5
TA GHÉT CÁC CÔNG VIỆC NGƯƠI LÀM,
CÒN NGƯƠI, TA YÊU NGƯƠI
Đôi khi người ta nghĩ rằng, trong Phúc Âm, Đức Giêsu đã trả lời dứt khoát cho sức căng giữa hai khía cạnh thuộc thần tính này: Ngài chỉ nói về một Thiên Chúa tốt lành, dịu dàng, đầy tình cha con mà thôi, không bao giờ giận dữ và không làm ai phải sợ. Một Thiên Chúa chỉ là tình yêu vô hạn mà không đồng thời là quyền năng vô hạn. Marcion là người đầu tiên đưa ra tuyên bố này. Thánh Irênê viết: “Marcion, người phân chia Thiên Chúa thành hai và phân biệt một “Thiên Chúa tốt lành” với một “Thiên Chúa xét xử”, hủy bỏ Thiên Chúa ở cả hai phía. Quả thực, nếu Thiên Chúa xét xử mà không đồng thời tốt lành, Ngài không phải là Thiên Chúa, vì không có Thiên Chúa nào mà không tốt lành; ngược lại, nếu Thiên Chúa tốt lành mà không đồng thời xét xử, Ngài sẽ chịu số phận như Đấng trước và sẽ mất đi phẩm chất của Thiên Chúa[1].” Luận điểm của Marcion đã được nhóm Cathares lấy lại thời Trung cổ, và trong thời gian gần đây hơn, Simone Weil lặp lại, với những hạn từ tinh vi hơn. Như vậy, người ta đi tới kết quả là tách rời Tân Ước khỏi Cựu Ước, như thể Tân Ước thuộc về một Thiên Chúa khác, cho tới lúc đó không được biết đến.
Một cách nhìn như vậy không đúng với cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Ý tưởng về một Thiên Chúa của Cựu Ước chỉ có nghiêm khắc và công bình khơi dậy những phản ứng có cơ sở nơi người anh em Do Thái của chúng ta, vì không để ý đến những kiểu nói thống thiết về sự dịu dàng của người cha mà các tiên tri đặt vào miệng Thiên Chúa (x. Gr 31,20; Hs 11,8-9). Cũng thế, luận đề cho rằng Thiên Chúa của Phúc Âm chỉ tốt lành và nhân từ, cũng không chính xác.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta kính sợ Thiên Chúa, Đấng có thể đưa người ta xuống địa ngục. Ngài loan báo một cuộc phán xét mà chính Ngài sẽ là thẩm phán và sẽ tuyên bố điều khủng khiếp: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt ta… ” (Mt 25,41). Phaolô sẽ tiếp tục nói về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (x. Rm 1,18) và một chỗ khác của Tân Ước cảnh báo chúng ta: “Thật là khủng khiếp khi phải rơi vào tay Thiên Chúa hằng sống” (Dt 10,31).
Sự mới mẻ do Đức Giêsu mang lại thì khác. Nó dạy chúng ta biết rằng, Thiên Chúa, trong khi vẫn là như Người là, tức Thiên Chúa rất thánh, tối cao, toàn năng, từ đây được ban cho chúng ta theo một cách mới, như một người cha, hoặc đúng hơn, như một abba, (papa). Chúng ta không thấy ở đó một ý tưởng phai nhòa hay nhạt nhẽo nào về Thiên Chúa. Kinh “Lạy Cha” liên kết hai khuôn mặt này của Thiên Chúa. Những từ “Cha chúng con” bày tỏ sự hạ cố, gần gũi, nhân hậu, tình phụ tử lớn nhất của Thiên Chúa. Người là “cha” và là “của chúng ta”. Ngược lại, các từ “ở trên trời” duy trì sự xa cách, siêu việt, thánh thiện[2], vì kiểu nói “ở trên trời” không chỉ một nơi chốn, nhưng một điều kiện hiện hữu; hoặc, nói cách khác, Thiên Chúa là thần trí chứ không phải xác thịt, vô phương đạt tới, tối cao, “xa chúng ta như trời xa đất” (x. Is 55,9).
Nét cao cả và mới mẻ này trong lời dạy của Đức Giêsu về Thiên Chúa hằng sống có thể cô đọng trong một câu ngắn gọn: “Chúng ta có một Thiên Chúa là cha! Chúng ta có một người cha là Thiên Chúa!” Giáo Hội đã trung thành giữ lại hình ảnh tương phản này về Thiên Chúa: đầu kinh tin kính, Giáo Hội quả quyết: “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng.” Cha, nhưng toàn năng; toàn năng, nhưng là Cha.
Không chỉ bằng lời nói, Đức Giêsu còn hoàn tất mạc khải về Thiên Chúa hằng sống bằng một sự kiện cụ thể: cái chết của Ngài trên thập giá. Cây thánh giá là biểu hiện tối cao của Thiên Chúa hằng sống; đó là sự phán xét tối hậu của Thiên Chúa trong lịch sử. Thật có ý nghĩa khi sách Khải huyền trình bày thập giá như “ấn của Thiên Chúa hằng sống” (Kh 7,2tt).
Xem xét loạt biểu hiện kép này của Thiên Chúa hằng sống, người ta có thể vẫn bị vấp phạm bởi Thiên Chúa này, Đấng lúc phạt, lúc tha; khi thì bùng lên cơn giận, khi thì tràn đầy tốt lành. Người ta có thể nghĩ là đang đối phó với một hữu thể thất thường và tùy tiện hoặc ít nhất là không thể đoán trước được. Thực sự, mối nguy hiểm này không phải lúc nào cũng tránh được trong một số công trình tái tạo hiện tượng học tôn giáo, như chúng ta đã chỉ ra ở trên. Ở đây, lời giải thích duy nhất được đưa ra cho chúng ta bằng khái niệm phi lý tính. Thiên Chúa bày tỏ nơi mình cả khía cạnh thuộc lý tính, mà chúng ta có thể hiểu được, lẫn khía cạnh thuộc phi lý tính không làm sáng tỏ được bằng các phạm trù thuộc lý tính, nhưng bằng các phạm trù và các biểu tượng khác.
Cây thánh giá là chìa khóa thực sự để giải quyết sự hàm hồ này. Thiên Chúa không phải khi thì nghiêm khắc, khi lại nhân từ, theo sở thích thay đổi. Ngài không tùy tiện và vô cớ tỏ ra toàn năng lúc này, nhân từ lúc khác. Câu giải thích cho đặc tính lưỡng giá này là như sau: Thiên Chúa tốt lành, đầy lòng nhân từ với tội nhân; Ngài là thánh, nhưng đáng sợ và không khoan dung đối với tội lỗi. Một công thức được cho là của thánh Augustinô nói lên điều đó: “Ta ghét các công việc ngươi làm ; còn ngươi, ta yêu ngươi” (Odi tua, amo te). Thiên Chúa không giận ghét cũng không khinh miệt các thụ tạo của Ngài (x. Kn 11,21-26). Điều Ngài giận ghét, và “cho đến muôn ngàn đời”, có nghĩa là cho đến những hậu quả tối hậu, chính là điều Ngài đã không làm, điều Ngài đã không muốn, đó là sự dữ. Và sự dữ là kẻ đầu tiên hủy diệt các thụ tạo. Vậy cơn giận của Ngài đối với tội lỗi là cơn giận chống lại kẻ thù chung; cuối cùng, giận đó mà yêu đó. Vì vậy, khi nghe chính Thiên Chúa tuyên bố: “Trong lúc tức giận, Ta đã đánh phạt, nhưng vì ân tình, Ta lại xót thương ngươi” (Is 60,10), chúng ta hãy hiểu rõ ý nghĩa của câu nói: “Ta đã đánh vào cái ác của ngươi vì xót thương ngươi”.
Vậy cây thập giá là mạc khải tối cao của Thiên Chúa hằng sống trong Kinh Thánh theo nghĩa nào ? Theo nghĩa thập giá là chữ “không” khủng khiếp nhất đối với tội lỗi và là chữ “có” đáng yêu nhất đối với tội nhân. Thánh Phaolô viết rằng đối với chúng ta, Thiên Chúa đã đồng hóa Đức Giêsu với tội lỗi, để nhờ Ngài mà chúng ta trở nên công chính và thánh thiện, nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương (x. 2Cr 5,21). Ngài đã “lên án tội trong thân xác Con mình để sự công chính được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta” (x. Rm 8,3-4) Sự toàn năng và tình yêu không đối lập nhau và cũng không đơn thuần được đặt cạnh nhau hoặc được định lượng một cách khéo léo, nhưng được đặt trong mối tương quan sinh tử: Thiên Chúa biểu lộ sự toàn năng của Ngài bằng cách thương xót.
Công lý và hòa bình liên kết chặt chẽ với nhau nơi thập giá Đức Kitô, sự thánh thiện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài dành cho con người gặp gỡ nhau. Kể từ đây, chính khi chiêm ngắm thập giá Đức Kitô mà chúng ta nhận biết Thiên Chúa hằng sống; điều này giải thích tại sao những người chỉ tìm kiếm Ngài trong sách vở hoặc trong các hệ thống triết học lại dễ dàng không thấy Ngài. Kiểu nói “thần học về thập giá” (theologia crucis) cho thấy rằng chỉ nhờ nó mà thôi, từ nay người ta không thể nói về Thiên Chúa nữa (chính xác là làm thần học) mà không bắt đầu từ thập giá. “Người ta không trở thành nhà thần học bằng cách hiểu, đọc hay suy tư, nhưng bằng cách sống và, ở giới hạn cuối cùng, bằng cách chết và bằng cách trải nghiệm sự kết án[3]“. Nói cách khác, bằng cách sống mầu nhiệm thập giá.
Như ta thấy: Kinh Thánh vượt xa quan sát thuần túy thuộc hiện tượng học cho rằng Thiên Chúa là một mầu nhiệm đáng sợ và lôi cuốn!
Ngay cả trước khi Đức Kitô chết trên thập giá, sự ra đời của Ngài đã mở đầu một giai đoạn mới trong sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa hằng sống. Nhập thể và Mầu nhiệm Vượt qua đã cùng nhau thay đổi sâu sắc mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa hằng sống, bằng cách làm cho việc thờ ngẫu tượng vĩnh viễn lỗi thời và “không thể bào chữa”. Chính Thiên Chúa đã trình bày hình ảnh của Ngài, vì Đức Kitô là “Hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Một hình ảnh không được tạc bằng một chất liệu nào khác – đá cẩm thạch, đá hay bất cứ nguyên tố nào khác được tạo thành – nhưng là cách diễn tả chính bản chất của Thiên Chúa. Một hình ảnh “đồng bản thể”, như Công đồng Nicêa sẽ nói và được lặp lại trong Kinh Tin Kính. Thật vậy, Chúa Con “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3).
Trước câu hỏi của Đức Giêsu: “Người ta bảo Thầy là ai?”, Phêrô trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,6). Từ nay, trên trái đất, Thiên Chúa hằng sống được biểu thị “chính yếu” bởi Chúa Con. Không còn cần đến những hình ảnh biểu thị, người đóng thế hay một vật thế chân nào đó. Từ nay và trong thời gian còn lại, chúng ta sẽ không còn biết Thiên Chúa nữa qua một hình ảnh do bàn tay con người tạo ra, nhưng qua hình ảnh mà Ngài đã ban cho chúng ta về chính Ngài; không còn qua một ý tưởng nữa, nhưng là trong một thực tại. “Thiên Chúa đã phán: ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm. Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng con, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô” (2Cr 4,6). Vinh quang Thiên Chúa mà có thời không thể trông thấy mà vẫn sống (x. Xh 33,18-20), thì từ nay, tất cả mọi người đều có thể chiêm ngưỡng vinh quang ấy trên trái đất.
Chúng ta hãy cùng với Giáo Hội dâng lời cầu nguyện:
Lậy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả. Xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời, là hạnh phúc Chúa đã hứa ban, mà chúng con đang hết lòng theo đuổi. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.[4]
[1] Thánh Irênê, Contre les hérésies, III, xxv, 2; trad. Rousseau, Paris, Cerf, 1983.
[2] x. R. Otto, Le Sacré (cité note 12), 14, p. 124-126.
[3] M. Luther, Sur les psaumes (WA 5, p. 163).
[4] Sách Lễ Rôma, Lời nguyện Chúa nhật XXVI Mùa Thường niên.