp từ thương khó đã được quen sử dụng rồi. Ví dụ: Tuồng Thương Khó, Bài Thương Khó… hay lễ kính những sự đau khổ của Đức Mẹ trong tiếng Latin là“Mater Dolorosa” (hay “Septem Dolorum”), trong tiếng Anh là “Dolors of Our Lady” (hay “Seven Dolors of Blessed Virgin”, “Seven Sorrows of Our Lady”), còn trong tiếng Việt ngày xưa gọi là lễ kính “Bảy Sự Thương Khó của Đức Bà” hay lễ “Đức Bà Bảy Sự”, ngày nay thì gọi là lễ “Đức Mẹ Sầu Bi”. Trong trường hợp này, không ai nói là “lễ kính Bảy Sự Khổ Nạn của Đức Bà” cả!
[1] Chúa Nhật Thương Khó còn gọi là Chúa Nhật Chịu Nạn hay Thụ Nạn: Dominica de Passione (Passion Sunday).
[2] Chúa Nhật II Mùa Thương Khó hay Lễ Lá: Dominica II Passionis seu in Palmis.
[3] Xc. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ, số 92 c.
[4] Xc. Lm. Antôn Trần Văn Kiệm, Giúp Đọc Nôm Và Hán Việt, NXB. Đà Nẵng, 2004.
[5] Xc. Pierre Pigneaux de Béhaine, Vocabularium anamitico Latinum (Từ Vựng An Nam-Latin, thường gọi là “Tự Vị Việt La”), Pondichéry, India, 1773; Jean-Baptiste Louis Taberd,Dictionnarium Anamitico-Latinum (“Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị”, thường gọi là “Từ Điển Taberd”), Serampore, India, 1838 và Lm. Nguyễn Hưng, Bản Kinh Tụng Đọc Toàn Niên, Lưu hành nội bộ, TP. HCM, 2007.
[6] Lm. Nguyễn Hưng, Bản Kinh Tụng Đọc Toàn Niên, Lưu hành nội bộ, TP. HCM, 2007.
[7] Pierre Pigneaux de Béhaine, Vocabularium Anamitico Latinum (Từ Vựng An Nam-Latin, thường gọi là “Tự Vị Việt La”), Pondichéry, India, 1773, tr. 546; Jean-Baptiste Louis Taberd,Dictionnarium Anamitico-Latinum (Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị, thường gọi là “Từ Điển Taberd”), Serampore, India, 1838, tr. 513.
[8] Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895. NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1974.
[9] J. F. M. Génibrel, Dictionnaire Annamite Française, Mission à Tân Định, Sài Gòn, 1898, trang 860: Thương khó: Misère, angoisse, douleur, compassion, souffrances.
[10] “Chúng con nhớ đến những sự thương khó Đức Chúa Giêsu, xưa chịu ba mươi ba năm vì chúng con, thì trong lòng thảm thiết đau đớn…” (Kinh Cầu Chịu Nạn).
[11] “Lạy ơn Đức Chúa Giêsu! Chúng con ước ao ngắm mười bốn nơi thương khó Đức Chúa Giêsu trong đàng Thánh Giá này…” (Kinh Ngắm Đàng Thánh Giá).
[12] “Chúng con xin cho được kính bảy sự thương khó Rất Thánh Đức Bà cho liên…” (Kinh Ngắm Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ).
[13] “Lạy Ðức Chúa Giêsu xưa bởi lời mà xuống thế gian ba mươi ba năm cùng chịu những sự thương khó cho các linh hồn thiên hạ được rỗi…” (Kinh Bởi Lời).
[14] Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Tự Điển Việt Nam, NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
[15] Từ điển Việt – Bồ – La và Tự vị Annam Latin giải thích từ “khốn nạn” có nghĩa đơn giản là“khó nhọc, cực khổ” mà thôi. Nhưng trong tiếng Việt hiện đại từ này đã thay đổi, có nghĩa là“hèn mạt, không còn nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa”.
[16] Lm. Eugène Gouin, Mep, Dictionnaire Vietnamien Chinois Français, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.
[17] Từ “thương khó” được sử dụng 6 lần: Hiến chế Phụng Vụ (số 61, 102, 104, 106, 110); Hiến chế Giáo Hội (số 7). Từ “khổ nạn” được sử dụng 8 lần trong: Hiến chế Phụng Vụ (số 5), Sắc lệnh Hiệp Nhất (số 12), Sắc lệnh Tông Đồ (số 4), Sắc lệnh Truyền Giáo (số 5), Sắc lệnh đào tạo Linh Mục (số 12). Với ý nghĩa như nhau.