– Lời Chúa : Lc 10, 21-22
– Ý chính: Nhờ Chúa Giêsu mà ta được đến với Thiên Chúa và gọi Người là Cha.
– Giáo cụ trực quan: Bức tranh Người cha nhân hậu (Số 85).
I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự xuống trên mỗi người chúng con, xin chúc lành cho giờ học của chúng con. Để nhờ ơn Chúa giúp, chúng con cảm nhận được tình yêu của Chúa Cha đối với chúng con và chúng con thêm lòng yêu mến Chúa Cha nhiều hơn. Amen.
Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm
+ Ôn bài cũ :
– Để sống yêu thương người khác như Chúa đã dậy chúng ta, chúng ta cần phải làm gì? (Quan tâm, lo lắng đến những điều liên hệ tới người khác).
– Để tránh gây khó chịu cho người ta quan tâm tới ta phải làm gì? (Ta cần phải tế nhị, kín đáo, âm thầm khi giúp đỡ họ).
– Là người Kitô hữu, ta cần phải quan tâm tới ai nữa? (Tới ích chung của Hội Thánh, tới công cuộc của Chúa Kitô nữa).
+ Kiểm tra quyết tâm :
Trong tuần qua, các em có quan tâm tới các bạn có hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn và cố giúp đỡ một điều gì rất cần thiết như nói lời an ủi, khích lệ, hòa nhã, giúp một cây bút, một cuốn vở…đối với các bạn ấy không?
2. Dẫn vào Lời Chúa
Tại một giáo xứ kia có một bà già nổi tiếng đạo đức. Một hôm đi kinh lý, Đức Giám mục giáo phận ghé thăm bà. Ngài hỏi:
– Bà thường đọc sách đạo đức nào?
– Thưa Đức Cha, con không biết đọc!
– Người ta bảo bà đạo đức lắm cơ mà?
– Thưa Đức Cha, con chỉ biết đọc kinh Lạy Cha, mà con thường không đọc hết kinh!
– Bà không thuộc hết, hay không có ai đọc với bà?
– Không phải thế, thưa Đức Cha, con thuộc chứ ! Nhưng khi con vừa đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, con không đọc tiếp được vì một bà già khốn nạn quê mùa, dốt nát như con lại được gọi Thiên Chúa là Cha và nhất là được làm con Chúa! Điều này làm con rất cảm động! Rồi qua kinh Lạy Cha, con lại được biết con có tất cả mọi người là anh chị em! Ôi sung sướng vô ngần, phải không Đức Cha?
– Đúng vậy! Bà cứ tiếp tục cầu nguyện với kinh Lạy Cha như thế nhé!
Bà già quê mùa, không biết chữ, chỉ biết cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha với tất cả tấm lòng hiếu thảo và biết ơn Cha trên trời.
Các em cũng vậy, các em cũng hãy nhớ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha nhé! Nhưng để cầu nguyện sốt sắng, chúng ta cần học biết xin những ơn gì khi đọc kinh Lạy Cha. Mời các em đứng lên cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Lc 10, 21-22
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa
– Qua đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe, có ai nhớ Chúa Giêsu đã vui mừng thưa với Chúa Cha làm sao không? (giúp các em trả lời).
– Chúa Giêsu còn nói không ai biết được Chúa Cha chỉ trừ một người, đó là ai? (là Chúa Giêsu).
– Còn có ai được biết Chúa Cha nữa không? (những người được Chúa Giêsu mạc khải cho).
Các em thân mến, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng, chúng ta không thể biết được Thiên Chúa là Cha, nếu không được Chúa Con dạy cho biết. Đây là một ơn cao trọng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, nhưng để xứng đáng với ơn phúc này, mỗi người chúng ta phải có tâm hồn đơn sơ, bé nhỏ vì Thiên Chúa ưa thích những người khiêm nhường.
Chúng ta sẽ tìm hiểu về ơn được biết và được gọi Thiên Chúa là Cha ở phần bài học dưới đây.
2. Giải thích các câu hỏi thưa
* Đọc chung câu 1:
1- H. Nhờ đâu ta được đến với Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha?
T. Nhờ Đức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa làm người, đã mạc khải cho ta và đã ban Thánh Thần của Ngài cho ta để ta được sinh lại làm con Thiên Chúa.
– Khi các cha thừa sai đến nước Việt Nam mình để rao giảng Lời Chúa, các cha là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp… Vì thế, trước tiên các Ngài phải học tiếng gì để có thể nói chuyện và hiểu được dân mình, mới có thể rao giảng về Thiên Chúa cho dân Việt Nam mình được? (Tiếng Việt Nam).
– Cũng tương tự như thế, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người ở cùng chúng ta, để dạy cho loài người chúng ta biết Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta. Chúa còn ban ơn Thánh Thần cho ta để ta được sinh lại làm con Thiên Chúa. Vậy Chúa Giêsu ban Thánh Thần cho ta khi nào? (Khi ta lãnh nhận bí tích Rửa tội, ta được sinh lại vào đời sống mới, là được làm con Thiên Chúa).
Tóm lại: – Ta được đến với Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha là nhờ đâu? (Nhờ Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải và ban Thánh Thần cho ta qua bí tích Rửa tội).
* Đọc chung câu 2:
2- H. Được nguyện kinh Lạy Cha và được ơn sống đời làm con Thiên Chúa ta ước ao và quyết tâm điều gì?
T. Ta ước ao được nên giống Cha trên trời là Đấng nhân từ thánh thiện và quyết tâm luôn sống khiêm nhường phó thác trong tay Cha.
(GLV giới thiệu bức tranh “Người cha nhân hậu”)
Các em có nhớ dụ ngôn “Người cha nhân hậu” không?
– Người con nào đã đòi cha chia gia tài? Và đã làm gì? (Người con thứ đã đòi chia gia tài và đã bỏ nhà ra đi phung phí hết tiền bạc).
– Sau đó, anh bị làm sao và đã quyết định thế nào? (Anh bị đói và đã quyết định trở về nhà xin làm công cho cha).
Từ ngày anh bỏ nhà ra đi, ngày nào người cha cũng đứng trông anh về, nên anh mới còn ở đằng xa, cha anh đã trông thấy, ông chạy ra đón và ôm anh vào lòng, ông đã mở tiệc ăn mừng vì anh đã trở về nhà cha, ông chẳng còn nghĩ gì đến tội lỗi của anh nữa.
Các em thân mến! Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha rất nhân từ và thánh thiện. Chúng ta là những người con tội lỗi mà được gọi Thiên Chúa là Cha, vậy chúng ta cũng phải sống sao cho xứng đáng với tình thương của Chúa đã dành cho chúng ta phải không các em. Để được như thế mỗi lần đọc kinh Lạy Cha chúng ta phải có những tâm tình sau:
– Ước muốn được trở nên giống Cha trên trời: thể hiện qua việc hoán cải đời sống.
– Quyết tâm sống khiêm nhường, phó thác trong tay Cha: Tâm tình này được biểu lộ qua việc chúng ta sống đơn sơ, bé nhỏ và hoàn toàn tin tưởng, phó thác đời sống ta trong tay Cha nhân từ. Vì Chúa Giêsu đã nói: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao? ” (Mt 6, 26).
Tóm lại:
– Khi đọc kinh Lạy Cha, ta ước ao điều gì? (Ước ao nên giống Cha trên trời).
– Và ta quyết tâm sống thế nào? (Sống khiêm nhường, phó thác trong tay Cha).
* Đọc chung câu 3:
3- H. Khi nguyện lời “Lạy Cha chúng con” ta cần nhớ điều gì?
T. Ta nhớ mình thuộc về gia đình con cái Thiên Chúa và là dân của Giao ước mới, có sứ mạng hợp nhất hết mọi người, nên ta cần mở rộng tấm lòng yêu thương và loại trừ mọi tị hiềm chia rẽ.
– Ở trong gia đình các em, từ anh chị lớn đến em bé út trong nhà khi nói về bố mẹ, chúng ta thường nói thế nào? (bố mình, mẹ mình…). Ví dụ: Bố mình mới đi làm về…Và bố mẹ thường dạy các con phải biết yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau phải không các em?
Từ hình ảnh gia đình thân yêu của mình, chúng ta hãy hướng tới gia đình con cái Thiên Chúa nhé:
– Khi nguyện lời “Lạy Cha chúng con”, chúng ta ý thức rằng mình thuộc về gia đình nào? (Gia đình con cái Thiên Chúa, và là dân của giao ước mới).
– Những ai thuộc về gia đình con cái Chúa? (Tất cả những ai được tái sinh bởi nước và Thánh Thần).
– Trong gia đình con cái Thiên Chúa này, mọi người gọi Thiên Chúa là gì? [Là Cha (SGLC số 2790)].
– Vì là con một Cha nên mọi người đều là gì của nhau ? (Là anh em với nhau).
Do đó, mỗi người chúng ta đều có sứ mạng hiệp nhất với hết mọi người. Ta cũng cần mở rộng tấm lòng để yêu thương hết mọi người và loại trừ mọi hận thù, chia rẽ.
Tóm lại:
– Khi nguyện lời “Lạy Cha chúng con” ta nhớ mình thuộc về gia đình nào và là dân nào? (Gia đình con cái Thiên Chúa và là dân của giao ước mới).
– Là con một Cha trên trời, chúng ta phải sống như thế nào với nhau? (yêu thương nhau…).
* Đọc chung câu 4:
4- H. “Lạy Cha chúng con ở trên trời” nghĩa là gì?
T. Không có nghĩa là Thiên Chúa ngự một nơi nào đó trong không trung, nhưng có nghĩa là Ngài đầy uy nghi, cao cả và nơi Ngài ngự chính là nhà ta, là quê hương đích thực ta đang tiến về.
Có một phi hành gia người Mỹ, khi bay lên vũ trụ, được ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của các vì sao, của vũ trụ vạn vật, ông đã cất lời ca ngợi Thiên Chúa. Khi trở về trái đất, người ta hỏi ông về cảm tưởng chuyến bay, ông trả lời:
– Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa qua công trình sáng tạo của Ngài, đó là vẻ đẹp của vũ trụ bao la, của các vì sao trên bầu trời.
Đúng vậy, con người có thể nhận biết Thiên Chúa nhờ nhìn xem vũ trụ vạn vật: bầu trời bao la, biển cả, sông ngòi, khe suối, núi non… vì Ngài là tác giả của vũ trụ vạn vật.
* Thiên Chúa có ngự riêng tại một nơi nào đó, như trên không trung mà Ngài đã dựng nên không? (Không).
* Vì sao? (Vì Ngài vượt trên tạo vật Ngài đã dựng nên).
* Vậy tại sao kinh Lậy Cha lại nói Ngài ở trên trời?
Khi Chúa Giêsu dậy ta Chúa Cha ở trên trời, Ngài muốn nói Chúa Cha là Đấng cao cả, thánh thiện, quyền năng, vượt trên mọi thọ tạo. Vì vậy khi nói Chúa Cha ở trên trời, Chúa Giêsu muốn nói tới sự hiện diện của Chúa Cha, một thứ hiện diện vô hình, con mắt thịt của ta không thấy được, nhưng ân cần, một sự hiện diện ôm ấp cả thế gian: chim trời (x. Mt 6, 26), người thanh thiện và người tội lỗi(Mt 5, 45), bằng lòng nhân lành vô bờ của Ngài (x. Mt 7, 11). Chúa Cha chính là Trời, là nhà của của Chúa Giêsu và của ta, là quê hương của Chúa Giêsu và của ta.
Vì thế, khi nguyện lời “Lạy cha chúng con ở trên trời” không có nghĩa là Thiên Chúa ngự ở nơi nào đó trên không trung, nhưng có nghĩa là Ngài đầy uy nghi cao cả và nơi Ngài ngự chính là nhà ta, là quê hương đích thực ta đang tiến về.
Tóm lại, bài học hôm nay cho ta biết là nhờ Chúa Giêsu mà ta được đến với Thiên Chúa, trở nên con Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là Cha.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình
Các em thân mến! Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chúa còn ban ơn Thánh Thần để ta có thể gọi Thiên Chúa một cách thân thương, trìu mến: “Abba! Cha ơi! Lạy Cha!”. Với ơn cao trọng mà Cha trên trời đã ban, chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng là con cái Ngài và chúng ta hãy mạnh dạn tin tưởng, phó thác cuộc sống ta cho Ngài nghe các em.
Bây giờ, anh (chị) mời các em đứng lên, chúng ta sốt sắng dâng lên Cha của chúng ta ở trên trời bằng chính lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta :
2. Lời nguyện
Lạy Cha chúng con ở trên trời…
VI. SINH HOẠT
VII. BÀI TẬP
Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất.
- Ta được đến với Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha nhờ:
a. Chúa Cha.
b. Đức Giêsu Kitô.
c. Đức Mẹ Maria.
(câu b)
- Khi nguyện lời “Lạy Cha chúng con”, ta cần nhớ mình:
a. Thuộc về gia đình con cái Thiên Chúa.
b. Là dân của giao ước mới.
c. Hiệp nhất và yêu thương mọi người.
d. Cả 3 câu đều đúng.
(câu d)
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Để nhớ rằng mọi người đều là con một Cha trên trời, tuần này em quyết tâm yêu mến mọi người : không đánh nhau, cãi nhau nhưng nghĩ tốt, nói tốt và làm việc tốt cho người khác.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã thương ban ơn soi sáng, gìn giữ chúng con trong giờ học vừa qua. Chúng con xin dâng đời sống chúng con cho Chúa, xin Chúa giúp chúng con luôn ý thức được được rằng tất cả chúng con đều là con của Cha trên trời và là anh em với nhau, để chúng con biết mở rộng lòng ra với hết mọi người mà sống yêu thương nhau hơn. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.
CÂU HỎI CHO HỌC SINH
Bài 6: LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI
“Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha!”. (x.Lc 14, 22-23)
1-H. Nhờ đâu ta được đến với Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha?
T. Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Con Thiên Chúa làm người, đã mặc khải cho ta và đã ban Thánh Thần của Ngài cho ta để ta được sinh lại làm con Thiên Chúa.
2-H. Được nguyện kinh Lạy Cha và được sống đời làm con Thiên Chúa, ta ước ao và quyết tâm điều gì?
T. Ta ước ao được nên giống Cha trên trời là Đấng nhân từ thánh thiện và quyết tâm sống khiêm nhường phó thác trong tay Chúa.
3-H. Khi nguyện lời “Lạy Cha chúng con”, ta cần nhớ điều gì?
T. Ta nhớ mình thuộc về gia đình con cái Thiên Chúa và là dân của giao ước mới, có sứ mạng hợp nhất hết mọi người, nên ta cần mở rộng tấm lòng yêu thương và loại trừ mọi tị hiềm, chia rẽ.
4-H. “Lạy Cha chúng con ở trên trời” nghĩa là gì?
T. Không có nghĩa là Thiên Chúa ngự một nơi nào đó trong không trung, nhưng có nghĩa là Ngài đầy uy nghi cao cả và nơi Ngài ngự trị chính là nhà ta, là quê hương đích thực ta đang tiến về.