Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết để đem ơn cứu độ đến cho nhân loại. Những ai muốn được thông phần vào ơn cứu độ của Chúa Kitô thì phải hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.
I. HIỆP THÔNG VỚI CHÚA KITÔ.
Chỉ có Đức Giêsu là người duy nhất đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vì vậy chỉ có Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, là Đấng Trung Gian duy nhất và hoàn hảo có thể đem ơn cứu độ cho loài người. Như vậy chân lý cơ bản liên quan đến sự cứu độ của mỗi cá nhân chính là sự hiệp nhất với Đức Giêsu để được cứu độ. Đức Giêsu đã hoàn tất việc cứu độ, nhưng ơn cứu độ của mỗi người lại tuỳ thuộc vào việc đón nhận Đức Giêsu của từng người. Ngay từ buổi đầu, Giáo Hội sơ khai đã tuyên xưng niềm tin này :
“Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,12)
Thánh Kinh gợi ra cho chúng ta những con đường thiết yếu để hiệp thông với Đức Giêsu Kitô : đức tin, đức mến, các bí tích.
1/ Đức tin – Đức cậy – Đức mến:
Từ ngữ đức tin có một nội dung rất rộng. Trước hết đó là ân sủng Thiên Chúa ban để dẫn đưa con người đến với Đức Giêsu. Rồi từ sự nhận biết này người ta mới có thể đi đến quyết định đặt tất cả hy vọng và trông cậy vào Đức Giêsu Kitô và can đảm bước theo Người với tất cả lòng yêu mến.
Đức tin là bước thiết yếu trước hết để hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô. Tổ phụ Abraham đã tin tưởng và đặt mọi hy vọng nơi Thiên Chúa như thế nào thì người muốn thông phần ơn cứu độ cũng phải tin và hy vọng như vậy: Đức tin bao hàm đức cậy.
Tin và hy vọng là phó thác, tin bao giờ cũng dẫn đến đức mến và được minh chứng qua những hành động biểu lộ lòng mến: “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta và Cha Ta sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến ở với nó.” (Ga 14,23). Yêu mến là sống trong Đức Giêsu Kitô và trong Thiên Chúa: “Thiên Chúa là lòng mến. Ai ở trong lòng mến thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy.” (1Ga 4,16).
2/ Các bí tích
Các bí tích thông ban và tăng cường sức sống thiêng liêng cho loài người. Rửa tội và Thánh Thể là hai bí tích có vị trí đặc biệt trong Tân Ước :
a- Bí tích rửa tội :
Qua bí tích rửa tội người tín hữu chết cho tội lỗi và sống đời sống mới trong Thiên Chúa. Bí tích rửa tội cho người tín hữu thông phần vào chiến thắng của Đức Giêsu Kitô trên tội lỗi và sự chết. Cái chết và sự phục sinh là hai mặt không bao giờ tách rời của công trình cứu độ. Người chịu phép rửa tội cũng trải qua sự chết và phục sinh giống như thế bằng con đường bí tích. Họ được chuyển từ vương quốc tội lỗi và sự chết của Satan sang vương quốc tình yêu và sự sống của Thiên Chúa để sống cuộc sống mới trong Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô. (X. Rm 6,3-4.10-11; Col 2,12)
b- Bí tích Thánh Thể
Phép Thánh Thể là phương thế rõ rệt nhất để hợp nhất với Đức Kitô ! Trong Phép Thánh Thể chúng ta được tiếp nhận Mình Máu Đức Kitô. Đây là của ăn nuôi dưỡng đời sống siêu nhiên và bảo đảm sự sống đời đời. (x. Ga 6, 53-58).
Khi cùng nhau đón nhận Mình Máu Chúa Kitô, mọi người cũng được liên kết trong cùng một sức sống, được nuôi dưỡng từ một nguồn mạch thần linh, được hiệp thông trong một tình yêu (x. 1Cr 10, 16-17).
Như vậy bí tích Thánh Thể vừa đưa ta vào sự hiệp nhất với Đức Kitô vừa làm cho chúng ta được hiệp nhất với nhau trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.
3/ Hiệu quả ơn hiệp thông :
Con đường tin-cậy-mến và con đường các bí tích gặp gỡ nhau, qui hướng về Đức Kitô, đưa chúng ta vào sự hiệp thông với Đức Kitô để được sống và sống dồi dào. Mỗi người chúng ta sẽ được :
– Đức Kitô dẫn đến với Chúa Cha và nên một với Người, vì Đức Kitô luôn là một với Chúa Cha (x. Ga 10, 30; 14,10; 15,10; 17,11.21).
– Trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,19)
– Thành công dân Nước Trời (Pl 3,20)
– Nên anh em với Đức Kitô và làm con cái của Thiên Chúa, trở nên “con trong Người Con”, “đồng thừa tự với Đức Kitô”.
– Nên con cái thiêng liêng của Đức Mẹ Maria.
– Là những người đồng chiến thắng Satan, chia sẻ chiến thắng của Đức Kitô (x. chương 6, phần III, 3)
– Là con cháu thiêng liêng của Abraham theo phương diện đức tin, được thừa hưởng thành quả lời Chúa đã hứa cho Abraham và dòng dõi ông đến muôn đời. (x.Gl 3, 26-29).
– Hợp nhất với nhau trong Đức Kitô.
II. HIỆP THÔNG VỚI GIÁO HỘI
Nhờ hợp nhất với Đức Kitô mà chúng ta được liên kết thành một cộng đoàn có tổ chức và cơ cấu. Cộng đoàn này được gọi bằng nhiều tên như : Israel mới, Dân Thiên Chúa, Vườn Nho, Cánh Đồng, Đền Thờ, Hiền Thê Đức Kitô … Ba danh hiệu thông dụng hơn cả là : Giáo Hội Đức Kitô, Vương Quốc Đức Kitô, Thân Thể Đức Kitô. Những danh hiệu này muốn diễn tả một số điều quan trọng liên quan đến bản chất và đặc tính của Giáo Hội.
1- Giáo Hội qui tụ chung quanh Đức Kitô
Chính niềm tin vào Đức Kitô qui tụ những ai chấp nhận theo Ngài và lãnh nhận phép rửa. Đức Kitô là trung tâm thu hút mọi người hiệp nhất lại với nhau một cách chặt chẽ và sống động. Sự gắn bó này cần thiết như cành nho cần gắn liền với cây nho, như chi thể với đầu. Sự liên kết này vững chắc như những viên đá được kết dính lại làm nên ngôi Đền thờ thiêng liêng. Thánh Phaolô còn dùng hình ảnh tình yêu thắm thiết của vợ chồng để diễn tả mối liên kết yêu thương giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Giáo Hội được gọi là Hiền Thê của Đức Kitô.
2- Giáo Hội loan báo Đức Kitô
Đức Kitô phục sinh đã trao cho Giáo Hội sứ mệnh giáo huấn, tiên tri, rao giảng Tin Mừng cứu độ. Khi thi hành sứ mệnh và quyền hạn này Giáo Hội luôn được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và nâng đỡ (x. Ga 14,26; Cv 15, 28).
Qua mọi thời đại, Giáo Hội luôn đặt nhiệm vụ rao giảng lên hàng đầu, coi đó như là bản chất của mình. Giáo Hội luôn tin tưởng tiến bước vì chính Đức Kitô đã hứa sẽ tiếp tục ở cùng Giáo Hội “cho đến tận thế” (x.Mt 28, 20). Đức Kitô tiếp tục hiện diện và giảng dạy qua Giáo Hội là Thân Thể, là “bí tích” (dấu chỉ) của Ngài.
3- Giáo Hội thực thi quyền năng của Đức Kitô .
Đức Kitô đã dùng quyền năng của mình để chiến thắng Satan, đem đem sự sống của Thánh Thần cho nhân loại. Đó là quyền năng chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, tha tội, dẹp yên sóng gió thiên nhiên, cho kẻ chết sống lại …
Ngày nay Giáo Hội tiếp tục thể hiện quyền năng của Đức Kitô qua ba nhiệm vụ :
– Nhiệm vụ giáo huấn (tiên tri).
– Nhiệm vụ thánh hoá (tư tế) : tế lễ và cử hành các bí tích.
– Nhiệm vụ lãnh đạo (vương đế) : Giáo Hội có cơ cấu và tổ chức phẩm trật. Giáo Hội vừa có cơ cấu hữu hình vừa có sự sống thiêng liêng là sức mạnh Chúa Thánh Thần luôn tác động bên trong như linh hồn.
Tóm tắt chương 7
– Chỉ có một mình Chúa Giêsu mới có thể chiến thắng tội lỗi và sự chết, vì vậy để có thể thông phần ơn cứu độ, con người phải hiệp nhất với Chúa Giêsu.
– Các phương thế giúp con người thông phần ơn cứu độ : đức tin, đức cậy, đức mến, các bí tích, nhất là rửa tội và Thánh Thể.
– Sự hiệp nhất của mỗi người chúng ta với Chúa Giêsu qui tụ chúng ta nên cộng đoàn Giáo Hội. Thánh Kinh đã dùng nhiều hình ảnh để diễn tả Giáo Hội : Cây nho, Đền thờ, Thân mình, Hiền thê.
– Giáo Hội cũng hiệp nhất với Chúa Giêsu khi tiếp tục sứ vụ của Ngài : Tiên tri, Tư tế và Vương đế.
Câu hỏi thảo luận:
Mỗi Kitô hữu thi hành sứ vụ tiên tri, tư tế, vương đế như thế nào ?