“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.
Bài Ðọc I: Gr 33, 14-16
“Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây lời Chúa phán: Ðã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn. Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi”.
Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14
Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa (c. 1b).
Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.
Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.
Xướng: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài.
Bài Ðọc II: 1 Tx 3, 12 – 4, 2
“Xin Chúa làm cho lòng anh em nên dũng cảm khi Chúa Kitô đến”.
Trích thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxa-lônica.
Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen.
Anh em thân mến, ngoài ra, tôi còn van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này, là như anh em được chúng tôi bảo cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em.
Alleluia: Tv 84, 8
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.
Tin Mừng: Lc 21, 25-28, 34-36
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
SUY NIỆM
A/ 5 Phút Lời Chúa
B/ Lm. Inhaxio Hồ Thông
Với Chúa Nhật I Mùa Vọng, chúng ta bước vào năm Phụng Vụ mới theo chu kỳ là Năm C. Trong Mùa Vọng này, chúng ta sống lại tâm tình của dân Do thái xưa chờ đón Chúa đến. Nhưng khác với dân Do thái, chúng ta biết rằng Chúa đã đến rồi trong thân phận yếu hèn của kiếp người, hiện nay Ngài vẫn hằng đến với chúng ta mọi ngày cách mầu nhiệm và Ngài sẽ đến sau cùng với chúng ta trong vinh quang, gần nhất vào ngày mỗi người từ giả cuộc sống trần thế này, và xa hơn vào ngày Quang Lâm của Ngài. Vậy, Mùa Vọng vừa chuẩn bị chúng ta mừng kỷ niệm việc Chúa đến lần thứ nhất trong thân phận yếu hèn của kiếp người, vừa giúp chúng ta hướng lòng trông đợi Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang của Ngài.
Gr 33: 14-16
Bài Đọc I là sấm ngôn của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã được một bàn tay vô danh sửa lại, hay nói đúng hơn, hiện tại hóa vào trong thời đại của mình, sau khi vương triều Đa-vít biến mất. Bản văn này chuyển niềm hy vọng Mê-si-a sang Giê-ru-sa-lem, thành đô của Thiên Chúa.
1Tx 3: 12-4: 2
Thánh Phao-lô khuyên các Ki-tô hữu Thê-xa-lô-ni-ca sống trong tư thế sẵn sàng chờ đón ngày Đức Giê-su trở lại trong vinh quang bằng cách thực hành đức ái huynh đệ và thăng tiến trên con đường thánh thiện.
Lc 21: 25-28, 34-36
Tin Mừng được trích từ bài diễn từ của Đức Giê-su về ngày tận thế theo Tin Mừng Lu-ca. Đức Giê-su loan báo cuộc trở lại trong vinh quang của Ngài để khai mạc một thế giới mới; các tín hữu phải chờ đợi ngày này trong niềm tin tưởng chứa chan hy vọng.
BÀI ĐỌC I (Gr 33: 14-16)
Bản văn Gr 33: 14-16 nầy lập lại sấm ngôn của Giê-rê-mi-a ở 23: 5-6, tuy nhiên đoạn cuối đã được một nhà biên soạn vô danh sửa lại sau này: thay vì “Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn” (23: 6), thì lại “Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ được an cư lập nghiệp” (33: 16). Việc sửa lại này dâng hiến một lợi ích lớn lao về phương diện lịch sử cũng như tâm lý.
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a công bố sứ điệp hy vọng này vào lúc triều đại Đa-vít biến mất trong một cơn phong ba bảo táp dữ dội và xem ra cuốn theo với triều đại này mọi lời hứa về Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi vua Đa-vít.
1. Bối cảnh lịch sử:
Bối cảnh lịch sử được định vị vào năm 597 trước Công Nguyên, khi vua Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, xâm chiếm Giê-ru-sa-lem và bắt vua Giơ-hô-gia-khin, hậu duệ của vua Đa-vít, và các thân hào nhân sĩ đi lưu đày; đoạn, mười năm sau đó cướp sạch thành thánh và triệt hạ Đền Thờ.
Trước khi tai họa xảy đến cho đất nước, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã lãnh nhận một sứ mạng khó khăn là báo trước cho các vị lãnh đạo và các thân hào nhân sĩ những biến cố bi thảm này, nếu họ không chịu thay đổi cách ăn nếp ở, thực hành công chính và trung tín với Đức Chúa. Nhưng khi những nỗi gian truân bất ngờ xảy đến, ngôn sứ Giê-rê-mi-a, từ ngôn sứ loan báo những tai họa trở thành sứ giả loan báo niềm hy vọng, khẳng định rằng không có gì mất cả; những lời hứa của Thiên Chúa liên quan đến dòng dõi vua Đa-vít không bị hủy bỏ.
“Này, sẽ đến những ngày” (biểu thức này ngôn sứ Giê-rê-mi-a rất tâm đắc, chắc chắn được mượn ở ngôn sứ A-mốt) Thiên Chúa sẽ cho mọc lên từ dòng dõi Đa-vít một “mầm non” (thuật ngữ này đã là một danh hiệu của Đấng Mê-si-a), Đấng này sẽ trị nước theo lẽ công minh chính trực. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a kết thúc sấm ngôn của mình khi trao tặng cho hậu duệ Đa-vít tương lai danh hiệu “Đức Chúa là sự-công-chính-của-chúng-ta”, một trong những danh xưng biểu tượng mà các ngôn sứ thường sử dụng (từ “công chính” được hiểu theo nghĩa Kinh Thánh là sự thánh thiện của Thiên Chúa).
2. Ý nghĩa của việc sửa lại.
Nhiều thế kỷ trôi qua, nền độc lập không được khôi phục và vương triều không được tái lập. Dân Thiên Chúa được tổ chức theo thần quyền, chung quanh các tư tế của họ và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Vào lúc đó, sấm ngôn Giê-rê-mi-a được sửa lại. Vì thế ai xứng đáng đón nhận danh hiệu Mê-si-a “Đức Chúa là sự-công-chính-của-chúng-ta” này, nếu không là Giê-ru-sa-lem được nhân cách hóa? Không phải từ nay Thành Thánh là nơi độc nhất mà các lời hứa cứu độ được ký thác sao?
Các nhà chuyên môn có thể ghi niên biểu của việc sửa đổi này vào hậu bán thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, vì bản dịch Hy lạp, bản Bảy Mươi, không biết đoạn văn này. Ấy vậy, bản dịch nầy được thực hiện ở A-lê-xan-ri-a vào những năm 285-246 trước Công Nguyên.
Việc sửa đổi này rất có ý nghĩa. Vào thời đó, dòng dõi Đa-vít bị mất hút vào trong tập thể. Vị thượng tế lãnh nhận lễ xức dầu tấn phong thế vị vua. Trào lưu Mê-si-a vương đế và trào lưu Mê-si-a tư tế được nhập thành một. Thành Thánh Giê-ru-sa-lem là trung tâm độc nhất, dấu chỉ niềm hy vọng vĩnh hằng.
BÀI ĐỌC II (1Tx 3: 12-4: 2)
Thánh Phao-lô viết Thư thứ nhất gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca vào đầu năm 51, tức khoảng hai mươi năm sau cái chết của Đức Giê-su. Đây là một văn kiện Tân Ước lâu đời nhất.
Thánh Phao-lô viết hai bức thư gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Trong cả hai bức thư, viễn cảnh về ngày Quang Lâm của Đức Giê-su là một trong những chủ đề chính, viễn cảnh nầy đem lại cho những lời khuyến dụ của thánh nhân một cung giọng khẩn thiết. Như vậy, đoạn trích thư này hòa hợp với hai bài đọc còn lại của Chúa Nhật I Mùa Vọng năm C này.
1. Bối cảnh:
Thánh Phao-lô đã sáng lập giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca vào năm 50. Thê-xa-lô-ni-ca là thành phố thương mại miền duyên hãi, thủ phủ của miền Ma-kê-đô-ni-a. Đây là thành phố thứ hai thuộc Châu Âu đón nhận sứ điệp Tin Mừng, sau thành phố thứ nhất là Phi-líp-phê (1Tx 2: 2). Việc thánh Phao-lô rao giảng thành công đã khiến một nhóm người Do thái ghen tức, họ xúi dục một nhóm người chống đối thánh nhân dữ dội đến mức thánh nhân cùng với hai người bạn đồng hành là Xin-va-nô và Ti-mô-thê đang đêm phải vội vã trốn khỏi thành phố (Cv 17: 5-10). Thánh Phao-lô ra đi mang theo nỗi bận lòng của ngài vì phải rời bỏ một giáo đoàn mà ngài vừa mới thành lập mà đức tin của họ vẫn còn non yếu. Vì thế, khi thời thế thuận tiện, thánh nhân đã phái ông Ti-mô-thê viếng thăm giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca mà chính thánh nhân đã không thể. Khi trở về, ông Ti-mô-thê đem đến những thông tin đầy khích lệ: các tín hữu non trẻ vẫn “đứng vững trong Chúa” (Tx 3: 8), bất chấp những gian truân mà họ phải chịu. Lúc đó, thánh Phao-lô ở Cô-rin-tô, với niềm vui và tâm tình cảm tạ tri ân, viết một bức thư chan chứa ân tình, thư thứ nhất gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
Thư này gồm hai phần. Đoạn trích hôm nay là một bản lề: chúng ta đọc đoạn kết của phần thứ nhất (3: 12-13) và đoạn mở của phần thứ hai (4: 1-2).
2. Lời nguyện xin của thánh Phao-lô:
Phần thứ nhất kết thúc với lời nguyện xin của thánh Phao-lô (phần thứ hai cũng vậy). Qua những ngôn từ của lời nguyện xin này, thánh nhân nhắc các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca nhớ nguyên tắc Ki-tô giáo tuyệt vời: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”. Trong giáo đoàn đa số là các Ki-tô hữu gốc lương dân, như mạch văn để cho thấy điều đó, nhưng chắc chắn cũng bao gồm những Ki-tô hữu gốc Do thái.
Trong Giáo Hội tiên khởi việc sống chung không là vấn đề, nhưng thánh nhân còn đi xa hơn: khuyên các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca không chỉ yêu thương nhau mà còn yêu thương hết mọi người, “ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”, lời khuyên này vào hoàn cảnh đó thật quan trọng, tức là các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca phải yêu mến những người bách hại mình, dù phải chịu nhiều nỗi gian truân. Để nâng đỡ và khích lệ họ, thánh nhân nhắc họ nhớ lại tấm lòng mà ngài có đối với họ: “cũng như tình thương của chúng tôi đối anh em vậy”.
Luật yêu thương là con đường thánh thiện, “không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người”.
3. Ngày của Chúa:
Chúng ta ghi nhận rằng ngay từ bản văn Tân Ước đầu tiên này, Đức Giê-su được gọi là Chúa (Đức Chúa), danh xưng mà Cựu Ước dành riêng cho Thiên Chúa. Như vậy, các Ki tô hữu tiên khởi đã khẳng định Thần Tính của Đức Giê-su. “Ngày của Chúa” mà các ngôn sứ đã loan báo nay được dùng để chỉ “ngày Quang Lâm”, nghĩa là ngày Đức Giê-su trở lại trong vinh quang cùng với “các thánh của Người”.
Các thánh này là ai? Theo truyền thống Do thái, nhất là truyền thống khải huyền, vào ngày chung thẩm, Đức Chúa được các thiên sứ đứng chầu chung quanh, thường được gọi “các thánh” (x. Dcr 14: 5). Các sách Tin Mừng vang dội lại truyền thống này: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Ngài, có tất cả các thiên sứ theo hầu” (Mt 25: 31). Tuy nhiên, thánh Phao-lô vừa mới gợi lên sự thánh thiện của các tín hữu, vì thế, không thể không nghĩ rằng thánh nhân liên kết sự hiện diện của những người được tuyển chọn với sự hiện diện của các thiên sứ.
4. Trong ngày của Đức Giê-su:
Đoạn văn này chỉ trích dẫn lời mào đầu của phần thứ hai thư gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (4: 1-2). Trong lời mào đầu này, thánh Phao-lô khuyên bảo các tín hữu hãy kiên vững và thăng tiến trên con đường thánh thiện. Thánh nhân nhắc nhớ giáo huấn của ngài, khi xác định ngài đã truyền đạt cho họ những chỉ thị mà ngài “đã lấy quyền Chúa Giê-su”. Thánh nhân sẽ luôn luôn tự giới thiệu mình chỉ là người trung gian, sứ giả phàm nhân của lời Thiên Chúa.
Mặt khác, thật đáng chú ý là, ngay từ bản văn đầu tiên của thánh Phao-lô, xuất hiện biểu thức thường được lập đi lập lại dưới ngòi bút của thánh nhân, biểu thức then chốt phản ảnh hồn tông đồ cũng như cuộc sống nội tâm của thánh nhân: “Nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em”. Xa hơn một chút, thánh nhân lập lại đến hai lần “Nhân danh Chúa Giê-su” (5: 12, 18). Phải sống, hành động, suy nghĩ, cầu nguyện “nhân danh Chúa Ki-tô”. Đây là cách thức duy nhất “làm vui lòng Thiên Chúa”.
TIN MỪNG (Lc 21: 25-28, 34-36)
Năm Phụng Vụ khởi đầu và kết thúc trên viễn cảnh Đức Giê-su trở lại vào ngày tận thế để thiết lập Triều Đại của Ngài một cách vĩnh viễn và tôn vinh các thánh. Như vậy, vào Chúa Nhật trước, trong ngày lễ Chúa Giê-su Vua kết thúc năm Phụng Vụ theo chu kỳ Năm B, chúng ta đã cử hành vương quyền hoàn vũ của Đức Giê-su. Vào Chúa Nhật I Mùa Vọng này theo chu kỳ là Năm C, chúng ta lấy lại sự gợi ý tương tự, nhưng trong viễn cảnh Giáng Sinh. Đức Giê-su đã trở thành phàm nhân và đã hội nhập vào trong cuộc sống nhân loại để hướng dẫn nhân loại đến vận mệnh siêu nhiên của Ngài; Ngài sẽ hoàn thành công trình của mình vào ngày Quang lâm. Tương ứng với việc Chúa đến lần thứ nhất trong sự yếu đuối và khiêm hạ của biến cố Bê-lem lại là việc Chúa đến lần thứ hai trong quyền năng và sự cao cả của việc “Con Người ngự đến”.
1. Bối cảnh:
Cũng như thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, thánh Lu-ca đặt bài diễn từ về ngày Quang Lâm của Đức Giê-su vào lời giáo huấn sau cùng của Ngài ở Giê-ru-sa-lem, không bao lâu trước cuộc Thương Khó của Ngài. Chúng ta đọc phần cuối của bài diễn từ này.
Trong cả ba Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giê-su công bố bài diễn từ này vào dịp Ngài rao giảng về sự sụp đổ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21: 6). Viễn cảnh này làm xao xuyến các môn đệ đến độ các ông liên kết nó với viễn cảnh ngày tận thế. Về phần mình, thánh Lu-ca cẩn trọng ghi nhận giữa hai biến cố này có một thời kỳ trung gian, “thời kỳ dân ngoại” ở 22: 24 ngay trước đoạn trích này: “Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại”.
Theo thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu, Đức Giê-su công bố diễn từ này trên núi Ô-liu, khi ngỏ lời với các môn đệ, hay chỉ một nhóm nhỏ, theo Mác-cô. Thánh Lu-ca định vị nó vào ở trung tâm Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, nơi mà việc sụp đổ sắp xảy ra (thành thánh Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ luôn luôn là trọng tâm của những viễn cảnh sách Tin Mừng Lu-ca). Bên kia các môn đệ, Đức Giê-su ngỏ lời với đám đông; như vậy thành thánh Giê-ru-sa-lem nghe công bố ngày Quang Lâm của Đấng mà nó sẵn sàng giết chết.
2. Truyền Thống Kinh Thánh:
Trong Kinh Thánh, những điềm báo về việc Thiên Chúa can thiệp dứt khoát trong lịch sử, đề tài này xuất hiện rất sớm, chẳng hạn như Đức Chúa gieo rắc sự kinh hoàng tại đất Ai-cập trước khi giải phóng dân Ngài (Xh 7: 14-11: 8). Đức Giê-su loan báo ngày tận thế theo cùng tiến trình: “Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc”, trong khi những người công chính “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”.
Những điềm trời thường được các ngôn sứ sử dụng để loan báo những án phạt của Thiên Chúa trên các dân ngoại áp bức dân Ít-ra-en, cũng như trên chính dân Chúa chọn khi dân bất trung như Is 13: 10: “Quả vậy, tinh tú bầu trời và các chòm sao sẽ không chiếu sáng nữa, mặt trời vừa mọc lên đã tối sầm, mặt trăng sẽ không còn tỏa sáng”.
Khởi đi từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, các sách khải huyền phóng đại những mô tả này bằng những cảnh tượng huyền hoặc được gợi hứng từ Phương Đông (điều này đã để lại dấu vết trên sách Khải Huyền của thánh Gioan). Thể loại văn chương này đưa vào trong Do thái giáo một trào lưu suy luận rộng lớn về “thế giới tương lai” và “kỷ nguyên cánh chung”. Vào thời Đức Giê-su, người ta rất quan tâm đến vấn đề này; chúng ta cũng có thể nói rằng vào lúc đó nhiều thế hệ đã sống trong niềm mong đợi ngày tận thế. Nhiều người Ki-tô hữu gốc Do thái sống trong niềm mong đợi ngày Quang Lâm của Đức Ki tô.
3. Con Người ngự đến:
Thánh Lu-ca gợi lên những hình ảnh truyền thống và quy ước về những xáo động trên đất và biển như khúc dạo đầu “Ngày của Chúa”, vì những hình ảnh nầy diễn tả những vùng vẫy sau cùng của những quyền lực sự ác trước khi chúng bị tiêu diệt; nhưng thánh ký không chú tâm đến những hình ảnh này; ông ngỏ lời với quần chúng ít quen thuộc với thể loại văn chương khải huyền Do thái. Tất cả từ vựng này được sử dụng cốt nhấn mạnh quyền tối thượng của Đấng “ngự trong đám mây mà đến”.
Đức Giê-su đã loan báo nhiều lần rồi cho các môn đệ về cuộc trở lại đầy quyền năng và vinh quang của Ngài dưới danh hiệu Con Người; ở đây Ngài đặt danh hiệu này vào trong bối cảnh gốc của nó hầu như theo sát nguyên văn, thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en: “Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7: 13). Do đó, danh hiệu mà Đức Giê-su tự nhận cho mình được khám phá với tất cả trương độ ý nghĩa của nó. Trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, Con Người là thủ lãnh “dân thánh của Đấng Tối Cao”. Với tư cách là Con Người, Đức Giê-su mang lấy vận mệnh nhân loại. Vinh quang của Ngài cũng sẽ là tôn vinh tất cả những ai đã tin vào Ngài.
4. Bức tranh bộ đôi:
Thánh Lu-ca đặc biệt nhạy bén trước chiều kích con người về tấn thảm kịch sau cùng; thánh ký đặt hai bức tranh đối lập với nhau: bức tranh về quân vô đạo (chư dân) “sợ đến hồn xiêu phách lạc” và bức tranh về các tín hữu phát hiện giờ mình được cứu độ, giờ mình được giải thoát. Nói cách chính xác, nếu thánh ký không mô tả cuộc quy tụ của những người được tuyển chọn, thì những từ ngữ ông sử dụng có một âm vang rất ý nghĩa: “đứng thẳng”, “ngẩng đầu lên”, diễn tả tư thế của những người được sống lại.
5. Biến cố bất ngờ:
Đức Giê-su không bác bỏ những hình ảnh của văn chương khải huyền; nhưng Ngài đề nghị mô tả Triều Đại của Ngài theo một cách thức khác, khi dựa trên một truyền thống phổ biến: Ngày Quang Lâm của Ngài xảy đến bất ngờ không có dấu hiệu nào báo trước; nó thình lình giáng xuống địa cầu. Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đã gợi lên viễn cảnh này rồi ở nơi các dụ ngôn kêu gọi sự tỉnh thức của Ngài: “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng , vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12: 40) và ở nơi việc Ngài so sánh Triều Đại của Ngài với trận đại hồng thủy xảy đến bất ngờ: “Vì ánh chớp lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng là như vậy trong ngày của Người” (Lc 17: 20). Ở đây, Đức Giê-su sử dụng hình ảnh “chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu” mà ngôn sứ I-sai-a đã dùng: “Nào kinh hoàng, nào hố sâu, nào dò lưới đang chờ đợi ngươi, hỡi cư dân trái đất” (I s 24: 17). Khi căn dặn các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô cũng theo truyền thống như vậy: “Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1Tx 5: 2), điều nầy không loại trừ thời kỳ gian nan khốn khó sau cùng: “Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2Pr 3: 10).
6. Tỉnh thức và cầu nguyện:
Đức Giê-su đặt hai truyền thống này bên cạnh nhau: một truyền thống đặt dấu nhấn trên chiều kích hoàn vũ của biến cố, còn truyền thống kia – không loại trừ chiều kích hoàn vũ này – nhấn mạnh sự gặp gỡ thân tình của mỗi cá nhân với Chúa. Từ đó, Đức Giê-su mời gọi hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Thánh Lu-ca không bao giờ quên tầm quan trọng của việc cầu nguyện; thánh nhân là thánh ký thường hằng ghi nhận tầm quan trọng quan trọng của lời cầu nguyện trong cuộc đời của Đức Giê-su: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”, đây là lời căn dặn sau cùng của Đức Giê-su cho các môn đệ của Ngài; Ngài sẽ lập lại vài giờ sau này ở vườn Ô-liu…
C/ Lm. Đinh Lập Liễm
CHÚA SẼ ĐẾN GIẢI THOÁT
A. DẪN NHẬP
Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa vọng của năm Phụng vụ mới. Theo ý của Hội thánh: “Mùa vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng sinh, là lễ kính nhớ Con Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa là mùa mà qua cuộc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, mùa vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (Những quy luật tổng quát về năm Phụng vụ và niên lịch, số 39).
Chúa nhật I mùa vọng mở đầu cho năm phụng vụ mới. Mở đầu mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi. Lời Chúa hôm nay nhắc lại lời hứa của Thiên Chúa là ban Đấng Công chính cho Israel. Bốn tuần lễ mùa vọng tượng trưng cho 4000 năm dân Do thái mong đợi Đấng Cứu thế. Lời hứa ấy đã được thực hiện trong lịch sử cách đây hơn 2000 năm, khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người và được Đức Maria sinh ra tại hang đá Belem. Hằng năm chúng ta vẫn mừng biến cố vĩ đại này: lễ Chúa giáng sinh.
Lời Chúa hôm nay còn mời gọi người tín hữu hãy tỉnh thức và cầu nguyện, hãy tấn tới hơn nữa trong đời sống đức ái đối với Chúa và tha nhân để đón chờ ngày Chúa Kitô “lại đến” trong vinh quang. Ước gì trong ngày Chúa đến, chúng ta “hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu lên”, vì ơn cứu rỗi chúng ta đã đến.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Gr 33,14-18
Giêrêmia là một tiên tri chứng kiến cảnh tang thương của đất nước mình: vì dân bất trung với Chúa nên Ngài để cho quân thù đến vây hãm thành thánh, Giêrusalem bị phá huỷ và dân chúng bị phân tán và đi lưu đày. Nhưng trong khi dân chúng đang sống trong tuyệt vọng trong cảnh lưu đầy thì Giêrêmia lại loan báo rằng Thiên Chúa không quên lời Ngài đã hứa. Ngài sẽ ban một “Đấng công chính” để giải thoát dân Ngài: “Trong những ngày ấy… Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng công chính…, Giuđa sẽ được cứu thoát…, Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp”.
Rõ ràng đây là lời hứa về lần đến lần thứ nhất của Đấng Messia. Lời loan báo này làm cho dân Chúa xưa cũng như chúng ta hôm nay có thể trỗi dậy và tiến bước.
+ Bài đọc 2: 1Tx 3,12-4,2
Thánh Phaolô phải rời Thessalonica trước khi kịp dạy bảo những điều thiết yếu. Vì vậy Ngài lo lắng cho sự tăng trưởng về đức tin và đức ái trong cộng đoàn còn non trẻ này.
Ngài nhắc bảo họ hãy tin và chờ đợi Chúa sẽ trở lại trong vinh quang. Niềm tin này sẽ định hướng cuộc đời của mọi người. Trong khi chờ đợi Chúa sẽ đến trong vinh quang, mọi người phải thực hiện giới răn của Chúa là thi hành đức bác ái đối với nhau: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết… Có như thế thì… anh em mới được bền tâm vững chí không có gì đáng trách… trong ngày Chúa Giêsu quang lâm”.
+ Bài Tin mừng: Lc 21,25-27.34-36
Luca mô tả sự sụp đổ của Giêrusalem như một tai hoạ toàn cầu: trong thế giới tôn giáo của người tín hữu, thành Giêrusalem chiếm địa vị quan trọng đến nỗi khi tưởng tượng đến sự sụp đổ của thành thì không thể không nghĩ đến ngày tận thế. Đoạn Tin mừng này nằm trong diễn từ chung luận, trong đó Đức Giêsu nói về những sự việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng của thế giới. Vì thế, sống trong thế giới văn minh ngày nay, chúng ta đừng quên rằng cuộc sống của chúng ta không hoàn toàn thuộc về chúng ta, mà chúng ta còn phải trả lẽ với Đấng là chủ tể toàn năng về cuộc sống của mình. Chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện để luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Đứng thẳng và ngẩng đầu lên
I. Ý NGHĨA MÙA VỌNG
1. Mùa Vọng:
Ngày xưa ta gọi mùa này là Mùa Át, có lẽ do chữ Adventus của tiếng La tinh có nghĩa là việc Chúa đến. Ngày nay ta gọi mùa này là mùa vọng. Mùa vọng có nghĩa là thời gian trông mong, hướng về, chờ đợi Chúa đến.
* Cả Cựu ước là Mùa Vọng
Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, Thiên Chúa không nỡ bỏ rơi con người, Thiên Chúa không nỡ bỏ rơi con người dưới ách thống trị của tội lỗi và sự chết. Ngài đã hứa ban Đấng Cứu thế (St 2,15). Ai tin vào Thiên Chúa Tình yêu và sống trong tình yêu là sống trong vương quốc của Ngài. Trong lịch sử dân Israel, Thiên Chúa đã nhiều lần lặp lại lời hứa này với các tổ phụ và tiên tri. Niềm hy vọng này đã nâng đỡ dân Chúa sống niềm tin tưởng phó thác qua giòng lịch sử.
* Cả cuộc sống Giáo hội là một Mùa Vọng
Lời hứa của Chúa đã được thực hiện, Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu đã giáng trần, sống trong kiếp người, đã chịu chết và sống lại, về trời cùng Thiên Chúa Cha và loan báo sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Do đó, toàn thể đời sống của Giáo hội hướng về ngày quang lâm của Đức Giêsu. Vì thế, Giáo hội thường xuyên kêu lên: Maranatha, Lạy Chúa Kitô, xin ngự đến.
* Cả cuộc sống từng người cũng là một Mùa Vọng
Chúng ta cùng Giáo hội đón chờ ngày Chúa đến lần thứ hai. Nhưng Chúa có thể đến riêng với chúng ta lần thứ hai trước ngày tận thế, nghĩa là đến gọi chúng ta ra đi trong ngày kết thúc cuộc đời mình. Chúng ta được mời gọi sống tinh thần mùa vọng trong mỗi giây phút của cuộc đời.
2. Mùa Vọng đối với chúng ta
Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào mùa vọng. Mùa vọng là thời gian để chúng ta hướng lòng về ngày Chúa đến. Chúa đến thế gian này hai lần: lần thứ nhất đã đến rồi, và lần thứ hai chưa đến, nhưng chắc chắn sẽ đến. Vì thế mùa vọng có 2 ý nghĩa:
– Nhìn về phía sau: chuẩn bị đón mừng kỷ niệm biến cố trọng đại lần thứ nhất cách đây 2000 năm, ngày Chúa giáng trần.
– Nhìn về phía trước: chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai. Ta không biết khi nào Chúa đến, có thể là còn lâu, có thể là đến nơi rồi, vì Ngài đã nói giờ đó đến bất ngờ như kẻ trộm, hoặc như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất (Lc 21,35). Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Ngài bất ngờ đến. Đó là ngày tận cùng của mỗi người chúng ta.
II. CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA ĐẾN
1. Chúa đến lần thứ nhất
Thực sự, Chúa đã đến với nhân loại lần thứ nhất tại hang đá Belem, nghĩa là Chúa nhập thể làm người cách đây 2000 năm. Lúc này đây chúng ta đang sống trong mầu nhiệm làm người của Đức Giêsu. Tất nhiên chúng ta không thể sống một tâm tình như thể Chúa chưa giáng trần. Nhưng chúng ta sống lại những tâm tình của dân Do thái mong đợi Chúa đến, để lúc này đây công cuộc nhập thể cứu chuộc của Chúa ăn sâu vào đời sống của ta, việc này đòi nhiều thời gian và ta sẽ phải làm suốt đời.
Trong suốt năm, chúng ta sẽ được sống trở lại toàn bộ những câu chuyện của Ngài. Nhưng chúng ta đã nghe kể về những câu chuyện đó nhiều lần. Do đó, có nguy cơ là chúng ta có thể xem những câu chuyện đó là cũ rích, nhàm chán. Hãy cố gắng và nhìn nhận rằng đó là những câu chuyện vẫn còn mới mẻ, hiện đang tồn tại và sống động. Điều này không giống như việc xem một cuốn băng video cũ. Việc cử hành mỗi ngày lễ mang từng sự kiện trở lại, trong sự sáng tỏ và sinh động của nó, không bao giờ chúng ta được mặc cho ngày lễ đó trở nên lạnh lẽo, mất sức sống, hoặc chìm vào quên lãng.
Ngoài ra, chúng ta không phải là khán giả, nhưng là những tác nhân trong toàn bộ ngày lễ này. Những mầu nhiệm về cuộc đời của Đức Kitô được trình bày theo cách thế khiến chúng ta được lôi cuốn, và trở nên những người tham dự vào những mầu nhiệm đó. Điều này làm cho ngày lễ mang tính cách đòi hỏi hơn, nhưng cũng phong phú hơn và đem lại phấn khởi hơn. Thiên Chúa không phải chỉ là một Thiên Chúa của quá khứ, nhưng còn là của hiện tại và tương lai nữa (Flor McCarthy).
Chúa đến lần thứ hai
Hôm nay các bài đọc đều tập trung vào ngày Đức Kitô đến lần thứ hai và là ngày tận thế. Các Kitô hữu tiên khởi tin rằng ngày Đức Kitô đến lần thứ hai đã gần kề, và sẽ được báo trước bằng những dấu hiệu về thiên văn. Chúng ta không biết chắc chắn về điều đó. Nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng, khi lịch sử kết thúc, Đức Giêsu sẽ đến trong vinh quang để đến phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày chung thẩm.
Trước lời hứa trở lại của Chúa, người ta đem ra nhiều lý luận và suy đoán viển vông. Khi nào nó xảy đến, xảy đến như thế nào, chúng ta không được biết. Nhưng một điều chân thật lớn lao sẽ phát xuất là lịch sử đang tiến tới một chỗ nào đó. Có một số người – các triết gia phái Khắc kỷ coi lịch sử là một vòng tròn. Họ tin rằng cứ mỗi 3000 năm hoặc khoảng như thế, vũ trụ lại một lần bị thiêu đốt, rồi sau đó bắt đầu lại, lịch sử lại tái diễn. Có nghĩa là lịch sử chẳng đi đến đâu cả và loài người cứ bước đi loanh quanh như một cối xay vĩnh cửu. Còn người Kitô hữu chúng ta tin rằng lịch sử có cùng đích và tại cùng đích đó Chúa Cứu Thế Giêsu sẽ làm chủ tể mọi sự mọi loài.
Đức Giêsu đã nói rõ ngày tận thế sẽ xảy ra bất ngờ như “chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất” (Lc 21,35), như chiếc lưới chụp xuống đàn chim đang ăn mồi, như chiếc lưới chụp xuống đàn cá đang nhởn nhơ trên mặt hồ. Nhưng có những người lại dám tự mình cho mình biết rõ ngày tận thế, ấn định ngày tận thế và loan báo cho tín đồ của họ phải chuẩn bị cho ngày đó. Truyện: Tận thế ở Đại Hàn
Hồi cuối tháng 10 năm 1992, hàng chục ngàn người Hàn quốc thuộc một giáo phái đã tụ tập tại hơn 150 nhà thờ ở nhiều nơi trong nước để chuẩn bị đón Chúa Kitô tái lâm và phán xét thế gian. Theo giới lãnh đạo của giáo phái này: ngày tận thế sẽ xảy ra vào đúng nửa đêm 28.10.1992. Các tín đồ của giáo phái này trưng nhiều biểu ngữ với câu: “Chúng ta sẽ gặp lại nhau trên trời”. Trong khi đó, hàng ngàn cảnh sát Hàn quốc được đặt trong tình trạng báo động trên toàn quốc để phòng ngừa một cuộc tự sát tập thể, nếu tận thế không xảy ra. Một cuộc tự sát như thế có thể xảy đến, bởi vì nhiều người đã bỏ tài sản, gia đình để chuẩn bị cho biến cố này. Thế nhưng, cuối cùng tận thế đã không xảy ra, nên giáo phái này đã tự động giải tán (Lm. Phạm Văn Phượng, Chia sẻ Tin mừng C, tr 4).
3. Chúa đến giữa hai lần: giờ chết
Chúa lại đến để đưa lịch sử loài người đến cùng đích và tất cả loài người đều phải trình diện trước Thiên Chúa, nhưng cũng có thể mỗi người phải trình diện Thiên Chúa khi kết thúc cuộc đời lữ hành trên trần gian này.
Cuộc đời chóng qua
Cuộc đời con người rất bấp bênh giống như con tàu đi trên mặt biển. Tuy con tàu có vẻ to lớn và rất chắc chắn, không gì có thể làm cho nó chìm được, nhưng con tàu sánh đâu được với biển cả. Số phận con người cũng thế, thật mỏng manh: “Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích” (Đáp ca lễ an táng).
Truyện: Chiếc tàu Titanic
Con tàu vĩ đại Titanic dài 271 mét, rộng 28 mét, cao 22 mét, có 8 tầng lầu với đủ các tiện nghi, có phố chợ, hồ tắm, sân chơi, rạp hát, vườn bông, khách sạn. Con tàu chỉ chở những nhân vật tai to mặt lớn: những ông hoàng, bà chúa, những đại phú gia. Nó đi từ Southampton, hải cảng Anh quốc, vượt Đại tây dương để đến New York là thành phố lớn nhất, giàu nhất thế giới hồi đó. Họ tưởng đi trên con tàu đó sẽ an toàn vững chắc như trên mặt đất, nhưng nó vừa khởi hành được mấy ngày thì đụng vào băng sơn gẫy đôi, chôn sống hơn 1500 người vào ngày 14.04.1912.
Cái chết thường đến đột ngột bất ngờ. Trong bài Tin mừng này, Đức Giêsu đã nói rõ điều ấy: “Các con hãy tỉnh thức vì các con con không biết ngày nào giờ nào”. Đành rằng có nhiều người bệnh một thời gian khá lâu rồi mới chết, nhưng chẳng ai ngờ mình sẽ chết vào giờ này, ngày này. Tuy bất ngờ nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ, vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước trước cái chết để chúng ta kịp chuẩn bị. Ví dụ: mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn… Đó là những tín hiệu mà Chúa gửi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế chúng ta đừng giả mù, giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.
Chuẩn bị cho tương lai
Sống ở trên đời, mỗi người phải đặt ra những thắc mắc, những ưu tư và phải tìm ra câu giải đáp. Ưu tư của chúng ta là khi rời bỏ thế gian này rồi sẽ ra sao? Chính vì vậy cổ nhân đã đưa ra cho chúng ta 3 câu hỏi và phải tìm ra câu giải đáp: + Nhân sinh hà tại: con người bởi đâu mà đến?
+ Tại thế hà như: đến để làm gì?
+ Hậu thế như hà: sau này sẽ ra sao?
– Con người bởi đâu mà đến? Thánh kinh viết: “Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta” (St 1,26). Do đó chúng ta biết con người do Thiên Chúa mà đến.
– Đến để làm gì? Thánh kinh đáp: “Con phải kính mến Thiên Chúa hết lòng và thương yêu đồng loại như mình”. Do đó, chúng ta lại biết con người đến để phụng thờ Thiên Chúa và giúp đỡ lẫn nhau.
– Sau này sẽ đi đâu? Thánh kinh lại minh chứng: “Ai nấy sẽ về nhà đời đời của mình” (Kn 12,5) và ở đó sẽ được thưởng theo công trạng mình đã lập được” (x. Mt 10,19; Lc 10,7).
Hãy học với thần chết
Có câu chuyện về một người tên Cataneda tìm thầy học đạo, chàng đến với đạo sư Don Juan. Đạo sư chỉ cho anh một bí quyết: học với thần chết. Dĩ nhiên, chàng đệ tử không muốn nghĩ đến sự chết, anh chỉ muốn học hỏi những kiến thức kỳ lạ, những pháp thuật, nên đạo sư tỏ ra khó chịu, bèn bảo anh: “Con chớ nên bắt chước mọi người cứ nghĩ rằng mình chẳng bao giờ chết mà đòi làm những việc vĩ đại, kinh thiên động địa, vá trời lấp biển mà nên ý thức rằng thần chết là vị khôn ngoan nhất mà con sẽ gặp.
Truyện: Kinh nghiệm về sự chết
Một vị đan tu tên là Mésique. Bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đồng hồ ấy. Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở đó suốt 12 năm trời. Hằng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng trước khi ra đi: – Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội.
Nói thế rồi, ông tắt thở, để cho mọi người một ấn tượng sâu đậm. (Góp nhặt)
III. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA
Hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu lên
Ngày tận thế và ngày mỗi người phải ra đi khỏi trần thế này là một điều chắc chắn. Ngày đó là ngày đáng sợ cho mọi người, nhưng Chúa bảo chúng ta đừng sợ vì ơn cứu rỗi của chúng ta đã đến. Ngược lại, chúng ta còn phải phấn khởi và chờ đợi trong tư thế đứng thẳng và ngẩng cao đầu lên.
* Hãy đứng thẳng là tư thế của con người can đảm. Đúng thế, đức tính can đảm là một điều kiện cần thiết để có sức mạnh mà đối phó với mọi nghịch cảnh, khó khăn và quyết liệt dứt khoát từ bỏ mọi quyến rũ bất chính. Thử hỏi một người hay lười biếng, nhát đảm, yếm thế cầu an thì làm sao lướt thắng được mọi khó khăn, chu toàn bổn phận và giữ vững lương tri giữa bao thử thách cám dỗ!
* Hãy ngẩng đầu lên là tư thế của con người lạc quan, hy vọng. Bởi vì, ai biết sống lạc quan, hy vọng không những tăng thêm sức mạnh cho mình, mà còn giảm thiểu được những sai phạm. Và sống mà không có hy vọng lạc quan để nhắm tới mục đích thì không thể nào ra sức phấn đấu và cố gắng vươn tới được. Nhưng chúng ta hy vọng gì và hy vọng vào ai? Tất nhiên ngoài Chúa ra và hạnh phúc đời đời thì tất cả mọi hy vọng khác chỉ là tạm bợ mau qua hoặc hão huyền mây khói mà thôi.
Vậy khi sống trên cõi đời này đầy bất trắc và lắm thử thách, chỉ có những ai biết tin tưởng phó thác nơi Chúa, chắc chắn họ sẽ có đủ can đảm vượt thắng gian nan và hy vọng được hưởng hạnh phúc đời đời giúp họ bền đỗ đến cùng.
Truyện: Hãy đứng thẳng
Mới đây các nhà khảo cổ đã tìm ra một thành phố cổ xưa đã bị chôn vùi trong lòng đất hàng ngàn năm, do núi phun lửa làm cho nham thạch bất ngờ ập xuống thành phố. Rất nhiều người đã bị chôn vùi trong lớp nham thạch nóng bỏng và chết lập tức. Nhiều xác chết đã được đào thấy bị chết khi đang ở trong những tư thế khác nhau: có người chết khi đang ngủ trên giường, người khác chết đang khi ngồi bàn ăn uống. Đặc biệt người ta đào được xác của một người lính bị chết trong tư thế đang đứng gác và đang cầm một cây giáo dài trong tay.
Hãy giữ lòng kẻo ra nặng nề
Chúa dạy chúng ta: “Các con hãy giữ mình kẻo lòng chúng con ra nặng nề”. Chúa nhắc nhở ta phải canh chừng và đề phòng những lôi cuốn của thế gian nó làm cản trở tâm hồn bay lên. Ba điều cản trở được nhắc ở đây là: ăn uống thái quá, chè chén say sưa, lo lắng sự đời quá mức.
Truyện: Ham mê ăn uống
Câu chuyện ngụ ngôn kể về một con chim ưng. Đang khi đói, nó bay qua một nông trại, nhìn xuống thấy biết bao nhiêu giun dế. Nó thèm lắm, nhưng lại sợ chết nên nó phải hạ cánh bay xuống sát mặt đất của nông trại để thương lượng với ông nông dân. Con chim ưng sẵn sàng đổi cho ông cứ mỗi cái lông lấy một con giun. Vì háu ăn, con chim đã ăn quá nhiều giun, và như thế nó cũng mất đi rất nhiều lông cánh tới độ nó không còn có thể bay lên cao được nữa. Dù nó nhận biết rằng thân phận của nó là phải bay trên bầu trời cao, nhưng những con giun đã làm cho nó mê muội rồi quên đi khung trời cao xanh ở trên, mà chỉ biết tới những con giun dưới đất.
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện
Chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện để đón chờ Chúa đến. Chủ đề này được lặp đi lặp lại trong Tin mừng dưới nhiều cách thức. Chẳng hạn ở một đoạn Tin mừng khác, Đức Giêsu nói: “Hãy coi chừng! Hãy tỉnh táo! Các con không biết được ngày nào giờ nào Con Người sẽ đến, vào buổi tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay vào buổi sáng… Điều Ta nói với các con cũng là điều Ta muốn nhắn nhủ mọi người đó là “Hãy tỉnh thức” (Mc 13,33.35-36)
Nếu chúng ta luôn tỉnh thức và cầu nguyện (Lc 21,36), luôn sẵn sàng và thanh thoát, thì việc Ngài đến sẽ là một thú vị bất ngờ. Ngày đó chúng ta không phải “lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét” (Lc 21,25), chúng ta sẽ không “sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc” (Lc 21,26), nhưng sẽ “đứng thẳng và ngẩng cao đầu lên” (Lc 21,28), vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu độ.
4. Hãy sống đúng tinh thần Mùa vọng
Sống mùa vọng không những là hy vọng và chờ đợi Chúa đến; mà còn sẵn sàng nhận ra sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta, dù không trông thấy những dấu lạ lùng nơi mặt trời, mặt trăng và các tinh tú. Sống mùa vọng trong thế giới chúng ta là chuẩn bị ngẩng đầu lên mặc dù quyền uy và vinh quang của Con Người không hiện diện ở đó. Sống mùa vọng là hy vọng rằng Thiên Chúa luôn luôn được tỏ hiện trong đời chúng ta, không phải chỉ vào ngày tận thế, hoặc vào ngày phán xét cuối cùng, nhưng ngay hôm nay. Nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải biết đọc những dấu chỉ của Chúa và sự hiện diện của Ngài ngày hôm nay, nơi bản thân và chung quanh chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết Ngài và quan tâm đến Ngài hơn nữa.
Dấu lạ là cần thiết khi sự chú ý yếu đi. Nhưng chúng ta lại chẳng thấy trong đời mình những dấu lạ ấy, những biến cố làm chúng ta chú ý đó sao, và đôi khi chúng ta tránh vì sợ ý nghĩa và sự thách thức của những dấu lạ đó, hoặc tầm thường hoá chúng vì ta đã thấy nhiều quá rồi. Vậy nên ta phải cùng nhau nghe lại Lời Chúa trong Cựu ước và Tân ước, cùng nhau ý thức lại sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là như thế nào đến nỗi Ngài đã hiến mạng sống mình để cho thế gian được sống (Jean-Guy-Nadeau).
Phúc cho những ai nói lên được lời này khi Chúa đến: “Lạy Chúa, sau bao năm trung thành với việc tỉnh thức và cầu nguyện, giờ đây con vui mừng được diện kiến Ngài”. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện đó chính là sứ điệp Giáo hội truyền dạy chúng ta trong Chúa nhật thứ nhất mùa vọng này. Vậy, chúng ta hãy lo tỉnh thức và cầu nguyện để khi Chúa đến, Ngài sẽ nói với chúng ta: “Hãy đến, hỡi các con yêu dấu của Ta. Sau bao năm tháng xa cách, Ta thật hết sức vui mừng được gặp lại các con”.
Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, chúng ta hãy đọc lời cầu nguyện của một tác giả vô danh thuộc một trường dành cho dân da đỏ là Red Cloud miền Pine Ridge tiểu bang South Dakota. Tư tưởng của lời cầu nguyện này có liên quan đến chủ đề phụng vụ hôm nay là Hãy tỉnh thức và cầu nguyện:
“Kính lạy Thần trí cao vời, hơi thở Ngài đem đến nguồn sống cho thế gian, con đang nghe tiếng Ngài thì thầm trong gió thổi.
Xin hãy lắng nghe con là kẻ bé mọn yếu hèn đang khẩn cầu Ngài đây.
Xin cho con bước đi trên đường thiện mỹ, đôi mắt lúc nào cũng chiêm ngắm cảnh hoàng hôn màu tím, cho đôi tay con biết kính trọng mọi tạo vật của Ngài, và đôi tai con luôn nhạy bén nghe lời Ngài nói.
Xin cho con ơn khôn ngoan để thấu hiểu những lời giáo huấn của Ngài; cho con biết khám phá ra bài học Ngài nhắn nhủ chúng con trong từng lá cây, viên đá.
Xin ban cho con sức mạnh không phải để con chế ngự anh chị em con, mà để con chế ngự kẻ thù hung hãn nhất là chính bản thân mình.
Xin cho con luôn sẵn sàng đến gặp Ngài với đôi tay thanh sạch và đôi mắt thẳng ngay, và khi cuộc đời xế tàn tựa bóng hoàng hôn lịm tắt, tâm hồn con không phải hổ thẹn khi đi diện kiến Ngài”. Amen (Mark Link).
D/ Các bài suy niệm khác
Đức công chính là đường lối Thiên Chúa cứu độ chúng ta
HÃY ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN