Chúa Nhật 18 Thường Niên Năm C
Ðổi Mới Cuộc Ðời
(Giảng viên 1,2; 2,21-23; Thư Côlôsê 3,1-5.9.11; Tin Mừng Luca 12,13-21)
Phúc Âm: Lc 12, 13-21
“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: “Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?” Ðoạn người ấy nói: “Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?” Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.
Suy Niệm:
Bài đọc Kinh Thánh hôm nay đụng chạm đến đời sống thực tế của con người. Thoạt tiên chúng ta có thể đã cảm thấy nhiều điều chói tai. Bài sách Giảng viên không để lộ ra một quan điểm bi quan, yếm thế sao? Bài thư Phaolô dường như cũng có những lời khuyên xuất thế. Và bài Tin Mừng có vẻ không thích những con người tính toán làm ăn. Nhưng chính vì Lời Chúa hôm nay đề cập đến những vấn đề thực tế như vậy mà chúng ta phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Chúng ta sẽ thấy chẳng có gì là bi quan xuất thế và mạt sát công ăn việc làm của con người. Ngược lại, chúng ta sẽ được khuyến khích nhìn xa hơn các công việc của ngày hôm nay, làm sao để lao công vất vả của con người ở đời được thành tựu lâu dài; và như vậy Lời Chúa chỉ muốn mạc khải cho chúng ta một lẽ sống để hoàn thành các nhiệm vụ ở trần gian.
1. Trước Hết Bài Sách Giảng Viên Khuyến Khích Chúng Ta Tìm Hiểu Về Lẽ Sống Ở Ðời
Ðây là những lời của một con người có thao thức tìm hiểu. Người ấy tự xưng là Qohelet, con của Ðavít, vua ở Giêrusalem. Thế thì ông là Salomon mất rồi. Nhưng tại sao ông lại bảo mình là Qohelet? Thật ra danh từ này chỉ có nghĩa là “cộng đoàn”. Tác giả muốn nhân danh cộng đoàn dân Chúa mà giảng dạy. Thành ra chúng ta gọi là Giảng viên cho tiện. Và vì lời giảng của ông là những suy tư về sự khôn ngoan và lẽ sống ở đời, nên sách Giảng viên được liệt vào sổ các sách Khôn ngoan ở trong bộ Cựu Ước. Và hết mọi sách Khôn ngoan đều lấy Salomon làm tổ phụ. Do đó ở đây tác giả Giảng viên xưng mình là Qohelet, con của Ðavít, vua ở Giêrusalem. Tất cả những điều đó chỉ có nghĩa là bài sách và quyển sách Giảng viên này nói lên giáo huấn đã suy tư một cách khôn ngoan, khởi hứng từ thời Salomon, vị hoàng đế nổi danh là khôn ngoan tuyệt trần.
Vậy, các suy nghĩ khôn ngoan đã dẫn tác giả đến những kết luận nào? Câu đầu của đoạn sách đọc hôm nay cũng là câu đầu tiên của tác phẩm, tóm tắt thành quả suy nghĩ của tác giả. Ông nhận thấy: phù vân, rất mực phù vân, thảy là phù vân.
Chúng ta muốn lắc đầu chép miệng, vì sao mà yếm thế bi quan vậy? Nhưng đó là luận điệu của hầu hết các bậc khôn ngoan thánh hiền ngày xưa, nơi bất cứ dân tộc nào. Lão Tử, Thích Ca đều có những lời lẽ tương tự. Nếu chúng ta kính trọng các ngài thì đừng vội lắc đầu, chép miệng. Hãy tự coi như chúng ta chưa nhận ra sự khôn ngoan nơi những câu nói như vậy. Nhất nữa là ở đây: sách Khôn ngoan đã mặc hình thức lời linh ứng! Chúng ta hãy thử tìm hiểu lời Giảng viên muốn nói gì.
Ðể dễ xét đoán chúng ta hãy đọc thêm mấy câu nữa. Tác giả nói đến mình, nói đến Salomon đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan dưới ánh dương. Ông đã đem lao động tay chân và trí óc ra xây dựng sự nghiệp. Nhưng bây giờ ông tự hỏi: Công trình ấy sẽ để lại cho ai, sẽ rơi vào tay người nào? Phần ông chắc chắn sẽ chẳng mang theo được gì và không hiểu sẽ đi về đâu? Nghĩ như vậy mà không thấy hết thảy là phù vân sao?
Nhận xét này không bi quan, không yếm thế mà chỉ khắc khoải. Tác giả không hề tiếc vì đã lao nhọc. Ông không mảy may buồn vì đã trổ tài khôn ngoan ra ở dưới ánh dương. Ông chỉ ưu tư thắc mắc: Sự nghiệp ấy rồi sẽ rơi vào tay ai? Chắc chắn nó sẽ thành sở đắc của con người đã không lao nhọc gầy dựng nên. Nó có được đánh giá đúng mức để được tiếp tục xứng đáng không, hay sẽ lọt vào tay kẻ không xứng đáng mà tiêu tan ra mây khói? Sự nghiệp của con người như vậy không có tương lai bảo đảm. Nó chẳng phải là phù vân, tức là mau qua như gió thổi và không có rễ sâu chắc chắn sao? Rồi đến con người làm ra nó, tác giả đã vận dụng tay chân và trí óc để xây dựng, con người sẽ đi về đâu sau khi từ giã cuộc đời? Chẳng có gì bảo đảm tương lai cả. Ðời sống con người cũng thật là phù vân vậy.
Những suy tư này chân thật và thực tế. Chúng có thể dẫn sang những kết luận bi quan yếm thế. Người ta có thể dựa vào đó để suy nghĩ rằng cuộc đời chẳng có gì đáng sống; rồi lao nhọc làm gì để rồi ra đi với hai bàn tay không? Nhưng đó không phải là ý nghĩa của tác giả sách Giảng viên.
Lập trường của ông rất tích cực. Ông nêu lên những nhận định trên và đặt ra những câu hỏi về tương lai, không phải để khuyên yếm thế và vô vi. Nhưng ngược lại, ông thôi thúc độc giả và chúng ta tìm ra lẽ sống trường tồn cho cuộc đời. Ông nói lên khát vọng muốn được trường sinh và không mất mát chút gì về các sự nghiệp ở đời. Ông khắc khoải về tương lai và muốn nắm chắc định mệnh đời người. Trong cả tác phẩm của ông, không hề có thái độ nào muốn buông xuôi, chán nản chẳng muốn làm việc và xây dựng nữa. Ông tự hào vì đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương. Ðiều duy nhất làm cho tác phẩm của ông có vẻ ưu buồn là ông trách Chúa không cho con người biết rõ về tương lai và định mệnh của mình. Tức là ông vươn tới đời sau và bình diện cao hơn ở đời, đang khi vẫn ý thức rõ ràng cuộc sống của con người ở đời phải lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương.
Nói cách khác, bài đọc sách Giảng viên hôm nay khuyên chúng ta không nên thiển cận chỉ biết ngày hôm nay, nhưng phải nhìn xa về tương lai, phải nhìn cao hơn bình diện đời này để xây dựng không uổng phí và sự nghiệp khỏi trở thành phù vân. Ðó dường như cũng là ý tưởng của bài Tin Mừng Luca mà chúng ta tìm hiểu bây giờ.
2. Ðức Giêsu Khuyên Chúng Ta Phải Biết Làm Giàu Nơi Thiên Chúa
Hôm ấy có người trong đám đông nói với Người: “Thưa Thầy xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Không hiểu thói quen thời bấy giờ có thể chúng ta thấy hành động của người ấy lố bịch. Ai lại đưa vấn đề chia gia tài ra nói với Ðức Giêsu! Và lại đưa ra khi Người đang ở giữa quần chúng như thế! Ở đây Người không phải là vị tiên tri đang rao giảng Lời Chúa sao? Người đâu có đến để làm thẩm phán hay trọng tài trên của cải vật chất?
Nhưng người kia đã theo thói quen thời bấy giờ, thời mà pháp luật và việc thi hành pháp luật khá uyển chuyển. Pháp luật dạy gia tài cha mẹ để lại thì phải chia cho con cái và người con cả có quyền được nhiều hơn. Nhưng lòng tham của người này có thể khiến việc phân chia không được công bằng và kịp thời. Người con cả có thể trì hoãn việc phân chia để có thì giờ ăn huê lợi, hoặc có thể không chia đủ phần cho các em. Những người này có thể đem nội vụ ra kiện cáo trước pháp luật. Nhưng thường khi sự thủ tục phức tạp và tốn phí, người ta có thể xin những người có uy tín trong xã hội giúp đỡ. Các tiên tri ở trong số những người này. Và uy tín của Chúa Giêsu bấy giờ có khả năng sắp đặt những câu chuyện như thế.
Tuy nhiên, Người lại không phải là hạng người như vậy. Ðang lúc ở giữa đám đông rao giảng Tin Mừng cứu độ. Người càng muốn tránh những thái độ thông thường khiến người ta có thể lầm về sứ mạng của mình.
Hơn nữa, ở đây, căn cứ vào những lời Người nói tiếp theo, kẻ đứng ra kiện cáo có vẻ là con người tham lam, ít ra thánh Luca đã hiểu như vậy. Người dùng câu chuyện này làm tiền đề đi vào giáo huấn của Chúa. Chính giáo huấn này mới là cốt yếu. Chúng ta phải để ý đến giáo huấn này, chứ đừng đứng lại trong câu chuyện chia gia tài kia và thắc mắc vô ích.
Ðó chỉ là cớ và khởi điểm cho một huấn thị về đời sống đạo đức. Thấy có kẻ để hở ra lòng tham lam của cải, Ðức Giêsu quay ra nói với quần chúng: “Hãy coi chừng, hãy lo giữ mình khỏi mọi thứ tham lam vì không phải ai được sung túc là đời sống kẻ ấy được bảo đảm đâu”.
Rồi Ðức Giêsu kể ví dụ về người phú hộ tưởng có nhiều của là được hạnh phúc vững bền, bởi vì nhỡ đêm nay chết, mọi điều người ấy đã sửa soạn sẽ về tay ai? Không nghĩ xa như vậy, thì thật là ngốc, không khôn ngoan như tác giả các sách khôn ngoan nói chung và như tác giả sách Giảng viên nói riêng, và vì ngốc như vậy, kẻ phú hộ ở đây được mô tả với những lời lẽ không được gây thiện cảm.
Quả vậy trong bài sách Giảng viên, chúng ta đã thấy con người khôn suy nghĩ được đồng hóa với Salomon, với con người đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương. Còn ở đây kẻ phú hộ được mô tả suy tính trong lòng mình: “Ta phải làm gì? Ta phải phá các lẫm cũ đi, xây những lẫm to hơn, chất lúa má vào đó, rồi sẽ nhủ hồn ta rằng: hồn ơi mày có chán của cải, nghỉ đi, ăn đi, hưởng đi”. Tất cả nói lên một lòng dạ bẩn thỉu, ích kỷ, không biết nghĩ gì tới người khác và xã hội. Tác giả Luca theo Chúa Giêsu, ghét những tâm lý như vậy; và không thể chấp nhận được những kẻ làm giàu để hưởng thụ. Chúa tể của hạng người này là cái bụng! Khốn cho kẻ giàu có! Họ cậy có chắc của cải, tưởng là bảo đảm được đời sống. Nhưng đồ ngốc, ngay đêm nay, người ta (tức là Thiên Chúa) đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi điều ngươi đã sửa soạn kia sẽ về tay ai?”. Dĩ nhiên người này sẽ được dùng, nhưng còn ngươi sẽ thế nào?
Kết luận Chúa Giêsu bảo người ta: “Như thế đó, kẻ lo cất cho mình mà không biết làm giàu nơi Thiên Chúa”. Người muốn nói không nên chỉ lo cất cho mình; mà nhất là phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa nữa. Người cũng không lên án việc làm ăn ở đời. Người đòi chúng ta phải biết nghĩ đến tha nhân và xã hội nữa khi làm ăn. Và nhất là Người dạy chúng ta phải chất chứa công phúc trước mặt Chúa.
Phải chăng Ðức Giêsu đã chẳng trả lời cho thắc mắc xao xuyến của tác giả sách Giảng viên. Ông lo lắng về tương lai sau khi lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương; thì Ðức Giêsu bảo đang khi sống ở đời này chúng ta phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa. Những tích trữ này, mối mọt không làm gì được, như lời sách Tin Mừng Mátthêu đã viết. Còn những gì có thể tích trữ được như thế, thì bài thư Phaolô hôm nay có thể trả lời cho chúng ta được một phần nào.
3. Thánh Tông Ðồ Khuyên Chúng Ta Ðổi Mới Cuộc Ðời
Thoạt nghe, chúng ta thấy bài thư hôm nay nói đến những sự trên trời và những sự dưới đất. Chúng ta dễ tưởng tượng có những của chúng ta đem chất được vào kho tàng trên trời và có những việc chúng ta làm sẽ hư đi ở dưới đất…
Nghĩ như vậy là vong thân, là biến mình nên của cải, là đồng hóa mình thành công việc, là coi mình đã trở nên hàng hóa khi làm việc. Quan niệm lao động như vậy là quan niệm theo tư bản và bóc lột sức lao động. Chúng ta phải quan niệm ngược lại. Lao động phát triển khả năng của con người, làm giàu cho nhân cách, đưa con người vươn lên, khiến họ được vinh quang… Thành tích lao động nằm trong sự vật rất đáng kể, nhưng ghi lại trên con người và biến đổi họ thành đáng kể hơn.
Nói cách khác, con người đang thành thân bằng lao động, đang xây dựng mình bằng lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương. Theo Kitô giáo và như lời thư Phaolô hôm nay bản thân con người đang thành hình nơi chúng ta nhờ sinh hoạt ở đời, sẽ chỉ tỏ hiện khi Ðức Kitô hiện đến. Ánh sáng của Người sẽ chiếu vào chúng ta và con người thật của chúng ta bấy giờ sẽ biểu lộ nguyên hình.
Chúng ta muốn mình khi ấy tốt hay xấu? Nếu muốn đẹp thì ngay bây giờ chúng ta phải bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới, con người cũ luôn luôn tìm kiếm dâm bôn, ô uế… tham lam, hà tiện… và nói dối người khác. Nó hướng về những sự dưới đất. Còn con người mới cư xử chiếu theo hình ảnh của Ðấng đã dựng nên nó trong sự thánh thiện và duy nhất, nên không ngừng tìm kiếm những điều trong sạch và hòa thuận, là những điều mà Phaolô gọi là những điều ở trên cao, hay ở trên trời.
Dĩ nhiên chúng ta có thể trao đổi thêm với tác giả bức thư này về những điều vừa nói. Nhưng thiết tưởng vừa nhìn qua, chúng ta cũng đã hiểu được ý của tác giả. Thánh Phaolô khuyên chúng ta khi sinh sống ở đời phải nhìn đến tương lai và định mệnh, tức là phải vươn tới sự thành thân trong vinh quang. Và cho được như vậy phải sát phạt chi thể của con người cũ là từ bỏ những công việc xấu xa tội lỗi gồm tóm trong các hành vi tham lam và thiếu hòa thuận.
Ngược lại, phải mặc lấy con người đã được canh tân khỏi những khuynh hướng xấu xa trên, để thi hành những công việc trong sạch và hòa hợp theo hình ảnh con người Thiên Chúa đã dựng nên. Lời giáo huấn của Phaolô cũng nằm trong chiều hướng của bài Tin Mừng và bài sách Giảng viên. Chúng ta thấy tất cả đều tích cực và lạc quan… hơn nữa đó là quan điểm khôn ngoan và thánh thiện.
Chúng ta có thể đem ra thi hành kể từ giờ phút này. Thánh lễ có sức giúp chúng ta lột bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. Tình bác ái của Ðức Giêsu thôi thúc chúng ta đã thấy hạnh phúc ở nhà thờ, nơi chúng ta được hiệp nhất và hòa đồng trong sự thánh thiện, thì khi ra về, phải lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ra ở dưới ánh dương, tức là trong đời sống, để xây dựng cuộc đời trong sự trong sạch và hòa thuận. Cuộc đời như vậy chắc chắn sẽ không phù vân. Sự nghiệp chúng ta xây dựng sẽ tồn tại và vinh quang.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)