“Đức Giêsu bắt đầu rao giảng”
“Đức Giêsu bắt đầu rao giảng”
LỜI THIÊN CHÚA
TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC KITÔ
1. Việc rao giảng trong cuộc đời Đức Giêsu
Sau trình thuật về việc Đức Giêsu chịu phép rửa, thánh sử Maccô kể tiếp: “Đức Giêsu đến miền Galilê, rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14 tt). Về phần mình, Matthêu viết: “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)
Phúc Âm khởi đầu bằng những lời này, theo nghĩa Tin Mừng “của” Đức Giêsu, nghĩa là do Đức Giêsu ban bố và Ngài là chủ thể, phân biệt với Tin Mừng “về” Đức Giêsu do các Tông Đồ rao giảng sau này mà Đức Giêsu là đối tượng.
Đây là một biến cố có một vị trí rất chính xác về thời gian và không gian; xảy ra “tại Galilê“, “sau khi Gioan bị bắt“. Động từ được dùng “bắt đầu rao giảng” cho thấy rõ đây là một “khởi đầu”, một điều mới mẻ không chỉ trong cuộc đời của Đức Giêsu mà còn trong lịch sử cứu độ. Thư Do thái diễn tả sự mới mẻ này như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2)
Một thời kỳ cứu độ mới bắt đầu, một kairos mới, kéo dài khoảng hai năm rưỡi (từ mùa thu năm 27 đến mùa xuân năm 30).
Đức Giêsu coi hoạt động này là quan trọng đến nỗi Ngài nói mình đã được Chúa Cha sai đi và được Thần Khí xức dầu cho hoạt động này: “để loan báo Tin Mừng cho người nghèo.” (Lc 4,18) Có một lúc, khi một số người muốn giữ Ngài lại, Đức Giêsu đã đề nghị các Tông Đồ ra đi: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)
Rao giảng là một phần của điều được gọi là những “mầu nhiệm cuộc đời của Đức Kitô” và chúng ta sắp đề cập trong viễn tượng này. Qua từ “mầu nhiệm”, trong bối cảnh này, chúng ta hiểu là một biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu mang ý nghĩa cứu độ, biến cố được Giáo Hội cử hành trong phụng vụ[1]. Nếu không có một ngày lễ phụng vụ kính nhớ cách riêng việc rao giảng của Đức Giêsu, chính là vì nó được nhắc nhớ trong mỗi phụng vụ của Giáo Hội. Phụng vụ lời Chúa trong Thánh lễ không gì khác hơn là hiện tại hóa trong phụng vụ việc Đức Giêsu đang rao giảng. Một bản văn Công đồng nói như sau: “Ngài hiện diện trong lời Ngài, vì chính Ngài nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội[2].”
Cũng như trong lịch sử, sau khi rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đến Giêrusalem để hiến dâng mình làm hy lễ cho Chúa Cha, thì trong phụng vụ, sau khi lại công bố lời của mình, Ngài thực hiện lại việc hiến dâng chính mình cho Chúa Cha qua hành động Thánh Thể. Cuối kinh tiền tụng, khi chúng ta nói: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời”, là chúng ta nhắc lại lúc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để cử hành lễ Vượt Qua của Ngài; đó là lúc kết thúc thời kỳ rao giảng và khởi đầu cuộc khổ nạn.
Vậy việc rao giảng của Đức Giêsu là một “mầu nhiệm”, vì chứa đựng không những mạc khải một giáo lý, mà còn cắt nghĩa chính mầu nhiệm con người Đức Kitô; việc này là chủ yếu để giúp hiểu rõ mầu nhiệm xẩy ra trước tức mầu nhiệm nhập thể, và mầu nhiệm xẩy ra sau tức mầu nhiệm vượt qua. Không có lời Đức Giêsu, những biến cố này không được rõ ý lắm. Đức Gioan-Phaolô II có một trực giác bén nhạy khi ngài quyết định đưa việc rao giảng Nước Trời vào số những “mầu nhiệm sự sáng”, thêm vào những mầu nhiệm vui, thương và mừng của kinh Mân côi, bên cạnh biến cố Đức Kitô chịu phép rửa, tiệc cưới Cana, hiển dung và lập phép Thánh Thể.
2. Việc rao giảng của Đức Kitô được tiếp tục trong Giáo Hội
Tác giả thư Do thái đã viết một thời gian nhất định sau cái chết của Đức Giêsu, nói cách khác rất lâu sau khi Đức Giêsu kết thúc việc rao giảng; tuy nhiên ông bảo rằng Thiên Chúa đã nói với chúng ta nơi người Con “trong những ngày cuối cùng này“. Như vậy ông coi những ngày chính ông đang sống như một phần “những ngày của Đức Giêsu”. Vì vậy, ngay sau đó, ông áp dụng lời của Thánh vịnh: “Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng” cho các Kitô hữu, khi ông nói: “Thưa anh em, hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Trái lại ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay.” (Dt 3,7tt)
Thế nên ngày hôm nay Thiên Chúa nói trong Giáo Hội và Người nói trong người Con. Hiến chế Dei Verbum nói như sau: “Như vậy, Thiên Chúa, Đấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu mình; và Thánh Thần, Đấng làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ[3].”
Sách Khải huyền long trọng mở đầu cách nói mới của Chúa Kitô “theo Thần Khí”. Bảy lá thư gửi bảy Giáo Hội (Kh 2-3) bắt đầu bằng một bản tự trình bày về Đấng Phục sinh (“Đấng là đầu và là cuối, là Amen, Chứng Nhân nói thế này... “) và kết thúc bằng lời mời lắng nghe “điều Thần Khí nói với các Giáo Hội“, như thể người nói không phải là Đức Kitô nhưng là Thần Khí. Người ta có thể nói rõ hơn rằng đó luôn là Đức Kitô nói nhưng trong cách hiện hữu mới của Ngài “theo Thần Khí”.
Thánh Gioan Thánh Giá viết: “Bằng cách ban cho chúng ta như Người đã ban cho chúng ta Con của Người là Lời duy nhất của Người – vì Người không có ai khác –, Người đã nói với chúng ta và mạc khải mọi sự một lần duy nhất bằng lời duy nhất này và Người không còn phải nói nữa[4].” Nhưng hãy hiểu cho đúng, Thiên Chúa đã trở nên nín lặng theo nghĩa Người không còn nói điều gì mới liên quan đến những gì Người đã nói trong Đức Giêsu, nhưng không phải theo nghĩa Người không còn nói nữa; Người tiếp tục nói những gì Người đã nói một lần trong Đức Giêsu!
Nhưng ở đâu và làm thế nào có thể nghe “tiếng nói của Người”? Mạc khải của Thiên Chúa đã khép lại; theo một nghĩa nào đó, không còn lời của Thiên Chúa. Và đây chúng ta khám phá ra một sự tương cận khác giữa Lời Chúa và Thánh Thể. Thánh Thể hiện diện trong suốt dòng lịch sử cứu độ: trong Cựu Ước, như hình bóng (con chiên vượt qua, hy tế Melkisêđê, manna), trong Tân Ước, như biến cố (sự chết và sự sống lại của Đức Kitô) và trong Giáo Hội, như bí tích (Thánh lễ).
Hy tế của Đức Kitô được hoàn thành và kết thúc trên Thập giá; thế nên, theo một nghĩa nào đó, không còn những hy tế của Đức Kitô nữa; nhưng chúng ta biết rằng vẫn còn một hy tế và đó là hy tế độc nhất của Thập giá, được hiện tại hóa và hoạt động trong hy tế Thánh Thể; biến cố tiếp tục trong bí tích, lịch sử trong phụng vụ. Một cách tương tự, Lời Đức Kitô không còn tồn tại như một biến cố, nhưng tiếp tục tồn tại như bí tích.
Trong Kinh Thánh, Lời của Thiên Chúa (dabar), nhất là trong hình thức đặc biệt nơi các tiên tri, luôn luôn cấu tạo nên một biến cố; đó là một lời-biến cố, nghĩa là một lời tạo ra một tình huống, luôn thực hiện điều gì đó mới mẻ trong lịch sử. Thành ngữ hay được nói đến “Lời Chúa nói với…” có thể được dịch là: “Lời Chúa được cụ thể hóa nơi…” (Edêkien, Khácgai, Dacaria, v.v.).
Những lời-biến cố này kéo dài tới Gioan Tẩy Giả. Chúng ta đọc thấy trong Luca: “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đề Tibêriô… có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan, trong hoang địa (factum est verbum Domini super Ioannem).” (Lc 3,1tt)
Sau đó, công thức này hoàn toàn biến mất khỏi Kinh Thánh; nó được thay thế bằng “Verbum caro factum est”: Lời đã trở nên xác thịt (Ga 1,14). Biến cố đã trở thành một người! Chúng ta không bao giờ tìm thấy câu: “Lời Chúa đến với Đức Giêsu” vì Ngài là Lời. Sự thực hiện đầy đủ và dứt khoát theo sau những thực hiện tạm thời về Lời Chúa trong các tiên tri. Lời Chúa đã trở thành danh hiệu của một người: “Danh hiệu của Ngài là gì? Là Lời Thiên Chúa”, như chúng ta đọc thấy trong sách Khải huyền về Đức Kitô (Kh 19,13).
3. Lời-bí tích mà chúng ta nghe
Không còn những lời-biến cố nữa, tức là những lời được nói ra trong một thời gian và không gian chính xác, và do đó không thể lặp lại. Tuy nhiên có những lời-bí tích. Các lời-bí tích là những lời của Thiên Chúa “xẩy đến” một lần duy nhất và được thu tập trong Kinh Thánh, lại trở thành những “thực tại năng động” mỗi khi Giáo Hội dùng quyền bính công bố và mỗi khi Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng chúng, trở lại thắp sáng chúng trong lòng những người lắng nghe chúng. Đây là điều Đức Giêsu nói về Chúa Thánh Thần: “Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,14)
Khi nói Lời là “bí tích”, chúng ta không hiểu thuật ngữ này theo nghĩa kỹ thuật và giới hạn vào “bảy bí tích”, nhưng theo một nghĩa rộng hơn như khi ta nói về Đức Kitô là “bí tích tiên khởi của Chúa Cha” và về Giáo Hội là “bí tích phổ quát của Ơn Cứu Độ[5]”. Nói theo cách của thánh Augustinô định nghĩa bí tích là “một lời có thể thấy” (verbum visibile[6]), người ta quen định nghĩa Lời Chúa là một “bí tích có thể nghe” (sacramentum audibile).
Trong mỗi bí tích, chúng ta có thể phân biệt một dấu chỉ hữu hình và thực tại vô hình là ân sủng. Lời chúng ta đọc trong Kinh Thánh chỉ là một dấu chỉ vật chất (như nước trong bí tích Rửa tội và bánh trong bí tích Thánh Thể), một tập hợp các vần chết hoặc, tối đa, là một lời về từ vựng của con người như những lời khác; nhưng nhờ đức tin và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, dấu chỉ đặc biệt này cho chúng ta tiếp xúc cách mầu nhiệm với chân lý sống động và ý muốn của Thiên Chúa và đó là tiếng nói của chính Chúa Kitô mà chúng ta lắng nghe.
Bossuet viết: “Thân xác Đức Giêsu Kitô trong bí tích đáng tôn thờ không thực hơn chân lý Đức Giêsu Kitô trong việc rao giảng Phúc Âm. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, các hình bạn nhìn thấy là những dấu chỉ, nhưng những gì chứa trong các hình ấy là chính thân xác Đức Kitô; trong Kinh Thánh, những lời bạn nghe được là những dấu chỉ, nhưng những ý tưởng Kinh Thánh truyền đạt cho bạn là chính chân lý của Con Thiên Chúa[7].”
Tính bí tích của Lời Chúa được mạc khải trong việc đôi khi nó hành động rõ ràng vượt quá sự hiểu biết của con người, một sự hiểu biết có thể bị giới hạn và không hoàn hảo. Nó hành động gần như “do sự” (ex opere operato), như chúng ta nói trong thần học. Trong những lời của Kinh Thánh, có một điều gì đó hành động vượt quá sự giải thích của con người; một sự bất tương xứng hiển nhiên giữa dấu chỉ và thực tại do dấu chỉ tạo ra, khiến chúng ta suy nghĩ chính đáng về phương thức hành động của các bí tích.
Khi tiên tri Êlidê nói với Naaman người Syria, người đã đến tìm ông để được chữa khỏi bệnh cùi, là đi tắm bẩy lần ở sông Giođan, ông này nổi giận mà nói: “Nước các sông Avana và Pacpa ở Đamas chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Israel sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao?” (2V 5,12)
Naaman nói đúng: các con sông của Syria chắc chắn tốt hơn và dồi dào nước hơn; nhưng ông đã được chữa lành khi tắm ở sông Giođanô và da dẻ của ông giống như da dẻ của một chàng thanh niên, một điều sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông tắm trong ở những sông lớn tại quê hương ông.
Lời Thiên Chúa chứa đựng trong Kinh Thánh cũng vậy. Trong số các nước, và ngay cả trong Giáo Hội, đã có và sẽ có những cuốn sách tốt hơn một số sách của Kinh Thánh, trau chuốt hơn về mặt văn học và xây dựng hơn về mặt tôn giáo (chỉ cần nghĩ đến cuốn Gương Chúa Giêsu Kitô), nhưng không có cuốn nào tác động như cuốn khiêm tốn nhất của các sách được linh ứng. Những “nước sông ở Israel” là những sách Kinh Thánh được Thiên Chúa linh ứng, tiếp tục chữa lành bệnh cùi tội lỗi ngày hôm nay. Kết thúc bài Phúc Âm trong Thánh lễ, Giáo Hội mời gọi thừa tác viên hôn sách và nói: “Nhờ những lời Phúc Âm vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con” (Per evangelica dicta deleantur nostra delicta). Chính Kinh Thánh minh chứng quyền năng chữa bệnh của lời Chúa: “Quả vậy, không phải lá cây, chẳng phải thuốc đắp đã chữa họ lành, nhưng lạy Đức Chúa, chính lời Ngài chữa lành tất cả!” (Kn 16,12)
Kinh nghiệm xác nhận điều đó.
Tôi đã nghe một người làm chứng trong một chương trình truyền hình mà tôi tham gia. Ông là một người nghiện rượu rất nặng; không thể ở yên hơn hai giờ mà không uống rượu; gia đình ông đang trên bờ vực tuyệt vọng. Ông và vợ được mời tham dự một cuộc họp mặt chia sẻ Lời Chúa, trong đó người ta đọc một đoạn Kinh Thánh. Có một câu tác động mạnh tới ông như lửa và ông cảm thấy mình được chữa lành. Sau đó, mỗi lần bị cám dỗ uống rượu, ông mở đoạn Kinh Thánh này và chỉ bằng cách đọc lại những lời Chúa, ông cảm thấy lại có được sức mạnh, cho đến khi ông được chữa lành hoàn toàn. Khi ông muốn nói câu đó là gì, cảm xúc khiến ông mất giọng. Đó là lời của Diễm tình ca: “Tình yêu của chàng tuyệt vời hơn rượu.” (Dc 1,2) Những lời đơn giản này, có vẻ như không liên quan gì đến trường của ông, lại đã làm nên một phép lạ.
Người ta đọc thấy một câu chuyện tương tự trong sách: “Những trình thuật của một khách hành hương người Nga[8]. Tuy vậy, nổi tiếng nhất là trường hợp của Augustinô. Đang đọc đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 13,11tt: “Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối […] Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: […] không chè chén say sưa cũng không chơi bời dâm đãng”, ông cảm thấy “một luồng sáng thanh thản” tràn ngập trái tim ông và hiểu rằng mình đã được chữa khỏi cảnh nô lệ cho xác thịt[9].
4. Phụng vụ lời Chúa
Có một lãnh vực và một thời điểm trong đời sống Giáo Hội mà Đức Giêsu ngày hôm nay nói một cách long trọng và bảo đảm hơn: phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ. Phụng vụ này chỉ là hiện tại hóa trong phụng vụ một Đức Giêsu rao giảng. Thời kỳ đầu của Giáo Hội, phụng vụ Lời Chúa tách biệt với phụng vụ Thánh Thể. Như sách Công vụ thuật lại, các môn đệ “đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ”; họ nghe đọc Kinh Thánh, đọc Thánh vịnh và cầu nguyện với các người Do Thái khác. Họ đã thực hiện phụng vụ Lời Chúa như vậy, sau đó họ tụ tập riêng tại nhà của họ, để “bẻ bánh”, tức là cử hành Thánh Thể (x. Cv 2,46)
Tuy nhiên, cách thực hành này nhanh chóng trở nên bất khả thi, vì sự thù địch của chính quyền Do Thái đối với họ, hoặc vì Kinh Thánh đã có một ý nghĩa mới dưới mắt họ, tất cả đều hướng về Đức Kitô. Do đó mà việc nghe Kinh Thánh được chuyển từ Đền thờ và hội đường đến những nơi thờ phượng Kitô giáo, trở thành phụng vụ hiện nay của Lời Chúa trước kinh nguyện Thánh Thể. Vào thế kỷ II, thánh Giustinô đã mô tả một cử hành Thánh Thể trong đó từ đây có tất cả các yếu tố chủ chốt của Thánh lễ. Không chỉ phụng vụ Lời Chúa là phần không thể thiếu, mà giờ đây, thêm vào các bài đọc Cựu Ước là các bài đọc được thánh nhân gọi là “ký ức của các Tông đồ”, nghĩa là các Phúc Âm và các thư, thực tế là Tân Ước[10].
Khi chúng ta nghe lời Chúa trong phụng vụ, các bài đọc Kinh Thánh có được một ý nghĩa mới mẻ và mạnh mẽ hơn bất cứ trong bối cảnh nào khác. Mục tiêu của các bài này không phải là để hiểu Kinh Thánh hơn, như khi chúng ta đọc Kinh Thánh ở nhà hoặc trong một trường học Kinh Thánh, cho bằng để nhận ra Đấng hiện diện trong hành động bẻ bánh, để mỗi lần soi sáng một khía cạnh cụ thể của mầu nhiệm mà chúng ta sắp lãnh nhận. Chúng ta thấy điều này xuất hiện có thứ tự trong câu chuyện hai môn đệ Emmau: chính khi lắng nghe giải thích Kinh Thánh, tâm hồn các môn đệ bắt đầu mở ra, khiến họ có thể nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh.
Một ví dụ trong số rất nhiều ví dụ: các bài đọc của Chúa nhật thứ XXIX Mùa thường niên của chu kỳ B. Bài đọc thứ nhất là một đoạn về người tôi tớ đau khổ mang trên mình những tội lỗi của dân (Is 53,2-11); bài đọc thứ hai nói về Đức Kitô, Thượng Tế đã chịu mọi thử thách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi; bài Phúc Âm nói về Con Người đến hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Cả ba đoạn này đều nhấn mạnh một khía cạnh căn bản của mầu nhiệm mà chúng ta sắp cử hành và lãnh nhận trong phụng vụ Thánh Thể.
Trong Thánh lễ, lời Chúa và những câu chuyện Kinh Thánh không chỉ được kể lại, nhưng được sống lại; ký ức trở thành thực tại và hiện diện. Điều đã xẩy ra “lúc đó” thì xẩy ra “giờ đây”, “hôm nay” (hodie) như phụng vụ thường nói. Chúng ta không chỉ là những người nghe lời Chúa, mà còn là những người đối thoại và diễn viên trong lời này. Lời Chúa nói cho chúng ta đang hiện diện ở đây. Chúng ta được mời gọi đóng vai những nhân vật được nhắc tới.
Cũng ở đây, một vài ví dụ giúp chúng ta hiểu thêm. Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta đọc câu chuyện Thiên Chúa nói với Môsê từ bụi gai cháy; trong Thánh lễ, chúng ta đứng trước bụi gai cháy đích thực… Chúng ta đọc câu chuyện Isaia nhận trên môi than hồng thanh tẩy miệng lưỡi ông, để ông thi hành sứ mạng; chúng ta cũng sẵn sàng nhận trên môi than hồng đích thực, Đấng đem lửa đến thế gian… Êdêkien được mời gọi ăn cuộn sách những sấm ngôn tiên tri; chúng ta cũng sẵn sàng ăn Đấng là chính Ngôi Lời trở thành thịt và bánh…
Mọi thứ càng trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta đi từ Cựu Ước đến Tân Ước, từ bài đọc thứ nhất đến bài Phúc Âm. Người đàn bà mắc bệnh xuất huyết chắc chắn sẽ được chữa lành nếu bà chạm được vào mép áo của Đức Giêsu: còn chúng ta, những người sắp chạm vào nhiều hơn mép áo của Ngài thì sao? Một ngày nọ, tôi được nghe câu chuyện Dakêu trong Phúc Âm, tôi rất ngạc nhiên khi thấy nó “hiện tại” như thế nào. Tôi là Dakêu, chính là tôi; những lời đó nói cho tôi: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông“; chính về tôi mà người ta có thể nói: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” và chính với tôi mà sau khi tôi chịu lễ, Đức Giêsu đã nói: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này“.
Đó là những gì xẩy ra với mỗi câu chuyện Phúc Âm. Làm sao trong Thánh lễ lại không đồng hóa mình với người bất toại được Đức Giêsu nói: “Hỡi con, tội con đã được tha”, rồi: “Đứng dậy, vác chõng mà về”, với Simêon ẵm trên cánh tay Hài Nhi Giêsu, với Tôma run rẩy chạm vào các vết thương? Trong Thánh lễ một ngày thứ sáu Mùa Chay, người ta đọc dụ ngôn những tá điền sát nhân (Mt 21,33-45): “Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng chúng sẽ nể con ta!” Tôi nhớ đến hiệu quả của lời này đối với tôi ngày tôi nghe nó mà chia trí. Cũng người Con này sẽ được ban cho tôi khi tôi rước lễ: tôi đã chuẩn bị đón nhận Ngài với sự kính trọng mà Cha trên trời mong đợi chưa?
Không chỉ sự kiện mà cả những lời Chúa được nghe trong Thánh lễ cũng có một ý nghĩa mới và mạnh hơn. Một ngày mùa hè, tôi cử hành Thánh lễ trong một đan viện nhỏ, bài đọc Phúc Âm là Mt 12. Tôi sẽ không bao giờ quên được hiệu quả những lời Đức Giêsu nói gây ra cho tôi: “Đây thì còn hơn ông Giona nữa… Đây thì còn hơn vua Salomon nữa!” Như thể lần đầu tiên tôi nghe thấy những lời ấy. Tôi hiểu rằng trạng từ “ở đây” thật sự có nghĩa là ở đây, tức là vào lúc này và tại nơi này, không chỉ vào thời Đức Giêsu còn sống trước đây nhiều thế kỷ.
Từ ngày hè đó, những lời trên trở nên thân quen với tôi theo một cách mới. Trong Thánh lễ, lúc quỳ gối và đứng lên sau lúc truyền phép, tôi thường lặp lại trong trí: ““Đây thì còn hơn ông Giona nữa… Đây thì còn hơn vua Salomon nữa!”
Origen nói với các Kitô hữu thời ông: “Anh em có thói quen tham dự vào những mầu nhiệm thánh, khi anh em nhận lấy Mình Chúa, anh em hết sức thận trọng và tôn kính mà gìn giữ, để thậm chí không một miếng vụn nào rơi xuống, để không gì mất đi từ quà tặng được thánh hiến. Bạn xác tín rất đúng rằng để rơi những mảnh vụn do sơ suất là một sai lỗi. Nếu anh em cẩn thận gìn giữ Mình Chúa như vậy – và đúng là anh em phải như vậy – thì hãy nhớ rằng coi thường Lời Chúa cũng không kém phần quan trọng so với coi thường Mình Chúa[11].”
Trong số khá nhiều lời Chúa chúng ta nghe mỗi ngày trong Thánh lễ hay trong Các Giờ Kinh phụng vụ, hầu như luôn có lời nào đó được nói cho chúng ta cách đặc biệt. Một mình lời đó thôi có thể lấp đầy cả ngày của chúng ta và soi sáng lời cầu nguyện của chúng ta. Điều quan trọng là không để nó rơi vào khoảng không. Nhiều tác phẩm điêu khắc và các bức phù điêu cổ xưa từ Đông phương trình bày người ghi chép đang thu tập tiếng của nhà vua ra lệnh hay nói: người ta thấy anh ta vô cùng chăm chú: bắt chéo chân, ngực thẳng, mắt mở rộng, tai duỗi ra. Đó là thái độ được gán cho Người Tôi Trung của Chúa trong Isaia: “Sáng sáng người đánh thức tôi, để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.” (Is 50,4) Đó là thái độ mà chúng ta nên có khi Lời Chúa được công bố.
Do đó, chúng ta hãy đón nhận, như thể đã được nói cho chúng ta, lời khuyên bảo trong phần mở đầu Quy Luật thánh Biển Đức:
“Mắt mở ra cho ánh sáng thần thiêng, chúng ta hãy lắng nghe bằng đôi tai chăm chú và ngỡ ngàng tiếng của Thiên Chúa mỗi ngày nói với chúng ta và kêu lên: “Ngày hôm nay, nếu anh em nghe tiếng Người, anh em đừng cứng lòng” và: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Tv 94,8; Kh 3,13)[12].”
[1] x. thánh Augustinô, Lettres, 55, 1, 2.
[2] Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, số 7)
[3] Hiến chế về Mạc khải Dei Verbum, số 8.
[4] x. Thánh Gioan Thánh Giá, Montée du Mont Carmel II, 22, 4-5.
[5] x. Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium số 48.
[6] Thánh Augustinô, Traité sur saint Jean, 80, 3.
[7] J.B. Bossuet, Sur la Parole de Dieu, dans Oeuvres oratoires de Bossuet, III, Desclée de Brouwer, Paris 1927, p. 627.
[8] Albin Michel, Paris, 2007.
[9] Thánh Augustinô, Confessions, VIII, 12.
[10] Thánh Giustinô, Apologia, 65-67.
[11] Origen, Exod. Hom. XIII, 3.
[12] Regole monastiche d’occidente, Edizioni Qiqajon, Communità di Bose, 1989, p. 53.