Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”. (Ga 1,29)
BÀI ĐỌC I: Is 49, 3. 5-6
“Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc, để ngươi nên ơn cứu độ của Ta”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã phán cùng tôi: “Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta được vinh danh nơi ngươi”.
Và bây giờ, Chúa phán, Người đã huấn luyện tôi khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở nên tôi tớ Người, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel quanh Người. Tôi được ca tụng trước mắt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh của tôi. Người đã phán: “Làm tôi tớ Ta chẳng có là bao, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10
Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. – Đáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.
3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật Chúa ghi tận đáy lòng con. – Đáp.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Đại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 1-3
“Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta”.
Khởi đầu thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Ga 1,29-34
29 Một hôm, ông Gio-an thấy Chúa Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.
30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”.
32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.
33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.
34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA, ĐÂY ĐẤNG XÓA TỘI TRẦN GIAN
Suy niệm Tin Mừng Ga 1,29-34,
Chúa nhật II, Thường niên, Năm A
M. Lasan Châu Sơn
Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian
Trong mỗi thánh lễ chúng ta đều nghe vị chủ tế công bố như vậy và chính chúng ta cũng xướng lên: Lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian xin ban bình an cho chúng con.
Thế thì, chiên Thiên Chúa nghĩa là gì? Hình ảnh con chiên rất hiếm thấy trên đất nước chúng ta so với các con vật khác như con trâu, con bò, con chó, nhưng ở đất nước Do thái, con chiên là con vật quen thuộc đối với họ. Kinh Thánh cho ta biết con chiên là một trong những con vật được chọn làm vật tế lễ trong đạo Do Thái (St 22,8; Ds 28,9; Xh 29,38-46). Tổ phụ Abraham đã bắt con chiên làm của lễ toàn thiêu thay cho Isaác. Đặc biệt, hàng năm người Do Thái ăm mừng đại lễ Vượt Qua, tưởng nhớ ngày họ xuất hành khỏi đất Ai Cập mà về Đất Hứa, trong bữa tiệc ấy nhất thiết phải ăn thịt chiên.
Vì trong đêm Vượt Qua, chính ông Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên toàn vẹn, lấy máu bôi lên khung cửa (x.Xh 12,27). Máu chiên là dấu hiệu nhà của người Do Thái và Đức Chúa sẽ Vượt Qua không phạt chết các con trai đầu lòng của họ, như đã phạt chết các con trai đầu lòng người Ai Cập (x. Xh 12,29-30). Như thế có thể hiểu: con chiên chết thay cho con người.
Theo ý nghĩa đó, Chúa Giêsu thật là Chiên Thiên Chúa. Người là Chiên Thiên Chúa chết thay cho cả nhân loại, đúng như tiên tri Isaia đã loan báo: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Hình ảnh ấy thật sống động trong giờ Chúa Giêsu chịu thương khó. Vào đúng giờ người Do Thái chuẩn bị giết chiên để ăn mừng lễ Vượt Qua, thì cũng là giờ Chúa Giêsu bị kết án tử. Điều ấy, chứng tỏ Chúa Giêsu là chiên của Thiên Chúa Đấng gánh tội, Đấng mang lấy tội, ôm lấy tội của tất cả nhân loại mà treo lên cây thập giá, qua đó Ngài xóa bỏ án chết lẽ ra nhân loại phải chịu. Đúng như Gioan Tẩy Giả giới thiệu:“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29).
Thánh Gioan Tẩy Giả nhân chứng giới thiệu Chúa Giêsu cho những người Do Thái, bằng chính đời sống và cái chết của ngài. Vì thế mà đông đảo dân chúng Do Thái đi theo Chúa Giêsu. Các nhà thừa sai, các vị tử đạo trên quê hương đất nước chúng ta, các vị tổ tiên của chúng ta đã là nhân chứng cho Chúa bằng chính đời sống yêu thương phục vụ người dân Việt, nhờ đó mà chúng ta hôm nay nhận biết Chúa. Cho nên đến lượt chúng ta – những kitô hữu của thời đại cũng có trách nhiệm là nhân chứng cho Thiên Chúa tình yêu trong cuộc sống hằng ngày bằng những nghĩa cử yêu thương phục vụ mọi người. Hình ảnh Đức cha Jean Cassen từ chức Giám mục Sài Gòn để chăm sóc anh chị em bệnh cùi tại Di Linh, hình ảnh mẹ Têrêsa Calcutta chăm sóc người cùng khổ ở Ấn Độ, các nữ tu đang âm thầm phục vụ những người nghèo khổ không nơi nương tựa, hình ảnh những gia đình êm ấm thuận hòa vợ chồng chung thủy, con cái hiếu thảo, chắc chắn đang là nhân chứng sống động cho Chúa giữa thế giới hôm nay. Đúng như Chúa nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau”.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian”. Hình ảnh con chiên bị đem đi sát tế. Hình ảnh con rắn đồng được Môisê treo lên khi xưa. Chính là hình ảnh con Thiên Chúa chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu xuống thế làm người. Ngài chịu chết để cho con người được sống.
Lời tung hô “Ðây Chiên Thiên Chúa” trong thánh lễ mỗi ngày nhắc nhở chúng ta: con người trở nên cao quý vì đã được chuộc bằng máu vô giá của Ðức Giêsu Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Cha, nhờ Máu Cực Thánh của Ðức Giêsu con Cha, chúng con đã được trở nên vô giá. Xin cho chúng con biết quý trọng phẩm giá của mình, và biết trân trọng tha nhân. Vì đó là món quà quý Cha ban tặng cho chúng con. Lời tạ ơn luôn vang trên môi: Vâng, lạy Cha, chúng con xin tạ ơn Cha, cùng với Ðức Giêsu Kitô Con Cha. Amen.
Ghi nhớ: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian”.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn, SCJ.)
Câu chuyện
Thiên Chúa giải phóng Do Thái khỏi ách người Ai Cập bằng một loạt sự can thiệp từ trời, mà một trong những sự can thiệp nổi bật nhất được xác định qua tai ương thứ mười: giết hại các con đầu lòng của người Ai Cập (Xh 11,5; 12,12.29…). Để cứu các con đầu lòng dân Do Thái cũng là dấu chỉ giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa truyền cho họ giết một con chiên còn trong sạch (con cừu non), lấy máu bôi lên cửa. Đêm hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai Cập, nhà nào có máu của con chiên bôi trên cửa sẽ được cứu thoát.
Để tưởng niệm việc được cứu sống và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, từ đó, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do Thái vẫn giữ tập tục giết chiên mừng lễ. Lễ đó gọi là lễ Vượt Qua. Con chiên bị giết gọi là con chiên vượt qua.
Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu trở thành Chiên Vượt Qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn con người khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi chết.
Suy niệm
“Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian”, “tội trần gian” theo truyền thống thường hiểu là tội gốc, là tội nguyên tổ và những hậu quả di căn cho con người là tất cả những lỗi lầm, tội lỗi cá nhân.
Không chỉ thế, “tội trần gian” được nhắc đến trong Tin Mừng là ý niệm về một quyền lực “bóng tối” (x. Ga 8,12), chi phối và đè bẹp con người mất tự do. Thánh Gioan và thánh Giacôbê đã nhấn mạnh sự liên hệ giữa tội lỗi và thế gian (x. Ga 16,8.17,14; 1Ga 2,1; 2,15-17; 4,1.4.5; 5,19; Gc 1,27; 3,15; 4,4), chính thế lực tạo nên sự chống đối lại sự sáng – thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống. Trong đó “tội trần gian” là sự thống trị của vật chất được hình tượng hóa bằng bò vàng mà dân Do Thái tôn thờ (x. Xh 32, 1-6). Hành vi tôn thờ bò vàng muốn nói lên là họ không cần đến Thiên Chúa, cắt khỏi sự gắn bó với Thiên Chúa, tự sức mình làm chủ cuộc đời và muốn thế giới theo ý mình. Chúng ta thấy rõ việc tôn thờ “bò vàng” qua cách sống thực dụng duy vật chất của người đời hôm nay. “Tội trần gian” còn là di căn của tội như đau khổ và phải chết do tội nguyên tổ, những hậu quả đi vào đời sống hàng ngày là những lo lắng ưu tư, những khốn khó, bệnh tật mà con người đang bị đè nặng từ khi bóng tối làm chủ thế gian…
“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian”, thánh Gioan Chrysostome và thánh Augustin đã nhấn mạnh: “Chiên là biểu tượng của sự vô tội và của công chính. Người vô tội chết cho người có tội, người công chính chết cho nhân loại vốn mất ân sủng do tội, được trở nên công chính hóa”. Vì thế, Giáo hội tuyên tín từ xa xưa: “Khi Người tự hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, Người hủy diệt tội lỗi xưa để đổi mới muôn loài sa ngã, và hoàn lại sự sống nguyên tuyền cho chúng con” (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh IV).
Ðức Kitô – Chiên Thiên Chúa đã dùng giá máu mình để cứu chuộc nhân loại (x. 1Pr 1,18; Kh 5,9; Dt 9,12-15) được loan báo trước bằng hình ảnh máu chiên cứu dân Do Thái. Gioan, người môn đệ đã thấy hình ảnh Chiên Thiên Chúa hiến tế đã nhấn mạnh: Ngài đã cứu họ khỏi “bụi trần” (Kh 14,3); Phêrô xác tín thêm: Ngài đã cứu nhân loại khỏi cái thế giới buông theo gian tà phát sinh do đạo thờ ngẫu tượng (x. 1Pr 1,14.18; 4,2tt), nhờ đó từ nay họ có thể tránh tội (x. 1Pr 1,15tt; Ga 1,29; 1Ga 3,5-9), hình thành nên vương quốc tư tế mới, nên dân tộc được thánh hiến cho Thiên Chúa (x. 1Pr 2,9; Kh 5,9tt; Xh 19,6). Chính dân tộc thánh này sẽ dâng lên Thiên Chúa cuộc thờ phượng thiêng liêng bằng một đời sống không có gì chê trách được (x. 1Pr 2,5; Dt 9,14). Chính vì lẽ đó, tông đồ Phaolô khuyên người tín hữu hãy sống “tinh tuyền và chân thật” như bánh không men vì “Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7).
Ước chi tôi và bạn đặt tất cả niềm tin và cuộc sống nơi Chiên Vượt Qua – Đức Kitô, trong Ngài chúng ta được chữa lành mọi vết thương, được giải phóng mọi tình trạng nô lệ ở đời này.
Ý lực sống
Chiên Vượt Qua là Kitô Đức Chúa
Đổ máu đào vô tội cứu sinh linh
Này bánh không men nuôi dưỡng lòng thành
Hồn trinh trắng khỏi sa vòng tục lụy…
(Thánh Thi Phục Sinh).
Nguồn: tgpsaigon.net