1
TRỞ VỀ VỚI CHÍNH SỰ VẬT
Qua các trang sách, Kinh Thánh trình bày các bản văn nói về Thiên Chúa như là Đấng “Hằng Sống”. Giêrêmia tuyên bố: “Ngài là Thiên Chúa hằng sống“, (10,19). Chính Thiên Chúa nói trong Êdêkien: “Ta là Đấng hằng sống” (33,11). Nơi một trong những Thánh vịnh đẹp nhất, được sáng tác trong thời lưu đày, người cầu nguyện thốt lên: “Linh hồn tôi khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống!” (Tv 42,3). Và: “Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống” (Tv 84,3).
Rõ ràng đây là một ẩn dụ rút ra từ kinh nghiệm của con người. Israel đã muốn dùng nó để phân biệt Thiên Chúa của họ với các ngẫu tượng, mà một Thánh vịnh nói rằng chúng “có mắt có miệng nhưng không nhìn không nói, có mũi có tai nhưng không ngửi không nghe… từ cổ họng không thốt ra một tiếng ”(Tv 133B, 5tt). Trái với các ngẫu tượng, Thiên Chúa của Kinh Thánh là “một Thiên Chúa thở”: một hình ảnh rất biểu cảm, vì Kinh Thánh gọi Chúa Thánh Thần là hơi thở (ruah) của Thiên Chúa.
Sau thời gian ưu thế lâu dài của chủ thuyết duy tâm và chiến thắng của “ý tưởng”, trong những thời còn gần với chúng ta, chính tư tưởng thế tục đã thấy cần phải trở lại với “thực tại”, được diễn tả trong cương lĩnh: “Hãy trở lại với chính sự vật![1], theo nghĩa không dừng lại ở những công thức diễn tả thực tại, những lý thuyết được xây dựng trên nó, những gì chúng ta thường nghĩ về nó, mà đi thẳng vào chính thực tại là nền tảng của mọi sự; dọn sạch các lớp đất khác nhau được thêm vào để tìm ra khối đá bên dưới.
Chương trình này cũng nên được áp dụng cho lãnh vực đức tin, vì có lời viết: “Hành vi của người tin không kết thúc ở lời tuyên bố, nhưng ở thực tại[2]“. Khi là về “sự vật” tối thượng trong lãnh vực đức tin, khi là về Thiên Chúa, thì “trở lại với chính sự vật” có nghĩa gì? Có nghĩa là trở lại với Thiên Chúa hằng sống; có thể nói đó là phá đổ bức tường khủng khiếp của ý tưởng chúng ta có về Thiên Chúa, và mau mắn đi gặp chính Thiên Chúa; là khám phá ra rằng Thiên Chúa không phải là một cái gì trừu tượng nhưng là một thực tại.
Chúng ta nhìn thấy vạn vật dưới ánh sáng mặt trời phản xạ và khuếch tán, nhưng hiếm khi nhìn lên để chiêm ngưỡng chính mặt trời, vì không thể chịu được ánh sáng chói chang của nó. Đối với Thiên Chúa hằng sống cũng vậy: “nơi Người, chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28), nhưng rất hiếm khi chúng ta hướng cái nhìn của tâm trí về Ngài, Đấng là nguồn mạch mọi sự. Ngay cả đối với những người tin, Thiên Chúa cũng thường ở trong hậu cảnh.
Chương trình “Trở lại với sự vật” đã có được một ứng dụng nổi tiếng: ứng dụng đưa đến chỗ khám phá ra mọi sự đều… hiện hữu. Chúng ta hãy nghe câu chuyện của chính một người từng trải nghiệm nó :
“Vừa rồi tôi ngồi trong công viên. Rễ cây dẻ lún sâu xuống đất, ngay dưới chiếc ghế dài tôi ngồi. Tôi không còn nhớ đó là một rễ cây nữa. Những từ đã biến mất và cùng với những từ này là ý nghĩa của sự vật, cách dùng, những điểm mốc mờ nhạt mà người ta đã vạch ra trên bề mặt của chúng. Tôi đang ngồi, hơi cong người, đầu cúi xuống, một mình trước khối mầu đen và có nhiều mấu này, hoàn toàn thô và khiến tôi sợ. Và rồi tôi được soi sáng. Điều đó khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên. Chưa bao giờ trước những ngày cuối cùng này, tôi cảm nhận được ý nghĩa của “hiện hữu”. Tôi giống như những người khác, như những người đi dạo trên bờ biển trong bộ đồ mùa xuân. Giống như họ, tôi đã nói “biển thì xanh; chấm trắng đó, ở trên kia, là một con mòng biển”, nhưng tôi không cảm thấy rằng nó hiện hữu, rằng con mòng biển là một “con mòng biển hiện hữu”; thông thường, sự hiện hữu thì ẩn giấu. Nó ở đó, xung quanh chúng ta, nơi chúng ta, nó là chúng ta, người ta không thể nói lên hai từ mà không nói về nó và, cuối cùng, không chạm vào nó. Khi tôi tưởng mình đang nghĩ về điều đó, thì phải tin rằng tôi không nghĩ gì cả, đầu óc tôi trống rỗng, hoặc chỉ có một từ trong đầu, từ “hiện hữu”… Và rồi đột nhiên, rõ như ban ngày: hiện hữu bỗng được bày tỏ[3].”
Nhà triết học “khám phá” ra như vậy đã tuyên bố mình là một người vô thần; ông đã không vượt quá được nhận định là tôi hiện hữu, là thế giới hiện hữu, là sự vật hiện hữu. Chúng ta có thể khởi đi từ kinh nghiệm này và – như xẩy ra trong thiên nhiên đối với tất cả tạo thành (Rm 1,20) – hãy coi nó như một điểm tựa, một tấm ván lấy đà để vươn tới chỗ khám phá ra một Hiện Hữu khác, hoặc coi nó như là tia lửa để có thể có một sự soi sáng khác. Suy tư có thể có được từ rễ cây dẻ, tại sao không có được suy tư như vậy về Thiên Chúa? Thiên Chúa lại ít có thực đối với tâm trí con người hơn một rễ cây dẻ đối với mắt họ sao? Những trực giác về chân lý của các triết gia ngoại giáo, ngay cả của những người sẵn sàng nại tới quyền bính để chống lại các Kitô hữu, đã được các Giáo Phụ sử dụng để phục vụ đức tin. Chúng ta hãy noi gương các ngài và làm như vậy ngày hôm nay.
“Tia sáng” của triết gia này có thể mang lại cho chúng ta điều gì? Không có ứng dụng trực tiếp hay về nội dung, nhưng có ứng dụng gián tiếp hay về phương pháp. Điều này là đủ để chúng ta biết ơn ông. Câu chuyện của ông, đọc với một tâm thái nhất định, được ân sủng trợ giúp, dường như rất thích hợp để rũ bỏ thói quen của chúng ta, khơi dậy nơi chúng ta trước tiên sự hoài nghi, và rồi sự chắc chắn là chúng ta vẫn chưa hiểu biết về Chúa. Có lẽ cho đến lúc đó, chúng ta chưa bao giờ có thể hiểu được ý nghĩa của lời quả quyết “Thiên Chúa hiện hữu”, Ngài là một Thiên Chúa đang có, hay như Kinh Thánh nói, một Thiên Chúa hằng sống, và chúng ta vẫn còn một công việc phải làm, một khám phá phải thực hiện: cụ thể là Thiên Chúa “là”, đến độ cả chúng ta nữa, có lúc cũng rất đỗi ngạc nhiên! Đây hẳn là chuyến phiêu lưu của cuộc đời.
Trong ngôn ngữ của chúng ta, kiểu nói diễn đạt rõ nhất chương trình này là: “ý thức về Thiên Chúa”: “ý thức” theo nghĩa là đôi mắt đột ngột mở ra, một cú nhảy vọt của ý thức khiến chúng ta bắt đầu nhìn thấy sự gì đó đã có trước đây, nhưng cho đến lúc đó chúng ta đã không nhìn thấy.
Cùng với “tia sáng” này, chúng ta hãy đọc lại câu chuyện Bụi cây bốc cháy, xảy ra chính xác ở chân núi Sinai (x. Xh 3,1tt): câu chuyện sẽ cho phép chúng ta, trong số những câu chuyện khác, nhận ra rằng ngay cả tư tưởng “hiện sinh” hiện đại có thể giúp chúng ta khám phá ra trong Kinh Thánh một khía cạnh mới mà tư tưởng cổ đại, được nghĩa hữu thể học giữ lại, không có khả năng khám phá ra, dù cho có tất cả sự phong phú của mình.
Trang Kinh Thánh trình bày câu chuyện về Bụi cây bốc cháy tự nó là một bụi cây bốc cháy. Nó cháy mà không bị tiêu hao. Sau nhiều thiên niên kỷ, nó không mất đi khả năng truyền đạt ý nghĩa về thiêng thánh. Hơn bất cứ diễn từ nào, nó đặc biệt cho thấy hệ quả của một cuộc gặp gỡ thực sự với Thiên Chúa hằng sống. “Môsê tự bảo: mình phải lại xem…” Ông nghĩ thế, ông muốn thế; ông còn là chủ nhân của mình; chính ông là người dẫn dắt (hoặc nghĩ rằng mình đang dẫn dắt) cuộc chơi. Đột nhiên, với quyền năng của mình, Thiên Chúa ùa vào ông và áp đặt luật của Ngài: “Môsê! Môsê! Chớ lại gần! Ta là Thiên Chúa của cha ngươi…” Mọi sự đột nhiên thay đổi. Lập tức Môsê trở nên ngoan ngoãn, phục tùng, ông thưa: “Dạ, tôi đây“. Ông che mặt, giống như các thiên thần Sêraphim che mặt bằng đôi cánh của mình (x. Is 6,2). Yếu tố “thần thiêng” là ở đó, Môsê đi sâu vào mầu nhiệm.
Trong bầu không khí này, Thiên Chúa mạc khải danh của Ngài: “Ta là Đấng Hiện Hữu“. Được chuyển từ bản Bẩy Mươi sang vùng thuộc văn hóa Hy lạp, biểu thức này đã được hiểu như một định nghĩa về hữu thể của Thiên Chúa, Hữu Thể tuyệt đối, một sự khẳng định yếu tính sâu xa nhất của Ngài. Nhưng các nhà chú giải hiện nay coi cách giải thích này về cơ bản xa lạ với Cựu Ước…
“Trong toàn bộ ngữ cảnh tường thuật, biểu thức đúng hơn cho người ta hiểu Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra là ai để chiếu cố tới dân Israel… một sự hiện diện tương đối và hành động: hiện-diện-ở-đó, hay đơn giản hơn: “Ta sẽ ở đó vì các ngươi[4]”.
Đây là một quả quyết cụ thể, không trừu tượng, đề cập sự hiện hữu của Thiên Chúa hơn là yếu tính của Ngài, Ngài “hiện-hữu-ở-đó” hơn là “Ngài là Đấng nào”. Thế nên chúng ta đang rất gần với kiểu nói “Ta đang sống”, “Ta là Đấng Hằng Sống” như Thiên Chúa tuyên bố ở chỗ khác trong Kinh Thánh.
Ngày đó, Môsê đã hiểu ra một sự thật trong những sự thật đơn giản nhất, nhưng có khả năng khởi động và hỗ trợ toàn bộ phong trào giải phóng sẽ theo sau. Ông khám phá ra rằng Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp hiện hữu, rằng Ngài là một thực tại hiện tại và hoạt động trong lịch sử, một Đấng có thể tin cậy được. Vả lại, đó quả là sự thật mà ông cần biết vào chính lúc này.
Chúng ta ghi nhận một điểm chung giữa kinh nghiệm của triết gia về rễ cây hạt dẻ và kinh nghiệm của Môsê trước Bụi cây bốc cháy. Cả hai cùng khám phá ra mầu nhiệm của hữu thể. Người trước ý thức về hữu thể của sự vật; người sau về Hữu Thể của Thiên Chúa. Với một điểm khác biệt: việc khám phá ra Thiên Chúa hiện hữu mang lại niềm vui và can đảm; còn việc khám phá ra sự vật hiện hữu chỉ tạo ra “buồn nôn”, như lời của chính triết gia.
Nếu ân sủng Thiên Chúa cho chúng ta nhận được, cả chúng ta nữa và ở một mức độ nào đó, một tia sáng và một mạc khải tương tự như tia sáng và mạc khải mà chúng ta đã tìm cách mô tả khởi đi từ triết học và Kinh Thánh, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta dùng cuộc đời còn lại, sau mọi thất bại hoặc ảo tưởng, trước mọi cám dỗ nản lòng hay khó khăn, lặp lại nơi chính chúng ta câu này: “Thiên Chúa ở đó, và thế là đủ! Thiên Chúa ở đó, và thế là đủ!”
Đã đến lúc cầu nguyện, để khi nói “về” Thiên Chúa hằng sống, chúng ta cũng sẽ luôn nói “với” Thiên Chúa hằng sống, trước sự hiện diện của Ngài chứ không phải khi Ngài vắng mặt. Cùng với thánh Anselmô Aosta, người hơn bất cứ ai khác đã làm việc để chứng minh rằng Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa-hiện hữu, chúng ta hãy thưa lên:
Lạy Chúa, xin dạy tâm hồn con biết tìm kiếm Chúa ở đâu và cách nào, tìm thấy Chúa ở đâu và cách nào; vì con không thể tìm kiếm Chúa nếu Chúa không dạy con, cũng không thể tìm thấy Chúa nếu Chúa không tỏ mình ra.
Xin cho con tìm kiếm Chúa bằng cách ao ước Chúa, cho con ao ước Chúa bằng cách tìm kiếm Chúa; xin cho con tìm thấy Chúa bằng cách yêu mến Chúa, và cho con yêu mến Chúa bằng cách tìm thấy Chúa.[5]“
[1] Zu den Sachen selbst : c’est le programme de l’Ecole phénoménologique de Husserl.
[2] Tôma Aquinô, Somme théologique, II-II, q. 1, 2, 2; trad. Cerf, 1984.
[3] J.P. Sartre, La nausée, Paris, Gallimard/Folio, 1938, p. 181sv.
[4] x. G. von Rad, Théologie de l’Ancien Testament, trad. E. Peyer, 3e édit., Genève, Labor et Fides, 1971, p. 160.
[5] Anselme, Proslogion, I; x. trad. Corbin, Paris, Cerf, 1986, p. 237.