I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa giờ học hôm nay, xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập tâm hồn chúng con, giúp chúng con đón nhận lời dậy của Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Cha với tất cả lòng yêu mến của chúng con. Amen
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
Con gái ông K.Marx có lần đã thú nhận với người bạn của bà rằng: từ nhỏ, bà đã không được hướng dẫncho biết cóThiên Chúa, tôn giáo và tín ngưỡng. Chính bà cũng không hề cảm thấy có một tâm tình tôn giáo nào.Tuy nhiên, một ngày kia, tình cờ đọc được một lời kinh của người Kitô hữu,bà hằng mong ước những câu kinh ấy sẽ biến thành sự thực…Nghe nói thế, người bạn của bà không khỏi ngạc nhiên và hỏi: “ Kinh gì mà hay thế?”.Thay vì trả lời, người con gái của ông K.Marx chậm rãi đọc Kinh Lạy Cha. Vâng , đây là lời kinh của chính Đức Giêsu dạy các môn đệ và Hội thành.là lời kinh căn bản của Kitô giáo. Thánh Luca ghi lại bản Kinh Lạy Cha ngắn ( có 5 lời nguyện xin).Còn Thánh Matthêu ghi lại bản dài hơn ( có 7 lời nguyện xin ). Truyền thống phụng vụ của Hội thánh sử dụng bản văn Matthêu. Mời các em cùng lắng nghe bản kinh tuyệt hảo này.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA : Mt 6,9-13
-Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải đoạn Kinh thánh vừa công bố
-Đoạn Kinh thánh này của ai viết ? Matthêu ( Lêvi )
-Thời gian viết : khoảng năm 80
Kinh Lạy Cha gồm 3 phần chính :
– Lời mở đầu : “Lạy Cha chúng con ở trên trời” : hướng chúng ta lên Chúa và tập trung tất cả vào Người.
– Ba lời nguyện tôn vinh Danh Chúa, Nước Chúa, và Thánh ý của Người
– Bốn lời cầu xin cho những nhu cầu của con người : vật chất cũng như tinh thần, nài xin sự nâng đỡ của chúa để thắng vượt tội lỗi, các cơn cám dỗ và ác thần.
2. Các em học sinh thảo luận
Đoạn Tin mừng Mt 6,9-13 này là một bài giảng
a. Đoạn văn có những từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?
Cha chúng con, Danh Cha, triều đại Cha, ý cha,lương thực, tha tội, cám dỗ, sự dữ.
b. Câu tóm ý : câu 9
c. Đặt tựa đề ngắn : Kinh Lạy Cha
3. Bài học giáo lý
Đáp lại lời xin của các môn đệ : “ Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Đức Giêsu đã dạy cho các ông lời kinh căn bản của Kitô giáo là Kinh Lạy Cha. Qua những lời kinh này, Con Một Thiên Chúa trao cho chúng ta những lời Ngài đã nhận được từ Chúa Cha. Ngài là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Mặt khác, vì là Ngôi Lời Nhập Thể, Ngài biết rõ những nhu cầu của chúng ta, những anh ,chị em của Người theo nhân tính. Ngàøi là mẫu mực hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.
3.1 Chúa Giêsu sống với Cha Ngài
Khi yêu mến ai, chúng ta hay nghĩ đến người ấy, muốn ở gần, gặp gỡ, tiếp xúc thân mật và làm theo ý họ…
Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: “lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” ( Dt 10,7 ). Vì yêu Đức Chúa Cha, nên cả cuộc đời Đức Giêsu luôn qui hướng về Cha, luôn sống theo ý Chúa Cha. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể nói : “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” ( Ga 8,29 ). Ngài đã sống gắn bó với Chúa Cha cho đến cùng: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” ( Lc 22,42 ). “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.
Càng theo chân Chúa Giêsu, các môn đệ càng khám phá ra Ngài luôn sống gắn bó với Chúa Cha. Họ luôn gặp thấy Ngài cầu nguyện lúc sáng sớm, khi chiều về, trước những việc quan trọng ( chọn các Tông đồ, bắt đầu đời rao giảng…) trước mọi biến cố. Nhiều lần Ngài cầu nguyện suốt đêm ( Lc 6,12 ), và Ngài thường cầu nguyện nơi thanh vắng, trong kín đáo âm thầm, nhưng cũng có lúc Ngài cắt ngang câu chuyện với dân chúng để cầu nguyện với Cha ( Lc10,21; Ga11,9). Và Ngài đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy cha, lời kinh do chính Ngài sáng tác, ta gọi là “Lời kinh của Chúa”. Lời kinh đầy tình con thảo của Ngài là khuôn mẫu hoàn hảo nhất cho ta về cầu nguyện. Được nguyện Kinh Lạy Cha và được ơn sống đời làm con Thiên Chúa, ta ước ao được giống Cha trên trời là Đấng nhân từ , thánh thiện và quyết tâm luôn sống khiêm nhường, phó thác trong tay Cha.
Tóm ý: Chúa Giêsu luôn sống gắn bó với Chúa Cha bằng đời sống cầu nguyện, đón nhận và thực thi ý Chúa Cha. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện để nhận biết ý Chúa và được thêm sức mạnh Chúa ban mà thi hành ý Chúa, để ngày càng lớn lên trong tình con thảo
3.2 Lạy Cha
Trong cựu ước, không có kinh nguyện nào cầu khẩn Thiên Chúa cách trực tiếp với danh xưng “Lạy cha”. Nơi Đ ức Giêsu, xuất hiện mối quan hệ hoàn toàn mới mẻ với Thiên Chúa, thể hiện qua tiếng gọi “ABBA, Cha ơi!” Chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha và được Người nhận chúng ta làm con của Người.
. Do đó, khi cầu nguyện với kinh Lạy Cha, Ba ý nguyện đầu chúng ta nói lên tâm tình hiếu thảo, biết ơn, muốn quy hướng tất cả về Cha là Đấng ta hằng yêu mến trên hết mọi sự.
. Khi nguyện “Danh Cha cả sáng”, chúng ta ước ao cho mọi người nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, và cho bản thân ta được sống thánh thiện trước mặt Người.
. Khi nguyện “ Nước Cha trị đến”, chúng ta mong thấy ngày Chúa Kitô đến hoàn tất Nước Thiên Chúa, đồng thời quan tâm làm cho tinh thần Nước Thiên Chúa được ngày càng thấm sâu vào cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội.
. Khi nguyện cho “ ý cha thể hiện”, chúng ta cầu xin cho mọi người được cứu độ và chính chúng ta biết thực hiện ý Chúa mỗi ngày.
Tóm ý: Khi gắn bó với Chúa Kitô, chúng ta có thể một lòng ,một ý với Người mà gọi Thiên Chúa là Cha, sống hết tình con thảo với Người bằng cách nguyện xin và góp phần làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha hiển trị và ý cha được thể hiện nơi mọi người trên khắp địa cầu, để mọi người được cứu độ.
3.3 Lạy Cha chúng con
Ta không nói : “Lạy Cha của con”, nhưng nói: “Lạy Cha chúng con”, bởi vì ta thuộc về gia đình con cái Thiên Chúa và là dân của giao ước mới, có sứ mạng hợp nhất mọi người, là anh em của mọi người. Khi dâng lên Chúa Cha bốn ý nguyện sau là ta mở rộng lòng yêu thương, phó thác mọi anh em chúng ta trong bàn tay yêu thương quan phòng của Cha.
. Với lời cầu xin Cha ban lương thực để sống, ta không cầu xin cho riêng bản thân nhưng cho mọi người, đồng thời mời ta sống cho nhau những nhu cầu trong cuộc sống.
. Khi cầu xin ơn tha thứ, ta nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và tin vào tình thương của Chúa là Cha, đồng thời ta cũng tha thứ cho tha nhân. Tha thứ không chỉ là không trả thù hay quên đi lỗi phạm của người khác, mà còn là giải thoát, tái lập mối quan hệ đã bị bẻ gãy. Đó là lời cầu xin của Chúa Giêsu trên Thánhgiá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm không biết”(Lc 22,34)
.Khi cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, ta biết rằng: ơn Chúa luôn đủ cho ta, ta cần cầu nguyện và tỉnh thức đề phòng để chiến thắng.
.Khi cầu xin Thiên Chúa cứu khỏi sự dữ, ta nhớ mình lệ thuộc Thiên Chúa và cần được Chúa cứu khỏi mưu mô ma quỷ và gìn giữ khỏi mọi điều nguy hại, xấu xa.
Tóm ý: Được gọi Thiên Chúa là “Cha của chúng con” chúng ta hiệp thông với mọi anh chị em, cùng dâng lên Chúa Cha lòng tín thác. Xin Chúa nuôi dưỡng, tha thứ, gìn giữ hồn xác chúng ta. Đồng thời sống liên đới, chia sẻ, tha thứ cho nhau như Chúa đã truyền dạy.
3.4 Cha đang cho con tất cả
Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người yêu thương hết mọi người và tình thương của Người không bị giới hạn như những tình cha trần thế. Thiên Chúa yêu ta từ thuở đời đời, mọi nơi, mọi lúc chúng ta luôn sống dưới yêu thương che chở của Cha trên trời.
Như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chúng ta hãy hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa, chỉ biết sống theo ý Chúa rồi mọi chuyện để Chúa lo. Chúng ta hãy tập cảm nghiệm tình Cha bằng “tạ ơn theo hơi thở” : hãy thưa “Cha đang cho con tất cả” (hít vào), và “Xin Cha nhận lấy con đây” (thở ra ). Hay những lời nguyện tắt liên lỉ để cảm tạ tình yêu của Cha trên trời hằng ban tràn đầy trên cuộc đời chúng ta.
Xin Chúa Thánh Thần giúp ta ngày một khám phá thêm tình Cha của Thiên Chúa và thốt lên tận đáy lòng chúng ta: “Abba, Cha ơi !”
Tóm ý: Chúng ta hãy tập cảm nghiệm tình yêu Chúa triền miên trong cuộc sống hằng ngày bằng cách tạ ơn theo hơi thở, bằng những lời nguyện tắt vì Chúa hằng yêu thương săn sóc chúng ta.
Tóm ý toàn bài : Chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha, vì Đức Giêsu đã dạy ta như thế. Trong Kinh Lạy Cha, ba lời nguyện đầu hướng về vinh quang của Cha : Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện. Bốn lời xin sau trình lên Người những gì cần thiết cho đời sống của mình: lương thực, ơn tha tội và ơn phù trợ để đạt tới điều thiện, và thắng được sự ác. Chúng ta cầu xin Chúa vì Chúa là Cha toàn năng và hằng yêu thương săn sóc chúng ta.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, nhờ Chúa Giêsu Kitô Con Cha, chúng con được gọi Chúa là Cha. Chúng con xin dâng lên Cha những tâm tình tha thiết,yêu mến nhất mà Chúa Giêsu đã dạy chúng con thân thưa với Cha : “Lạy Cha chúng con ở trên trời… Amen.”
VI. SINH HOAT GIÁO LÝ
VII. BÀI TẬP GIÁO LÝ
Kinh Lạy Cha gồm mấy phần chính? Em hãy kể ra.
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG
1. Đoạn văn giúp ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?
Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ngài yêu thương và ban cho ta tất cả.
2. Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì ?
Khi đọc Kinh Lạy Cha, tôi không đến một mình trước nhan Cha, mà đến với Chúa Giêsu, trong Thánh Thần và cùng mọi anh chị em, với tình con thảo vàtình yêu mến, hiệp thông huynh đệ, đồng thời để cho các lời kinh ấy biến đổi tâm hồn và cuộc sống của tôi.
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ.
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha đã ban cho chúng con giờ học giáo lý vừa qua, để chúng con hiểu biết hơn tình thương Cha đã dành cho chúng con. Xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng là những người con hiếu thảo của Cha. Sáng Danh Đức Chúa Cha và …