I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm ơn Chúa đã cho chúng con có đầu óc để suy nghĩ và nhận biết.Xin Chúa hướng dẫn chúng con biết học hỏi những điều tốt,dể làm đẹp lòng Ngài.Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô chúa chúng con.Amen.
II. SINH HOẠT
SỐNG ĐẸP
Một sinh viên Nhật Bản đến văn phòng của một Linh mục ở Boston nói: “Thưa Cha con đang đi tìm đời sống đẹp, cha co thể chỉ cho con biết tìm ở đâu không?” Linh mục đáp: “Chắc anh muốn trao đổi về tôn giáo?” Thưa không,con không muốn trao đổi về lý thuyết. Việc đó con thấy nhan nhản rồi, con cần thứ khác. Cha biết không, khi con còn ở ký túc xá đại học Cambridge, con ở chung phòng với anh thợ mộc mà con cho rằng anh có đời sống rất đẹp. Anh không bao giờ nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về người khác, từ lời ăn tiếng nói và cả những công việc đều hành động một cách cẩn thận, không bao giờ thô lỗ với ai cả. Sinh viên tụi con nhiều khi sống cẩu thả, ăn nói tục tĩu, chén dĩa lung tung, đồ ăn vứt bừa bãi. Thấy thế, anh không nói gì, nhưng khi mọi người ra khỏi phòng ăn, một mình anh đi thu dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp”. Nghe thế, Cha đưa ra cho anh cuốn sách Thánh kinh và nói: “Hãy cầm lấy. Nếu anh muốn tìm một đời sống đẹp, anh hãy tìm trong đó”.
Hai năm sau, một người Nhật đến gặp Cha cười cười nói:
-Cha có nhận ra con không?
-Hình như tôi đã gặp anh ở đâu,nhưng không nhớ rõ.
Anh đưa cuốn Kinh Thánh ra và nói:
Con đã tìm thấy đời sống đẹp. Con đã tìm thấy đời sống đó nơi Đức Kitô.
III. NHẬN XÉT
a. Trong câu chuyện có mấy nhân vật?
(Có 2 nhân vật: Cha và một anh sinh viên Nhật)
b. Anh người Nhật này muốn tìm điều gì?
(Tìm đời sống đẹp)
c. Anh dã tìm được gì ở người bạn cùng phòng?
(Cẩn thận trong lời ăn tiếng nói và trong mọi công việc)
d. Anh đã tìm được đời sống đẹp đích thực ở đâu?
(Trong sách Kinh Thánh)
Qua câu chuyện kể chúng ta học được những gì?
(Có thể hỏi một hai em sau đó đúc kết)
IV. GIẢI THÍCH BÀI HỌC NHÂN BẢN
Cẩn thận ngay từ trong việc nhỏ, từ việc ăn, uống,nói, bước đi và làm việc. Cha ông ta xưa đã dạy: học ăn, học nói, học gói, học mở. Những đức tính ấy chúng ta đã được bố mẹ, thầy cô dạy dỗ. Nhưng không vì thế mà chúng ta ngừng luyện tập. Vậy, như thế nào là học ăn, học nói, học gói, học mở.
HỌC ĂN
Điều đầu tiên là học ăn,ăn thì ai cũng biết và tìm cách làm cho no bụng thì cả những con vật cũng làm được. Nhưng ăn uống sao cho thanh lịch thì phải tập, tập từ cách cầm xiên muỗm để ăn uống gọn gàng,không vương vãi. Khi ăn phải biết quan tâm tới người khác, như mời mọi người ăn cơm, phục vụ người khác..vv. Chúng ta ăn có tác dụng gì, nó sẽ giúp cho cơ thể được cường tráng, nhưng muốn được vậy chúng ta phải ăn uống một cách điều độ, không ăn quà vặt và hợp vệ sinh, thì chúng ta sẽ được thân xác khoẻ mạnh sẽ giúp tâm hồn ta minh mẫn sáng suốt.
HỌC NÓI
Lời nói rất quan trọng trong việc xây dựng tình thân và tình thương. Lời nói tiết lộ tấm lòng. Vì ông bà ta đã có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Đối với người con Thiên Chúa, lời nói là phương tiện để rao giảng Tin Mừng. Vì thế, chúng ta không ngừng trao dồi tiếng Việt để sử dụng cho đúng.
HỌC GÓI HỌC MỞ
Tức là tập khéo tay trong các công việc hằng ngày. Cần biết lắng nghe học hỏi kinh nghiệm người khác.
Tập làm quen với những công việc nhỏ ở nhà như: quét nhà, rửa chén, nấu cơm…Tập từ những việc nhỏ tới những việc lớn hơn, chuyên môn hơn. Việc tay chân sẽ giúp ta phát triển cả tài khéo, tính chuyên cần và tinh thần phục vụ. Cẩn thận từ trong việc nhỏ là biết ngó trước ngó sau, đo lường được hậu quả mình làm và phải biết xem xét kỹ trước khi làm.
Để tập cho mình những điều ấy, mỗi tối em hãy kiểm điểm xem mình đã học ăn, học nói, học gói, học mở như thế nào?
(Giaỉ thích xong cho các em đọc lại bài)
V. CÔNG BỐ LỜI CHÚA:
Mt 14,30
VI. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình.
Trong mỗi bữa cơm, trong mọi công việc hằng ngày em xét lại mình xem, mình đã làm được những gì và những gì mình chưa làm được trong tình yêu thương phục vụ. Xin ơn Chúa giúp sức và nâng đỡ. Chắc chắn chúng ta sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa và anh em của mình.
Với tâm tình đó, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện.
2. Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống dưới trần gian như chúng con, Ngài đã làm việc phụ giúp gia đình và mọi người. Xin Chúa ban cho chúng con biết bắt chước gương của Ngài , mà đem lại niềm vui cho gia đình và cho mọi người. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VII. BÀI TẬP
1. Đánh giá đúng sai
Tính cẩn thận là tính tốt hay xấu? (Tốt)
Ăn uống lich sự làm cho người khác ghét hay quý mến? (Quý mến)
Nói năng có lễ phép có làm hài lòng người nghe không?(Có)
Chăm giúp đỡ bố mẹ và mọi người đó là đức tính tốt hay xấu?(Tốt)
2. Ta phải làm gì để được mọi người quý mến?
(Học sinh trả lời trực tiếp)
VIII. QUYẾT TÂM
Tuần này,các em cố gắng làm những công việc nhỏ trong gia đình của mình và giúp đỡ những ai cần đến.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy chúa Giêsu, chúng con cảm tạ và ngợi khen Chúa đã cho chúng con giờ học bổ ích. Xin Chúa cho chúng con biết làm tốt những gì mà con có thể làm. Để con luôn được đẹp lòng Chúa và mọi người. Và xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con thực hiện được điều quyết tâm. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
—— o O 0 ——
CÂU HỎI DÀNH CHO HỌC SINH
Bài 5: Luyện Tính Tốt 1: CẨN THẬN TỪ TRONG VIỆC NHỎ
Trong những tính tốt em cần tập, mẹ cứ nhắc mãi:
Ăn như gói,
Nói dịu dàng,
Đi nhẹ nhàng,
Mang cẩn thận.
Nghĩa là cần tập cẩn thận, ý tứ ngay trong việc nhỏ, từ việc ăn, uống, nói, bước đi và làm việc. Cha ông ta xưa đã dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
I. Học ăn
Điều đầu tiên cần tập là ăn uống cho thanh lịch. Em bé mới sinh ra đã được tập cho bú đúng giờ giấc, để em quen với kỷ luật trong việc ăn uống. Em lớn lên, mẹ dạy em “ăn như gói”, tức là ăn uống gọn gàng, không vương vãi. Em tập nhai kỹ, tránh không vừa nhai vừa nói. Trước khi ăn, em nhớ cầu nguyện tạ ơn Chúa. Rồi “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, tức là trong bàn ăn, ta cần biết quan tâm tới người khác. Đầu bữa ăn, ta mời mọi người. Đang bữa ăn, ta để ý phục vụ người khác: đưa đồ ăn, bới cơm hộ… “ăn nên vóc”, tức là muốn có sức vóc, cần ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất bổ dưỡng. Không ăn quà vặt ngoài đường hoặc trong lớp. Sau bữa ăn, nhớ đánh răng để giữ răng được tốt. Muốn thật sự có thể lực, còn phải tập thở đúng cách: hít sâu, thở chậm, tập “ngồi thẳng lưng, đứng thẳng người” và tập thể dục mỗi ngày. Thân xác khỏe mạnh sẽ giúp tâm hồn ta minh mẫn sáng suốt.
II. Học nói
Lời nói rất quan trọng trong việc xây dựng tinh thần và tình thương. Lời nói tiết lộ tấm lòng. Người khác không thấy được tâm hồn ta nhưng có thể dựa trên cách ta nói mà đoán được tâm hồn ta đẹp hay xấu, sạch hay bẩn. Vì lòng đầy miệng mới nói ra, cho nên nghe ta nói nặng dịu hiền khiêm tốn, người khác có thể đoán rất có tâm hồn dịu hiền khiêm tốn, hoặc nói ít, ta đang cố gắng để trở nên dịu hiền khiêm tốn. Lời nói thanh nhã trong sáng cũng cho thấy tâm hồn ta thanh nhã khiêm tốn.
Đọc sách báo, xem phim ảnh, ta cần phân biệt những câu nói giả dối, xấc xược, ích kỷ và những câu nói chân thành, yêu thương và tôn trọng người khác. Ta nên bắt trước những điều tốt chứ đừng để mình tiêm nhiễm những điều xấu. Ta cần học để biết nói năng cho xứng là người con Thiên Chúa.
Đối với người con Thiên Chúa, lời nói còn là phương tiện để loan báo Tin mừng. Mỗi ki-tô hữu Viêt Nam cần trau dồi tiếng việt để rao giảng lời Chúa. Dùng từ đúng, viết đúng chính tả, phát âm chuẩn, khi đọc lớn tiếng thì ngắt câu cho rõ ý.
Tiếng việt chẳng phải thường đâu
Học chăm để nói đúng câu, đúng từ,
Tối lại ta cần xét mình về những lời đã nói và những lần nói chuyện trong ngày.
III. Học Gói Học Mở
Tức là tập khéo tay trong các công việc hằng ngày. Mỗi việc đều có cách của nó. Nhờ quan sát hoặc được chỉ dẫn, ta sẽ làm được cách khéo léo và dễ dàng hơn. Trăm hay không bằng tay quen: Lý thuyết suông không đủ, phải bắt tay vào làm: Có việc ta tưởng dễ, khi làm mới thấy khó. Có việc ta tưởng khó, khi làm lại thấy dễ. Cần biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm người khác.
Em nên tập quen làm việc chân tay, từ những việc nhỏ hằng ngày trong gia đình: quét nhà, ủi quần áo, sửa đồ dùng trong nhà, những việc thủ công được để ra ở lớp hoặc trong sách báo, cho đến những việc đòi hỏi nhiều chuyên môn hơn như trồng cây, làm nền, làm mộc, may, đan, thêu, bắt điện, băng vết thương, sửa xe… Có những người không thích làm việc tay chân. Thật ra, việc tay chân giúp ta phát triển cả tài khéo léo, tính chuyên cần và tinh thần phục vụ. Nó cũng tạo thuận lợi cho ta trong đời sống thường và trong việc truyền giáo. Có lần Đức cha Phao-lô Kim, Giám mục giáo phận Kon-tum, gặp một chiếc xe du lịch chết máy giữa đường đèo, không ai giúp đỡ. Đức cha đã xắn tay áo lên, chiu xuống gầm xe sửa chữa, xe lại chạy tốt. Cảm kích trước việc làm của Đức cha, cả gia đình họ đã xin theo đạo Công giáo.
Cẩn thận từ trong điều nhỏ là biết ngó trước ngó sau, đo lường hậu quả việc mình làm, là chú ý để không hớ hênh hụp chụp, dễ gây đổ bể, là tránh phản ứng cách bồng bột, vội vàng… trước mọi việc, em sẽ xem xét kỹ để biết phải làm gì và làm thế nào cho kết quả, rồi mới bắt tay vào làm.
Để tập cho mình được những điều ấy, mỗi tối em hãy kiểm điểm xem mình đã học ăn, học nói, học gói học mở thế nào.