TỘI HỒNG PHÚC
Mầu nhiệm Vượt Qua trong phụng vụ (II)
1. Vượt Qua và huấn giáo nhiệm tính
Trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, có một hình thức huấn giáo cao nhất, được gọi là “huấn giáo nhiệm tính”, “huấn giáo khai tâm”, tức đưa người ta vào các mầu nhiệm. Thường thường nó được dạy sau phép Rửa, chứ không dạy trước, do đích thân Giám mục làm.
Thánh Ambrosiô vạch rõ hai mục tiêu căn bản của loại huấn giáo này. Mục tiêu thứ nhất là mục tiêu sư phạm : điều đột nhiên được mạc khải sau khi người ta đã chờ đợi từ lâu, tác động mạnh và ghi sâu trong trí nhớ, hơn là điều được mạc khải dần dần, trong khoảng thời gian dài. Mục tiêu thứ hai hay lý do thứ hai là vấn đề thận trọng : mạc khải những mầu nhiệm thánh thiện nhất cho những con người chưa thuộc về Giáo Hội cách đầy đủ, sẽ làm cho những mầu nhiệm này có nguy cơ bị phạm thánh. Ngài viết: “Giờ đây là lúc nói về các mầu nhiệm và cắt nghĩa ngay cả bản tính các bí tích. Quả thực, nếu chúng ta nghĩ phải cho những người chưa được khai tâm học những điều đó trước khi Rửa tội, người ta sẽ cho rằng chúng ta đã phản bội một bí mật, hơn là chuyển đạt một giáo huấn. Thứ đến, ngay cả ánh sáng các mầu nhiệm thâm nhập tốt khi nó đến thình lình, hơn là khi nó được cắt nghĩa trước” (1).
Nét đặc thù của huấn giáo này khiến người ta hiểu sức lôi cuốn không bắt chước được của nó, là vì nó tổng hợp giữa chân lý và kinh nghiệm, giữa kiến thức trừu tượng và kiến thức cụ thể, thuộc cảm giác. Khi chuẩn bị chịu phép Rửa, các người dự tòng đã học biết những chân lý đức tin và các biến cố của lịch sử cứu độ ; tiếp đến, lúc chịu phép Rửa, họ đã thực hiện các nghi thức khai tâm. Lần đầu tiên xẩy ra sự chập mạch, nếu có thể nói được như thế, giữa hai sự việc. Người ta được thấy mối dây liên kết giữa các biến cố lịch sử do Đức Kitô thực hiện và các nghi thức phụng vụ. Trong những nghi thức khai tâm, thực tại được làm sáng tỏ qua các hình ảnh, điều này khơi dậy đức tin và làm cho người ta phấn khởi.
Thánh Augustinô cắt nghĩa hiện tượng ấy như sau: “Tất cả những gì được gợi ra nhờ các biểu tượng, tác động mạnh và đốt nóng tâm hồn cách sâu sắc hơn là những gì chân lý đó có thể làm, nếu nó được trình bầy không có những lớp áo mầu nhiệm của các hình ảnh… Tính nhạy cảm của chúng ta không bừng lên được bao lâu còn gắn bó với những thực tại thuần túy cụ thể. Nhưng nếu nó hướng tới những biểu tượng rút ra từ thế giới hữu hình, và chuyển đổi sang bình diện những thực tại thiêng liêng được biểu thị bởi những biểu tượng này, thì chỉ từ sự chuyển đổi này, nó có được một sức sống lớn hơn, và bừng cháy hơn, như một ngọn đuốc đang di chuyển” (2).
Một điều gì đó thuộc loại này cũng xuất hiện trong huấn giáo nhiệm tính. Người tân tòng nhận ra chân lý đức tin phổ quát và xa vời cách cụ thể và cá nhân, nhờ kỷ niệm còn sống động về nước trên thân thể, dầu xức trên đầu và áo trắng người đó mặc. Đức tin sống động nhất là đức tin được phát sinh nhờ cả nhìn lẫn nghe. Thánh Cyrillô Giêrusalem làm sáng tỏ điểm này. Ngài nói với các người tân tòng: “Trước đây tôi muốn nói với anh em về những mầu nhiệm thiêng liêng và thần linh. Nhưng vì tôi biết rằng người ta tin vào điều mình thấy hơn là vào điều mình chỉ có nghe, nên tôi chờ đợi lúc này. Giờ đây, lúc mà kinh nghiệm giúp cho anh em có đủ tư cách để hiểu điều sẽ được nói cho anh em, tôi sẽ có thể hướng dẫn anh em tới đồng cỏ rực rỡ và thơm ngát của địa đàng này” (3).
Vậy nét đặc thù của huấn giáo nhiệm tính so với mọi loại huấn giáo khác, không phải là đặt những hình bóng và thực tại, tức những tiên trưng của Cựu Ước và những thực tại Kitô giáo, trong tương quan với nhau ; điều này là yếu tố tiên trưng chung cho mọi huấn giáo của các Giáo Phụ. Chỉ cần đối chiếu những bài huấn giáo trước Rửa Tội, được gán cho cùng tác giả Cyrillô, với năm bài huấn giáo nhiệm tính, để thấy rằng cách cắt nghĩa tiên trưng thậm chí thấy nhiều trong trong huấn giáo trước hơn là trong huấn giáo sau. Nét đặc thù của huấn giáo nhiệm tính dựa vào một tương quan khác bao gồm tương quan trước : tương quan giữa các biến cố của lịch sử cứu độ – tiên vàn được tiên trưng, rồi được thực hiện, tức là toàn bộ hình bóng và thực tại – và các nghi thức mà, trong hiện tại, làm cho những biến cố này hoạt động và canh tân nó. Nói cách khác, ở trong cách cách cắt nghĩa nghi thức đã làm, nếu người ta hiểu “cắt nghĩa” không phải là một cách giải thích cá nhân nào đó, theo nghĩa ẩn dụ hoặc mang tính xây dựng, nhưng là dây liên kết hữu hiệu giữa nghi thức ấy và biến cố ấy. Đây là nguyên tắc mà thần học bí tích La tinh đã diễn tả bằng tiền đề nổi tiếng: “significando causant”, chúng thực hiện bằng cách tiên trưng, hoặc chúng gây ra bằng cách biểu thị. Khi thể hiện lại sự chết và sống lại của Đức Kitô bằng hình ảnh, chúng ta không chỉ đạt tới hình ảnh của sự cứu độ, nhưng là thực tại của nó.
Lược đồ huấn giáo nhiệm tính cho các người tân tòng thì đơn giản. Giám mục nhắc lại cho từng người nghi thức đã lãnh nhận. Tiếp đến ngài hỏi: “Nghi thức này có nghĩa gì?” “Thứ bẩy vừa qua chúng ta đã thực hiện nghi thức “hãy mở ra”, khi Giám mục sờ vào tai và mũi bạn. Điều đó có nghĩa gì?” (4) . Tiếp theo là cắt nghĩa hoặc mạc khải mầu nhiệm chứa đựng trong nghi thức và mối liên hệ của nó với cử chỉ của Đức Giêsu khi Ngài nói với người câm điếc: “Ephata ! Hãy mở ra !”
Nhiệm tính Vượt Qua Do thái
Điều quan trọng phải ghi nhận lúc này là lược đồ trên đây phát sinh đồng thời với lễ Vượt Qua. Như chúng ta đọc trong sách Xuất Hành, “Khi con cháu anh em hỏi anh em : Nghi lễ này có ý nghĩa gì đối với quý vị? Anh em sẽ trả lời : Đó là lễ tế Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel tại Ai Cập, khi Người đánh phạt Ai Cập, và cho các nhà chúng ta thoát nạn” (Xh 12, 26-27). Ở đây chúng ta thấy cách cắt nghĩa một số nghi thức và dấu chỉ đưa về những biến cố đã qua, cách cắt nghĩa được làm trong khung cảnh một phụng vụ khai tâm hay tưởng niệm. Tức là chúng ta có một huấn giáo nhiệm tính. Trong trường hợp này, gợi lại biến cố là nhắc lại hành động cứu độ của Thiên Chúa lúc dân chúng ra khỏi đất Ai Cập.
Lịch sử lễ Vượt Qua Do thái cho phép chúng ta đưa ra một nhận định quan trọng. Trong Do thái giáo hậu thời, đặc biệt thời Tân Ước, có hai cách giải thích và cử hành lễ Vượt Qua khá khác nhau : một cách riêng cho người Do Thái ở Palestina, gắn liền với Đền Thờ và với hàng tư tế, và một cách riêng cho kiều dân Do thái, được biết đến đặc biệt nhờ Philô Alexanđria. Trong Do thái giáo ở Palestina, đặc điểm nhiệm tính của cử hành lễ Vượt Qua được duy trì, một điều có thể làm được nhờ có một phụng vụ Vượt Qua, hàng tư tế và Đền Thờ. Trong Do thái giáo tha hương, đặc điểm này không còn và biến mất. Song song, chúng ta thấy, trong khi lễ Vượt Qua phụng vụ ở Palestina duy trì một đặc tính lịch sử-cứu độ mạnh mẽ (chủ xướng là Thiên Chúa vượt qua và giải cứu, và nghi thức làm cho biến cố có hiệu lực), thì lễ Vượt Qua của người Do thái tha hương thuộc văn hóa Hy lạp có đặc tính phần nhiều là luân lý. Chủ xướng là con người, và lễ Vượt Qua hệ tại ở chỗ vượt từ nết xấu tới nhân đức, từ yếu tố giác quan tới yếu tố thiêng liêng.
Hai bản văn là đủ để minh giải hai quan niệm này về lễ Vượt Qua trong Do thái giáo. Bản văn thứ nhất phản ánh lễ Vượt Qua phụng vụ của Do thái giáo ở Palestina, lể Vượt Qua mà Đức Giêsu đã cử hành với các môn đệ trong cuộc đời Ngài, cho dù nó được ấn định sau năm 70 công nguyên. Bản văn nói: “Tôn sư Gamaliel thường quả quyết : người nào trong dịp lễ Vượt Qua mà không nói ba chữ sau đây, là người không làm tròn nhiệm vụ của mình. Đó là chữ Pesach (Vượt Qua), Matsach (bánh không men) và Maror (rau đắng). Pesach, mà cha ông chúng ta đã ăn khi Đền Thờ còn tồn tại, vì lý do nào ? Vì lý do này : vì Thiên Chúa “vượt qua trên những nhà của cha ông chúng ta…Matsach, bánh không men này, tại sao chúng ta ăn ? vì lý do này : vì cha ông chúng ta không đủ thời gian để làm cho bột dậy men…Maror, rau đắng này, tại sao chúng ta ăn ? Vì lý do này : vì người Ai Cập làm cho đời sống của cha ông chúng ta bên Ai Cập phải cay đắng.
Như vậy, người ta thấy rằng, qua những từ khóa, người ta gợi lại những nghi thức Vượt Qua chính yếu, và đối với từng người, người ta cắt nghĩa những nghi thức đó, để trả lời cho câu hỏi có tính chất quy tắc : Tại sao chúng ta làm những việc đó ?” Tính hiện thực nhiệm tính, theo đó điều được biểu thị được gây ra, được diễn đạt bằng những chữ kết thúc bản văn này: “Cho đến muôn đời, mỗi người phải coi mình như thể cá nhân mình ra khỏi đất Ai Cập” (5).
Ngược lại, bản văn của Philô phản ánh quan niệm khác, quan niệm luân lý về lễ Vượt Qua : Đối với những người quen nhìn trong trình thuật (lịch sử !) một nghĩa ẩn dụ, lễ Vượt Qua ám chỉ sự thanh tẩy tâm hồn. Quả thực, họ khẳng định rằng người yêu thích sự khôn ngoan không quan tâm đến điều gì khác hơn là vượt từ thân xác và đam mê tới nhân đức” (6). Cũng ở đây, lễ Vượt Qua được nhìn như một biểu tượng về một sự gì khác, nhưng đây là một hệ thống biểu tượng hoàn toàn khác với hệ thống biểu tượng phụng vụ và nghi thức. Không phải nghi thức Vượt Qua, bữa ăn, là dấu chỉ của biến cố lịch sử, nghĩa là sự vượt qua của Thiên Chúa và việc ra khỏi đất Ai Cập, nhưng chính sự kiện lịch sử là biểu tượng của một ý tưởng vĩnh cửu và một sự kiện thiêng liêng. Người chủ xướng lễ Vượt Qua này, nghĩa là người thực hiện cuộc vượt qua, không phải là Thiên Chúa, nhưng là con người. Từ bình diện mầu nhiệm người ta sang bình diện đạo đức.
Nhiệm tính Vượt Qua Kitô giáo
Giờ đây chúng ta sang lễ Vượt Qua Kitô giáo. Về vấn đề này, chúng ta chú ý đến, từ thế kỷ II, cùng một biện chứng giữa một lễ Vượt Qua bí nhiệm và một lễ Vượt Qua đạo đức. Trong một số ngữ cảnh nơi một số tác giả, huấn giáo nhiệm tính về Vượt Qua có ưu thế ; nơi những tác giả khác, huấn giáo luân lý và tu đức thắng thế. Những bài giảng xưa nhất mà chúng ta còn giữ được, đặc biệt những bài giảng của nhóm Mười Bốn (nisan), mang dấu vết nhiệm tính. Huấn giáo Vượt Qua của Origen hoặc chịu ảnh hưởng của ông, mang dấu vết luân lý và tu đức. Origen viết: “Những sự kiện lịch sử không thể là hình bóng của những sự kiện lịch sử khác và những sự vật hữu hình không thể là hình bóng của những sự vật hữu hình khác, nhưng những sự vật hữu hình là hình bóng của những sự việc thiêng liêng, và những sự kiện lịch sử là hình bóng của những thực tại khả tri” (7). Tương quan hàng ngang, nếu có thể nói được như vậy, của huấn giáo nhiệm tính (những nghi thức-biến cố lịch sử của việc cứu độ) bị gạt bỏ hoặc chỉ được coi là hạng hai, để làm lợi cho tương quan mà người ta có thể gọi là hàng dọc : một bên là những biến cố lịch sử và những nghi thức bí tích, và bên kia là những thực tại khả tri.
Huấn giáo thứ hai này thuộc mẫu luân lý cũng có những thành công ai cũng công nhận, và thường đạt tới tột đỉnh của xu hướng thần bí chân thật, nhưng không giống với huấn giáo nhiệm tính. Nó nhấn mạnh công việc và nỗ lực của con người phải thực hiện nhờ đức tin và các bí tích, hơn là sáng kiến ban không và tiên liệu của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Nó cũng được dành cho việc “dẫn vào mầu nhiệm” ; nhưng ở đây, “các mầu nhiệm” (bí tích) có một nghĩa khác. Không phải mầu nhiệm liên kết với lịch sử cứu độ và các nghi thức bí tích cho bằng các “ý nghĩa sâu xa” hoặc các “mầu nhiệm của tương lai hậu thế” chỉ có thể hiểu bắng cách vượt qua mặt chữ (8).
Những tiền đề về nhiệm tính Vượt Qua có mục đích thực tế và mục vụ : cho thấy phụng vụ Vượt Qua, cách riêng đêm canh thức, được hiểu và sống trong sự viên mãn của nó, ngày hôm nay còn tạo ra đại huấn giáo nhiệm tính trong năm, là cơ hội độc nhất để đưa các tín hữu vào trong chiều sâu khôn dò của mầu nhiệm Kitô giáo.
Một bản văn Giáo phụ, trong đó vang lên những điểm nhấn của bài Exsultet, gọi đêm Vượt Qua là đêm đưa hôn thê vào nhà của phu quân và vào hưởng gia tài của chàng (9).
Để khám phá ra chiều kích mới mẻ này, vừa huấn giáo vừa nhiệm tính, của lễ Vượt Qua, chúng ta hãy chú ý ngay đến những bản văn của đêm vọng Phục Sinh, và trước hết là bài Exsultet, “một tuyệt phẩm vô đối của thể thơ trữ tình Kitô giáo, cho người tín hữu khám phá ra mầu nhiệm Vượt Qua, công bố cuộc chiến thắng của Đức Giêsu trên toàn thế giới và sự tuyệt đối của công trình cứu chuộc” (B. Capelle). Bài Exsultet là một bài huấn giáo nhiệm tính thật sự về lễ Vượt Qua, với một giọng điệu trữ tình. Quả thực, khởi đi từ các nghi thức và các dấu chỉ cụ thể – đêm, canh thức, nến sáng – nó mạc khải ý nghĩa sâu xa của lễ Vượt Qua, dựa vào những hình bóng Cựu Ước và thực tại Tân Ước.
Chúng ta thử tìm hiểu nội dung thần học rất phong phú của bản văn này, xoay quanh hai điếm chính : trước hết, lễ Vượt Qua như hoàn tất tất cả lịch sử cứu độ ; thứ hai, lễ Vượt Qua như sự canh tân thế giới.
Thời cổ đại, trong suốt Tuần Thánh, các người tân tòng, lòng hân hoan chờ đợi, trở lại nhà thờ, vận áo trắng, để được đích thân Giám mục khai tâm vào các mầu nhiệm đức tin. Phần đông các Kitô hữu ngày nay lãnh nhận phép Rửa trong những hoàn cảnh rất khác nhau, không có huấn giáo nhiệm tính. Nếu muốn thì đây là dịp để bù đắp cho khiếm khuyết này. Chúng ta hãy tái tạo nơi chúng ta tâm hồn người tân tòng ; chúng ta hãy trở lại dưới chân Mẹ Giáo Hội, không phải một tuần, nhưng có lẽ nhiều năm sau khi chịu phép Rửa Tội, để dùng đôi mắt mới mà chiêm ngắm vẻ huy hoàng của những mầu nhiệm đức tin. Giống như những trẻ em sơ sinh, chúng ta cũng hãy ước ao sữa đặc của lời Chúa để, nhờ sữa này, chúng ta sẽ lớn lên để hướng tới ơn cứu độ (x. Pr 2,2).
2. “Đây là đêm” : lễ Vượt Qua, sự hoàn tất lịch sử cứu độ.
“Đây chính là lễ Vượt Qua, lễ hiến tế Con Chiên đích thực, là Con Chiên đã lấy máu đào thánh hiến cửa nhà người tín hữu. Chính đêm nay, Cha đã giải thoát cha ông chúng con là dân Israel ra khỏi Ai Cập, và đưa họ đi qua Biển Đỏ ráo chân. Chính đêm nay cột lửa ánh sáng rực cả bầu trời, đẩy lùi xa bóng tối tăm tội lỗi. Chính đêm nay tín hữu Đức Kitô trên khắp mặt địa cầu được tách khỏi thói đời sa đọa và thoát vòng tội lỗi bủa vây, được trả về tình trạng ân nghĩa, và hiệp thông với nguồn thánh thiện. Chính đêm nay Đức Kitô toàn thắng hiển vinh, diệt tử thần, từ âm phủ chỗi dậy.”
Đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng
Những lời trên đây, cũng như toàn bộ phụng vụ Vượt Qua Kitô giáo, làm chúng ta chìm nghỉm ngay giữa việc đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng. Những lời trên cho ta thấy ngay việc đọc này hệ tại ở điều gì, không phải bằng cách cắt nghĩa, nhưng bằng thực hành. Nói “đây là đêm mà con cái Israel vượt qua biển Đỏ”, là nói biến cố đó nhắm tới điều này : trong cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, cuộc Vượt Qua Do thái có được ý nghĩa đầy đủ và mạc khải tất cả những lời hứa chất chứa nơi nó.
Truyền thống Kitô giáo – như cha de Lubac vạch rõ – biết đến hai nghĩa của Kinh Thánh : một nghĩa văn tự và một nghĩa thiêng liêng. Hai nghĩa đó cũng giống như Cựu Ước và Tân Ước. Tuy nhiên tương quan giữa chúng theo một kiểu mẫu rất đặc biệt. Nghĩa thứ hai phát sinh từ nghĩa thứ nhất nhưng không phủ nhận nó, không phá hủy nó ; ngược lại, khi hoàn tất nghĩa thứ nhất, nó làm sống động và canh tân nghĩa này. Nghĩa thứ hai này vừa bao gôm nghĩa thứ nhất vừa làm nó thay hình đổi dạng. Đây không phải là một sự tiến triển chậm rãi, nhưng là sự vượt qua đột ngột, một sự chuyển dịch toàn bộ, một sự thay đổi giọng qua đó tất cả mang một ý nghĩa mới. Đó là “thời khắc quyết định”, lúc người ta đi từ thời gian tới vĩnh cửu.
Tất cả những điều này xẩy ra nhờ hành vi hy tế của Đức Kitô, vào “giờ” của Thập Giá, khi mà, ám chỉ không những cuộc đời mình, mà còn tất cả Kinh Thánh, Đức Giêsu kêu lên: “Consummatum est”, mọi sự đã hoàn tất! (Ga 19,30) Thập Giá là chìa khóa giúp đọc bao quát, lúc Chiên Con mở cuốn “sách niêm bẩy ấn” (x. Kh 5,1 tt), tức Cựu Ước. Chính là biên giới liên kết, đồng thời cũng chia cách hai Giao Ước. “Đây là trang sách rực rỡ và màu đỏ chia cách hai Giao Ước ! Mọi cửa ra vào đều đồng loạt mở ra, mọi đối kháng tan biến, mọi mâu thuẫn được giải quyết” (P. Claudel).
Nếu chúng ta so sánh toàn bộ lịch sử cứu độ với diễn tiến một Thánh Lễ, lễ Vượt Qua của Đức Kitô biểu thị lúc truyền phép, khi các dấu chỉ bánh và rượu biến đổi thành Mình Máu Đức Kitô. Cũng như những hình bánh và rượu không giảm giá trị hay mất giá trị do trở thành Mình và Máu Đức Kitô, mà ngược lại, được đưa lên một địa vị cao hơn, cũng vậy là những hình bóng của Cựu Ước, khi chúng được thay thế bằng thực tại là Đức Kitô. Một tác giả rất xa xưa viết về Vượt Qua diễn tả sự biến đổi thình lình này như sau:
Việc hiến tế con chiên
và nghi thức Vượt Qua
và văn tự của Lề luật
đã được hoàn tất
nơi Đức Giêsu Kitô.
tất cả xẩy ra trong luật cũ…là để cho Người
Luật trở thành Ngôi Lời
và cũ trở thành mới
lệnh truyền trở thành ân sủng,
hình bóng trở thành thực tại
chiên con trở thành Con…” (11)
Đôi khi các Giáo Phụ đi quá xa trong đường hướng này, như khi cũng tác giả trên so sánh lễ Vượt Qua cũ với hình mẫu bằng sáp, bằng đất sét hay bằng gỗ, bị phá hủy một khi tác phẩm nghệ thuật hoặc tòa nhà được thưc hiện, mà hình mẫu đó dùng để chuẩn bị (12). Đó không phải là ý nghĩa của khoa tiên trưng Kitô giáo ; vả lại, chính Mêlitô và các Giáo Phụ khác không những không “phá hủy” Cựu Ước, ngược lại, còn không ngừng làm tăng giá trị Cựu Ước. Cuộc đối thoại hiện nay với thế giới Do thái đã dạy chúng ta lưu ý hơn và kính trọng hơn những giá trị vĩnh cửu mà Cựu Ước bảo toàn cho người Do Thái, kể cả bên ngoài cách đọc Kitô giáo (13).
Đúng là “văn tự thì giết chết” (2Cr 3,6) và đúng là tiếp tục chỉ nhìn trong những biến cố của Cựu Ước điều chúng biểu thị trước hết và bên ngoài Đức Kitô, là không còn trung thành với chính Kinh Thánh, giống như tiếp tục chỉ thấy bánh và rượu trên bàn thờ sau truyền phép. Nhưng ai bị văn tự giết chết ? Phải chăng là người Do Thái, những người kính trọng giao ước cũ và, khi thực hành trung thực đức tin của tổ tiên, gắn bó với truyền thống đã nhận được và cử hành hàng năm lễ Vượt Qua cũ trong tinh thần này ? Không, chính các Kitô hữu bị văn tự giết chết. Những Kitô hữu này, khi được ơn biết Đức Kitô và tin vào Ngài, Đấng là “sự chấm dứt lề luật”, tiếp tục chỉ nhìn trong Cựu Ước văn tự, như vậy cuối cùng coi nó như một cuốn sách chỉ có ích để nghiên cứu sự tiến triển của lịch sử và Do thái giáo.
Không phải cách đọc theo hướng tiên trưng hay thiêng liêng của các Giáo Phụ và Truyền Thống gây nguy hiểm cho các giá trị trường tồn của Cựu Ước, nhưng đúng hơn, sự chú giải lịch sử-phê bình, khi sự chú giải này khép lại nơi mình, không chấp nhận giá trị tiên tri của Cựu Ước và mọi khai mở cho siêu nhiên và cho Đức Kitô. Chính vào lúc tột đỉnh của phương pháp chú giải mới này xuất hiện cùng với trào lưu ánh sáng, mà ở thế kỷ vừa qua, người ta đi tới chỗ thật sự dèm pha Cựu Ước, tới chỗ quả quyết rằng hố ngăn cách giữa Kinh Thánh Do thái giáo và Kinh Thánh Kitô giáo cũng sâu như hố ngăn cách giữ ngoại giáo và Kitô giáo (F. Schleiermacher). Đối với Hégel, Kitô giáo là tôn giáo trong hình thức tuyệt đối của nó, và theo bước ông, tôn giáo Do thái, cũng như tôn giáo ngoại đạo, đã trở thành một thời điểm cần thiết và nhất thời trong sự tiến hóa tới tuyệt đối. Vì nhất thời, Cựu Ước chỉ có ích trong thời kỳ của nó, nhưng hết thời kỳ này, nó dường như không còn ý nghĩa. Sự vượt qua tiến hóa hay “biện chứng” này của Cựu Ước hoàn toàn khác với sự vượt qua được vận dụng bởi cách đọc theo hướng thiêng liêng hay tiên trưng. Cách đọc này không những không hạ giá Cựu Ước, mà còn tôn nó lên tối đa. Lễ Vượt Qua Kitô giáo không làm cho lễ Vượt Qua Do thái mất giá, nhưng làm tăng giá trị cho nó. Không chỉ lễ Vượt Qua được điển chế hóa trong Kinh Thánh, mà cả lễ Vượt Qua do dân Do thái sống và cử hành hàng năm.
Trọng tâm thần học của bài Exsultet
Giờ đây chúng ta nhìn gần hơn một chút để thấy, qua bài Exsultet, trọng tâm của hành vi có tính quyết định, đóng dấu sự vượt qua từ hình bóng đến thực tại, nghĩa là cho thấy cuộc Vượt Qua của Đức Kitô hệ tại ở điều gì. Đây là dịp tốt để minh xác, từ tất cả cuộc tranh luận phong phú về ý nghĩa của thuật ngữ “Vượt Qua” đã diễn ra trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, và đã được nhắc đến ở chương thứ nhất, ý nghĩa đó thực sự đi vào trong phụng vụ như thế nào.
Như người ta nói, lễ Vượt Qua là “lễ giết Con Chiên đích thật” (ý tưởng này sẽ được lấy lại trong kinh tiền tụng mùa Phục Sinh). Ở đây, chúng ta theo đường lối của thư 1Cr 5,7: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”, như vậy theo đường lối giải thích xưa về lễ Vượt Qua như là Khổ Nạn. Nhưng Vượt Qua cũng là lúc Đức Kitô “toàn thắng hiển vinh, diệt tử thần, từ âm phủ trỗi dậy”. Bên cạnh chiều kích lịch sử và Kitô học của Vượt Qua, không thiếu ám chỉ tới truyền thống cắt nghĩa Vượt Qua như cuộc vượt qua của con người về phương diện luân lý “từ nết xấu đến nhân đức, từ tội lỗi đến ân sủng”. Quả thực, lễ Vượt Qua kéo con người ra khỏi “những nết xấu của thế gian này và những bóng tối tội lỗi, phục hồi họ vào sống trong ân sủng”.
Tuy vậy, chúng ta còn thu hẹp hơn nữa tầm nhìn của chúng ta. Trong số những điều ấy, điều gì là cột trụ thật sự của ơn cứu độ ? Điều gì làm cho lễ Vượt Qua của Đức Kitô có ý nghĩa tuyệt đối và phổ quát, khiến cho mình nó là đủ để cứu vớt bất cứ ai ở bất cứ thời nào ? Câu trả lời nằm trong những chữ “chuộc tội”, “cứu chuộc”, “Đấng Cứu Chuộc”, đưa chúng ta thẳng tới trọng tâm thần học của Exsultet. “Nếu chúng ta không được cứu chuộc, thì sinh ra đời nào có ích chi!” Chính Đức Giêsu được định nghĩa như “Đấng Cứu Chuộc cao cả và uy quyền” (talis ac tantus redemptor).
Người ta biết đó là đặc điểm của thần học La tinh, theo đường lối của Phaolô, quan niệm ơn cứu độ như sự cứu chuộc khỏi tội lỗi, có thể có được nhờ cái chết hy tế của Đức Kitô. Trong một bài giảng Phục Sinh, thánh Augustinô đã nói: “Chúng ta mắc nợ và càng mắc nợ vì chúng ta đã phạm tội. Còn Ngài, Ngài đã đến mà không mắc nợ, vì Ngài không có tội ; Ngài thấy chúng ta bị những hám lợi vô hạn đè nặng, và khi phải trả điều Ngài đã không lấy (x. Tv 69,5), Ngài xót thương mà giải thoát ta khỏi món nợ muôn đời. Chúng ta đã phạm tội và hình phạt đang chờ đợi ta ; còn Ngài không phải là người cộng tác với tội, nhưng là người cộng tác với hình phạt, muốn giải thoát ta khỏi tất cả lỗi lầm và hình phạt của ta” (14).
Thánh Anselmô, rồi thánh Tôma thu nhận di sản này và cho nó một hình thức sẽ trở thành cổ điển, với lý thuyết về sự đền thay. Tội lỗi xúc phạm đến các quyền của Thiên Chúa. Người đòi một sự đền bồi sửa chữa xúc phạm và tái lập các quyền của Người. Nhưng vì sự nặng nề của xúc phạm không được đo lường theo người xúc phạm, nhưng theo người bị xúc phạm là chính Thiên Chúa trong trường hợp này, vậy cần một sự đền bồi có giá trị vô biên mà, dĩ nhiên, không một ai có thể cống hiến” (15). Đó là tình trạng không lối thoát trước khi Đức Kitô đến : một đàng, con người phải trả nợ, nhưng không thể trả ; đàng khác, Thiên Chúa có thể trả, nhưng Ngài không mắc, vì Ngài đã không phạm tội. Sự Nhập Thể giải quyết tình huống không thể tiên liệu này. Nơi Đức Kitô, là người và Thiên Chúa, người phải trả nợ và người duy nhất có thể trả nợ, kết hợp với nhau, trong cùng một ngôi vị.
Tất cả những điều này được diễn tả tuyệt vời trong bài Exsultet: “Người đã thay chúng ta dâng lên Cha hằng hữu giá chuộc tội Ađam. Người đã đổ máu đào xóa bản án nguyên tội xưa truyền lại”. Viễn tượng này về sự cứu độ đến theo đường thẳng từ Tân Ước. Trong bài ca này, Đức Kitô đã đến để hiến mạng sống mình “làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28) ; nhờ máu Ngài, chúng ta “được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Ep 1,7 ; 1Cr 1,30 ; 1Tm 2,6). Thiên Chúa đã đặt Người làm “nơi xá tội” (Rm 3,25) ; trên thập giá, Đức Kitô đã “xóa sổ nợ cho chúng ta” (Cl 2,14).
Nhãn quan thần học rút ra từ những bản văn này đôi khi đã được nhấn mạnh thêm và lu mờ bởi những điều thái quá, như có lý thuyết cho rằng Đúc Kitô chuộc con người từ tay ma quỷ, vì khi phạm tội, con người bị bán cho chúng làm nô lệ. Không có chút nào giống như thế trong bản văn phụng vụ của chúng ta. Đức Kitô đã trả cho chúng ta “món nợ mắc với Thiên Chúa vĩnh cửu”.
Cho dù như thế thì cách cắt nghĩa trên đây cũng gặp phải một vấn nạn đáng ngại. Trong quá khứ, có những nhà giảng thuyết lừng danh, khi nói về “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đang tức giận”, đã không làm chủ được mình. Bossuet nói: “Đức Giêsu cầu nguyện, và Chúa Cha nổi nóng không nghe Ngài ; đó là công lý của một Thiên Chúa báo thù cho sự lăng nhục phải chịu ; Đức Giêsu đau khổ và Chúa Cha vẫn không nguôi” (10). Người ta còn có thể gọi một Thiên Chúa như vậy là Cha được không ?
Tuy nhiên, trong bài Exsultet, nguy cơ này bị loại bỏ tận căn, vì ngay lập tức người ta sửa chữa viễn tượng pháp lý bằng một viễn tượng khác, giúp cho viễn tượng ấy không còn những hàm súc tiêu cực của một thứ công lý lạnh lùng, bằng cách đưa nó về mạc khải của Thiên Chúa tình yêu. Quả thực, đúng là Chúa Con đã trả nợ cho Chúa Cha hằng hữu, nhưng Chúa Cha không chỉ là người nhận giá chuộc ; Người cũng là Đấng trả nợ, thậm chí là trả một cái giá cao hơn, vì Người ban người con độc nhất của mình: “Ôi ân tình Cha thật kỳ diệu! Ôi ân phúc Cha thật khôn lường. Để cứu dân lầm than nô lệ, Cha đã thí Con Một quý yêu”. Hiếm khi tư tưởng Kitô giáo, dưới mọi hình thức, lại đạt tới một chiều sâu thăm thẳm như vậy. Hiếm khi tình yêu vô địch của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại được ca ngợi với nhiều cảm xúc lớn lao mà lại rất đơn giản như vậy. Đó là lời vang vọng của thư Rôma 8,32: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”.
3. “Ôi, tội hồng phúc” : lễ Vượt Qua như một sự canh tân thế giới
Cho tới đây, tôi đã làm sáng tỏ viễn tượng về lễ Vượt Qua như sự hoàn tất cả lịch sử cứu độ, xuyên qua hành vi cứu độ của Đức Kitô trên Thập Giá. Nhưng một viễn tượng khác, tích cực hơn, bắt tréo với viễn tượng này trong phụng vụ Vượt Qua và trong bài Exsultet : viễn tượng Vượt Qua như một sự canh tân thế giới (renovatio mundi) và như một sự tái sinh vũ trụ. Trước hết chúng ta hãy xem truyền thống này được hình thành như thế nào, rồi đã xâm nhập vào phụng vụ Vượt Qua của Giáo Hội ra sao.
Tại sao tháng Vượt Qua được gọi là “tháng thứ nhất trong năm?” (x. Xh 12,2). Một tác giả Kitô giáo cuối thế kỷ II hoặc đầu thế kỷ III trả lời cho câu hỏi này như sau: “Cách cắt nghĩa bí mật lưu hành nơi những người Do Thái muốn rằng đó là lúc Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và làm ra mọi sự, đã tạo dựng vũ trụ” (17). Thông tin này phù hợp với sự thật. Trong huấn giáo Vượt Qua của người Do Thái, người ta đã khẳng định ý tưởng “mật”, tức không được nói đến trong các sách quy điển, là thế giới đã khởi đầu lúc xuân phân, và vì thế, lễ Vượt Qua là lễ kỷ niệm việc tạo dựng. Philô viết: “Ngày xuân phân, chúng ta có một bản sao và một phản ánh lúc khởi đầu, khi thế giới được tạo dựng. Như vậy, mỗi năm Thiên Chúa làm ta nhớ lại việc tạo dựng thế giới.” (18) Một bản văn Vượt Qua của Do thái giáo, có lẽ có trước Tân Ước, tóm tắt tất cả lịch sử thánh trong “bốn đêm” : đêm tạo dựng, đêm hy tế Isaac, đêm xuất hành ra khỏi đất Ai Cập, và đêm cuối cùng, khi thế giới tan rã” (19). Tất cả những đêm này gặp nhau trong đêm Vượt Qua, vì chúng đã đến hoặc sẽ đến trong cùng một thời kỳ trong năm, thời kỳ của đêm Vượt Qua.
Rất sớm, truyền thống này truyền sang huấn giáo Kitô giáo, được cổ võ nhờ thánh Tông Đồ, người cũng đã nói về lễ Vượt Qua của Đức Kitô và về phép Rửa như một tạo dựng mới (x. 2Cr 5,17 ; Gl 6,15). Thánh Cyrillô Giêrusalem kêu lên: “Đây là lúc sáng tạo thế giới. Vào chính ngày hình ảnh Thiên Chúa mất đi, thì việc phục hồi nó đã đến” (20). Người ta không đếm hết được những hình thức của chủ đề này trong huấn giáo Vượt Qua Kitô giáo. Cách diễn tả gạn lọc nhất có lẽ là cách diễn tả trong một bài giảng về lễ Vượt Qua năm 387. Ở đây, Lễ Vượt Qua được định nghĩa như một sự “thâu họp”, một sự “tái tạo”, một sự “canh tân”, một sự “phục hồi”, một sự “cải chính”. Tất cả những chữ này cho thấy một sự đảo ngược trong trật tự thế giới, đưa trật tự này về lúc khởi đầu. “Khi muốn làm cho con người sa ngã được sống lại, muốn canh tân và tái tạo họ trong tình trạng nguyên thủy, nhờ cuộc Khổ Nạn của mình, thì đây là điều Con Một Thiên Chúa đã làm. Là Đấng tạo dựng con người đầu tiên, Ngài cũng muốn là Đấng cứu thoát nó sau khi nó sa ngã, nhằm phục hưng tất cả bản tính của nó. Không chỉ bằng lòng với cuộc Khổ Nạn, Ngài còn canh tân bằng cách tập hợp mọi yếu tố theo thứ tự niên đại phối hợp với nhau từ lúc tạo dựng, để lúc cuối hài hòa với lúc đầu, và để cách thức hoạt động của Đấng sáng tạo mạch lạc với chính việc tạo dựng” (21). Ý tưởng độc đáo nhất của tác giả này là ý tưởng về sự canh tân không những thực tại của con người và thế giới, mà cả thời gian. Thiên Chúa đã sáng tạo một “thời gian rất tinh tuyền” ; tội đã làm hư hỏng ngay cả thời gian, vì phạm trong thời gian. Thì đây, dịp Vượt Qua, Thiên Chúa canh tân “thời gian rất tinh tuyền” này, vì sự chết và sự sống lại của Đức Kitô xẩy ra “trong thời gian”. Để cho thấy sự tái lập thời gian nguyên thủy này, trong sự chết của Đức Kitô, Thiên Chúa đã làm cho mọi hoàn cảnh thời gian (điểm phân, trăng tròn và ngày thứ sáu trong tuần) lại được tụ họp lại, là những hoàn cảnh được gặp lại nhau vào lúc tạo dựng con người” (22).
Nhãn quan vĩ đại này sớm đi vào trong phụng vụ, trong đó Giáo Hội luôn thu nhận, xét kỹ, bằng cách thanh tẩy và cô đọng lại thành điều chủ yếu, điều tốt nhất mà người ta thấy là mới trong lời Thiên Chúa, nhờ sự tiến triển của thần học và nhờ tiếp xúc với các văn hóa mới.
Việc lựa chọn bài sách Sáng thế 1 về việc tạo dựng làm bài đọc I của đêm canh thức Vượt Qua, gắn chặt với truyền thống này. Nó muốn nói rằng Vượt Qua là một sáng tạo mới. Một lời cầu nguyện có trong sách bí tích Gêlasiô ở thế kỷ VII – may mắn là được lần canh tân phụng vụ cuối cùng đưa vào lại trong các bản văn của đêm canh thức, chính xác là sau bài đọc thứ VII – nói rằng: “Ước chi cả thế giới nghiệm thấy và nhìn nhận rằng : vạn vật suy vong đã được trỗi dậy, muôn loài già cỗi được đổi mới và hết thảy được phục hồi nguyên vẹn như xưa, nhờ chính Đức Kitô là căn nguyên mọi sự”.
Bài Exsultet cũng gợi lại chủ đề Vượt Qua như một sự canh tân vũ trụ. “Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế, bốn bề đang rực rỡ ánh hào quang. Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng, đẩy lùi xa bóng tối của trần gian” (§1). Và: “Đêm cực thánh khử trừ muôn tội vạ, đêm vạn năng thanh tẩy hết lỗi lầm, biến tội nhân thành con người công chính, đem vui mừng cho hồn nặng sầu thương. Đêm tiêu diệt hận thù, đêm giải hòa bất thuận, khuất phục mọi quyền uy” (§5).
Nhưng bài Exsultet còn làm cho nhãn quan này tiến thêm một bước. Cho tới lúc ấy, người ta nói về sự canh tân “trở lại phía sau” (renovatio in pristinum), đưa mọi sự về khởi nguyên ; giờ đây người ta nói về một sự canh tân “tiến về phía trước”, tới chỗ tốt hơn (renovatio in melius). “Tội Ađam quả là cần thiết, tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Chúa Kitô. Ôi, tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội chúng con mới có được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này!” (§5). Kể từ đó, người ta thấy có sự táo bạo khôn sánh trong tư tưởng Kitô giáo. Thậm chí nó làm cho người ta hơi sợ đến nỗi trong một số nhà thờ địa phương, kể từ thế kỷ X, người ta bỏ qua hai câu đó. Nhưng ở Rôma, Exsultet không bao giờ thiếu tột đỉnh thần học và trữ tình này.
Tâm trí nào đã có thể tưởng tượng ra tiếng kêu “O felix culpa ? Thế giá nào ẩn sau tiếng kêu này ? Không phải thế giá thuần túy của một soạn giả vô danh (bài Exultet dường như được viết ra trên đất Gallia ở thế kỷ V), nhưng là thế giá của một vị tiến sĩ Giáo Hội. Quả thực, thần học táo bạo này dựa vào thánh Ambrosiô hầu như theo nghĩa đen. Khi nói về tội Ađam, thánh Giám mục này đã kêu lên: “Ôi sự sụp đổ hồng phúc, vì đã được xây dựng lại chắc chắn hơn” (23), và: “Tội tôi đã trở thành giá chuộc cho tôi…Có tội thì có lợi hơn vô tội” (24). Tuy vậy, Ambrosiô dựa vào thế giá còn lớn hơn của Kinh Thánh. Kinh Thánh bảo đảm rằng: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Chắc chắn, O felix culpa còn có điều gì hơn để nói. Đó là tiếng kêu hy vọng và lạc quan không được biện minh trong bất cứ bản văn nào xét riêng rẽ, nhưng xét toàn bộ, trong sự xác tín rằng quyền năng của Thiên Chúa lớn đến nỗi có thể rút ra sự lành từ mọi sự, “thậm chí từ sự dữ”, như thánh Augustinô nói.
Vẻ đẹp lạ lùng của tiếng kêu này nằm ở chỗ phấn khởi mà tiếng kêu này hé lộ cho thấy đối với con người Đức Kitô, “một Đấng Cứu Tinh cao cả dường ấy”. Người ta thích một thế giới tội lỗi, nhưng có Đức Kitô, hơn là một thế giới không tội lỗi và không có Đức Kitô. Ai có thể cho người dám khẳng định điều này là lầm ? Một nhà thần bí nổi tiếng thời Trung cổ đã viết những lời mà bà nói là đã nghe từ chính Thiên Chúa: “Tội lỗi thì không tránh được, nhưng mọi sự rồi ra sẽ tốt” (26).
4. “Ôi, lễ Vượt Qua vĩ đại và thánh thiện!” : một cái nhìn về lễ Vượt Qua của các anh em Đông phương
Nếu cần cho vần đề của chúng ta, sẽ không khó để chứng tỏ có thể nhận ra những chủ đề của phụng vụ Vượt Qua Tây phương trong phụng vụ Đông phương và byzantin, với một mầu sắc khác. Phụng vụ này cũng là một huấn giáo nhiệm tính rực rỡ.
Tôi đã nói: “với một mầu sắc khác”, và đó là điều làm cho việc đối chiếu thành quý giá, Hai phụng vụ thật sự như hai lá phổi, nhờ đó tất cả thân thể Giáo Hội hít thở rộng rãi hơn : chúng như cặp mắt nhìn một đối tượng dưới những góc độ khác nhau, thì sẽ hiểu đối tượng ấy trong chiều sâu thực sự của nó. Khi nói về Thiên Chúa, một câu ngạn ngữ cổ bảo rằng: “Người ta không thể đạt tới một mầu nhiệm lớn lao như thế chỉ bằng một con đường” (uno itinere non potest perveniri ad tam grande secretum). Điều này cũng có giá trị cho mầu nhiệm Vượt Qua. Việc đối chiếu hai truyền thống không chỉ giúp mở rộng chân trời và có một ý tưởng đầy đủ về mầu nhiệm, mà còn giúp hiểu hơn truyền thống và tu đức riêng của mình.
Như người ta nói, ý tưởng trung tâm của nhãn quan La tinh về việc cứu độ, là ý tưởng về sự chuộc, cứu chuộc. Dựa đặc biệt vào Phaolô, nó nhấn mạnh “mầu nhiệm Vượt Qua”. Còn ý tưởng trung tâm của thần học Hy lạp là ý tưởng về sự thần hóa, gần với thánh Gioan hơn, nhấn mạnh về Nhập Thể. Do thách thức của phái Ariô phủ nhận thần tính đầy đủ của Đức Kitô, các Giáo Phụ Hy lạp có khuynh hướng làm nổi bật thần tính của Đức Kitô: “Đức Kitô thần hóa ta, vậy Ngài là Thiên Chúa”, “Đức Kitô là Thiên Chúa, vậy Ngài thần hóa ta”. Từ đó mà, ở đây, Nhập Thể là quan trọng, được nhìn như một thời điểm Thiên Chúa xuống giữa nhân loại, và khi đảm nhận nhân tính, Ngài thánh hóa nó, làm cho nó không phải hư nát.
Ngày nay chúng ta biết rằng hai viễn tượng này – Nhập Thể và mầu nhiệm Vượt Qua – đã không bao giờ được tuyên xưng tách biệt nhau cách cứng ngắc hoặc luân chuyển nhau. Các Giáo Phụ Hy lạp thấy trong Vượt Qua sự thực hiện cuối cùng của Nhập Thể và, theo một nghĩa nào đó, coi Vượt Qua là mục đích của Nhập Thể. Thánh Grêgoriô Nyssê nói: “Đức Kitô sinh ra để có thể chết” (27). Đến lượt mình, các Giáo Phụ La tinh coi Nhập Thể như một giả định trước, và Vượt Qua xây dựng trên đó. Việc cứu chuộc của Đức Kitô là tuyệt đối và phổ quát vì được thực hiện bởi Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Với tư cách Thiên Chúa, Ngài đem lại cho điều Ngài làm một giá trị vượt thời gian và không gian.
Tuy nhiên người ta không thể phủ nhận hai truyền thống có điểm nhấn khác nhau, phản ánh chính xác trong hai phụng vụ Vượt Qua. Chủ đề nổi bật trong các bản văn lễ Vượt Qua của phụng vụ byzantin không phải là chủ đề cứu chuộc khỏi tội lỗi, nhưng đúng hơn, là sự thánh hiến và sinh động của thế giới. Trong lễ Vượt Qua, phụng vụ ấy ca ngợi đặc biệt cuộc chiến thắng của Đức Kitô đối với tử thần và âm phủ. Việc Đức Kitô xuống ngục tổ tông là chủ đề Vượt Qua tuyệt hảo, được trình bầy trong các ảnh thánh của ngày lễ. Cách cắt nghĩa luôn được lặp lại là tử thần và âm phủ tấn công xác thịt hay chết của Đức Kitô, nhưng chúng thấy nơi xác thịt này thần tính của Ngài, và bị thần tính đó tiêu diệt. “Với Thần Khí không thể chết, Đức Kitô đã tiêu diệt tử thần giết hại con người” (28).
Chúng ta thấy ở đây cuộc Vượt Qua chiến thắng này được ca ngợi ở cuối bài giảng Vượt Qua xưa như thế nào, bài giảng đã được nhắc đến ở trên ; những điểm nhấn của bài giảng này cũng gặp thấy trong những bản văn phụng vụ Vượt Qua byzantin. “Ôi, cảnh tượng nhiệm mầu ! Ôi, lễ hội thiêng liêng ! Ôi, lễ Vượt Qua thần linh ! Từ trời, Chúa đã xuống thế gian, và từ thế gian, Chúa đã lại lên trời. Ôi, ngày lễ chung cho vạn vật ! Ôi, ngày lễ trọng cho toàn thể vũ trụ ! Ôi, niềm vui của toàn thế giới, là vinh dự, vận mệnh và hoan lạc của thế giới. Nhờ ngươi, bóng tối sự chết bị phá hủy, sự sống lan tràn trên mọi loài. Các cửa trời mở ra : Thiên Chúa xuất hiện như con người và con người được nâng lên như Thiên Chúa. Nhờ ngươi, các cửa âm phủ nổi khùng và xiềng xích bị bẻ gẫy. Người đã sống dưới mặt đất được sống lại từ trong kẻ chết, vì họ đã nhận được tin vui, và trái đất đã cung cấp cho đạo binh trên trời một một ban hợp ca. Ôi. Lễ Vượt Qua thần linh ! ngươi đã kết hợp chúng tôi với Thiên Chúa cách thiêng liêng, Đấng mà các tầng trời không thể chứa nổi. Vì ngươi, các phòng tiệc cưới đầy ắp ; mọi người đều mặc áo cưới, và không ai bị ném ra ngoài do đã không mặc áo cưới” (29). Ở đây, Vượt Qua hầu như đồng nghĩa với Đức Kitô, theo phương trình cổ: “lễ Vượt Qua là Đức Kitô”.
Chủ đề của lễ Vượt Qua như một sự canh tân thế giới và trở lại thiên đường cũng gặp thấy trong một bản văn phụng vụ Vượt Qua byzantin, dưới khía cạnh mới của mạc khải chiến thắng :
“Một lễ Vượt Qua thần linh
đã được mạc khải hôm nay…
Lễ Vượt Qua mới, thánh thiện, mầu nhiệm..
Lễ Vượt Qua mở cho ta cửa thiên đàng
Lễ Vượt Qua thánh hóa mọi tín hữu…
Chính là ngày Chúa đã Phục Sinh
Chúng ta hãy hớn hở vui mừng trong ngày lễ
Chúng ta hãy ôm nhau
Hãy gọi người ghét ta là anh em
Hãy tha thứ tất cả vì lễ Phục Sinh” (30)
Tôi luôn nghĩ rằng duy nhất một chủ đề xứng đáng với âm nhạc của đoạn hợp xướng cuối cùng trong bản hòa tấu số 9 của Beethoven : sự Phục Sinh của Đức Kitô. Chỉ có sự Phục Sinh mới tạo nên một “bản văn” tương xứng với những dấu nhạc tuyệt vời này. Và đây chúng ta bắt gặp trong thánh thi phụng vụ này, đã được viết ra nhiều thế kỷ trước, những lời hầu như hệt với những lời bài “Khải hoàn ca” của Schiller, được Beethoven phổ nhạc (“Hỡi quần chúng, hãy ôm hôn nhau, nụ hôn này là cho toàn thế giới. Mọi người trở thành anh em…”). Nhưng niềm vui được ca ngợi ở đây không tồn tại, nó chỉ được mơ tưởng, trong khi thánh thi Vượt Qua của chúng ta nói về một niềm vui được thể hiện và cống hiến cho con người, Nó dựa trên một sự kiện khách quan, không ngừng được lặp lại trong đoản thi Vượt Qua :
“Đức Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết
Nhờ sự chết của Người, Người đã tiêu diệt sự chết
và đã ban sự sống cho những kẻ yên giấc trong mồ”
5. Làm cách nào chuyển đạt di sản cho trẻ em
Vào một thời kỳ nào đó trong lịch sử Giáo Hội, lúc đầu, Lễ Vượt Qua có thể nói được là tất cả. Chưa có những lễ nào khác trong năm, và nội dung của lịch sử cứu độ không bị chia mảnh, phá vỡ sự duy nhất không tránh được. Trong lễ Vượt Qua, tất cả lịch sử thánh, từ khởi đầu cho đến khi hoàn tất trong Đức Kitô, cũng như mọi biến cố liên hệ đến chính Đức Kitô, từ lúc Ngài sinh ra cho đến lúc trở lại lần cuối, như sống lại trong một tổng hợp sâu sắc. Mầu nhiệm Kitô giáo khi đó sống mùa hiệp nhất vắn vỏi của mình, trước khi ánh sáng của nó phân thành bao nhiêu mầu sắc khác nhau tùy như có bao nhiêu ngày lễ trong năm phụng vụ hoặc, trong một lãnh vực khác, tùy như có bao nhiêu khảo luận thần học. Như đã thấy, phụng vụ bảo tồn một ký ức khá trung thành về giai đoạn may mắn này, và cuộc canh tân mới đây về các nghi thức Vượt Qua trong Giáo Hội La tinh đã lại cho thấy rõ bộ mặt nguyên thủy của lễ Vượt Qua, trong mức độ có thể làm, mà không phải không biết đến lịch sử. Vì vậy, ngày hôm nay, nó vẫn còn là huấn giáo nhiệm tính huy hoàng nhất, dẫn nhập tốt nhất vào chiều sâu của mầu nhiệm Kitô giáo.
Vấn đề phải được dặt ra cho chúng ta bây giờ là : làm thế nào để làm sống lại di sản này ? Làm sao trình bầy di sản này cách sống động và đổi mới cho thời đại chúng ta ? Làm sao bắt gặp lại sự phấn khởi khiến một Giáo Phụ đã kêu lên: “Ôi, lễ Vượt Qua vĩ đại và thánh thiện, ta nói với ngươi như nói với một hữu thể sống!” (31). Làm sao để lễ Vượt Qua thật sự là lúc được mong chờ, lúc mà Giáo Hội, như Asterius đã nói ở trên, “được dẫn vào di sản” và, đến lượt mình, đưa các trẻ em vào trong đó ? Mỗi năm, trên thân cây, xuất hiên một vòng tròn để chỉ sự tăng trưởng hàng năm của nó. Làm sao để mỗi lễ Vượt Qua lưu lại một dấu chỉ tương tự trong đời sống người Kitô hữu, và không qua đi vô ích.
Chúng ta không thể đánh giá trên việc thuần túy lặp lại những công thức cũ, cho dù đó là bài Exsultet. Được diễn đạt trong một ngôn ngữ khác và một văn hóa khác, chắc chắn nó mất đi sức mạnh của mình, một khi được chuyển dịch, ngoài ra còn thiếu đi phần đệm nhạc bình ca giúp cho nó còn hay hơn. Vả lại, việc lặp lại thường xuyên, kể cả trong nguyên bản, sẽ làm vơi đi cảm xúc dồi dào và khả năng gợi nhắc của nó. “Assueta vilescunt!” (Quen quá hóa nhàm). Không phải vấn đề thuần túy hối tiếc tiếng La tinh, than phiền không còn tiếng La tinh trong các cử hành thông thường. Đó sẽ là không biết đến một nhận xét sơ đẳng : khi những bản văn này được viết ra, chúng được viết trong ngôn ngữ mà dân chúng nói, không phải trong một ngôn ngữ xa lạ. Nếu lý luận như lý luận của một số người ngày nay còn hoài cổ tiếng La tinh, thì bài Exultet đã phải viết bằng tiếng Hy lạp chứ không phải bằng tiếng La tinh, vì tiếng Hy lạp là ngôn ngữ phụng vụ chính thức ở Rôma và bên Tây phương, trong hai thế kỷ đầu.
Vậy cần có trung gian giữa chúng ta và những bản văn đáng kính này, và trung gian này chỉ có thể được làm qua thừa tác vụ lời. Để giữ cho gia sản của đêm canh thức Vượt Qua được sống động, một số cử hành đặc biệt, chẳng hạn những cử hành do một số giáo xứ và phong trào trong Giáo Hội thực hiện, có thể đóng một vai trò thiên ý. Họ cử hành đêm canh thức trong hình thức nguyên vẹn của nó, không bị giới hạn về thời giờ, trong hình thức, có sự chuẩn bị và một bầu khí dựa vào những gì đã từng có trong các thế kỷ đầu tiên. Như vậy, chúng giúp duy trì niệm giới được sống động, nêu gương và kích thích phần còn lại của cộng đồng.. Người ta có thể hiểu điều đó gây ra những khó khăn về phương diện mục vụ, nhưng cái được thua quá quan trọng nên không thể khước từ một kinh nghiệm như vậy. Nếu không cộng đồng nào cử hành đêm vọng Phục Sinh như được đề nghị dưới hình thức đầy đủ, người ta có thể e ngại không bao lâu nữa, việc cử hành này cuối cùng chỉ còn là một cuộc canh tân đẹp đẽ nằm yên trên giấy tờ.
Trong bất cứ trường hợp nào, vai trò quyết định, như tôi đã nói, là ở thừa tác vụ lời. Nếu phụng vụ Vượt Qua là đại huấn giáo nhiệm tính của Giáo Hội, vị chủ sự – Giám mục hoặc linh mục – phải là người dẫn vào mầu nhiệm. Những hiệu quả của một bài giảng tốt, đem lời Chúa và mầu nhiệm cử hành tới gần kinh nghiệm của con người hơn, là không thể tin được trên các tín hữu. Đó là cơ may lớn cho phụng vụ canh tân hậu công đồng. Những suy tư mà tôi khai triển cũng muốn giúp cho mục đích này, theo mức độ của chúng : làm sao cho các linh mục tương lai thiết tha với thân phận của họ là những “người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4,1), định hướng sự quan tâm của họ theo ý nghĩa này trong việc học thần học. Trong Phúc Âm, Đức Giêsu nói về một “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát cho họ lương thực đúng giờ đúng lúc”, và nhân việc này Ngài nói: “Phúc cho đầy tớ đó!” (Mt 24,45 tt).
———-
(1) Saint Ambroise, De myst. 1 ; CSEL 73, p. 89.
(2) St Augustin, Epist. 55, 11, 21 ; CSEL 34, p. 192.
!3) St Cyrille de Jérusalem, Cat. Mystag. I, 1 : PG 33, 1066
(4) St Ambroise, De sacr. 1, 2 s ; CSEL 73, pp. 15 ss.
(5) Pesachim X, 5.
(6) Philon, De congr. 106.
(7) Origène, Comm. In Ioh. X, 110 ; GCS, 4, p. 189.
(8) Cf. Origène, In Num. hom. 23, 6 ; GCS 7, p. 218.
(9) Astéryus le Sophiste, Homélie sur le psaume 5, 6, 4 ; dans Asterii Sophistae quae supersunt, Oslo, 1956, p. 77.
(10) Cf. H. de Lubac, Exégèse médiéval. Les quatre sens de l’Ecriture I, 1, Paris, 1959, pp. 305-327.
(11) Méliton de Sardes, Sur la Pâque 6-7 ‘ SCh 123, p. 62.
(12) Cf. ibidem, 36-37.
(13) Voir les “Notes pour une facon correcte de présenter les Juifs et ls judaisme dans la prédication et dans la catéchèse de l’Eglise catholique” du Conseil pontifical pour l’unité des chrétiens en juin 1985.
(14) St Augustin, Sermo 216, 5 ; PL 38, 1079.
(15) Cf. St Anselme, Cur Deus homo? II, 18.20 ; St Thomas, S. Th. III, q. 46, art. 1. ad 3
(16) Cf. J. B. Bossuet, Oeuvres complètes, IV, Paris, 1836, p. 365.
(17) Ancienne homélie pascale 17 ; SCh 27, p. 145.
(18) Philon, De spec. Leg. II, 151.
(19) Targum de l’exode 12, 42, dans R. Le Déaut, op. cit., pp. 64 s
(20) St Cyrille de Jérusalem, Catéch. XIV, 10 ; PG 33, 836.
(21) Homélie pascale de l’an 387, 27 ; SCh 48, 135.
(22) Cf. ibidem 28, p. 135 s
(23) St Ambroise, In Ps. 39, 20 ; CSEL 64, p. 225.
(24) St Ambroise, De Iac. I, 6, 21 ; CSEL 32, 2, p. 18.
(25) St Augustin, Enchir. 11 (Pl 40, 236).
(26) Julienne de Norwich, Révélations, ch. 27 (trad. Fr. De G. Meunier, Révélations de l’amour de Dieu, Paris 1910)
(27) St Grégoire de Nysse, Or. Cat. 32 ; PG 45, 80.
(28) Méliton de sardes, Sur la Pâque 66 ; SCh 123, p. 96.
(29) Ancienne homélie pascale 62 ; SCh 27, p. 189.
(30) Stichirà de Pâque.
(31) St Grégoire de Nazianze, Or. 45, 30 ; PG 36, 664.
(Raniero Cantalamessa, Le Mystère Pascal, éd. Salvator, Paris, 2000, ch. 5, pp 97-125)
Lm Micae Trần Đình Quảng
chuyển ngữ