I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ
– Lạy Chúa Giêsu, vì muốn tìm hiểu về Chúa để yêu Chúa hơn và để sống giống Chúa hơn mà giờ này chúng con tập trung ở đây. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng giờ học này cho nên .
Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.
– Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.
+ Ôn bài cũ :
@. 4 ý nguyện sau của kinh Lậy Cha là gì ?
@. Khi đọc ý nguyện : ”và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, chúng ta cần lưu ý điều gì? (Ai trong chúng ta cũng là kẻ tội lỗi, cần được Chúa tha thứ và phải tha thứ cho nhau)
+ Kiểm tra quyết tâm :
Trong tuần qua, các em có cố gắng không giận ghét ai và nếu lỡ giận ai có đến làm hòa với họ không?
II. SINH HOẠT
GLV chọn 3 em và tập trước cho các em hoạt cảnh sau đây:
Dũng đeo cặp, sửa soạn đi học quay vào gọi.
Dũng : Bích ơi, Bích ra anh bảo.
Bích : (Chạy ra) Có gì mà um sùm vậy?
Dũng : Bích cho anh xin lại tiền hôm qua anh đưa cho em cho mẹ Thảo đó.
Bích : Chi vậy, mà anh Dũng đã bằng lòng giúp mẹ Thảo rồi mà, sao lại đòi lại?
Dũng : Vì anh cần quả banh để chiều anh đi chơi.
Bích : Em không biết, em đưa cho mẹ của Thảo rồi.
Dũng : (Nói to) Vậy anh sang đòi Thảo.
Bích : Anh Dũng làm gì kỳ vậy. Chị Trang ơi, anh Dũng anh ấy …
Trang: (Chạy ra) Lại có chuyện gì? Dũng làm sao?
Bích : Hôm qua anh Dũng bằng lòng góp tiền cho em giúp bé Thảo, bây gờ lại đòi lại. Em bảo đưa cho Thảo rồi nhưng anh ấy không chịu, tính chạy qua đòi.
Trang: Em tính vậy thật sao Dũng! Em cần tiền làm gì?
Dũng : Em mua banh.
Trang: Chị hỏi em nhé : giúp gia đình bé Thảo trong lúc túng quẫn và mua banh chơi, việc nào tốt hơn?
Dũng : (Suy nghĩ rồi gãi đầu) Dạ, giúp bé Thảo thì tốt hơn.
Trang: Vậy em biết việc tốt hơn sao em không làm hoặc đã làm tại sao em lại hối tiếc?
Dũng : Tại vì em không có banh chơi.
Trang: Vậy em là người không có lập trường vững chắc rồi. Sau khi suy nghĩ và quyết định làm việc gì tốt, ta phải vững vàng mặc dù có khi quyết định đó gây cho ta chút ít thiệt hại.
Bích : Phải vững như kiềng 3 chân chứ!
Trang: Đúng. Ngày nay, sự phát triển vật chất nhanh quá, con người mải chạy theo đồng tiền nên con người rất dễ ngả theo những gì có lợi mà quên đi tình yêu thương, công bằng.
Bích : Quân tử nhất ngôn chứ anh.
Trang: Đúng, các em phải tập trở nên những người có bản lãnh. Thấy việc gì tốt và phải làm, là quyết tâm làm, dù nhiều khi ta không muốn. Muốn vậy chúng ta phải tập.
Dũng : Tập hả chị? Có khó không?
Trang: Cái gì cũng có cái khó, quan trọng là ta có chí hay không.
Bích : Chị dậy em với.
Trang: Muốn đứng vững trong điều tốt thì điều đầu tiên ta phải tập là nết na ngay khi ta ở một mình, phải biết lịch sự nghiêm khắc ngay với bản thân. Đừng tưởng không ai thấy ta thì ta làm gì cũng được. Mà thực sự có bao giờ ta ở một mình đâu, vì sao các em biết không?
Bích : Vì Chúa luôn nhìn thấy ta.
Trang: Đúng, chúng ta luôn sống dưới con mắt Chúa. Thứ hai là khi nhận thấy ta có tính xấu nào thì ta hãy tập tính tốt ngược lại như chúng ta vẫn đọc trong kinh ‘Cải tội 7 mối có 7 đức”:
Khiêm nhường đối lập với kiêu ngạo-rộng rãi đối lậpvới hà tiện…Tránh đi học muộn buổi sáng thì tối bớt xem TV đi ngủ sớm.
Dũng : Còn gì nữa không chị?
Trang: Điều thứ ba là ta phải biết gây men Tin Mừng cho bạn bè bằng cách rủ nhau làm việc tốt. Đó là cách rèn luyện ý chí cùng bạn bè.
Dũng : Nghe có vẻ phải cố gắng nhiều chị nhỉ?
Trang: Chứ sao, sự xấu nó vốn mạnh mẽ, ta khó đứng vững nếu ta không có ý chí. Muốn vậy ta luôn cầu nguyện vì Chúa luôn ở cạnh ta, giúp đỡ ta. Các em nhớ không?
Dũng, Bích: Chúng em nhớ.
Dũng : Vậy thôi, em không đòi lại tiền nữa, chừng nào có tiền em mua banh cũng được.
Trang, Bích: Hoan hô Dũng!Anh Dũng đúng là nam nhi, là kiềng 3 chân!
(Tất cả vỗ tay. Hết).
III. NHẬN XÉT
GLV đặt một số câu hỏi giúp các em nhận xét.
– Điều gì khiến Dũng đòi lại tiền?
– Quyết định hôm qua của Dũng góp với Bích một ít tiền để giúp bé Thảo trong lúc khó khăn là tốt hay xấu?
– Khi con người hay thay đổi, ta gọi là gì?
– Những lời nhắc nhở của chị Trang tác động tới Dũng ra sao?
Các em hãy nhớ câu: “Thắng ngàn người không bằng thắng chính mình” để ta hiểu sự quan trọng của ý chí, của sự tự làm chủ. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm điều này ở phần bài học sau đây.
IV. BÀI HỌC NHÂN BẢN
Người có bản lĩnh không phải chỉ là người thắng thiên hạ mà là người biết làm chủ bản thân mình, biết kiên quyết thực hiện điều mình đã thấy là tốt và phải làm. Muốn vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải tập bằng những cách sau đây :
1. Sống dưới ánh mắt Chúa
Chúa luôn luôn nhìn thấy ta và biết mọi công việc, suy nghĩ của ta. Đồng thời, Ngài cũng luôn luôn bên cạnh để nâng đỡ ta.
Đọc chung phần I: Sống nết na cả khi ở một mình.
2. Hướng ngược chiều
Khi biết mình có tật xấu nào, tốt nhất là ta nên tập một tính tốt ngược lại. Ví dụ ta có tính kiêu ngạo làm gì cũng muốn hơn người thì ta tập tính ngược lại như làm những việc nho nhỏ như nhặt rác hoặc làm những việc các bạn khác chê không làm.
Đọc chung phần II: Hướng ngược chiều.
3. Gây men Tin Mừng
Đó là rủ nhau làm việc tốt, tập làm việc chung với nhau. Tuy nhiên, để luôn làm được việc tốt, ta cần có ơn Chúa. Hãy cầu xin Ngài giúp đỡ. Trong trường hợp có vấp ngã, hãy dựa vào ơn Chúa mà đứng dậy, can đảm tiến bước.
Đọc chung phần III: Gây men Tin Mừng cho đồng bạn.
Sau đây, chúng ta cùng nghe Lời Chúa khuyên dậy chúng ta về điều này.
V. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
1Tm 4, 12-16
VI. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
1. Gợi tâm tình
Qua đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô đã dậy ông Timôthê, học trò của Ngài phải trở nên một người có bản lãnh ngay từ lúc còn trẻ. Bản lãnh trong lời ăn tiếng nói, cách cư xử và phải biết nghiêm khắc rèn luyện mình. Lúc này Thánh Phaolô cũng muốn nói với chúng ta như thế. Vậy giờ đây, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
2. Lời nguyện
Lậy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: “Ai kiên tâm đến cùng sẽ được cứu rỗi”. Xin Chúa giúp chúng con kiên trì tập luyện tính kiên quyết làm những điều chúng con thấy là tốt và phải làm để chúng con trở thành những người có bản lãnh trong ý nghĩ, lời nói, việc làm, cách cư xử hầu có thể đứng vững trong những điều tốt. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VII. BÀI TẬP
Các điều tốt :
Vâng lời, chăm chỉ học tập, đến lớp đúng giờ, không nói tục, lễ phép,
quan tâm đến người khác, rủ bạn đi lễ, gấp mùng mền, ngăn nắp thứ tự.
Hãy điền các điều tốt trên phù hợp với các việc làm sau:
– Không bao giờ tôi quên ………. (rủ bạn đi lễ) ngày Chủ nhật.
– Dù đang mải vui chơi, nhưng khi cha mẹ gọi, tôi…………. (vâng lời) ngay.
– Không bao giờ tôi phải để cha mẹ nhắc ……………(gấp mùng mền) khi ngủ dậy.
– Sách vở, đồ dùng, quần áo tôi luôn sắp xếp ……………. (ngăn nắp thứ tự).
– Dù có ai làm tôi tức giận, tôi ……………. (không nói tục) bao giờ.
– Tôi luôn ……………. . (lễ phép) với những người trên.
– Dù trời mưa hay bận việc gì, tôi luôn ……………. (đến lớp đúng giờ) để học Giáo lý.
– Ở lớp hay ở nhà, tôi luôn ……………. . (chăm chỉ học tập).
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Tuần này, các em hãy quyết tâm rủ một người bạn hay trốn đi lễ, đi lễ ngày Chúa Nhật với mình.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lậy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã giúp chúng con hiểu được cách sống của người con Chúa. Xin Chúa giúp chúng con nỗ lực thực hiện cách sống mà Chúa đã dậy chúng con qua bài học hôm nay. Chúng con cầu xin Chúa nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Đọc kinh Sáng Danh.
CÂU HỎI CHO HỌC SINH
Bài 9: Luyện Tính tốt 2: ĐỨNG VỮNG TRONG ĐIỀU TỐT
Xã hội chúng ta đang biến động, chuyển từ nếp sống nông nghiệp sang nếp sống mang tính công nghiệp, chuyển từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. sự phát triển rất mau về vật chất cũng kéo theo nhiều tệ nạn đáng tiếc ngược với công bằng, nhân ái và các vẻ đẹp tinh thần của dân tộc. Nếu không cảnh giác, ta có thể bị cuốn theo nhưng điều xấu.
Người bản lãnh là người biết kiên quyết thực hiện điều mình đã thấy là tốt và phải làm. Muốn được như thế, ta cần tập cho mình luôn đứng vững trong những điều tốt phải làm, từ những điều tốt nhỏ.
I. Sống Nết Na Cả Khi Ở Một Mình
Người lịch sự là người biết cư xử tốt đẹp trong mọi trường hợp. Quy tắc bằng vàng của phép lịch sự là phải sống lịch sự cả khi ở một mình. Bởi vì, mỗi người đều phải tôn trọng chính mình. Nếu không lịch sự với chính mình, ta sẽ dễ thiếu lịch sự với người khác.
Biết rằng có Chúa đang nhìn,
Một mình em vẫn giữ gìn nết na,
Biết rằng có Chúa thương ta,
Một mình em vẫn nết na giữ gìn.
Chúa Giê-su đã hứa: “ Này đây, Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài luôn có mặt để an ủi nâng đỡ ta.
II. Hướng Ngược Chiều
Khi phát hiện mình có một vài tật xấu nào đó, ta nên tập tính tốt ngược lại bằng những hành động cụ thể. Ví dụ: Tê-rê-sa chống lại tính thích được khen bằng cách chọn làm những việc âm thầm và tập vui mừng tạ ơn Chúa mỗi khi không được người khác để ý đến.
Hành động cụ thể ta chọn phải nhắm đánh thẳng vào nguyên nhân đã gây nên tật xấu kia. Ví dụ: Nếu hay đi học muộn vì dậy trễ, ta sẽ quyết tâm luôn đi ngủ sớm để hôm sau có thể dậy sớm đến lớp trước giờ.
Hướng theo chiều ngược lại như thế, ta sẽ rèn luyện được cho mình một ý chí mạnh mẽ là điều kiện để vượt thắng khó khăn và thành công trong cuộc sống.
III. Gây Men Tin Mừng Cho Đồng Bạn
Tức là rủ nhau làm điều tốt, tập làm việc chung với nhau.
Tuy nhiên, lắm lúc ta có cảm tưởng như muốn sống lương thiện, phải lội ngược dòng nước. Những phim ảnh xấu, những thói xấu phổ biến trong xã hội xuất hiện như một áp lực rất mạnh, khiến ta tưởng mình khó mà đứng vững. Thế nhưng, dù sức ta yếu đuối, ơn Chúa vẫn luôn dư tràn: “Có Thầy đây, đừng sợ!”. Khi đã có Chúa ở bên, không có gì phải sợ, như lời Đức Giáo Hoàng nói: “Đừng sợ làm điều tốt!”. Với ơn Chúa, ta quyết đứng vững trong điều tốt. Nếu có vấp váp điều gì, ta luôn nhớ rằng tình thương Chúa lớn hơn tội lỗi ta. Ta hãy dựa vào ơn Chúa mà đứng dậy và lại can đảm tiến bước.
Hãy tập hy sinh, từ bỏ những ý nghĩ, lời nói, việc làm ngược với lòng mến Chúa yêu người. Hãy tập đứng vững với Chúa từ trong những điều nhỏ, liên tục mỗi ngày.