ĐỨc Giêsu chỊu thương khó, chỊu chẾt và đưỢc an táng
(Luca 22,1–23,54 – Lễ Lá – C)
1.- Ngữ cảnh
Đức Giêsu đã chấm dứt chuyến đi lên Giêrusalem kéo dài 10 chương (Lc 9,51–19,27). Hành vi Người vào Giêrusalem long trọng được mô tả trong phân đoạn Lc 19,28-43. Phân đoạn Lc 19,45–21,38 được dành để nói về hoạt động rao giảng của Đức Giêsu tại Giêrusalem. Bây giờ tác giả Luca bắt đầu một phần quan trọng khác của TM: Đức Giêsu sẽ đi đến đỉnh cao của cuộc “xuất hành” (x. 9,31), vì Người bắt đầu cuộc “đi lên” với Chúa Cha. Bài tường thuật cuộc Thương Khó bắt đầu với Lc 22,1-2, “Lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt Qua, đã đến gần. Các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Đức Giêsu, vì họ sợ dân”.
2.- Bố cục
Có thể nói, Bài Thương Khó bắt đầu với 22,1 và kết thúc với 23,54, nghĩa là từ khi Đức Giêsu chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua cho đến khi Người được an táng trong mộ; các câu 23,55-56 là những câu chuyển mạch đưa sang truyện Phục Sinh. Như thế, Bài Thương Khó 22,1–23,54 có thể chia thành hai phần:
1) Đêm hôm trước – Đức Giêsu bị bắt (22,1-65);
2) Ngày hôm sau – Đức Giêsu bị kết án và bị xử tử (22,66–23,54).
3.- Vài điểm chú giải
– Lễ Vượt Qua (22,1): Lễ Vượt Qua được cử hành vào lúc mặt trời lặn đánh dấu ngày 15 Nisan, là tháng đầu năm theo lịch Babylon/Do Thái (tháng Ba/Tư; tên cũ là tháng Aviv: x. Đnl 16,1). Dịp này người ta giết chiên Vượt Qua vào chiều ngày 14 Nisan, nướng lên và ăn trong gia đình vào lúc mặt trời lặn (Lv 23,6). Tất cả những gì có men đều phải loại ra khỏi nhà trước khi giết chiên (Đnl 16,4). Không những hôm ấy, người ta phải ăn với bánh không men (Xh 12,8), mà con tiếp tục ăn như thế bảy ngày sau đó (Xh 12,17-20; 23,15; 34,18). Thời gian bảy ngày này được gọi kiểu chuyên môn là “Lễ Bánh Không Men”. Tuy nhiên, với thời gian, “Lễ Vượt Qua” trở thành tên gọi cho cả bảy hoặc tám ngày (Đnl 16,1-4; Ed 45,21-25). Dường như trước khi có Ít-ra-en, lễ Vượt Qua là một lễ của dân du mục (Xh 5,1; 10,9), còn lễ Bánh Không Men là lễ của dân định cư nguồn gốc nông dân (Xh 23,15-16).
– ngày phải sát tế chiên Vượt Qua (7): Động từ dei, “phải”, thường diễn tả ý muốn của Thiên Chúa, chứ không chỉ nhắm đến quy định của luật là phải sát tế một con chiên để ăn lễ Vượt Qua. Điều này càng đúng với TM III, vì tác giả cho thấy Đức Giêsu thấy cuộc đời, hoạt động và cuộc Thương Khó của Người được điều hành bởi ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn này được diễn tả trong Kinh Thánh.
– Satan (22,31): Ngoại trừ Ga 13,27, Satan chỉ xuất hiện trong bài tường thuật Thương Khó trong TM Lc. Rất có thể Lc đã làm như thế để tao một kết nối trực tiếp với 22,3 và xa hơn với 4,13, cũng như tiên báo 22,53.
– Các môn đệ cũng theo Người (22,39): Chi tiết này cho hiểu là đến lúc này các môn đệ vẫn trung thành với tư cách của mình và tỏ ra là sẵn sàng cchia sẻ định mệnh của Thầy.
– hôn (22,47): Động từ philein là “yêu mến”, nhưng cũng được dùng theo một nghĩa cụ thể là “hôn”, hành vi diển tả lòng yêu mến.
– Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy (22,56): Đại từ chỉ định houtos có sắc thái coi thường hoặc khinh bỉ, “cái ông này / tên này” (x. 23,2). Dựa vào kiểu nói này, có thể cho rằng đây là một lời kết án (khác với Ga 18,17).
– Ta không tìm thấy lý do nào để kết tội người này (23,4): Độc giả của TM Lc nhìn nhận sự thật của kết luận này: Đức Giêsu và các môn đệ Người không phải là mối đe dọa cho quyền bính Rôma.
– đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu (23,26): Tuy không nói ông Simôn Kyrênê là một môn đệ, tác giả Lc mô tả ông có thái độ của người môn đệ Kitô hữu (x. 9,23; 14,27).
4.- Ý nghĩa của bản văn
Trong Bài Thương Khó, tác giả Lc cho thấy Đức Giêsu hiểu rõ nhũng gì Người sắp trải qua, đặc biệt nài không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào mà không nêu bật lòng từ bi của Người.
* Đêm hôm trước – Đức Giêsu bị bắt (22,1-65)
Được đóng khung bởi các chi tiết về thời gian, bản văn mở ra với một quy chiếu về lễ Vượt Qua (đang đến gần) (22,1.7) và khép lại với những quy chiếu về ngày áp lễ và ngày sa-bát sắp bắt đầu (23,54). Như vậy đoạn văn có một cái khung phụng vụ: Những gì Đức Giêsu sống trong các chương này, cũng như trọn cuộc đời của Đức Giêsu, đều nhắm đi theo thánh ý của Thiên Chúa và thờ phượng Người. Điều này được ghi nhận từ động từ “phải, dei”: “Phải sát tế chiên Vượt Qua” (22,7) bởi vì “Con Người phải (dei) chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (9,22) để thực hiện chương trình cứu độ đã được Thiên Chúa thiết lập. Điều đáng chú ý nữa là sau 22,7, bản văn không còn nói đến con chiên Vượt Qua nữa: từ bây giờ, chương trình của Thiên Chúa sẽ được thực hiện trọn vẹn bằng việc sát tế Đức Giêsu, là chiên Vượt Qua chân thật. Đức Giêsu Phục Sinh cũng đi theo chiều hướng ấy khi nói với các môn đệ Emmau: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (24,26).
Một chi tiết tạo sự thống nhất cho bản văn nữa, là động từ paradidonai, “bị trao nộp” (22,4.6.21.22.48) nói về việc Giuđa nộp Đức Giêsu cho các thượng tế và kinh sư, và Philatô trao nộp Đức Giêsu theo ý họ (23,25). Đề tài Vương Quốc cũng xuyên suốt bản văn (22,16.18.29.30; 23,42.51). Lời sấm “Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp” (22,37) nên ứng nghiệm khi Đức Giêsu bị điệu đi hành quyết cùng với các tên gian phi và bị đóng đinh giữa hai tên gian phi (23.32-33; 23,39-43).
Trong liên hệ với âm mưu của giới lãnh đạo, toàn bản văn rất thống nhất. Các thượng tế và kinh sư được giới thiệu ở 22,2a là đang tìm cách thủ tiêu Đức Giêsu nhưng lại bị khựng vì dân chúng (22,2b; x. 20,19). Được Satan thúc đẩy, Giuđa cung cấp một phương thế giúp vượt qua trở ngại này (22,3-6a), nhưng ngay cả với hắn, đám đông vẫn là một vấn đề phải quan tâm (x. 22,6b). Điểm này làm gia tăng sự căng thẳng trong bài tường thuật. Chi tiết “Satan đã nhập vào Giuđa gọi là Ítcariốt” (22,3) gợi đến một đề tài lớn của TM IV, đó là Đức Giêsu, “Đấng mạnh hơn” (11,14-22; x. 3,16), đã chiến thắng Satan khi nó cám dỗ Người trong hoang địa (4,1-13), cũng như đã nhiều lần xua đuổi quỷ (x. 6,18; 8,2.26-39; 9,37-43; 11,14; 13,16.32). Đức Giêsu không bị Satan cám dỗ trong thời gian Người hoạt động công khai. Nhưng nó đã trở lại tấn công nhằm tiêu diệt Đức Giêsu khi tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ lãnh Do Thái hãm hại Người (x. 22,2-6). Tuy nhiên, chiến thắng bề ngoài của nó chỉ là nhất thời, vì cuộc Phục Sinh sẽ làm cho cuộc thất bại bề ngoài của Người trở thành một chiến thắng mới nữa, một chiến thắng đã được tiên báo trước khi Người chết nơi sự cố người gian phi sám hối (x. 23,40-43) và bởi phản ứng của những người có mặt tại Đồi Sọ (x. 23,47-48).
Để lại đó Giuđa còn đang chờ đợi một cơ hội thuận tiện, tác giả kể lại việc chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (22,7-13), rồi chính cuộc cử hành (22,14-23) và lời từ biệt của Đức Giêsu (22,24-38). Các sinh hoạt này cũng như mọi chi tiết nằm trong 22,7-65 đều xảy ra ban đêm. Đức Giêsu bắt đầu bằng lời tuyên bố: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (22,15). Rồi Người báo cho các ông biết là Người sẽ không ăn lễ Vượt Qua nữa cho đến khi Nước Thiên Chúa đến (22,16-18). Sau khi Người lập Bí tích Thánh Thể (22,19-20), có một điểm phức tạp được đưa vào với lời tiên báo Phêrô sẽ chối Thầy (22,31-34). Lời tiên báo này tạo một khoảng cách giữa Đức Giêsu và các môn đệ (họ “bàn tán với nhau”) và giữa họ với nhau (“cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất”).
Sang 22,39, khung cảnh chuyển sang Núi Ôliu; tình hình căng thẳng thêm. Tác giả cho thấy Đức Giêsu cầu nguyện rất nghiêm túc trước khi thử thách xảy đến. Tại đây đề tài quan trọng TM III là sự trung thành của Đức Giêsu với chương trình của Chúa Cha lại được nêu bật đặc biệt trong cơn hấp hối: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (22,42). Ngay khi còn thơ bé, Đức Giêsu đã ý thức rằng mình phải chu toàn chương trình của Cha Người với đau khổ (2,49). Dọc theo thời gian hoạt động công khai, Người đã đưa chương trình hành động công bố tại Nadarét ra thực hiện (4,18-22; x. Is 61,1-2). Sự trung thành của Đức Giêsu với sứ vụ của Người được chứng tỏ đặc biệt rõ ràng qua việc Người chấp nhận định mệnh bi thương của các ngôn sứ (x. 9,22.31.44.51; 13,33; 18,31-33; 22,42.53b; 23,46).
Tại Núi Ôliu, đám đông không có mặt. Vậy, thời cơ của Giuđa đã đến. Sự căng thẳng gia tăng với sự kiện giới chức Do Thái đến do Giuđa dẫn đường (22,47a), kế đó là hành vi phản bội (22,47b-48), sự cố cái tai bị chém (22,49-50) và các lời Đức Giêsu nói về việc người bắt Người (22,51-53a). Đức Giêsu biết đã đến giờ Người đi vào cuộc Thương Khó (22,53b), nên Người để cho người ta bắt Người (22,54). Phần thứ nhất của âm mưu hãm hại Đức Giêsu (x. 22,5-6) đã được thực hiện. Chi tiết phức tạp được đưa vào ở 22,31-34 (Phêrô sẽ chối Thầy) được giải quyết ở 22,55-62 với việc Phêrô chối Thầy (chuyện bắt đầu khi ông “cũng ngồi chung với họ”: y như ông muốn đổi phe!); độc giả cũng ghi nhận là Phêrô chỉ hành động trong phần đêm của ngày lễ. Quang cảnh Đức Giêsu bị chế nhạo và bị đánh đòn ở 22,63-65 là một chỗ nghỉ ngắn trong bài tường thuật: kết thúc một đêm đau đớn của Đức Giêsu và chuẩn bị đi vào ngày hôm sau.
* Ngày hôm sau – Đức Giêsu bị kết án và bị xử tử (22,66–23,54)
Trong 22,66–23,54, mọi sự xảy ra ban ngày, nhưng đây là một ngày bị ám ảnh bởi bóng tối, bởi vì “kể từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất…” (23,44-45).
Khi trời sáng (22,66a), ta thấy cuộc âm mưu lại tiếp tục. Cuộc tra hỏi vào lúc sáng sớm trước Thượng Hội Đồng (22,66-71) cung cấp lý do để buộc tội (x. 22,70-71) nên đã cho phép họ điệu Đức Giêsu đến trước Philatô (23,1-5). Các lời tố cáo dồn dập khiến Philatô phải lên tiếng hỏi (23,3) và rồi câu chuyện trở thành phức tạp khi Philatô tuyên bố Đức Giêsu vô tội. Một lời tố cáo tiếp đến nhắc đến miền Galilê (23,5) gợi cho Philatô chuyển Đức Giêsu sang cho Hêrôđê (23,6-12); vị tiểu vương này đã làm cho các sự việc thêm phức tạp khi tỏ ra đồng ý với phán quyết của Philatô (23,9).
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi Philatô lại phải đối diện với một quyết định ở 23,13-25. Ông càng khẳng định rằng Đức Giêsu vô tội (23,14.15.22) và càng ra sức muốn thả Người đi (23,16.20.22) thì tất cả mọi người lại càng ra sức đáp lại bằng cách la hét phản đối (23,18.21.23). Ý muốn của giới lãnh đạo Do Thái giáo được biểu lộ bằng cuộc la hét ầm ĩ (23,23) cuối cùng đã cất đi trở ngại là xác tín của Philatô; thế là Đức Giêsu bị trao nộp theo ý muốn của họ (23,25). Một điểm căng thẳng đã được giải quyết.
Cuộc âm mưu bây giờ chuyển nhanh tới kết cục khi Đức Giêsu bị điệu đi (23,26-32) và bị đóng đinh (23,33). Tuy nhiên, các ánh sáng vẫn có đó nơi bóng dáng vô vàn môn đệ: Simôn đã vác thập giá “theo sau” Đức Giêsu (Mc và Mt không nói như thế); dân chúng (hẳn là có các tông đồ và môn đệ, vì TM III không nói rằng các môn đệ bỏ “Người mà chạy trốn hết” như Mc 14,50 và Mt 26,56) và nhiều phụ nữ. Tại Đồi Sọ, lại có một chút căng thẳng do những lời chế nhạo của các thủ lãnh Do Thái (23,35), bọn lính (23,36) và tên gian phi “xấu” (23,39). Nhưng như những tia sáng làm dịu bức tranh quá tàn nhẫn và đẫm máu, là lời Đức Giêsu xin Thiên Chúa tha thứ cho những kẻ hãm hại Người (23,34) và ơn cứu độ ban cho người gian phi sám hối (23,39-43). Rồi như đã được báo trước ở 23,42-43 (x. 22,37), cái chết của Đức Giêsu cuối cùng đã đến ở 23,46; nhưng cái chết này không phải là một định mệnh khắc nghiệt, mà là dấu ấn đóng trên một cuộc đời hoàn toàn sống cho Thiên Chúa là Cha (23,46).
Bài tường thuật tiếp tục bằng cách cho thấy, trước cái chết của Đức Giêsu, có các phản ứng của viên sĩ quan (23,47), đám đông (23,48), các người quen biết Người (23,49a), các phụ nữ đã đi theo Người từ Galilê (23,49b), và Giôxếp Arimathê, một thành viên của Thượng Hội Đồng và là người an táng thi thể Người (23,50-53). Hai chi tiết về thời gian ở 23,54 đánh dấu một điểm dừng trong bài tường thuật và cung cấp một kết luận thuyết phục không những cho truyện mai táng mà còn cho toàn đơn vị 22,1–23,54.
Hai câu 23,55-56 có vẻ như kết thúc tất cả: nhắc lại đời môn đệ của các phụ nữ; xác định ngôi mộ đã có thi hài Đức Giêsu; việc các bà chuẩn bị hương liệu để tẩm liệm lại thi hài. Nhưng đoạn văn ngắn này cũng là phần chuyển mạch đưa sang biến cố Phục Sinh.
+ Kết luận
Toàn bài tường thật khiến độc giả nhớ đến lời cụ Simêôn nói với Đức Maria về số phận của Đức Giêsu khi Người được cha mẹ đưa lên Giêrusalem đến tiến dâng cho Thiên Chúa: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (2,34-35).
“Bị loại trừ / được đón nhận”, đây chính là số phận của Đức Giêsu. Ngay trong 4,14-44, hai đề tài này đã được phác ra. Trong việc dân Nadarét tìm cách tiêu diệt Người ở 4,29, câu truyện Đồi Sọ đã xuất hiện tại chân trời cuộc đời Người. Trong thời gian Đức Giêsu hoạt động công khai, thái độ tiêu cực của các kinh sư và người Pharisêu (x. 5,21.30; 6,7.11) tương phản lại với thái độ tích cực của các môn đệ, những người dân Do Thái và cả những người ngoại (x. 5,1.15.26.28; 6,17; 7,1-10; 8,1-3.26-39). Đây là một sự “căng thẳng” chạy xuyên suốt cuộc đời trần thế của Đức Giêsu. Cái khung “loại trừ / đón nhận” này vẫn được vận dụng trong phân đoạn tường thuật chuyến đi lên Giêrusalem[1], nhưng có sự phân biệt rõ ràng giữa các thủ lãnh Do Thái và dân chúng (x. 19,47-48). Khi Đức Giêsu đã đến Giêrusalem, hai đề tài này vẫn có đó[2]. Nhưng sự phân biệt giữa hai đề tài đó đã mờ đi vào lúc Philatô quyết định trao nộp Đức Giêsu cho các thủ lãnh Do Thái (x. 23,24-25) đưa đến khổ hình thập giá và chóp đỉnh của việc con người loại trừ Đức Giêsu.
Tin Mừng Luca bắt đầu với Đức Giêsu ở giữa những người nghèo nhất, những người bị khinh bỉ nhất tại
5.- Gợi ý suy niệm
Đây là một bài tường thuật dài. Ta có thể dừng lại với nhiều đoạn để suy niệm. Chẳng hạn:
1. Cuộc chiến đấu của Đức Giêsu để trung thành với chương trình của Thiên Chúa (22,41-44)
Đứng trước cuộc Thương Khó ghê rợn sắp xảy tới, Đức Giêsu sợ hãi, Người bi cám dỗ rút lui. Người đã xin với Thiên Chúa: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con”. “Xin Cha cất chén này xa con”, nhưng với điều kiện là “nếu Cha muốn” và “xin đừng cho ý con thề hiện, mà là ý Cha”. Ý Chúa Cha và ý con người không mấy khi trùng hợp. Nhưng ý Chúa Cha là nhắm ban ơn cứu độ cho con người.
2. Phêrô chối Thầy (22,54-62)
Phêrô đã hùng hổ tuyên bố về lòng dũng cảm: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (22,33), nhưng ông đã chối Thầy. Lần thứ nhất, Phêrô chối liên hệ giữa mình và Đức Giêsu (một người rất thân thiết). Lần thứ hai, ông chối liên hệ giữa mình và anh em (một nhóm người thân thiết). Lần cuối cùng, ông chối liên hệ giữa mình với quê hương (một nhóm người ít nhiều quen biết). Khi chối Đức Giêsu, người ta cũng chối anh em xa gần.
3. Đời môn đệ
Đi theo Đức Giêsu bằng đôi chân lên Núi Ôliu (22,39), nhưng không hiệp thông với Người (“các ông ngủ”, 22,45-46), thì không ích gì. Đi theo Đức Giêsu dù xa xa, như Phêrô (22,54), nhưng sẵn sàng bỏ rơi Người vì không dám chối mình, thì không ích gì. Simôn Kyrênê, không biết có phải chăng là môn đệ Đức Giêsu, vác thập giá theo sau Người (22,26): ông đúng là người môn đệ. Các phụ nữ, những người không được xã hội Do Thái trân trọng, đã đi theo Đức Giêsu từ Galilê và có mặt để hiệp thông với Người trong cuộc Thương Khó, và còn đi đến tận mộ (23,55b), đấy là những người môn đệ.
4. Thái độ bình thản và từ bi của Đức Giêsu
Đức Giêsu biết giờ chết đau thương đã tới, Người vẫn bình tĩnh giáo huấn và tiến tới. Đứng trước Thượng Hội Đồng và trước tòa Philatô, Người đã nói những gì cần nói, đúng chiều hướng của giáo lý Người rao giảng lâu nay. Không một đe dọa nào có thể làm cho Người lạc hướng.
Trên đường lên Núi Sọ, Người đã đứng lại để an ủi các phụ nữ Giêrusalem (23,28-31). Ở trên thập giá, Người đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ sát hại Người (23,34). Người cũng ban ơn cứu độ cho người gian phi sám hối (23,43). Cuộc đời của Người Con, ngay từ thuở có trí khôn, đã sống cho Cha (2,49), giới thiệu tình yêu của Chúa Cha (x. Lc 15,1-32), nay đã trọn: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (23,46).
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
[1] Loại trừ: 9,53; 11,53; 13,17a.34; 14,24; 19,11-28.47; đón nhận: 9,57.61; 10,38-42; 11,27; 13,17b; 17,16-18; 18,15.43; 19,1-10.48.
[2] Loại trừ: 20,2.19.20.26; 22,2-6.47-71; 23,2.10.35; đón nhận: 20,19.26; 21,38; 23,27.35.42.48.