– Lời Chúa : Cl 3, 16-17
– Ý chính: Phụng vụ bắt nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Phụng vụ giúp thiết lập và củng cố sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa.
I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Để bắt đầu giờ học hôm nay, mỗi người chúng ta hãy dâng mình cho Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng giúp chúng ta thêm hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn.
Hát bài “Cầu xin Chúa Thánh Thần”
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm
+Ôn bài cũ :
– Hội Thánh cử hành Phụng vụ để làm gì? (Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá con người).
– Phụng vụ gồm những việc nào? (Thánh lễ, các bí tích, các giờ kinh phụng vụ và các phụ tích).
– Khi tham dự Phụng vụ, ta phải có thái độ nào? (Tích cực, thành kính, đầy ý thức và yêu mến)
+Kiểm tra quyết tâm :
Khi tham dự Thánh Lễ trong tuần qua, các em có tham dự cách tích cực : cùng thưa kinh, ca hát chung với cộng đoàn không?
2. Dẫn vào Lời Chúa
Vào thế kỷ XVI, ở đảo Greenland có một cuộc bách hại tôn giáo rất gắt gao. Tất cả các linh mục người thì bị giết chết, người thì bị đuổi đi, không còn ai ở lại trên hòn đảo rộng lớn này. Trong suốt 50 năm tiếp theo cũng không có lấy một linh mục nào được tới đây, vì thế cũng không có thánh lễ. Sau 50 năm dài trôi qua, chỉ còn lại rất ít người Công Giáo sống rải rác trên khắp hòn đảo, nhưng hằng năm cứ vào dịp lễ Giáng Sinh, họ lại tụ tập nhau trong một ngôi nhà nhỏ phủ đầy tuyết để dọn lòng mừng Chúa Giáng Sinh.
Sau khi mọi người đã tới đầy đủ, họ bắt đầu giờ canh thức mừng Chúa ra đời. Họ đọc kinh chung với nhau, và một ông già đứng lên, đi đến một cái tủ và kính cẩn lấy ra một tấm vải vuông lớn. Trước kia tấm vải này rất trắng, nhưng sau 50 năm, giờ đây tấm khăn đã cũ kỹ và ngả ra màu vàng ố. Tấm khăn này được các tín hữu ở đây nâng niu, kính cẩn vì đó là chiếc khăn thánh. Cách đây 50 năm được dùng để lót dưới Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong mỗi Thánh lễ.
Lúc này ông già cầm lấy tấm khăn, đưa lên cao cho mọi người xem, ông nói với họ bằng một giọng nói đơn sơ và đầy lòng yêu mến:
– Anh em thân mến, 50 năm trước đây, Thánh lễ cuối cùng đã được cử hành tại nơi này, chính tôi đã giúp lễ hôm ấy. Chúng ta hãy quỳ gối và tạ ơn Thiên Chúa vì thánh tích này (Ý nói về chiếc khăn) đã hân hạnh chạm đến Mình Máu Chúa Kitô, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được có linh mục để dâng lễ cho chúng ta.
Không ai cầm được nước mắt, họ quỳ xuống và cầu nguyện với tất cả tâm tình yêu mến và ước ao được rước Chúa hằng ngày trong Thánh lễ.
Các em thân mến, đó là cách biểu lộ lòng yêu mến, tôn thờ và khao khát Chúa của các tín hữu tại Greenland đã làm chúng ta rất cảm động. Hôm nay, chúng ta cùng nhau học hỏi thêm về Phụng vụ để thờ phượng Thiên Chúa cách ý thức hơn, như lời thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Côlôsê sau đây.
Mời các em đứng lên, chúng ta cùng lắng nghe.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Cl 3, 16-17
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa
– Lời chúa các em vừa nghe của thánh nào? Gửi cho ai? (Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côlôsê).
-Thánh Phaolô khuyên tín hữu Côlôsê điều gì? (Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan).
– Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết phải làm gì để tỏ lòng biết ơn Chúa? (Hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh vịnh, Thánh thi và Thánh ca).
– Khi ta hát ca tôn thờ Chúa, ai sẽ soi sáng cho chúng ta? (Chúa Thánh Thần).
– Thánh Phaolô còn nói với chúng ta điều gì nữa? (Chúng ta hãy làm mọi sự nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha).
Qua đoạn thư trên, Thánh Phaolô cho ta biết về hình ảnh về sinh hoạt Phụng vụ của cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi: nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà ca hát chúc tụng Thiên Chúa và nhờ Chúa Giêsu mà dâng lên Thiên Chúa Cha lời cảm tạ.
Trong Phụng vụ, toàn bộ lời cầu nguyện của Hội Thánh đều dẫn chúng ta vào trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy giờ đây, chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm ta được kết hiệp mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa trong Phụng vụ như thế nào nhé.
2. Giải thích câu hỏi thưa
* Đọc chung câu 1:
1- H. Có mấy thứ phụng vụ?
T. Chỉ có một Phụng vụ duy nhất, cử hành cùng một mầu nhiệm Vượt qua ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên về cách cử hành thì có những nét khác nhau tuỳ theo truyền thống và văn hoá của cộng đoàn địa phương.
Các em thân mến, có hai ông bà già người Việt Nam sang sống tại Hoa Kỳ. Vì không biết tiếng Mỹ nên mỗi lần đi dự lễ, hai ông bà không biết thưa kinh làm sao. Về sau hai ông bà cứ thưa lại bằng tiếng Việt.
Các em có biết tại sao hai ông bà già này đọc tiếng Việt trong khi cả nhà thờ người ta đọc bằng tiếng Mỹ mà vẫn được không?
* Bởi vì ở khắp nơi trên thế giới này, khi Hội Thánh cử hành Thánh lễ là cử hành cùng một mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô.
* Tuy nhiên, tùy theo mỗi thời đại, tùy theo truyền thống và văn hoá của mỗi dân tộc mà cách cử hành có những nét khác nhau như:
– Vào một nhà thờ đang giờ lễ cách đây khoảng 40 năm thì ta sẽ hết sức bỡ ngỡ vì thấy linh mục không quay xuống giáo dân nhưng ngài quay lên và làm lễ bằng tiếng La tinh. Chú giúp lễ cũng thưa kinh bằng tiếng La tinh!
– Ngày nay trong thánh lễ, linh mục quay xuống giáo dân hay quay lên ? (Quay xuống). Trong Thánh lễ, linh mục chủ sự và chúng ta đọc, thưa kinh, hát lễ bằng tiếng gì? (Tiếng Việt).
Từ sau Công đồng Vatican II, mỗi dân tộc dâng lễ, thưa kinh, ca hát bằng tiếng của dân tộc mình.
Để hiểu rõ hơn tại sao chỉ có một Phụng vụ duy nhất mà cách cử hành lại có những nét khác nhau, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về Phụng vu.
Phụng vụ có 2 yếu tố : yếu tố thần linh và yếu tố nhân loại.
· Yếu tố thần linh : do Thiên Chúa thiết lập. Đây là phần cố định, Hội Thánh phải gìn giữ chứ không được thay đổi. Ví dụ: Phần Truyền Phép.
· Yếu tố nhân loại : do Hội Thánh quyết định. Đây là phần Hội Thánh được sửa đổi để thích nghi với từng thời đại, với nền văn hóa của từng dân tộc hầu mang lại nhiều ơn ích hơn cho các tín hữu. Ví dụ : Linh mục dâng lễ quay xuống hay quay lên, đọc thưa kinh, hát bằng tiếng Do Thái, La tinh, tiếng Việt, tiếng Anh …
Tóm lại: Do truyền thống và văn hóa của từng dân tộc, cách cử hành có những nét khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Phụng vụ duy nhất, cử hành cùng một mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô chịu chết và sống lại.
* Đọc chung câu 2:
2- H. Sinh hoạt Phụng vụ kết hợp thế nào với hoạt động toàn diện của Hội Thánh?
T. Sinh hoạt Phụng vụ tiếp nối hoạt động truyền giáo của Hội Thánh, giúp tín hữu thấm nhuần giáo lý Chúa Kitô và hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi trong cộng đoàn Hội Thánh.
– Sinh hoạt Phụng vụ tiếp nối hoạt động truyền giáo :
Qua hoạt động truyền giáo, nhiều người tin Chúa được chịu Phép Rửa tội, tham dự vào các sinh hoạt Phụng vụï như tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, kinh nguyện…. Chính các sinh hoạt Phụng vụ này giúp họ thấm nhuần Lời Chúa hơn, hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi trong cộng đoàn Hội Thánh.
– Sinh hoạt Phụng vụ giúp cho việc truyền giáo :
Muốn giới thiệu Chúa cho người khác chúng ta phải hiểu biết và yêu mến Chúa. Chính các sinh hoạt phụng vụ trong Hội Thánh sẽ giúp chúng ta có được điều đó.
Tóm lại: – Sinh hoạt phụng vụ tiếp nối hoạt động gì của Hội Thánh?
(Truyền giáo).
– Tại sao lại tiếp nối sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh? (Vì giúp tín hữu thấm nhuần giáo lý Chúa Kitô và hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa).
* Đọc chung câu 3:
3- H. Trong Phụng vụ ta tôn thờ Chúa Cha thế nào?
T. Trong Phụng vụ, ta tuyên xưng và tôn thờ Chúa Cha là nguồn mạch mọi phúc lành mà Ngài ban cho ta nơi Con Ngài.
– Thánh Phaolô đã dạy chúng ta phải làm gì để tỏ lòng biết ơn Chúa? –“Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh vịnh, Thánh ca do Thần Khí linh hứng (Cl 3, 16). Anh em có làm gì, nói gì thì hãy làm, hãy nói nhân Danh Chúa Giêsu và nhờ Ngài mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 17).
– Trong Thánh Lễ, kết thúc phần Kinh Nguyện Thánh Thể và trước khi đọc kinh Lậy Cha, cha chủ tế nâng cao Mình và Máu Chúa Kitô lên cao và đọc câu gì ? (Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô mà mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toán năng đến muôn thuở muôn đời. Amen)
– Như vậy, qua hai câu Kinh Thánh và phần tung hô trong Thánh Lễ trên thì trong Phụng vụ, mọi lời chúc tụng, tạ ơn đều quy hướng về ai ? (Trong Phụng vụ, mọi lời chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn đều qui hướng về Chúa Cha, là nguồn mạch mọi phúc lành mà Ngài ban cho ta nơi Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô).
Tóm lại: – Trong Phụng vụ, ta tuyên xưng và tôn thờ ai? (Chúa Cha).
– Chúa Cha ban mọi ân phúc cho ta qua ai? (Chúa Giêsu).
* Đọc chung câu 4:
4- H. Chúa Kitô giữ vai trò nào trong Phụng vụ? (SGLC 1085, 1088, 1089)
T. Chúa Kitô là Linh mục Tối cao, đứng đầu Hội Thánh để tôn vinh Chúa Cha. Ngài hiện diện trong Hội Thánh để cử hành Phụng vụ và được Hội Thánh kêu cầu như Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.
– Chúa Kitô là Linh Mục Tối cao, đứng đầu Hội Thánh để tôn vinh Chúa Cha.
*Cử hành Thánh Lễ là để làm cho điều gì hiện diện? (Làm cho việc Chúa Giêsu Kitô chịu chết và sống lại hiện diện để cứu độ chúng ta).
*Như vậy, Thánh Lễ đầu tiên được cử hành ở đâu và do ai cử hành? (Thánh Lễ đầu tiên được cử hành trên cây Thánh Giá và do chính Chúa Giêsu Kitô, linh mục tối cao cử hành).
*Trong các Thánh Lễ ngày nay, Chúa Giêsu còn cử hành không? (Có).
*Như thế thì các linh mục cử hành Thánh Lễ hằng ngày thì sao? (Các ngài cử hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là đại diện Chúa Kitô, thay mặt Chúa Kitô. Linh mục chủ tế đích thật và tối cao là Chúa Giêsu Kitô, Ngài đứng đầu Hội Thánh tế lễ tôn vinh Chúa Cha).
– Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Hội Thánh để cử hành Phụng vụ.
*Ngài hiện diện nơi vị chủ tế cử hành Thánh Lễ.
*Ngài hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể.
*Ngài hiện diện nơi các Bí tích, nơi người cử hành bí tích.
*Ngài hiện diện nơi Lời Chúa …
– Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.
Tại sao ?
*Vì Ngài vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.
(x. Ga 1, 1. 14;Dt 1, 2: 1Tm 2, 5).
*Thư Do Thái viết rằng: “Người là trung gian của một Giao ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu của Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9, 15).
Tóm lại: Trong phụng vụ Chúa Kitô giữ vai trò gì?
(Linh mục tối cao, là Đầu Hội Thánh, Đấng trung gian duy nhất)
* Đọc chung câu 5:
5- H. Chúa Thánh Thần làm gì trong Phụng vụ?
T. Chúa Thánh Thần làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô trở thành sống động nơi ta trong hiện tại, khơi dậy lòng tin và giúp ta được sẵn sàng gặp gỡ Chúa Kitô trong mầu nhiệm ấy.
– Em nào còn nhớ trong bài 1, mười ngày sau lễ Chúa Giêsu lên trời thì đến lễ gì? (Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống).
– Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã hứa ban ai cho các tông đồ? (Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, để Ngài ở cùng Hội Thánh cho đến tận thế).
-Trước mỗi công việc, nhất là trong cử hành Phụng vụ, chúng ta thường cầu xin với ai? (Chúa Thánh Thần).
– Khi tham dự Thánh lễ, trước khi đọc lời truyền phép bánh và rượu, các em thấy linh mục giơ tay trên lễ vật và đọc lời nguyện xin gì? (Xin ban Chúa Thánh Thần).
Đây là lời nguyện Vị chủ tế dâng lên Chúa Cha, để xin Người cử Thánh Thần Thánh hoá đến làm cho lễ vật trở thành Mình Máu Chúa Kitô, và làm cho các tín hữu trở nên của lễ sốâng động dâng lên Thiên Chúa khi họ rước Mình và Máu Thánh.
Như vậy, trong Phụng vụ khi Hội Thánh cử hành Thánh lễ, Chúa Thánh Thần làm cho mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Kitô trở thành sống động trong hiện tại, khơi dậy lòng tin và giúp ta được sẵn sàng gặp gỡ Chúa Kitô trong mầu nhiệm ấy.
Tóm lại, bài học hôm nay cho ta biết chỉ có một phụng vụ duy nhất, bắt nguồn từ Ba Ngôi Thiên Chúa nhằm thiết lập mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa để tôn vinh Chúa và thánh hóa con người.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình
Các em thân mến, mỗi khi chúng ta tham dự Phụng vụ, đặc biệt trong Thánh lễ, Chúa Thánh Thần giúp khơi dậy lòng tin nơi ta, để ta sẵn sàng gặp gỡ Chúa Kitô, kết hiệp mật thiết với Ngài trong mầu nhiệm Vượt qua, để cùng với Ngài dâng lên Chúa Cha lời ngợi khen, cảm tạ và tôn vinh. Với lòng yêu mến và biết ơn, anh (chị) mời các em đứng lên, chúng ta cùng dâng lên Chúa những tâm tình cầu nguyện tha thiết nhất:
2. Lời nguyện.
Lạy Chúa Kitô là Tư tế muôn đời, chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho dân Chúa chức vụ tư tế. Xin cho chúng con biết không ngừng dâng đời sống chúng con làm của lễ thiêng liêng đẹp lòng Chúa Cha. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT
VII. BÀI TẬP
Em hãy trả lời đúng hoặc sai những câu sau đây:
1. Chỉ có một Phụng vụ duy nhất, cử hành cùng một mầu nhiệm Vượt Qua ở khắp mọi nơi.
Đúng – Sai (Đúng)
2. Trong Phụng vụ, Chúa Kitô là Linh mục tối cao, đứng đầu Hội Thánh để tôn vinh Chúa Cha.
Đúng – Sai (Đúng)
3. Trong Phụng vụ, Chúa Thánh Thần được Hội Thánh kêu cầu như Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.
Đúng – Sai (Sai).
4. Ngôi thứ mấy làm cho Mầu nhiệm Chúa Kitô sống động trong hiện tại? (Ngôi thứ ba : Chúa Thánh Thần).
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Tuần này, mỗi khi tham dự Thánh lễ, với ơn Chúa Thánh Thần, em hãy cùng với Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha lời ngợi khen, cảm tạ vì biết bao ơn lành Chúa Cha đã ban cho ta, đặc biệt ơn cứu độ mà em nhận được qua Thánh Lễ.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa về những ơn lành Chúa đã ban cho chúng con trong giờ học vừa qua. Chúng xin dâng Chúa những ngày sắp tới, xin Chúa ban ơn soi sáng, giúp chúng con được cùng với Chúa Kitô dâng lên Cha tâm tình ngợi khen, cảm tạ của chúng con. Chúng con nguyện xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.
CÂU HỎI CHO HỌC SINH
Bài 3: HỘI THÁNH THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA(3)
Anh em hãy đem hết tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi, thánh ca do Thánh Thần linh ứng. (x.Cl 3,16-17)
1-H. Có mấy thứ phụng vụ?
T. Chỉ có một phụng vụ duy nhất, cử hành cùng một mầu nhiệm Vượt qua, ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên về cách cử hành thì có những nét khác nhau tùy theo truyền thống và văn hóa của cộng đoàn địa phương.
2-H. Sinh hoạt Phụng vụ kết hợp thế nào với hoạt động toàn diện của Hội thánh?
T. Sinh hoạt phụng vụ tiếp nối hoạt động truyền giáo của Hội thánh, giúp tín hữu thấm nhuần giáo lý Chúa Ki-tô và hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi trong cộng đoàn Hội thánh, để phát sinh nhiều hoa trái.
3-H. Trong Phụng vụ, ta tôn thờ Chúa Cha thế nào?
T. Trong Phụng vụ, ta tuyên xưng và tôn thờ Chúa Cha là nguồn mạch mọi phúc lành mà Ngài ban cho ta nơi Con Ngài.
4-H. Chúa Ki-tô giữ vai trò nào trong Phụng vụ?
T. Chúa Ki-tô là Linh mục tối cao, đứng đầu Hội thánh để tôn vinh Chúa Cha. Ngài hiện diện trong Hội thánh để cử hành phụng vụ và được Hội thánh kêu cầu như Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.
5-H. Chúa Thánh Thần làm gì trong Phụng vụ?
T. Chúa Thánh Thần làm cho mầu nhiệm Chúa Ki-tô trở thành sống động nơi ta trong hiện tại, khơi dậy lòng tin và giúp ta được sẵn sàng gặp gỡ Chúa Ki-tô trong mầu nhiệm ấy.