I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để Ngài soi sáng, dạy dỗ giúp chúng con hiểu sâu xa hơn về người Mẹ của chúng con là Hội Thánh.
Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA: “Niềm tin và hiệp nhất” (Bông lúa vàng, trg. 107)
Sau thế chiến thứ hai, tại một khu đất rộng lớn gần thành phố Cracovie bên Ba lan, nhà nước cộng sản thời bấy giờ đề ra một phương án xây cất 1 khu phố được đặt tên là thành phố mới.
Theo ý định nguyên thủy của ban thiết kế xây dựng đô thị thì đây phải là 1 khu phố vắng bóng Thiên Chúa, vì phương án sẽ không dành một khoảng, dù là nhỏ nhất, miếng đất nào để xây cất nguyện đường. Dân chúng Balan vốn có một tâm tình tôn giáo sâu sa không thể chấp nhận sự kiện ấy. Vì thế, ở một khoảng đất trống ven thành phố mới, họ dựng lên một Thánh giá. Vào những Chúa Nhật và những ngày lễ, hàng ngàn người tụ tập nhau tại đó để cử hành những nghi lễ phụng vụ, họ bất chấp cái nắng cháy của mùa hè và cái lạnh buốt xương của mùa đông. Rồi luôn trong 10 năm dài họ đệ đơn thỉnh nguyện được phép xây cất 1 nhà thờ ngay tại đây. Cuối cùng, sự kiên nhẫn và quyết tâm của họ đạt được kết quả. Nhà nước cho phép họ xây nhà thờ với điều kiện họ phải hoàn toàn tự túc.
Phải cần đến hàng ngàn mét khối xi măng để xây nhà thờ mà ngân quỹ lại eo hẹp. Biết làm sao đây! Ban tổ chức nảy ra sáng kiến là huy động sự đóng góp của mỗi người, họ xin mọi người hãy đi tìm và vác về từng bao cát sỏi từ dòng sông. Sáng kiến này đã trở nên một bằng chứng đầy ý nghĩa rất có tình liên đới trong niềm tin. Từ khắp nơi, đá sỏi và các vật liệu xây dựng được gởi tới. Tin chuyển đến Rô-ma, Đức Phao-lô VI đã gởi đến cộng đoàn ấy 1 tảng đá to lấy từ đền thánh Phê-rô. Tảng đá này được dùng trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên. Khi sáng kiến này vượt Đại Tây Dương đến Hoa Kỳ, người ta đã gởi đến một viên đá được các phi hành gia lấy từ mặt trăng. Viên đá này được dùng để trang trí nhà Tạm.
Rồi nhiều năm trời xây cất vất vả trôi qua. Cuối cùng 1 ngôi thánh đường xinh đẹp và đồ sộ được hoàn thành như một biểu tượng của niềm tin và sự chung tay góp sức của mọi người.
Các em thân mến,
Tâm tình tôn giáo sâu xa của dân chúng Balan qua việc siêng năng cử hành Phụng vụ, kiên trì cầu nguyện, và đồng tâm xây dựng ngôi thánh đường trong câu chuyện trên làm chúng ta nhớ đến cuộc sống của Hội Thánh sơ khai mà sách Công vụ Tông đồ đã ghi lại.
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA: Cv 2, 42 – 47
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:
1. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:
Sách Công vụ Tông đồ còn được gọi là gì? (Tập nhật ký của Hội Thánh thuở ban đầu)
-Tác giả và thời gian biên soạn? Do thánh Lu-ca viết khoảng năm 80.
Chúng ta vừa nghe trích Cv 2, 42-47. Cv 2,41 kể lại: sau bài giảng của thánh Phê-rô trong ngày lễ ngũ tuần, những người nghe ngài giảng đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng 3000 người theo đạo. Số người Do Thái chịu phép rưả hôm ấy không phải chỉ gồm những người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem nhưng từ khắp bốn phương thiên hạ trở về ( Cv 2,5-11). Đó là những người theo Đức Ki-tô, hợp thành Hội Thánh vì được chịu phép rửa bởi Chúa Thánh Thần (1,5). Hội Thánh sơ khai ngày càng phát triển dưới sự hướng dẫn của các Tông đồ. Nhưng cộng đoàn ấy đã sinh hoạt như thế nào? Sách Công vụ mô tả cách tổng quát những đặc điểm và lối sống của cộng đoàn với những đặc tính:
– Cộng đoàn hiệp thông (2,42)
– Cộng đoàn chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy(2,42)
– Cộng đoàn Phụng vụ (20,7-12)
– Cộng đoàn cầu nguyện.
Để hiểu rõ hơn về Hội Thánh sơ khai, chúng ta cùng nhau thảo luận đoạn Lời Chúa trên.
2. Các em học sinh thảo luận:
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một câu chuyện kể
a. Đoạn văn nói tới những nhân vật nào?
Các tín hữu, các Tông đồ, mọi người, toàn dân, Chúa, những người được cứu độ.
– Nhân vật chính: Các tín hữu
b. Câu tóm ý: câu 42
c. Đặt tựa đề ngắn: Đặc tính của dân Giao ước mới. Hoặc: Sinh hoạt của các tín hữu tiên khởi.
3. Bài học giáo lý:
Hội Thánh phát sinh từ cuộc Vượt qua của Chúa Ki-tô để tiếp tục và hoàn tất những gì Thiên Chúa đã khởi sự nơi Dân Do Thái ngày xưa.
Ngay từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, nơi cộng đoàn các tín hữu đầu tiên đã nổi bật 4 đặc tính: Duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền (Cv 2,42-47; 4,32-36; 5,12-16). Bốn đặc tính ấy nói lên bản chất sâu xa cũng như sứ mạng của Hội Thánh là Dân của Giao ước mới. Vậy Hội Thánh Duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu.
3. 1 Hội Thánh duy nhất:
Hội Thánh do Chúa Ki-tô thiết lập thì duy nhất vì Hội Thánh bắt nguồn từ một Thiên Chúa Ba Ngôi luôn duy nhất : Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Chúa Con nhập thể đã dùng Thập giá để hoà giải mọi người thành một Dân tộc và một Thân thể. Chúa Thánh Thần ngự trong lòng các tín hữu và liên kết tất cả trong Chúa Ki-tô cách mật thiết đến nỗi Người là nguyên lý hiệp nhất của Hội Thánh. Vì thế, thánh Phao-lô đã khuyên: “Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thánh Thần đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Ep 4,3).
Đâu là những mối dây liên kết tạo sự hiệp nhất trong Hội Thánh? Trên hết là đức ái: mối dây liên kết tuyệt hảo”. (Cl 3,14). Sự hiệp nhất của Hội Thánh lữ hành còn được bảo đảm bằng những dây liên kết hữu hình:
-Tuyên xưng một đức tin duy nhất nhận được từ các Tông đồ.
-Cử hành chung việc phụng tự dâng lên Thiên Chúa, nhất là các bí tích.
-Kế nhiệm các Tông đồ qua bí tích Truyền Chức Thánh để giữ gìn sự hoà hợp huynh đệ của gia đình Chúa.
Tuy nhiên, ngay từ buổi sơ khai, trong Hội Thánh độc nhất và duy nhất của Thiên Chúa, đã xuất hiện nhiều rạn nứt mà thánh Phao-lô đã nặng lời quở trách.
Trong các thời đại kế tiếp, phát sinh nhiều phân rẽ trầm trọng hơn và nhiều cộng đoàn đáng kể đã hoàn toàn ly khai khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh Công giáo (lạc giáo, bội giáo và ly giáo). Những đoạn tuyệt làm tổn thương sự hiệp nhất của Nhiệm thể Chúa Ki-tô. Trong đêm tiệc ly, chính Chúa Ki-tô đã tha thiết cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài được nên một (Ga 17, 20-23). Bởi vậy, tất cả mọi Ki-tô hữu đều có bổn phận duy trì, củng cố và hoàn thành sự hiệp nhất mà Chúa Ki-tô muốn cho Hội Thánh. Một cách cụ thể, mỗi Ki-tô hữu cần:
– Hoán cải nội tâm để sống phù hợp hơn với Tin Mừng.
– Cảm thông và hợp tác với nhau trong tình huynh đệ
– Siêng năng cầu nguyện cho Hội Thánh được hiệp nhất.
– Tóm ý: Hội Thánh duy nhất: Hội Thánh chỉ có một Chúa, tuyên xưng một đức tin, sinh bởi một Phép Rửa, họp thành một thân thể được Thánh Thần duy nhất làm sinh động, nhắm đến một niềm hy vọng duy nhất (x. Ep 4,3-5) sẽ kết thúc trong sự chấm dứt mọi chia rẽ.
3. 2 Hội Thánh thánh thiện:
Hội Thánh là “Dân Thánh của Thiên Chúa” và các thành viên của Hội Thánh được gọi là “Các thánh” (Cv 9,13; 1Cr 6,1) vì Hội Thánh là công cuộc của Thiên Chúa chí thánh để thánh hoá con người: Hội Thánh được Chúa Cha tuyển chọn, được Máu Chúa Ki-tô thanh tẩy, và được Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn mạch mọi sự thánh thiện hằng hướng dẫn. Nhờ kết hiệp với Đức Ki-tô, Hội Thánh được Người thánh hoá trong Đức Ki-tô và tôn vinh Thiên Chúa.
Tuy nhiên, trong Hội Thánh luôn có mặt những người tội lỗi vì Hội Thánh có sứ mạng qui tụ các tội nhân vào mình để thánh hoá họ. Bởi vậy, Hội Thánh luôn được mời gọi sám hối và không ngừng đổi mới đời sống theo Tin Mừng.
Mọi Ki-tô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự thánh thiện trọn hảo của Chúa Cha trong chính bậc sống của mình. (GH 11). Con đường nên thánh là con đường của đức ái: kết hiệp với Chúa Ki-tô và thực hiện những lời Ngài dạy một cách cụ thể ngay trong cuộc sống thường ngày. Ngước nhìn lên Đức Ma-ri-a và các thánh, nhất là các thánh trẻ bằng tuổi chúng ta như Đaminh Sa-vi-ô, Ma-ri-a Gô-rét-ti, Lu-y Gonzaga,… chúng ta sẽ thấy chiếu tỏa sự thánh thiện của Hội thánh.
-Tóm ý: Thiên Chúa chí thánh là Đấng sáng lập Hội thánh; Đức Ki-tô Phu Quân của Hội thánh đã hiến mình để thánh hoá Hội thánh; Thánh Thần ban cho Hội thánh sự sống thánh thiện. Dù bao gồm nhừng người tội lỗi, Hội thánh vẫn là “Cộng đoàn không tội lỗi của những người tội lỗi”. Nơi chư thánh, Hội Thánh chiếu tỏa sự thánh thiện của mình. Nơi Đức Ma-ri-a, Hội thánh đạt được “sự toàn thiện”.
3. 3 Hội Thánh Công giáo:
– Công giáo là gì?-“Công giáo” là “Phổ quát” theo nghĩa “toàn diện” hay “toàn vẹn”. Hội Thánh Công giáo theo 3 ý nghĩa:
. Một là toàn bộ chân lý đức tin được ủy thác cho Hội Thánh gìn giữ và loan truyền.
. Hai là nhờ sự hiện diện của Chúa Ki-tô, Hội Thánh tiếp nhận từ Người trọn vẹn các phương tiện cứu độ.
. Ba là Hội Thánh được Chúa Ki-tô sai đi rao giảng Tin Mừng cho toàn thể nhân loại (Mt 28,19)
+Những ai thuộc về Hội Thánh Công giáo?
Mọi người đều được mời gọi vào sự hiệp nhất Công giáo của Dân Thiên Chúa. Họ thuộc về hoặc hướng về sự hiệp nhất đó, dưới nhiều thể cách khác nhau:
. Trước hết là các Ki-tô hữu trong cộng đoàn Hội thánh hữu hình do Đức Giáo hoàng lãnh đạo. Tiếp đến là các Ki-tô hữu khác, nhờ đức tin và Phép Rửa, họ cũng được hiệp thông với Hội thánh Công giáo (SGLC 836-838).
. Những người chưa nhận biết Chúa Ki-tô nhưng vẫn tôn thờ Thiên Chúa hoặc ít là sống theo lương tâm ngay thẳng, thì cũng được liên kết với Hội thánh nhiều hay ít và nhớ đó mà được cứu độ. “Còn những ai chưa lãnh nhận Tin mừng, cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa” (GH. 16)
+ Là người Công giáo chúng ta có bổn phận truyền giáo bằng cách:
. Hy sinh cầu nguyện cho việc truyền giáo
. Làm chứng cho Chúa bằng cách sống theo những đòi hỏi của Tin mừng ngay tại nơi mình sống.
. Chăm học giáo lý và sống gắn bó với Chúa để có thể chia sẻ về Ngài cho người khác.
– Tóm ý: Hội thánh Công giáo là Hội thánh rao giảng đức tin trọn vẹn, tiếp nhận và quản lý đầy đủ các phương tiện cứu độ; Hội thánh được sai đến với mọi Dân tộc, Hội thánh ngỏ lời với tất cả mọi người, Hội thánh bền vững trong mọi thời đại, “Tự bản chất Hội thánh phải truyền giáo”.
3.4 Hội thánh tông truyền (GLCG 857)
Hội thánh tông truyền nghĩa là Hội thánh được xây trên nền tảng các Tông đồ theo 3 ý nghĩa:
-Hội thánh đã và đang được xây dựng trên “nền móng các Tông đồ”, là những chứng nhân đã được chính Đức Ki-tô tuyển chọn và sai đi;
-Hội thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần ở trong Hội thánh, gìn giữ và loan truyền giáo huấn, kho tàng quý báu, những lời lành mạnh do các Tông đồ giảng dạy. (x. 2Tm 1,13-14)
-Hội thánh tiếp tục được các Tông đồ giảng dạy, thánh hoá và hướng dẫn cho đến khi Đức Ki-tô trở lại nhờ những vị kế nhiệm các Ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục đoàn, với sự trợ giúp của các linh mục, hiệp nhất với Đấng kế nhiệm thánh Phê-rô là mục tử tối cao của Hội thánh (AG 5)
Vì thế, ta nhận ra đặc tính tông truyền của Hội thánh căn cứ vào sự kế nhiệm liên tục của các giám mục từ thời các Tông đồ đến nay.
Vậy ta có thể góp phần để tiếp nối truyền thống của các Tông đồ không?
Ta có thể tiếp nối truyền thống của các Tông đồ bằng ba cách:
-Một là gắn bó với giáo lý của các Tông đồ truyền lại
-Hai là vâng phục các chủ chăn trong Hội thánh,
-Ba là tích cực góp phần vào việc tông đồ.
– Tóm ý: Hội thánh tông truyền là Hội thánh được xây dựng trên nền móng vững chắc là “Mười hai Tông đồ của Con Chiên” (Kh 21,14), Hội thánh bất diệt, Hội thánh được gìn giữ không sai lầm trong chân lý : Đức Ki-tô điều khiển Hội thánh nhờ thánh Phê-rô và các Tông đồ khác mà những người kế nhiệm các Ngài là Đức Giáo hoàng và Giám mục đoàn.
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Hội thánh mà Chúa Ki-tô đã thiết lập thì “Duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền”. Lời tuyên xưng ấy nói lên bản chất sâu xa và sứ mạng của Hội thánh Chúa Ki-tô. Hội thánh có đầy đủ bốn đặc tính ấy là Hội thánh Công giáo do Đức Giáo hoàng ở Rô-ma lãnh đạo.
Là Ki-tô hữu chúng ta có bổn phận góp phần làm cho Hội thánh mỗi ngày một thể hiện trung thực và rõ nét hơn bản chất của mình, đúng như ý Chúa muốn.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1. Gợi tâm tình cầu nguyện:
Các em thân mến,
Trong kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền”.
Hội Thánh có đủ các đặc tính duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền ấy chính là Hội Thánh Công giáo do Đức giáo hoàng ở Rô-ma lãnh đạo cùng với các giám mục hiệp thông với Ngài. Thật hạnh phúc cho chúng ta vì đã được Chúa Ki-tô quy tụ chúng ta vào gia đình của Chúa là Hội Thánh. Chúng ta hãy sốt sắng dâng lời cầu nguyện.
2. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa, xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT: Băng reo : Các đặc tính của Hội Thánh
– GLV: Hội Thánh – TC : Duy nhất
– GLV: Hội Thánh – TC : Thánh thiện
– GLV: Hội Thánh – TC : Công giáo
– GLV: Hội Thánh – TC : Tông truyền.
– GLV: Sứ mạng củaHội Thánh – TC : Truyền giáo—-A…
VII. BÀI TẬP:
Em hãy tìm ở cột B một câu thích hợp với một câu ở cột A
Cột A | Cột B |
1. Hội Thánh duy nhất là: 2. Hội Thánh thánh htiện là:
3. Hội Thánh Công giáo là: 4. Hội Thánh tông truyền là: | a. Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ. b. Hội Thánh chỉ có một Chúa, tuyên xưng một đức tin, sinh bởi một Phép rửa. c. Hội Thánh bắt nguồn và sống trong Thiên Chúa Ba Ngôi. d. Hội Thánh có Đức Ki-tô hiện diện và được Ngài sai đến với toàn thể nhân loại. |
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?
Chúa Ki-tô đã thiết lập Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền.
2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?
– Siêng năng học giáo lý để biết về Chúa nhiều hơn và sống theo Lời Chúa, nhờ đó có thể chia sẻ cho người khác về Chúa.
– Mỗi ngày dâng một hy sinh để cầu nguyện cho việc truyền giáo.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con giờ học giáo lý hôm nay, nhờ đó chúng con hiểu rõ hơn bản chất sâu xa cũng như sứ mạng của Hội Thánh là Dân của Giao ước mới. Xin Chúa giúp chúng con thực hành điều quyết tâm để góp phần xây dựng Hội Thánh Chúa.