– Lời Chúa: Mt 6, 25-34
– Ý chính: Bốn ý nguyện sau của kinh Lạy Cha nói lên niềm tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.
I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
Thiên Chúa luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta. Chúa ban cho chúng ta được nhận biết Ngài, được lắng nghe và thưa chuyện với Ngài. Chúng ta hãy dâng lên Chúa giờ học hôm nay để xin Chúa đến dạy dỗ và chúc lành cho chúng ta.
Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm
+ Ôn bài cũ :
– Ba ý nguyện đầu của kinh Lạy Cha là gì? (Danh Cha cả sáng – Nước Cha trị đến – Ý Cha thể hiện).
– Ba ý nguyện đầu của kinh Lạy Cha nói lên tâm tình nào? (hiếu thảo, biết ơn, muốn quy hướng tất cả về cho Cha là Đấng ta yêu mến trên hết mọi sự)
+ Kiểm tra quyết tâm :
Các em đã cố gắng sống vâng lời cha mẹ, thầy cô trong tuần qua chưa?
2. Dẫn vào Lời Chúa
Hôm nay chúng ta tìm hiểu về 4 ý nguyện sau của Kinh Lạy Cha. Bốn ý nguyện này nói lên những tâm tình nào? Mời các em nghe anh (chị) kể câu truyện sau đây:
Vào năm 1974, tại ga xe lửa Montpellier nước Pháp, người ta đã phải cho dừng một đoàn tàu lại để cấp tốc báo tin dữ cho một hành khách. Đó chính là bà quản đốc một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, bà phải trở về trung tâm ngay vì một em bé ở đó vừa gặp tai nạn bất ngờ, em bị phỏng nặng và đang được cấp cứu trong bệnh viện.
Em bé này mới được 12 tuổi, mới được rước lễ lần đầu và rất ngoan ngoãn, dễ thương. Hồi nhỏ, em bị bệnh viêm màng não nên bị đần độn.
Tai nạn xảy ra khi em nhanh nhẹn muốn giúp đỡ người lớn, em mang chai xăng lại gần bên một bếp lửa và tuột tay đánh rơi. Lửa bốc lên người em cháy dữ dội, em được kéo ra xa, nhưng lúc ấy em đã như một khúc cây cháy gần thành than.
Được đưa vào bệnh viện, em chỉ còn thoi thóp thở, các bác sĩ không dám gây mê cho em vì em yếu quá. Như hiểu được điều đó, em thều thào nói với bác sĩ :
– Bác ơi, Chúa Giêsu của chúng ta đã từng phải chịu đau đớn hơn cháu rất nhiều.
Tất cả mọi người ở đó đều ngỡ ngàng trước em bé này. Đôi mắt em gần như bị thiêu chín, toàn thân em không còn hình dạng con người nữa, nhưng em xin mọi người đừng quá vất vả vì em. Khi bác sĩ chăm sóc cho em, em gượng nói:
– Nếu bác sĩ muốn như thế, thì cháu xin cảm ơn nhiều. Khi đã đỡ đôi chút, em cố gắng nói chuyện vui đùa để cho bầu khí bớt căng thẵng. Bác sĩ nói với bà quản đốc:
– Tôi chưa hề thấy một ai lại can đảm đến như vậy.
Khi ca mổ đã hoàn tất, một nữ tu săn sóc cho em biết rằng em chỉ sống thêm ít ngày nữa thôi, và chị hỏi em:
– Em ơi, em thích ở lại với chúng tôi hay là em thích về thiên đàng với Chúa?
Em trả lời ngay không chút ngần ngại:
– Ở đây con có Chúa, về thiên đàng con cũng có Chúa, đâu có khác gì. Bây giờ con chỉ thích những gì Chúa muốn nơi con mà thôi.
Sau một tháng chịu nhức nhối, đau đớn, em từ giã cõi đời này để về với Chúa.
Mọi người đều cảm phục em vì lòng dũng cảm, chịu đựng của em và câu truyện này cũng làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Em đã cho chúng ta một bài học quý giá: dù vui sướng hay đau khổ vẫn luôn tin rằng Chúa luôn ở bên mình. Tâm tình này hôm nay chúng ta sẽ được nghe chính Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng theo thánh Matthêu.
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Mt 6, 25-34
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
1. Dẫn giải Lời Chúa
– Em nào có thể nhắc lại câu đầu tiên trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe? (Chúa nói đừng lo cho mạng sống mình).
– Chúa Giêsu đã lấy những hình ảnh nào để so sánh với chúng ta? (Chim trời, hoa huệ).
– Chim trời đã được ai nuôi? Và ai đã tô điểm cho hoa huệ ngoài đồng? (Thiên Chúa).
– Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì? (Hãy luôn tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa là Cha).
Các em thân mến, để hiểu thêm về niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa là Cha nhân từ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tiếp 4 lời nguyện sau của kinh Lạy Cha.
2. Giải thích câu hỏi thưa.
* Đọc chung câu 1:
1- H. Bốn ý nguyện sau của kinh Lạy Cha nói lên tâm tình nào?
T. Nói lên niềm phó thác vững tin vào Thiên Chúa hằng chăm lo cho đời sống của mỗi người chúng ta.
-Trong lớp chúng ta có ai phải lo lắng kiếm tiền để mua sách vở, áo quần, …Có ai phải lo dựng nhà để ở, hay phải lo mua gạo để nuôi sống gia đình mình không? (Không).
– Vậy ai lo những điều đó cho các em? (Cha mẹ).
Quả thật, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có cha mẹ để cha mẹ yêu thương, nuôi nấng, chăm sóc chúng ta. Có cha mẹ ở bên, chúng ta chẳng phải lo lắng gì.
Cha trên trời còn yêu thương chúng ta hơn cả cha mẹ chúng ta yêu chúng ta. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta biết: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin bánh mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Ngài sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Ngài” (Mt 7, 9-11).
Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha yêu thương, luôn chăm sóc đời sống của mỗi người chúng ta. Và Ngài dạy chúng ta hãy sống phó thác, tin tưởng vào Cha trên trời khi dạy ta 4 ý nguyện trong kinh Lạy Cha.
Em nào đọc giúp anh (chị) bốn ý nguyện sau của kinh Lạy Cha?
Lương thực hằng ngày. Tha nợ. Khỏi sa chước cám dỗ. Cứu khỏi sự dữ.
Tóm lại- Bốn ý nguyện sau của kinh Lạy Cha nói lên tâm tình nào? (tin yêu phó thác vào Thiên Chúa).
* Đọc chung câu 2:
2- H. Khi cầu nguyện “Xin Cha cho chúng con”, ta cần nhớ điều gì?
T. Ta cần nhớ mọi người đều là con cái Thiên Chúa, và ta cầu xin chung cho các nhu cầu của hết mọi người không trừ ai.
Ở nhà, khi các anh chị em muốn xin cha mẹ điều gì, ví dụ: muốn xin cha mẹ cho đi chơi, anh hay chị của em đại diện xin với cha mẹ rằng: “ Thưa ba má, xin ba má cho chúng con đi chơi. ” Anh, chị của em không xin cho riêng mình nhưng xin cho nhu cầu chung của anh, chị em mình.
Các em có nhớ trong thánh lễ, Linh mục đại diện tất cả cộng đoàn tín hữu thưa với Cha trên trời thế nào không? – “Chúng con cúi xin Cha ban Thánh Thần…; Chúng con dâng lên Cha…”
Linh mục không cầu nguyện cho riêng mình nhưng cầu nguyện cho mọi người, cho toàn thể anh chị em trong Hội Thánh.
Bởi vậy, khi nguyện “Xin Cha cho chúng con” ta ý thức mọi người đều là con cái Thiên Chúa, là anh em với nhau và ta cầu xin chung cho các nhu cầu của hết mọi người không trừ ai.
* Đọc chung câu 3:
3- H. Khi cầu xin lương thực hằng ngày, ta cần nhớ những gì?
T. Ta cần nhớ:
-Một là phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng,
– Hai là chung quanh ta còn rất nhiều người nghèo đói cần nâng đỡ,
– Ba là cần góp sức xây dựng một xã hội công bằng để mọi người đều được sống xứng đáng là người.
– Bốn là ngoài cơm bánh vật chất, ta còn cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa Kitô và Mình Máu thánh Ngài.
– Phó thác nơi Thiên Chúa Quan Phòng:
*Sống ở đời, loài người chúng ta cần có cái gì để sống? (Lương thực).
*Để có lương thực, người ta phải làm gì? (Phải lao động).
*Khi lao động, chúng ta có chắc chắn mình sẽ kiếm được lương thực không? (Chưa chắc vì có thể sẽ gặp bão lụt, hạn hán, sâu rầy, tai nạn, ốm đau…).
*Vì thế, Chúa Giêsu dậy chúng ta thế nào? (Hãy cầu xin Chúa Cha ban lương thực cho mình).
*Tại sao? (Vì Chúa Cha là Đấng toàn năng, làm chủ mọi loài và lại là người Cha luôn yêu thương chúng ta).
*Vậy tâm tình mà chúng ta cần có khi xin Chúa Cha ban lương thực cho mình là gì? (Là hãy cố gắng lao động và phó thác mọi sự nơi Chúa, để Ngài lo lắng cho chúng ta).
– Nâng đỡ người nghèo và góp sức xây dựng một xã hội công bằng :
*Khi xem tivi, các em có hay xem chương trình “Tin thế giới” không?
Chương trình này cho ta biết những tin tức đáng chú ý trên khắp thế giới. Ví dụ: Ở các nước Sô-ma-li, Xu-đăng … bên Phi Châu, cuộc sống rất nghèo đến nỗi không có gì để ăn. Nhiều em bé chỉ còn da bọc xương, nằm co quắp chờ chết vì đói.
Ngày nay trên thế giới còn có rất nhiều người không có đủ cơm ăn, áo mặc. Nhiều người vì nghèo đói mà bị bóc lột, ngược đãi, hành hạ. Có những nơi người ta bắt các trẻ em làm việc cực nhọc và lại còn bị đánh đập dã man nữa.
*Vậy khi cầu xin Chúa Cha ban lương thực hằng ngày, chúng ta cần có tâm tình gì nữa? (Nghĩ tới người nghèo, giúp đỡ người nghèo khi có điều kiện).
*Ngoài ra, khi thấy có nhiều người nghèo như vậy, chúng ta hãy có ước ao góp phần mình vào việc xây dựng một xã hội công bằng hơn, để không còn người nghèo nữa. Vậy, khi còn đang nhỏ tuổi và đang đi học, các em góp phần thế nào? (Chịu khó học hành).
– Lương thực thiêng liêng : Lời Chúa và Thịt Máu Chúa.
* Trong hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ biến đá thành bánh, Chúa Giêsu đã trả lời nó như thế nào? Chúa Giêsu trả lời rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4, 4). Con người chúng ta được dựng nên có hồn có xác, nên ngoài cơm bánh vật chất, ta cần có lương thực nuôisống linh hồn. Vậy lương thực đó là gì? (Lời Chúa và Thịt Máu Chúa)
*Vậy khi xin Chúa Cha ban lương thực ta cần phải ước ao lương thực gì ngoài cơm bánh vật chất? (Lương thực nuôi sống linh hồn : Lời Chúa và Mình Thánh Chúa).
Tóm lại: Từ những điều trên, khi xin lương thực hằng ngày, ta cần nhớ điều gì?
* Đọc chung câu 4:
4- H. Khi cầu xin ơn tha thứ, ta cần nhớ điều gì?
T. Ta cần nhớ: mình cũng là người tội lỗi và phải tha thứ cho mọi người, để đáng được Thiên Chúa thứ tha.
– Khi đi xưng tội, trước hết các em thưa với cha thế nào? (Thưa cha, con là kẻ có tội. )
Đúng, ai trong chúng ta cũng là kẻ có tội và luôn cần đến sự tha thứ của Chúa. Nhưng theo lời kinh Lạy Cha, Chúa chỉ tha thứ cho chúng ta với điều kiện nào? (Chúng ta cũng phải tha thứ cho người có lỗi với chúng ta).
-Tại sao vậy?
Bởi vì Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài yêu thương tất cả mọi người. Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Khi anh chị em trong gia đình biết yêu thương, nâng đỡ, thông cảm và tha thứ cho nhau, đó là dấu hiệu con cái biết vâng lời và yêu mến bố mẹ.
Nếu chúng ta nhìn nhận mình là con một cha trên trời, là anh chị em với nhau thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau như chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.
Để được như vậy, hằng ngày chúng ta phải cầu xin ơn tha thứ để nhớ rằng mình là người tội lỗi, và phải tha thứ cho mọi người để đáng được Thiên Chúa tha thứ.
Tóm lại, khi cầu xin ơn tha thứ ta cần nhớ điều gì? (Ai trong chúng ta cũng là kẻ tội lỗi, cần được Chúa tha thứ và phải tha thứ cho nhau).
* Đọc chung câu 5:
5- H. Lời cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ nhắc ta nhớ điều gì?
T. Nhắc ta nhớ rằng: Muốn thắng cám dỗ, cần tin tưởng vào ơn Chúa và quyết tâm mạnh mẽ, cầu nguyện và tỉnh thức đề phòng.
– Em nào còn nhớ trong Kinh Thánh có kể lại Chúa Giêsu bị cám dỗ ở đâu? (trong hoang địa).
– Cám dỗ là gì? – Là sự xúi giục làm điều xấu, đưa đến tội lỗi và sự chết. Bị cám dỗ là chuyện tự nhiên của thân phận con người. Chính Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ. (x. Mt 4, 1-14).
-Bị cám dỗ đã là tội chưa? (Chưa, bị cám dỗ không phải là tội. Cảm thấy mình bị lôi kéo làm điều xấu chưa phải là tội).
– Vậy khi nào mới là tội? (Chỉ khi nào mình làm theo sự cám dỗ đó mới là phạm tội).
Do đó, khi cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ là chúng ta cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh để chống lại những cám dỗ, cùng xin ơn tỉnh thức và ơn bền vững đến cùng.
Tóm lại, để khỏi sa chước cám dỗ, ta cần phải làm gì? (Ta cần cầu nguyện và nương tựa vào Chúa).
* Đọc chung xa. câu 6:
6- H. Khi cầu xin Thiên Chúa cứu khỏi sự dữ, ta ước ao điều gì?
T. Ta ước ao được Chúa bảo vệ khỏi mọi mưu mô ma quỷ và gìn giữ khỏi mọi điều nguy hại xấu
Chúa Giêsu đến trần gian là để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng “Tên thủ lãnh thế gian” tức là ma quỷ (Ga 12, 31-32).
Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ và cho cả chúng ta như sau: “… Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. ” (Ga 17, 9. 11. 15)
Như vậy, khi cầu xin khỏi sự dữ là ta ước ao được Chúa bảo vệ ta khỏi mưu mô của ma quỷ và khỏi mọi điều nguy hại xấu xa.
Tóm lại, bài học Giáo lý hôm nay dậy ta : Bốn ý nguyện sau của kinh Lạy Cha nói lên niềm tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình
Các em thân mến! Bốn ý nguyện sau của kinh Lạy Cha nói lên tâm tình phó thác, cậy trông vào tình thương của Thiên Chúa. Ngài luôn yêu thương, chăm sóc mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải biết yêu thương và tha thứ cho người khác . Mời các em đứng lên, chúng ta cùng nguyện xin với Chúa Cha, xin Cha thương giúp chúng ta.
2. Lời nguyện
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con cảm tạ Cha đã thương yêu nuôi dưỡng cả linh hồn và thân xác chúng con. Xin Cha dạy chúng con cũng luôn biết đón nhận nhau, như chính Đức Kitô đón nhận chúng con, để làm vinh danh Cha. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.
VI. SINH HOẠT
VII. BÀI TẬP
Em hãy tìm ở cột B một câu thích hợp với một câu ở cột A.
Cột A | Cột B |
1. Khi cầu xin ơn tha thứ, ta cần nhớ: | a. Tin tưởng vào ơn Chúa và quyết tâm mạnh mẽ, cầu nguyện và tỉnh thức đề phòng. |
2. Khi cầu xin Thiên Chúa cứu khỏi sự dữ… | b. Niềm phó thác, tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa. |
3. Lời cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ nhắc ta: | c. Mình cũng là người tội lỗi và phải tha thứ cho mọi người, để đáng được Thiên Chúa thứ tha. |
4. Bốn ý nguyện sau của kinh Lạy Cha nói lên: | d. Ta ước ao được Chúa bảo vệ, gìn giữ khỏi mọi mưu mô ma quỷ. |
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Để sống theo Lời Chúa dạy, tuần này em quyết tâm không giậân ghét ai. Nếu em đang giận ghét ai, em hãy đến làm hoà với người đó ngay.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cám ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng con biết rằng Chúa Cha luôn yêu thương, chăm sóc chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết phó dâng đời sống chúng con trong tay Cha, và biết yêu thương mọi người, biết tha thứ cho nhau . Chúng con nguyện xin vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen
Đọc kinh Sáng Danh.
CÂU HỎI CHO HỌC SINH
Bài 8: BẢY LỜI CẦU XIN(2)
“ Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời, biết rõ các ngươi cần đến các điều gì”. (x.Mt 6, 25-34)
1-H. Bốn ý nguyện sau của kinh Lạy Cha nói lên tâm tình nào?
T. Nói lên niềm phó thác vững tin vào tình thương của Thiên Chúa hằng chăm lo cho đời sống của mỗi người chúng ta.
2-H. Khi cầu nguyện “Xin Cha cho chúng con”, ta cần nhớ điều gì?
T. Ta cần nhớ mọi người đều là con cái Thiên Chúa, và ta cầu xin chung cho các nhu cầu của hết mọi người không trừ ai.
3-H. Khi cầu xin lương thực hằng ngày, ta cần nhớ những gì?
T. Ta cần nhớ:
– Một là phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng.
– Hai là chung quanh ta còn rất nhiều người nghèo đói cần nâng đỡ.
– Ba là cần góp sức xây dựng một xã hội công bằng để mọi người đều sống xứng đáng là người.
– Bốn là ngoài cơm bánh vật chất, ta còn cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa Ki-tô và Mình Máu Thánh Ngài.
4-H. Khi cầu xin ơn tha thứ, ta cần nhớ điều gì?
T. Ta cần nhớ: mình cũng là người tội lỗi và tha thứ cho mọi người, để đáng được Thiên Chúa thứ tha.
5-H. Lời cầu xin cho khỏi sa trước cám dỗ nhắc ta nhớ điều gì?
T. Nhắc ta nhớ rằng: Muốn thắng cám dỗ, cần tin tưởng vào ơn Chúa và quyết tâm mạnh mẽ, cầu nguyện và tỉnh thức đề phòng.
6-H. Khi cầu xin Thiên Chúa cứu khỏi sự dữ, ta ước ao điều gì?
T. Ta ước ao được Chúa bảo vệ khỏi mọi mưu mô ma quỷ và gìn giữ khỏi mọi điều nguy hại xấu xa.