SỰ QUAN TÂM: NHỮNG VIỄN TƯỢNG MỤC VỤ
Công bố Tin Mừng về gia đình hôm nay trong các bối cảnh khác nhau của cuộc sống
29. Cuộc đối thoại của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã bận tâm tới một số mong muốn khẩn thiết về mục vụ mà nó phải được trao phó riêng cho các Giáo hội Đông Phuơng trong sự hiệp thông được cụ thể hóa „cum Petro et sub Petro“ (cùng với Phê-rô và trong Phê-rô). Việc công bố Tin Mừng về gia đình thể hiện tính cấp bách đối với việc tái rao giảng Tin Mừng. Giáo hội được kêu gọi thực thi việc tái rao giảng Tin Mừng ấy với sự trìu mến của một người Mẹ, và với tính cách rõ ràng của một nữ giáo viên (xc. Eph. 4, 15), trong sự trung tín với Kenosis (sự tự hủy) đầy khoan hậu của Chúa Ki-tô. Chân lý tiếp nhận xác thể trong sự yếu đuối của con người, không phải để kết án nó, nhưng để cứu độ nó (xc. Ga. 3, 16-17).
30. Việc rao giảng Tin Mừng là một trách nhiệm của toàn dân Chúa, và của bất cứ ai, theo nhiệm vụ và đoàn sủng riêng. Không có chứng tá vui mừng của các cặp vợ chồng và của các gia đình, tức của các Giáo hội tại gia, thì việc loan báo Tin Mừng – ngay cả khi nó được thực hiện một cách hợp lý – cũng vẫn sẽ có nguy cơ ở lỳ mãi trong sự mơ hồ, hay có nguy cơ rơi xuống đại dương của những lời nói mà nó là dấu hiệu đặc trưng của cộng đồng chúng ta (xc. Novo Millennio Ineunte, 50). Các Nghị Phụ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, thông qua hiệu năng của ân sủng nơi Bí Tích Hôn Phối, các gia đình Ki-tô giáo được kêu gọi để trở nên chính chủ thể năng động của công cuộc mục vụ chăm sóc gia đình.
31. Điều qua trọng nhất là việc nhấn mạnh đến tính ưu việt của ân sủng và những khả năng mà Chúa Thánh Thần ban tặng trong Bí Tích. Vấn đề nằm ở chỗ là, làm sao để hiểu được rằng, Tin Mừng về Gia Đình là một niềm vui mà nó „lấp đầy con tim và toàn bộ cuộc sống“, vì trong Chúa Ki-tô, chúng ta đã được giải thoát „khỏi tội lỗi, khỏi sự buồn rầu, khỏi sự trống vắng nội tâm và khỏi cảnh cô đơn“ (Evangelii Gaudium, 1). Trong ánh sáng của dụ ngôn người đi gieo giống (xc. Mt. 13, 3), nhiệm vụ của chúng ta chính là việc cộng tác với hạt giống: Việc còn lại là công việc của Thiên Chúa. Người ta cũng không được phép quên rằng, Giáo hội, tức người rao giảng về gia đình, chính là dấu chỉ của sự chống đối.
32. Vì thế, một cuộc trở về với sứ vụ truyền giáo cũng đang được đòi hỏi từ toàn thể Giáo hội. Người ta không được đứng lỳ ra mãi trong một việc loan báo thuần lý thuyết, mà nó đang bị tách rời khỏi những vấn đề thực tế của nhân loại. Không bao giờ được phép quên rằng, cuộc khủng hoảng Đức Tin đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng về hôn nhân và gia đình, và như là hệ quả, việc tiếp tục truyền giao Đức Tin từ các bậc cha mẹ sang con cái, thậm chí còn thường xuyên bị gián đoạn. Khi chứng kiến một Đức Tin mạnh mẽ, những quan điểm văn hóa mà chúng làm yếu nhược gia đình và hôn nhân, sẽ không thể chiến thắng.
33. Điều ngược lại cũng liên quan đến cả cách nói, để chúng thực sự đạt tới được sức mạnh của ý nghĩa. Việc loan báo Tin Mừng phải được thực hiện làm sao để người ta có thể hiểu được rằng, Tin Mừng về gia đình chính là câu trả lời cho những trông chờ sâu kín nhất của con người: trên phẩm giá của họ cũng như trong việc hiện thực hóa các mối quan hệ hỗ tương, trong sự hiệp thông và trong sự phong nhiêu. Không đơn thuần chỉ là việc đưa ra một khuôn mẫu có tính chuẩn mực, nhưng còn là việc giới thiệu các giá trị mà chúng đáp lại sự khát mong tương ứng về những điều vừa nêu; đây là một sự khát mong mà trong thời đại hôm nay người ta đang bắt gặp trong chính những quốc gia đã bị tục hóa nhất.
34. Lời Chúa là nguồn mạch của đời sống cũng như của linh đạo gia đình. Toàn bộ công cuộc mục vụ gia đình sẽ được tạo hình từ bên trong và phải cho phép các thành viên của Giáo hội tại gia được phát triển nhờ vào việc đọc Lời Chúa theo cách thức chiêm ngưỡng và thuộc về Giáo hội. Lời Chúa không chỉ là Tin Mừng đối với cuộc sống riêng tư của con người, nhưng cũng còn là một tiêu chuẩn của sự phán đoán, cũng như là ánh sáng giúp phân định những thách đố khác nhau, mà với chúng, các đôi vợ chồng và các gia đình đang phải bận tâm.
35. Đồng thời, nhiều Nghị Phụ đã nhấn mạnh đến một sự tiếp cận tích cực trước sự phong phú của những kinh nghiệm tôn giáo khác nhau mà không hề giấu giếm những khó khăn. Trong những thực tại tôn giáo khác biệt ấy, và trong sự khác biệt to lớn về văn hóa mà chúng để lại dấu ấn nơi các quốc gia, việc coi trọng trước hết là đối với những khả năng tính cực cũng như việc định giá trong ánh sáng của Tin Mừng, về những giới hạn và những khuyết phạm, là điều hợp lý.
36. Đời sống hôn nhân Ki-tô giáo là một ơn gọi mà người ta đón nhận thông qua một sự chuẩn bị hợp lý trên con đường Đức Tin, và với một khả năng đánh giá chín chắn. Đời sống ấy không chỉ được hiểu như là truyền thống văn hóa hay là một sự đòi hỏi mang tính xã hội hoặc luật pháp. Vì thế, người ta phải phát triển những con đường để đồng hành với con người và đồng hành với các cặp vợ chồng, đến độ sự dàn xếp giữa nội dung của Đức Tin với kinh nghiệm về cuộc sống sẽ được gắn kết, mà sự dàn xếp ấy sẽ giới thiệu toàn bộ sự hiệp thông của Giáo hội.
37. Sự cần thiết trong việc khôi phục một cách triệt để các thực hành mục vụ trong ánh sáng của Tin Mừng về gia đình, vẫn luôn được nhấn mạnh, hầu thắng vượt những cách nhìn theo chủ nghĩa cá nhân, mà hiện tại chúng vẫn đang còn thể hiện các đặc tính của chúng. Vì thế, cần phải kiên trì hơn nữa trước một cuộc canh tân đối với việc đào tạo các các Linh Mục, Phó tế, và các Giáo Lý viên cũng như các cộng tác viên khác trong việc mục vụ, thông qua một sự liên hệ mạnh mẽ hơn nữa đối với các gia đình.
38. Cũng trong một cách thế giống như vậy, sự cần thiết của một cuộc loan báo Tin Mừng cũng phải được nhấn mạnh, mà cuộc loan báo Tin Mừng ấy công khai tố giác những lệ thuộc đối với nền văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế, mà sự ảnh hưởng một cách mãnh liệt của chúng trên cách lý luận manh tính thị trường đang ngăn cản một đời sống gia đình đích thực, cũng như đang dẫn đưa tới với những sự phân biệt đối xử, sự nghèo túng, việc bị đẩy ra bên lề cuộc sống và bạo lực như thế nào. Vì thế, một cuộc đối thoại và một sự cộng tác với những cấu trúc xã hội cần phải được phát triển, và nó có giá trị trong việc khuyến khích các Giáo dân cũng như hỗ trợ họ tham gia với tư cách là các Ki-tô hữu vào trong những lãnh vực thuộc văn hóa và chính trị xã hội.
Hướng dẫn cặp uyên ương trên con đường chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân
39. Thực tại mang tính giai tầng xã hội và những thách đố mà các gia đình ngày nay đang phải đối diện, thúc đẩy một sự tham gia lớn hơn nữa cho toàn thể cộng đoàn Ki-tô hữu, hầu chuẩn bị cho những đôi uyên ương trước đời sống hôn nhân. Điều đó có giá trị trong việc nhắc nhớ đến tầm quan trọng của các phẩm hạnh. Trong số những phẩm hạnh đó, sự trinh bạch tỏ ra như là điều kiện tiên quyết đầy giá trị đối với một sự phát triển đích thực của tình yêu giữa những con người. Với cái nhìn về sự cần thiết ấy, các Nghị Phụ đã tán thành về việc đưa ra lời kêu gọi hãy liên kết với toàn thể cồng đồng một cách mạnh mẽ hơn nữa và hãy ưu tiên cho việc làm chứng của chính các gia đình. Hơn nữa, sự chuẩn bị cho đời sống hôn nhân nên được bén rễ trên con đường tiến tới việc gia nhập Ki-tô giáo, trong đó, mối liên hệ giữa đời sống hôn nhân và Bí Tích Thánh Tẩy cũng như các Bí Tích khác được nhấn mạnh. Đồng thời, sự cần thiết của những khóa học đặc biệt nhằm chuẩn bị cho sự kết hôn đang chờ để được hoàn tất, cũng phải được nhấn mạnh, mà những khóa học ấy tạo điều kiện để có được một kinh nghiệm thực sự về việc tham dự vào với đời sống Giáo hội, cũng như đào sâu hơn các khía cạnh khác biệt của đời sống gia đình.
Đồng hành với những năm đầu tiên của đời sống hôn nhân
40. Những năm đầu tiên của đời sống hôn nhân là một giai đoạn quan trọng và khó khăn, mà trong thời gian này đôi vợ chồng sẽ lớn lên trong sự ý thức về những thách đố và về ý nghĩa của đời sống hôn nhân. Điều này sẽ dẫn tới sự đòi hỏi đối với một cuộc đồng hành mục vụ, mà cuộc đồng hành này được tiếp tục thực hiện sau việc cử hành Bí Tích (vgl. Familiaris Consortio, phần III). Sự hiện diện của những cặp vợ chồng có kinh nghiệm trong công tác mục vụ này sẽ chứng tỏ tầm quan trọng to lớn. Giáo xứ được hiểu như là nơi mà các cặp vợ chồng có kinh nghiệm có thể để cho những đôi vợ chồng trẻ hơn tùy nghi tham khảo ý kiến, có thể dưới sự giúp đỡ của những hiệp hội, của các phong trào trực thuộc Giáo hội và của những cộng đồng mới. Các cặp vợ chồng phải được khích lệ để có thái độ đúng đắn trong việc đón nhận con cái như là một hồng ân lớn. Đồng thời cũng có ý nghĩa trong việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của linh đạo về gia đình, nhấn mạnh đến việc cầu nguyện và việc tham dự hy tế Thánh Thể vào mỗi Chúa Nhật. Các đôi vợ chồng nên được khích lệ để gặp gỡ nhau thường xuyên, hầu thúc đẩy sự phát triển đời sống tinh thần cũng như tình liên đới trong những thách đố cụ thể của cuộc sống. Phụng Vụ, đời sống cầu nguyện và Bí Tích Thánh Thể đối với các gia đình, đặc biệt là vào ngày Lễ Hôn Phối, được đề cập đến như là một sự quan trọng nhằm thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng.
Công tác mục vụ cho những người chung sống trong một cuộc hôn nhân dân sự hay không có hôn thú
41. Trong lúc Thượng Hội Đồng Giám Mục vẫn đang tiếp tục công bố và khuyến khích đời sống hôn nhân Ki-tô giáo, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng khích lệ một sự biện phân mục vụ trước những tình huống khác nhau của nhiều người không còn sống thực tại này nữa. Việc bước vào trong một cuộc đối thoại mục vụ với những con người ấy hầu có thể nhấn mạnh đến các yếu tố trong cuộc sống của họ, là điều thật quan trọng. Những yếu tố được nhắc tới ở đây có thể dẫn tới một sự mở ra lớn hơn đối Tin Mừng về hôn nhân trong sự viên mãn của nó. Các mục tử phải nhận ra được các yếu tố mà chúng có thể thôi thúc việc loan báo Tin Mừng cũng như có thể thôi thúc sự phát triển cả về nhân bản lẫn tâm linh. Một sự nhạy cảm mới của công tác mục vụ ngày nay hàm chứa trong việc nhận thức được bất cứ yếu tố tích cực nào mà chúng có sẵn trong những cuộc hôn nhân theo dân sự, và – với sự biện phân thích đáng – trong cuộc sống chung không có hôn thú. Ngay cả khi chúng ta đề cao sứ điệp Ki-tô giáo với tất cả sự rõ ràng, thì chúng ta, qua việc giới thiệu về Giáo hội, cũng phải chỉ ra những yếu tố mang tính xây dựng trong bất cứ tình huống nào mà chúng chưa tương ứng hay không còn tương ứng với Giáo hội nữa.
42. Được chỉ cho thấy rằng, tại nhiều quốc gia, „con số những cặp đôi chung sống để ‚ad experimentum‘ (sống thử) nhưng không có việc tổ chức cưới xin, cả về phương diện Giáo hội lẫn phương diện dân sự, đang tăng lên“ (Instrumentum Laboris, 81). Nơi một số quốc gia, sự kiện ấy đang diễn ra trước hết là trong những cuộc hôn nhân truyền thống mà chúng được tán thành giữa các gia đình và thường được thực hiện trong nhiều chặng khác nhau. Trái lại, tại những quốc gia khác, con số những cặp hôn nhân, sau một cuộc chung sống lâu dài, muốn xin tổ chức một cuộc lễ cưới về phương diện Giáo hội, lại đang phát triển. Cuộc sống chung đơn giản thường được chọn lựa vì tâm lý chung là muốn chống lại những thể chế cũng như những cam kết dứt khoát, nhưng cũng vì một sự chờ mong trước một sự an toàn có tính sinh tồn (công việc và khoản thu nhập chắc chắn). Sau cùng, những cuộc phối hợp thực tế tại nhiều quốc gia khác lại nhiều vô kể, không phải chỉ vì những giá trị của gia đình và của đời sống hôn nhân bị từ chối, nhưng trước hết, còn vì việc thành hôn được coi như là một sự xa xỉ, đến độ sự nghèo túng vật chất đẩy người ta tới với những cuộc hôn phối thực tế ấy.
43. Tất cả những tình huống đó đều phải được giải quyết trong những phương thế mang tính xây dựng, bằng cách cố gắng biến chúng thành những cơ hội cho một con đường dẫn tới sự viên mãn của đời sống hôn nhân và gia đình, trong ánh sáng của Tin Mừng. Vấn đề ở đây là đón nhận và đi theo chúng với sự kiên nhẫn và tinh tế. Trong vấn đề này, chứng tá có tính hấp dẫn của các gia đình Ki-tô giáo thực sự, với tư cách là những chủ thể trong công cuộc loan báo Tin Mừng về gia đình, là điều rất quan trọng.
Chữa lành những gia đình bị tổn thương (những người đang sống trong sự chia ly, những người ly dị không tái kết hôn, những người ly dị tái kết hôn, những cha mẹ đơn thân)
44. Khi những cặp vợ chồng trải qua những khó khăn trong các mối tương quan của họ, họ phải có thể đặt lòng tin vào sự giúp đỡ cũng như sự đồng hành của Giáo hội. Sự mục vụ của tình bác ái tha nhân và của lòng nhân hậu được thực hiện nhằm tái cổ vũ các cá nhân, cũng như tái khôi phục các mối quan hệ. Kinh nghiệm chỉ cho thấy rằng, một tỷ lệ lớn các cuộc khủng hoảng hôn nhân đã được vượt qua nhờ vào một sự giúp đỡ hợp lý cũng như nhờ vào sức mạnh hòa giải của ân sủng trong một cách thế thỏa mãn. Việc có thể tha thứ và kinh nghiệm về sự tha thứ chính là một kinh nghiệm có tính chất cơ bản trong cuộc sống gia đình. Sự tha thứ lẫn cho nhau của các đôi vợ chồng cho phép họ kinh qua một tình yêu mà nó hiện hữu luôn luôn và không bao giờ tan biến (xc. 1 Cor. 13, 8). Nhưng thỉnh thoảng cũng có chuyện một người đã đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa lại cảm thấy rất khó trong việc cố gắng để mình có được sức mạnh hầu có thể tha thứ một cách chân thành, mà sự tha thứ ấy canh tân con người.
45. Từ Thượng Hội Đồng Giám Mục, sự cần thiết của những quyết định can đảm về mục vụ đã trở nên rõ ràng. Các Nghị Phụ đã khẳng định một cách mạnh mẽ về sự trung tín đối với Tin Mừng gia đình, và đã nhận thức được rằng, sự chia tách và ly dị bao giờ cũng là một nỗi đớn đau, nó gây ra một sự đau khổ thẳm sâu đối với những cặp vợ chồng và những đứa con có liên quan. Do đó, các Nghị Phụ nhìn thấy tính cấp thiết của những con đường mục vụ mới mà chúng xuất phát từ hiện thực thực tế, nơi tính mỏng giòn của các gia đình, trong sự hiểu biết rằng, sự ly thân và sự ly dị thường „bị gánh chịu“ bởi sự đớn đau hơn là được chọn lựa một cách tự do. Đó là những tình huống khác nhau do những nhân tố vừa mang tính cá nhân lại cũng vừa mang tính văn hóa và kinh tế xã hội. Nó đòi hỏi một cái nhìn có tính biện phân như Đức Tân Hiển Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng đã từng giới thiệu (xc. Familiaris Consortio, 84).
46. Bất cứ gia đình nào cũng phải được lắng nghe, trước tiên là với sự kính trọng và với tình yêu, bằng cách người ta biến mình thành những người bạn đường, như Chúa Ki-tô đã thực hiện như thế với các môn đệ trên đường đến Emmaus. Đối với những tình huống ấy, những lời sau đây của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có một ý nghĩa đặc biệt: „Giáo hội cần phải hướng dẫn các thành viên của mình – Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân – đi vào trong ´nghệ thuật của sự đồng hành` ấy, để tất cả thường xuyên học hỏi, hầu tự mình cúi xuống để chạm đến những đôi dép dưới những bàn chân, trước thánh địa của người khác (xc. Xh. 3, 5). Chúng ta phải mang đến cho lối sống của chúng ta nhịp điệu thuận lợi của sự quan tâm, với một cái nhìn đầy kính trọng từ lòng trắc ẩn, nhưng đồng thời cái nhìn đó cũng mang đến sự chữa lành, sự giải phóng, cũng như khích lệ sự trưởng thành trong đời sống Ki-tô giáo“ (Evangelii Gaudium, 169).
47. Một khả năng phán đoán đặc biệt là điều cần thiết để đồng hành mục vụ với những người đang ly thân, với những người ly dị và với những người đang bị bỏ mặc. Trước hết, sự đau khổ của những người mà họ đã phải chịu đựng trước sự ly thân hay ly dị một cách bất công, hoặc đang bị bỏ mặc, hay đang gượng gạo vì sự ngược đãi của người bạn đời, để từ bỏ cuộc sống chung, cần phải được ghi nhận và chú ý. Sự tha thứ cho sự bất công đã phải chịu đựng là điều không đơn giản, nhưng đó là một con đường mà nó được mở ra bởi ân sủng. Điều đó dẫn đến một sự cần thiết đối với một sự chăm sóc mục vụ hòa giải và kiến tạo bình an, thông qua những hoạt động đặc biệt để lắng nghe, mà những hoạt động đó được tổ chức nơi các Giáo phận. Trong một cách thế tương tự, phải được thường xuyên nhấn mạnh rằng, việc quan tâm đến những hậu quả của sự ly thân hay ly dị đối với con cái, mà trong bất cứ trường hợp nào, chúng vẫn đều là những nạn nhân vô tội của tình trạng này, bằng một cách thế chân thành và xây dựng, là điều thực sự cần thiết. Con cái không được phép trở thành „chủ thể của các cuộc tranh cãi“, thay vào đó, những con đường tốt nhất phải được tìm kiếm hầu thắng vượt những điều gây chấn thương từ sự chia rẽ trong gia đình, và tạo điều kiện cho con cái có được một sự phát triển một cách hồn nhiên trong mức độ tối đa có thể. Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, Giáo hội cũng sẽ phải luôn luôn nêu ra sự bất công mà nó rất thường nảy sinh từ tình trạng ly dị. Một sự quan tâm đặc biệt cũng được coi là sự đồng hành với những người cha hoặc những người mẹ đơn thân, mà trước hết, phải có sự hỗ trợ đối với những phụ nữ đang một mình gánh vác cả trách nhiệm nội trợ lẫn việc giáo dục con cái.
48. Một số lớn các Nghị Phụ đã nhấn mạnh tới sự cần thiết trong việc trình bày những cách thức mang tính dễ tiếp cận hơn, cũng như dễ thích ứng hơn với việc công nhận sự vô hiệu của hôn nhân, và khước từ hoàn toàn mọi cước phí có thể. Do đó, những đề nghị sau đây đã được đưa ra: hủy bỏ tính cần thiết của hai bản án tương đồng; khả năng ấn định một cơ quan hành chính dưới sự phụ trách của Giám mục Giáo phận; thủ tục tố tụng khẩn cấp trong những vụ bất thành sự một cách rõ ràng. Tuy nhiên, một số Nghị Phụ đã tỏ quan điểm chống lại những đề nghị vừa nêu, vì chúng sẽ không bảo đảm cho một bản án đáng tin cậy. Điều này được nhấn mạnh rằng, trong tất cả những trường hợp ấy, vấn đề nằm ở chỗ phải xác định được tính chân thật về sự hợp pháp của khế ước hôn nhân. Theo những đề nghị khác, phương án giải quyết nên được tính đến việc tạo thêm trọng lượng cho vai trò của Đức Tin mà các cặp hôn nhân đang có, với cái nhìn về tính hiệu lực của Bí Tích, mà qua đó không hề gây ra sự nguy hiểm, bởi trong số những người đã được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, tất cả các cuộc hôn nhân thành sự đều là một Bí Tích.
49. Với cái nhìn về một sự nghiêm minh trong quá trình hôn nhân, được đòi hỏi từ nhiều người, bên cạnh việc đào tạo đầy đủ cho các cộng tác viên – các Giáo sĩ cũng như những người Giáo dân -, mà họ ưu tiên dấn thân cho sứ vụ này, trách nhiệm của Giám mục Giáo phận cần phải được nhấn mạnh. Ngài có thể trao phó cho các tư vấn viên đã được chuẩn bị một cách thích đáng, họ sẽ tư vấn cho các bên về tính hợp pháp trong hôn nhân của họ một cách miễn phí. Những nhiệm vụ ấy có thể được trao cho một cơ quan hay cho những người có chuyên môn (xc. Dignitas Connubii, Art. 113, 1).
50. Những người ly dị nhưng không tái kết hôn, mà họ thường thực hiện những chứng tá đối với sự chung thủy của hôn nhân, nên được khích lệ để tìm thấy sự nuôi dưỡng trong Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích này sẽ nâng đỡ họ trong hoàn cảnh của họ. Các cộng đoàn địa phương và các vị mục tử cần phải đồng hành với những con người ấy một cách ân cần, đặc biệt là khi họ có con cái hay khi họ đang phải chịu đựng một sự túng thiếu nặng nề.
51. Ngay cả tình trạng của những người đã ly dị nhưng lại tái kết hôn cũng cần tới một sự nhận biết đầy ân cần và một sự đồng hành với sự kính trọng to lớn. Trong vấn đề này, bất cứ cách thức diễn đạt hay bất cứ thái độ nào khác cũng đều phải được ngăn ngừa. Đối với đời sống của cộng đoàn Ki-tô giáo, sự chăm sóc mục vụ này không có nghĩa là làm giảm sút Đức Tin của họ, hay làm giảm sút những chứng tá của họ về tính bất khả phân ly của hôn nhân. Trái lại, nó diễn tả đức ái của họ đối với tha nhân ngay trong sự chăm sóc mục vụ này.
52. Các Nghị Phụ đã suy tư về khả năng cho phép những người đã ly dị nhưng tái kết hôn, được lãnh nhận Bí Tích Thống Hối và Bí Tích Thánh Thể. Nhiều nghị Phụ đã kiên trì với quy luật hiện hành, và thực ra là, một mặt vì mối tương quan có tính cơ bản giữa sự tham dự vào Bí Tích Thánh Thể cũng như tham dự vào trong mối hiệp thông với Giáo hội, và mặt khác, vì giáo huấn của Giáo hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân. Các Nghị Phụ khác đã tỏ ý bênh vực cho một sự tiếp nhận vào bàn tiệc Thánh Thể nhưng không quá tổng quát hóa – và cụ thể là, trong một số tình huống đặc biệt, và dưới những điều kiện đã được ấn định, trước hết, khi đó là những trường hợp không thể đảo ngược, với những trách nhiệm luân lý đối với con cái, mà chúng đã phải chịu đựng một cách bất công. Một con đường thống hối, dưới trách nhiệm của Giám mục Giáo phận, phải xuất hiện trước khi có sự tiếp cận có thể đối với các Bí Tích. Nhưng vấn nạn còn phải được đào sâu, trong khi đó, sự phân biệt giữa một hoàn cảnh mang tính khách quan của tội lỗi và những tình tiết giảm nhẹ là điều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì „sự đủ điều kiện của một hành động trách nhiệm đối với hành động đó (…) có thể được giảm bớt nhờ vào (…) những yếu tố tâm lý hay xã hội, và thậm chí còn có thể bị thủ tiêu“ (sách GLHTCG, số 1735).
53. Một số Nghị Phụ đã xác tín rằng, những người ly dị tái kết , hay cùng sống chung với một người bạn đời, vẫn có thể tham dự vào việc hiệp Lễ thiêng liêng trong một cách thế phong phú. Về điều đó, một số Nghị Phụ lại đặt ra câu hỏi, tại sao họ không thể đón nhận Bí Tích Thánh Thể theo nghĩa thực tế. Và như thế, một sự đào sâu thêm của chủ đề này đã được đề ra nhằm nhấn mạnh đặc tính riêng của cả hai hình thức và mối quan hệ của chúng với Thần Học về đời sống hôn nhân.
54. Các vấn đề liên quan đến hôn nhân hỗn hợp tôn giáo vẫn luôn được đề cập đến trong những đóng góp của các Nghị Phụ. Sự khác biệt về luật hôn nhân của Giáo hội Chính thống giáo đang đưa tới những vấn đề trong một số mối liên hệ, mà chúng phải được suy tư trong công cuộc đại kết. Tương tự, sự hợp tác trong công cuộc đối thoại liên tôn cũng sẽ có nhiều ý nghĩa đối với hôn nhân liên tôn.
Sự quan tâm mục vụ đối với những người có xu hướng đồng tính
55. Một số gia đình đã trải qua kinh nghiệm rằng, một số người giữa họ đang sống với xu hướng đồng tính. Trong mối liên hệ đến điều đó, người ta đã tự hỏi, sự quan tậm mục vụ nào sẽ phù hợp trong những trường hợp ấy, trong khi người ta liên hệ tới điều mà Giáo hội dậy: „Tuyệt nhiên không hề có cơ sở nền tảng đối với chuyện thiết lập nên những điều tương tự giữa cuộc sống chung đồng giới và kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, cũng không hề có như vậy ngay cả trong một ý nghĩa rộng hơn“. Tuy nhiên, những người nam và những người nữ mang khuynh hướng đồng giới, cần phải được đón nhận với sự kính trọng và với sự tinh tế. „Người ta hãy canh chừng trước việc đối xử bất công với họ bằng bất cứ cách nào“ (Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Những cân nhắc đối với những dự án của một áp dụng hợp lý trước sự chung sống giữa những người đồng tính, 4).
56. Hoàn toàn không thể chấp nhận được rằng, áp lực sẽ bị tác động trên các vị mục tử của Giáo hội trong vấn nạn này, và cũng không thể chấp nhận được rằng, các tổ chức quốc tế trợ giúp cho các quốc gia nghèo sẽ bị phụ thuộc vào việc họ giới thiệu một cuộc „hôn nhân“ giữa những người cùng giới tính trong sự ban hành luật pháp của mình.
Truyền sinh và thách thức của việc giảm sinh
57. Thật dễ dàng để nhận ra rằng, đang có sự lan rộng của một tâm lý muốn cắt giảm việc truyền sinh bằng một sự thay đổi trong kế hoạch của một cá nhân hay của một cặp vợ chồng. Các điều kiện kinh tế đôi khi tác động như một trọng lực mang tính quyết định và góp phần mạnh mẽ trong việc làm sút giảm những ca sinh nở, và sự giảm sút sinh nở này sẽ làm kiệt lực mạng lưới xã hội, gây hại cho mối tương quan giữa các thế hệ, và làm mất đi sự tự tin trong cái nhìn về tương lai. Việc mở ra đối với sự sống là một đòi hỏi thuộc về bản chất của tình yêu hôn nhân. Trong ánh sáng ấy, Giáo hội ủng hộ những gia đình đón nhận những đứa con bị tàn tật để làm con nuôi, giáo dục và bao bọc chúng bằng tình yêu của mình.
58. Ngay cả trên lĩnh vực này, người ta cũng phải bắt đầu từ những gì mà con người nói và tạo điều kiện cho vẻ đẹp cũng như chân lý của một sự mở ra vô điều kiện đối với sự sống theo quyền lợi của nó, cũng như cái mà tình yêu nhân loại cần có để được sống trong sự viên mãn của mình. Trên nền tảng đó, một giáo huấn hợp lý về những phương pháp tự nhiên cũng có thể hỗ trợ cho một sự sinh sản có trách nhiệm. Giáo huấn ấy sẽ tạo điều kiện để sống một cách hài hòa và ý thức về sự hiệp thông giữa những cặp vợ chồng trong tất cả mọi chiều kích của nó và với trách nhiệm mô phỏng. Thật hữu ích trong việc tái khám phá ra sứ điệp của Thông Điệp Humanae Vitae (Sự Sống Con Người) mà Đức Phao-lô VI đã ban hành, sứ điệp ấy nhấn mạnh rằng, phẩm giá con người phải được kính trọng trong sự đánh giá mang tính luân lý của những biện pháp hạn chế sinh sản. Việc đón nhận những em bé mồ côi hay bị ruồng rẫy để làm con nuôi là một hình thức đặc biệt của công cuộc chăm sóc mục vụ gia đình (xc. Apostolicam Actuositatem, III, 11). Quyền giáo huấn đã nhiều lần đưa ra sự chỉ dẫn cũng như khích lệ về điều đó (xc. Familiaris Consortio, III, II;Evangelium Vitae, IV, 93). Việc quyết định nhận con nuôi hay trở thành người giám hộ diễn tả kinh nghiệm về sự phong nhiêu của tình yêu hôn nhân trong một cách thế đặc biệt; và điều đó sẽ không chỉ như thế nếu quyết định ấy bị dán mác bởi sự vô sinh. Một quyết định như thế là một chỉ dấu có sức diễn cảm của tình yêu gia đình. Nó cho phép làm chứng cho Đức Tin riêng và trao lại phẩm giá của một em nhỏ cho những em đã bị đánh mất phẩm giá ấy.
59. Điều đó cũng có giá trị để sống tình yêu ngay cả trong khế ước hôn nhân như là con đường của sự chín muồi, trong sự đón nhận càng ngày càng sâu xa với người khác cũng như trong sự trao hiến càng ngày càng trọn vẹn. Trong mối tương quan ấy, vấn đề phải được khẳng định rằng, những phương pháp giáo dục mà chúng củng cố đời sống hôn nhân, cần phải được giới thiệu; hơn nữa, cũng cần phải khẳng định rằng, điều đó cần tới những người giáo dân biết giới thiệu một sự đồng hành thông qua chứng tá sống động của họ. Gương sáng của một tình yêu chung thủy và thẳm sâu là một sự trợ giúp to lớn; nó được khắc ghi bởi sự dịu hiền và sự kính trọng, nó liên tục phát triển với thời gian, và trong sự cởi mở cụ thể của nó với sự truyền sinh, tình yêu ấy mở ra kinh nghiệm về một mầu nhiệm vượt quá chúng ta.
Thách đố trong việc giáo dục và vai trò của gia đình trong việc loan báo Tin Mừng
60. Một trong những thách đố có tính nền tảng đối với các gia đình ngày nay, tất nhiên hàm chứa trong sự giáo dục. Thậm chí thách đố này càng ngày càng khắt khe và phức tạp hơn bởi thực tế văn hóa hiện tại cũng như tác động lớn của các phương tiện truyền thông. Mặc dù thế, nó có giá trị hầu lưu ý một cách thích đáng tới những đòi hỏi cũng như những trông chờ của các gia đình mà họ đang ở trong tình trạng để hiện diện trong những nơi phát triển và tiếp tục trao đi một cách hoàn toàn bất cứ nhân đức nào trong cuộc sống hằng ngày, mà các nhân đức ấy tạo nên kiểu dáng cho sự hiện hữu. Điều đó có nghĩa là, cha mẹ phải có sự tự do trong việc tìm kiếm những cách thức giáo dục dành cho con cái mình, mà cách thức ấy tương ứng với những điều xác tín của họ.
61. Căn cứ trên việc kết nạp vào Ki-tô giáo thông qua những cộng đoàn sẵn sàng đón nhận, Giáo hội đóng một va trò quý giá trong việc hỗ trợ các gia đình. Vì thế, Giáo hội được đòi hỏi nhiều hơn nữa trong việc hỗ trợ các gia đình trong sứ mạng giáo dục, kể cả trong những tình huống bình thường lẫn trong những tình huống dị biệt, và đồng hành với các em nhỏ cũng như với giới thanh thiếu niên, trong sự phát triển của chúng. Điều này diễn ra thông qua những con đường mà chúng được làm cho thích hợp với từng nhân vị, hầu hướng dẫn chúng đi vào một ý nghĩa toàn diện về cuộc sống, cũng như giúp chúng đưa ra những quyết định và tiếp nhận tinh thần trách nhiệm, mà tinh thần trách nhiệm ấy được sống trong ánh sáng của Tin Mừng. Trong sự dịu hiền, cũng như trong lòng nhân hậu và tình thương từ mẫu của Người, Đức Maria sẽ có thể làm thỏa mãn cơn đói khái về nhân tính và sự sống. Công cuộc mục vụ và sự tôn kính Đức Maria sẽ là những điểm khởi phát tốt đẹp nhằm công bố Tin Mừng về gia đình.
KẾT LUẬN
62. Những suy tư được trình bày trên đây chính là kết quả từ các buổi làm việc của Thượng Hội Đồng Giám mục, mà các buổi làm việc ấy đã diễn ra trong sự tự do to lớn cũng như trong một thái độ lắng nghe lẫn nhau. Các suy tư này muốn đặt ra những vấn nạn cũng như muốn vạch ra những viễn tượng. Trong năm, tức thời gian kể từ lúc kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường về gia đình tới khi có phiên họp khoáng đại của Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần tới, những suy tư này sẽ phải trở nên chín muồi cũng như phải được giải thích rõ ràng thông qua những suy tư của các Giáo hội địa phương; và cứ sự thường, Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2015, và sẽ được dành để nghiên cứu về ơn gọi và sứ vụ của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới hôm nay. Nó sẽ không phải là những quyết định đã được đưa ra cũng chẳng phải là những viễn tượng đơn giản. Nhưng con đường tập thể tính của các Giám mục và sự bao hàm của toàn thể dân Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần và việc hướng nhìn lên mẫu gương gia đình Thánh Gia sẽ có thể hướng dẫn chúng ta trong việc tìm thấy được con đường của chân lý và lòng khoan hậu đối với tất cả. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã hướng đến chúng tôi niềm mong muốn ấy ngay từ khi bắt đầu những công việc của chúng tôi, và Ngài đã mời gọi chúng tôi hãy có sự can đảm của Đức Tin, và hãy đón nhận chân lý trong Đức Ái một cách khiêm nhượng và chân thành.
Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – Chuyển ngữ