Những nhân vật, địa danh và biến cố được nói đến trong Kinh Thánh, từ St 12 về sau, có tính cách lịch sử, phù hợp với những nghiên cứu và khám phá của khoa học. Khoa khảo cổ đã chứng minh có những cuộc di dân lớn trong vùng Lưỡng Hà Địa hướng về phía bắc (Kharan), sang Canaan và Ai Cập, vào khoảng năm 1.900 đến năm 1.800 trước công nguyên, đúng với thời điểm di cư của Abraham. Bắt đầu từ Abraham, chúng ta sẽ tiếp xúc với những nhân vật và biến cố có thể xác định được không gian và thời gian theo nghĩa lịch sử thật sự (‘người thật việc thật’).
I. GIA ĐÌNH CỦA ABRAHAM (x. St 12,1 – 25,8)
1- Ơn gọi của Abraham :
St 4-11 diễn tả sự gia tăng của tội, đẩy con người ngày một xa lìa Thiên Chúa. Con người như vẫy vùng trong tuyệt vọng, không thể thoát ra khỏi vực thẳm tội lỗi được.
Chính trong hoàn cảnh bi đát đó Thiên Chúa đã ra tay can thiệp, chuẩn bị cho kế hoạch cứu độ bằng cách kêu gọi ABRAM, một người du mục, thuộc thị tộc Têrắc, thành Ur, xứ Canđê (nước Iraq ngày nay). Thị tộc này ngược dòng sông Ơphrat, di cư về hướng tây bắc, đến vùng Kharan (x.St 11,27-32). Tại đây Thiên Chúa đã kêu gọi Abram.
Sáng kiến của Thiên Chúa đã khởi sự một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ.
Abram đã mau mắn đáp lại và dứt khoát rời bỏ tất cả để ra đi, dù không hề biết mình sẽ đi đến đâu và được những gì. Đức tin của ông thật lớn lao, đưa nhân loại đang đắm chìm trong lầm lạc và tan rã bước vào tiến trình phục hồi.
Như vậy, ơn cứu độ luôn bắt đầu từ Thiên Chúa, con người chẳng có công trạng gì. Để được cứu độ, mỗi người cũng phải mau mắn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và dứt bỏ mọi bám víu để lên đường. Đó chính là hành trình đức tin.
2- Lời hứa (x.St 12,1-3)
Cùng với lệnh truyền ra đi là lời Chúa hứa :
j Một dân tộc đông đảo sẽ phát xuất từ Abram.
k Một đất nước cho dân tộc ấy.
l Một phúc lành sẽ đến cho muôn dân nhờ Abram.
3- Minh Ước (x.St 15)
Lời hứa của Thiên Chúa với Abram được bảo đảm và xác nhận bằng một lễ ký kết giao ước theo phong tục thời bấy giờ: Abram xẻ đôi những con vật hy sinh (bê, dê, cừu, chim cu gáy, bồ câu), đặt ra hai bên. Thiên Chúa đã lấy hình ngọn lửa đi qua để chứng tỏ sự cam kết giữ lời hứa với Abram (ai vi phạm sẽ chịu số phận như con vật bị phân thây).
Sau này Thiên Chúa còn lập lại lời hứa với Abram và đổi tên ông thành ABRAHAM : “Cha của nhiều dân”, để nói trước tương lai của ông (St 17,5).
4- Thử thách (x.St 22,1-19)
Bà Sara, vợ ông Abraham, là người hiếm muộn, đã cao tuổi mà chẳng có con. Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa thứ nhất khi ban cho hai ông bà “Nụ Cười” là Isaac. Nhưng sau đó Thiên Chúa lại tiếp tục thanh luyện niềm tin của ông khi yêu cầu ông hiến tế Isaac : một thử thách kinh khủng! Abraham đã vâng phục. Lòng tin này thật phi thường, vượt trên mọi lý luận, tính toán và tình cảm của con người : “Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông” (Rm 4,18). Mặc dù không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin. Ông tin rằng dù thế nào đi nữa thì Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện lời hứa : “Vì với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể !” (Lc 1,37. x.St 18,14).
Một lần nữa chúng ta lại thấy vai trò quan trọng của đức tin trong công trình cứu độ. Ơn cứu độ cả thế giới bắt đầu với niềm tin của Abraham thế nào thì ơn cứu độ của mỗi Kitô hữu cũng bắt đầu với niềm tin của mình như vậy : chấp nhận mọi điều Chúa dậy và mọi điều Chúa hứa.
5- Tăng triển (Các tổ phụ : x.St 12-50)
Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban cho ông Abraham một dòng dõi đông đảo :
SARAH + ABRAHAM + HAGA
ISAAC+RÊBÉCCA ÍTMAEL
GIACÓP – ESAU Dân Ả Rập
(Dân Êđom)
12 người con trai
đứng đầu 12 chi tộc dân Israel
Những câu chuyện về các tổ phụ (Abraham, Isaac, Giacóp) cho thấy Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan khi dẫn dắt lịch sử loài người. Qua đó chúng ta nhận ra tình thương và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với những con người bất toàn. Và dù còn nhiều khuyết điểm, đời sống các tổ phụ cũng đã chứng tỏ được niềm tin và sự trung thành với Thiên Chúa.
II. THÀNH LẬP DÂN THIÊN CHÚA
1- Ông Giuse (x.St 37-50)
Những câu chuyện ly kỳ trong cuộc đời ông Giuse (các giấc mơ, bị bán, làm quản gia, bị tù, làm quan…) cho thấy quyền năng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa mạnh hơn sự gian ác của con người. Các anh đã cư xử độc ác với Giuse, nhưng Thiên Chúa đã biến nó thành cơ hội để cứu cả gia đình Giacóp thoát nạn đói và phát triển thành một dân đông đảo trên đất Ai Cập (khoảng năm 1.700 tcn.).
Đây là bài học quan trọng dậy ta phải luôn tín nhiệm vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.
2- Ông Môsê
Con cháu ông Giacóp lập cư ở vùng đất Gôsen, phía đông bắc nước Ai Cập, trong một thời gian dài khoảng 400 năm (từ năm -1.700 đến năm -1.300).
Sự thay đổi chính quyền (người Hyksos mất quyền) kéo theo sự thay đổi về chính sách cai trị. Những vị vua sau này không chấp nhận những ưu đãi cho dân ngoại quốc đến nhập cư như trước kia nữa. Vì vậy dân Israel bị đàn áp, phải làm nô dịch trong các công trình xây cất trên đất Ai Cập.
Thiên Chúa thấy nỗi cơ cực của dân và chuẩn bị cho họ một vị cứu tinh là ông Môsê. Tên của ông nói lên việc ông được cứu lên khỏi nước thuở sơ sinh, được công chúa Ai Cập nhận làm con. Ông được nuôi dưỡng, được học tập ngay trong cung vua. Thiên Chúa đã xếp đặt để ông được huấn luyện những điều cần thiết cho sứ mạng lãnh đạo sau này.
3- Cuộc Xuất Hành (x.Xh 13)
Khi biết được nguồn gốc của mình thì đó cũng là lúc ông Môsê phải trốn vào sa mạc. Thiên Chúa đã hiện ra với ông trong ngọn lửa, tỏ mình cho ông, sai ông đi giải thoát dân Chúa ra khỏi Ai Cập. Qua Môsê Thiên Chúa đã giáng xuống Ai Cập nhiều tai hoạ. Nhưng phải đến tai hoạ thứ mười : giết con đầu lòng, bấy giờ dân Chúa mới được ra đi. Bàn tay mạnh mẽ của Chúa đã đưa dân Người qua Biển Đỏ và chôn vùi quân thù trong lòng biển sâu.
Biến cố này xảy ra vào khoảng năm -1.250. Từ đó đến nay, dân Israel hằng năm vẫn mừng Lễ Vượt Qua để tưởng niệm biến cố đặc biệt này đối với vận mệnh dân tộc họ.
Dân Israel ra khỏi Ai Cập cũng là cơ hội cho nhiều nhóm nô lệ khác trốn theo. Trong hành trình sa mạc tất cả những ai đã ra khỏi Ai Cập phải liên kết lại với nhau để tồn tại, cùng chấp nhận một nếp sống chung, một mục đích chung, dưới sự lãnh đạo duy nhất của ông Môsê. Như vậy cùng với nhau họ làm thành một dân tộc.
III. TÔN GIÁO
1- Giao Ước Sinai
Sau khi ra khỏi Ai Cập ba tháng, ông Môsê dẫn dân đến núi Sinai. Tại đây Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước với dân Israel qua trung gian ông Môsê.
Các chương 19-24 là trung tâm của sách Xuất Hành, nói về Giao Ước Sinai :
– Chương 19 : chuẩn bị Giao Ước.
– Chương 20-23 : MƯỜI ĐIỀU RĂN và các điều khoản của Giao Ước (Luật Giao Ước).
– Chương 24 : nghi lễ kết ước.
Trong Giao Ước này Thiên Chúa nhận Israel làm dân riêng và chăm sóc cho họ như cha với con. Ngược lại dân Israel hứa vâng phục Thiên Chúa như người con hiếu thảo.
Giao Ước được ký kết bằng một nghi lễ : ông Môsê lấy máu các con vật hy sinh đổ một nửa lên bàn thờ (tượng trưng cho Thiên Chúa), còn một nửa ông rảy trên dân chúng. Hành động này có ý nói rằng từ nay Thiên Chúa và dân liên kết chặt chẽ với nhau như những người cùng chung một dòng máu, chung một gia đình, chung một vận mệnh.
2- Hòm Bia (Khám Giao Ước) : (x.Xh 25,10)
Hai bia đá khắc 10 điều răn được cất giữ trong một hòm gỗ quí có dát vàng (kích thước: 125cm x 75cm x 75cm, 1 xích tương đương với 50 cm). Hòm Bia này có một ý nghĩa đặc biệt đối với dân Israel, vì đó là dấu chỉ của Giao Ước, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người.
Hòm Bia Giao Ước được đặt trong Lềâu Tạm (hay “Lều Hội Ngộ” = “Trướng Tao Phùng”) là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân Người, nơi qui tụ sinh hoạt phụng tự chính thức của Israel trong suốt hành trình sa mạc. Về sau Đền thờ Giêrusalem sẽ giữ vai trò này.
3- Phụng tự :
Các nghi lễ phụng tự có một ý nghĩa rất sâu xa đối với dân Israel. Phụng tự của Israel có rất nhiều lễ tế (x.Xh 23, 14-17; 34,18-23; Đnl 16,1-16; Lv 23; Ds 28-29), nhưng có thể chia những lễ ấy làm ba loại :
Lễ toàn thiêu : Toàn thể con vật hy tế được thiêu huỷ trên bàn thờ. Lễ này nói lên ý nghĩa con người phải cống hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa là chủ tất cả mọi loài.
Lễ thông hiệp : Một phần con vật hy sinh được thiêu huỷ trên bàn thờ, phần còn lại chia cho các tư tế và những người dự lễ (bữa ăn cộng đồng – x. Xh 24,11). Lễ này nói lên sự hiệp nhất trong Giao Ước.
Lễ xá tội : Sau khi rảy máu con vật hy sinh trên nắp Hòm Bia, vị thượng tế đặt tay trên đầu một con dê, xưng tội của dân vào tai con vật rồi đuổi nó vào sa mạc để nó đem đi tội lỗi. Lễ này nói lên ý nghĩa muốn xin ơn tha thứ, hoà giải, tái lập Giao Ước (x. Lv 16).
Đến giai đoạn này dân Israel đã có Giao Ước, Hòm Bia, nghi lễ phụng tự.
Đó là những yếu tố nền tảng cho ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO của dân Israel,
MỘT TÔN GIÁO ràng buộc Thiên Chúa với dân của Người và ngược lại.
Tóm lược chương 2
1. Từ tổ phụ Abraham đã xuất hiện một gia tộc. Gia tộc ấy phát triển ngày càng đông đảo và trở nên một dân tộc. Toàn bộ đời sống của dân Israel chịu chi phối bởi luật Giao Ước và các nghi lễ phụng tự, hình thành một cộng đồng tôn giáo đúng nghĩa.
2. Quá trình trên được đánh dấu bằng hai biến cố vô cùng quan trọng :
– Vượt Qua và Xuất Hành.
– Giao Ước Sinai.
3. Đây là một quá trình lâu dài và gian khổ mà Thiên Chúa khôn ngoan và quyền năng đã dùng để huấn luyện cho con người biết vâng phục và tin cậy vào Thiên Chúa quan phòng.
Câu hỏi thảo luận chương 2
1. Con Chiên Vượt Qua và phép lạ Biển Đỏ báo trước điều gì trong Tân Ước ?
2. Nhìn vào công việc ông Môsê đã thực hiện, bạn thấy ông có những vai trò gì đối với dân Israel ? (Nhà giải phóng-cứu tinh, nhà lập pháp, người trung gian, ngôn sứ)
3. Cuộc đời ông Môsê để lại cho chúng ta những bài học gì ? (Với Thiên Chúa: Trung thành, tin tưởng, thân mật… Với dân : yêu thương, gắn bó, tha thứ…)
4. Hai biến cố Vượt Qua và Giao Ước có ý nghĩa gì đối với đời sống đạo của chúng ta hôm nay không ?