“Tôi là ánh sáng thế gian.”
BÀI ĐỌC 1: Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62
Tôi sẽ phải chết, nhưng thà tôi không làm gì cả.
Bài trích sách ngôn sứ Đa-ni-en.
1 Hồi đó, có một người ở tại Ba-by-lon, tên là Giô-gia-kim. 2 Ông lấy vợ tên là Su-san-na. Bà là con gái ông Khen-ki-gia ; bà rất xinh đẹp và kính sợ Chúa. 3 Cha mẹ bà là người công chính, đã dạy dỗ con gái theo Luật Mô-sê. 4 Ông Giô-gia-kim là người rất giàu, ông có một khu vườn bên cạnh nhà. Người Do-thái thường đến nhà ông, vì ông có thế giá hơn mọi người. 5 Năm ấy, người ta đặt hai kỳ mục chọn trong dân làm thẩm phán. Đấng Chí Tôn đã phán về họ rằng: “Từ Ba-by-lon, đã phát xuất sự gian tà do những kỳ mục, những thẩm phán có vẻ như cai trị dân.” 6 Những kỳ mục này thường lui tới nhà ông Giô-gia-kim. Tất cả những ai có việc gì cần xét xử thì đến gặp họ. 7 Giữa trưa, khi dân đã rút lui, bà Su-san-na vào đi dạo trong vườn của chồng. 8 Hai kỳ mục thấy bà mỗi ngày vào đi dạo, thì sinh lòng ham muốn. 9 Họ để tâm trí ra đồi bại, quay mắt đi để khỏi nhìn lên trời cao và chẳng nhớ đến những phán quyết công minh của Thiên Chúa. 15 Họ đang nóng lòng chờ dịp thuận lợi, thì một hôm, bà Su-san-na đi vào vườn như các ngày trước, chỉ có hai tớ gái theo hầu. Vì trời nóng, bà muốn tắm trong vườn. 16 Ở đó, chẳng có ai, ngoại trừ hai kỳ mục đang ẩn núp và rình xem. 17 Bà bảo các tớ gái: “Đem cho ta dầu và thuốc thơm, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm.”
19 Các cô vừa ra khỏi đó, thì hai kỳ lão liền chồm dậy, nhào tới chỗ bà 20 và nói: “Này cửa vườn đã đóng ; chẳng ai thấy chúng ta đâu. Chúng tôi thèm muốn bà, bằng lòng trao thân cho chúng tôi đi! 21 Nếu không, chúng tôi sẽ làm chứng tố cáo rằng có một thanh niên ở với bà, và vì thế bà đã cho các tớ gái đi khỏi đây.” 22 Bà Su-san-na thở dài não nuột và nói: “Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết ; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. 23 Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!” 24 Bà Su-san-na liền kêu lớn tiếng và hai kỳ lão cũng la lên để hại bà. 25 Một ông chạy ra mở cửa vườn. 26 Khi nghe tiếng kêu trong vườn các gia nhân đổ xô vào cửa bên hông, để xem sự gì đã xảy ra cho bà. 27 Và sau khi các kỳ lão kể lại chuyện đó, các tôi tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì chưa bao giờ nghe nói như thế về bà Su-san-na.
28 Hôm sau, dân chúng tụ họp ở nhà ông Giô-gia-kim chồng bà. Hai kỳ lão kia cũng đến đó, lòng đầy gian ý hại bà, để làm cho bà phải chết. 29 Họ nói trước mặt dân chúng: “Hãy sai người đi tìm Su-san-na, con gái ông Khen-ki-gia, vợ ông Giô-gia-kim.” Rồi người ta cho người đi tìm bà. 30 Bà cũng đến đó với cha mẹ, con cái và tất cả thân nhân.
33 Mọi người thân cũng như tất cả những ai thấy bà, đều khóc. 34 Từ giữa đám dân, hai kỳ lão đó đứng dậy đặt tay lên đầu bà. 35 Còn bà thì vừa khóc vừa ngước mắt lên trời, vì bà đầy lòng trông cậy vào Chúa. 36 Các kỳ lão nói: “Chúng tôi đang dạo chơi một mình trong vườn, thì mụ này đã vào với hai tớ gái, đóng cửa vườn lại, rồi cho các tớ gái đi ra. 37 Một gã thanh niên núp sẵn ở đó, đến bên mụ và nằm với mụ. 38 Lúc ấy, chúng tôi đang ở một góc vườn, thấy chuyện đồi bại, liền chạy tới. 39 Chúng tôi thấy chúng ăn nằm với nhau, nhưng không tóm được gã thanh niên, vì hắn khoẻ hơn chúng tôi, và đã mở cửa chạy mất. 40 Còn mụ này, chúng tôi bắt được và hỏi mụ ta xem gã thanh niên kia là ai. 41 Nhưng mụ không chịu nói cho chúng tôi. Chúng tôi xin làm chứng về những điều ấy.”
Cộng đồng tin họ, vì họ là những kỳ mục trong dân và là những thẩm phán. Rồi người ta kết án tử hình bà Su-san-na. 42 Nhưng bà Su-san-na kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng am tường những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra, 43 Ngài biết là họ đã làm chứng gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã vu cho con.”
44 Chúa đã nghe tiếng bà kêu. 45 Trong lúc bà bị điệu đi hành hình, Thiên Chúa đã đánh động tâm trí thánh thiện của một thiếu niên tên là Đa-ni-en. 46 Thiếu niên đó kêu lớn tiếng rằng: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này!” 47 Toàn dân đều quay về phía cậu thiếu niên và hỏi: “Lời cậu vừa nói có nghĩa gì ?” 48 Cậu đứng giữa họ và nói: “Các người ngu xuẩn đến thế sao, hỡi con cái Ít-ra-en ? Các người đã lên án một người con gái Ít-ra-en mà không xét hỏi và cũng không biết rõ sự việc ra sao! 49 Hãy trở lại nơi xét xử, vì những người kia đã làm chứng gian để hại người phụ nữ này.”
50 Toàn dân vội vàng trở lại đó, và các kỳ mục nói với Đa-ni-en: “Đến đây, hãy ngồi giữa chúng tôi và cho chúng tôi biết ý kiến, vì Thiên Chúa đã cho cậu được khôn ngoan như bậc lão thành.” 51 Đa-ni-en nói: “Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ xét hỏi.” 52 Sau khi họ đã bị tách ra rồi, Đa-ni-en gọi một trong hai kỳ mục lại và nói: “Hỡi con người già đời trong đường gian ác, tội lỗi xưa ông đã phạm, nay lại tái diễn: 53 ông đã xử bất công, kết án người vô can, tha bổng kẻ đắc tội, bất kể lời Chúa dạy: ‘Ngươi chớ giết người vô tội và người công chính.’ 54 Vậy bây giờ, nếu quả thật ông đã thấy bà kia, thì hãy nói ông đã thấy họ thông gian với nhau dưới cây nào ?” Người ấy đáp: “Dưới cây trắc.” 55 Đa-ni-en nói: “Ông đã nói dối trắng trợn khiến ông phải mất mạng, vì thiên sứ của Thiên Chúa đã nhận được án lệnh của Người là chặt ông làm đôi.” 56 Sau khi cho người này ra, Đa-ni-en truyền dẫn người kia vào, rồi nói: “Hỡi nòi giống Ca-na-an, chứ không phải nòi giống Giu-đa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho ông ra hư hỏng. 57 Các ông đã hành động như thế với các con gái Ít-ra-en. Vì sợ, họ đã thông gian với các ông. Nhưng người con gái Giu-đa này đã không chịu nổi sự gian tà của các ông. 58 Vậy bây giờ, hãy nói cho tôi biết ông đã bắt quả tang họ thông gian với nhau dưới cây nào ?” – Người ấy đáp: “Dưới cây dẻ.” 59 Đa-ni-en mới bảo: “Cả ông nữa, ông cũng nói dối trắng trợn khiến ông phải mất mạng, vì thiên sứ của Thiên Chúa, tay cầm gươm, đang chờ để xẻ ông làm đôi nhằm tiêu diệt các ông.”
60 Bấy giờ toàn thể cộng đồng lớn tiếng reo hò và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu những kẻ trông cậy vào Người. 61 Rồi người ta quay lại chống hai kỳ lão, vì Đa-ni-en đã dựa vào lời chính miệng các ông nói mà thuyết phục họ là các ông đã làm chứng gian. 62 Theo luật Mô-sê, người ta giáng cho các ông hình phạt mà các ông định bắt người khác phải chịu, đó là giết các ông. Ngày ấy, máu người vô tội khỏi bị đổ oan.
ĐÁP CA: Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 (Đ. c.4a)
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
1/1Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
2Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
3avà bổ sức cho tôi.
2/3bNgười dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
4Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
3/5Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
4/6Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Tin Mừng: Ga 8, 12-20
“Ta là sự sáng thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.
Khi ấy, Chúa Giê-su nói với những người biệt phái rằng: “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”.
Những người biệt phái nói: “Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực”.
Chúa Giê-su trả lời: “Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới, cũng chẳng biết Ta đi đâu. Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Ðấng đã sai Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Ðấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm chứng cho Ta nữa”.
Họ nói: “Cha của ông đâu?” Chúa Giê-su trả lời: “Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta”.
Chúa Giê-su nói những lời trên gần nơi để Kho Tiền, khi Người giảng dạy trong đền thờ. Thế mà không ai bắt Người, vì chưa đến giờ Người.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
B/ Nt. Maria Anh Thư, OP
SUY NIỆM
Ngay từ khi tạo dựng, Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn mỗi người chúng ta khát vọng hướng về điều thiện. Khi lãnh nhận phép Rửa tội, chúng ta được gia nhập Hội thánh để trở thành con cái của Thiên Chúa. Nhưng vì tội lỗi và thói kiêu căng ích kỷ, chúng ta đã để lòng mình ra u tối nên không còn nhận ra những mặc khải yêu thương của Thiên Chúa.
Chuyện kể rằng khi chào đời mỗi đứa trẻ đều được ban tặng một chén Ánh Sáng hoàn hảo. Nếu biết chăm sóc, từ chén Ánh Sáng đó sẽ tỏa ra sức mạnh giúp đứa trẻ lớn lên thành người và làm được nhiều điều có ích.
Ngược lại, nếu người có tính hay ghen tị, hèn nhát và nổi nóng, thì người đó đang thả vào cái chén một viên đá to khiến Ánh Sáng bị văng ra ngoài. Nếu càng thả đá vào chén, Ánh Sáng càng bị văng ra nhiều hơn và cuối cùng người đó sẽ biến thành một viên đá cọc cằn.
Viên đá không lớn lên, không thể chuyển động và cũng không phát ra ánh sáng. Muốn có ánh sáng, chỉ còn một cách là lật úp cái chén xuống để những viên đá khô khốc kia rơi ra ngoài và ánh sáng sẽ tràn vào chén như lúc ban đầu.
Ánh sáng trong câu chuyện trên ví như ánh sáng đức tin mà Thiên Chúa đặt để trong mỗi tâm hồn chúng ta. Nhờ tin, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa, được hưởng những ân huệ thiêng liêng và hạnh phúc vĩnh cửu. Ánh sáng đó còn là lòng yêu mến, là nỗi khát khao hướng về điều thiện, là nhiệt huyết cùng ước muốn được dâng hiến cho Thiên Chúa để phục vụ tha nhân. Ánh sáng đó có thể là lòng trung thành với Thiên Chúa trước mọi khó khăn trong cuộc sống.
Có đôi lúc, ánh sáng niềm tin bị che khuất bởi thói tham lam ích kỷ, bởi những đam mê tội lỗi của chúng ta. Ánh sáng đó có thể bị lu mờ trước vẻ hào nhoáng xa hoa của trần gian khiến chúng ta lạc lối đam mê, không tìm thấy nguồn cội tình yêu, không tìm thấy nẻo về Chân Thiện Mỹ.
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định với người Do thái rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (c.12). Lời khẳng định này liền bị người Pharisêu chống đối. Họ không chấp nhận Chúa Giêsu tự làm chứng cho chính mình. Bởi lẽ trong truyền thống Do thái, muốn khẳng định điều gì phải có hai hoặc ba người làm chứng (Đnl 17, 6; 19, 15; Ds 35,30). Chúa Giêsu chính là mặc khải trọn vẹn của Chúa Cha nên Người không cần bất cứ chứng nhân nào. Nhưng để nhận biết điều này đòi hỏi con người phải có đức tin. Mà đức tin là một ân ban đến từ tình thương Thiên Chúa. Muốn có đức tin chúng ta phải thiết tha nài xin với tất cả lòng yêu mến và khát khao.
Thánh sử Gioan đã có những lời minh xác về mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Lời chính là ánh sáng thế gian. “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 9-11). Những người Pharisêu chỉ nhìn bằng con mắt xác thịt với một mớ lý luận hẹp hòi ích kỷ. Để nhận biết Chúa Giêsu là ánh sáng đòi hỏi chúng ta phải có con mắt đức tin. Con mắt ấy không thể có được nếu không có lòng yêu mến.
Thế giới hôm nay còn bị phủ vây bởi bóng tối của giả dối, hận thù ghen ghét. Con người vẫn chìm trong nỗi thống khổ nghèo đói và thiếu vắng tình thương. Vì thế sứ mạng trở thành ánh sáng Tình Yêu Giêsu càng có tính quyết liệt. Bản chất của kitô giáo là cho đi, cho đi không chỉ của cải vật chất nhưng cho tình thương yêu, thậm chí cho đi cả mạng sống. Lời thánh Gioan tông đồ đã xác tín sâu sắc về sự cho đi của Thiên Chúa, thánh nhân nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Người cho chúng ta” (Ga 3,16). Tình yêu của Thiên Chúa vượt lên trên mọi giới hạn và yếu đuối của loài người. Tình yêu ấy thật không cân xứng giữa một bên là Thiên Chúa toàn năng thánh thiện và một bên là con người thấp hèn tội lỗi. Chính tình yêu đã san bằng mọi sự chênh lệch, mọi hố ngăn cách khiến Chúa Giêsu đã gọi chúng ta là anh em, là bạn hữu.
Chúng ta được mời gọi thắp sáng ngọn đèn đức tin của mình bằng lời cầu nguyện và những hy sinh, bằng thái độ khiêm tốn và sống yêu thương bác ái. Hãy giương cao ngọn đèn đức tin tỏa chiếu trên những đỉnh đồi kiêu ngạo của lòng người. Hãy chiếu những tia sáng của niềm vui và hy vọng vào thung lũng của thói hẹp hòi ích kỷ để mọi người đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Một khi quảng đại chia sẻ ánh sáng cho người khác, chính chúng ta cũng được soi chiếu để tìm thấy đường về miền đất của sự an bình.
Ví như mặt trăng và các vì sao tỏa sáng được nhờ có ánh sáng của mặt trời, Chúa Giêsu chính là Ánh Sáng thật đã đến trong thế gian soi sáng cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha nhân từ. Chúa Giêsu hằng chiếu tỏa ánh sáng của tình yêu thương phục vụ, của ơn tha thứ và chữa lành. Cuộc sống sẽ đáng yêu và có ý nghĩa biết bao nếu mọi người biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Chia sẻ cho người khác không làm chúng ta trở thành kẻ nghèo nàn thiếu thốn, nhưng đó là lúc chúng ta nhận lãnh nhiều hơn gấp bội. Khi thực thi tình bác ái đối với tha nhân, xung quanh chúng ta phát ra một năng lực, một luồng sinh khí gia tăng những điều tốt đẹp. Bác ái không chỉ là giúp đỡ về phương diện vật chất, bác ái là đem Chúa đến cho người khác. Như một cây xanh tán lá sum xuê xòe rộng tỏa bóng rợp và tạo một luồng gió mát, khi sống bác ái vì danh Đức Giêsu là chúng ta tạo nên luồng ánh sáng của niềm vui Tin Mừng. Ai khiêm tốn hướng về ánh sáng Giêsu sẽ nhìn thấy gương mặt của Thiên Chúa. Nói cách khác, ai sống và thực hành Lời Chúa dạy, người ấy sẽ được sống trong ánh sáng và được nhìn thấy tôn nhan Thiên Chúa.
Mẹ Têrêsa Calcutta bảo rằng, khi thực thi tình bác ái đối với tha nhân, chúng ta trở thành cộng sự viên của Chúa Kitô. Mẹ có một mối bận tâm lớn là làm sao cho tất cả chúng ta đều trở thành những cộng sự của Chúa Giêsu, là sứ giả của tình yêu Thiên Chúa. Lúc đó chúng ta sẵn sàng mang Chúa Giêsu đến cho người khác và dắt dìu người khác về với Chúa Giêsu. Điều này thật khó thực hiện nếu trong lòng chúng ta không có Chúa Giêsu, nếu tâm trí ta còn tham lam ích kỷ và nô lệ cho mọi thói hư tật xấu khác. Người cộng sự của Chúa Giêsu mang ánh sáng Tình Yêu chiếu soi cho mọi người trong thế giới. Trước khi chiếu sáng Tình Yêu Giêsu cho thế giới, chúng ta cần phải chiếu sáng trong chính gia đình và cộng đoàn giáo xứ của mình.
Lạy Chúa, Chúa chính là nguồn Ánh Sáng sự thật, xin chiếu tỏa và soi dẫn chúng con trên con đường đi tìm Chân Lý. Đời con chỉ là ngọn nến nhỏ mong manh trước gió, xin cho con biết tháp nhập vào Chúa để đời con mãi bừng cháy trong niềm tin và hy vọng. Xin ánh sáng của Chúa xua tan nỗi giá lạnh trong trái tim để hồn con được mãi ấm nồng trong tình yêu Giêsu. Amen.
C/Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
CHÚA NHÂN TỪ KHÔNG KẾT ÁN
Đoạn Tin Mừng (Ga, 8, 1-11) với câu kết thật là đẹp “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” ( Ga 8,11). Thiên Chúa quả là Đấng nhân từ, Ngài không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống. Không kết án, hay tha thứ là bản chất của Thiên Chúa. Chúa Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa hay tha thứ ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân.
Sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình. Ngài không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn.
“Ta không kết tội “. Khi nghe những lời trên, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một “Tin Vui” cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong chờ khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ.
Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ.
Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đại diện cho tất cả chúng ta, những tội nhân. Cách nào đó, chúng ta cũng là những người ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, là những kẻ phản bội lòng trung tín của Ngài. Thiên Chúa không kết án chúng ta nhưng cứu độ chúng ta nhờ Ðức Giê-su. Ngài đã lấy ngón tay viết trên đất, trên cái bụi mà từ đó con người được tạo dựng nên (x. St 2,7). Phán quyết của Thiên Chúa là: ‘Ta không muốn con phải chết, nhưng muốn con được sống”. Chúa không cứ tội ta mà trách phạt, cũng chẳng đồng nhất ta với những lỗi lầm trót phạm. Chúa muốn giải thoát chúng ta.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp chúng con biết cậy dựa vào lòng từ bi của Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ được thứ tha. Amen.
D/ Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
TÌNH THƯƠNG THA THỨ
(Ga 8,1-11)
1. Người Do thái có nhiều lễ trong một năm. Lễ Lều Trại có lẽ là cơ hội để người ta lạm dụng, ăn ở phóng túng. Trong suốt tám ngày sống ở lều, ngoài rừng, thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ lả lướt. Những cuộc giao du nơi này qua nơi khác vẫn hay có những hội ngộ tình cờ, không hợp với luân thường đạo lý là bao. Chính sau cuộc lễ này mà xảy ra câu chuyện trong bài Tin Mừng.
Sau bài giảng trong Đền thờ nhân dịp lễ Lều Trại của người Do thái, Đức Giê-su đi ra nghỉ tại núi Cây Dầu. Bao giờ có dịp về thủ đô, Ngài cũng qua nghỉ đêm tại đó. Tảng sáng hôm sau, Ngài lại vào Đền thờ và toàn dân đến cùng Ngài, nên Ngài ngồi xuống đất mà giảng.
Tình cờ người ta đem đến cùng Ngài một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Những người luật sĩ và biệt phái lợi dụng cơ hội này để thử thách Đức Giê-su.
2. Hôm nay, các luật sĩ và biệt phái sử dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Đức Giê-su và một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Ngài ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Ngài.
Họ đưa đến trước mặt Đức Giê-su một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Ngài sẽ xử lý thế nào khi luật Mai-sen dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Đức Giê-su nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Mai-sen, còn nếu Ngài nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Ngài giảng dạy.
Đức Giê-su không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Ngài đã đặt các luật sĩ và biệt phái vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bầy lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự :”Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất .
3. Rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn giữa cách hành xử của những người luật sĩ, biệt phái với Đức Giê-su. Nhóm biệt phái thì muốn kết tội, còn Đức Giê-su thì muốn tha thứ. Nếu đọc kỹ câu chuyện chúng ta thấy, nhóm biệt phái chỉ muốn ném đá người đàn bà này cho chết, và họ còn cảm thấy rất thích thú khi được làm điều này. Họ cảm thấy vui sướng khi quyền lực được sử dụng để kết án. Còn Đức Giê-su, thì Ngài không muốn làm như vậy. Ngài không cảm thấy vui khi quyền lực được dùng để kết tội. Ngài muốn dùng quyền hành để tha thứ.
4. Qua sự kiện này, chúng ta thấy có một nghịch lý đáng buồn và cũng đáng trách : một đàng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng lại đầy lòng thương xót và khoan dung đối với người tội lỗi… Còn con người thì ai cũng mắc tội không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ lại hay xét đoán, phê bình chỉ trích và lên án người khác nhất là những kẻ tội lỗi. Do đó, nhiều khi đã vô tình xô đẩy thêm kẻ có tội vào vũng lầy không lối thoát.
5. Qua câu trả lời của Đức Giê-su: ”Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá người phụ nữ này đi”, chúng ta tìm ra được nguyên tắc của Đức Giê-su là chỉ người vô tội mới được đoán xét những lỗi lầm của người khác.
Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một bài học là phải dành quyền xét đoán cho Thiên Chúa vì chỉ ai không có tội mới có quyền xét đoán và lên án, còn chúng ta là những người tội lỗi phải có lòng thương cảm đối với tội nhân.
Còn về phía mình, Chúa nhắc nhở ta phải biết hồi tâm, phải nhận ra mình là kẻ có tội, phải đi xưng tội để làm hòa với Chúa. Khi đã có một tâm tình như vậy, tự nhiên chúng ta không dám xét đoán và lên án ai.
6. Truyện: Cần lòng thương xót.
Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ:
– Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.
Hoàng đế Napoléon trả lời:
– Nhưng hắn ta không đáng được xót thương.
Bà mẹ nói:
– Tâu bệ hạ, nếu nó xứng đáng thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.
Hoàng đế Napoléon đáp:
– Thôi được. Ta rủ lòng thương xót nó.