I. MỘT QUỐC GIA (x.Giôsuê 1-12; 24)
1- Đất Hứa
Sau khi ông Môsê nằm xuống ở núi Nêbô, Thiên Chúa chọn ông Giôsuê làm người kế vị để đưa dân Israel vào Đất Hứa, ‘Đất chảy sữa và mật’.
Bước đầu tiên trong cuộc chinh phục là phải vượt qua sông Giođan, biên giới phía đông của đất Canaan. Ở đây cũng đã xảy ra một sự kiện linh thiêng như khi qua Biển Đỏ : dòng nước ngừng chảy khi các thầy Lêvi khiêng Khám Giao Ước vừa đặt chân xuống sông, một lối khô ráo được mở ra cho dân Israel băng qua (x.Gs 3).
Dân Israel đã phải chiến đấu trong khoảng 50 năm để chiếm cứ đất đai để có nơi cư ngụ. (Thực ra những xung đột còn kéo dài nhiều thế kỷ sau này với những nhóm dân còn sót lại).
Sách Thánh cho thấy chính Thiên Chúa đã hiện diện trong cuộc chiến đấu này và giúp cho Israel chiến thắng. Ngoài cái nhìn đức tin này, người ta cũng nhận ra những yếu tố tự nhiên khiến dân Canaan phải bại trận :
Dân Canaan suy yếu vì chia rẽ thành 31 tiểu quốc (x.Gs 12,24).
Dân Canaan bị tấn công từ hai phía : Philitinh ở phía tây và Israel ở phía đông.
Dân Israel phân chia đất đai theo các chi tộc và chuyển từ nếp sống du mục sang đời sống định cư. Họ phải học hỏi dân địa phương việc trồng trọt nên cũng chịu ảnh hưởng văn hoá và tôn giáo của họ, dễ bị cám dỗ bắt chước việc tôn thờ các ngẫu tượng Baal, Astartê…(x.Thủ lãnh 2,11-13).
Trước khi qua đời, ông Giôsuê đã triệu tập đại hội toàn dân tại Sikem, cảnh cáo về nguy cơ chạy theo tà thần. Ông long trọng nhắc lại Giao Ước, nhắc cho dân ý thức mình là dân được tuyển chọn, đã thuộc về Thiên Chúa nên phải giữ vững đức tin. Toàn dân đã đồng thanh cam kết giữ Giao Ước và nhất quyết phụng thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Chính niềm tin này đã hiệp nhất họ lại với nhau, mặc dù bấy giờ họ không có vua, chỉ một mình Chúa là Thủ lãnh tối cao.
Sự kiện Israel có đất cư ngụ cho thấy họ đã lập nên một quốc gia (có dân và lãnh thổ). Như vậy Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa thứ nhì với Abraham : ban cho dòng dõi ông một đất nước làm sản nghiệp. Vùng Đất Hứa này là dấu chỉ cho một thực tại cao cả hơn mà Chúa Giêsu hứa cho người công chính : “Phúc cho những ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm cơ nghiệp” (Mt 5,4). Đó là “Trời Mới, Đất Mới”, nơi con người được hạnh phúc trọn vẹn với Thiên Chúa.
2- Các Thủ lãnh (Thẩm phán – Quan án)
Mười hai chi tộc sống trong một quốc gia không có vua, họ hiệp nhất lại với nhau nhờ niềm tin tôn giáo, tượng trưng bằng Khám Giao Ước (Hòm Bia) đặt ở Silô (đất Ephraim). Thời kỳ này kéo dài khoảng 200 năm. Trong thời gian này nhiều lần họ đã phản bội Giao Ước, bỏ Chúa để bắt chước lối sống của dân Canaan mà thờ lạy các ngẫu tượng.
Vì vậy Thiên Chúa phải sửa dậy bằng hình phạt, để cho họ bị kẻ thù tấn công đàn áp. Trong đau khổ họ mới hối cải, nhớ tới Chúa và cầu xin ơn tha thứ, xin giải thoát. Khi ấy Chúa cho xuất hiện những vị anh hùng dẹp giặc nổi tiếng như Ghêđêon, Giéptê, Samson… đó là những vị thủ lãnh được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến cứu thoát dân Chúa. Sách Thủ Lãnh (Thẩm Phán-Quan Aùn) ghi lại sứ mạng của 12 vị Thủ Lãnh, gồm những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, với mục đích đưa ra một bài học có thể tóm lại trong 4 chữ: TỘI – PHẠT – HỐI – CỨU.
– Tội : Dân Israel phạm tội, bỏ Chúa.
– Phạt : Thiên Chúa sửa dậy bằng tai hoạ.
– Hối : Dân hối cải, trở về với Chúa.
– Cứu : Thiên Chúa gửi các Thủ Lãnh đến giải thoát
Ngày hôm nay bài học này vẫn còn giá trị cho chúng ta, về tội lỗi bất trung của con người và lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.
II. VƯƠNG QUỐC
1- Ông Samuel (x.1S 1-25)
Samuel là một nhân vật đặc biệt ngay từ khi được cưu mang. Bà Anna mẹ ông là một phụ nữ hiếm muộn. Bà đến Silô cầu tự. Thiên Chúa nhận lời, ban cho bà một con trai là Samuel. Khi thôi bú (3 tuổi), cha mẹ đã dâng Samuel cho Thiên Chúa. Samuel ở trong thánh điện Silô với thầy cả Hêli. Và tại nơi đây Thiên Chúa đã kêu gọi và trao sứ mạng cho Samuel.
Sau khi thầy cả Hêli qua đời, Samuel đứng lãnh đạo quốc gia suốt 20 năm (1050-1030tcn). Ông là thủ lãnh trong vai trò giải quyết các công việc cho dân chúng. Ông còn có một vai trò khác quan trọng hơn, đó là làm tiên tri (ngôn sứ) : đón nghe Lời Thiên Chúa và truyền đạt lại cho dân chúng.
Đời sống của Samuel không được hạnh phúc vì Khám Giao Ước bị cướp mất, thánh điện Silô hoang tàn, đời sống đức tin của dân chúng sa sút. Họ không còn tin vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa và muốn có một vị vua cai trị như những nước lân cận.
2- Vua Saolê (Sa-un) (x.1S 9-31)
Chúa đã sai Samuel xức dầu tấn phong Saolê thuộc chi tộc Benjamin lên làm vị vua đầu tiên. Từ đó các vị vua được gọi là : “Người được xức dầu của Thiên Chúa” (Messia trong tiếng Aram; Chritos trong tiếng Hy Lạp; Kitô trong tiếng Việt). Tức là người được Thiên Chúa tuyển chọn và tấn phong (qua việc xức dầu), và trao cho sứ mạng lãnh đạo dân theo đường lối Chúa.
Trong thời gian đầu, vua Saolê khá thành công trong lãnh vực quân sự. Ông đã tập hợp được nhiều quân binh của các chi tộc lại để đẩy lui quân Philitinh xâm lược. Cho đến trận chiến với người Amalêch, ông đã nghe lời dân mà không thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa (lỗi luật biệt hiến), nên Chúa đã bỏ ông để chọn người khác.
3- Vua Đavit
a. Những bước khởi đầu
Tiên tri Samuel được Chúa sai đến Belem tìm Đavit (con út của ông Isai – Giétsê, chi tộc Giuđa) để xức dầu tấn phong đứa út này lên làm vua thay cho Saolê (1 S 16,13). Đavít có bà cố nội là bà Rút (x.sách Rút), một người gốc dân ngoại (dân Mô-áp), đây là dấu chỉ báo trước về ơn cứu độ phổ quát, Thiên Chúa không quên dân ngoại trong lịch sử cứu độ.
Đavít có tài phóng đá bằng dây rất chính xác để đánh đuổi thú dữ, bảo vệ đàn chiên của mình. Chính nhờ vũ khí đơn sơ đó mà Chúa đã giúp Đavít chiến thắng đại tướng Gồliát. (x. 1S 17)
Gia đình vua Saolê yêu quí Đavít : Hoàng tử Giônatan kết nghĩa anh em với Đavít, vua gả công chúa Mican cho Đavít, hằng ngày vua nghe Đavít trổ tài đàn hát. Nhưng rồi chỉ vì ghen tị với những thành công của Đavít mà vua Saolê tìm mọi cách để diệt trừ Đavít. Tuy vậy, Đavít vẫn một lòng kính trọng Saolê là đấng đã được Chúa xức dầu, ngay cả những khi có cơ hội giết Saolê Đavít cũng không bao giờ ra tay. (x.1S 24-26)
b. Sự nghiệp của Đavít :
Sau khi Saolê và Giônatan tử trận, Đavít chính thức lên làm vua ở Hebrôn (x.2S 1-8) vào khoảng năm 1.000 tcn. Vua Đavít thu họp giang sơn về một mối, tổ chức quân đội, đánh đuổi quân Philitinh, mở rộng bờ cõi : bắt các dân Aram, Amon, Môáp, Êđom làm chư hầu. Vua Đavít lập thủ đô Giêrusalem, rước Khám Giao Ước (Hòm Bia) về đây để lôi kéo lòng dân, làm trung tâm qui tụ tất cả 12 hai chi tộc Israel cả về tôn giáo lẫn chính trị.
c. Lỗi lầm của Đavít
Đavít là một chiến sĩ anh hùng tài ba, một vị vua đạo đức tôn kính Thiên Chúa. Tuy nhiên ông cũng là một con người yếu đuối : ông đã phạm 2 tội lớn : ngoại tình và sát nhân (x.2Sm 11-12). Điều đáng nói ở đây là ông vua này đã biết khiêm tốn nhận tội và ăn năn hối lỗi, đây là điều hiếm thấy nơi các vị vua đầy quyền lực trong tay. Sự hoán cải này là gương mẫu đặc biệt cho mọi tội nhân, cho những ai trót phạm tội.
d. Lời Thiên Chúa hứa với Đavít (x.2Sm 7,14)
Khi Đavít chuẩn bị vật liệu, muốn xây Đền Thờ, xây Nhà cho Chúa, thì Chúa tỏ cho ông hay chính Chúa sẽ xây nhà cho ông. Nhà đây là triều đại cho dòng dõi Đavit (giống trong tiếng Việt khi nói về một triều đại vua người ta dùng từ ‘NHÀ’ : Nhà Trần, Nhà Nguyễn). Chúa sẽ củng cố cho triều đại Đavít vững bền mãi mãi. Đây chính là lời hứa về Đấng Cứu Thế sẽ xuất thân từ dòng dõi của Đavít. Như vậy Đavít và dòng giống ông đóng một vai trò đặc biệt trong chương trình cứu độ, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến.
Tóm tắt chương 3
1- Sau khi ông Môsê chết, ông Giosuê được Chúa chọn để đưa dân Israel vào đất Canaan. Cuộc chinh phục Đất Hứa kéo dài khoảng 50 năm. Trên vùng đất này họ thành lập một quốc gia.
2- Tổ chức quốc gia Israel thuở ban đầu còn rời rạc : Các chi tộc làm thành một liên minh tôn giáo dựa trên căn bản là niềm tin vào Một Đức Chúa Giavê, nhưng không có quyền bính trung ương, mỗi chi tộc sống riêng rẽ tự lập. Họ chỉ đoàn kết lại với nhau khi cần chống lại kẻ thù xâm lược dưới sự lãnh đạo của một vị anh hùng được Chúa chọn. Những vị anh hùng giải phóng đó được gọi là các Thủ Lãnh (hay Thẩm Phán – Quan Án). Thời kỳ của các thủ lãnh kéo dài khoảng 200 năm.
3- Trải qua kinh nghiệm chiến tranh của thời các thủ lãnh, dân Israel thấy rõ nhu cầu cấp bách phải có một vị vua đứng đầu để có thể tập trung sức mạnh quân sự chống lại hiểm hoạ xâm lược từ các dân chung quanh. Do nhu cầu thực tế lịch sử đó mà khai sinh nền quân chủ của Israel với vị vua đầu tiên là Saolê (Sa-un), người lãnh đạo cuộc chiến đấu chống lại quân Philitinh.
4- Vua Đavít là vị vua đặc biệt :
§ Ông có nhiều chiến công oanh liệt, đánh đuổi quân Philitinh, thống nhất đất nước, lập thủ đô Giêrusalem.
§ Ông là vị vua đạo đức: vâng phục và yêu mến ca tụng Thiên Chúa, nhất là biết khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm.
§ Ông được Chúa ban lời hứa củng cố triều đại. Lời hứa này liên quan đến lời hứa ban Đấng Cứu Thế.
Câu hỏi thảo luận
1- Thời kỳ các thủ lãnh để lại cho chúng ta bài học gì ?
2- Đọc lại 1Sm 16, 1-13 về ơn gọi của Đavit chúng ta có thể rút ra nhận xét như thế nào ?
3- Đavit có vai trò và ảnh hưởng gì đối với lịch sử Israel và lịch sử cứu độ ?