(16-5-2004)
Hãy nhạy bén với sự chỉ dạy của Thánh Thần
ĐỌC LỜI CHÚA
· Cv 15,1-2.22-29: (1) Những người Giuđê cho rằng: «Nếu không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì không thể được cứu độ». (28) (Nhưng) Thánh Thần và chúng tôi (=các tông đồ) đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: (29) là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi».
· Kh 21,10-14.22-23: (22) Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. (23) Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.
· TIN MỪNG: Ga 14,23-29
Thánh Thần sẽ đến
(23) Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: «Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. (24) Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. (25) Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. (26) Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
(27) «Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (28) Anh em đã nghe Thầy bảo: «Thầy ra đi và đến cùng anh em». Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. (29) Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Cách Thánh Thần hướng dẫn và dạy dỗ các tông đồ có giống cách của Đức Giêsu không? Giống và khác nhau chỗ nào? Thánh Thần truyền đạt cho con người bằng cách nào?
2. Ta phải quan niệm và có thái độ nào để có thể nhận được sứ điệp của Thánh Thần, và đáp ứng được những gì Ngài muốn thực hiện nơi ta?
Suy tư gợi ý:
1. Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần
Sau khi sống lại, Đức Giêsu không ở lại trần gian với các tông đồ để tiếp tục dạy dỗ các ông, mà về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đấng tiếp nối Ngài để tiếp tục dạy dỗ các ông và cả Giáo Hội là Thánh Thần. Nhưng Thánh Thần không hiện diện bằng thân xác, không nói thành lời để có thể nghe được bằng tai như Đức Giêsu. Thánh Thần hiện diện và hướng dẫn con người bằng thần khí, tức tinh thần. Ngài là Thần Khí của Thiên Chúa. Thần Khí ấy – tức Thánh Thần – tác động trên thần khí của ta, nói với ta từ bên trong, để ta hiểu biết về Thiên Chúa và kế hoạch hay thánh ý của Ngài, để ta kết hiệp với Ngài, và để ta có sức mạnh hầu thi hành theo đường lối của Ngài. Do đó, chúng ta phải biết thích ứng với cách hiện diện mới, cách hướng dẫn hay dạy dỗ mới mẻ của Thánh Thần, khác với cách hiện diện và dạy dỗ rất cụ thể qua thể chất của Đức Giêsu.
2. Vai trò quan trọng và khó khăn của Thánh Thần
Đức Giêsu chỉ hiện diện tại trần gian 33 năm, nhưng chỉ thu nhận tông đồ và dạy dỗ họ, chỉ rao giảng Tin Mừng trong 3 năm. Công việc cứu chuộc không phải tới đó là hết, mà còn kéo dài suốt dòng lịch sử mấy ngàn năm của nhân loại. Phần việc còn lại này do Thánh Thần đảm trách. Ngài phải điều khiển lịch sử Giáo Hội, thánh hóa các tâm hồn, soi sáng họ để họ hiểu được tình yêu, tinh thần, ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa.
Công việc này rất khó khăn vì Ngài không ra mặt một cách hữu hình, không dùng uy quyền để điều khiển bằng những mệnh lệnh rõ ràng như một vị vua trần gian. Mà Ngài chỉ tác động vào tinh thần của con người, linh hứng, soi sáng, ban sức mạnh bên trong để chính con người thực hiện. Một khó khăn khác là Ngài luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Ngài không ép buộc con người, nên con người có thể từ chối lời mời gọi của Ngài, thậm chí có thể hành động ngược lại ý muốn của Ngài. Ngoài ra, Ngài còn phải điều khiển Giáo Hội trong một thế giới luôn luôn thay đổi và biến động đủ kiểu. Để hành động sáng suốt đem lại hiệu quả, Ngài phải «tùy cơ ứng biến», phải thay đổi cách thức tùy tình huống, không thể chấp cứng theo một nguyên tắc, một đường lối duy nhất.
3. Một vài nguyên tắc để nắm bắt sự hướng dẫn của Thánh Thần
Chúng ta đã biết tầm quan trọng và những khó khăn lớn lao của Thánh Thần trong công việc thánh hóa nhân loại và điều khiển Giáo Hội và thế giới. Chúng ta cũng đã biết phương cách hoạt động của Ngài. Vì thế, chúng ta cần phải tích cực cộng tác vào công việc của Ngài. Muốn thế, chúng ta cần nắm vững một vài nguyên tắc để nắm bắt được sự dạy dỗ và hướng dẫn của Thánh Thần.
a) Thánh Thần là Đấng đổi mới
Con người thay đổi theo thời gian. Càng ngày con người càng tiến bộ về mọi mặt: não trạng, tâm lý, kiến thức, tâm linh, quan niệm, cách suy tư, v. v… Do đó, muốn dạy dỗ con người, Thánh Thần phải hành động giống như một ông thầy, phải thích ứng với trình độ và cá tính của mỗi lớp tuổi của học sinh, để chúng phát triển một cách thích hợp. Không thể dạy ở đại học cùng một cung cách hay phương pháp như khi dạy ở cấp 3. Và dạy ở cấp 2 không thể giống như ở cấp 1 được. Như vậy, Thánh Thần phải thay đổi cách hướng dẫn và dạy dỗ con người tùy theo thời đại, tùy theo tình huống rất đa dạng của con người. Do đó, con người hay Giáo Hội cần phải nhạy bén mới có thể theo kịp sự hướng dẫn của Thánh Thần.
b) Đừng coi những gì đã được công thức hóa là tuyệt đối và bất biến
Thông thường, con người có khuynh hướng tâm lý là rút kinh nghiệm rồi đúc kết kinh nghiệm ấy thành công thức, và coi công thức ấy như chân lý bất biến, vĩnh cửu. Đấy là sự khôn ngoan của con người: người nào càng đúc kết được nhiều kinh nghiệm, nghĩa là càng công thức hóa được nhiều kinh nghiệm ấy để ghi nhớ và truyền đạt, thì càng được coi là khôn ngoan. Nhưng rất nhiều kinh nghiệm được đúc kết chỉ có giá trị trong thời gian, có thể trong nhiều thế kỷ. Nghĩa là chúng rất đúng, có giá trị và đem lại lợi ích trong một thời gian, nhưng tới một thời gian nào đó, khi cục diện hay hoàn cảnh của thế giới thay đổi, thì một số quan niệm và kinh nghiệm cũ không còn phù hợp nữa. Trong hoàn cảnh mới đã thay đổi ấy, nếu cứ quan niệm theo kiểu cũ và áp dụng kinh nghiệm cũ do cổ nhân đúc kết, thì có thể sẽ không đạt được kết quả mong muốn, thậm chí có thể gây tai hại.
Chẳng hạn trong lãnh vực khoa học, người xưa đúc kết những kinh nghiệm khoa học thành định luật như định luật hóa học Lavoisier về bảo toàn nguyên tố. Định luật này được coi là đúng một cách tuyệt đối cho đến khi con người khám phá ra nguyên tử của chất này có thể biến đổi thành nguyên tử chất khác trong một phản ứng hay một chuỗi phản ứng hóa học. Trong toán học, định đề Euclide được coi như chân lý không biến đổi cho tới khi con người khám phá và bước vào không gian vi vật lý (micro-physique) của các nguyên tử và không gian đại vật lý (macro-physique) của các thiên thể. Trong những không gian mới mẻ này, định đề Euclide không còn áp dụng đúng được nữa. Trong lãnh vực thường thức, nhiều kinh nghiệm được người xưa đúc kết thành công thức, không còn đúng trong một thế giới đang được toàn cầu hóa, mạng lưới hóa, điện tử hóa…
Về vấn đề này, trong lãnh vực tâm linh, Thánh Phaolô nói: «Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống» (2Cr 3,6). Trong câu Kinh Thánh này, «chữ viết» có thể được hiểu là những luật lệ thành văn, những kinh nghiệm, những suy tư chín chắn được coi là đúng, được công thức hóa và được coi là chân lý bất biến, có giá trị vĩnh cửu. Vì coi luật lệ hay những công thức ấy là chân lý vĩnh cửu, nên con người ỷ y vào chúng, dựa vào chúng mà hành động, không còn quan tâm tới tiếng nói thầm kín và khó nhận ra của Thần Khí ở trong tâm mình nữa. Khi hoàn cảnh đã thay đổi, những luật lệ hay công thức ấy không còn phù hợp nữa, thì việc áp dụng những luật lệ hay công thức ấy trở thành sai lầm và tai hại. Những luật lệ hay công thức ấy chỉ có giá trị trong một thời gian, và không phù hợp được với từng tình huống của con người hay của Giáo Hội. Vì thế, con người hay Giáo Hội cần phải lắng nghe Thánh Thần, và nhạy bén với những cách biểu lộ của Thánh Thần hơn là dựa vào những luật lệ công thức được coi là vĩnh cửu ấy.
4. Kinh nghiệm rút từ Kinh Thánh:
Cách đây 2000 năm, người Do Thái tưởng rằng luật Môsê với phép cắt bì là luật của Thiên Chúa sẽ không bao giờ thay đổi, và sẽ được áp dụng cho con người đến muôn đời. Nhưng trong thực tế, luật này chỉ được áp dụng từ thời Môsê đến thời các tông đồ – tức khoảng 1300 năm – thì không còn được áp dụng nữa. Bài đọc 1 trong sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay cho thấy: Người Kitô hữu gốc Do Thái nói rằng các Kitô hữu gốc ngoại giáo phải chịu phép cắt bì và tuân theo luật Môsê thì mới được cứu rỗi. Nhưng các tông đồ đã hội ý với nhau – dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần – quyết định chẳng phải chỉ thay đổi một vài điều, mà bãi bỏ luật Môsê. Và kể từ đó, như chúng ta thấy hiện nay, Giáo Hội không hề buộc các Kitô hữu phải tuân giữ luật Môsê.
Luật Môsê là luật của Thiên Chúa cho con người, thế mà còn bị bãi bỏ sau chỉ 1300 năm áp dụng, lẽ nào những luật do con người lập ra lại không thể thay đổi? Luật của con người có cao trọng và có giá trị lâu dài hơn luật của Thiên Chúa không? Chính vì ỷ vào lề luật, tức «chữ viết», mà các tư tế và kinh sư thời Đức Giêsu đã chống lại Thánh Thần và đã giết Đức Giêsu và các tông đồ. Chúng ta nên suy nghĩ sự kiện này để rút kinh nghiệm cho mình trong việc bảo thủ những «chữ viết», tức những luật lệ hay cách giải thích về Thiên Chúa của con người mà ta tưởng rằng không thể thay đổi được!
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha đã ban Thánh Thần để hướng dẫn chúng con nên thánh. Xin giúp chúng con biết nhạy bén với cách chỉ dạy của Thánh Thần. Đừng để chúng con mắc phải những sai lầm của các tư tế và kinh sư Do Thái xưa, tưởng rằng luật Môsê có giá trị tuyệt đối mà ỷ vào luật ấy nên đã không nghe được tiếng của Thánh Thần. Vì thế, họ đã phạm phải những sai lầm trầm trọng. Xin cho chúng con tránh được những lầm lỗi của họ.
Joan Nguyễn Chính Kết