Hòa cùng chủ đề mục vụ năm 2024 của Giáo hội Việt Nam: “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội, hướng đến một Giáo hội hiệp hành”, Ủy ban Giáo dân đã có loạt bài thường huấn hằng tháng nhằm thăng tiến vai trò của giáo dân trong Giáo hội. Sau đây là 4 bài thường huấn của tháng 9/2024 với chủ đề chung là “Đi theo con đường Chúa Giêsu”.
Ủy ban Giáo dân
Hội đồng Giám mục Việt Nam
THƯỜNG HUẤN THÁNG 09/2024:
ĐI THEO CON ĐƯỜNG CHÚA GIÊSU
BÀI I. BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU VỚI TƯ CÁCH LÀ MÔN ĐỆ CỦA NGƯỜI |
BÀI I. BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU VỚI TƯ CÁCH LÀ MÔN ĐỆ CỦA NGƯỜI
Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Anh mù Bartimê ngồi ăn xin ở vệ đường, nơi dòng người ngược xuôi và điều ở lại có chăng là gió bụi và chút của bố thí. Có thể cuộc đời anh tiếp tục dừng lại bên vệ đường, nếu không gặp gỡ Đức Giêsu. Cuộc gặp gỡ biến đổi anh trở nên người môn đệ Đức Giêsu: “Anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,46-52). Anh mù Bartimê trở nên mẫu gương sống động của người môn đệ Đức Giêsu. Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta không thể chỉ theo Người trên danh nghĩa hoặc đến với Người khi xin ơn, nhưng chính yếu là bước theo Đức Giêsu trên con đường của Người, chứ không phải theo ý riêng hay con đường mà mình tự chọn.
Là môn đệ Đức Giêsu, trước hết là đặt niềm tin vào Người. Khi nghe biết Chúa Giêsu đi qua, anh mù Bartimê không bỏ lỡ cơ hội kêu cầu Người. Bất chấp đám đông ngăn cản, anh lớn tiếng kêu lên: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (Mc 10,47). Anh không để tiếng ồn ào cản trở lời kêu cầu, không để đám đông ngăn cản niềm tin mạnh mẽ và kiên định của mình. Khi Đức Giêsu dừng lại và gọi anh đến, anh mù Bartimê không ngần ngại nói lên điều mình mong muốn: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10,51). Ước muốn của anh rõ ràng và trong suốt. Anh khao khát được thấy, thấy được ánh sáng, thấy được đường đi. Đức Giêsu khoả lấp khát mong của anh. Người không chỉ chữa lành đôi mắt thể lý của anh, mà còn chữa lành đôi mắt thiêng liêng, để anh thấy được con đường của người môn đệ, đó là bước theo Đức Giêsu trên con đường của Người.
Anh mù Bartimê nhắc nhớ chúng ta về hành trình sống đời môn đệ của mình. Người môn đệ Đức Giêsu không chỉ nhận biết Người và kêu cầu Người, mà còn bước đi theo Người một cách dứt khoát. Khi đến với Đức Giêsu, anh mù Bartimê đã “vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu” (Mc 10,50). Tấm áo choàng biểu trưng đời sống cũ, anh mù Bartimê đã vất lại, để khi được sáng mắt, anh đi theo Đức Giêsu trong đời sống mới.
Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi thực hiện hành trình đời môn đệ: Tôi có thật sự đi theo Chúa Giêsu trên con đường của Người, hay chỉ theo Người trên danh nghĩa hoặc theo Người trong những đường lối riêng, hợp điều tôi muốn? Để theo Chúa Giêsu trên con đường của Người, người môn đệ cần sẵn lòng bỏ lại quá khứ, những gì là ràng buộc mình, để tự do và thong dong bước vào hành trình mới, hành trình đặt niềm tin yêu và hy vọng nơi Đức Giêsu. Như anh mù Bartimê, hãy để Chúa Giêsu mở mắt tâm hồn mình, để chúng ta thấy rõ hơn con đường của Người và can đảm bước đi theo Người mỗi ngày trong đời sống.
Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi noi gương Người trong đời sống hằng ngày, một đời sống yêu thương và khiêm nhường phục vụ. Người mời gọi chúng ta thực hành những điều này trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Tình yêu thương ấy không dừng lại nơi lời nói suông, mà phải được thể hiện qua hành động phục vụ. Là người môn đệ Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi chạnh lòng thương và trở nên người thân cận của những ai đang cần đến tình thương (Lc 10, 25-42). Là môn đệ Đức Giêsu trong Giáo hội của Người, chúng ta cũng được mời gọi sống đời phục vụ trong tình hiệp thông. Hiệp thông với nhau trong Giáo hội Hiệp hành, chúng ta được mời gọi lắng nghe và nhận định để trở nên những người phục vụ sứ mạng của Giáo hội.
Không thể sống đời môn đệ Đức Giêsu nếu thiếu đời sống cầu nguyện. Là một môn đệ Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi sống tình con thảo với Chúa Cha và vâng theo ý Ngài. Đó là một hành trình đầy thách đố: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Không thể vừa là môn đệ Đức Giêsu vừa sống trái ngược với tinh thần Tin Mừng, từ chối thập giá và con đường Đức Giêsu đi. Đời môn đệ là một hành trình hiến dâng, sống khiêm nhường và phục vụ, sống theo ý Chúa, chứ không phải theo ý nguyện riêng. Bước theo Đức Giêsu trên con đường Người đi, để Người dẫn dắt mỗi người môn đệ sống xứng với danh hiệu của mình.
Bước theo Đức Giêsu với tư cách là người môn đệ đòi hỏi sự cam kết dấn thân và một lòng trung thành kiên định. Đó là con đường đầy thách thức, nhưng cũng đầy niềm vui và hy vọng, vì người môn đệ không đơn độc trên đường, nhưng bước theo Đức Giêsu trong cộng đoàn môn đệ của Người. Để thực sự bước theo Đức Giêsu, người môn đệ cần mở lòng để Người dẫn dắt, và can đảm từ bỏ những gì không phù hợp với con đường của Người.
Hồi tâm
1/ Tôi có đang thực sự đi theo Chúa Giêsu trên con đường của Người hay tôi đang đi theo ý riêng, sống đạo theo cách tôi muốn?
2/ Khi đối diện với khó khăn hay trở ngại trong cuộc sống, tôi có kiên trì kêu cầu Chúa như anh mù Bartimê?
3/ Ước muốn sâu thẳm của tôi khi đến với Chúa là gì, và tôi có sẵn lòng từ bỏ những gì không thuộc về con đường của Đức Giêsu?
BÀI II. NOI GƯƠNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Lm. Antôn Hà Văn Minh
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn “Người tín hữu giáo dân” đã nói: “Một điều tuyệt đối cần thiết là giáo dân phải luôn ý thức sống động mình là một ‘chi thể của Giáo Hội’, được trao phó một nhiệm vụ độc đáo, không thể thay thế và không thể ủy thác cho người khác, một nhiệm vụ phải hoàn thành vì lợi ích của mọi người”. Trong viễn ảnh đó, quả quyết của Công Đồng Vatican II về việc mỗi người nhất thiết phải làm việc tông đồ, đã nói lên tất cả ý nghĩa: “Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện và là việc luôn luôn bắt nguồn từ mạch sống Kitô giáo (x. Ga 4,14), việc ấy là nguyên lý và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân” (số 28).
Như vậy, nguồn lực để làm tông đồ khởi sự từ “nguồn mạch sống Kitô giáo”, bởi việc tông đồ là chiếu giãi trường kỳ ánh sáng Tin mừng trong mọi khu vực và môi trường mà cuộc sống thường nhật và cụ thể của giáo dân đang tiếp xúc, vì thế “việc tông đồ có liên hệ với sự gắn bó liên lỉ của đời sống cá nhân với đức tin” (số 29), điều đó cũng có nghĩa là để việc làm tông đồ mang lại hiệu quả thiết thực thì người giáo dân được mời gọi trước tiên phải noi gương Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày.
1. Noi gương Chúa Giêsu trong đời sống cầu nguyện
Cầu nguyện là lẽ sống của Chúa Giêsu trong đời sống thi hành sứ vụ Cha giao phó. Người khởi đầu sứ vụ của mình bằng việc vào hoang địa ăn chay, cầu nguyện. Cầu nguyện để đón nhận và thi hành thánh ý của Chúa Cha (x. Mt 4,1-11). Các tác giả Tin Mừng luôn tường thuật về việc Chúa Giêsu liên lỉ cầu nguyện: “Giải tán họ xong, Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện” (Mt 14, 23); “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện” (Mt 26,36); “sau khi từ biệt các ông, Ngài lên núi cầu nguyện” (Mc 6,46); “Ngài lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện” (Lc 5,16)… Và Người không ngừng khuyên các môn đệ hãy cầu nguyện, và Ngài nói: “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1). “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,38).
Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đời cầu nguyện trong việc tông đồ. Ngài đã lý giải về sinh hoạt buổi ban đầu của Giáo Hội sơ khai: Các Tông đồ “phải đương đầu với một việc hết sức cần thiết là phải công bố Lời Chúa, theo mệnh lệnh của Chúa; nhưng dù đó là nhu cầu cấp bách hàng đầu của Hội Thánh, các ngài cũng coi trọng không kém nhiệm vụ thực thi bác ái và công lý, tức là nhiệm vụ giúp đỡ các góa phụ và người nghèo, rằng các Tông Đồ đã giải quyết tình trạng này với một tinh thần trách nhiệm rất cao, khi các ngài đi đến quyết định này là việc chọn bảy người. Các Tông Đồ cầu nguyện để xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần”. Đức Thánh cha nói ró: “Trong cả hai trường hợp, những giờ phút cầu nguyện, lắng nghe Thiên Chúa, và các hoạt động hàng ngày, như việc thực thi bác ái, không trái ngược nhau”. Ngài cho rằng việc tham gia vào các hoạt động hằng ngày được thực hiện với tinh thần trách nhiệm và dấn thân là điều quan trọng, nhưng để các hoạt động đó mang lại hiệu quả theo Thánh ý Chúa “chúng ta cần Thiên Chúa, cần sự hướng dẫn của Ngài, cần ánh sáng của Ngài, là điều ban cho chúng ta sức mạnh và hy vọng. Nếu chúng ta không trung thành sống lời cầu nguyện hàng ngày, thì hành động của chúng ta trở thành trống rỗng, vô hồn, bị giảm xuống thành chủ trương hoạt động thuần túy, là điều cuối cùng không thỏa mãn được chúng ta”[1].
Do đó, việc noi gương Chúa Giêsu trong đời sống thường ngày là con đường nền tảng mà người giáo dân cần học đòi bắt chước để làm việc tông đồ. “Nếu cầu nguyện và Lời Chúa không nuôi dưỡng được hơi thở đời sống tâm linh của chúng ta, chúng ta có nguy cơ bị nghẹt thở giữa hàng ngàn điều phải lo lắng mỗi ngày: cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và của đời sống. Và có một lời nhắc nhở quý giá khác mà tôi muốn nhấn mạnh: trong sự liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, trong việc lắng nghe Lời Ngài, trong cuộc đàm đạo với Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta ở trong sự thinh lặng của một nhà thờ hoặc trong phòng riêng của mình, chúng ta kết hợp trong Chúa với rất nhiều anh chị em khác trong đức tin, như một tổng hợp các nhạc cụ, mặc dù vẫn giữ cá tính riêng của chúng, dâng lên Thiên Chúa một buổi hòa tấu vĩ đại của lời chuyển cầu, tạ ơn và chúc tụng”[2]
2. Noi gương Chúa “chạnh lòng thương” trong việc phục vụ cho tha nhân
Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma đã nói: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng. Thật vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình; trái lại, như có lời chép: Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu” (Rm 15, 1-3). Chỉ một vài dòng ngắn ngủi, Thánh Phaolô đã cho chúng ta một mẫu gương sống động của Chúa Giêsu hầu chúng ta bắt chước hầu biến chúng ta thành những con người loan báo Tin Mừng mang lại nhiều niềm vui cho nhiều người.
Thánh Phaolô cho thấy Chúa Giêsu là Đấng đầy lòng nhân hậu, khoan dung, lấy nhu cầu của người khác hơn chính bản thân mình. Tại tiệc cưới Cana, Chúa thấu hiểu nỗi băn khoăn của chú rể, Người không ngần ngại thực hiện phép lạ hóa nước thành rượu, cho dẫu “giờ” Người chưa tới (Ga 2, 1-17), Một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, Chúa hiểu nỗi đau khổ và sự sám hối của chị, Chúa không kết án nhưng thứ tha, mặc dầu Người biết các luật sĩ và người Pharisiêu rất căm tức (Ga 8, 1-11). Nhìn thấy đám đông đám đông lũ lượt theo Người như chiên không có chủ chăn, Chúa chạnh lòng thương (Mc 6, 30-42; Mt 9, 36). Vâng, chạnh lòng thương là nét đẹp của cuộc đời Chúa Giêsu trên con đường thi hành sứ vụ. Các tường thuật của bốn tác giả sách Tin Mừng đã tường thuật nhiều về các hoạt động liên lỉ của Chúa trong việc chữa lành tật bệnh, xua trừ ma quỉ, cứu giúp người nghèo, tất cả xuất phát từ một tấm lòng đầy lân ái, mà tác giả Tin Mừng trình bày: Chúa “chạnh lòng thương”. Chúa “chạnh lòng thương khi nhìn thấy người mẹ góa tiễn đưa đứa con trai duy nhất đi ra nghĩa trang, Chúa đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông vất vả lầm than….” Bao nhiêu câu chuyện được các tác giả Tin Mừng tường thuật như người Samaria nhân hậu, người con hoang trở về… đều nói đến tấm lòng nhân hậu của một Thiên Chúa xuống thế làm người.
Bài học đầu tiên Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải thuộc lòng chính là biết chạnh lòng thương. Đi theo Chúa Giêsu, các môn đệ được mời gọi trở nên giống Ngài, biết tạo cho mình thói quen biết rung động trước những hoàn cảnh khốn khó của người khác, trước những người đang thực sự cần giúp đỡ. Chạnh lòng thương không có nghĩa là bày tỏ lòng thương xót, không chỉ là nghĩa cử thương hại nhưng là đồng cảm và đồng hoá mình với người khốn khó.
Bởi vậy, như là người môn đệ của Chúa, người tín hữu giáo dân cùng phải học đòi bắt chước Chúa về lòng trắc ẩn và lòng khoan thứ bao dung. Nói như Đức Phanxicô, người tông đồ là người đi “tìm kiếm những người xa cách mình, và đến ngã ba đường để mời những người bị ruồng bỏ”. Thể hiện “một ước muốn vô tận để ban tặng sự thương xót, là kết quả của kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha và sức mạnh của sự lan tỏa của lòng thương xót này”. Người tông đồ luôn sẵn sàng “tham gia vào cuộc sống hằng ngày của những người khác bằng việc làm và cử chỉ của mình, nó rút ngắn những khoảng cách, tự hạ mình xuống đến nỗi chịu sỉ nhục nếu cần, và chấp nhận đời sống con người, chạm đến thân xác đau khổ của Ðức Kitô trong những người khác”[3].
Noi gương Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày bằng việc thể hiện lòng thương xót trước tiên trong môi trường gia đình. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã minh định: “Gia đình là chiếc nôi của sự sống và tình yêu, trong đó con người ‘sinh ra’ và ‘lớn lên’, nên là tế bào nền tảng của xã hội. Cần phải quan tâm đặc biệt đến cộng đồng này[4]. Hơn bao giờ hết gia đình đang đối diện với khủng hoảng về ly dị, nạn bạo hành gia đình, tình yêu thương hợp nhất, sự thủy chung đang từng bước gãy đổ vì tính ích kỷ của vợ chồng, sự tục hóa tính thánh thiêng của tình yêu vợ chồng đang càng ngày càng lớn mạnh, vì thế các gia đình kitô hữu cần noi gương Chúa Giêsu về lòng trắc ẩn và sự khoan dung. Vợ chồng phải biết “chạnh lòng thương” với nhau để cảm thông và tha thứ, nhờ đó “các tương quan giữa những phần tử trong cộng đồng gia đình được phát triển dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của luật ‘cho không’ bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người cũng như nơi mỗi người, ý thức về phẩm giá con người như nguồn giá trị duy nhất”[5]. Từ một gia đình biết tôn trọng phẩm giá của nhau, biết tỏ lòng nhân hậu với nhau của các thành viên trong gia đình, họ sẽ trở thành một gia đình Kitô hữu sẵn sàng làm chứng cho mọi người thấy sự tận tâm quảng đại và vô vị lợi, đặc biệt lo cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi. Họ ghi ấn trong gia đình tấm lòng của Chúa, một tấm lòng biết “chạnh lòng thương”.
Đức Phanxicô đã khẳng định: Bản thân Đức Kitô không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được ban tặng cách vô điều kiện. Các mối liên hệ giữa Người và những ai tìm đến với Người, là một tương quan đặc thù duy nhất và không thể tái diễn. Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Tất cả mọi sự nơi Người đều tỏ bày cho thấy lòng thương xót. Không có gì nơi Người lại thiếu vắng lòng thương xót”[6]. Vì thế mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng phải mặc lấy dung mạo này, để trong cuộc sống thường ngày chúng ta biết tha thứ, bởi “Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua. Có những lúc dường như thật khó để thứ tha. Nhưng tha thứ là một khí cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để tìm được sự thanh thản cho tâm hồn. Giải tỏa những hờn ghét, giận dữ, bạo lực và trả thù là những điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc”[7].
3. Noi gương Chúa Giêsu trong việc kiến tạo sự gần gũi với tha nhân
Con đường loan báo về Vương Quốc Thiên Chúa là con đường tiếp cận tạo nên sự gần gũi. Quả thật, qua những bước đường Chúa đi loan báo, Chúa đã hình thành con đường yêu thương đối với tha nhân, còn được gọi là con đường kết nối tình huynh đệ, bao gồm sự gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, quan tâm đến người khác. Trên con đường này, Chúa Giêsu đã đi đến gặp gỡ với hết mọi người, từ người trưởng thành đến trẻ em, Người gặp gỡ người thông thái, kẻ dốt nát, người giàu kẻ nghèo, người công chính, kẻ tội lỗi, tất cả đều được trái tim Chúa mở rộng đón vào, và trao cho họ ánh mắt nhìn âu yếm, lời nói đầy cảm thông, và mời gọi.
Hình ảnh Chúa giơ tay đụng chạm vào người phong cùi (Lc 5,12, Mt 8,3); việc Chúa chọn Lêvi, người thu thuế làm tông đồ (Mt 9, 9); tại nhà ông Lêvi, Chúa ngồi đồng bàn với người tội lỗi lắng nghe họ, chia sẻ và mời gọi họ trở về con đường công chính; câu chuyện Chúa gặp gỡ Giakêu (Lc 19,1-10); hay với người phụ nữ Samarie (Ga 4, 27)… chúng ta bắt gặp một Giêsu thật gần gũi, thân thiện, dễ mến để từ đó Chúa kiến tạo một sự gặp gỡ với những con người được gọi là tội lỗi hay là dân ngoại, qua cuộc gặp gỡ này Chúa đã giúp họ nhận ra con đường dẫn tới chân lý.
Đây chính là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta, những người tín hữu đang trên con đường hiệp hành của Giáo hội, một con đường rộng mở để tiếp đón, để hiệp thông chia sẻ, để cùng nắm tay nhau bước đi tiến về Nhà Cha. Vì thế, chúng ta chỉ có thể chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho người khác khi chúng ta nỗ lực đi ra khỏi chính mình để đi đến gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe. Có như thế, chúng ta mới có thể trao ban niềm vui Tin Mừng cho người khác. Chúng ta gặp gỡ tại xưởng làm, nơi chợ búa, trên đường đi, xóm giềng chung quanh, trong các nhóm cùng sở thích… bao nhiêu là cơ hội để chúng ta kiến tạo nên cuộc gặp gỡ, những cuộc gặp gỡ không để nói chuyện về mình, về gia đình mình, nhưng để lắng nghe, để nói về niềm vui kín múc từ Chúa Giêsu. Đó chính là làm tông đồ.
Chúa nói: “Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối” (Ga 8:12), và Sách Gương Chúa Giêsu đã giảng giải: “Qua những lời của Đức Kitô chúng ta được khuyên nhủ hãy bắt chước đời sống và thói quen của Người”. Chỉ có thể hoán cải chính mình và làm cho người khác hoán cải, khi mỗi người chúng ta thực sự trở nên giống Chúa Giêsu. Do đó, mỗi người phải uốn nắn cuộc sống hằng ngày của mình theo cuộc đời của Đức Kitô.
BÀI III. SỐNG CÁC MỐI PHÚC
Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Để đạt đến hạnh phúc thật, người Kitô hữu được mời gọi đi theo con đường Đức Giêsu chỉ dẫn qua các Mối Phúc (Mt 5,1-12), một nẻo đường không dễ dàng nhưng dẫn đến hạnh phúc đích thật. Các Mối Phúc không chỉ là lời khuyên đạo đức, mà là kim chỉ nam cho đời sống người môn đệ Đức Giêsu, giúp các Kitô hữu tìm thấy niềm vui đích thực giữa những khó khăn và thử thách của cuộc sống.
Các Mối Phúc: kim chỉ nam cho người Kitô hữu. Các Mối Phúc không chỉ là lời mời gọi để sống, mà còn là lời hứa về hạnh phúc đích thực. Đó là “Bản hiến pháp của người Kitô hữu”.[8] Theo Hiến chế Tín lý về Giáo hội, các Mối Phúc là con đường rõ ràng mà Chúa Kitô đã chỉ dạy để chúng ta đạt đến sự thánh thiện: “Người tín hữu Kitô được mời gọi nên thánh và việc sống các Mối Phúc là con đường rõ ràng mà Chúa Kitô đã chỉ dạy cho chúng ta để đạt đến sự thánh thiện”.[9] Các Mối Phúc chính là căn tính của người Kitô hữu, giúp chúng ta sống như muối cho đời và ánh sáng cho thế gian.[10] Đó không chỉ là lý tưởng mà người môn đệ được mời gọi vươn tới, nhưng còn là cách thức để người môn đệ sống đức tin trong cuộc sống hằng ngày.
Hạnh phúc đích thực đến từ sự đơn sơ và khiêm nhường. Một trong những điều tuyệt vời mà các Mối Phúc mang lại chính là sự đơn sơ và khiêm nhường. Trong Tông huấn Vui Mừng và Hân Hoan, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng, sống theo các Mối Phúc là một hành trình đòi hỏi sự từ bỏ bản thân và lòng khao khát quyền lực hay của cải vật chất. Thay vào đó, hạnh phúc thật sự đến từ việc sống một cuộc sống khiêm nhường, biết thương xót, biết an ủi những người đau khổ, và khao khát sự công chính.[11] Đây là những giá trị đi ngược lại với những tiêu chuẩn của thế giới hiện đại, nhưng lại là con đường dẫn đến niềm vui và bình an nội tâm, hạnh phúc đích thật.
Sự công bằng và tình yêu thương: đặt nền tảng cho một xã hội công chính. Sống theo các Mối Phúc cũng có nghĩa là các Kitô hữu phải góp phần xây dựng một xã hội công bằng và yêu thương. Công đồng Vatican II kêu gọi người Kitô hữu tham gia tích cực vào việc kiến tạo xã hội, sống theo các giá trị như khiêm nhường, thương xót, và hoà bình: “Người Kitô hữu, khi sống theo các Mối Phúc, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và yêu thương”.[12] Đó không chỉ là trách nhiệm cá nhân, mà còn là sứ mệnh cộng đồng. Mỗi người Kitô hữu, bằng đời sống của mình, được mời gọi trở thành nhân chứng cho sự công bằng, và thúc đẩy tình yêu thương giữa người với người, đóng góp biến đổi thế giới như men trong bột, như muối cho đời.
Sự thánh thiện trong đời sống hằng ngày. Các Mối Phúc mời gọi người Kitô hữu không chỉ tìm kiếm sự thánh thiện trong những khoảnh khắc đặc biệt, mà còn trong những công việc bình thường hàng ngày. Trong Tông huấn Vui Mừng và Hân Hoan, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Sự thánh thiện không phải là điều gì xa vời, mà có thể đạt được qua những hành động nhỏ bé, nhưng được thực hiện với tình yêu lớn lao.”[13] Chính trong những việc làm hàng ngày, chúng ta có thể sống các Mối Phúc, và qua đó sống đời môn đệ Đức Giêsu.
Các Mối Phúc chính là con đường của niềm vui và hy vọng. Sống theo các Mối Phúc là một hành trình không dễ dàng, nhưng lại đầy ý nghĩa và mang lại hạnh phúc đích thật. Đó là con đường của sự khiêm nhường, thương xót, và công chính. Các Mối Phúc giúp người Kitô hữu nhận ra rằng, hạnh phúc không nằm ở những gì chúng ta sở hữu, mà là ở cách chúng ta sống và yêu thương. Như Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định qua Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Các Mối Phúc, với sự đơn sơ và sâu sắc, làm sáng tỏ con đường hạnh phúc đích thực mà mỗi người Kitô hữu được mời gọi bước theo”.[14] Hãy để các Mối Phúc dẫn dắt mỗi ngày, để chúng ta không chỉ sống như môn đệ Đức Giêsu, mà còn trở thành dấu chỉ của tình yêu và sự thánh thiện trong thế giới hôm nay.
Hồi tâm:
1/ Trong cuộc sống hằng ngày, tôi thực hiện những hành động cụ thể nào để thể hiện tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa Kitô đối với những người xung quanh, đặc biệt là với người nghèo và đau khổ?
2/ Tôi có sẵn lòng từ bỏ sự thoải mái và thói quen cá nhân để sống theo tinh thần của các Mối Phúc không?
3/ Khi nhìn vào những bất công và khổ đau trong xã hội, tôi đáp lại bằng sự im lặng và thờ ơ, hay tôi hành động với lòng trắc ẩn và công bình như Đức Giêsu chỉ dạy?
BÀI IV. THỂ HIỆN TÌNH YÊU VÀ LÒNG TRẮC ẨN CỦA CHÚA KITÔ
Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.
Người Kitô hữu được mời gọi sống như là dấu chỉ của tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa Kitô trong lòng trần thế. Không chỉ là một đòi hỏi đạo đức, việc sống và thể hiện tình yêu thương là trung tâm của sứ mạng Kitô hữu, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và Thiên Chúa luôn hiện diện và hoạt động nơi Giáo Hội. Tình yêu này không chỉ hướng về Thiên Chúa mà còn phải lan tỏa đến mọi người, đặc biệt là những người nghèo khó, bị bỏ rơi, và đau khổ.
Tình yêu: căn tính của người Kitô hữu. Tình yêu là dấu chỉ nhận biết người Kitô hữu, bởi vì tình yêu ấy phản ánh chính tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo hội. Qua Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Công đồng Vaticano II khẳng định rằng: “Bởi vì Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã phó mình vì Giáo Hội, các tín hữu cũng phải yêu thương Giáo Hội với lòng trung thành trọn vẹn, và như chính mình đã được Chúa Kitô yêu thương, họ cũng phải yêu thương anh chị em của mình”.[15] Điều này có nghĩa là tình yêu không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà là một hành động cụ thể, một cam kết dấn thân vì tha nhân.
Lòng trắc ẩn: đáp lại tiếng kêu của những người đau khổ. Lòng trắc ẩn là sự thể hiện cụ thể của tình yêu đối với những người cần giúp đỡ. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi: “Lòng trắc ẩn và bác ái không chỉ là những lựa chọn, nhưng là yêu cầu cơ bản của Tin Mừng”.[16] Người Kitô hữu được mời gọi bước vào thế giới của những người đau khổ, để trở thành những người bạn đồng hành và hỗ trợ họ. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh: “Yêu thương người thân cận là một con đường để gặp gỡ Thiên Chúa, và đóng vai trò là một điều kiện tất yếu để đạt được sự sống đời đời”.[17] Lòng trắc ẩn không chỉ là sự chia sẻ nỗi đau, mà còn là sự đáp lại tiếng kêu cứu của những người cần đến sự giúp đỡ, một cách vô điều kiện và với tình yêu chân thành.
Xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình. Sự thể hiện tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa Kitô không giới hạn trong những mối quan hệ cá nhân, mà còn mở rộng đến việc xây dựng một xã hội công bình và yêu thương. Qua Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng: “Người Kitô hữu, khi sống theo các Mối Phúc, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và yêu thương”.[18] Mỗi người Kitô hữu có trách nhiệm đấu tranh cho công lý và hòa bình, làm việc để cải thiện đời sống của những người kém may mắn, và bảo vệ quyền lợi của mọi người. Thông điệp về Hoà Bình Trên Thế Giới, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII khẳng định rằng: “Hòa bình trên trái đất, vốn là khao khát của con người thuộc mọi thời đại, chỉ có thể được thiết lập trong sự thật, công lý, tình yêu và tự do”.[19]
Sứ mệnh bác ái trong đời sống hằng ngày. Người Kitô hữu được mời gọi sống theo tinh thần bác ái không chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt, mà trong mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày. Trong Tông huấn Vui Mừng và Hân Hoan, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sự thánh thiện có nghĩa là mở lòng cho Thiên Chúa trong cầu nguyện, và cũng là sống đức ái đối với tha nhân, với lòng trắc ẩn và phục vụ”.[20] Việc thể hiện tình yêu và lòng trắc ẩn không chỉ là công việc của các tổ chức từ thiện mà là bổn phận của mọi người Kitô hữu trong mọi tình huống, từ công việc nhỏ nhặt hàng ngày đến các hoạt động cộng đồng lớn hơn.
Sống như Chúa Kitô để thay đổi thế giới. Tình yêu và lòng trắc ẩn không chỉ là lời kêu gọi, mà là sứ mạng sống động của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay. Chúng ta được mời gọi không chỉ yêu mến Thiên Chúa mà còn yêu thương tha nhân, không chỉ sống cho mình mà còn sống cho người khác. Đó là cách mà các Kitô hữu làm cho tình yêu của Chúa Kitô trở nên hiện thực và biến đổi thế giới này thành một nơi công bình và yêu thương. Như Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” khẳng định: “Giáo Hội không thể và không được phép sao nhãng bài học về tình yêu mà Chúa Kitô đã ban tặng, vì tình yêu chính là linh hồn của mọi hoạt động của Giáo Hội”.[21] Hãy để mỗi người Kitô hữu trở thành một dấu chỉ sống động của tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa Kitô, chiếu sáng vào thế giới qua đời sống hằng ngày.
Hồi tâm:
1/ Tôi có đang sử dụng những khả năng và nguồn lực của mình để phục vụ người khác, đặc biệt là những người gặp khó khăn, như một cách thế thể hiện tình yêu của Chúa Kitô không?
2/ Trong các quyết định hàng ngày, tôi có cố gắng phản ánh tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa Kitô không, hay tôi chỉ tìm kiếm lợi ích cho bản thân?
3/ Tôi có sẵn lòng tha thứ và đối xử với người khác bằng lòng nhân ái và bao dung, ngay cả khi họ đã làm tổn thương tôi?
Nguồn: Website HĐGMVN – 06/09/2024
[1] Đức Bênêđictô XVI, Bài Giáo lý thứ Tư ngày 25-4-2012, nguồn: Vatican News
[2] Nt
[3] Đức Phanxicô, Tông huấn nIềm vui Tin Mừng số 24.
[4] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn người Tin Hữu Giáo dân, sô 40
[5] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn về Gia đình (Familiaris consortio), sô 43
[6] Đức Phanxicô, Tông sắc, Dung Mạo Lòng Thương xót (Misericordiae Wultus), số 8.
[7] Nt, số 9.
[8] Christus Vivit, số 74.
[9] Lumen Gentium, số 40.
[10] Gaudete et Exsultate, số 63.
[11] Gaudete et Exsultate, số 63, 70, 74.
[12] Gaudium et Spes, số 72.
[13] Gaudete et Exsultate, số 14.
[14] Evangelii Gaudium, số 171.
[15] Lumen Gentium, số 41.
[16] Evangelii Gaudium, số 180.
[17] Deus Caritas Est, số 16.
[18] Gaudium et Spes, số 72.
[19] Pacem in Terris, số 167.
[20] Gaudete et Exsultate, số 15.
[21] Deus Caritas Est, số 25.