XXIV
“CHÍNH NGƯỜI LÀ SỰ BÌNH AN
CỦA CHÚNG TA”
“Hãy tưởng tượng không có thiên đường / Thật dễ dàng nếu bạn cố gắng / Không có địa ngục bên dưới chúng ta / Trên chúng ta chỉ có bầu trời / Tưởng tượng tất cả mọi người / Sống cho hôm nay / Hãy tưởng tượng không có quốc gia / Không khó để làm / Không có gì để giết hoặc chết cho / Và không có tôn giáo nữa / Hãy tưởng tượng tất cả mọi người / Sống cuộc đời hòa bình / Bạn có thể nói tôi là một người mơ mộng / nhưng tôi không phải là người duy nhất / Tôi hy vọng một ngày nào đó bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi / và thế giới sẽ sống hợp nhất[1].”
Dường như chính Plato đã viết: “Những người lớn tuổi có thầy dạy là những nhà triết học, còn những người trẻ là các thi sĩ.” Đúng là ngày nay, những người thầy của người trẻ không còn là thi sĩ mà là những ca sĩ; không phải thi phú ghi dấu trên họ, nhưng là âm nhạc. Hàng triệu người trẻ có nhãn quan của họ về cuộc sống dựa trên nhãn quan của các ca sĩ họ yêu thích (khi không phải là chính bài hát).
Chúng ta vừa qua những tuần sôi động. Bài hát này, được viết bởi một trong những thần tượng vĩ đại của nhạc nhẹ hiện đại, trên một giai điệu ngọt ngào, đã thường xuyên vang lên trong các cuộc diễu hành và các chương trình phát thanh, giống như một loại tuyên ngôn hòa bình. Chúng ta không thể không trả lời. Một ngày kia, Đức Giêsu đã khởi đầu giảng dạy bằng bài ca mà những đứa trẻ thời Ngài hát ở ngoài chợ: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa, tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không đám ngực khóc than.” (Mt 11,16-17) Chúng ta hãy bắt chước Ngài.
***
Câu hỏi đầu tiên mà chúng ta đặt ra ở đây là: tại sao cố gắng “tưởng tượng” điều gì đó mà chúng ta thấy trước mắt cho tới ngày hôm qua? Một thế giới không thiên đàng, không hỏa ngục, không tôn giáo, không quê hương, with no possessions, không tài sản riêng, nơi mỗi người được dạy chỉ biết sống cho trần gian này: đây không đúng là xã hội mà những chế độ cộng sản toàn trị đề nghị sao? Như vậy giấc mơ không mới, nhưng sự thức tỉnh đã không vui…
“Không còn thiên đàng, không còn hỏa ngục”. Không phải lần đầu tiên chúng ta nghe những lời như vậy. Một văn sĩ và cũng là triết gia nổi tiếng đã đặt những lời này vào miệng một trong những nhân vật của ông trong những năm ồn ào của chủ thuyết hiện sinh vô thần. “Nếu Thiên Chúa hiện hữu, con người không là gì cả. Thiên Chúa không hiện hữu! Thật vui, khóc vì vui! Không có thiên đàng nữa! Không có hỏa ngục nữa! Không có gì khác ngoài trái đất[2].”
Tuy nhiên cũng tác giả này đã viết trong một vở kịch khác mang tựa đề “Huis clos”. Ông đưa ba người – một người đàn ông và ba người phụ nữ – vào cùng một căn phòng trong những khoảng thời gian ngắn. Không có cửa sổ, ánh sáng ở mức tối đa và không thể tắt nó, hơi nóng ngột ngạt và không có gì khác ngoài một chiếc tràng kỷ. Cửa ra vào đang đóng. Có một cái chuông, nhưng nó không reo. Nói về ai vậy? Về ba người vừa mới chết; và nơi họ ở là địa ngục.
Sau khi linh hồn của họ, bằng cách đi sâu vào cuộc sống của nhau, bị vạch trần trước những người khác, và những lỗi mà họ xấu hổ nhất được tiết lộ và khai thác không thương tiếc bởi những người khác, một trong những nhân vật nói: “Bạn nhớ không: lưu huỳnh, giàn thiêu, vỉ nướng … Thật là một trò đùa! Không cần vỉ nướng: tha nhân là địa ngục[3].” Vậy địa ngục không bị xóa bỏ trên đường đi; người ta chỉ cần di chuyển nó trên trái đất.
***
Bài hát tôi đã nhắc ở trên – ngoài những gợi ý sai lầm để thực hiện nó, chứa đựng một khát vọng chính đáng và thánh thiện mà chúng ta không thể để rơi vào quên lãng. Chúng ta hãy nghe một “bài hát” khác về hòa bình và hiệp nhất, được viết cách đây đã rất lâu:
“Chính Người là bình an của chúng ta,
Người đã liên kết hai dân thành một.
đã hy sinh thân mình
để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét;
Người đã hủy bỏ Lề Luật cũ
gồm các điều răn và giới luật,
Khi thiết lập hòa bình,
Người đã tác tạo đôi bên
thành một người mới duy nhất
nơi chính bản thân Người.
Nhờ thập giá
Người đã làm cho đôi bên
được hòa giải với Thiên Chúa
trong một thân thể duy nhất;
trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.
Người đã đến loan Tin Mừng bình an:
bình an cho anh em là những kẻ ở xa
và những kẻ ở gần.
Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên,
chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất
mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2,14-18)
Cũng ở đây, Kinh Thánh cho chúng ta thấy một thế giới trong đó người ta sống “trong hòa bình”, như thể nói về “một sự việc”; nhưng con đường đưa tới chỗ thực hiện hoàn toàn khác nhau. “Người đã thiết lập hòa bình bằng cách tiêu diệt sự thù ghét”. Tiêu diệt sự thù ghét chứ không phải kẻ thù, tiêu diệt nơi chính bản thân Ngài chứ không phải nơi người khác!
Cùng lúc đó, một vĩ nhân khác tuyên bố với thế giới là hòa bình đã lên ngôi. Người ta đã tìm lại được ở Tiểu Á, giữa những tảng đá của một đền thờ, một bản sao tài liệu nổi tiếng của hoàng đế Augustus. Trong bản văn này ông đã ca ngợi pax romana, hòa bình của Roma, mà ông đã thiết lập trên thế giới, bằng cách định nghĩa nó là parta victoriis pax, nghĩa là một hòa bình có được nhờ những cuộc chiến thắng quân sự[4].
Đức Giêsu không nói đến sự bình an đó, nhưng Ngài cho biết có một sự bình an khác thuộc loại hoàn toàn khác. Ngài nói như sau: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14,27) Sự bình an của Ngài cũng là một sự “bình an là kết quả của chiến thắng”, nhưng là chiến thắng chính mình chứ không chiến thắng người khác, một cuộc chiến thắng thiêng liêng chứ không phải chiến thắng quân sự. Sách Khải huyền nói: “Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, đã chiến thắng” (Kh 5,5); và thánh Augustinô xác định rõ hơn: “Victor quia victima – Đấng chiến thắng vì là tế vật[5]”. Đức Giêsu đã dạy chúng ta là không có lý do chính đáng nào để giết, nhưng có một lý do đáng cho người ta hiến mạng sống mình.
***
Con đường dẫn tới hòa bình mà Phúc Âm đề ra không chỉ có ý nghĩa trong lãnh vực đức tin; nó cũng có giá trị trong lãnh vực chính trị, cho xã hội. Hiện nay thế giới nhấn mạnh và đòi hỏi người ta chấp nhận phương pháp của Đức Kitô thay thế cho phương pháp của Augustus. Lương tâm hiện đại từ chối chấp nhận ơn gọi mà Virgilius đã chỉ cho đồng bào của mình: “Tu regere imperio populos, Romane, memento – Này Rôma, hãy nhớ nhiệm vụ của ngươi là thống trị các dân tộc[6].” Mọi dân tộc đòi hỏi quyền cai trị chính mình.
Ngày hôm nay chúng ta thấy rằng con đường duy nhất đưa tới hòa bình là triệt hạ sự thù nghịch chứ không phải kẻ thù (Phải chăng chúng ta sẽ triệt hạ một nửa dân chúng thế giới vì họ không hài lòng với tình trạng hiện thời chăng? Và làm sao phân biệt được kẻ thù trong khủng bố?) Không tính đến chuyện người ta cũng có thể áp dụng cho kẻ thù điều Tertullianô nói về máu các người Kitô hữu: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu[7].” Thật bất hạnh là máu của kẻ thù là hạt giống sinh ra các kẻ thù khác.
Một hôm có người đã trách Abraham Lincoln là quá lịch sự với kẻ thù và nhắc cho ông nhớ nhiệm vụ tổng thống của ông là phải triệt hạ họ. Ông trả lời: “Biến họ thành bạn không phải là cách triệt hạ kẻ thù sao?”
Vị tổng thống vĩ đại này của Hoa Kỳ sẽ tìm ra ai đó để đáp ứng thách thức phi thường này chăng? Người ta triệt hạ kẻ thù bằng vũ khí, triệt hạ sự thù nghịch bằng đối thoại. Trước khi chỉ tay vào các quốc gia, Giáo Hội cố gắng thực hiện chương trình này trong các mối liên hệ giữa các tôn giáo khác nhau.
***
Thế nhưng chúng ta mới chỉ nói tới một nửa sứ điệp Kitô giáo về hòa bình. Một khẩu hiệu thời thượng hôm nay nói: “Think globally, act locally – Suy nghĩ toàn cầu, hành động cục bộ”. Điều này đúng trước hết cho hòa bình. Người ta không thực hiện hòa bình như thực hiện chiến tranh. Chuẩn bị lâu dài là cần thiết để thực hiện chiến tranh: phải hình thành những đạo quân vững chắc, chuẩn bị chiến lược, ký kết liên minh và sau đó đi tấn công với hàng ngũ chặt chẽ. Bất hạnh thay cho người muốn bắt đầu trước, chỉ có một mình và bị cô lập: người đó sẽ thất bại.
Hòa bình được thực hiện theo cách hoàn toàn ngược lại: từng người một, bắt đầu ngay lập tức, thậm chí một mình, ngay cả với một cái bắt tay đơn giản. Hàng tỉ giọt nước dơ bẩn sẽ không bao giờ tạo thành một đại dương trong sạch. Hàng tỉ người không được bình an trong lòng – và hàng tỉ gia đình không được bình an trong nội bộ – sẽ không bao giờ tạo thành một nhân loại bình an. Một trong những Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình của Đức Gioan Phaolô II, sứ điệp năm 1984, có chủ đề: “Hòa bình phát sinh từ tấm lòng mới”.
Điều đó có ý nghĩa gì khi diễu hành qua các đường phố, hò hét “Hòa bình”, trong khi giơ nắm đấm đe dọa và đập vỡ các cửa sổ kính? Chúng ta có thể thực sự muốn hòa bình mà vũ trang chăng? Không phải là điều tương tự sao khi chúng ta treo cờ hòa bình ở cửa sổ mà bên trong nhà thì lên giọng, áp đặt một cách độc đoán ý muốn của riêng mình và dựng lên những bức tường thù địch và im lặng? Trong trường hợp này, gỡ cờ để treo vào trong nhà lại không phải là điều tốt hơn sao?
Ngay cả chúng ta đang tụ họp nơi đây, chúng ta phải làm điều gì đó để xứng đáng nói về hòa bình. Đức Giêsu đã đến loan báo Tin Mừng bình an, “bình an cho anh em là những kẻ ở xa và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,17). Bình an với những kẻ ở gần thường ra khó thực hiện hơn bình an với những người ở xa…Đức Giêsu đã không nói: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24) đó sao?
Lát nữa đây, chúng ta sẽ tiến lên ôm hôn thánh giá. Nếu chúng ta không muốn từ trên thánh giá Đức Giêsu phải lặp lại với chúng ta: “Hãy đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã”, chúng ta phải dâng nụ hôn này không chỉ cho Đấng là đầu của thân thể, mà còn cho những chi thể của thân thể Ngài, đặc biệt những người chúng ta có khuynh hướng loại trừ.
Vào một thời điểm cuối Mùa Chay, người ta nhóm lửa đốt “những gì phù phiếm”. Họ ném vào đống củi chất tại trung tâm quảng trường chính của thành phố tất cả các phương tiện làm điều xấu xa hoặc các đồ vật mê tín mà mỗi người có tại nhà. Nếu họ đốt đi những gì phù phiếm, thì chúng ta, chúng ta cũng hãy đốt đi những sự thù nghịch! Chúng ta hãy ném vào cánh tay Chúa và vào trong ngọn lửa rực cháy của trái tim Ngài mọi thù ghét, oán hận, ghen tị, tranh chấp, mọi ước muốn đòi quyền lợi cho mình.
***
“Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2,18) “Cả đôi bên” không chỉ là Do thái và Dân ngoại, mà cả Kitô hữu và Hồi giáo, La tinh và Hy lạp, Công giáo và Tin lành, giáo sĩ và giáo dân, đàn ông và đàn bà, da trắng và da mầu.
Đây là câu trả lời của Phúc Âm cho ước mơ của bài hát: “Và thế giới sẽ sống liên kết với nhau.” Chúng ta biết vấn nạn: “Đã qua hai ngàn năm, mà có gì thay đổi đâu?” Nhưng chúng ta không lầm đâu. Thế giới được hòa giải, trở nên một trong Đức Kitô, đã hiện diện. Chính đó là điều Thiên Chúa đã nhìn thấy khi Ngài chiêm ngắm hành tinh sóng gió của chúng ta; chỉ bằng một cái nhìn, Ngài bao quát cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.
Thế giới thật sự là thế giới trước mặt Thiên Chúa, chứ không phải thế giới nào khác. Và trước mắt Thiên Chúa, ngay từ bây giờ “không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô Giêsu.” (Gl 3,28)
Ngày 13 tháng tư năm 1997, tại sân vận động Kosevo ở Sarajevo, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dâng lên Thiên Chúa lời kinh xin ơn hòa bình. Chúng ta kết hợp với tiếng kêu trầm thống của Ngài, ngày hôm nay không kém phần thời sự hơn lúc đó, sau khi một cuộc chiến chỉ dừng lại ngay khi những cuộc chiến khác tiếp tục mà không được biết đến:
“Con quỳ gối trước mặt Chúa, lạy Chúa, con, giám mục Rôma, nài xin Chúa gải thoát chúng con khỏi tai họa chiến tranh. Xin cho nước Chúa trị đến, nước của công lý và bình an, của tha thứ và yêu thương. Chúa không muốn bạo lực hay thù hận, Chúa không chấp nhận bất công và ích kỷ. Chúa muốn con người là anh em với nhau, muốn họ thừa nhận Chúa là Cha mình. Ước muốn duy nhất của Chúa là sự bình an. “Xin cho ý Chúa được thể hiện”.
(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 273-281)
Lm Micae Trần Đình Quảng
[1] John Lennon, Imagine : Imagine there”s no heaven. It”s easy if you try. No hell below us. Above us only sky. Imagine all the people. Living for today. Imagine there”s is no countries. It isn”t hard to do. Nothing to kill or die for. And my religion too. Imagine all the people. Living life in peace. You may say I”m a dreamer but I am not the only one. I hope some day you”ll join us and the world will live as one.
[2] J.P. Sartre, Le diable et le bon Dieu, X, 4, Gallimard, Paris 1951, p. 267 et s.
[3] J.P. Sartre, Huis clos, sc. 5, Gallimard, Paris 1947, p. 93.
[4] Monumentum Ancyranum, éd. Th. Mommsen, 1883.
[5] Augustinô, Confession, X, 43.
[6] Virgile, L’Enéide, 6, 851.
[7] Tertullien, Apologeticum, 50, 13: “Semen est sanguis christianorum”