- Lời Chúa: Is 11, 1-2.
- Ý chính: Ngay từ lúc Thiên Chúa sáng tạo trời đất, Chúa Thánh Thần đã hoạt động cùng với Chúa Cha và Chúa Con để sáng tạo và cứu độ nhân loại.
I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
1. Cầu Nguyện Khai Mạc
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng con về đây, để chúng con cùng nhau học hỏi giáo lý Chúa. Chúng con xin dâng lên Chúa buổi học hôm nay, cùng với tất cả anh chị em trong lớp học của chúng con. Xin Chúa ban Thánh Thần, để Ngài soi sáng, dạy dỗ, thánh hóa giúp chúng con thêm hiểu biết, yêu mến và noi gương Chúa Giêsu, sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Chúng con tin tưởng và phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa. Amen. (Hát kinh Chúa Thánh Thần)
2. Ôn bài cũ.
3. Kiểm tra quyết tâm.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
Các em thân mến, hôm nay chúng ta học bài: Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước. Trước khi đi vào bài học hôm nay. Anh (Chị) kể cho các em nghe câu chuyện nói về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong thời Cựu Ước.
Vua Sa-un là vị vua đầu tiên của Dân Do Thái (1030 – 1010 TCN). Vì ông phạm tội phản nghịch cùng Chúa, nên Chúa đã truất phế ông và chọn Vua Đavit, con ông Isai thay thế ông. Việc Chúa chọn Davit xảy ra như sau:
Chúa gọi ông Samuel và nói với ông:
“Ta đã truất quyền vua Sa-un. Con hãy đến Belem, xức dầu tấn phong kẻ Ta chọn lên làm vua dân Israel.”
Ông Samuel thưa:
“Lạy Chúa, con đâu dám đi, vì nếu vua Sa-un hay biết, vua sẽ giết con.”
Chúa nói:
“Con bắt một con bò cái tơ mang theo, rồi con nói là con đi dâng của lễ cho Ta. Con mời cha con ông Isai đến dâng lễ với con. Ta sẽ bảo cho con biết con phải làm gì.”
Ông Samuel vâng lời Chúa đến thành Belem dâng lễ, mời cha con ông Isai đến dự. Ông Isai lần lượt giới thiệu 7 người con trai ông cho ngôn sứ Samuel. Nhưng Chúa không chọn ai trong số đó. Ông Samuel hỏi ông Isai:
“Đó là tất cả các con ông ư? Còn người con nào nữa không?”
Ông Isai đáp:
“Còn một đứa út đang chăn chiên.”
Ông Samuel nói:
“Hãy gọi cậu ấy về. Chúng ta sẽ không ngồi vào bàn ăn, trước khi cậu ấy về đến đây.”
Ông Isai liền cho người gọi cậu ấy về. Cậu bé này tên là Đavit, có mái tóc hoe, đôi mắt sáng, khuôn mặt đẹp.
Chúa bảo ông Samuel:
“Hãy xức dầu tấn phong nó làm vua, vì chính nó là người ta chọn.”
Ông Samuel liền lấy dầu xức cho Đavit trước mặt các anh em của Đavit. Từ ngày đó Thần Khí Chúa ngự trên câu, gìn giữ, che chở cậu trên khắp mọi nẻo đường.
Như vậy, ngay từ thời Cựu Ước, Chúa Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động. Chúng ta sẽ nghe Lời Chúa nói về câu truyện này.
Mời các em đứng lên lắng nghe Lời Chúa.
III.CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Is 11, 1-2
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa
– Trong đoạn sách Isaia chúng ta vừa nghe từ nào được lặp đi lặp lại nhiều lần? (Thần Khí)
Khi nói đến Thần Khí là nói đến ai? (Chúa Thánh Thần)
Ngoài ra, chúng ta nghe còn nói gốc Giesê. Giesê là ai? (Là cha của vua Đavít, một vị vua nổi tiếng của dân Do Thái).
Như thế, ngôn sứ Isaia báo trước Đấng Cứu Thế sẽ phát xuất từ dòng dõi của ai? (Dòng dõi vua Đavít)
Ngài sẽ được xức dầu thế nào? (Ngài sẽ được xức dầu bằng Thánh Thần).
Ngôn sứ Isaia còn kể ra những ơn của Chúa Thánh Thần, đó là những ơn nào? (Ơn khôn ngoan, trí tuệ, mưu lược, anh dũng, hiểu biết, kính sợ Thiên Chúa.)
Những ơn này các em sẽ được lãnh nhận khi nào? (Khi chịu Bí Tích Thêm Sức).
Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước ở phần bài học dưới đây.
2. Giải Thích Câu Hỏi Thưa
a. Đọc chung câu 1
Cựu Ước là thời gian nào? (Cựu Ước được tính từ trước Chúa Giêsu).
Cựu Ước đã nói rõ về Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa chưa? (Chưa. Cựu Ước chỉ giới thiệu: Chúa Thánh Thần là hơi thở, là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa).
b. Đọc chung câu 2
-Họat động của Chúa Thánh Thần trong công cuộc sáng tạo:
Thánh Kinh viết về việc tạo dựng con người thế nào?
Thánh Kinh viết rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St2, 7).
Sinh khí hay hơi thở chỉ sự sống vì khi chết người ta còn thở nữa không? (Không).
Hơi thở được coi là dấu hiệu của sự sống. Chúa Thánh Thần được Thánh Kinh coi như một luồng sinh khí mà Thiên Chúa thổi vào lỗ mũi của con người để con người trở nên một vật sống. “Khi Thiên Chúa rút lại sinh khí của Ngài thì con người sẽ trở về cát bụi”(TV 104, 29b). Vì thế, trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng: Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.
-Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong việc chuẩn bị ơn cứu chuộc:
Để chuẩn bị cho việc thực hiện lời hứa ban Đấng Cứu Độ loài người, Thiên Chúa đã chọn ai để thiết lập một Dân Riêng của Ngài, để từ dân này Đấng cứu Thế xuất hiện? (Thiên Chúa đã chọn Tổ phụ Abraham và các tổ phụ khác như Isaac, Giacob, Giuse).
Chúa Thánh Thần có hoạt động nơi các tổ phụ không?
Có. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các tổ phụ, đặc biệt nơi tổ phụ Giuse, để thực hiện chương trình cứu độ. Sách Sáng Thế viết về Tổ phụ Giuse như sau: Vua nói với triều thần: “Chúng ta tìm đâu được một người như như người này, một người có Thần Khí Thiên Chúa”. Pharaô nói với Giuse: “Sau khi Thiên Chúa đã cho ông biết tất cả những điều ấy, không ai thông minh và khôn ngoan như ông. Ông sẽ là tể tướng trong triều đình của ta, toàn thể dân ta sẽ phục tùng mệnh lệnh của ông” (St 41, 38-40).
c. Đọc chung câu 3
Ngoài việc hoạt động nơi các tổ phụ, Chúa Thánh Thần còn hoạt động để hướng dẫn ông Môsê để dẫn Dân Chúa thóat khỏi ách nô lệ AiCập, ban sức mạnh và lòng can đảm cho các vị thũ lãnh như Ghít-on, Samson… để họ thay mặt Chúa lãnh đạo Dân Chúa. Đặc biệt, Chúa Thánh Thần đã hoạt động nơi các ngôn sứ khi chọn họ, ban Thần khí cho họ để họ huấn luyện Dân Chúa.
Các em có thể kể tên một số ngôn sứ mà Chúa đã chọn không? (Samuel, Isaia, Giêrêmia, Amos …).
Chúa Thần đã dùng các ông huấn luyện Dân Chúa như thế nào?
Có thể tóm tắt vào 4 hoạt đông sau đây:
- Các ngôn sứ nhắc cho dân biết hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương chọn họ làm Dân riêng và luôn phù giúp họ.
- Các ngôn sứ giảng dậy họ phải thờ phượng một Thiên Chúa và trung thành với giao ước đã cam kết.
- Các ngôn sứ đã cảnh cáo và sửa dậy Dân Chúa từ bỏ tội lỗi, cải thiện đời sống, để trở thành ánh sáng cho muôn dân.
- Chúa Thánh Thần còn soi dẫn các ngôn sứ báo trước cho Dân Chúa về Đấng cứu thế mà Thiên Chúa đã hứa ban như ngôn sứ Isaia loan báo Đấng cứu thế là Đấng được xức dầu, là Vua hòa bình, là mục tử nhân hiền, là Đấng gánh tội trần gian và giúp Dân Chúa chuẩn bị tâm hồn để đón Đấng cứu thế (Is 40, 3-5).
d. Đọc chung câu 4
Có nhiều ngôn sứ đã báo trước về Chúa Thánh Thần không? (Có, như ngôn sứ Giêrêmia, Êâdêkien, Isaia, Gioel…)
Các ngôn sứ đã loan báo về Chúa Thánh Thần như thế nào?
- Chúa Thánh Thần hướng dẫn Dân Chúa biết kính trọng và thi hành các điều răn của Chúa: “Ta sẽ ban cho các con Thần Khí của Ta để các con kính trọng và thi hành các điều răn của Ta” ( Ed 36, 26-27; Gr 31, 31-34).
- Chúa Thánh Thần đổi mới tâm hồn mọi người: “Ta sẽ ban cho con một trái tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng” (Ed 11, 19;37, 1-14)
- Chúa Thánh Thần sẽ được đổ tràn trên mọi người: “Sẽ xảy ra là sau đó, Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên mọi xác phàm.” (Ge 3, 1-2)
Những lời hứa trên đã được thực hiện vào ngày lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần xuống đầy tràn trên các Tông Đồ. Như vậy các ngôn sứ đã loan báo: Khi Đấng Cứu Thế đến Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần để biến đổi tâm hồn mọi người và quy tụ muôn dân thành một.
Tóm tắt cả bài: Ngay từ đầu, trong Cựu Ước, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động trong cuộc sáng tạo con người và trong lịch sử cứu độ loài người.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Lời cầu nguyện:
Các em thân mến, Chúa Thánh Thần đã xuất hiện cùng với Chúa Cha và Chúa Con ngay từ đầu và không ngừng hoạt động trong lịch sử cứu độ loài người. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà cụ Abraham đã nghe và đáp lời Thiên Chúa, 12 chi tộc Israel đã trở thành dân Chúa chọn. Ngày nay, Đức Kitô Phục Sinh, đã ban Thánh Thần từ nơi Chúa Cha đến để quy tụ chúng ta thành Hội Thánh Chúa. Vậy chúng ta hãy tin tưởng cầu xin:
Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống/ chúng ta hiệp lời cầu xin Ngài đến trên chúng ta / mang sinh lực dồi dào và tinh thần tươi trẻ cho Hội Thánh/ để Hội Thánh chia sẻ sự sống của Chúa cho mọi người. Chúng ta cầu xin Chúa
(Mọi người thưa: Xin Chúa nhậm lời chúng con)
Chúa Thánh Thần là ngọn lửa tình yêu của Chúa/ chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cử Thánh Thần đến sưởi ấm tâm hồn chúng ta/ để mỗi người chúng ta biết nhiệt tình công bố sứ điệp yêu thương của Chúa bằng đời sống yêu thương. Chúng ta cầu xin Chúa.
Chúa Thánh Thần là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất/ chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cử Thánh Thần đến/ để loại trừ mọi bất hòa, ghen ghét và chia rẽ trong lớp học cũng như trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta. Chúng ta. cầu xin Chúa.
Lạy Chúa là Cha nhân hậu, trong cuộc sống hôm nay, chúng con gặp biết bao nhiêu là thử thách, gian truân. Vì thế, xin Chúa ban Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ xuống cho chúng con, và cho tất cả những ai đang vất vả lầm than, để những tâm hồn đang khổ đau, mệt mỏi được an ủi vỗ về. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.
2. Hát: Lạy Chúa, xin ban xuống trên chúng con.
VI. SINH HOẠT
Trò chơi: VIẾT ĐUA.
-Cả lớp chia thành 2 hay 4 nhóm đều nhau, đứng thành hang dọc các bảng đen một khoảng.
-Nghe hiệu lệnh, em đứng đầu chạy lên bảng viết một chữ hay một mẫu tự (chữ hay một từ như Chúa, mẫu tự là a hay b hay c). Viết xong, chạy về trao phấn cho em kế tiếp. Em này chạy lên viêt tiếp, rồi chạy về trao phấn cho em thứ ba, và cứ như thế cho đến người cuối cùng.
Ví dụ: Nhóm có 8 người viết 8 chữ: Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.
-Giáo lý viên có thể cho các em một câu để viết hoặc các em tự nghĩ ra câu để viết.
-Cho điểm:
- Viết xong trước: 5 điểm
- Viết đẹp:5 điểm
- Viết đúng có ý nghĩa:10 điểm.
VII. BÀI TẬP GIÁO LÝ
Các em hãy chọn câu trả lời đúng nhất.
Từ trong Cựu Ước, Chúa Thánh Thần đã hoạt động cùng với Chúa Cha và Chúa Con để làm gì:
a- Để cho mọi người được đầy tràn ơn Chúa.
b- Để sáng tạo và cứu độ nhân loại (đúng).
c- Để cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ.
d- Để dạy dân sống theo luật giao ước.
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Bài học hôm nay giúp chúng ta biết được Thiên Chúa rất yêu thương loài người mặc dù loài người đã phạm tội mất lòng Chúa. Cùng với Ngôi Lời của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đã có mặt trong hoạt động sáng tạo của Chúa Cha, dạy dỗ dân Chúa, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến với loài người.
Biết được điều ấy, chúng ta phải đặc biệt tin kính, thờ phượng, cầu xin Chúa Thánh Thần và vâng theo ơn Ngài soi sáng cùng tôn trọng thân xác là đền thờ Ngài.
Quyết tâm: Trong tuần này, trước khi đi ngủ, các em hãy dâng lời cảm tạ Chúa Thánh Thần, đã soi sáng cho mình nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và nói với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy vào Chúa là Đấng cứu độ con”.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban Chúa Thánh Thần để soi sáng cho chúng con nhận biết Chúa Giêsu là Đấng cứu độ chúng con. Xin Chúa giúp chúng con thực hiện điều chúng con đã quyết tâm sống trong tuần này. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.
—— o O o ——
CÂU HỎI DÀNH CHO HỌC SINH
Bài 2: CHÚA THÁNH THẦN TRONG CỰU ƯỚC.
Trên Ngài, Thần Khí Gia-vê sẽ đậu xuống:
“Thần Khí khôn ngoan và trí tuệ, Thần Khí mưu lược và anh dũng, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Gia-vê”.
(Is 11, 1-2)
1- H. Cựu ước đã mặc khải Chúa Thánh Thần như thế nào?
T. Cựu ước chưa nói rõ Chúa Thánh Thần là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng giới thiệu Ngài là hơi thở, là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
2- H. Trong Cựu ước, Chúa Thánh Thần đã hoạt động thế nào?
T. Cùng với ngôn lời của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đã có mặt trong hoạt động của Chúa Cha khi sáng tạo, cũng như khi chuẩn bị ơn cứu chuộc.
3- H. Chúa Thánh Thần đã làm gì qua các giai đoạn lịch sử Cựu ước?
T. Ngài đã dùng các ngôn sứ dạy dân sống theo luật giao ước, để đón chờ Đức Ki-tô và các ơn huệ của Chúa Thánh Thần.
4- H. Các ngôn sứ đã báo trước thế nào về Chúa Thánh Thần?
T. Các Ngài đã loan báo rằng: Khi Đấng Cứu Thế đến, Thiên Chúa sẽ đổ Thánh Thần xuống, đổi mới lòng mọi người và quy tụ muôn dân thành một.