Hozana
Thật đáng ngạc nhiên khi một cuốn sách gồm các bài thánh ca có thể trải qua nhiều thế hệ và mang tính thời sự đến như vậy?
Mọi người đều biết câu nói nổi tiếng của nhân vật Don Quixote trong tác phẩm của Miguel de Cervantes: “Tôi nghe người ta nói rằng: ai hát sẽ xua đuổi được điều ác của mình”. Và anh ấy đã đúng? Các nghiên cứu cho thấy ca hát tạo ra chất endorphin, chất này cũng được tạo ra khi chúng ta tập thể dục hoặc ăn sôcôla. Ngoài tác dụng giảm đau mạnh, nó còn kích thích cảm giác khỏe khoắn, tự tin, lạc quan và thoải mái. Ca hát cũng làm giảm căng thẳng, cải thiện lá phổi và kích hoạt hệ thống tim mạch cũng như làm giảm thiểu tác động của lão hóa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bài ca dành cho Chúa dưới hình thức ngợi khen?
Ngợi khen trước hết là sự bày tỏ ân sủng của Thiên Chúa trong chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra sự cao cả của Đấng hằng yêu thương chúng ta vô song. Cũng chính Ngài làm cho chúng ta hiểu rằng lời ngợi khen của chúng ta chẳng thêm gì cho Chúa, là Đấng toàn hảo, Toàn năng, là nguyên thủy và là cùng đích của mọi sự.
Đôi khi chúng ta cầu nguyện trong Thánh Lễ: “Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con” (Kinh Tiền Tụng chung IV)
Hồng ân bao la
Thiên Chúa ban cho chúng ta món quà ngợi khen và điều này đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, nó tạo ra trong chúng ta sự thân mật với Chúa. Chúng ta ngợi khen Chúa vì Ngài là Chúa, vì sự vĩ đại và uy nghi vô cùng của Chúa, chứ không chỉ vì những việc Ngài làm.
Đồng thời, các Thánh vịnh trong Cựu ước, là nguồn cảm hứng đặc biệt cho người kitô hữu qua nhiều thế kỷ, có tầm quan trọng đặc biệt. Không phải vô cớ mà thánh Basiliô Cả, Tiến sĩ Hội thánh dạy rằng: “Thánh vịnh và một kho tàng bao gồm những giáo huấn tuyệt vời nhất (bài giảng Thánh vịnh 1). Trong tiếng Do Thái, nó được gọi là sách “Ngợi khen” hoặc “Thánh ca” (Tehillim, từ gốc hll, “ca ngợi”). Mặc dù chỉ ở trong phần thứ ba của bộ Thánh vịnh, các thánh vịnh ngợi khen mới nổi trội và danh xưng “thánh ca” chỉ được đặt cho thánh vịnh 145, thái độ cầu nguyện này hiện diện thường xuyên trong bộ sách, vì vậy, người tín hữu không quên ngợi khen Thiên Chúa ngay cả khi cầu xin. (x. Tv 22,2.26; 106,1.47). Các thuật ngữ “Thánh ca” và “Thánh vịnh” xuất phát từ tiếng Hy Lạp “Psálmoi” (“giai điệu”) và “Psaltérion” (“nhạc cụ có dây”, như đàn lia, đàn hạc…), vì chúng chủ yếu đi kèm với tiếng nhạc. Điều đáng ghi nhớ là thể loại thánh vịnh cũng có trong các sách khác (xem Xuất hành 15; Dân số 21,17; Thẩm phán 5; 1Samuel 21; 2Samuel 1; Gióp 2, v.v.)
“Các Thánh Vịnh là tuyệt tác về cầu nguyện trong Cựu ước, vừa có tính cá nhân vừa có tính cộng đoàn. Các Thánh Vịnh bao trùm mọi chiều kích của lịch sử : nhắc nhớ Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa như thế nào và nói lên niềm hy vọng vào Đấng Mêsia sẽ ngự đến. Được Đức Kitô sử dụng để cầu nguyện và kiện toàn, các Thánh Vịnh là một thành phần thiết yếu và luôn có mặt trong kinh nguyện của Hội Thánh Người. Các Thánh Vịnh có thể dùng làm lời cầu nguyện cho con người mọi thời, mọi hoàn cảnh” (GLCG 2596-2597).
Đây là một trong những điều được các tác giả Tân ước trích dẫn nhiều nhất. Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng các thánh vịnh, cuộc đời và hành động của Người đã mang lại ý nghĩa trọn vẹn mà những lời cầu nguyện này sở hữu. Sau Người, các Thánh vịnh trở thành kinh nguyện của dân mới của Thiên Chúa.
150 thánh vịnh tạo thành cốt lõi của kinh nguyện hàng ngày: Phụng Vụ Giờ Kinh, còn được gọi là Giờ Kinh Thần Vụ. Chuỗi Mân Côi, ban đầu gồm 150 kinh Kính Mừng, được hình thành cách tương tự như 150 Thánh vịnh của Giờ kinh Nhật tụng. Trong Giáo hội, Tự sắc “Tra le Solecitudine” năm 1903, của Đức Giáo hoàng Piô X, đã loại trừ khỏi phụng vụ các thánh vịnh “hòa nhạc”. Sau Công đồng Vatican II, Thánh vịnh Đáp ca đã được phục hồi trong thánh lễ, qua Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma năm 1969, do đó trở thành một phần không thể thiếu trong Phụng vụ Lời Chúa.
Không có sự nhất trí về việc phân loại các Thánh vịnh. Nhìn chung, người ta thừa nhận rằng chúng rơi vào một phân loại thuộc thể loại văn học trữ tình hoặc thơ ca và, trong số các nỗ lực hợp lệ để phân loại chúng, người ta tin rằng chúng có thể được chia thành một số thể loại. Bộ Kinh thánh Giêrusalem đề xuất như sau: Thánh ca (Tv 8, v.v.); Những lời khẩn cầu tập thể (Tv 12, v.v.); Những lời khẩn cầu cá nhân (Tv 3, v.v.); Than vãn (Tv 22, v.v.); Tạ ơn (Tv 18, v.v.); Sấm ngôn (Tv 2, v.v.); Các Thánh vịnh đế vương (Tv 24, v.v.); hỗn hợp (Tv 27, v.v.). Có những loại khác nữa bao gồm: Thánh vịnh sám hối (Tv 32, v.v.); Thánh vịnh trị ác (Tv 58, v.v.); Thánh Vịnh huấn giáo (Tv 62, v.v.).
Thật đáng kinh ngạc khi một cuốn sách gồm các bài thánh ca có thể trải qua nhiều thế hệ và mang tính thời sự đến như vậy? Bạn cũng có thể cầu nguyện bằng Thánh vịnh mỗi ngày thông qua lộ trình cầu nguyện có hướng dẫn, nó tạo thuận lợi và giúp bạn cập nhật mọi Thánh vịnh trong Kinh thánh.
Và đừng quên: “đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19)
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: https://pt.aleteia.org