ĐỨc Giêsu Vào GIÊRUSALEM
(Luca 19,28-40 – CN Lễ Lá – C)
1.- Ngữ cảnh
Với 19,28, Tin Mừng Luca sang phân đoạn cuối cùng (19,28–24,53). Cuộc hành trình dài của Đức Giêsu đã chấm dứt. Phân đoạn mở ra với việc Đức Giêsu vào Giêrusalem (19,28-44). Tại đây thánh sử Luca, cũng như hai thánh sử Máccô và Mátthêu, thấy vương quyền thiên sai của Đức Giêsu được công bố trước toàn dân: Người sẽ giảng dạy tại Đền Thờ (19,28–21,38). Thời gian Đức Giêsu giảng dạy tại Đền Thờ được tác giả Luca trình bày qua bốn đoạn văn nhỏ: 19,28-40.41-44.45-46.47-48.
Bốn bản văn ngắn ấy chỉ là những đoạn chuyển mạch bởi vì chúng cũng được dùng như đỉnh cao của bài tường thuật về cuộc hành trình trước đó. Đồng thời chúng mô tả tổng quát cách thức Đức Giêsu đến gần Giêrusalem và phản ứng đầu tiên của Người đối với Giêrusalem, thành phố của định mệnh Người, và đối với Đền Thờ, nhà của Cha Người. Tác giả Lc đã chuẩn bị cho độc giả đón nhận phần này của Tin Mừng bằng nhiều lần nhắc đến Giêrusalem như những mốc đánh dấu bài tường thuật chuyến đi trước đó (9,51.53; 10,30; 13,4.22.33.34; 17,11; 18,31; 19,11).
Với bản văn hôm nay, Đức Giêsu đến khuôn viên thành thánh và chuẩn bị đi vào đó, như một Đấng được chào là vua (và đi thẳng vào Đền Thờ). Truyện này cũng cho thấy những gì được loan báo ở 13,35 nay được hoàn tất.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Câu dẫn nhập chuyển tiếp (19,28);
2) Đức Giêsu vào Giêrusalem như Đấng Mêsia (19,29-38);
3) Phản ứng của người Pharisêu (19,39-40).
3.- Vài điểm chú giải
– đi đầu (28): Tác giả Lc ưa chuộng động từ poreusthai, “tiến đi, đi đến”; ở đây, động từ ấy ở thì imperfect (eporeueto) nhằm diễn tả một chuyển động kéo dài, liên tục. Trạng từ emprosthen, “tới phía trước”, hàm ý Đức Giêsu dẫn đường, đi đầu đoàn môn đệ. Chúng ta ghi nhận Lc 18,31 diễn tả đoàn người đi đường không có tâm trạng của Mc 10,32a.
– tiến lên (28): anabainôn eis, “đi lên về phía”. Đức Giêsu đi từ Giêrikhô, tức từ phía đông, về Giêrusalem, tức phía tây; đường dài khoảng 28cs. Vì Giêrusalem cao hơn mặt biển trong khoảng 640-770m, trong khi Giêrikhô lại thấp hơn mặt biển khoảng 250m, nên đi từ Giêrikhô về Giêrusalem đúng là “đi lên”. Nhưng chuyến “đi lên” này cũng còn là khởi đầu của một cuộc “thăng tiến” đưa Đức Giêsu về với Chúa Cha.
– Giêrusalem (28): Ở đây tác giả Lc dùng tên Hierosolyma, là kiểu gọi Hy Lạp (x. 13,22; 19,28; 23,7; 25 lần trong Cv). Nhưng ở 2,25, ngài dùng hình thức quen thuộc hơn, Ierousalêm (phiên âm từ tiếng Hípri) và tiếp tục dùng như thế 26 lần (39 lần trong Cv).
– Bếtphaghê … Bêtania (29): Về Bếtphaghê (nguyên nghĩa là “nhà của trái vả”), chúng ta không biết được gì chắc chắn. Đây là một làng hay là một cơ sở? Dường như đây là một vùng đất ở bên ngoài Giêrusalem, bắt đầu với ranh giới Đền Thờ, nghĩa là đàng trước các tường phía đông của thành.
Còn Bêtania (nguyên nghĩa không rõ: “nhà của người nghèo”? “nhà của ông Khanania”?) cách thành thánh khoảng hơn 2,5 cs, ở về phía đông núi Ôliu.
– Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa (38): Tác giả Lc bỏ từ Hôsanna của Mc 11,9, do thói quen loại các từ hoặc các câu Sêmít khiến độc giả của ngài khó hiểu. Trong Bản LXX, lời chào khách hành hương dịch sát bản Hípri là “Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành (= Chúc tụng) cho người tiến vào đây nhân danh Chúa” (Tv 118,26). Lc thêm “Đức Vua” vào. Khác với TM Mc, đây không phải là “triều đại vua Đavít đang tới” (Mc 11,10), nhưng là chính “Đức Vua” của Giêrusalem.
– Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời (38): Dịch sát theo nguyên bản Hy Lạp là “trên trời bình an và vinh quang trên chốn cao vời”, ta thấy được dạng chuyển hoán của câu văn:
a = trên trời
b = bình an
b’= vinh quang
a’= trên chốn cao vời
Vào lúc Đức Giêsu chào đời, ca đoàn thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế, cho loài người Chúa thương” (2,14). Trong khi ca đoàn thiên quốc đặt đối lập vinh quang trên trời với bình an dưới thế, các môn đệ khi đến gần lúc kết thúc sứ vụ của Đức Giêsu lại hát về bình an trên trời và vinh quang trên chốn cao vời. Cho dù Đức Giêsu đã dạy các môn đệ mang “bình an” đến cho người ta (10,5.6), bình an này, cùng với vinh quang, được coi như là một phẩm chất của trời cao. “Vinh quang trên trời” là quà tặng bình an được để trên trời cho dân Thiên Chúa, nay được Đức Giêsu mang đến bằng một đường lối mới. Đây không phải là pax Augusta, mà Đức Giêsu chào đời mang đến cho nhân loại, nhưng là bình an của chính trời cao.
– sỏi đá cũng sẽ kêu lên (40): Rất có thể câu này muốn nhắc đến Kb 2,11. Trong chương trình của Thiên Chúa về lịch sử cứu độ, sự việc Đức Giêsu đến Giêrusalem hẳn sẽ làm cho các tảng đá của Giêrusalem kêu lên để hoan hô Người như Đấng thực hiện chương trình cứu độ, nếu như các môn đệ không hoan hô. Khi nói như thế, Đức Giêsu gián tiếp khẳng định về vai trò Người phải hoàn tất khi đến thành định mệnh.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Câu dẫn nhập chuyển tiếp (28)
Bằng câu này, tác giả Lc chấm dứt bài tường thuật dài về chuyến đi lên Giêrusalem, và cho thấy là Đức Giêsu đã tới đích. Đã khởi đi từ Galilê, nay Đức Giêsu đi vào thành định mệnh, mục tiêu của những cuộc di chuyển nay đây mai đó (x. 23,5), là nơi mà tại đó Người sẽ “được rước lên” (9,51), và là nơi mà từ đó Người sẽ đi về với Cha (cuộc xuất hành của Người, x. 9,31).
* Đức Giêsu vào Giêrusalem như Đấng Mêsia (29-38)
Đức Giêsu không chỉ đi vào thành định mệnh, mà còn vào Đền Thờ nữa. Người vào đó không chỉ như một khách hành hương đến dự lễ Vượt Qua, được chào bằng lời chào thông thường dành cho người lên Đền (Tv 118, 26), nhưng như là “Đức Vua”, và như là “Đấng đang đến” (ngay bây giờ, hiểu theo nghĩa Lc). Lời chào này nhắc lại Lc 13,35, đã được nói ra ở giữa bài tường thuật cuộc hành trình, như đánh dấu nửa chặng đường. Nhưng bây giờ ho erchomenos (“Đấng [đang] ngự đến”) không chỉ mang sắc thái vương giả, nhưng còn làm vọng lại câu hỏi của các sứ giả do vị Tẩy Giả gửi đến (x. 7,19). Nói cách khác, lời chào chúc của “tất cả đoàn môn đệ” (19,37b) mang những âm vang của Malakhi 3,1, trong đó danh hiệu ho erchomenos trong truyền thống Nhất Lãm được rút ra. Như thế, Đức Giêsu đi vào Giêrusalem trong tư cách “Đức Vua”, “Đấng [đang] ngự đến” và như là biến cố hoàn tất lời sấm Ml 3,1 (LXX). Chính đó là lý do khiến Đức Giêsu đi thẳng “vào Đền Thờ” (19,45).
* Phản ứng của người Pharisêu (39-40)
Nghe các “môn đệ” của Đức Giêsu hoan hô như thế, người Pharisêu khó chịu; họ yêu cầu Đức Giêsu quở mắng các môn đệ. Nhưng Người đã trả lời rất oái oăm: “Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”. Khi đã nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, người ta phải tung hô; ngay các tảng đá được dùng để xây nên Giêrusalem cũng sẽ làm như thế (x. Tv 122,3). Khi Đức Giêsu bắt đầu chuyến đi lên Giêrusalem, người Samari đã không chịu tiếp đón Người vào làng họ (Lc 9,52-53), nay người Pharisêu cũng không chấp nhận cho Người đi vào Giêrusalem.
+ Kết luận
Cuộc đời của Đức Giêsu, vị Tôn sư cao quý và Đấng Mêsia muôn đời mong đợi, đã đến đỉnh cao. Hôm nay, khi đã đến Đền Thờ, Người đi vào đó như trong một cuộc khải hoàn. Nhưng tình hình rất lạ: Đức Vua mà đi vào thành trên lưng lừa; đón chào Người, chỉ có đám đông môn đệ và dân chúng, chứ tuyệt nhiên không có ai trong giới lãnh đạo Do Thái giáo; những người này có đó, không phải để đón mừng, nhưng để bắt bẻ; các môn đệ cũng chẳng hiểu họ đang làm gì. Tất cả các dấu này đang báo trước cuộc Thương Khó.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Kết thúc cuộc hành trình, Đức Giêsu “đi đầu, tiến lên Giêrusalem” (Lc 19,28). Người vẫn tỏ ra khí phách đã có khi bắt đầu hành trình tiến về Giêrusalem, khi đó tác giả Lc ghi là Người “nhất quyết lên Giêrusalem” (9, 51), tức là Người phải làm cho mặt chai như đá để có thể tiến đi theo chương trình của Chúa Cha. Muốn tuân giữ thánh ý của Thiên Chúa, người Kitô hữu phải có đức tin và rất nhiều nghị lực.
2. Hôm nay chúng ta được mời gọi cùng với đám đông tung hô Đức Giêsu: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. Nhưng hoan hô để rồi đi theo Người mà làm môn đệ, chứ không phải sau đó là đả đảo Người, kêu gào yêu cầu đóng đinh Người! Đức Giêsu chính là Đấng đến để đem bình an cho chúng ta và biến chúng ta trở thành sứ giả bình an nối tiếp Người.
3. Người Samari không đón tiếp Đức Giêsu; giới lãnh đạo Do Thái giáo cũng không chấp nhận Người; còn dân Giêrusalem chào đón Người chỉ như trong một vở kịch. Các Kitô hữu không được quên rằng mình là môn đệ của một vị Thầy bị loại trừ như thế. Hiểu như thế, tâm hồn của họ sẽ không thiếu phen chịu giằng co đau đớn.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm