Lời Chúa: Lc 4,16-19.
Ý chính: Sứ mạng của Chúa Thánh Thần luôn gắn liền với sứ mạng của Chúa Giêsu.
I. CẦU NGUYỆN KHAI MẠC
1. Cầu nguyện:
Các em thân mến,qua bài học trước,chúng ta đã biết chính Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị, soi sáng cho nhân loại nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Khi Đấng cứu thế đã đến, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta nhận ra hoạt động của Ngài qua bài học hôm nay.
Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần.
2. Ôn bài cũ.
3. Kiểm tra quyết tâm.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
Có một người kia sau khi chết được Thiên Chúa cho nhìn lại cuộc sống của mình ở trần gian. Cuộc sống đã qua ấy được minh họa lại trên một bãi cát rộng lớn, trên bãi cát có hai hàng dấu chân để lại, giống như là có hai người bộ hành dắt tay nhau mới đi qua bãi cát vậy. Người ấy hỏi Thiên Chúa:
Hai hàng dấu chân kia có ý nghĩa gì, là dấu chân ai vậy?
Thiên Chúa trả lời:
– Hai hàng dấu chân đó, một là của con, một là của Ta. Trong suốt cuộc đời của con, lúc nào cũng có Ta đi bên cạnh để dìu dắt, nâng đỡ con.
Người ấy quan sát kỹ thì thấy đúng như vậy, nhưng có một điều lạ là những lúc người ấy gặp sung sướng, hạnh phúc trong cuộc đời thì hiện lên hai hàng dấu chân, còn những lúc cuộc đời gặp đau khổ, thất vọng thì hai hàng dấu chân chỉ còn một hàng.
Người ấy kêu lên với Chúa: Ôi lạy Chúa, những lúc con gặp sung sướng, hạnh phúc trong cuộc đời thì có Chúa luôn đi bên con. Còn những khi con gặp đau khổ thì Chúa đã bỏ con, Ngài ở đâu mà trên bãi cát kia chỉ còn lại một hàng dấu chân của con?
Thiên Chúa phán với người ấy:
– Đúng là những lúc con gặp sung sướng, hạnh phúc thì Ta ở bên con; nhưng những lúc con đau khổ Ta cũng đâu có bỏ con. Một hàng dấu chân còn lại trên cát kia không phải là dấu chân của con mà là dấu chân của Ta, vì những khi con gặp đau khổ trong cuộc đời Ta đã bế con vào trong lòng mà đi nên lúc ấy chỉ còn có một hàng dấu chân của Ta mà thôi.
Các em thân mến, đồng hành với con người, với mỗi người luôn luôn có Chúa. Như trường hợp hai môn đệ trên đường đi Emmaus, trong lúc thất vọng ê chề đã có Chúa Giêsu đi ngay bên. Ngày nay, ngoài Chúa Giêsu, chúng ta còn có Chúa Thánh Thần vẫn hằng đồng hành để hướng dẫn và thánh hóa Hội Thánh cũng như xưa kia Ngài đã xuất hiện từ ban đầu cùng với Chúa Cha và Chúa Con trong công trình sáng tạo, hướng dẫn dân Do Thái trong thời Cựu Ước. Đặc biệt, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện, hướng dẫn mọi hoạt động trong cuộc đời Chúa Giêsu là chủ đề của bài học và bài Tin Mừng chúng ta sắp nghe sau đây. Mời các em đứng lên chúng ta cùng lắng nghe.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Lc 4,16-19
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Giải Thích Lời Chúa
– Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe nói về ai? (Chúa Giêsu)
– Ngài đang làm gì, ở đâu? (Chúa Giêsu đến Nadareth là nơi Ngài sinh trưởng, Ngài vào Hội Đường để tham dự phụng vụ)
– Ngày Sabát là ngày lễ nghỉ của người Do Thái. Hội đường là nơi hội họp của người Do Thái ở Palestin cũng như ở những nơi có người Do Thái cư ngụ. Trong ngày Sabát người ta tụ tập nhau lại đọc sách luật, các sách ngôn sứ rồi tiếp theo là một bài giảng. Những người Do Thái trưởng thành có quyền lên tiếng ở đây, nhưng những người coi sóc Hội Đường thường trao cho những ai thông thạo Kinh Thánh làm công việc này.
– Hôm ấy,người ta trao cho Chúa Giêsu đọc đoạn sách nào? (sách ngôn sứ Isaia)
– Đoạn sách này nói về điều gì? (về một ngôn sứ được Thiên Chúa xức dầu bằng Thần Khí để đi loan báo Tin Mừng)
– Thần Khí là ai? (Chúa Thánh Thần)
Sau khi đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia nói trên, Chúa Giêsu đã nói với mọi người đang có mặt ở đó rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Câu nói của Chúa Giêsu cho chúng ta biết Ngài chính là Đấng được xức dầu Thánh Thần,là Đấng cứu độ và về sứ mạng cứu độ của Người, sứ mạng đó gắn bó chặt chẽ với sứ mạng của Chúa Thánh Thần.
Để biết Chúa Thánh Thần đã hoạt động thế nào trong cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu tiếp trong phần bài học dưới đây.
2. Giải Thích Câu Hỏi Thưa
a. Đọc chung câu 1
Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn đời sống, hoạt động của Chúa Giêsu từ khi nhập thể là từ khi nào? (sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ và Đức Mẹ nhận lời. GLV tìm bản văn Kinh Thánh Lc1, 26-38 để giải thích thêm cho các em).
Hàng năm Hội Thánh kỷ niệm sự kiện này vào ngày lễ nào ? (Lễ truyền tin, ngày 25-3).
Lời chào đầu tiên khi sứ thần gặp Đức Maria là gì? (phần đầu kinh Kính mừng)
Trong biến cố này, sứ thần đã nói với Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế người con sinh ra sẽ là Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.”
Như vậy, Sứ thần đã nói đến Chúa Thánh Thần và do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Đức Maria thụ thai, nên Đức Maria vẫn đồng trinh khi mang thai và sinh Chúa Giêsu.
Khi bước vào cuộc đời công khai, từ khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự trên Chúa Giêsu.Sau đó, trong suốt cuộc đời của Ngài cho đến lúc kết thúc sứ mạng trên Thập Giá và phục sinh, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện nơi Chúa Giêsu qua mọi lời nói, hành động và nhất là qua cuộc tử nạn và phục sinh. Về phần mình,Chúa Giêsu luôn liên kết với Chúa Thánh Thần. Người đã mặc khải về Chúa Thánh Thần, và sau khi được tôn vinh, đã đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần trên các chi thể của Ngài là Hội Thánh.
Như vậy trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu ở trần gian, Chúa Thánh Thần hằng có mặt để hướng dẫn Ngài thực hiện sứ mạng Cứu Thế.
b. Đọc chung câu 2
Việc Chúa Giêsu đến trần gian để cứu chuộc loài người chúng ta là một biến cố quan trọng. Quan trọng đến nỗi Thiên Chúa đã dành ra cả một thời gian dài để chuẩn bị. Trước tiên Ngài đã chọn cụ Abraham để gày dựng lên một dân tộc. Tiếp đó, suốt 13 thế kỷ, từ khi Thiên Chúa chọn ông Môsê đẫn dân ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Ngài đã huấn luyện, hướng dẫn dân tộc này đón chờ Đấng Cứu Thế.
Đến thời gian chín mùi, Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị cho Con Thiên Chúa một người mẹ tuyệt vời đó là Đức Maria, Ngài gìn giữ Mẹ nguyên tuyền không vướng mắc tội lỗi. Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội. Mẹ được ơn thụ thai và sinh Chúa Giêsu mà vẫn hoàn toàn đồng trinh.Thật vậy,khi sứ thần Gabriel báo tin cho Mẹ Maria được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế,Mẹ đã kinh ngạc và hỏi lại: “Việc ấy xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Sứ thần đã giải thích cho Mẹ như sau: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa… Vì đối với Thiên Chúa,không có gì là không thể làm được”.
Ngoài ra,Chúa Thánh Thần còn chuẩn bị cho Chúa Giêsu một vị tiền hô là Thánh Gioan Tiền Hô để đi trước dọn đường cho Chúa Giêsu.
c. Đọc chung câu 3
Chúa Thánh Thần đã làm 3 việc này để chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế:
Một là làm chứng về Chúa Giêsu trong những giờ phút quan trọng:
* Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài.
* Khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo, có một đám mây bao phủ Ngài. Cả hai lần đều có tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.”
Hai là biểu lộ quyền năng trong mọi việc làm và lời nói của Chúa Giêsu:
*Sau khi chịu phép rửa,Chúa Thánh Thần đã dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa địa 40 ngày để gặp gỡ Chúa Cha.Chính Chúa Thánh Thần,Đấng đầy khôn ngoan và sức mạnh đã giúp Chúa Giêsu chiến thắng các cám dỗ …
*Chữa bệnh và trừ quỷ: Trong khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ quyền năng trong lời nói, việc làm khi nói lời tha tội, khi làm những phép lạ. Thật vậy, trong 3 năm truyền giáo, Chúa Giêsu đã chữa lành cho nhiều người đau ốm tật nguyền như cảm sốt, bại liệt, tàn tật, phong cùi và nhiều người bị quỷ ám. Người không dùng những phương pháp như các bác sĩ: chẩn đoán,cho thuốc uống…nhưng Người dùng quyền năng Thánh Thần để chữa lành các bệnh nhân ngay lập tức. Ví dụ: khi những người Pharisiêu thấy Chúa chữa lành cho một người bị quỷ ám thì nói: “Ông này trừ được quỷ là nhờ dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun”, thì Chúa đã trả lời: “Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì đệ tử các ông dựa vào ai mà trừ? Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28).
Ba là làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.
Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma rằng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết nhờ Thánh Thần (x.Rm 1,4 ;Rm 8,11: “Nếu thần khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em,mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới”).
Tóm tắt ý cả bài: Khi sai Lời Ngài xuống trần gian, Chúa Cha cũng đồng thời sai hơi thở (Thần Khí) của Ngài. Sứ mạng Chúa Thánh Thần luôn hướng về và gắn liền với sứ mạng của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho Chúa Giêsu ra đời. Chúa Thánh Thần tràn đầy trên Chúa Giêsu từ khi nhập thể và luôn hiện diện nơi Chúa Giêsu qua mọi lời nói, hành động và nhất là qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh. Về phần mình, Chúa Giêsu luôn liên kết với Chúa Thánh Thần. Ngài đã mạc khải cho biết về Chúa Thánh Thần và sau khi được tôn vinh đã đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần xuống trên các chi thể của Ngài là Hội Thánh.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình:
Chúa Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài đã cùng với Chúa Giêsu làm nhiều việc lớn lao kỳ diệu. Ngài là Thần Khí, là Thánh Thần Thiên Chúa. Ngài đã kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu để đưa đến cho loài người chúng ta ơn cứu độ. Để cảm tạ Thiên Chúa và tri ân Ngài, chúng ta cùng dâng lên lời cầu xin:
2.Lời cầu nguyện:
-Lạy Chúa Giêsu/ nhờ Chúa Thánh Thần/ Chúa đã làm cho chúng con/ trở thành con Thiên Chúa/ xin cho chúng con/ cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, tác động/ luôn biết kết hiệp với Chúa/ trong những công việc nhỏ hằng ngày/ như biết chăm chỉ học hành/ học hỏi giáo lý/ xin cho chúng con biết noi gương Chúa Giêsu/ giúp đỡ bạn bè/ vui vẻ với anh em/ vâng lời hướng dẫn của các người trên/ để xứng đáng là những thiếu niên ngoan ngoãn/ giỏi giang của Chúa/ Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị muôn đời. Amen.
– Hát bài Thần Linh Chúa trên tôi.
VI. SINH HOẠT
Băng reo: Chúa Giêsu chữa bệnh và trừ quỷ bằng quyền năng Thánh Thần.
GLV: Chúa Giêsu.
TC: Chữa bệnh (tay trái vung ra)
GLV: Chúa Giêsu.
TC: Trừ quỷ (tay phải vung ra)
GLV: Do quyền năng.
TC: Chúa Thánh Thần (tay trái nắm đưa thẳng lên)
GLV: Do quyền năng.
TC: Chúa Thánh Thần (tay phải nắm lại đưa thẳng lên).
VII. BÀI TẬP
Hãy ghép câu ở cột A và cột B cho đúng
A | B | ||
1 | Chúa Thánh Thần hướng dẫn | 1 | Một người Mẹ và một vị thánh dọn đường cho Đấng Cứu Thế |
2 | ChúaThánh Thần chuẩn bị | 2 | Đời sống và hoạt động của Chúa Giêsu từ khi Nhập Thể đến Phục Sinh. |
3 | Chúa Thánh Thần chứng tỏ | 3 | Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế |
Đáp án: A1-B2; A2-B1; A3-B3.
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Chúa Thánh Thần luôn hiện diện để hướng dẫn mọi hoạt động của con người nên mọi người chúng ta luôn có Chúa Thánh Thần đồng hành trong cuộc sống. Vậy để mỗi người chúng ta xứng đáng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng nhau quyết tâm:
Quyết tâm: Trong tuần này,những em nào thấy mình đã đánh mất ơn thánh hóa do phạm tội trọng phải lo đi xưng tội,và những em nào có những lỗi nhẹ thì hãy dành thời gian ăn năn thống hối đễ Chúa tha thứ cho.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng quyền năng Thánh Thần để chữa bệnh và trừ quỷ, hầu bày tỏ lòng thương xót của Chúa dành cho chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa. Trong tuần này, xin Chúa giúp chúng con cố gắng thực hiện điều chúng con vừa quyết tâm.
Đọc kinh Sáng Danh.
—— o O o ——
CÂU HỎI DÀNH CHO HỌC SINH
Bài 3: CHÚA THÁNH THẦN TRONG CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn”. (Lc 4, 16-19)
1- H. Chúa Thánh Thần làm gì trong đời sống và hoạt động của Chúa Giêsu?
T. Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn đời sống và hoạt động của Chúa Giêsu, từ khi nhập thể cho đến lúc phục sinh.
2- H. Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị cho Con Thiên Chúa ra đời như thế nào?
T. Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế một người Mẹ vô nhiễm nguyên tội và trọn đời đồng trinh là Đức Maria, cùng một vị dọn đường là Thánh Gio-an Tiền Hô.
3- H. Chúa Thánh Thần đã làm gì để chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế?
T. Chúa Thánh Thần đã cùng với Chúa Giêsu làm 3 việc này:
– Một là làm chứng về Chúa Giêsu trong những giờ phút quan trọng, như lúc Chúa chịu phép rửa hoặc lúc Chúa biến hình.
– Hai là biểu lộ quyền năng trong mọi việc làm và lời nói của Chúa Giêsu.
– Ba là làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.